Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, September 14, 2016

THÙY CHÂU VỚI TẬP THƠ “NHỮNG NHÁNH SÔNG ĐỜI” - Châu Thạch





            
                                     Châu Thạch và Thùy Châu
                 


THÙY CHÂU VỚI TẬP THƠ “NHỮNG NHÁNH SÔNG ĐỜI”
                                                                     Châu Thạch

Tháng 3 năm 1975, thành phố Huế thất thủ bởi quân đội miền Bắc. Tôi bị bắt ở cửa Thuận An, bị đưa lên núi Khe Sanh mấy tháng rồi đưa về học tập tại trại Cồn Tiên thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Thời gian ở đây tôi sống khắng khít với một người bạn tên là Nguyễn Văn Lợi. Trong cảnh gian khó, hai chúng tôi yêu thương nhau còn hơn ruội thịt. Lúc đó chúng tôi không biết cà hai đứa đều yêu thơ và làm thơ. Bốn mươi năm sau chúng tôi mới liên lạc được nhau qua email nhờ Lợi thấy ảnh tôi đăng trên trang web. Từ đây ngoài tình bạn ở nơi bị giam giữ chúng tôi có thêm tình bạn thơ nữa. Bút hiệu của Lợi là Thùy Châu và thơ của Thùy Châu cũng nói thay tôi một phần, bởi chúng tôi có nhiều cái chung: chung quê hương Cổ Thành thời trai trẻ, chung trường Nguyễn Hoàng đã tan nát trong mùa hè đỏ lửa, chung một chiến hào và chung chốn giam giữ, chung chòi tranh chỗ nằm, chung mâm khoai sắn, chung tháng ngày gian lao nơi rừng sâu núi thẳm.
Thùy Châu vừa xuất bản tập thơ “Những Nhánh Sông Đời”. Đọc lướt qua thơ, ta hiểu tại sao tác giả dùng cái đầu đề nầy. Nhà thơ quan niệm đời không phải là một dòng sông qua ghềnh qua thác, mà đời còn to rộng hơn, đó là con sông rẽ làm muôn nhánh, mỗi nhánh lại có thăng trầm của nó và tất nhiên sông chảy ra biển rộng bao la chất chứa bao nỗi niềm về quê hương, về tình yêu, về cuộc sống ..v..v. Thùy Châu nói “sông đời cũng rẽ thành muôn nhánh đời” và mỗi nhánh đời như thế cho ta “nước mắt lẫn với nụ cười” trong kiếp phù sinh:

Soi tâm chạm nhánh sông đời
Nhánh đau kỷ niệm nhánh vời tương lai
Nhánh sâu hun hút đường dài
Xót xa kỷ niệm tàn phai sóng ngầm
Nhánh hằng bao nỗi gian truân
Chông chênh số phận phù vân kiếp người.
                          (Những nhánh sông đời)

Quan niệm trên cho ta một kiếp nhân sinh phổ quát lớn rộng và có ý nghĩa hơn quan niệm thường tình. Từ đó nhà thơ cho rằng nỗi buồn đã có sẳn trong sông đời, nó phát xuất tự đầu nguồn và nó nằm sẳn trong bóng trong hình từ cõi u minh, nghĩa là từ khi ta chưa xuất hiện với đời:

Buồn tôi buồn bóng buồn hình
Buồn trong nỗi nhớ buồn tình nhân sinh
Buồn từ trong cõi u minh
Bước ra trắng xóa bình minh cuộc đời
                                          (Buồn Tôi)

Mang tâm hồn nhạy cảm của người thi sĩ, đi qua ghềnh thác của nhiều nhánh sông đời nên thơ Thùy Châu có nhiều nỗi trăn trở. Tác giả viết những bài thơ như “ Trần tình, Ngày xanh ơi, Nhớ người, Nuối tiếc, Phôi pha…” là những day dứt nhớ thương  về một thời tuổi trẻ:

Tôi ước chi một lần được hái
Trái thương yêu, kỷ niệm thuở ban đầu
Trong tận cùng của ký ức thâm sâu
Ngày tháng cũ chất đầy hoa với mộng
                               (Ngày xanh ơi!)

Tình yêu gia đình cũng chất chứa trong con tim thi sĩ. Thùy Châu dành nhiều bài thơ cho những người thân yêu của mình. Đọc những bài thơ như “Viết cho mẹ, Viết cho em, Viết cho con, Đời anh có mẹ có em…” ta cảm nhận “Nhưng nhánh sông đời” đầy bão tố và tình yêu chan chứa của thi nhân đối với gia đình:

Mẹ cho anh một hiện hữu hình hài
Em cho anh một niềm tin cuộc sống
Bên lòng mẹ trời cao biển rộng
Là tình em mời gọi hướng tương lai
                 (Đời anh có mẹ có em)

Thùy Châu là một chiến binh, thơ anh chất chứa nỗi lòng của một quân nhân, một người trai từ biệt mái trường, từ biệt gia đình và người yêu để lao vào cuộc chiến, chứng kiến bao cái chết của đồng đội và cuối cùng thành một tù binh bất đắc chí khi đời còn đang ở tuổi thanh xuân. Những bài thơ như “Một thời chinh chiến, Sau mùa chinh chiến, Uống rượu bên mộ bạn, Một lần thăm mộ bạn, Nhớ bạn…” cho ta muôn vàn sự đồng cảm, khơi lại trong tâm hồn người trai trẻ thời xưa những kỷ niệm vui buồn của đời mình, làm vạch nối cho người trẻ đời nay biết về quá khứ:

Trả lại người vùng tuổi thơ nước mắt
Tôi vào đời bằng lớp áo chinh nhân
Chĩu nặng ba lô từng bước hành quân
Vui áo chiến quên nụ cười thơ dại
                                 (Trần Tình)
Tôi mở vội chiếc poncho nhàu nát
Phủ lên người đồng đội mới ra đi
Lòng quặng đau chẳng biết nói năng gì
Khẽ vuốt mắt cùng nguyện cầu an giấc
                   ( Một thời chinh chiến)
Đời dan dở còn chi đâu tiếc nuối
Rót cho đầy hai đứa trăm phần trăm
Tao cạn ly sao mầy vẫn cứ nằm
Thôi thì để tao nghiêng ly mầy uống
                (Uống rượu bên mộ bạn)

Định cư ở nước người có thể đầy đủ vật chất, nhưng cũng như hàng triệu người xa quê hương, nỗi trăn trở vì thương nhớ quê hương thường bất chợt nổi lên quay quắt trong lòng Thùy Châu. Thùy Châu không khóc than da diết nhưng niềm đau âm ỉ theo suốt nửa cuộc đời còn lại:

Có những lúc tự dưng bất chợt
Nhớ quê hương quay quắt không thôi
Dõi nơi xa biền biệt ở chân trơi
Quê nhà đó biết khi nào trở lại?
          (Người Già Nơi xứ lạ)

Và tất nhiên cũng như bao nhiêu nhà thơ khác, tình yêu dầu kết hợp hay chia ly vẫn đem đến nhiều thăng hoa trong cuộc đời  và làm cho thơ Thùy Châu lung linh trong “Những Nhánh sông Đời”. Tình yêu đầu đời luôn là kỷ niệm đẹp nhất đối với mọi người và trong tâm hồn thi sĩ:

Mười chín yêu kiều tiếng hát chim khuyên
Bước lạ chân em tay động con thuyền
Trôi nhè nhẹ vào dòng sông tình ái
Dâng cho anh trọn mùa xuân con gái
Hai mươi về trên bến đợi vu quy
                     (Những mùa xuân)

Mùa xuân là của tuổi thơ em nhưng thu vẫn là mùa đẹp nhất và thu trong tình yêu vẫn muôn đời cho nhà thơ thương nhớ:

Heo may về lạnh bên sông
Vàng Thu rơi rụng thấy lòng nhớ Thu
Người ơi trong cõi sương mù
Chạnh bâng khuâng nhớ tình thu năm nào!
                                (Chạnh nhớ thu xưa)

Trai gái yêu nhau ở thời đại chinh chiến vẫn có cái thú  mà người trai ở thời nầy không có được:

Ngủ đi em giấc im lìm
Ru  em sẳn tiếng súng chìm trong không
Ngủ đi em giấc xuân nồng
Cho anh ươm mộng tình hong nhạc buồn
Ngủ đi con nước về nguồn
Hỏa châu xin thắp sáng đường tình yêu!
                                                (Ru Em)

Và nỗi đau thất tình của thi nhân cũng đem đến cho đời những vần thơ như nguồn trong trẻo:

Đau từ từng nỗi xôn xao
Đau trong sợi nhớ tình hao tình gầy
Lần tay đếm những vơi đầy
Mân mê kỷ niệm những ngày buồn vui
Mềm môi buông giữ nụ cười
Nghe trong tâm tưởng một trời mộng mơ
                                             (Phôi Pha)
Ai đi góp nhặt màu hoa máu
Kết lại thành thơ kỷ niệm sầu
Câu thơ tôi viết ngày mới lớn
Đi hết cuộc đời vẫn khắc sâu
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Màu máu hoa xưa cánh phương hồng!
                       (Cánh Phượng Hồng)

 “ Những Nhánh Sông Đời” là tiếng thơ của kỷ niệm, là ghi dấu những nhánh sông mà tác giả đã đi qua trong cuộc đời, nên 70 bài thơ đề cập đến nhiều chủ đề trong cuộc sống. Đó là những trải nghiệm vui buồn, trăn trở của một thi nhân trải qua nhiều sóng gió cuộc đời. Tuy thế tiếng thơ trong “Những Nhánh Sông Đời” lại thanh bai và êm ả, không khác chi tiếng ngâm thơ, hòa chung cùng tiếng trúc diễn tả những thác, những ghềnh, những mùa trăng và những cơn mưa bão mà một đêm nào đó ta đã được nghe tiếng tao đàn vọng nguyệt.
Trong khuôn khổ một bài đăng trên trang mạng người viết bình thơ như thắp lên một vài ngọn nến để soi rọi những dòng trong bóng tôi, ai cầm tập thơ lên kẻ ấy sẽ sống cùng nàng ly tao của tác giả. Mong tập thơ nầy sẽ đến tay nhiều bạn đọc ./.

                                                                         Châu Thạch 

No comments: