Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, August 1, 2016

THĂM ĐẢO CỒN CỎ - Bút ký của Hoàng Đằng


  Cồn Cỏ nhìn từ xa theo hướng Tây-Đông 


             THĂM ĐẢO CỒN CỎ

Cách bờ biển tỉnh Quảng Trị gần 30 km, nổi lên một hòn đảo.
Từ xa theo hướng Tây Đông, tùy tưởng tượng của người nhìn, đảo có thể trông như một con cọp no mồi, nằm nghỉ, duỗi mình, đầu về hướng Nam, đuôi về hướng Bắc, vì vậy đảo có tên là hòn Con Cọp; đảo cũng có thể trông như một phụ nữ nằm ngửa, đầu hướng về Nam, chân duỗi thẳng về Bắc, bụng nhô cao như ôm một đứa cháu nhỏ đang nằm sấp chồng lên mình, vì vậy đảo còn tên Hòn Mệ. Tên thông dụng nhất của đảo là Cồn Cỏ, có lẽ ngày xưa, ngư dân hoạt động giữa biển khơi, phát hiện ra đảo, ghé vào một phía bờ nào đó có bãi cỏ.

Đã lâu rồi, tôi ngỏ ý với người thân quen muốn đi thăm đảo một lần cho biết. Ngày 23 và 24/7/2016, ý muốn của tôi đã được toại nguyện. Con dâu út của tôi liên lạc với dịch vụ du lịch của Sepon Resort đóng trụ sở ở Cửa Việt mua cho một vé.
Giá vé 1,5 triệu đồng gồm tàu đưa ra, vô + 4 bữa ăn + 1 đêm ngủ nhà khách trên đảo + hướng dẫn tham quan + phí đưa đón trên đảo bằng loại xe “bán tải” – loại xe như xe điện phục vụ ở các khu du lịch nhưng vận hành bằng xăng.
Từ bến tàu Cửa Việt, Sepon Resort tổ chức mỗi tuần 2 chuyến đi đảo bắt đầu từ tháng 4 năm 2016 đến giờ: Một chuyến khởi hành sáng Thứ Tư và về trưa Thứ Năm; một chuyến khởi hành sáng Thứ Bảy và về trưa Chủ Nhật. Giờ rời đất liền xê xích trong khoảng từ 6:30 giờ đến 7 giờ; giờ đến đảo xê xích trong khoảng từ 8:30 giờ đến 9 giờ. Giờ rời đảo khoảng 9 giờ; giờ trở lại đất liền khoảng 11 giờ. Hải trình giữa đất liền và đảo mất khoảng 2 giờ.
Hành khách chưa có vẻ tấp nập, chỉ gồm có bộ đội đi phép, đi công tác, dân ở đảo về thăm nhà, khách du lịch đi tua (tour) theo đoàn.
Tôi được ghép vào đoàn do nhà máy Tinh Bột Sắn ở huyện miền núi Hướng Hóa mời lãnh đạo các xã vùng trồng sắn nguyên liệu đi du lịch như một dịp thưởng công.
Tàu du lịch cỡ nhỏ chở độ 30 người. Chuyến tôi đi ra gặp ngày nắng; tuy nhiên, do gió nhiều, khi mới rời Cửa Việt, con tàu lên xuống như ngựa phi, khi ra giữa khơi, tàu chòng chành, lắc lư qua về. Nhiều người, dù còn trẻ tuổi, say sóng, nôn. Ơn Trời, tôi già cả vẫn không sao, có lẽ nhờ nhai ngậm củ gừng trong miệng, chỉ hơi mệt. Tôi ngẫu hứng 2 câu lục bát:
                Nên đi cho biết đảo Cồn                 
                Cỏ không thấy mấy; say nôn đã đời!
Chuyến về, nhờ ít gió hay nhờ đã quen với đi biển, tôi cảm thấy tàu chạy êm hơn.
Khi tôi bước chân lên đảo, thắc mắc đầu tiên là không thấy bãi cỏ nào trước mắt; anh hướng dẫn viên cho biết có những đám cỏ không lớn hoặc nằm lõm giữa rừng hoặc nằm sát bờ biển ở các phía khác. Đảo chỉ rừng và những công trình xây dựng: doanh trại quân đội, trụ sở  đầy đủ các cơ quan của một đơn vị cấp huyện.



Đảo không rộng, nghe nói trước đây, có diện tích 4 km2, nhưng do xói lở, nay chỉ còn 2,2 km2. Để chận hiện tượng xâm thực thu nhỏ dần đảo, Nhà Nước đã đầu tư xây kè. Tôi không biết đã kè xong quanh đảo chưa, nhưng những đoạn bờ biển được hướng dẫn đi qua, tôi thấy đã có bờ kè.

 
                                                          Hình dáng đảo nhìn từ trên cao

Xin mở ngoặc: Đảo Cồn Cỏ nằm ở vĩ độ 17°05’. Thời xa xưa, đảo chỉ là nơi thuyền đánh cá ngư dân ghé vào nghỉ ngơi. Theo hiệp định Genève, đảo nằm Bắc vĩ tuyến 17, dưới quyền quản lý của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Theo cô hướng dẫn viên ở Phòng Truyền Thống trên đảo, năm 1959, chính quyền miền Bắc mới đưa bộ đội ra đồn trú canh giữ. Trong chiến tranh, chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt ở đảo; một bên là lực lượng bộ đội canh giữ dưới đất và một bên là máy bay quân đội Mỹ trên trời. Trên đảo, hiện có một đài Tưởng Niệm cao ghi tên các anh hùng, liệt sĩ hy sinh. Sau khi thống nhất đất nước, năm 2004, từ một đơn vị trực thuộc xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Linh, Nhà Nước nâng cấp đảo lên đơn vị hành chánh cấp huyện, trực thuộc tỉnh Quảng Trị.
Ngoài các công trình quân sự và hành chánh, trên đảo hiện có 2 xóm nhà dân; những gia đình này là những cặp vợ chồng còn son trẻ, theo tiếng gọi của Nhà Nước, từ các xã của huyện Vĩnh Linh, ra đây định cư từ năm 2002. Nhà Nước đã xây xong thêm một cụm khoảng 10 nhà để đón một số hộ mới, như vậy cư dân trên đảo sẽ tăng lên; theo tài liệu, hiện thời khoảng 400 người. Dân ở đảo chủ yếu làm những công việc phục vụ đảo (điện, nước, nhân viên nhà khách, dọn rác …), sống bằng lương và kinh doanh dịch vụ ăn uống nhỏ ở nhà. Nhà Nước cũng xây xong vào tháng 11 năm 2015 một trường vừa Mầm Non vừa Tiểu Học khá lớn, lấy tên trường Hoa Phong Ba để lo việc học cho các cháu sinh ra trên đảo,
Khu vực có người ở (kể cả quân sự và hành chánh) chiếm chưa tới 1/3 đảo, còn lại là rừng. Nhiều đường nhựa hoặc bê-tông xẻ ngang, xẻ dọc chia rừng ra từng ô. Rừng ở đây không có cây cao, nghe nói có một vài loại cây gỗ tốt như chò chỉ, dầu máu – loại cây, nếu bị chặt vào thân, ra mủ đỏ như máu. Thân cây ở đây khẳng khiu, tán lá, dù xanh tươi, không rộng lắm; chim chóc không thấy, muông thú cũng không thấy; khác hẳn với rừng trong đất liền, thân cây to, cao;  trên cây nhiều chim chóc đua nhau hót khi bình minh lên; dưới đất nhiều loài động vật hoang dã đua nhau gầm rú về đêm. Còn đảo thì lặng lẽ, bình yên!
Hiện tại ở đảo có đàn bò nuôi và dê nuôi, nghe nói, đến trăm con, thức ăn chủ yếu là lá rừng; bò, dê lủi rừng tìm lá ăn, no bụng, ra đứng hay nằm ở các thảm cỏ nhỏ khô cằn, nghỉ ngơi, khát tìm đến cái hồ đào tương đối lớn trữ nước mưa.
Sự vắng bóng các loài động vật hoang dã có lẽ là do thiếu nước ngọt.
Ở đảo, nước giếng đào nhiễm muối, không dùng làm nước sinh hoạt được. Nhà tư cũng như nhà công xây bể lớn hoặc trang bị nhiều citerne hứng nước mưa; khi nào hụt dùng, nước sinh hoạt được tiếp tế từ trong đất liền ra.

                               Ngọn hải đăng ở đảo Cồn Cỏ

Ngọn hải đăng dựng ở địa điểm cao nhất trên đảo, tôi đã leo lên đỉnh hải đăng bằng đường cầu thang xoắn ốc, từ đó, nhìn rõ đảo có hình dáng tương đối tròn.
Đảo không có bãi cát, toàn bãi đá - nhiều bãi như bãi trước Bến Nghè (phía Đông đảo) và bãi trước mặt trụ sở huyện (phía Nam đảo), đá xếp thoải, tắm được - bãi nào nước cũng trong veo, sóng vỗ nhẹ, mắt có thể nhìn cá bơi lội, đẹp lắm! Cái tên Bến Nghè gợi thắc mắc nơi tôi; tôi hỏi hướng dẫn viên, anh này cũng không giải thích thỏa đáng; anh chỉ cho biết ở đây nhà khảo cổ Trần Quốc Vượng đã khám phá ra một ít đồ dùng của người xưa; trước đây nơi đây ngư dân thường ghé vào nghỉ ngơi và trong những năm chiến tranh, tàu thuyền tiếp tế đảo cũng cập bến ở đây. Tôi đoán người ta đã lập cái nghè – cái miếu – để thờ thần bảo hộ cho bến, nên bến mang tên Bến Nghè.
Dù hưởng không khí trong lành và môi trường sống sạch bụi bặm, yên tĩnh, ăn hải sản tươi, người trên đảo không ai béo mập, có lẽ do làm việc nhiều. Bộ đội thì luyện tập, canh gác; dân thì, ngoài việc làm công lãnh lương, tranh thủ thì giờ rảnh rỗi lặn cá, câu mực, mò cua để cải thiện bữa ăn gia đình.
Ngày tôi ở đảo, trời nắng, dù 4 bề lộng gió, vẫn thấy oi bức, khó chịu; đêm trên đảo, tôi nằm trằn trọc, nhức mỏi, ngủ không ngon, không biết có phải vì ngồi trên tàu rồi tắm biển sóng dồi mệt hay vì khí đá bốc lên gây ngột ngạt.
*
*              *
Nhà Nước đang muốn biến đảo thành một địa điểm du lịch. Tốt quá! Như thế, người dân mới có dịp đi ra đây để “nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình” (1).
Tuy nhiên, dưới mắt tôi, còn lắm việc cần làm:
- Làm sao có điện, nước thường xuyên để phục vụ người trên đảo. Nguồn kinh phí để lo việc này không phải nhỏ.
- Các công trình (như nhà khách chẳng hạn) phải được xây dựng hoặc tân trang vững chắc, bắt mắt hơn; tôi thấy các công ốc trên đảo tuổi thọ mới trên dưới 10 năm mà móng, tường đã nứt nẻ, nền đã sụt lún.
- Phải động viên, giáo dục và ra quy định bắt buộc mọi người có mặt trên đảo không xả rác bừa bãi; tôi thấy bao nhựa, chai nhựa, bao thuốc … đã hiện diện hơi nhiều quanh các khu công ốc và ở mé đường quanh đảo, đó đây đã có những bao rác.
- Trong tương lai, hành khách nhiều, tàu từ đất liền ra đảo và ngược lại phải là loại tàu mạnh hơn, tốc độ khá hơn, lướt sóng êm dịu hơn để việc vận chuyển ít bị thời tiết cản trở.
- Mật độ dân số trên đảo, theo tôi nghĩ, không nên đông (không vượt quá mật độ trung bình cả nước 274 người/km2). Nếu dân số quá đông, môi trường đảo sẽ bị xâm hại và với một đảo đá như Cồn Cỏ, sự phát triển sẽ không bền vững, tuột ra khỏi sự quản lý.

Được ra đảo, tôi có nhiều trải nghiệm thú vị, nhiều suy nghĩ bâng quơ, tôi viết ra đây để mời các bạn đọc.
Tôi xin cảm ơn con dâu út đã tài trợ chuyến đi, cảm ơn những bạn đồng hành – cán bộ các xã trồng sắn ở huyện Hướng Hóa – đã quan tâm đến tuổi tác, sức khỏe của tôi: dìu dắt lên xuống tàu, nhường ghế trên xe bán tải đưa đi chơi, gắp miếng béo ngon giùm trong các bữa ăn … và các anh chị hướng dẫn viên tận tình phục vụ với nụ cười luôn tươi trên môi./.

                                                            Hoàng Đằng
                                                       26/7/2016 (23/6/Bính Thân)


(1) “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” của Trịnh Công Sơn.

No comments: