Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, September 25, 2016

PHIẾM ĐÀM TỪ MỘT CÂU NÓI - Hoàng Đằng


          

                             Tác giả Hoàng Đằng 


            PHIẾM ĐÀM TỪ MỘT CÂU NÓI

Ngày 23/7/2016, trong cuộc họp báo chia xẻ những vấn đề “nóng” hiện nay của nước ta, tân chủ tịch quốc hội  bà Nguyễn thị Kim Ngân, phát biểu – có phần gay gắt: “ … Bảo vệ hòa bình không phải hô hào cho thật to, kích động thế này thế khác là có được chủ quyền; không có đâu! Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ, nhưng những người đó, tổ chức đó làm gì cho đất nước? Chưa làm gì cả.”
Trước đó, cố tổng thống Kennedy, trong bài diễn văn nhâm chức ngày 20/01/1961, có nhắn nhủ dân Mỹ: “Các bạn đừng hỏi đất nước làm được gì cho các bạn. Các bạn hãy hỏi các bạn làm được gì cho đất nước.” (Ask not what your country can do for you. Ask what you can do for your country).
 Trước đó nữa, trong lời huấn thị dành cho thanh niên, sinh viên nhân khai giảng trường Đai Học Nhân Dân Việt Nam ở Hà Nội tháng 01 năm 1955, cố chủ tịch Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Hồ Chí Minh căn dặn: “Phải quan tâm đến việc khôi phục và xây dựng lại nước nhà. Nhiệm vụ của thanh niên … phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà.” (Báo Nhân Dân, số 326 ngày 21/01/1955).

Ba câu nói của ba nhân vật thuộc ba thế hệ có ý nghĩa tương đối giống nhau. Sự giống nhau ấy có thể tình cờ; bình thường thôi! Voltaire (1694 – 1778) – một triết gia Pháp - từng nói: “Những tư tưởng lớn thì gặp nhau” (Les beaux esprits se rencontrent). Không những đôi người có suy nghĩ như nhau  mà trên thế giới, thỉnh thoảng, đó đây, có trường hợp vài người ở rất xa nhau mà mặt mũi, dáng dấp có nét giống nhau; hình ảnh tu sĩ Nguyễn Đức Vân ở thôn 2, xã Lộc Châu, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng giống tổng thống Mỹ Obama là một minh chứng.

              Tổng thống Obama                           Tu sĩ Nguyễn Đức Vân

       Cũng có thể câu phát biểu của người sinh sau chịu ảnh hưởng câu phát biểu của người sinh trước. Thế thì chủ tịch quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân phát biểu lấy cảm hứng từ câu phát biểu trước đó của cố tổng thống Kennedy và cố tổng thống Kennedy phát biểu lấy cảm hứng từ câu phát biểu trước đó của cố chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo quốc gia nào, chính trị gia nào cũng có rất nhiều bài phát biểu; tuy nhiên, những câu nói “để đời” rút ra từ trong những bài phát biểu ấy thì không phải lãnh đạo nào cũng có. Những chính khách nhà nghề, những lãnh đạo quốc gia chịu khó học hỏi thường tự họ hay ban cố vấn của họ tìm những câu phát biểu hay, có sức hấp dẫn quần chúng để tham khảo, đem dùng khi ứng khẩu hay soạn diễn văn.
Rất nhiều việc chúng ta học từ người Âu, người Mỹ vì họ thông minh, tiến bộ hơn hẳn chúng ta trong khoa học, kỹ thuật, tư tưởng, lập ngôn … Nhưng cũng đừng quá tự ti cho rằng chúng ta không có gì đáng cho người Âu, người Mỹ học! Người Âu, người Mỹ vẫn tìm hiểu, học hỏi từ chúng ta, đặc biệt là người Mỹ; hãy xem nội dung những bài nói chuyện trước nhân dân ta của các tổng thống Mỹ: Clinton, Bush, Obama qua thăm nước ta gần đây thì rõ – tất cả những gì hay đẹp, nổi trội của chúng ta đều được nhắc đến.
Có điều cần đào sâu ở đây là khi muốn nói về thực thể “nước”, chủ tịch quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân dùng từ “đất nước”, cố tổng thống Kennedy dùng từ “country” (cũng có nghĩa “đất nước”), riêng cố chủ tịch Hồ Chí Minh dùng từ “nước nhà”.
Thế thì “đất nước” là gì? Thời xửa thời xưa, con người xuất hiện trên trái đất, sự sinh tồn dựa vào “đất” và “nước”; qua quá trình tiến hóa, con người quần cư có tổ chức dựa vào những vùng đất gần nước để phát triển, chỉ có đất mà thiếu nước hay chỉ có nước mà thiếu đât, thì cuộc sống thời ấy khó tạo lập! Từ kép “đất nước” được người Việt sử dụng để chỉ một vùng mà dân cư có cách tổ chức xã hội tương đối như nhau, có liên hệ ít nhiều với nhau về mặt văn hóa, phong tục, tập quán, ngôn ngữ. “Đất nước” trong tiếng Việt tương đương với từ “country” trong tiếng Anh và từ “pays” trong tiếng Pháp; do từ “country” mà có từ “countryside” nghĩa là vùng quê, do từ “pays” mà có từ “paysage” nghĩa là phong cảnh, thế nên từ kép “đất nước” chỉ “nước” nhưng chú trọng cảnh sắc thiên nhiên, ruộng đồng, sông, núi … - nơi nuôi dưỡng nhân dân.
Còn từ kép “nước nhà” là gì? Từ kép “nước nhà” gồm 2 từ đơn “nước” và “nhà”; “nước” là thực thể tập hợp nhiều “nhà”; mỗi “nhà” là một tế bào của “nước”; triết lý của sách Đại Học (Nho giáo) là trị gia tề quốc, có “nhà” mới có “nước”. Trong một cơ thể, các tế bào không bịnh tật thì cơ thể mới khỏe; cũng vậy, nhà có yên thì nước mới ổn.  Từ kép “nước nhà” trong tiếng Việt tương đương với từ kép “quốc gia” trong tiếng Hán Việt, và với từ “nation” trong tiếng Anh hay tiếng Pháp. “Nước nhà” hay “quốc gia” hay “nation” hình thành cần bốn yếu tố: (1) lãnh thổ, (2) nhân dân, (3) chính quyền và (4) sự công nhận của cộng đồng thế giới. Tuy nhiên, từ kép “nước nhà” có âm vang nhẹ nhàng, thân thương hơn “quốc gia”. “Nước nhà” ngầm ý đã có sự sở hữu thuộc về mình, còn “quốc gia” thì không; nói “quốc gia Việt Nam” thì nghe xuôi tai, còn nói “nước nhà Việt Nam” (thêm hai từ Việt Nam để chỉ sự sở hữu) thì nghe không thuận tai lắm. Cố chủ tịch Hồ Chí Minh không dùng từ “đất nước” mà dùng từ “nước nhà” có lý do rất chính đáng – lúc Người phát biểu, trên đất nước Việt Nam có đến 2 nước nhà (quốc gia), Người kêu gọi thanh niên, sinh viên chỉ phụng sự “nước nhà” do Người đang lãnh đạo; đó là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Khác với “đất nước” - thực thể nặng về cảnh sắc thiên nhiên, “quốc gia” là một thực thể nặng về yếu tố chính quyền và sự công nhận từ thế giới. “Đất nước” gợi lên sự trường cữu, còn “quốc gia” gợi lên sự có thể thay đổi. Trong thời nước ta tạm chia ra 2 miền, đất nước ở Bắc hay ở Nam đều là đất nước Việt Nam, còn quốc gia ở miền Bắc và quốc gia ở miền Nam khác nhau; lá cờ của nước là “quốc kỳ” – cờ quốc gia (national flag), bài ca của nước gọi là quốc ca – bài ca của quốc gia (national anthem), nghĩa là mỗi chính quyền có thể có cờ riêng, bài ca riêng.
 “Nước nhà” lại mang nghĩa khác với “nhà nước”; từ kép “nhà nước” hầu như chỉ nhấn mạnh đến bộ máy đang cai trị quốc gia, người ta nói “nhà nước xã hội chủ nghĩa”, “nhà nước phong kiến” tức là nhấn mạnh đến hệ thống chính quyền của quốc gia đang dùng chế độ gì để quản lý lãnh thổ, cai trị nhân dân.
Dù sao, “đất nước” và “nước nhà” đều vang vọng tình cảm thân thương, trìu mến; tuy nhiên, về mức độ kích động lòng người thì từ “đất nước” hay từ “nước nhà” không mạnh bằng từ “tổ quốc”; thế nên hễ muốn nói đến thực thể “nước”, nhiều người thích lạm dụng từ “tổ quốc”; nhạc sĩ Vũ Hoàng trong lời bài hát “Khát Vọng Tổ Quốc” đã dùng từ “tổ quốc” thay từ “đất nước” (country)  trong câu của cố tổng thống Kennedy, chủ tịch quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân và từ “nước nhà” trong câu của cố chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc …” 
Vậy tổ quốc là gì? Tổ quốc là đất nước được nhiều thế hệ dựng xây, gìn giữ, phát triển; tổ quốc có âm vang phảng phất hồn thiêng sông núi, hồn thiêng tiền nhân dựng nước và giữ nước bất kể tiền nhân thuộc dân tộc, chính kiến, tôn giáo, giai cấp xã hội nào; từ “tổ quốc” nặng tính lịch sử. Một người Việt mới được định cư và nhập tịch ở một nước ngoài nào đó, người ấy có thể bảo nước ngoài ấy là quốc gia của mình, thậm chí đất nước của mình chứ không thể gọi là tổ quốc của mình. Chính do tính chất linh thiêng và lịch sử ở từ “tổ quốc” mà nhiều người, nhiều tổ chức, để phục vụ mục đích riêng của mình, sử dụng từ ấy không đúng lúc, không đúng chỗ; thành thử từ “tổ quốc” đôi khi mang ý nghĩa hàm hồ.
Khá khen người Âu, người Mỹ dùng các từ “country” hay “pays” (đất nước), “fatherland” hay “patrie” (tổ quốc) và “nation” (quốc gia – nước nhà) chuẩn hơn người Việt. Tôi chưa đọc hay chưa nghe “fatherland’s flag”, “drapeau de la patrie” (cờ tổ quốc) mà chỉ thấy, chỉ nghe “national flag” và “drapeau national” (cờ quốc gia – national từ nation mà ra), trong khi ở tiếng Việt,  “cờ tổ quốc” là một cụm từ rất bình thường.
Trở lại việc các nhà lãnh đạo nhắc nhủ nhân dân: Tự hỏi mình đã làm gì cho đất nước.
Những điều luận giải sau đây không chỉ liên quan đến riêng Việt Nam mà liên quan đến tất cả các nước trên thế giới.
Một nước phú cường yên ổn bền vững là nhờ mọi người dân góp sức lao động, góp ý xây dựng với nhiệt tình và trí tuệ cao. Tuy nhiên, muốn được thế, chính quyền nước đó, ngoài cái tâm sẵn sàng phục vụ đất nước trong tinh thần chí công vô tư, phải biết sử dụng đúng đắn nguồn nhân lực trong nước.
Việc nước như một cỗ máy, mỗi người dân là một bộ phận của cỗ máy; người lãnh đạo là người thợ máy có trách nhiệm lắp ráp, vận hành và bảo trì cỗ máy; người thợ máy phải rành về kỹ thuật, về công nghệ, lắp ráp các bộ phận cho đúng vị trí; lắp ráp lỗi thì cỗ máy không vận hành được; các bộ phận lắp ráp đúng rồi, lúc vận hành, người thợ máy phải biết vô dầu vô mỡ đúng lúc, nếu không, cỗ máy sẽ chóng hỏng. Cũng vậy, người lãnh đạo quốc gia dùng người không đúng chỗ, biệt đãi người không đúng cách thì việc nước hỏng.
Người lãnh đạo cũng có thể ví như huấn luyện viên trưởng một đội bóng đá, còn nhân dân là các cầu thủ. Huấn luyện viên trưởng phải biết năng lực của từng cầu thủ mà, khi ra trận, sắp xếp cầu thủ nào đá vai nào: ai tiền đạo, ai tiền vệ, ai trung vệ, ai hậu vệ, ai thủ môn; sự sắp xếp đúng của huấn luyện viên mới làm cho đội bóng thi đấu hiệu quả.

Người dân nào cũng mong có công ăn việc làm thích hợp để vừa nuôi sống bản thân, gia đình vừa đem lại lợi ích cho nước. Người lãnh đạo quốc gia phải có chính sách sắp xếp mọi người dân vào đúng công việc theo sức lực, trí tuệ, thể chất, trình độ, sở thích, năng khiếu của họ. Quá lý tưởng đấy! Nhưng được vậy, đất nước mới yên ổn, phát triển. Không thể kêu gọi nhân dân phải tự hỏi làm gì cho nước mà không tạo cơ hội cho họ, mà thi hành chính sách nhân sự không tốt.
Vậy thì người dân có làm gì lợi cho nước, lợi nhiều hay lợi ít tùy thuộc vào người lãnh đạo và bộ máy chính quyền cai trị nước./.

                                                          Hoàng Đằng                                                                   24/9/2016 (24/8/Bính Thân)

No comments: