Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, December 7, 2015

NGƯỜI ƠI... - thơ Thy Lệ Trang


Tác giả Thy Lệ Trang


NGƯỜI ƠI...

Rằng em từ buổi chia xa
Bâng khuâng nhìn nắng nhạt nhòa... cuối sân
Biết đời là áng phù vân
Biết tình là bóng ngoài tầm tay nhau
Tạ từ... chưa nói mà đau
Vần thơ chưa gửi xanh xao tháng ngày
Ơi người! có nhớ bàn tay...
Công viên chiều đó mưa bay chập chùng?
...

Cầm phone rồi lại ngập ngừng
Dường như nước mắt lưng chừng... hoen mi !!!


Thy Lệ Trang
READ MORE - NGƯỜI ƠI... - thơ Thy Lệ Trang

NIỆM KHÚC MÙA ĐÔNG - Trương Đình Phượng


Tác giả Trương Đình Phượng



Trương Đình Phượng

NIỆM KHÚC MÙA ĐÔNG

Có một ngày tôi bỗng muốn vắt kiệt máu mình hòa thành mực và lấy tâm hồn mài thành ngọn bút để viết nên một cái gì đó, cho ra viết. Nhưng rồi tôi chả làm được gì. Vẫn âm thầm ngồi bên khung cửa nhỏ nhìn nắng chết ngoài hiên. Mùa đông về không dự báo. Những chiếc lá cạn nhựa rưng rưng giã biệt cành. Từng phím gió len vào căn gác nhỏ gờn gợn những xúc cảm lạnh lùng. Lặng lẽ. Tĩnh mịch.
Một con chim be bé sà xuống cành nhãn còi, khe khẽ dạo một bản nhạc buồn buồn. Tôi bước ra ngoài lan can, hòa mình vào không gian chiều u uẩn.
Nhà bên, bà cụ già lặng lẽ ngồi bên mái hiên còm cõi. Hai bàn tay xương xẩu chậm rãi gom nắng tàn. Tiếng thở dài nghe như một niệm khúc xót xa.
Một thằng bé ăn mày, tay cầm mẩu bánh mỳ thừa, dừng nơi vỉa hè chếnh choáng gió, ngắt một bông hoa cúc đưa lên mũi ngửi, một nét cười hiện ra trên khóe môi tím bầm vì lạnh.
Bóng chiều loảng nhanh. Một ông cụ chậm rãi nhặt từng bước chân run run trên con ngõ nhỏ gầy mòn.
Tôi quay vào trầm lặng như lúc tôi đi ra. Tâm hồn tôi lại bó gọn trong khung cửa nhỏ. Lá vàng chừng rơi nhiều hơn. Từng sợi tối dần đan lên mảnh không gian thinh mịch.Con chim nhỏ đã bỏ đi. Chỉ còn những cành nhãn còi run rẩy theo làn gió tê tê.
Chiếc radio cũ của mẹ tôi đang phát chương trình dân ca và nhạc cổ truyền,tiếng ru con à ơi nhè nhẹ thẩm thấu vào trái tim tôi.Tôi chợt nhận ra dẫu có bao lâu, và có cố gắng thế nào tôi cũng không bao giờ đi qua hết được chiều dài con đường suy tưởng.
Thời gian vẫn trôi. Nhịp đời vẫn chảy, như dòng sông kia ngàn đời không ngừng thở. Đôi khi muốn ôm trọn muôn nỗi niềm nhân thế vào lòng, ngỡ có thể mổ xẻ những niềm đau, tiêm vào đó một liều kháng sinh bình yên, hạnh phúc... Có được chăng?
Hòn đá kia có bao giờ mềm? Bàn chân ấy biết khi nào có thể trở nên cứng cỏi như lời ca dao tự xa xưa?
Mưa có bao giờ khô? Nắng có bao giờ ướt? Những giấc mơ khuyết tật hình hài muôn đời vẫn mò mẫm dò đường trong đêm trường u tối.
Làm sao tích giữ chất diệp lục cuộc trần bằng hai bàn tay bé nhỏ? Cánh đồng nào chả đến thời kỳ cạn kiệt huyết tương hi vọng, đợi chờ?
Tại sao tôi cứ ngây thơ nghĩ sẽ có lúc thay đổi được quy luật bất biến đã di tồn hàng tỷ năm?
Đã lâu rồi, tôi cũng chẳng nhớ nổi, từ khi nào, nước mắt tôi không còn vận hành qua khóe mi, nó lặn sâu vào tận cùng đáy huyệt tâm tư, ở đó, lặng lẽ khởi sinh rồi cũng lặng lẽ trút hơi thở. Và cũng từ rất lâu rồi, nụ cười không còn ghé về thăm tôi. Nó đã đi xa, xa lắm, xa mút tầm níu gọi của lòng tôi.
Tôi lục lọi trong chiếc hòm cũ tìm những bài thơ cũ, cũ như ký ức đã bị chôn vùi vào một đêm xưa, khi người từ giã phố ra đi, để mặc tôi một mình chết sững giữa bao la sầu muộn. Những bài thơ chất ngất hoài đau buốt nhớ. Những bài thơ thầm lặng trôi qua dòng đời không nhân ảnh đồng điệu.
Những bài thơ hay ấy chính là những tiếng than van của một trái tim ngục tù, mệt mỏi. Làm sao thẩm thấu tảng đá cõi đời chai lạnh?
Liệu có khi nào, một chiếc linh hồn rớt, một khóm tình rũa sắc, một sợi máu ngừng run … của một cá nhân nào đó sẽ tạo ra cơn địa chấn cho cả mạch nguồn nhân thế?
Có một lần nào đó, tôi về ngang triền mơ tuổi nhỏ, cánh diều năm xưa đã từ biệt cuộc chơi trần tục, và cánh chim ước vọng cũng đã ngừng hót từ lâu, lặng lẽ tôi nhặt lên một cọng cỏ buồn, đứng dưới khung chiều đầm đẫm cô liêu, tôi tưởng niệm ngày biếc. Rồi đêm xuống, tôi gối đầu lên đám sao, mơ về bóng dáng thiên đường. Tôi choàng tỉnh dậy, khuya lắm, khuya lắm rồi. Nơi nách tường già cỗi, con dế già vẫn còn ôm chiếc đàn mục rền rĩ niệm khúc vạn năm.
Tôi bỗng muốn vắt kiệt máu mình hòa thành mực và lấy tâm hồn mài thành ngọn bút để viết nên một cái gì đó, cho ra viết. Nhưng rồi, tôi lại ngồi im lặng, lắng nghe dòng đời trôi, miên miết, vô định… ai biết ngày mai, tôi về đâu, những nhân ảnh ngoài kia về đâu?
AI BIẾT ?

TĐP

READ MORE - NIỆM KHÚC MÙA ĐÔNG - Trương Đình Phượng

GOM NHẶT - thơ Phạm Phan Hòa



Tác giả Phạm Phan Hòa


GOM NHẶT
              Tặng Thúy TM


  Thủa nào tay
  Chạm
 Niềm mơ?
 Rồi xa ngút
 Để...
Lại thơ không lời!
... Người đi - cơn mộng tơi bời,
Ta tan tác
Nhặt một thời

Vỡ

Thương!

PPH


NGÀY ANH ĐI

Một hôm
Anh rồi xa em
Trăng trôi về giữa 
Êm đềm 
Ngủ
Yên.
... Qua rồi cơn mộng
Triền miên!
Em tình trở lại
Cuối miền

không

Đau.

               
                                                        Phạm Phan Hòa                 
                                           (QN)
READ MORE - GOM NHẶT - thơ Phạm Phan Hòa

CUỘN SÓNG - thơ Trần Ngọc Hưởng


Tác giả Trần Ngọc Hưởng


Cuộn sóng 

Thân trần mắt ngả mày nghiêng,
Phút nào anh cuộn vào em bềnh bồng.
Ngất ngây chạm đáy cuồng phong,
Gối đầu lên ngực em hồng, phục sinh.

Vòng tay xiết khoả thân xanh,
Phút nào em cuộn vào anh nồng nàn.
Lướt môi về phía đa đoan,
Dốc ly rượu cạn tình tràn tận đâu?

Tình thơ e giấc mơ nhàu,
Phút nào ta cuộn vào nhau giao hòa.
Tình nồng ơi! Thoáng thăng hoa,
Gửi vào vô tận thực thà mắt môi.

Ngực hồng vùi nụ hôn tươi,
Buồm yêu vút cánh giạt trôi mịt mờ.
Mênh mang đâu bến đâu bờ,
Gập ghềnh trong khói, dật dờ trong sương.

Kể chi địa ngục thiên đường,
Bế bồng nhau giữa suối nguồn đam mê,
Thênh thang ngõ nhỏ đi về,
 Sóng tình cuộn sóng tràn trề cuộn nhau. 

Trần Ngọc Hưởng

READ MORE - CUỘN SÓNG - thơ Trần Ngọc Hưởng

ĐÊM QUÊ - thơ Xuân Nghiêm


Tác giả Xuân Nghiêm


ĐÊM QUÊ
 
Đêm làng quê thật yên bình
Vắng dàn còi hú ẩn hình tàu xe
Chỉ rì rào gió rờn tre
Ánh trăng mờ tỏ soi hè nhà thôi
Nhà bên tiếng nhẹ đưa nôi
Bồng bềnh tiếng mẹ trẻ ngồi ru êm
Khuya thâu nghe rõ tiếng đêm
Đều đều nhịp thở mát mềm tình xưa
Nồng nàn xen tiếng gió mưa
Xa xa vẳng đến điểm đưa tiếng gà
Mùi ngái lá, mùi thơm hoa
Mùi cay khói rạ đậm đà mùi quê
Đêm làng ôi thật bùa mê
Bõ công may được dãi dề cùng em
Nhắn ai nhớ nhớ quên quên
Tình quê quấn quýt ở bên tháng ngày
Nâng ly môi chạm men say
Thả hồn ôm trọn lấp đầy đêm quê

Xuân Nghiêm
Tứ Kỳ, Hải Dương

nguyenxxuannghiem@gmail.com


READ MORE - ĐÊM QUÊ - thơ Xuân Nghiêm

NHÂN DUYÊN - thơ Trường Hải Lê Văn Đông

                                         
     
Tác giả Lê Văn Đông
   



NHÂN  DUYÊN

          Núi cao lặng lẽ cô đơn
          Mây về quấn quýt gió vờn đẹp đôi.
          Dòng sông uể oải nhẹ trôi
          Con thuyền xuôi ngược hòa vui hai lòng.
          Trầu cau thơm bởi vôi nồng
          Tim anh hồi hộp má hồng em say.
          Từ ngày … biết có mây bay
          Thuyền đi, gió thổi… ngất ngây duyên tình.
          Mênh mang giữa cõi nhân sinh
          Hữu duyên đôi lứa cho mình gặp ta.
          Bốn mùa trời đất nở hoa
          Công đức cha mẹ, hai ta mặn nồng.


          Đỉnh Sơn, 5/12/2015
          Trường Hải Lê Văn Đông


READ MORE - NHÂN DUYÊN - thơ Trường Hải Lê Văn Đông

Tháng mười hai TÌNH TỰ MÙA ĐÔNG - thơ Phạm Hoà Việt


Tác giả Phạm Hòa Việt


Tháng mười hai


TÌNH TỰ MÙA ĐÔNG


Gió ru tình tự đêm Đông
Tháng mười hai vọng bóng không Ngân Hà
Em về đôi gối thêu hoa
Cho cầu Ô nửa mặn mà ánh sao
Cho em nửa giấc chiêm bao
Cho nụ hôn nửa má đào hồng duyên
Thuyền tình nửa bến sông quyên
Trái tim chia lối một bên của nàng
Tình em nửa giấc mộng vàng
Cầu Ô nửa nhịp không sang đôi bờ
Em về gối chiếc tìm thơ
Đêm Đông tình tự cơn mưa nửa chừng...


Phạm Hoà Việt
READ MORE - Tháng mười hai TÌNH TỰ MÙA ĐÔNG - thơ Phạm Hoà Việt

VÀI SUY NGHĨ VỀ BÀI CA DAO "THẰNG BỜM" - Châu Thạch




BIỆN HỘ CHO PHÚ ÔNG 

TRONG BÀI CA DAO “THẰNG BỜM”    

CHÂU THẠCH


Vừa qua trên vài trang web trong và ngoài nước tác giả Trần kế Hoàn đã viết một bài với đề tài “Cần hiểu bài ca dao Thằng Bờm như thế nào?” Trong bài viết nầy, tác giả đã có ý kiến không thống nhất với việc Đài VTV3 Truyền hình Việt Nam trong chương trình “Ai là triệu phú” cũng như “Chúng tôi là chiến sĩ” đã cho đáp án là Bờm nhận nắm xôi của Phú Ông để ăn, nghĩa là đã đồng ý đổi quạt cho Phú Ông. Tác giả Trần kế Hoàn lập luận rằng: “Trời ơi! quả là một sai lầm nghiêm trọng! Hai từ cuối của bài ca dao là “Bờm cười” chớ có từ nào thể hiện là bờm đồng ý đâu.” Sau đó, tác giả tiếp tục lý luận với những nhận định như sau: “Phú Ông là đại diện cho lớp người giàu có xưa. Chúng rất nham hiểm, mưu mô, thủ đoạn.” Đồng thời tác giả cũng cho rằng thằng Bờm đã khôn ngoan tặng cho Phú Ông những nụ cười khinh bỉ khi từ chối những tài sản có giá trị kinh tế cao.


 Châu Thạch tôi cũng đồng ý với tác giả Trần kế Hoàn về việc VTV3 đã cho đáp án thằng Bờm nhận nắm xôi là không đúng, nhưng rất không đồng ý với tác giả về việc đánh giá tư cách của Phú Ông và Thằng Bờm. Tôi cho rằng việc đánh giá Phú Ông là người nham hiểm và Thằng Bờm khôn ngoan đến độ có cái cười khinh miệt vào mặt Phú Ông là những suy nghĩ lệch lạc do chịu ảnh hưởng của một thời người ta cố bóp méo bài ca dao Thằng Bờm để phục vụ cho “Đấu tranh giai cấp.”


Để biện minh cho Phú Ông và Thằng Bờm, tôi xin gởi lên đây một bài viết mà tôi đã đăng trên nhiều trang web trong và ngoài nước nhiều năm trước đây. Kính mong tác giả Trần Kế Hoàn và quý bạn đọc lượng thứ cho nếu những gì không đúng với suy nghĩ của mình.


VÀI SUY NGHĨ VỀ BÀI CA DAO "THẰNG BỜM"        

                                                                                            
Châu Thạch

        
             
Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi một xâu cá mè
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi Bờm cười./.


Có nhiều bài bình văn trên báo chí cũng như  nhiều bài giảng văn trong sách giáo khoa viết về bài ca dao Thằng Bờm như sau:

1) -Bờm có một cử chỉ thật tuyệt, đã lắc đầu từ chối nhiều lần, lừa cho Phú ông bộc lộ hết lòng tham lam của mình, năn nỉ đổi cho bằng được cái quạt mo của Bờm. Cuối cùng bờm ném vào mặt Phú ông một nụ cười khinh bỉ, từ chối nắm xôi thơm tho hấp dẫn.

-Bờm đại diện cho giai cấp nông dân nghèo trong thời phong kiến, thật thà chất phác nhưng khôn ngoan và trong sạch, không ham của cải phi nghĩa chẳng do bàn tay lao động mình làm ra.

2) -Phú ông là một tên trọc phú ngu ngốc, chết mê chết mệt cái quạt mo của Bờm, nên không ngần ngại đem tài sản của mình đánh đổi.

-Phú ông đại diện cho lớp địa chủ thời phong kiến, ngu muội và tham lam.  

  Kẻ hèn nầy không phải là nhà phê bình văn học, cũng không phải là người học cao hiểu rộng, nhưng có những ý kiến thô thiển ngược với những lập luận trên, kính trình bày để bạn đọc xa gần cùng bàn luận cho thêm cao kiến: 

1) Bờm: Theo tự điển Khoa học thì Bờm chỉ là một đứa trẻ còn bụ sữa, có một chỏm tóc để dài che trên thóp đầu, có nơi gọi là chỗ “mỏ ác”.

Vậy Bờm không thể có sự khôn ngoan lắc léo để lừa Phú  ông như trên đã nói. Sở dĩ Bờm từ  chối những món hàng tuyệt vời mà Phú ông đã mặc cả chỉ bởi vì Bờm còn nhỏ, chưa có ý niệm gì về của cải vật chất trong đầu nó cả. Cuối cùng khi Phú ông mặc cả đến nắm xôi, Bờm cười. Cười, có thể là từ chối nắm xôi, cũng có thể là đồng ý nhận nắm xôi để trao chiếc quạt cho Phú ông, vì trong đầu non nớt của Bờm nắm xôi có giá trị nhất. Cái cười của Bờm trong bài ca dao chỉ là  sự kết luận cố ý để nửa vời cho người nghe ca dao hiểu sao cũng được, chứ không dứt khoát đây phải là cái cười khinh bỉ vào mặt Phú ông.

 2) Phú ông: Theo tự điển Khoa học Phú ông chỉ là người đàn ông giàu có, còn người đàn ông giàu có mà tham lam ngu dốt thì gọi là trọc phú.Vậy bài ca dao nầy dùng từ Phú ông có nghĩa là ông ta không hẳn là người xấu, có thể là người tốt .

-Cái quạt mo ở nông thôn ngày xưa thì nhà nghèo cũng có, huống chi phú ông lại là người giàu, muốn có thì khối gì. Vậy vì cớ gì Phú ông trả giá đến ba bò chín trâu, ao sâu cá mè để đánh đổi một vật tầm thường như thế? Vả lại khi mặc cả đánh đổi một vật có ai lại cắc cớ trả từ giá cao đến giá thấp như Phú ông bao giờ.

Để giải thích cho hợp lý hành động lạ kỳ nầy của Phú ông,  chỉ có thể kết luận là ông ta muốn đùa vui với Bờm mà thôi. Phú ông chắc chắn là người yêu trẻ, thấy Bờm bụ bẫm dễ thương, ông ta lại có tâm hồn hài hước nên âu yếm đùa vui với Bờm bằng sự mặc cả nầy.

Theo thiển ý của tôi, bài ca dao Thằng Bờm vẽ nên một bức tranh dân gian hài hòa, nói lên tâm hồn cởi mở, hài hước, bình dị và trong sạch của người dân nông thôn thuở trước, tuyệt nhiên không chỉ trích bêu xấu một thành phần nào trong cộng đồng đó. Tặng cho Thằng Bờm một bộ óc cao siêu, đeo cho Phú Ông một bộ mặt gian xảo là bóp méo bài ca dao, làm hư đi bức tranh miêu tả nét bình dị, dí dỏm của nền văn hoá Việt Nam ở vùng nông thôn một thời xa xưa ấy. Đành rằng giai cấp địa chủ và người nghèo trong thời phong kiến luôn luôn có mâu thuẩn nhau nhưng nó không phải được diễn tả trong bài ca dao nầy. Biến bài ca dao Thằng Bờm thành một phương tiện đấu tranh giai cấp là bức râu ông nọ cắm cằm bà kia. Điều ấy rất sai lầm.

 Đọc bài ca dao Thằng Bờm chẳng mấy ai không thấy lòng vui vui và trong trí hiện lên khung cảnh làng quê với một nếp sông êm ả và bình dị chớ không mấy ai lại liên nghĩ đến hai người nầy kỳ kèo đấu trí lẫn nhau bao giờ./.
    
                                                       Châu-Thạch 


READ MORE - VÀI SUY NGHĨ VỀ BÀI CA DAO "THẰNG BỜM" - Châu Thạch

MỘNG BÌNH THƯỜNG - thơ Trương Thị Thanh Tâm


Tác giả Trương Thị Thanh Tâm


MỘNG BÌNH THƯỜNG 

Trương Thị Thanh Tâm 

Đêm chầm chậm bước qua thềm 
Hai phương trời có chung miền ưu tư 
Thời gian tiếng nhẹ êm ru 
Cho ta nỗi nhớ len vào trái tim 

Buồn như cũng cứ dài thêm 
Niềm riêng thao thức cho đêm hững hờ 
Gối mềm ấp ủ trang thơ 
Nhớ thương ánh mắt ngu ngơ kiếm tìm 

Đêm về phố thị ngủ yên 
Cô đơn khép cửa,trăng nghiêng phía đồi 
Mơ về đâu ! Mộng bình thường 
Cánh chim đã mỏi dư hương hiện về 

Sân vườn mấy cánh lá rơi 
Mù sương khép lại tuổi đời rong rêu 
Mơ về đâu chút hương yêu 
Vẫn còn quanh quẩn những chiều hẹn xưa 

Tôi giờ thầm đếm tiếng mưa 
Hạt rơi thấm áo,hạt vừa vỡ đôi 
Người đi để lạnh bờ môi 
Tiếng ai khe khẻ..tình ơi giọt buồn !

          T4  (Mỹ Tho)
READ MORE - MỘNG BÌNH THƯỜNG - thơ Trương Thị Thanh Tâm

NHỚ MẸ -Thơ Hồng Thúy - Nhạc Trần Bảo Như -Ca sĩ Thùy Dương - Video Duy Han

READ MORE - NHỚ MẸ -Thơ Hồng Thúy - Nhạc Trần Bảo Như -Ca sĩ Thùy Dương - Video Duy Han