Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, September 12, 2016

ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN HAI TẬP THƠ “LƯU BÚT MÙA HẠ” VÀ “THƠ TÌNH TUỔI 30” CỦA NHÀ THƠ - THẦY GIÁO PHAN PHỤNG THẠCH - Trần Thị Lệ Quyên





     

    
ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN HAI TẬP THƠ “LƯU BÚT MÙA HẠ” VÀ “THƠ TÌNH TUỔI 30” CỦA NHÀ THƠ - THẦY GIÁO PHAN PHỤNG THẠCH
                                                                                                                                                                           Trần Thị Lệ Quyên


     Đọc “Lưu bút mùa hạ”, ta bắt gặp nỗi niềm cảm xúc của người thầy trong khoảnh khắc hạ về, bâng khuâng thương nhớ bởi giây phút chia xa những học trò thân thương. Đó cũng là sự đồng vọng, là tiếng lòng chung của những người làm nghề đưa đò như chúng tôi, khi những chuyến đò đã cập bến bờ bình yên, ta bỗng thảng thốt nhận ra chỉ còn mình giữa "sân trường nắng hạ". Và quả thực nhà thơ-thầy giáo Phan Phụng Thạch chính là người tình của "sân trường nắng hạ".
    Trong “Lưu bút mùa hạ”, nhà thơ dành cho học trò của mình những ngôn từ thể hiện tình yêu thương trìu mến: với thi nhân, tuổi học trò là tuổi thơ hồng, tuổi thơ ngây, tuổi nhỏ vàng son, thiên thần tuổi nhỏ...vì thế phải nâng niu, trân trọng. “Lưu bút mùa hạ” được viết với những lời thơ dịu dàng, dung dị, dạt dào những cung bậc cảm xúc của nỗi niềm chia tay thầy trò đầy lưu luyến, bịn rịn; đầy tiếc nuối, ngậm ngùi...
Khi nắng hạ trở về trong mắt biếc
Các em rồi trăm đứa sẽ trăm phương
Ta đứng đó giữa muôn ngàn cách biệt
Mắt rưng buồn và hồn cũng mù sương
Hình ảnh thơ với sân trường, áo trắng, hoa phượng, ve sầu...vốn đã thân thuộc, hằn sâu kí ức tuổi học trò mỗi lúc hạ về, nhưng với thi nhân họ Phan, lúc này đây dường như tất cả sự vật ấy đều chất chứa đông đầy nỗi niềm: Lối xưa giờ hoa phượng nở rưng rưng hay hoa phượng tàn theo lá – trơ lại cành khô đứng nhớ thương còn ve sầu cất tiếng hát bi thươngcon  đường đi áo trắng xôn xao...Thật đẹp, dễ thương và đáng yêu biết bao!
Và trong giây phút chia xa ấy, nhà thơ cũng không nén nổi lòng mình bởi những băn khoăn, thấp thỏm, lo âu về dự cảm ngày mai....
Rồi một mai khi mùa thu trở lại
Các em còn về với tuổi thơ hồng?
Hay cuộc chiến đưa các em đi mãi?
Và trường đời sẽ lắm núi nhiều sông
Âu đó cũng là lẽ thường tình, bởi học sinh của thầy năm xưa trưởng thành trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, khi mà ranh giới giữa sự sống - cái chết vô cùng mong manh. Và vì thế nỗi chia xa ấy biết đâu có thể sẽ là sự chia ly vĩnh viễn.
Cùng với dự cảm chia xa, “Lưu bút mùa hạ” còn có nỗi ám ảnh thường trực của thời gian. Viết về mùa hạ nhưng nhà thơ cũng không quên khoảnh khắc mùa thu lá rụng, mùa xuân nắng ấm, hay chút lạnh lẽo của mùa đông. Trong vòng quay nghiệt ngã của thời gian, thi nhân chợt thấy mình "đã quá già", "đã mòn hao". Nếu như xưa nhà thơ Xuân Diệu sợ thời gian bởi thời gian như kẻ thù vô hình có sức mạnh hủy diệt ghê gớm, gợi sự héo úa tàn phai thì Phan Phụng Thạch cũng mang nỗi nuối tiếc ngậm ngùi trước sự thay đổi của đất trời....Nhìn vạn vật hồi sinh, mầm non hé nụ, các em vui đùa ríu rít mà thầy thoáng chút chạnh lòng buồn:
 Các em vui như một bầy chim sẻ
 Trong nắng vàng đang ríu rít đùa bay
 Ta bỗng thấy một thoáng buồn rất nhẹ
 Thoảng qua hồn như chút gió heo may
Nỗi ám ảnh bởi thời gian hay sự chia xa trong thơ, âu cũng bắt nguồn từ trái tim của một người thầy luôn trăn trở vì học sinh thân yêu. Dẫu có thương, có nhớ, có buồn đau thì nhà thơ vẫn gửi trọn lòng mình trong niềm tin yêu hi vọng về một ngày mai cây xanh sẽ đâm chồi nảy lộc.
        Rồi bên nhau các em tìm lẽ sống
        Vui xới tin yêu trên đất của lòng
        Cây sẽ xanh và đâm chồi hi vọng
        Các em cùng ta làm lớn quê hương
Cùng với trang “Lưu bút mùa hạ”, tác giả còn có Thơ tình tuổi 30.
Thế giới thơ tình Phan Phụng Thạch là tình buồn, tình cô đơn vô vọng. Nàng thơ của thi nhân là em - "nàng tiên trong câu chuyện cổ tích hoang đường", là “người tình đã bỏ ta đi”. Vì thế thơ tình Phan Phụng Thạch thấm đẫm nỗi buồn - đau - sầu – thương. Nỗi buồn lan tỏa, xâm chiếm, ngự trị, thấm sâu trong từng lời thơ. Không gian thơ ngập đầy nỗi nhớ nhung, hoài niệm. Hình bóng xưa đã thành ảo vọng, giờ chỉ còn thi nhân u hoài, đau đáu trong men tình ái phôi pha. Phải chăng nỗi ám ảnh về số mệnh, sự chia xa đã khiến nước mắt rỏ đầu ngọn bút.
    Đọc những vần thơ tình Phan Phụng Thạch, có lúc ta tái tê nỗi lòng bởi cái "lạnh" trong hồn thi nhân
Đó là cái lạnh của tuổi vàng:
        Cả một thiên đường đã vỡ tan
        Những niềm vui nhỏ cũng điêu tàn
        Đường em về có mưa trên tóc?
        Có gió mùa đông lạnh tuổi vàng?
Và cái lạnh làm hình hài hóa tượng, tâm hồn hóa đá:
       Thôi đã hết ta chỉ còn ảo tưởng
       Gọi em về ngồi khóc giữa di ngôn
       Ta bây giờ hóa thân thành dáng tượng
       Và buồn thương cũng hóa đá tâm hồn
Có lúc ta thấy mình tan biến ngập chìm trong sương khói bảng lảng mênh mông của cuộc đời. Trong bài thơ "tiễn người về Huế". Từ nỗi hoài niệm, nuối tiếc về một quá khứ vàng son của kinh thành Huế với thành xưa miếu cổ, điện đài ngai vàng, nhà thơ xót xa trước thực tại hoang sơ, lạnh lẽo. Và đằng sau đó là ý niệm về tình yêu - cuộc đời trước những biến thiên dâu bể trầm luân.
         Ta cũng như em một lòng hoài niệm
         Huế một thời của nước ta xưa
         Em thấy đó cuộc đời là dâu bể
         Ôi son vàng sao còn lại hoang sơ
Giống với Hàn Mặc Tử, thơ tình Phan Phụng Thạch có nỗi đau đớn khôn nguôi của một trái tim vỡ vụn vì yêu, có nỗi day dứt khắc khoải ...và cũng có sự vật vã quằn quại của linh hồn trong nỗi đau nhân thế. Phải chăng sự tương đồng cảnh ngộ đã tạo mối giao cảm những hồn thơ?
    Tình yêu của Phan Phụng Thạch là tình yêu dù biết chỉ là yêu em âm thầm không hi vọng  nhưng vẫn chân thành, tha thiết, đắm say. Tình yêu em hòa quyện trong tình yêu quê hương đất nước. Trong sâu thẳm tấc lòng, thi nhân luôn đau đáu được trở về quê hương - mảnh đất Quảng Trị thân yêu. Hình ảnh miền quê ấy đã có lúc hiện lên trong nỗi nhớ khắc khoải, khôn nguôi:
 Hỡi các em buổi học chiều êm ả
 Có bâng khuâng tưởng nhớ một quê nhà?
Và đâu đó còn trong cảm giác lạc loài của người con xa xứ:
         Quê mẹ đó làm sao con về được
         Bởi bây giờ bom đạn đã chia ngăn
         Ngày giỗ cha con ngậm ngùi phương lạ
         Những đau buồn trong ý nghĩ xa xăm
   Trước cảnh đau thương, tang tóc của chiến tranh, nhà thơ vẫn hi vọng, tin tưởng vào sự hồi sinh diệu kì:
         Rồi mai trở lại khung trời cũ
         Chân giẫm lên trên gạch Cổ Thành
         Giữa những hoang tàn ta sẽ nhủ
         Dù sao còn cỏ mọc rất xanh
   Thơ là sự phản ánh chân thật thế giới tâm hồn với những rung động, cảm xúc, nỗi niềm. Tiếng thơ Phan Phụng Thạch là tiếng lòng của tâm hồn anh. Cuộc đời với những mất mát, đau thương đã in dấu vào thơ khiến câu thơ trĩu nặng bởi dư lượng cảm xúc chất chứa dồn dập. Và chính trong sự tận cùng của nỗi đau là sự thăng hoa của nghệ thuật, những vần thơ vút lên diệu vợi, gửi một chút dấu ấn lòng mình giữa cõi nhân gian.
Ta trân trọng nhà thơ - thầy giáo Phan Phụng Thạch ở một tấm lòng và một tâm hồn thơ như thế!
                                                                     Trần Thị Lệ Quyên

No comments: