Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, March 31, 2016

LẠM BÀN THÊM VỀ TRANH LUẬN VIỆC BÌNH THƠ - Châu Thạch


 
                    Châu Thạch




LẠM BÀN THÊM VỀ TRANH LUẬN VIỆC BÌNH THƠ
                                                                  Châu Thạch

Thời gian gần đây, trên nhiều trang web trong và ngoài nước có một cuộc tranh luận nhẹ nhàng nhưng cũng gây được hào hứng cho bạn đọc, bạn viết . Châu Thạch tôi xin tường thuật sơ lược  và cũng mạo muội lạm bàn thêm một vài ý kiến chủ quan của mình, mục đích tạo thêm ít phút thư giản cho người thích đọc.
Câu chuyện xảy ra bắc đầu từ việc nhà thơ Phạm Đức Nhì không thống nhất với ý kiến của nhà thơ Nguyễn Khôi về bài thơ Trăng lên của Lưu Trọng Lư. Bài thơ Trăng lên như sau:

Trăng Lên
Vầng trăng lên mái tóc mây
Một hồn thu tạnh mơ say hương nồng
Mắt em là một dòng sông
Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em.

Nhận xét về bài thơ nầy nhà thơ Nguyễn Khôi viết như sau: “ Ý là muốn nói đến sự say đắm si mê của chàng với nàng (đó mới là chung chung chưa rõ ràng), chỉ đến khi Thi sĩ thể hiện bằng hình tượng thơ cụ thể :
Mắt em là một dòng sông
Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em
            (Lưu Trọng Lư)
thì đó đã là một TỨ THƠ độc đáo”

Bằng nhiều lý luận, nhà thơ Phạm Đức Nhì không công nhận ý thơ bày tỏ sự say đắm của chàng trai với cô thiếu nữ mà ngược lại, Phạm Đức Nhì cho rằng ý thơ bày tỏ sự say đắm của thiếu nữ với chàng trai. Phạm Đức Nhì viết: “Theo câu cuối của bài thơ thì cô gái đang thu hút cả bóng hình chàng trai vào đôi mắt - như một dòng sông - của mình, “cho phép” chàng được bơi lặng trong dòng sông ấy, nghĩa là nàng đang nhìn chàng say đắm. Dựa vào cái nhìn say đắm ấy người đọc có thể kết luận mà không sợ sai lầm: tác giả đã nhận biết và đã dùng tài thơ của mình khoe với mọi người “Nàng đã yêu ta đắm say”  và rồi Phạm Đức Nhì kết luận:
“để kết luận ý của bài thơ là “sự say đắm, si mê của chàng với nàng” thì đó là một kết luận không đúng. Ý của bài thơ chính xác ra phải là “Làng nước ơi! Người con gái ấy đã yêu ta đắm say”.

Lạm bàn của Châu Thạch:

 Nhà thơ Phạm Đức Nhì quan niệm như thế cũng có cái lý của nó, tuy nhiên muốn biết chính xác  chúng ta phải xác định được ý thơ trong bài “Trăng lên” của tác giả thể hiện cho lời của người nam hay lời của người nữ. Nếu “Trăng lên” là lời của cô gái thì nhất định là cô ta đã công nhận chàng lọt vào mắt xanh của mình như Phạm Đức Nhì đã nói. Ngược lại, “Trăng lên” là lời của người nam thỉ rỏ ràng người nam chỉ muốn bày tỏ “sự say đắm si mê của chàng” như Nguyễn Khôi đã viết, vì chuyện người nam chỉ nhìn vào mắt cô gái mà khẳng định cô ta đã yêu mình say đắm thì thật ra quá hấp tấp và nếu thật như thế thì cũng chỉ sung sướng ngầm chứ chẳng cần phải hô hoán lên bằng thơ như vậy. Dòng sông thì không phải chỉ có một con thuyền mà có thể có hàng chục, hàng trăm con thuyền bơi lội trong đó, làm sao chàng trai dám quả quyết con thuyền mình chiếm đôc quyền dòng sông ấy ?. Theo thiển ý của tôi  bài thơ “Trăng Lên” là lời của chàng trai, vì nếu là lời của cô gái  thì không bao giờ cô tự ca tụng mắt mình “là một dòng sông” cả.

Câu chuyện chưa chấm dứt ở đây khi nhà thơ Phạm Đức Nhì nhận được một email của khán giả gởi đến với câu phỏng vấn :
“Chào ông PĐN, ông nghĩ sao về nhận định của nhà phê bình văn học Thụy Khuê trong đoạn dưới đây về bài thơ Trăng Lên của Lưu Trọng Lư?”.
 Trong nhận định của Thuỵ Khuê, ngoài những lời ca tụng cái hay của “Trăng Lên” còn có thêm một ý khác lạ như sau: “Thi nhân thường so sánh khuôn mặt đàn bà với vầng trăng. Cái khác lạ ở đây là Lưu Trọng Lư dùng vầng trăng để mường tượng vầng trán người thanh niên nghiêng xuống mái tóc người yêu: hình ảnh "vầng trăng lên mái tóc mây" vô cùng quyến rũ.” Nhà phê bình văn học Thuỵ Khuê còn kéo thêm Vũ Ngọc Phan vào để củng cố lập luận của mình: “. Vũ Ngọc Phan là người đầu tiên khám phá ra hình ảnh ấy, ông viết: "Mượn vầng trăng nhô đầu lên đám mây đen mà tả cái phút ái ân của đôi trai gái trong lúc giáo đầu thì như thế thật là đầy tình, đầy mộng, thật là thanh cao, thật là tuyệt bút" (Nhà Văn Hiện Đại).” rồi  bà nhấn mạnh thêm: “Chữ mây hàm chứa nhiều ý nghĩa: mây là óng mượt như sợi mây (dùng để đan giỏ). mây còn có thể là mây mưa, mây gió. Mây cũng là cung mây, tột đỉnh của hạnh lạc. Lưu Trọng Lư đã đặt hình ảnh: vầng trăng lên mái tóc mây bên cạnh hình ảnh thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em, để lồng ấp hai linh hồn, hai hình hài say đắm, mắt trong mắt, trong khung cảnh tuyệt đỉnh thần tiên, thơ mộng …”
Tất nhiên Nhà thơ Phạm Đức Nhì không bao giờ công nhận tứ thơ nầy. Với bài viết “Trăng lên và phép ẩn dụ toàn bài” Phạm Đức Nhì đã giải thích về phép ẩn dụ và cuối cùng, xin trích một đoạn phản biện của ông như sau: “Nếu hiểu bài Trăng Lên là cảnh ái ân của đôi trai gái thì lúc ấy ngoài lửa tình sẽ còn có lửa dục; mà lửa dục thì phải nói là “nóng như hỏa diệm sơn”. Mắt em không còn “là một dòng sông” trong vắt để có thể in hình “thuyền ta” (1) ở trong ấy nữa vì đã bị mờ đục bởi hơi nóng ngất trời của lửa tình, lửa dục. Và “thuyền ta”, nếu  may mắn, có một tích tắc nào đó lọt vào mắt em thì cũng tròng trành, chao đảo, nghiêng ngửa như đang gặp cơn bão xoáy chứ làm sao có thể “bơi lặng” được.”

Lạm bàn của Châu Thạch:

 Đoạn nầy Châu Thạch tôi đồng ý với Phạm Đức nhì hoàn toàn. Thật ra không có “vầng trăng lên máí tóc mây” được mà chỉ có ánh trăng chiếu trên mái tóc mây thôi, còn vầng trăng thì nó ở xa tít tận phương đông. Khi Lưu Trọng Lư viết “vầng trăng lên mái tóc mây” thì đó chỉ là cái nhìn biểu kiến xuyên qua mái tóc cô gái thấy vầng trăng ở tận trời xa. Nếu dùng mặt trăng để  ám chỉ cái trán của chàng trai thì cái trán đó phải xa mái tóc nàng ngàn vạn dặm. Hơn nữa cái trán đàn ông mà đem ví với vầng trăng thì từ diển tích xưa cho đến nay chắc chẳng mấy ai dùng vì hình dung nó làm xấu đi nét đẹp của đấng nam nhi. “Dùng vầng trăng để mường tượng vầng trán người thanh niên nghiêng xuống mái tóc người yêu” thật ra là một suy diễn cường điệu, vô tình bình cho bài thơ trở nên rất hề vì cô gái sẽ bỏ chạy ngay khi thấy vầng trán như vậy ập xuống đầu mình.

Đồng thời gian nầy có một bài viết của tác giả Nguyễn Bàng mà Phạm Đức Nhì xưng hô là bác Bàng. Bác Bàng sau khi phỏng vấn một cô giúp việc và được cô cho biết cô “thích những bài thơ ngắn gọn, có vần có điệu, nghe êm tai, dễ nhớ dễ thuộc” thì bác Bàng liền bày tỏ quan niệm về đọc thơ như sau:  “Đọc thơ như công chúng, nghe thơ như công chúng thì có cần gì phải học ngữ pháp, không cần phải biết Thi pháp là cái quái gì, cũng không cần biết Tu từ học với những ẩn dụ, những động từ này nọ để cố hiểu cho bằng được bài thơ như các nhà bình tán. Cũng chẳng cần biết thủ pháp mô tê răng rứa gì. Nhà thơ cũng vậy, làm ra thơ để ai thích thì đọc chứ không phải để cho các nhà này nọ mang cách nhìn của mình ra để làm con dao cùn mổ xẻ những con chữ rất đời thường kia.”
 Trả lời bài của bác Nguyễn Bàng, nhà thơ phạm Đức Nhì viết bài “Câu chuyện thưởng thức thơ” trình bày về 3 chức năng của một bài thơ. Đó là chức năng truyền thông chuyền  tải thông điệp, chức năng thẩm mỹ truyền đến người đọc và chức năng nghệ thuật hồn thơ.  Để kết luận Phạm Đức nhì có những ý sau đây:
Một trong những nhiệm vụ của việc bình thơ là nâng tầm thưởng thức của người đọc thơ.”, “Đọc thơ chỉ bằng trí sẽ không thấy hơi nóng của cảm xúc, không “bắt” được hồn thơ, sẽ chẳng bao giờ cảm được cái hay trọn vẹn của thơ. Còn nếu chỉ đọc thơ bằng hồn, không có sự soi sáng của kiến thức thì sẽ như chị giúp việc, một là, lắm khi gặp những tuyệt tác thi ca lại dè bỉu, chê bai, hai là, suốt đời“tự sướng”, sướng mà không biết vì sao mình sướng, miệng ngâm nga những vần thơ “cả đẩn” mà mắt cứ sáng long lanh, mặt rạng rỡ như đóa hoa xuân.”

Lạm bàn của Châu Thạch:

Theo tự điển giải thích, “công chúng” có nghĩa là mọi người. Vậy bác Bàng chỉ phỏng vấn một cô giúp việc mà vội vàng kết luận đó là “đọc thơ như công chúng, nghe thơ như công chúng” thì không chính xác bao giờ. Cô giúp việc chỉ thuộc vào lớp người bình dân ít học chớ không phải công chúng. Công chúng thì có mọi tầng lớp: ít học, có học và trí thức. Lớp người bình dân, ít học dầu đọc thơ, nghe thơ một cách đơn sơ nhưng không phải là họ không có nhu cầu để “thưởng thức thơ trọn vẹn” như Phạm Đức Nhì đã nói. Ngày xưa những người nông dân chân lấm tay bùn thuộc làu Kiều và hiểu Kiều là vì họ được tiếp thu những gì mà giới nho sĩ  chuyển tải đến họ qua trò chuyện, qua tiếp xúc trong làng thôn, trong thân thuộc. Ngày nay các chị giúp việc, các người làm thuê, làm mướn tôi luyện kiến thức, nâng cao cảm nhận qua đài phát thanh, truyền hình và qua mọi giao tiếp giữa đời. Những người thích nghe thơ và thuộc thơ như chị làm vườn của bác Bàng họ luôn luôn có nhu cầu học hỏi và luôn luôn tự học, họ sẳn sàng đứng lại hàng giờ để lắng nghe, “hiểu cho bằng được bài thơ” của “các nhà bình tán”. Chúng ta không phải mới bước vào lớp học đã được dạy cho “cầm dao mổ xẻ những con chữ “ rồi sao? Chúng ta học văn thì thầy giao “cầm con dao mổ xẻ những con chữ” trong các bài thơ, bài văn cho ta bắt chước, đó chính là tri thức của thầy dạy ta làm người . Chúng ta làm bài tập làm văn là chúng ta tập “mổ xẻ nhưng con chữ” mà thầy giao ra đề cho ta để cho ta tập làm văn mà cũng tập làm người . Vậy sao bây giờ chúng ta lại đề cao cái “không cần phải học ngữ pháp. Không cần phải biết thi pháp là cái quái gì, cũng không cần biết cái tu từ học với ẩn dụ” là sao? Rồi chúng ta kết tội nhưng người nghiên cứu những cái đó, phổ biến những cái đó là “làm con dao cùn mổ xẻ những con chữ rất đời thường kia” thì có bất công lắm không? Người “cầm con dao để mổ xẻ con chữ” có khi nhẹ tay, có khi nặng tay, có khi vấp phạm nhưng tôi  nghĩ nếu không có những người đó thì những áng văn chương bất hủ cũng sẽ mai một với thời gian vì nhờ họ mà những ý thơ, tứ thơ hay trong các áng văn chương, trong các câu ca dao bóng bẩy được truyền tụng bằng miệng, được ghi chép bằng sách cho đời nầy qua đời khác, nâng cao trình độ cảm nhận của quần chúng là đủ mọi lớp người. Những nhà phê bình văn thơ cũng chỉ nói giùm cho công chúng nhưng diều mà công chúng thích thú nhưng vì thiếu năng khiếu trời cho để viết nên họ chỉ cảm thụ trong lòng mà không diễn đạt được, khi đọc được nhưng lời bình luận trúng ý họ, họ vô cùng sung sướng. Tôi đã từng thấy những bác xe ôm nhảy cởn lên cười ha hả khi tôi giải thích cho họ hiểu một tứ thơ thâm thuý tiềm ẩn trong câu thơ nào đó ./.
                                                                         Châu Thạch     

READ MORE - LẠM BÀN THÊM VỀ TRANH LUẬN VIỆC BÌNH THƠ - Châu Thạch

Wednesday, March 30, 2016

RU EM TÌNH ĐẮM XUÂN MƠ - Thơ Nhật Quang


           Nhật Quang


RU EM TÌNH ĐẮM XUÂN MƠ

Thầm thì ru đắm Xuân mơ
Rót vào sương đẫm mềm tơ nắng vàng
Trời nghiêng mây trắng lang thang
Em nghiêng vạt tóc mượt màng hong Xuân

Dáng hoa thanh thoát giai nhân
Môi ngoan lúng liếng, thơm ngần nét duyên
Gío hôn má lúm trinh nguyên
Mây vương nét thắm nhu hiền, dấu yêu

Bướm hoa lơi lả hương chiều
Ngẩn ngơ mắt ướt, liêu xiêu lối về
Xanh lên nụ biếc đam mê
Vàng rơi lưu luyến, lịm tê ngõ hồn

Nắng phai gió nhẹ dỗi hờn
Lơ thơ tím rụng hoàng hôn bên lòng
Lâng lâng tình cõi phiêu bồng
Ngọt môi hôn đã say nồng giấc Xuân.

                                    Nhật Quang
                                     (Sài Gòn)

READ MORE - RU EM TÌNH ĐẮM XUÂN MƠ - Thơ Nhật Quang

TIẾNG LÒNG TRONG “CO VÀO KÍ ỨC” - Phan Trang Hy




TIẾNG LÒNG TRONG “CO VÀO KÍ ỨC”

Phan Trang Hy


Cái tình của văn chương muôn đời là cái tình của tri âm, tri kỉ. Cái tình ấy có thể chợt đến, rồi đi, nhưng rồi cũng để lại ấn tượng nào đó trong “cõi người ta” này. Cầm trên tay tuyển tập thơ “Co vào kí ức” (Nxb Thanh niên, 2016) của ba nhà thơ là Hàn Quốc Sinh, Chiêu Dương và Hàn Quốc Vũ, rồi đọc, và theo tôi, cái đọng lại trong tôi là tình yêu và sự chiêm nghiệm của lòng thơ.
Trước tiên, tình yêu trong “Co vào kí ức” là những hoài niệm, nhớ thương, là một thời khắc khoải tim yêu, là những mong chờ dáng mộng. Mãi tình yêu cứ đẹp, cứ sầu:

Tình yêu như chiếc lá vàng mỏng mảnh
Lòng giếng sâu e héo úa trăng ngà
Anh thảng thốt nghe tiếng cười nửa miệng
Mộng tắt đời nghiêng, buồn đến xót xa!”
(Thương nhớ, tr23)

Nói đến tình yêu là nói đến tiếng lòng mãi dễ gì quên mối tình thơ ngây con gái, đâu dễ gì quên mối tình tuổi ngọc, tuổi ngà? Sợ ai kia, sợ tình kia có còn? Sợ ai kia lãng quên một khối tình trong kí ức: “Ai sẽ mang hoa về/ Mùi hương em gái hoa?/ Ai sẽ đem nụ cười/ Cài trong trái tim em/ Ai sẽ đem bình minh/ Gieo tình ánh mắt ấy/ Xóa mờ đường đã qua/ Xóa phép màu nhung nhớ/ Tình ơi! Ta đi thật rồi.” (Lãng quên hoa quỳnh, tr 115)

Vẫn là quỳnh hoa một thuở. Vẫn là một thuở yêu nhau còn đọng lại hương thơm của quỳnh, hương thơm của đời như mộng: “Em về ngủ men say/ Hương đời ru hương quỳnh/ Làm tan ra rượu em/ Múa quay cuồng thâu đêm/ Biết em sau mùa quỳnh/ Nhạc hóa lòng em/ Trắng trinh/ Trắng trinh/ Sao tượng đá em buồn?” (Lặng lẽ hoa quỳnh, tr 127)

Còn trong “Vách đá lòng anh”, “cái tình” quả là “cái chi chi” của anh, của em, của những kẻ yêu nhau, nhưng… Cũng bởi chữ “nhưng” ngăn cách. Không biết ai trách sự cách ngăn ấy. Như là em đang trách em? Như là anh đang tự trách anh? “Ta hơn em cuộc đời/ Ta thua em cuộc tình/ Quay quắt buồn quay quắt che ngang/ Nụ cười kia nụ buồn cháy rụi/ Thiêu hồn chúng mình tan chảy đến vô duyên” (tr 104)

Đâu phải tự trách chính mình, đâu phải tự trách nhau. Trách gì nhau khi tình chưa trọn. Mà ở đời này có cái gì trọn vẹn đâu mà trách, mà hờn. Thôi thì lặng câm, nếu được: “Chợt sững sờ về lại bến sông xưa/ Trả lại nửa đời bỏng rát/ Tình thầm chưa dám ngỏ/ Lặng câm” (Lặng câm, tr 30)

Khi yêu, mấy ai muốn xa nhau. Khi yêu, anh cứ ngỡ cùng em là một, và em cũng tin rằng em và anh “tuy hai mà một”. Cả em, cả anh đều muốn tan vào nhau như ánh sáng huyền diệu của thiên hà trên kia, như dòng hơi thở bồng bềnh cột chặt em vào anh. Biết là thế, biết là “Tình dù không phân giới”, thế mà “Sao cười khóc vỡ thiên hà?”. Để rồi, biết rằng yêu là cam chịu:

Ôm vũ trụ em chới với,
Lòng anh vũ trụ lạc loài!
Bao la dõi hoài không tới,
Khung trời sâu thẳm chia hai!”
(Hai vũ trụ, tr 78)

Cái thuở yêu, ai đã, đang và sẽ yêu thì đâu quên được cái bổi hổi bồi hồi, cái xao xuyến của “thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Rồi, cái hồn thơ, cái hồn được yêu, thèm yêu như bay bổng, như chơi vơi, như “chếnh choáng” trong cõi yêu: “Hồn tôi chếnh choáng đi lạc lối/ Đến tận khu vườn tuyệt mật kia/ Trời ơi! Thảng thốt lời chưa nói/ Môi cứ run khúc nhạc đầm đìa.” (Hình như, tr 37).

Không những trải lòng bởi chữ yêu muôn thuở, mà “Co vào kí ức” còn thể hiện chiêm nghiệm của những tâm hồn đớn đau cho phận người.

Đời người theo vòng sinh tử của tạo hóa, có khác chi hoa nở rồi tàn, có khác chi đêm rồi ngày theo những biến thiên của đất trời, theo biến thiên của hô hấp, của từng sát na huyền nhiệm:

Cuộc đời biến thiên hàm số phôi pha huyền nhiệm,
Ta giăng màn ngang mắt,
Mặc thế nhân!
Nhìn hoa búp – nở,
Nở - búp,
Trẻ tu oa,
Người khóc chết,
Mơ hồ!
Cuộc vô thường,
Ai hay?”
(Cuộc vô thường, tr 47)

Qua bao biến thiên cuộc đời, mới ngộ ra kiếp người là hữu hạn. Là “con ong cuộc đời” hiểu được chất ngọt của hoa. Nhưng, mấy khi hiểu được chất ngọt của “hoa quỳnh”, “hoa của mê say”. Biết bao loài hoa trên đời này, nhưng dễ gì làm “con ong” để thưởng thức hương “hoa quỳnh” trọn vẹn? Thôi thì, phải chấp nhận như là duyên kiếp chốn trần ai: “Đời tôi bước qua/ Bao thành phố lớn/ Núi non gập ghềnh/ Ai khổ, ai hơn/ Thì thôi nhé em/ Nhé em/ Nhé em đừng buồn” (Con ong, tr 124)

Đời buồn vui là vậy. Có qua kiếp buồn mới hiểu trọn niềm vui. Có qua hoan lạc mới sống trọn vẹn đắng cay, niềm đau của kiếp người mộng mị: “Kia mây trời mênh mông/ Xin lòng em mở rộng/ Thả nỗi niềm bay đi/ Thả ngục tù khắc khổ/ Gió thênh thang cười đùa” (Vui ve sầu, tr 133)

Và có qua buồn thương, tiếc nhớ mới thấy được tâm hồn đọng lại những gì, mới cảm nhận được tình người, tình yêu trong cuộc sống. Thời gian thành vết cứa trong lòng, thành nỗi nhớ thương khôn nguôi: “Thời gian rụng xuống cuộc đời/ Làm chao nỗi nhớ đầy vơi tiếng buồn/ Xin em đừng để mưa tuôn/ Cho anh chết dưới đêm sương lạnh lùng.” (Thời gian rụng, tr 19)
Trong bài “Hào quang tâm linh” (tr 56), Chiêu Dương đã thú nhận như con chiên quỳ trước Chúa sám hối, để hưởng ân phước tắm gội tâm hồn “cằn cỗi” như “sa mạc”:

Ân tình chi tâm hồn tỉ năm chai đá?
Văn minh về những cuộc đời hoang hóa?
Vầng dương nghệ thuật nhân sinh,
Chờ hào quang tâm linh soi rạng rỡ
Tình đời!”

Cũng thế, trong “Một mai hiu quạnh” (tr 128), Hàn Quốc Vũ như đã qua cuộc đời này từ trong tiền kiếp:

Một mai tôi bước qua cuộc đời
Hiu quạnh nào, chỉ dấu chân tôi
Một mai tôi trả hơi thở này
Thân bụi liền vùi xuống lãng quên”.

Để rồi qua những thác ghềnh của cuộc đời, của tình yêu, của những nhớ thương, của kiếp người muôn thuở, tiếng lòng lại tỏa lên đóa hoa mơ mộng, tỏa lên ánh vàng bình yên như Hàn Quốc Sinh trong “Co vào kí ức” (tr 27):

Bao yên ắng sắc vàng bình lặng
Có ai hay dòng đời nghiệt ngã
Co vào kí ức mơ trăng”.

Co vào kí ức” là tuyển tập thơ của ba người đồng điệu, đồng cảm, đồng tâm cất lên tiếng lòng thi ca là Hàn Quốc Sinh, Chiêu Dương, Hàn Quốc Vũ. Tuy rằng, có chỗ hình ảnh, cấu trúc, âm điệu thơ người này cảm, người kia không, nhưng đáng quý là tập thơ đã thể hiện khát vọng cháy bỏng muốn cống hiến tâm tình thơ đến với bạn đọc.

Tháng 2/2016


Phan Trang Hy
READ MORE - TIẾNG LÒNG TRONG “CO VÀO KÍ ỨC” - Phan Trang Hy

MƠ VỀ THẠCH HÃN - thơ Hồ Văn Chi


Tác giả Hồ Văn Chi


MƠ VỀ THẠCH HÃN

Hồ Văn Chi



" Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm..."         (1)



Lời ai day dứt tháng năm

Trong mơ, tôi trở lại thăm nơi này...

Một vùng cỏ cháy lắt lay

Khói bom lãng đãng phủ dày mặt sông

Dậy trời tiếng thét xung phong

Bom vùi, pháo dập...nhuốm hồng bùn non!

Linh thiêng, hỡi những linh hồn

Hoà trong sóng nước vỗ dồn ngàn năm!  (2)

Mênh mang, hỡi ánh trăng rằm

Hãy soi sáng tới chỗ nằm các anh

Sông ơi, xin chớ trôi nhanh

Dập dờn sóng nước, dập dềnh đò đưa

Hoà cùng gió thoảng rặng dừa

Ru các anh ngủ say sưa tháng ngày...



Hết rồi, cỏ cháy lắt lay

Hết rồi, bom đạn đan dày mặt sông!

Hàng dừa soi bóng xanh trong

Các anh yên giấc giữa dòng bình an!



                            2015. HVC

-----------------------------------

(1): Thơ Lê Bá Dương

(2): Ý thơ Lê Bá Dương

 Họ và tên: Hồ Văn Chi
Bút danh: Hữu Chí, Văn Chi.
Sinh năm 1945.
Quê quán: Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An
Thường trú:: Đà Nẵng.
Nghề nghiệp: Kỹ sư xây dựng
Nguyên Phó Tổng giám đốc Cienco5; Bộ GTVT
Hội Viên CLB thơ Việt Nam, tp Đà Nẵng
UVCH Chi hội thơ Đường luật Đà Nẵng.
Hội viên Trung tâm UNESCO bảo tồn văn hóa Việt Nam.
Email: <hosychi0101@gmail.com>

***
Lần đầu gởi cho VNQT.

READ MORE - MƠ VỀ THẠCH HÃN - thơ Hồ Văn Chi

VỀ ĐÂU? ĐI VỀ ĐÂU??? - Thơ Vũ Phúc



                      Tác giả Vũ Phúc


VỀ ĐÂU? ĐI VỀ ĐÂU???
 
Từ chốn hn mang mờ mờ mịt mịt
Tôi trồi ra chào vầng dương bằng tiếng khóc
Đón nhận cuốn sổ đời : tốt, xấu, nhục, vinh
Cứ buồn vui lẫn quẫn cuộc nhân sinh
Quên hết đêm, lại ngày, ngày và đêm tiếp nối
Quên thế giới Ta bà tạm cho tôi hiện hữu
Quên đời người có biên hạn trăm năm
Tôi cứ tiêu, cứ xài, cứ phung phí từng đồng xu thời khắc
Cho giận hờn, cho yêu ghét, nhớ thương
Mãi ngu ngơ thách đố cuộc vô thường
Lao vào gai nhọn
Lồng ngực vỡ toang 
Như "con chim ẩn mình chờ chết"
Năng hạnh phúc li ti theo kẻ lá
Mưa oan khiên theo điệu vũ của thế gian
Sóng dập dồn cho chiều lên màu tím
Bão nghiêng đêm xô lệch cả gối chăn
Cụm lục bình phút giây hồn lạc bến
Bỏ quên đời theo bọt nước phù sinh
Lão ngựa già hý vang trong tàu kín
Ấm ức lòng: thương nhớ thảo nguyên xanh
Quo vadis?
Về đâu? đi về đâu??? 


VŨ PHÚC
READ MORE - VỀ ĐÂU? ĐI VỀ ĐÂU??? - Thơ Vũ Phúc

KHỜ - Thơ Đặng Xuân Xuyến





KHỜ 

Người đi vá víu nụ cười 
Tôi hong tơ ướt cũng mười năm nay 
Khật khừ say tỉnh tỉnh say 
Cứ ngu ngơ đợi heo may trái mùa.

Hà Nội, 18 tháng 11.2015
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
READ MORE - KHỜ - Thơ Đặng Xuân Xuyến

Tuesday, March 29, 2016

CÂU CHUYỆN THƯỞNG THỨC THƠ - Phạm Đức Nhì



         Tác giả Phạm Đức Nhì


Bài 1

           CÂU CHUYỆN THƯỞNG THỨC THƠ

Từ Những Bản Nhạc Sến Và Những Bài Thơ “Cải Lương”

Di cư vào Nam gia đình tôi thuộc loại nghèo nhất họ nên phiêu bạt khắp “bốn vùng chiến thuật”. Từ Quảng Ngãi nhảy vào Mỹ Tho rồi chạy ra Ban Mê Thuột. Cuối cùng an cư ở Hốc Môn – Bà Điểm, nổi danh 18 thôn vườn trầu. Thời niên thiếu của tôi, do cảnh nghèo, nên rất gần gũi với nhạc sến. Trông em, làm việc nhà, vui đùa với chúng bạn cũng hát, cũng nghe nhạc sến; cả lúc ăn lúc ngủ nhạc sến cũng văng vẳng bên tai. Trong những buổi văn nghệ ở lớp, ở trường (trung học), trong những cuộc họp mặt bạn bè tôi đều được mời hát. Và tôi chỉ hát nhạc sến. Có thể nói nhạc sến đã thấm rất sâu đậm vào tâm hồn tôi.
Với thơ thì đỡ hơn. Tôi có bà mẹ ít học nhưng lại rất thuộc Kiều và ca dao. Tôi lại là con trưởng nên nghe mẹ tôi hát ru liên tiếp 7 đứa em vốn Kiều và ca dao trong tôi cũng khá. Nhưng bạn học và những cô láng giềng lại đưa vào hồn tôi những câu thơ như:

Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm
Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu
Chiếu này tôi chẳng bán đâu
 Tìm cô không gặp tui gối đầu mỗi đêm 
                         (Tình Anh Bán Chiếu)

Và:

Đừng sợ bỏ cuộc đời tươi đẹp
Cô độc lang thang dưới suối vàng
Một mai em chết anh cũng chết
Hai đứa mình chung một áo quan 
                  (không biết xuất xứ)

Chữ nghĩa thì được nhưng ý thì “cải lương” hết biết. Và cứ thế “gu” thưởng thức thơ của tôi bị giằng co giữa một bên là thơ “văn học nghệ thuật” và bên kia là thơ thuộc trường phái “cải lương”. Cũng nhờ lên Sài Gòn học đại học, được mấy bà chị họ tận tình dìu dắt, chỉ bào, lại hàng ngày tiếp xúc với đám bạn bè thành phố, tôi dần dần xa lánh những lời nhạc, những vần thơ rất đơn giản, dễ thấm vào hồn nhưng để ý kỹ thì hơi “cả đẩn”.


Đến Câu Chuyện Thưởng Thức Thơ Của Bác Nguyễn Bàng

Bác Bàng kể rằng:
Sang nhà ông bạn già hàng xóm chơi, thấy cô giúp việc vừa lau nhà vừa khe khẽ hát:
Hoa chanh nở giữa vườn chanh.
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Được biết cô giúp việc này người dưới quê Nam Định nhưng nom không thấy một dấu vết chân quê nào còn đọng lại ở người đàn bà đã ngoài 50 tuổi.
Khi đã được ông bạn mời vào nhà lại thấy cô giúp việc đem phích nước sôi từ nhà bếp lên để chủ nhân pha trà mời khách, bèn hỏi cô:
- Ban nãy nghe cô hát rất hay. Cô có biết bài hát đó của ai làm ra không?
- Dạ thưa, không ạ! Mà thưa với hai ông, biết ai làm ra bài hát này cũng chẳng để làm gì. Khi rỗi việc cháu hay nghe đĩa nhạc ở phòng riêng, thấy bài nào hay hay thì cháu bắt chước hát theo, lâu dần thì thuộc ít nhiều thôi ạ!
- Thế cô có thích nghe ngâm thơ không?
- Dạ có! Hồi còn ở quê, bố cháu hay nghe đài về đêm, mỗi khi thấy các cô trên đài ngâm thơ cháu rất thích và cũng học lỏm được ít câu.
- Cô đã bao giờ làm thơ chưa?
- Dạ, ông cứ đùa cháu. Cháu sao mà làm thơ được. Phải là những thần đồng như Trần Đăng Khoa hay những người tài giỏi như Hồ Chủ Tịch, như ông Tố Hữu thì mới làm thơ được chứ ạ. Cháu chỉ thích thơ thôi. Hồi học cấp 1 cấp 2, các thày cô dạy nhiều thơ của ông Tố Hữu lắm, dạy xong bài nào bắt chúng cháu phải học thuộc lòng bài đó. Cháu sợ bị kiểm tra, học như chó gặm xương mãi mới thuộc nhưng ít lâu sau thì quên béng luôn. Nghe thơ trên đài thích hơn vì mình không phải đọc mà giọng ngâm lại hay, thêm nữa chẳng lo phải học thuộc lòng, thấy bài nào hay hay thì cố học cho nhớ được vài câu để khi thấy hợp lòng mình thì ngâm ngợi lại cho thích.
- Những bài thơ hay hay mà cô thích là thế nào?
- Dạ, theo cháu thì đó là những bài ngắn gọn, có vần có điệu, nghe êm tai, dễ nhớ dễ thuộc và cháu cảm thấy với mình nó là rất hay, thích lắm!
Và bác Nguyễn Bàng hiên ngang kết luận:
Đọc thơ như công chúng, nghe thơ như công chúng thì có cần gì phải học ngữ pháp, không cần phải biết Thi pháp là cái quái gì, cũng không cần biết Tu từ học với những ẩn dụ, những động từ này nọ để cố hiểu cho bằng được bài thơ như các nhà bình tán. Cũng chẳng cần biết thủ pháp mô tê răng rứa gì. Nhà thơ cũng vậy, làm ra thơ để ai thích thì đọc chứ không phải để cho các nhà này nọ mang cách nhìn của mình ra để làm con dao cùn mổ xẻ những con chữ rất đời thường kia. 

Sau đây là ý kiến của tôi về câu chuyện trên:
Một bài thơ có 3 chức năng như sau:
1/ Chức năng truyền thông: chuyển tải thông điệp (tứ thơ) đến người đọc.
2/ Chức năng thẩm mỹ: truyền đến người đọc cái đẹp của văn chương gồm câu chữ, hình ảnh, thế trận chữ nghĩa, các biện pháp tu từ. Cái đẹp ở đây do kiến thức, kỹ thuật, nói chung là “tay nghề” của tác giả trong “chế tạo thơ ca” mà có.
3/ Chức năng nghệ thuật: hồn thơ. Thi hứng càng cao, càng dạt dào thì hồn thơ càng lai láng. Nhiệm vụ lớn nhất, cao cả nhất của bài thơ là truyền được cái cảm xúc dạt dào trong lòng tác giả đến người đọc, để mong có được sự đồng cảm với người đọc.
Bởi thế nếu không “bắt” được tứ thơ, không hiểu được nét đẹp của văn chương chữ nghĩa mà chỉ “mang máng” rồi “nghe hơi bắc nồi chõ” thì làm sao cảm được hồn thơ. Còn nói như chị giúp việc:
Dạ, theo cháu thì đó là những bài ngắn gọn, có vần có điệu, nghe êm tai, dễ nhớ dễ thuộc và cháu cảm thấy với mình nó là rất hay, thích lắm!”
thì cái thích ấy, cái sướng ấy chỉ là “cái tự sướng” của những kẻ “ngu si hưởng thái bình”. Chúng ta không trách gì chị giúp việc ấy và hàng vô số những người thưởng thức thơ như chị. Trong thế giới thi ca họ là những kẻ tội nghiệp, đáng thương. Chúng ta thương họ vì do hoàn cảnh, tầm hiểu biết của họ chỉ có thế. Nhưng còn biết bao người yêu thơ khác, bước vào vườn thơ với tư thế khác, đẳng cấp khác, hàng triệu học sinh bước vào giờ Việt Văn để tìm học nét đẹp của văn chương thi phú với đủ loại trình độ khác nhau. Họ không bằng lòng với trình độ thưởng thức đang có mà muốn học hỏi để vươn lên. Mà vườn thơ thì mênh mông. Muốn viết một câu thơ, một lời bình lắm khi phải tra cứu mỏi tay, mỏi mắt, phải dựa vào những nhà phê bình tiếng tăm, uy tín. Bác Nguyễn Bàng viết “Đọc thơ như công chúng, nghe thơ như công chúng thì có cần gì phải học ngữ pháp, không cần phải biết thi pháp là cái quái gì, cũng không cần biết tu từ học với những ẩn dụ, những động từ này nọ để cố hiểu cho bằng được bài thơ như các nhà bình tán. Cũng chẳng cần biết thủ pháp mô tê răng rứa gì. Nhà thơ cũng vậy, làm ra thơ để ai thích thì đọc chứ không phải để cho các nhà này nọ mang cách nhìn của mình ra để làm con dao cùn mổ xẻ những con chữ rất đời thường kia.” nghĩa là bác không cần phân tích xem cách nhìn của người này, người nọ đúng sai thế nào mà lại dè bỉu, chê trách chính công việc phê bình. Theo tôi, câu cuối phải viết: “Nhà thơ, làm ra thơ để ai thích đọc thì đọc và ai thích phê bình thì cứ việc phê bình mới hợp lý lẽ và thực tế. Như vậy, đoạn văn trên của bác Bàng hơi bị sai. Không! Phải nói là sai hơi bị nhiều mới đúng. Mà lại là cái sai lớn, cái sai căn bản trong việc đối thoại văn chương mới đáng tiếc.
Kết Luận
Một trong những nhiệm vụ của việc bình thơ là nâng tầm thưởng thức của người đọc thơ. Có tý hiểu biết về kỹ thuật, kinh nghiệm bếp núc, các tiêu chí thẩm định giá trị thơ ca, người đọc sẽ không còn ù ù cạc cạc khi nghe hoặc ngâm nga những vần thơ ưa thích mà sẽ tự tin hơn, sảng khoái hơn khi thả hồn vào dòng thơ. Đọc thơ chỉ bằng trí sẽ không thấy hơi nóng của cảm xúc, không “bắt” được hồn thơ, sẽ chẳng bao giờ cảm được cái hay trọn vẹn của thơ. Còn nếu chỉ đọc thơ bằng hồn, không có sự soi sáng của kiến thức thì sẽ như chị giúp việc, một là, lắm khi gặp những tuyệt tác thi ca lại dè bỉu, chê bai, hai là, suốt đời“tự sướng”, sướng mà không biết vì sao mình sướng, miệng ngâm nga những vần thơ “cả đẩn” mà mắt cứ sáng long lanh, mặt rạng rỡ như đóa hoa xuân. Đó là cái sướng của những kẻ “ngu si hưởng thái bình” rất tội nghiệp, rất đáng thương. Tôi đã từng “vừa ngu vừa sướng” như thế một thời gian khá dài. Cũng may nhờ những bà chị, những người bạn, những “bậc thầy” vừa ban cho kiến thức vừa nắm tay kéo ra khỏi cái nhóm “đáng thương” đó để gia nhập một nhóm khác “ít đáng thương hơn”. Và rồi theo năm tháng, tôi tìm cách mời gọi, quy tụ chung quanh mình những người yêu thơ trình độ “khá” hơn để trao đổi, bàn luận, và cứ thế từng bậc, từng bậc tự nâng kiến thức và khả năng cảm thụ thơ ca của mình lên.
Bây giờ thỉnh thoảng viết mấy bài bình thơ để trước hết, thỏa mãn cái thú đam mê riêng, sau nữa, gọi là một chút đáp đền ân nghĩa những người đã ra công giúp đỡ, bồi đắp để tôi có điều kiện tự nâng cấp hồn thơ của mình. Và biết đâu những lời bình nhăng tán cuội như thế này lại tiếp tục đem đến những cuộc đối thoại về thơ ca lý thú.

                                                             League City 03/2016
                                                                 Phạm Đức Nhì
                                                           nhidpham@gmail.com
  
READ MORE - CÂU CHUYỆN THƯỞNG THỨC THƠ - Phạm Đức Nhì