Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, December 17, 2015

MÙA XUÂN XUỐNG PHỐ - thơ Hoàng Anh 79




MÙA XUÂN XUỐNG PHỐ

Qua sông cũ nghe hát bài thương nhớ
Mười năm xa lạc mấy bến mê đời
Ba ngã sông tím hoàng hôn muôn thuở
Ta ôm hoài giấc mộng tận mù khơi

Em thánh nữ ngày xưa, giờ vẫn thế
Như rượu nồng uống cạn đến môi mềm
Ta lang bạt qua mấy mùa dâu bể
Một con đường, Châu Đốc, cũng đành quên

Thương với nhớ là tình yêu chờ đợi
Tiếng chuông bay lãng đãng  góc giáo đường
Buồn không em những chiều tan thánh lễ
Chẳng còn ta đứng đợi dốc mù sương

Ra biển lớn mới thấy đời vô hạn
Đêm Thất Sơn huyền dịu đến vô cùng
Chim én về mang mùa xuân xuống phố
 Em nõn nà với ánh mắt bao dung

Ta hữu hạn giữa vòng quay danh lợi
Nên một lần xin mãi được yêu em
Hạnh phúc trong ta phải đâu vời vợi
Như đóa quỳnh  vừa chợt nở  trong đêm !

Ngày 21/11/2015

HOÀNG ANH 79
READ MORE - MÙA XUÂN XUỐNG PHỐ - thơ Hoàng Anh 79

NOEL BUỒN - thơ Nhật Quang




NOEL BUỒN

Noel về trời hoa nhuộm màu tuyết
Gịot chuông ngân... rơi chạm cõi lòng
Tâm hồn băng giá sầu mênh mông
Anh lê bước góc giáo đường phố cũ

Đêm vọng Thánh muôn tấm lòng ấp ủ...
Hương kinh thầm nguyện ước nhẹ vang xa
Phố dập dìu muôn tà áo thướt tha
Anh thẫn thờ tìm em trong nỗi nhớ !

Noel xưa anh cùng em dạo phố
Noel này ta đã cách đôi nơi
Cô đơn anh đếm bước rã rời
Bài thánh ca vọng buồn trong ký ức

Đêm linh thiêng khắp nhân trần nô nức
Mình anh buồn bên hang đá cầu kinh
Nguyện ơn Chúa ! dệt thắm khúc ân tình
Ngày tao phùng, bên thềm xuân nắng ấm.


                                                 Nhật Quang
READ MORE - NOEL BUỒN - thơ Nhật Quang

MƯA PLEIKU - thơ Tuyền Linh





Mưa Pleiku

Đưa tay che nắng Sài Gòn
Bỗng dưng nhớ quá đồi non sương mù
Những chiều dạo phố Pleiku
Con đường Hoàng Diệu dập dìu giai nhân
Em Pleiku lạc hồng trần
Mấy mươi năm chẳng một lần về thăm
Con đường phố núi quanh năm
Sương mù kín phủ gọi thầm đợi nhau
Trời buồn phố núi mưa mau
Lối về Diệp Kính nghe nhàu tâm tư
Rải tình giữa phố mưa rơi
Mang bao thao thức về nơi tiền đồn
Mai về biết có còn không
Hay là nến thắp giữa lòng phố khuya
Sai Gòn dưới nắng liêu xiêu
Nhớ sao nhớ quá những chiều Pleiku
Qua rồi cái tuổi xuân đi
Còn đây một nỗi sầu bi nhớ người
Bơ vơ nắng lạc hướng đời
Sài Gòn với những đầy vơi ngậm ngùi
Thèm ơi cái rét núi đồi
Thèm cơn mưa xối nổi trôi đêm ngày
Mưa dai dẳng như cơn say
Mưa không bặm trợn mà lay lắt tình
Ướp lòng khu phố gia binh
Để nghe thỏ thẻ lời em nhuộm sầu
Mưa nào nhỏ giọt tình đau
Mưa nào dập được hỏa châu bom rền
Thôi thì phận đã lênh đênh
Đành treo số mệnh lên cành thông reo
                          *
Mấy mươi năm, nghĩ cũng nhiều
Mà in như thể mới chiều hôm qua
Nắng Sài Gòn – nắng phồn hoa
Vẫn nghe thấm lạnh mưa qua hồn mình
Mưa Pleiku -  mưa hiển linh
Làm sao quên được giọt tình Pleiku !


Tuyền Linh
READ MORE - MƯA PLEIKU - thơ Tuyền Linh

NGÀY THÁNG LẠ - thơ Vũ Trọng Tâm




NGÀY THÁNG LẠ             

Ta đến với nhau những ngày tháng lạ
Hơn nửa đời người,tình trót quay lưng
Nhớ thương cũ bềnh bồng trôi viễn xứ
Áo học trò len lén chút bâng khuâng

Ngày tháng lạ còn trong ta bối rối
Giấc chiêm bao sao giữ mãi mùi hương
Em thánh nữ chưa hẹn hò vơ vẩn
Trên thịt da còn ấm mộng thiên đường

Ngày tháng cũ tuy quen giờ  rất lạ
Quên một thời đánh đổi tuổi xuân đi
Có nuối tiếc cũng qua rồi dĩ vãng
Giọt lệ buồn thôi đừng ướt bờ mi

Ngày tháng lạ ta bơi dòng suối mát
Giọt tình rơi đắm đuối nét yêu kiều
Đừng dừng lại để mình ta rên xiết
Mở vòng tay ôm chặt mảnh trăng treo

Hãy cạn chén rượu tình say ngây ngất
Môi kề môi vị ngọt giữ cho nhau
Xiêm áo mỏng ngại ngần chi gió thoảng
Sắc hương xưa vẫn còn đó ngọt ngào.


                     Vũ Trng Tâm (GC)
READ MORE - NGÀY THÁNG LẠ - thơ Vũ Trọng Tâm

NỤ HÔN ĐẦU, ĐÀ LẠT MƠ - thơ Trương Thị Thanh Tâm





Trương Thị Thanh Tâm 

 NỤ HÔN ĐẦU 

Từ khi anh đặt nụ hôn  
Là em đã biết con tim muộn phiền  
Anh ru mộng giấc bình yên  
Em ôm gối lẻ cô đơn phận mình  

Từ khi nhận cái hôn anh  
Tình như liệm chết,hồi sinh lại rồi  
Trong màu mắt biếc chơi vơi  
Trái tim ngây ngất hương đời nở hoa  

Nghiêng nghiêng bóng xế trăng tà  
Đêm ru điệu nhớ lời ca ngọt ngào  
Từ khi môi chạm môi nhau  
Nghe hơi thở ấm,đời trao gởi tình  

Bên cầu hạnh phúc mong manh  
Ước mơ bến đậu...có dành cho em!? 
Từ khi anh đặt nụ hôn  
Ngày chơi vơi nhớ,đêm còn khát khao  

Từ khi môi kiếm tìm nhau  
Bởi ăn trái cấm..buồn sao vẫn buồn!

              T4  (Mytho  )



ĐÀ LẠT MƠ 

Mùa xuân chim én về mau  
Nụ hồng rực rỡ mai đào ngất ngây  
Trời Đà Lạt sớm mưa bay  
Bên hồ Than Thở Thông lay dáng buồn  

Cỏ non mềm mượt chân thon  
Mây giăng lũng thấp lòng hờn miên man  
Đợi chờ chưa thấy anh sang 
Nghe hơi gió buốt lạnh tràn má môi  

Tôi giờ vẫn nhớ xa xôi  
Mimosa thắm bên đồi cỏ xưa  
Đêm nào trời đổ cơn mưa  
Khoát chung chiếc áo mình đưa nhau về  

Vòng tay hơi ấm đê mê  
Lời yêu chưa cạn câu thề sắt son 
Cây xanh đá núi chưa mòn  
Nước hồ Than Thở vẫn còn lao xao  

Thế rồi xuân tới người đâu? 
Hoa xưa  nở thắm,tình sầu héo hon  
Đồi Thông Hai Mộ bâng khuâng  
Có đôi bướm trắng chập chờn bên nhau.


                    T4 (Mytho )
READ MORE - NỤ HÔN ĐẦU, ĐÀ LẠT MƠ - thơ Trương Thị Thanh Tâm

MÙA TRĂNG VỠ - thơ Hoàng Anh 79




MÙA TRĂNG VỠ

Tương tư cho lắm thất tình
Đơn phương là chỉ một mình mình yêu
Gom chi gió cả trời chiều
Để cho dây đứt con diều xa bay

Treo hồn lơ lửng trên mây
Mà nhìn trái đất đang xoay theo vòng
Ta là một gã chơi ngông
Nên đâu biết được viễn vông là gì

Một thời  ảo mộng ngu si
Đến nay tình đã thiên di mấy mùa
Cuộc đời ngã giá bán mua
Ta bàn tay trắng thì thua thiệt đời

Cuối chiều sương lạnh lùng rơi
Rơi từng nỗi nhớ cuộc chơi đã tàn
Một mình cạn chén rượu tràn
Mặc cho thế sự hợp tan kiếp người

Ngậm ngùi cánh hạc đơn côi
Giữa trời mưa gió rã rời cánh bay
Thêm mùa trăng vỡ đêm nay
 Chưa tàn cơn ngủ kiếp nầy em ơi !

Ngày 28/11/2015

HOÀNG ANH 79
READ MORE - MÙA TRĂNG VỠ - thơ Hoàng Anh 79

RỒI MỘT LẦN ĐÁNH MẤT - thơ Phạm Phan Hòa

Phạm Phan Hòa

RỒI MỘT LẦN ĐÁNH MẤT

                *Thế nào rồi tôi cũng xa em
                 dành tặng nhà thơ TMNTB.

Cũng đành lòng bước đi
Tình đâu còn nghĩa gì?
Ta dại khờ đánh mất
Người.. một ngày chia li!
Thôi cam lòng giã biệt
Lối cũ người không về
Cho thẩn thờ hối tiếc
Một đời tình u mê!!
Xa mờ chuyện ngày " mưa,
Mưa vẫn rơi não nề..
Ai bảo em hẹn về..
Lệ mừng vương trên mắt..."
Vỡ tan bao ước thề!
Giọt nào mãi trong xanh,
Buồn kiếp người long lanh!
...Rồi cũng lần đánh mất
Từng giấc mơ tan tành.

PPH
14/12/2015.


LẠNH XUÂN THÌ

Chiều nghiêng
Chạm
Cuối chân đồi
.. Em về thôi đợi,
Mãi
Ngồi làm chi?
Chờ thêm xanh
Cuộc phân li.
- Thương em lỡ buổi
Xuân thì
Lạnh

Mong!.

PPH


READ MORE - RỒI MỘT LẦN ĐÁNH MẤT - thơ Phạm Phan Hòa

TÔI VÀ EM - thơ Vũ Trầm Tư





TÔI  VÀ EM

Tóc em dài như mây
Tôi bước chân lưu đày
Tóc rơi từng sợi nhỏ
Buộc tình tôi mê say

Em treo đời khốn khổ
Trên nhánh lá sầu đâu
Tôi bước theo mỏi mệt
Gậm nỗi đau ngọt ngào

Em một đời mơ mộng
Theo cánh diều bay cao
Tôi bước chân lầm lỡ
Thân mang nhiều vết dao

Em chưa là thánh nữ
Tiếc mùa xuân vội tàn
Tôi làm thân du mục
Quen kiếp đời lang thang

Em vầng trăng phố thị
Treo về phía lầu cao
Quen ánh đèn xanh đỏ
Chưa biết đời hư hao

Tôi dòng sông lơ đảng
Trôi về một xóm quê
Cánh chim trời đã mỏi
Rừng núi cũ bay về


VŨ  TRẦM  TƯ
READ MORE - TÔI VÀ EM - thơ Vũ Trầm Tư

CHÂU THẠCH : ĐỌC “NẾU MỘT MAI TÔI VỀ” THƠ TRẦN TRUNG ĐẠO


Đọc “Nếu một mai tôi về” thơ Trần Trung Đạo và được biết bài thơ nầy anh viết cho Đà Nẵng, nơi anh đã sống một thời trai trẻ và nơi tôi đang sống bây giờ khiến tôi cảm thấy mình như gần gủi với tâm tình được thổ lộ trong thơ. Tôi có hai thành phố thân yêu trong đời. Đó là Đà Nẵng quê hương tôi và Quảng Trị nơi tôi sống một thời trai trẻ. Bây giờ hai thành phố nầy không cách xa tôi nhưng sao trong lòng tôi vẫn thường hỏi nó “Có còn nhận ra tôi không?” như nhà thơ Trần Trung Đạo từ bên kia bờ đại dương đã hỏi:

Có còn nhận ra tôi không
Hỡi thành phố cũ
Những mái ngói xanh rêu
Bức tường vôi loang lổ
Bài thơ xưa ghi dấu một phần đời

Đà Nẵng ngày xưa là thế đấy: Những mái ngói xanh rêu/ Bức tường vôi loang lổ có lẽ vì đem so với những thành phố hoa lệ bên trời Âu Mỹ mà tác giả đã đi qua, nhưng nó là “Một bài thơ ghi dấu một phần đời” của tác giả. Được biết thời trai trẻ tác giả sống ở Đà Nẵng nhưng học trường Trần Quý Cáp ở Hội An. Hình ảnh trong thơ là hình ảng đậm nét của cả hai nơi còn lưu trong ký ức của nhà thơ. Ngày nay Đà Nẵng không còn “Những mái ngói xanh rêu/Bức tường vôi loang lổ”nữa. Đà Nẵng đã trở thành một thành phố hoa lệ rồi, cho nên bạn sẽ không nhận ra nó mà nó cũng chẳng nhận bạn đâu. Hội An cũng thế, đã thành nơi của đèn lồng muôn màu và người Âu Mỹ rộn lối đi. Đà Nẵng, Hội An bây giờ vì đã thay hình biến dạng mà tâm hồn cũng đã đổi thay . Tâm hồn đó ngày nay không còn mơ ước như Trần Trung Đạo mơ ước thuở xa xưa:
Có còn nhận ra tôi không
Hỡi mơ ước tuổi hai mươi
Bờ bến cũ, ngậm ngùi thân sỏi đá
Tôi về đây, sông xưa, dòng nước lạ
Ngó mây trời mà khóc tuổi hoa niên.
Thế hệ tuổi hai mươi ngày xưa mơ ước gì? Mơ ước của ngày xưa chắc phải đẹp. Những mơ ước ấy xa lạ vô cùng với Đà Nẵng, Hội An ngày nay. Nhà thơ đã đoán được điều đó nên đã than thở cho sỏi đá ngậm ngùi nơi bến cũ, cho sông xưa dòng nước lạ để “Ngó mây trời mà khóc tuổi hoa niên”. Thật ra bến cũ đâu còn, chỉ còn sông xưa với dòng nước lạ nhưng hình như sông xưa cũng đã hoá vào thiên cổ và thay vào đây một dòng sông rất mới. Có triết gia đã nói “không thể tắm hai lần trên một sông” vì dòng sông biến đổi từng giờ, huống chi bây giờ, khi tác giã trở về thì “sông xưa” đã thành “dòng nước lạ”. Tội nghiệp cho nhà thơ, anh còn tưởng tượng thêm ngày quay về sẽ tìm gặp lại nhưng dấu tích thân yêu khác:

Có còn nhận ra tôi không
Hỡi cây đa cũ trong sân
Nơi tôi đứng những chiều thu lá đổ
Đừng hát nữa đa ơi, bài ca buồn vạn cổ
Tấm thân gầy đau nhức nhối trong đêm.

Cây đa không còn nữa để đứng khóc cho anh đâu. Nó đã bị bứng gốc lên rồi từ ngày tốc độ đô thi hoá làm thay đổi cảnh quang thành phố vùn vụt từng ngày. Đa không còn đâu để hát và nhà thơ “có nhứt nhối trong đêm” thì cũng không có “bài ca buồn vạn cổ” ngày xưa đồng điệu với mình. Chổ của đa bây giờ có thể là một ngôi nhà cao tầng nào đó.

Đã thế Trần Trung Đạo lại còn muốn tìm hương vị ngày xưa của quán bên đường:

Có còn nhận ra tôi không
Hỡi những giọt cà-phê đen
Ly rượu đắng cho môi đời bớt nhạt
Khói thuốc bay như mây trời phiêu bạt
Trên con đường nay đã đổi thay tên.

“Con đường nay đã thay tên” và ly rượu, ly cà phê anh đang uống đó chắc chắn cũng không còn cái đắng thưở xưa. Cái đắng thuở xưa là cái đắng thị vị chan chứa nhận ở đầu môi và tình yêu chất chứa trong lòng, còn cái đắng bây giờ là cái đắng vẫn thế ở đầu môi nhưng tràn vào con tim nỗi xót xa vì lạc lõng, cô đơn và hụt hẫng.

Nhà thơ nhớ đến bạn. Anh trách bạn “Giờ chia tay sao chẳng hẹn quay về”:

Có còn nhận ra tôi không
Hỡi bè bạn anh em
Ai còn sống và ai đã chết
Ai ở lại lao đao, ai phương trời biền biệt
Giờ chia tay sao chẳng hẹn quay về.

Chia tay gì hôm nay nữa? Đã chia tay cái ngày bạn anh lên núi. Đã chia tay cái ngày anh xuống thuyền rời bỏ quê hương. Ngày đó anh đã vĩnh biệt rồi vì đâu biết anh còn có ngày quay lại. Hình như nhà thơ còn nghĩ xa hơn, nghĩ đến cái ngày chia tay là cái ngày rời bỏ thế gian, nhưng than ôi! cái ngày chia tay đó làm sao mà hẹn được. Cuối cùng nhà thơ tưởng tượng mình về ngồi trên ghế đá, ngồi trong ngôi nhà xưa để nghe “Trong đêm dài yên lặng/ sông núi gọi tên mình”:

Có còn nhận ra tôi không
Hỡi ghế đá công viên
Những mái lá che tôi thời mưa nắng
Từ nơi đấy trong đêm dài yên lặng
Tôi ngồi nghe sông núi gọi tên mình.

“ Sông núi” gọi gì thì không biết nhưng chắc chắn rằng ghế đá năm xưa không còn, mái lá năm xưa biến mất và đêm cũng không còn yên lặng vì tất cả đã đổi thay, đổi thay hơn Từ Thức ngày xưa quay về trần gian sau tháng năm lạc đến miền tiên giới. Và rồi nhà thơ có chút giận hờn trong hai câu cuối:

Có còn nhận ra tôi không
Hay tại chính tôi quên.

“Quên”, nhà thơ làm sao quên được khi anh nhớ tường tận từng kỷ niệm trong từng nơi chốn cũ. Chẳng qua chốn cũ và anh đều đổi thay nên không còn nhận được ra nhau, và có nhận được ra nhau thì cũng đã trở nên người xa lạ.

Đọc “Nếu một mai tôi về” hình như tôi muốn khóc, khóc không chỉ vì bài thơ cảm động mà còn khóc vì những mong ước của anh nếu được quay về cũng không còn đâu nữa. Khóc vì tủi lòng, vì thấy những người ở xa quá thật thà, chưa hiểu gì là “ tang điền biến vi thương hải”. Ôi! Tôi ước gì cảnh xưa còn đó dầu nó chỉ là “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ nền cũ lâu đài bóng tích dương”. Đất nước ngày nay thay đổi mọi nơi, từ nông thôn đến thành thị, nhưng “dấu xưa” không còn. “nền cũ” mất đi, tình người phân tán làm đau thương cho những tâm hồn hoài cổ, đau gấp mấy lần bà Huyện Thanh Quan. Hảy đọc bài thơ của bạn tôi, nhà thơ Thế Lộc còn đang sống trong thành phố quê nhà để hiểu thêm nỗi buồn của người ở lại còn nặng nề hơn nỗi lòng của kẻ xa quê:

Sông nầy không phải của tôi
Vẫn con nước ấy lặng trôi qua cầu
Núi nầy không phải của tôi
Thăng trầm cuộc sống nổi trôi núi rừng
Nắng thu chiều nhớ rưng rưng
Gió ra biển rộng bỗng dưng ngỡ ngàng
Kể từ cầu gảy rẽ ngang
Trùng khơi sóng vỗ mênh mang cõi trần
Cuối đời quảy gánh phong vân
Nhẩm tay Mẹo, Tý, Mùi, Thân rẽ bầy
Hồ mã tế, Bắc phong ngây
Sào Nam Việt điểu lất lây cuộc tình
Nắng chia nửa bải điêu linh
Hoàng hôn đứng đó một mình chờ ai !…
( Ngỡ Ngàng)
Thế Lộc

Bài thơ “Ngỡ Ngàng” nhắc đến điển tích “ ngựa Hồ chim Việt” ngày xưa. Khi có đông phong thì ngựa Hồ quay đầu về quê hương mà rống. Con chim nước Việt dầu phải bay xa kiếm sống nhưng vẫn làm tổ và chọn cành phương nam để đậu.

Thương thay cho Trần Trung Đạo, như con ngựa Hồ, như con chim Việt, đau đáu một niềm thương nhớ quê hương, mơ một ngày quay về cũng không trọn vẹn trong mơ. Vậy mà ngày nay khi quay về, chắc còn đối mặt với biết bao nhiêu điều xa lạ mà, ngay người ở lại cũng còn mang tâm trạng nhớ thương ./.
Châu Thạch

NẾU MAI MỐT TÔI VỀ
Trần Trung Đạo

Có còn nhận ra tôi không
Hỡi thành phố cũ
Những mái ngói xanh rêu
Bức tường vôi loang lổ
Bài thơ xưa ghi dấu một phần đời.
Có còn nhận ra tôi không
Hỡi mơ ước tuổi hai mươi
Bờ bến cũ, ngậm ngùi thân sỏi đá
Tôi về đây, sông xưa, dòng nước lạ
Ngó mây trời mà khóc tuổi hoa niên.
Có còn nhận ra tôi không
Hỡi cây đa cũ trong sân
Nơi tôi đứng những chiều thu lá đổ
Đừng hát nữa đa ơi, bài ca buồn vạn cổ
Tấm thân gầy đau nhức nhối trong đêm.
Có còn nhận ra tôi không
Hỡi những giọt cà-phê đen
Ly rượu đắng cho môi đời bớt nhạt
Khói thuốc bay như mây trời phiêu bạt
Trên con đường nay đã đổi thay tên.
Có còn nhận ra tôi không
Hỡi bè bạn anh em
Ai còn sống và ai đã chết
Ai ở lại lao đao, ai phương trời biền biệt
Giờ chia tay sao chẳng hẹn quay về.
Có còn nhận ra tôi không
Hỡi ghế đá công viên
Những mái lá che tôi thời mưa nắng
Từ nơi đấy trong đêm dài yên lặng
Tôi ngồi nghe sông núi gọi tên mình.
Có còn nhận ra tôi không
Hay tại chính tôi quên.





READ MORE - CHÂU THẠCH : ĐỌC “NẾU MỘT MAI TÔI VỀ” THƠ TRẦN TRUNG ĐẠO