Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, August 9, 2016

THẦY PHỦ "ĂN PHỞ" - Truyện ngắn của Hoàng Đằng

           
                       Tác giả Hoàng Đằng 



THẦY PHỦ "ĂN PHỞ"

Thầy Phủ đang định cư tại thành phố Đông Hà. Năm nay, thầy 75 tuổi. Cách đây 50 năm, thầy học trường Nguyễn Hoàng trong tỉnh lỵ Quảng Trị. Đậu xong Tú Tài, thầy xin dạy trung học ở một trường quận (huyện). Thời gian thầy đứng lớp khá lâu – 10 năm, cho nên, thầy Phủ mới được dân trong vùng gọi quen là thầy.

Sau 30/4/1975, thầy vẫn được Nhà Nước lưu dung. Tiếc là hoàn cảnh đã không cho phép thầy tiếp tục nghề dạy học. Thầy Phủ lấy vợ sớm, vợ thầy sinh con tương đối dày. Lúc đất nước thống nhất, vợ chồng thầy đã có 5 con, tất cả còn thơ dại. Bà vợ phải ở nhà chăm giữ con, không làm gì ở ngoài mà chỉ nhận hàng từ hợp tác xã may mặc mới lập của phường về làm để kiếm thêm thu nhập. Thầy Phủ một mình làm giáo viên, lương mấy chục đồng không đủ nuôi cả gia đình; thầy xin nghỉ dạy.

Thời ấy, Nhà Nước đang tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng: (1) cách mạng khoa học kỹ thuật, (2) cách mạng văn hóa & tư tưởng, (3) cách mạng quan hệ sản xuất.
Nhà Nước xóa bỏ hình thức làm ăn cá thể, mọi người trong xã hội, tùy theo ngành nghề và sở thích của mình, được khuyến khích vô hợp tác xã; người làm ruộng thì vô hợp tác xã nông nghiệp; người buôn bán thì vô hợp tác xã thương nghiệp …; nghĩa là người biết nghề gì thì vô hợp tác xã nghề ấy.
Thầy Phủ sinh ra trong một gia đình nhiều đời làm thợ mộc - không những bố, ông nội mà cả cố, vãi. Thuở nhỏ, thầy Phủ đi học chữ, tuy nhiên, những dịp hè, thầy về nhà, vẫn tập kéo cưa, đẩy bào, đục lỗ … Thành thử, thầy có biết sơ về nghề mộc.
Thầy rủ anh em thợ mộc trong làng lập hợp tác xã mộc. Thầy tiên đoán với hợp tác xã ngành nghề sẽ dễ kiếm sống hơn với hợp tác xã nông nghiệp.
Mà đúng vậy! Mấy năm liền sau 1975, xã viên các hợp tác xã nông nghiệp phải sống chật vật chưa từng thấy. Xã viên không có ý thức và tập quán làm ăn tập thể dẫn đến năng suất lao động kém; với lại, của cải làm ra ít mà nghĩa vụ phải đóng góp nhiều, phần để tái thiết đất nước sau chiến tranh, phần để chi viện cho 2 mặt trận: mặt trận biên giới phía Bắc với quân bành trướng Trung Quốc và mặt trận biên giới phía Tây Nam với quân quấy rối Khmer Đỏ. Xã viên hợp tác xã nông nghiệp, ở nhiều vụ, ngày công chưa tới 500 gam thóc. Trong khi đó, xã viên hợp tác xã mộc của thầy Phủ ăn chia ngày công đến 40 hay 50 đồng – bằng cả tháng lương của một công nhân viên chức; các thành viên trong mỗi hộ lại được Nhà Nước bán gạo và nhu yếu phẩm theo giá rẻ. Chưa hết, hợp tác xã được chính quyền cấp trên phân cho thị phần (quota) khai thác gỗ rừng; mỗi đợt khai thác, với tài lắt léo mánh mung trong hồ sơ kế toán và ngón kỹ xảo bớt xén trong cưa xẻ, hợp tác xã có phần gỗ dư dôi, xã viên được phần ăn chia số gỗ ấy ngoài sổ sách. Xã viên còn tranh thủ ngày nghỉ, đóng bàn, ghế, tủ, giường … bán riêng, thu nhập thêm. Nhờ thế, thầy Phủ nuôi được cả đàn con ăn học đàng hoàng; ra đời đứa nào cũng có công việc xứng hợp.

Bây giờ, sống trong tuổi già, thầy Phủ được các con trả hiếu, chu cấp thầy có cuộc sống thường ngày tương đối đầy đủ; thầy không làm gì nữa, chỉ việc đi chơi. Người thầy cao, tuy gầy, trông còn khỏe lắm. Thầy ít khi ở nhà, thầy đi đây đi đó trên xe máy; nhiều đoạn đường xa cả 70 km, thầy vẫn không ngán. Mỗi lần thầy muốn đi ra ngoài, thầy để công nhiều vào việc trau diện; mặt mày cạo gọt nhẵn nhụi, trang phục chỉnh chu - từ quần áo ủi li thẳng tắp đến giày, dép đánh xi bóng láng. Trông thầy ngồi trên xe máy, ai cũng không ngờ thầy tuổi đã 75 mà cứ nghĩ thầy khoảng dưới 50.

Hôm ấy, trời đã xế chiều, thầy cỡi chiếc xe máy Sirius màu đỏ đi chơi nhà người bạn ở phường phía trên. Lúc về, tại ngã ba – giao điểm của Quốc Lộ 1 và đường rẽ phải xuống phường 2 – nơi nhà thầy ở, đèn đỏ, thầy dừng xe lại. Từ vỉa hè, một cô gái vừa đưa tay ngoắt vừa gọi thầy:
Anh ơi! Đi mô về rứa? Về nhà em chơi đi! Bữa ni em chuyển về ở dưới ni rồi.
Đèn xanh. Thầy Phủ không dám để xe dừng; xe các loại đang ào ào chạy, còi vang inh ỏi. Xe thầy chạy khoảng 50 mét, thầy cảm thấy áy náy trong lòng; cô gái nào đó muốn bắt chuyện mà thầy chưa trả lời; thầy tạt xe vô ven đường, dừng lại, đưa tay ra dấu cho cô gái tới gần.
Cô gái người dong dỏng cao, mặt che trong chiếc khăn rộng, mình phủ chiếc áo chống nắng, hai tay mang bao mỏng đến tận khuỷu; thầy không nhận ra người, thầy chỉ ngờ ngợ đó là người có lẽ quen biết thầy ở một dịp nào đó.
Thời gian gần đây, trường Nguyễn Hoàng – dù đã bị xóa từ 1975, cứ vài ba năm, tổ chức hội ngộ tại Quảng Trị một lần; các cựu học sinh từ khắp nơi về dự đông lắm, mỗi lần trên dưới 1000 người; lại thêm, hàng tháng, ban liên lạc cựu học sinh Nguyễn Hoàng đang định cư tại Quảng Trị tổ chức gặp nhau đều đặn uống cà phê để kết tình thân ái. Biết đâu cô gái ấy là một đồng môn Nguyễn Hoàng! Cô gái ấy có thể đã 60 hoặc hơn 60 tuổi, nhưng với chất lượng sống cao thời buổi bây giờ cộng thêm trình độ kỹ thuật tiên tiến của các thẩm mỹ viên, cô gái trông còn trẻ, vẫn không có chi ngạc nhiên! Biết đâu cô gái ấy là một học sinh cũ của thầy. Đa số học sinh ra đời rồi vẫn gọi người có dạy mình là thầy, cô; nhưng cũng có số ít, khi hết học, gọi thầy, cô mình là anh, chị.
          Cô gái thấy thầy Phủ ngoắt, vội vàng nhảy lên chiếc xe máy Vision màu cà phê sữa, lái chạy về phía thầy. Thầy chìa bàn tay đón bắt bàn tay cô gái, miệng nở nụ cười, lịch sự nói:
Xin lỗi ai ri hè? Hồi nãy xe cộ chen chúc nhau, tôi không dám dừng hỏi thăm cô; thôi chừ cô ở mô đây? Tôi về thăm cô một chút.
Cô gái nguýt yêu:
Anh quên em rồi à? Thôi tí nữa, tới nhà, rồi biết em là ai, anh hi!
Cô gái cầm tay thầy Phủ thật chặt, rung rung một hồi lâu, rồi đưa xe  ra đường, miệng nói:
Anh đi theo em nghen!
Cô gái cho xe chạy trước dẫn đường, thầy Phủ chạy theo sau, nhắm hướng Bắc dọc Quốc Lộ 1. Thỉnh thoảng, cô gái quay mắt nhìn lui, sợ thầy Phủ không đuổi kịp, lạc lối. Tới ngã ba Cảng, cô gái rẽ vào một con hẽm, thầy Phủ theo vào. Cô gái mở cửa một phòng trọ, bước vào trước, thầy Phủ bước vào sau; cô không quên đưa tay khép hờ cánh cửa lại.
Một cái giường bề ngang rộng khoảng 1 mét, trên trải tấm nệm mỏng phủ chiếc drap màu trắng điểm vài vết ố vàng; đầu giường 2 chiếc gối bao vải trắng có thêu ở giữa mỗi cái một hoa hồng lớn, gối trông nhàu nát, rờn rợn; bên cạnh, một cái tủ table de nuit cũ bằng gỗ màu đen, trên mặt tủ, cái dĩa nhựa lớn với cái ly uống nước nằm úp; hai cái ghế nhựa nhỏ có tựa màu sô-cô-la phủ một lớp bụi mỏng. Cô gái lấy cái áo rách đằn dưới nệm giường, lau vội rồi mời thầy Phủ ngồi.
Cô lột cái bao che mặt, nở nụ cười, hai môi loang lỗ đỏ -  màu son đã bị cái bao mặt làm nhòe đi nhiều chỗ; khuôn mặt trái xoan trắng trẻo, trông cũng “được”! Cô lấy lọ nước hoa trong table de nuit xịt qua trên chiếc drap, mùi thơm thoang thoảng trong không khí. Thầy Phủ cứ chăm nhìn cô, không biết chuyện gì sẽ xảy ra, không biết phải xử trí sao đây; thầy ngồi ngây người, lần bộ nhớ trong não, cố tìm một nét quen nào đó trên khuôn mặt cô gái, liên tưởng đến một đồng môn xưa này, một học trò cũ nọ. Chịu! Thầy cười gượng, đứng dậy, định cáo từ. Cô gái xích chiếc ghế của mình đến sát ghế thầy, đặt tay lên vai thầy, cô trút tâm sự như bị dồn nén đã lâu:
Em ở dưới cửa Việt, em có một quầy bán đồ nhậu hải sản bên bờ biển; hàng năm, đến mùa hè, khách du lịch và khách tắm biển về nhiều lắm, ; mấy năm trước, em kinh doanh khá; tiền vô mỗi ngày 500, 700 nghìn đồng. Nhưng đường tình duyên của em trắc trở; cái nghề của em buộc em phải phục vụ, chiều lòng khách; ngộ lắm anh ơi! Mấy cha làm chi không biết mà mặt mày nung núc mỡ, bụng phệ thề lề mỗi lần vào quán nôốc vài ba két bia thì miệng lè nhè, tay chân quờ quạng, em đi ngang bàn thì tụi hắn níu em lại, đẩy em ngồi trên bắp vế thằng này rồi thằng khác. Người làng thấy vậy, phao tin em bán bia ôm; chồng em đi làm trên tàu viễn dương, mỗi lần về, nghe tin, hắn nổi máu ghen, đánh đập, xỉ mắng em; chịu không nổi, em ra tòa  ly dị; hiện em có đứa con trai 3 tuổi phải nuôi và em giao nó cho bọ mạ em chăm sóc dưới quê …
Thầy Phủ không hiểu mục đích gì mà cô gái thổ lộ chuyện đời cô với mình, thầy ngắt lời:
Tui tưởng cô là người quen, tui ghé thăm cô; té ra không phải, những chuyện cô kể không liên quan gì đến tui.
Thầy Phủ đứng dậy, bước ra cửa; cô gái níu thầy Phú ngồi xuống, mân mê tay thầy, nói tiếp:
Để em kể tiếp cho anh nghe cái đã!  Năm nay, thảm họa cá chết dọc 4 tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế do nhà máy Formosa gì đó ngoài Vũng Áng – Hà Tĩnh thải chất độc gây ra từ tháng 3 Âm Lịch đến giờ; biển vắng tanh, em không mua bán gì được; có người khuyên em lên đây kiếm việc làm có tiền gởi về nuôi con. Em lên đây, thuê phòng trọ này đã nửa tháng rồi, mà chưa kiếm được việc chi hết. Chiều chiều, em thường ra đứng chỗ hồi nãy, thấy anh lên về nhiều lần, không biết sao em có cảm tình với anh và hôm nay bạo miệng mời anh về chơi; mừng là anh đồng ý và giờ thì em được tiếp anh ở đây.
Cô gái ngồi xích lại gần thầy Phủ, đưa bàn tay sờ vào ngực thầy, nói với vẻ quan tâm:
Sao anh gầy dữ ri?
Thầy Phủ trả lời cộc lốc:
Mình gầy khi mô đến chừ.
Bàn tay của cô gái như có dẫn theo luồng điện; tâm trạng thầy dần dần đổi khác, thầy hết xưng “tui” mà xưng “mình”. Cô gái rà tiếp bàn tay xuống bụng; thầy Phủ có cảm giác ngây ngây. Rồi không biết chi xui khiến thầy bỗng nhận ra rằng nếu bàn tay ấy xuống tí nửa, với tuổi 75 này, không chừng bí mật của thầy sẽ lộ và cô gái biết rồi cười nhạo; thầy Phủ đẩy phăng bàn tay cô gái, đứng phắt dậy, giật mạnh cánh cửa, bước ra khỏi phòng.
Cô gái nhanh tay, níu thầy lại, hai người dằng co, cô gái trên thềm, thầy Phủ dưới thềm. Cô gái nói, pha van nài, pha hăm dọa:
Anh cho em tiền cái đã!
Thầy Phủ, mặt đổi màu tím tái, gặn hỏi:
Tiền chi?
Cô gái xẳng giọng:
Tiền em đổ xăng đi đón anh chứ gì nữa!
Thầy Phủ  bực mình, hỏi:
Mấy?
Cô gái dịu giọng, nói yêu:
Rẻ thôi. 50.000. .
Thầy Phủ biết không thể thoát được nơi này. Thầy nghe nói những chỗ như ở đây có thuê lực lượng bảo kê, không chừng bị chúng nó khó dễ, hành hung, rồi vừa đau xác vừa bị thêm thiên hạ cười chê; thôi, “tiếng dữ đồn ba ngày đường”, ôốc dôộc lắm! Thầy đành trả 50.000 rồi cúi đầu dắt xe ra khỏi hẽm.

Chuyện chỉ có thế. Đúng là “bụi tre có con mắt”! Không biết người nào thấy thầy từ phòng trọ ấy đi ra mà phao tin thầy Phủ cũng đi “ăn phở”. Oan cho thầy quá! Nhưng ở đời, những tin đồn thất thiệt ai ngăn được!
Những đứa con thầy biết tính ba của chúng luôn luôn đàng hoàng, nề nếp, không tin chuyện đồn ấy. Riêng bà vợ thầy Phủ 76 tuổi rồi, từ xưa đến giờ, là dân nông thôn, ngây thơ, không hiểu nghĩa tiếng lóng “ăn phở”, bà nói thủng thẳng:
- Ở nhà, ổng ăn uống cực khổ, ổng vô quán ăn phở bồi dưỡng, có chi mà xôn xao rứa hè!

                                                          Hoàng Đằng
                                               09/8/2016 (07/7/Bính Thân)

No comments: