Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, December 19, 2015

CON ĐƯỜNG BỐN SÁU - Thơ Hứa Minh Tánh




                                 Con đường Sông Phan
(Ở ngả ba 4-6 gần sát QL 1A ở Hàm Tân, Bình Thuận trước 2014)


CON ĐƯỜNG BỐN SÁU
(Trước khi sửa chữa bốn sáu)

Con đường bốn sáu nằm đây
Hai mươi cây lẻ, đoạ đày khách du
Bụi hồng tung gió mịt mù 
Dường như nắng nhạt, chiều thu gợi sầu
Hố sâu liền với hố sâu
Nghe chồn chân mỏi bên cầu Sông Dinh
Về đây một bóng, một hình
Nghe thăm thẳm nhớ mông mênh nước nguồn

                                           Hứa Minh Tánh

READ MORE - CON ĐƯỜNG BỐN SÁU - Thơ Hứa Minh Tánh

ĐÊM NOEL GỬI LÊ VY - Thơ Nguyễn Khôi


com-img



 ĐÊM NOEL GỬI  LÊ VY
(Tặng : Phu Doan & Lam Ngọc)
                  -----
Năm ấy viếng Nhà thờ làng Phọng
Đêm Nọel - Đêm Thánh vô cùng
Đêm thinh lặng thiêng liêng bên máng cỏ
Ngóng một Vì Sao sáng nhất Hải Phòng ?
                      
Đời lận đận
Ta mỗi người một ngả
Tôi về Hà Thành
Bạn vút  phương Nam
"Đất Sài Gòn dung thân bao số phận
Một vùng trời dễ thở nhất trời Nam".
                       
Ôi Đức Chúa,
Người ra tay cứu thế
chia sẻ cùng ta
tạo dệt Niềm Tin
"Đến với Người không có gì đe dọa
Hồn lâng lâng lên cõi Thiên Đường,
Giữa trần thế giữa bao điều phong tỏa
đến với Người tìm kiếm một tình thương."
                          
Chao, Hà Nội
đêm rét tê mà lòng lại ấm
nhớ Bạn Vàng
thêm nghị lực LÀM NGƯỜI
vẫn chắp cánh tìm đến CHÂN TRỜI NẮNG
Từ đêm Noel
cứu rỗi của ta ơi !
                    Hà Nội mùa Giáng sinh 2015
                            NGUYỄN KHÔI

READ MORE - ĐÊM NOEL GỬI LÊ VY - Thơ Nguyễn Khôi

CHÙM THƠ MÙA GIÁNG SINH CỦA LƯU LÃNG KHÁCH



          Tác giả Lưu Lãng Khách



MÙA GIÁNG SINH VỀ

Mùa giáng sinh về có lạnh lắm không em!
Ở nơi đây già trẻ gái trai chực chờ đêm thánh lễ
Hãy nói nghen em! Một lời xin chúa nhé!
Cho hai ta trong đêm thánh vô cùng
Chúa sẽ ban cho và đời bớt lạnh lùng
Hai kẻ đôi nơi vẫn nghe lòng ấm áp
Mùa giáng sinh về lạnh lắm phải không em
Bên kia bán cầu biết gì noel trên đất mẹ
Với nắng bớt chói chang với hoàng hôn gió nhẹ
Với trẻ ăn xin đi thất thểu trên đường
Với những mẹ già dãi nắng dầm sương
Đuối cuộc mưu sinh mà Noel chưa thấy tới
Mùa giáng sinh về nhưng anh không thấy vội
Bởi áo cơm ngăn cách cửa giáo đường
Bởi một người hơn nửa đời lầm lỗi
Nói ra nhiều anh sợ chúa không thương
Mùa giáng sinh về Sài Gòn nắng đổ
Xin gửi về em giọt nắng ấm Đô thành
Vui lên nhé! Và quên đi lầm lỡ
Để chúa nhân từ sẽ xá tội cho em

                 Sài Gòn, 15/12/2012
                    Lưu Lãng Khách


NOEL NGUYỆN ƯỚC

Bóng chiều trở dạ- Màn đêm buông xuống
Những cánh buồm ước mơ no gió tìm về đất thánh rực rỡ hào quang
Lung linh huyền ảo mọi ngóc ngách trần gian cho đến những giáo đường
Đêm huyền diệu!- Ngọn đông phong se sắt lạnh lùng
Xô lệch lời nguyện cầu của cụ già co ro trong căn lều cỏ
Rúm ró nụ cười của đứa trẻ tật nguyền chờ phép lạ tối Noel
Hồi chuông thánh đường lãng đãng
Thánh ca ngân vọng miên man
Bồng bềnh chở ước mơ của người mẹ khô gầy bên con lâm bạo bệnh
Luồn lách cả vào giấc mơ của bé gái chớm thì dị tật bẩm sinh
Đậu xuống vành môi thánh thiện đang chực chờ đón nhận hồng ân
Rồi tiếng chuông tan loãng kiệt sức rơi rơi
Lạnh lẽo như hoa tuyết phủ dần lên uớc mơ bé nhỏ
 của đứa trẻ không nhà đợi dâng lên mẹ nó đang mắc bệnh trầm kha
Đêm nay quá nhiều những ông gìa Noel rộn ràng gấp vội
Có phát đuợc ít quà cho những em ốm đói lòng ấp ủ uớc mơ non
Phố phuờng chật chội ngựa xe – Nguời vui trẩy hội
Đạp lên chiếc bóng tàn hao của nguời con gái chắc một thời trót dại
Hất văng nón chú hàng rong nhớn nhác rối tung cái đầu bạc
Hồn bao năm khao khát tìm về bên chân Chúa trong đêm Thánh vô cùng
Hồi chuông Giáo đuờng tắt ngấm!
Phố phuờng mờ trong rác rưởi ngựa xe bụi bặm
Hay Chúa đã chối từ?
Ai đó ngồi thao thức – Một trời mơ ước vỡ ra
Phủ sập xuống những thân phận hẩm hiu
Trên những nẻo đuờng Chúa chưa hề tới
Đấng toàn năng trùm vội xuống cõi trần
Một bầu trời loang lổ hình những trái tim bị vỡ.

                                Sài Gòn ngày 04/12/2015
                                        Lưu Lãng Khách

ƯỚC MƠ CỦA BÉ

Chiều vào đêm lung linh lấp lánh
Những cành thông rực rỡ đó đây
Những ông già Noel lại qua bận rộn
Chẳng nghe thấy tiếng gọi của em bé tóc xoăn
Mắt đen láy, mặt mày nhớp nháp
Đứng trơ vơ giữa giữa dòng người xuôi ngược
Mồm há hốc, nhìn những người áo đỏ kia sao quá đỗi vô tình
Tờ giấy ghi nguệch ngoạc những điều ước từ trên tay em rơi xuống
Anh giật mình khi nhặt lên xem
Em ước muốn thế gian không còn người ăn xin nữa
Em sẽ được tung tăn nhảy múa đến trường
Mẹ em sẽ mặc trên người những bộ quần áo đẹp
Ba em như những chú công nhân giản dị bình thường
Cả nhà em không còn sợ đói
Mong chúa rũ lòng thương!
Ôi! Tiếng gọi thiết tha từ trái tim
 của hình hài bé nhỏ muốn đổi thay số phận
Chúa chắc không nghe em mãi đứng đợi chờ
Phép lạ em chờ chỉ có ở trong mơ
Những ông già Noel đi xe máy kia chẳng ngó ngàng gì đến bé
Vẻ quan trọng, em giành lại tờ giấy và bảo khẽ
Chú không làm được đâu, chú chẳng có phép mầu
Chỉ có chúa ở ngôi cao
Ở ngôi cao đấy nhé!
Chợt cơn mưa bất ngờ bắn vào em tung tóe
Tờ giấy ghi mơ ước đổi đời ướt nhẹp rã trên tay
Anh sẽ giúp được gì. Hỡi bé thơ ngây!

                                     02/12/2015
                                Lưu Lãng Khách

MẮT PHỐ
(Kỷ niệm Noel đầu tiên ở đất Sài Gòn)

Anh! Người hành hương
Giũ bỏ đau thương  miền đất trích
Mấy mươi năm dẫm dò trong u tịch
Một hôm sững sờ nhìn mắt phố lung linh
Ấm nồng trong đêm huyền diệu
Bỗng quên mình lưu lạc
Bỗng quên mình đã mất
Nửa đời trong gió bụi muôn phương
Đứng nghiêm trang trơ trọi chốn phố phường
Mà như sống giữa ngàn tay ấm áp
Mà như thể trầm mình trong hoan lạc
Thắm nồng mắt phố ngắm nhìn anh
Bằng ngàn mắt sáng hơn sao, sắc màu rực rỡ
Quên se lạnh của đêm đông
Anh bước đều hít thở
Chẳng biết đến bên hiên giáo đường tự khi nào
Mắt phố lại nhìn anh lấp lánh ngọt ngào
Trên cành thông noel cao vút
Anh lại nhìn thấy mắt phố trong cha già linh mục
Chưa một lần quen sao gần gũi dị thường
Anh ra về lòng thấy vương vương
Mắt phố lại ve vuốt bóng anh trong lòng sông yên tĩnh
Bước khoan thai trên đất Sài Thành hoa lệ
Mà như thể về nơi đất thánh Giê-ru-sa-lem
Xa tít tắp mù khơi
Lòng ngập tràn ơn phước
Anh cúi đầu lạy Người
Đây rồi miền đất hứa
Hồn anh mở cửa chào đón lễ Noel
Giữa đường khuya cô lẻ
Hồi chuông giáo đường ngân lên
Anh thuần khiết hồn nhiên
Nở nụ cười nhìn mắt phố
Và đặt vào nơi đó
Một niềm tin mãnh liệt vô biên
Rồi cuộc đời anh sẽ bình yên…

                 Khuya Noel 2007
                 Lưu Lãng Khách 

READ MORE - CHÙM THƠ MÙA GIÁNG SINH CỦA LƯU LÃNG KHÁCH

ĐỌC SÁCH CỌP - Hoàng Long Hải

   
       Tác giả Hoàng Long Hải



    ĐỌC SÁCH CỌP


            Ít có cái mê nào mà không có hại. Giả dụ như mê gái thì người ta thường đem tiền cho gái. Tiền cho gái thì ca dao có câu:

                      Bắc thang lên hỏi ông trời
               Tiền đem cho gái có đòi được không!?

            Thậm chí, ít ai mê vợ mà tròn chữ hiếu với cha mẹ. Còn như mê cờ bạc, mê đá gà, v.v… thì khi về nhà, chui vào nằm chuồng heo, lục cơm nguội mà ăn mới yên thân với vợ.

            Tôi cũng thuộc loại mê, nhưng lại là mê đọc sách.

            Tôi nói là mê đọc sách. Người mê đọc sách chưa hẳn là người mê sách. Người mê sách, gom sách thật nhiều, chưa hẳn là người mê đọc sách.

Người bạn tôi là học trò cưng của cha Luận (Linh mục Cao Văn Luận). Anh thường đến tư thất cha mượn sách về đọc. Cha có những ba tủ sách lớn trong nhà. Sách bìa cứng, chữ mạ vàng, nhiều sách mua từ bên Tây về. Mượn sách của cha về đọc, anh thường phải rọc sách vì sách in theo kiểu xưa, không xén đủ các góc, người đọc sách phải tự rọc lấy. Anh phải rọc sách, điều đó chứng tỏ cha Luận mua về nhiều mà không hay chưa đọc sách. Mười cuốn y như chục. Có sách nhiều, để chưng, để trang trí, chưa hẳn là người mê đọc.

Ngược lại, người mê đọc sách chưa hẳn có nhiều sách. Họ đọc sách mượn nhiều hơn là mua. Ở Mỹ có thư viện, muốn mượn bao nhiêu cũng có. Thư viện nầy không có, họ sẽ mượn giùm mình ở thư viện khác, rồi hẹn ngày tới lấy. Nước ta hồi xưa, ít có thư viện thì mượn của tư nhân.
Tôi thuộc loại mê đọc sách, còn gia tài sách của tôi, hồi còn đi học, không bao giờ hơn mười cuốn. Thế cũng còn hơn nhiều anh bạn tôi, đốt đuốc tìm khắp nhà không ra cuốn sách nào.

Ai bảo mê đọc sách không có cái khổ, nhứt là khi không có sách.

Khổ thân tôi! Không hiểu sao tôi mê sách từ khi còn học lớp Ba với thầy Võ Lộc.

Đứa bé nào, hồi nhỏ ưa đọc sách là chỉ ưa đọc truyện Tàu. Truyện Tàu là truyện viết theo lối chương hồi của Tàu. Tôi đã ngốn không biết bao nhiêu truyện phong thần: Tiết Nhơn Quí Chinh Đông, Tiết Nhơn Quí Chinh Tây, Bồng Lai Hiệp Khách, Kiếm Châu Duyên, v.v… Loại truyện nầy có rất nhiều phù phép, hô phong hoán vũ. Hai đối thủ đứng hai phía, làm phép phóng lên hai cây gươm đánh nhau trên trời, còn hai đối thủ thì… ngồi coi. Chuyện huyễn hoặc không vậy mà sao hồi nhỏ tôi mê đến thế. Trần Văn Tây là anh bạn sưu tập khá nhiều loại truyện nầy, bao giờ cũng mang kè kè bên lưng một cuốn truyện Tàu. Do đó, không ít lần tôi xuống nước năn nỉ anh ấy, để được anh cho mượn lại. Cho mượn lại có nghĩa là không phải truyện của anh ta. Anh mượn của ai đó, cho tôi mượn lại, và tôi phải “tranh thủ” đọc cho thật nhanh, cắt xén bớt giờ ăn, giờ ngủ, giờ học bài ở nhà để kịp trả cho anh ấy. Giữ đúng lời hứa, bận sau anh ta còn cho mượn nữa. Đó cũng là cái khổ của đứa bé mê sách.

Thế rồi tôi bỗng chán truyện Tàu. Chán là vì tôi tìm ra một loại truyện hay hơn. Đó là truyện “Tủ Sách Bạn Trẻ” của nhà xuất bản Tân Việt. Hồi ấy, trong tủ sách nầy, nhà xuất bản Tân Việt, mặc dù ở dưới chế độ cai trị của Pháp vẫn xuất bản một lô truyện nói về lòng yêu nước, về Nam Bộ Kháng Chiến, về chống Pháp tái xâm lăng nước ta. Kể cũng tự do sách báo đấy.

Những sách của nhà xuất bản Tân Việt làm tôi đọc mê mệt là: Trong Quân Y Viện, Khói Lửa Toàn Dương, Con Đường Nghĩa Vụ, Mây Trôi Về Bắc, Xin Đắp Mặt Tôi Mảnh Lụa Hồng, Mặt Trận Hoàng Su Phì, Mẹ Cũng Chết Vì Tổ Quốc…

Hồi ấy tôi cũng đã đọc Nửa Bồ Xương Khô của Vũ Anh Khanh, thuộc lòng bài thơ Hận Tha La, và cũng mê Sau Dãy Trường Sơn, Kòn-Trô của Lý Văn Sâm…

Những sách tôi đọc là do bọn trẻ mượn của mấy người lớn tuổi rồi chia nhau đọc. Bọn trẻ mê sách thương nhau lắm. “Củ khoai còn chia bốn…” nữa là.

Năm 1951, Phòng Thông Tin Hoa Kỳ mở cửa ở tiệm Vạn An trên đường Chợ, sau nầy có tên là đường Trưng Trắc. Ở phòng thông tin nầy, ngày ngày có đủ “quần hùng” trong chốn trường văn, chỉ nói “trường văn”, có nghĩa là vào đây đọc, chứ chưa có “trận bút” vì chẳng ma nào viết được câu văn ra hồn.

Dĩ nhiên, không có ngày nào là tôi không có mặt nơi phòng thông tin nầy. Ở đây không có sách tiếng Việt. Sách tiếng Anh thì chỉ đứng mà đọc cái bìa. Hồi ấy cũng không có mấy người dịch sách tiếng Mỹ ra tiếng Việt, ngoại trừ cuốn “Đường Lên Cõi Bắc” và “Tia Lửa Giữa Mây Mù” in chung một tập, của một nhà văn da đen Mỹ, nói về nạn kỳ thị chủng tộc ở miền Nam nước Mỹ. Tôi không nhớ ai là tác giả nhưng nhớ tên người dịch: Anh Liễn.

Tôi mê cuốn “Đường Lên Cõi Bắc” hơn. Truyện kể chuyện một thằng bé lỡ tay bắn chết một người da trắng, rồi để tránh bị trả thù, nó trốn lên phía Bắc. Người da đen miền Nam hồi ấy thường trốn lên phía Bắc để tránh bị kỳ thị. Do đó, sau nầy tôi không ngạc nhiên khi đến Mỹ, đi Michigan, rồi ghé Detroit, những thành phố đầy người da đen. Họ là hậu duệ những người miền Nam trốn phía bắc lên hồi đó.

Không có sách, tôi vào phòng Thông Tin Hoa Kỳ để đọc báo. Mục tin tức tôi chỉ xem qua; biết gì mà đọc; nhưng truyện ngắn, truyện dài, truyện hằng tuần, hằng tháng, ít khi tôi bỏ qua. Mê nhất là tờ nhật báo Ánh Sáng của ông Hoàng Hồ. Hai tạp chí nổi tiếng hồi đó là tờ Cải Tạo, xuất bản ở Hà Nội và tờ Đời Mới của ông Trần Văn Ân, xuất bản ở Saigon.

Nhà thơ Quang Dũng thì đi kháng chiến, nhưng thơ của ông thì được phổ biến rộng rãi trong “vùng Quốc Gia”. Không ít lần tôi chép lại những bài thơ của Quang Dũng trong tờ Đời Mới như bài Kẻ Ở: “Mai chị về em gởi gì không? Mai chị về nhớ má em hồng. Đường đi không gió lòng sao lạnh. Bụi vướng ngang đầu mong nhớ mong…” hay Đôi Mắt Ngưòi Sơn Tây “Em ở thành Sơn chạy giặc về, tôi từ chinh chiến cũng ra đi…” Thơ văn hay thật! Mê thật!

Ít lâu sau, thư viện tỉnh Quảng Trị mở cửa, ngay nhà bác Cửu Trình (Lê Văn Trình). Người quản thủ thư viện là bác Lê Đình Trình, cũng tên Trình, hình như có bà con với thầy giáo lớp Nhì của tôi, thầy Trợ Khởi. Tôi là “đệ tử trung thành” của bác Trình vì tôi mượn rất nhiều sách, trả đúng ngày, khi đọc giữ gìn sách cẩn thận, không rách, không cuốn góc, v.v… Tôi cũng gặp ông Lê Đình Ngân ở đây. Ông cũng đi mượn sách như tôi. Tôi là học trò của ông, ông dạy Việt Văn, và tôi cũng là người được ông khen viết luận hay, thường cho điểm cao. Biết tôi thích đọc sách, ông biểu tôi tới nhà ông, ông sẽ cho mượn. Tôi tới liền và mượn được ít cuốn, những cuốn của Tự Lực Văn Đoàn mà thư viện không có.

Sách của ông có đóng dấu, ghi là “Tủ Sách Tái Tạo”. Có nghĩa là ông đã có một tủ sách và sách của ông đã bị mất, bị thiêu hủy trong cuộc chiến tranh vừa qua, ở những trận đánh ở Huế hay khi Tây tái chiếm Quảng Trị. Nay ông Tái Tạo tủ sách của ông. Không biết bây giờ nhà thơ Lê Đình Lộng Chương còn giữ được cuốn nào không hay khi miền Nam sụp đổ, “sách” không cho “lộng” nên “chương” đem đốt cả. Tội nghiệp cho ông bố bỏ công gom góp.

Những năm đầu thập niên 1950, Quảng Trị chỉ có hai nhà sách. Thứ nhất là nhà sách anh chị Đình. Hồi ấy nếu gọi nhà sách Văn Hoa hay Văn Hóa, chẳng ai biết gì đâu! Thành phố nhỏ, cứ ngay tên chủ nhân mà gọi, chắc ăn hơn. Nhà sách anh chị Đình khi mới mở cũng ngay tại địa điểm sau nầy, khi anh chị ấy chưa dựng lên nhà lầu. Gọi là nhà sách nhưng sách chẳng bao nhiêu, chủ yếu là bán bút chỉ văn phòng, vở, giấy, mực cho bọn học trò. Nhạc thì nhiều lắm. Tất cả những bài hát do nhà Tinh Hoa Huế xuất bản đều có ở đây. Tôi mua những bài hát của Văn Cao như Buồn Tàn Thu, Thiên Thai, Ngày Mùa là ở tại nhà sách nầy. Trên đường Trần Hưng Đạo, gần nhà Đức Nhuận, bố của Đức Sĩ, có nhà sách cô Châu. Nhà nầy, trước là thợ vàng. Ông chủ bị bắt vì nghe nói là làm “địch vận” (cho Việt Minh). Được tha, ông theo đạo, bỏ tiệm vàng, mở tiệm sách, giao cho con gái là cô Châu đứng bán. Cô Châu học trước tôi vài lớp, bỏ học sớm khi cha cô bị bắt. Gọi là tiệm sách nhưng cũng chỉ bán bút chỉ văn phòng, giấy vở mực cho học trò là chính.

Được ít lâu, gia đình nầy dọn đi mất.

Cả hai nhà sách nầy, không nơi nào bán nhật báo, thậm chí tạp chí cũng không thấy.

Thế rồi tôi đi xa…
Những năm 1957, 58, khi tôi “trở về quê cũ” thì Quảng Trị đã phát triển nhiều, và có nhiều nhà sách lớn nhỏ. Nhà sách anh chị Đình đã lớn lắm. Căn nhà cũ được thay bằng ngôi nhà lầu cao, sách, báo cũng nhiều và có bán cả nhật báo. Nhà sách bây giờ sâu hơn, hai bên là hai hàng tủ chưng đầy sách và có sạp báo phía trước.

Sát nút nhà sách Văn Hóa của anh chị Đình là nhà sách Tùng Sơn của anh chị Lâm, ngay ngã tư. Trên đuờng Trần Hưng Đạo, chỗ tiệm nguội của anh Tô và anh Tơ, bây giờ là nhà sách Sáng Tạo của hai cô Mai chị và Mai em. Đối diện bên kia đường là nhà sách Lương Giang của bác Trình. Còn một nhà sách nữa, tương đối vắng hơn, trên đường Quang Trung, gần tiệm xe đạp Minh Tường là nhà sách Rạng Đông, tôi không nhớ tên cô chủ quán ở đây. Tệ thật!

Bấy giờ tôi vẫn còn là học trò lớp cuối bậc trung học, và cũng còn mê sách như bảy tám năm trước. Không có tiền mua sách, ngày ngày tôi đi đọc sách… cọp.

Đọc sách cọp là một “trận đánh” khá gay go. Trước hết là phải nhắm vào mục tiêu, quan sát tình hình địch, có nghĩa là phải biết nơi nào có sách báo đúng ý mình muốn đọc, nơi nào có thể đứng đọc lâu được. Đọc sách cọp là phải đứng, làm như mình muốn xem qua, xem qua mà thôi, nếu sách hay mình sẽ mua. Nói là xem qua, nhưng phải xem… hơi lâu và phải đọc… rất nhanh, để còn có thể xem qua cuốn khác, hay hả hê “rút lui hoàn toàn vô sự” vì đã đọc hết, trước khi gia chủ tỏ vẻ khó chịu vì mình đứng đọc lâu quá. Trong khi đọc cũng phải liếc chừng gia chủ, coi thái độ họ thế nào, có chưởi chó mắng mèo không. Nếu thầy tình hình địch không êm, có thể có phản công thì phải rút lui mau lẹ, để “bên ta di tản an toàn.”

Trong tất cả những cách ứng phó như thế, cách nào cũng căng nên việc đọc sách cọp không có gì sướng cả. So với cách đọc sách ở nhà, thì đọc ở nhà… cũng khổ.

Mình có thể ngồi trên ghế mà đọc, ườn người ra ghế cho đỡ mỏi, hoặc nằm lăn trên giường.

Khi còn nhỏ, tôi không có cái may mắn đó là vì tôi. Đang học giỏi, bỗng bị coi là học dở vì mê đọc truyện. Đó là lý do tôi bị mẹ theo dõi và la rầy nhiều lần. Bị la rầy nhưng tôi đâu có vâng lời mẹ. Gặp một cuốn truyện hay, mất ăn mất ngủ và cũng có khi bỏ học để ra ngồi bờ sông Thạch Hãn đọc truyện suốt buổi là chuyện thường. Sợ mẹ rầy thức khuya, bỏ học, tôi lấy mấy cục pin xin của mấy anh lính truyền tin, nối lại, gắn bóng đèn xe đạp, trùm mền (chăn) không cho ai thấy để… đọc trong mền, lâu lâu hé đầu ra khỏi mền cho khỏi nghẹt thở.

Trở lại câu chuyện đọc sách cọp ở nhà sách, khổ thì rán chịu, ai biểu mê sách, nhưng nhiều khi tự ái. Sách báo hồi nầy đã nhiều vì nhờ hòa bình, chế độ đã vững, văn hóa giáo dục phát triển nên nhiều báo chí có giá trị xuất bản. Qua các nhà sách Quảng Trị, tôi đã đọc cọp hầu hết các tạp chí như Văn Hóa Ngày Nay, Người Việt, Chỉ Đạo, Nhân Loại, Sáng Tạo, Gió Mới, Phụ Nữ Diễn Đàn, Saigon Mới, Tự Do… Các tạp chí nầy đủ hạng đủ loại văn chương thuần túy, thiên hữu, thiên tả,trung lập, v.v… Thật là “loạn cào cào”. Chỉ khổ cho những người xuất bản, báo chí có người đọc mà mua thì không!

Anh Lê Phú Lư, bạn tôi, nhà thơ tài tử, đáng thương hơn tôi. Thỉnh thoảng anh ta làm thơ, cũng khá lắm đấy. Đại khái tôi nhớ vài câu như:
           
         Lòng tôi buồn khi chiều nắng lưa thưa,
         Và những đêm thu khi trăng sáng liếp dừa
         Tôi không rõ tôi ngủ rồi hay thức,
         Và ngoài kia trời nắng hay mưa.

Hồi ấy, làm thơ kiểu lửng lơ là điều rất phổ biến. Chẳng hạn như trong bài Tiễn Em của Nguyên Sa: “Người sắp đi chưa hay đi rồi”, hoặc Trịnh Công Sơn: “Người ngỡ đã đi xa
nhưng người vẫn quanh đây”.

Từ tính cách lửng lơ như thế, sau nầy biến thành… thơ Thiền đấy!

Lê Phú Lư gởi thơ đăng ở Phụ Nữ Diễn Đàn. Nhà thơ không được trả tiền nhuận bút đã đành mà tòa báo cũng chẳng gởi biếu cho một tờ nếu có thơ anh đăng trong ấy. Vì vậy, anh ta phải chờ cứ mỗi tuần báo ra thì mua một tờ xem thơ mình có đăng hay không. Riết rồi nhà thơ trẻ hết tiền mua báo mà thơ cũng chưa thấy đăng, anh bèn đọc báo cọp. Chờ báo ra, anh tới nhà sách, giả bộ cầm tờ báo xem qua, coi thử có đăng thơ của anh không. Có thì mua, không thì anh lặng lẽ trả lại chỗ cũ, đỡ tốn tiền mua báo!
 
Điều đáng buồn là đọc sách cọp dễ bị hiểu lầm. Ở tuổi vào đại học, đi đâu người ta cũng tưởng mình đi cua gái. Vào nhà sách Sáng Tạo, người ta tưởng lầm mình mê cô gái bán sách ở đó. Vào nhà sách Rạng Đông cũng bị nghi oan như vậy. Thật là oan cho tôi, “oan ơi ông Địa”. Vào nhà sách của những người lớn tuổi thì không bị nghi oan, nhưng lại sợ bộ mặt “không vui” của họ.

Trong tình trạng đọc cọp, đọc và hiểu tác giả, tác phẩm là điều khó. Cũng may, hồi ấy, ở Quảng Trị, đọc sách cọp đâu chỉ có… mình tôi. Lương Thúc Trình là “đồng chí” của tôi đấy. Không ít lần tôi thấy anh ta cũng đọc… cọp như tôi, nhưng ít hơn và anh ta hiểu, nhận biết về văn chương sách báo thì hay hơn tôi nhiều.

Có lần Trình hỏi:
- “Trong tất cả những nhân vật của “Tự Lực Văn Đoàn”, Hải thấy nhân vật nào hay nhứt?”

Tôi không nhận ra liền. Một lúc sau, tôi nói:
- “Dũng, Dũng của Đôi Bạn, của Đôi Bạn thôi. Mình không thích Dũng trong Đoạn Tuyệt.”

Trình cười:
- “Hải bị ám thị rồi. Nhiều người thích Dũng vì Dũng là người làm cách mạng. Nhất Linh tiểu thuyết hóa một câu chuyện làm cách mạng. Trong đời thực có nhiều người làm cách mạng hay hơn Dũng nhiều. Mình thì mình thích Trương trong Bướm Trắng hơn, Trương tầm thường hơn Dũng nhiều nhưng chính anh ta mới là con người thực.”

Tôi nói:
- “Nếu nói con người thực thì Nhung trong Lạnh Lùng, thực hơn Loan trong Đôi Bạn.”

Trình cười đồng ý. Có lần Trình hỏi tôi:
- “Hải thích Tô Hoài phải không? Tô Hoài viết tùy bút thì hay nhưng chỉ về tả cảnh. Những buổi chiều trong Xóm Giếng không làm cho người đọc xúc cảm bâng khuâng và sâu lắng bằng những buổi chiều trong “Hai Buổi Chiều Vàng.”

Tôi phải nhận rằng Trình ít mê sách hơn tôi nhưng nhận xét thì tinh tế và sâu sắc hơn. Nghĩ như thế tôi lại liên tưởng đến những con tằm không nhả ra tơ mà nhà ra dâu! Có thể tôi là một con tằm như thế!
                                                                        hoànglonghải
......

Góp ý thêm của BBT VNQT:
Xin nói thêm về bài thơ KẺ Ở mà tác giả Hoàng Long Hải cho rằng tác giả là Quang Dũng:
Bài thơ Dặm về (tức Không đề, Mai chị về) là của đại tá Nguyễn Đình Tiên nguyên phó Cục trưởng Cục xuất bản Bộ Quốc phòng  tác giả Chân dung tướng ngụy Sài Gòn, không phải của bác sĩ Phan Quang Chấn, nguyên trưởng ban Quân y Trung đoàn Tây Tiến, như thông cáo trên. Sự việc diễn biến: Quang Dũng gạt bỏ bài này trong bản thảo Mây đầu ô do Trần Lê Văn tuyển chọn, ông ra dấu “không phải của tôi” (khi ông bị tai biến não, không nói được). Nhà thơ Vân Long đi tìm, bắt gặp trong sổ tay ông Phan Quang Chấn bút tích Quang Dũng chép và đề dưới bài này từ năm 1949: Không tác giả, vậy là Quang Dũng rất thống nhất cả khi trên giường bệnh lẫn khi chép thơ hay cho bạn 40 năm trước trong khi vẫn ngâm ngợi phổ biến bài thơ mình yêu thích. Vân Long đủ cơ sở để xác quyết phải tìm ra tác giả Dặm về là ai? Cuộc “truy tìm” này đã được thể hiện trên hai bài báo: Đi tìm xuất xứ một bài thơ (Văn Nghệ số 37 , 16/9/1989) và Bài thơ tìm được tác giả (Văn Nghệ số 42-43, 28/10/1989) của Vân Long.  Tuyển thơ kháng chiến 1945-1954 tái bản đã bổ xung bài này vào với tên tác giả Nguyễn Đình Tiên vì nhân thân tác giả: họat động CM từ trước 1945 và thời điểm sáng tác hơn là nội dung bài. 
Có lẽ căn cứ trên thông cáo chưa chính xác trên, nên tác giả một   số bài báo vừa in trong hai tuần vừa qua trên các báo đã “suy ra”: Quang Dũng thường từ chối “không phải của tôi” những bài được người đọc, bạn bè khen (!), và còn cho là bài Mai chị về đã in trong tập Mắt người Sơn Tây vừa xuất bản.
Để khỏi ảnh hưởng đến tư cách nhà thơ Quang Dũng, đến quyền tác giả của ông Nguyễn Đình Tiên, và  bài thơ Dặm về khỏi…phiêu du thêm lần nữa, chúng tôi mời bạn đọc xem lại bài phỏng vấn này, do nhà thơ Vân Long trả lời trên phụ san báo Bảo vệ Pháp luật dịp Tết Đinh Hợi, kèm theo bài thơ đặc biệt này:
d/
READ MORE - ĐỌC SÁCH CỌP - Hoàng Long Hải