Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, November 27, 2015

TÌM HIỂU TÔN HIỆU "CHÚA TIÊN - NGUYỄN HOÀNG" - Nguyễn Phúc Vĩnh Ba




Lăng mộ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng được gọi là lăng Trường Cơ, tọa lạc tại xã La Khê, huyện Hương Trà, nay là làng La Khê, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế.



Nguyễn Phúc Vĩnh Ba
TÌM HIỂU TÔN HIỆU "CHÚA TIÊN - NGUYỄN HOÀNG"
  

(Riêng tặng tất cả giáo viên và học sinh trường Nguyễn Hoàng – Quảng Trị, xưa và nay)

Dân Việt ta luôn tự hào có được một giang sơn gấm vóc trải dài từ ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Để có một non nước tươi đẹp như vậy, hẳn không ai quên được công cuộc Nam tiến mở mang bờ cõi của dân tộc ta dưới thời các chúa Nguyễn Đàng Trong.

Khởi đầu nghiệp Chúa ở Đàng Trong là Chúa Nguyễn Hoàng. Ông vào trấn thủ Thuận Quảng, bắt đầu một thời kỳ lịch sử mới. Để mở rộng bờ cõi, năm 1611ông đã thực hiện cuộc Nam tiến đầu tiên, tiến chiếm đất từ đèo Cù Mông (bắcPhú Yên) đến đèo Cả (bắc Khánh Hòa) của vương quốc Chăm Pa vốn đã suy yếu, lập thành phủ Phú Yên gồm hai huyện Đòng Xuân và Tuy Hòa, giao cho Văn Phong trấn giữ. Cho tới khi ông mất, giang sơn họ Nguyễn trải dài từ đèo Ngang (nam Hà Tĩnh) tới núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn), gần đèo Cả, bây giờ là vùng cực nam Phú Yên. 


Tương truyền trong lúc hấp hối, Nguyễn Hoàng dặn dò con trai là  Nguyễn Phúc Nguyên: “Nếu Bắc tiến được thì tốt nhất, bằng không giữ vững đất Thuận Quảng và mở mang bờ cõi về phía nam.”
H.1

Bản dịch của Viện Sử học sách Đại Nam thực lục, Tập I, tr.28 ghi: “Chúa vỗ vềquân dân, thu dụng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng, được dân chúng mến phục, bây giờ thường xưng (tụng)  Chúa Tiên. Nghiệp đế dựng lên, thực là xây nền từ đấy.”

Danh xưng Chúa Tiên trong sử sách ghi là thế, các sách báo ngày nay cũng viết thê. Tuy nhiên, vì không có chữ Hán kèm theo, việc hiểu nghĩa của danh xưng này gặp nhiều khó khăn, mỗi người một ý. Nói chung có 02 cách hiểu:

- Một số nhà nghiên cứu cho rẳng “Tiên” là trước, như trong các cụm từ “trước tiên, tổ tiên, tiên vương, tiên đế,..” Vậy chúa Tiên là vị chúa đầu tiên, vị chúa khởi thủy của thời Đàng Trong. Nếu thế thì sách xưa phải đã viết là  先 主Có diều cần lưu ý là các cụm từ tiên vương, tiên đế, tiên chúa lại có nghĩa thông dụng là vị vua, vị chúa đã qua đời. Xưng tụng vậy e là không tế nhị rồi.

- Theo một số người khác “Tiên” là ông Tiên, như trong các cụm từ “tiên phật, tiên cảnh, tiên ông,…” . Theo nghĩa này, chúa Tiên là vị chúa nhân hậu, bác ái, luôn cứu giúp kẻ khốn khó, cơ bần như các ông tiên, ông bụt trong các chuyện cổ tích truyền khẩu dân gian. Với nghĩa này, chúa Tiên phải viết là 仙主.

Cái điều nên làm là chúng ta cần căn cứ vào các tư liệu cổ để khỏi phải suy diễn cảm tính rồi tranh luận một cách chủ quan. Tra cứu các sách xưa, người viết đã gặp 02 tư liệu sau:

1- Cụ Trần Trọng Kim trong sách Việt Nam Sử lược, NXB Trung tâm Học Liệu Sài Gòn, 1972, về sau NXB Tp Hồ Chí Minh tái bản vào năm 2000, có vẽ sơ đồ Nguyễn thị thế phổ. Trong sơ đồ này cụ ghi rõ là Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng (Chúa Tiên) với chữ Hán là 仙 主(H.1) Nếu để ý đến danh xưng của con chúa Nguyễn Hoàng, chúa Nguyễn Phúc Nguyên là Phật Chúa (H.2), thì ta thấy được sự thống nhất trong cách xưng tụng của các vị chúa này. Họ là những người luôn cứu giúp dân chúng như các vị tiên phật trong truyện thần thoại  

Dẫu vậy, người viết vẫn chưa yên tâm với tư liệu này. Sách vở in đi in lại biết đâu tam sao thất bổn. Cụ Trần Trọng Kim ghi chú là đã tham khảo Đại Namthực lục tiền biên. Đây là một văn bản sử học chính thức và quan trọng của Nguyễn triều, độ chính xác có thể xem là tuyệt đối.



 H.2

2- May thay, tra cứu qua Google, người viết gặp đươc bản scan cuốn Đại Nam Thực lục tiền biên. Trong bản scan cuốn Đại Nam Thực lục tiền biên.Q.1, tờ 6 do Nguyễn triều Quốc Sử quán biên soạn mà Viện Sử học đã dày công chuyển sang Việt ngữ, người viết đã chụp lại ảnh sau (H.3):





   H.3

Đoạn văn trong ảnh này đầy đủ là “Thượng phủ tuần quân dân, thu dụng hào kiệt, khinh dao bạc phú, nhân tâm duyệt phục, thời xưng Tiên Chúa. Đế nghiệp chi hưng thực cơ ư thử. 上 撫 循 軍 民,收 用 豪 傑, 輕 徭 薄 赋, 人 心 悅 服,時 稱 僊 主. 帝 業 之 興 寔 基 於 此.”(Bản dịch của Viện Sử học ở trên). Trong đoạn này, từ “Tiên chúa” được khắc bản gỗ là  僊 主Chữ 僊 nguyên là chữ 仙 (Hán Việt tự điển, Thiều Chửu, tr.37). Đại Nam thực lục của Quốc sử quán thì chắc chắn là chính xác rồi. Hơn nữa các bản khắc gỗ này hiện còn được lưu trữ.
Tác giả Nguyễn Phúc Vĩnh Ba
Đến đây, chúng ta đủ cứ liệu để kết luận rằng Chúa Tiên (仙 主) hay Tiên Chúa là danh xưng dành cho Ngài Nguyễn Hoàng với ý nghĩa rằng Ngài nhân hậu từ ái, thông tuệ giỏi giang, lắm phép thần thông và đã cứu giúp dân chúng như các vị tiên trong thần thoại.

Nếu không có Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào Nam, làm gì có nghiệp Chúa Đàng Trong và chúng ta làm sao có một giang sơn rộng lớn xinh đẹp như hôm nay. Xưng tụng như thế là một cách tri ân đối người cầm quyền có công lớn với dân tộc và Tổ Quốc. Thật chí lí thay!

Tháng 9.2013
NPVB


Nguồn: nguyenphucvinhba.blogspot.com và tập sách TẠP BÚT 4 do tác giả gởi tặng.



READ MORE - TÌM HIỂU TÔN HIỆU "CHÚA TIÊN - NGUYỄN HOÀNG" - Nguyễn Phúc Vĩnh Ba

LÊN CHƯ PAO - thơ Huy Uyên

       
Lên Chư-Pao

Sầu theo lên Chư-Pao mấy ngã
lưng đồi sao xanh rưng rưng
trên trời mây trôi che đời lá
rụng quanh đây phủ kín cây rừng .

(Khăn tang cũ ai xưa che trời
bao năm đọng hoài câu thương nhớ
súng đạn vây quanh giấc mơ thôi
Chư-pao đau thương từ độ ấy) .

Dã-quì vàng chi mà em đứng ngó
chiều về em ngược dốc Kontum
sương mây nao lòng theo gió
sông ngược trôi lên cuối núi ngàn

Mặt trời và tiếng chim rừng
đợi người rồi lủng sâu thăm thẳm
nai "tep" buồn bình minh xuống sương
tim ai một lần
treo lên cây cay đắng .

Rừng lay khóm hoa lan-hoàng-kiếm
những người Thượng buồn
bàng hoàng thiếp mê mấy mùa chinh-chiến
bên kia đồi cuối dốc và em .

đăm nhìn bầy thiếu nử
đắng lòng tát nước chiều rừng
tôi một đời chưa ngõ
chưa hề trao ai 
đóa nhất-điểm-hồng-lan .

Giờ tim em bỏ lại nơi đâu
Ở Plei-rong hay về Plei-Ro'h
Lúa mùa mạ non
ngực em ai bó sát
chỉ có hai mắt em là sầu .

Đau lắm từ khi biệt xa người
về Chư-pao núi đèo một thuở
tội tình chi lắm người ơi
tận cùng trời hỏi em thương nhớ

Huy Uyên


READ MORE - LÊN CHƯ PAO - thơ Huy Uyên

THI SĨ VÀ NGƯỜI TÌNH - thơ Phạm Đức Nhì




THI SĨ VÀ NGƯỜI TÌNH
 
Buổi sáng trời se lạnh
anh dậy sớm
ngồi viết vội mấy vần thơ
vừa chợt hiện ra
sau một đêm dài ngon giấc

Bỗng thấy hương thơm ngào ngạt
em vẫn trong áo ngủ
đem đến cho anh tách cà phê
ngun ngút nóng
hai đứa vai tựa má kề
cà phê chưa uống
đã nghe lòng rất ấm

Em choàng tay ôm vai anh
giọng nũng nịu
mắt mơ màng
“Anh đang làm thơ
về đất nước, quê hương
hay ơn cha, nghĩa mẹ?
về những năm tháng ngục tù
hay tình yêu đôi lứa?”

“Em ơi!
dù có viết
về đề tài gì đi nữa
thơ anh ít nhiều
cũng thấp thoáng
bóng hình em.”

Phạm Đức Nhì

READ MORE - THI SĨ VÀ NGƯỜI TÌNH - thơ Phạm Đức Nhì

THƠ NGUYỆN CẦU - Phạm Phan Hòa




THƠ NGUYỆN CẦU

                   * Tặng NTB, thương em anh làm thơ !.

Tình xa- theo em đường xa
Thấp thoáng nụ môi thật thà!
Lời anh ngàn đời nương gió
Thêm đầy đặn giấc mơ qua.

..."Thất Phật ra lăng đà bà"...
Thơ vươn trăm tay nghìn mắt
..."Bạt đà dạ ta bà ha"..

Mong em đường xa bình yên
Thương em cánh mỏng sương dày
Khẳng khiu chân cò lặn lội!!
..."Hô lô hô lô ma ra...
Hô lô hô lô hê rị"...
Mai rồi một thoáng hư không!!

... Đêm nay em rồi bình yên
Bên tay gối mảnh trăng hiền
Ngủ say bên ngàn hơi thở..
Đàn con - trần gian thần tiên.

Phạm Phan Hòa
Quảng Nam

Thứ sáu 27/11/2015.
READ MORE - THƠ NGUYỆN CẦU - Phạm Phan Hòa

Cuối Năm Nhớ TRỊNH CÔNG SƠN Và Tháng Ngày Lận Đận… -Tạp Bút: Mang Viên Long



Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn


Cuối Năm Nhớ TRỊNH CÔNG SƠN
Và Tháng Ngày Lận Đận…

Tạp Bút
Mang Viên Long


Ở quê, khi nghe tin Trịnh Công Sơn mất tại Saigon vì bệnh tiểu đường vào lúc 12 giờ 45 phút ngày 01 tháng 4 năm 2001 (nhằm ngày mồng 8 tháng 3 Tân Tỵ), tôi không có điều kiện vào Saigon ngay để được tiễn đưa anh lần cuối. Một năm trước, tôi cũng được bạn văn thông báo một ít tin tức về anh, nhất là về tình trạng sức khỏe ngày mỗi suy kém mà anh không giữ được sự điều độ, hay giới hạn trong sinh hoạt thường nhật. Tôi cũng được biết anh bị bệnh gan và thận khá lâu nhưng lại mất vì bệnh tiểu đường.

Không vào Saigon được trong ngày làm lễ tại chùa Vĩnh Nghiêm là một niềm ân hận với tôi nhưng tôi lại nghĩ sẽ viết “đôi điều về anh” để tỏ lòng thương tiếc anh, như thắp một nén tâm hương gởi theo anh cho lòng vơi bớt phần nào sự ân hận, băn khoăn vì nghịch cảnh hiện tại của mình!

Nghĩ là vậy mà không viết được gì! Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ lớn, thân hữu của anh mọi miền (trong và ngoài nước) viết khá nhiều về anh, một thiên tài âm nhạc Việt Nam; nhìn chung, toàn là những bài ngợi ca tài năng anh đã cống hiến cho nền âm nhạc qua hơn 600 ca khúc trong suốt chặng đường sáng tác (hơn 40 năm) khởi đầu từ năm 17 tuổi (1956) với hai ca khúc “Sương Đêm", “Sao Chiều" và “Ướt Mi" (được An Phú XB năm 1959). Trong không khí “vàng son của tài năng Trịnh Công Sơn khi đã thành danh", tôi không thể viết “lùi lại” về chặng đời có thể gọi là “lận đận” của anh như tôi đã từng biết về anh những năm đầu thập niên 60.

Tôi lại tự nghĩ: viết về cái quá khứ gian khó, những tháng ngày lận đận của tài năng TCS cũng là một điều nên làm. Viết về một thiên tài không hẳn chỉ nói đến các thành công, sự vinh quang mà cũng cần biết đến chặng ngày trưởng thành vươn lên trong gian khó của tài năng ấy. Như một kỷ niệm vui, một bài học cần thiết để học hỏi.. Những ngày cuối năm, ngồi buồn lại nhớ đến anh và chặng đời tuổi trẻ của mình, tôi viết những dòng tuởng nhớ này để ghi lại vài kỷ niệm một thời…

Trịnh Công Sơn đến Qui Nhơn học khóa đầu tiên của truờng Quốc Gia Sư Phạm (khoá 1, năm 1961-1963) khi tôi còn học năm cuối của trường Trung học Cường Đễ. Cũng xin nói thêm đôi điều về ngôi trường Sư phạm đặc biệt này: Trường nhận đào tạo giáo sinh cho 14 tình miền Trung và Cao nguyên (Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa. Phú Yên, Bình Định, Quàng Tín, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên, Quảng Trị, Kom Tum, Pleiku, Daklak, Phú Bổn). Điều kiện văn bằng chỉ cần Tú Tài một, nhưng trên thực tế, hơn 50 phần trăm đã có văn bằng Tú Tài 2. 20 phần trăm đã học qua 1, hay 2 chứng chỉ đại học. Quy định sau khi ra trường sẽ phân bổ phục vụ ở các trưởng tiểu học khu vực 14 tỉnh trong thời gian hai năm tập sự. Sau 2 năm,  qua kỳ thi dành cho những người có Tú tài 2, giáo viên trúng tuyển sẽ được nâng bậc “giáo sư trung học đệ nhất cấp”. Khi hoàn tất đủ các chứng chỉ đại học, có văn bằng cử nhân, sẽ được nâng bậc tiếp theo “giáo sư trung học đệ nhị cấp”. Như vậy, người có chí tiến thủ mà có hoàn cảnh khó khăn (nhất là đang bị "kẹt" tuổi quân dịch) có thể vừa đi dạy để có thể tự nuôi sống lại vừa có tiền chi phí cho chuyện học tiếp theo của mình!

Vì quy chế ưu đãi mở rộng cho con đường tiến thân, và nhất là vì có thể giúp sớm giải quyết giai đoạn khó khăn truớc mắt về kinh tế và quân dịch đang là nỗi lo lớn cho tuổi trẻ thời ấy nên trường SP Qui nhơn đã “chiêu tập “ được nhiều giáo sinh xin thi vào. Tuyển chọn được nhiều người tài năng trong dãi đất miền Trung-Cao Nguyên nghèo khó…

Tôi nghĩ TCS tìm đến trường SP Qui Nhơn cũng có thể do 2 nguyên nhân chính ấy, bên cạnh mơ ước của tuổi trẻ là muốn “bay nhảy/ thay đổi không khí” cho cuộc sống thêm phong phú để sáng tác của người nghệ sĩ như anh. Trường SP Qui Nhơn không có khoa “Tâm lí Giáo dục Trẻ em” như trang “Bách Khoa Toàn Thư Mở- Wikipedia" đã viết về TCS. Tâm lí GD chỉ là một môn học của chương trình 2 năm mà thôi.

Sau một niên khóa Sơn theo học ở trường SP / QN (61-62), tên anh đã được hầu hết giới sinh viên, học sinh Qui Nhơn-Bình Định biết đến như “một thần tuợng âm nhạc”. Qua mấy lần nhà trường tổ chức những đêm trình diễn để quyên góp quỹ cứu trợ bão lụt, TCS luôn có mặt (bên tay guitar Thanh Hải, violon Văn Thanh, trống Quang Thùy…) với những bản tình ca “mới rợi “ của anh. Các nữ giáo sinh cùng khóa cũng đã được Sơn tập luyện trình bày nhiều bản nhạc của TCS rất thành công (như các bài Diễm Xưa/ Nhìn Những Mùa Thu Đi/ Nắng Thủy Tinh/ Hạ Trắng…)

Tôi được quen thân với TCS khi anh vào học năm thứ 2 (62-63). Trong cái thị xã nhỏ bé ấy, đi lòng vòng vài con đường là gặp nhau nên chúng tôi thường gặp nhau ở Hiệu sách báo Việt Long hay Đại Chúng (lúc đó nằm trên đường Gia Long/ nay là Trần Hưng Đạo). Thỉnh thoảng gặp anh ở quán cafe Dung (góc đường Phan Bội Châu). TCS rất giản dị, vui tính, và dễ gần. Mái tóc dài bồng bềnh , đôi kính cận dày cộm và tấm áo vest màu đà nhạt của anh lúc ấy là “một hiện tượng lạ” cho học sinh Qui Nhơn chú ý! Một hôm trên đường đi học về nhà trọ, tôi trông thấy anh đang đứng tần ngần, ngơ ngác bên lề đường (ngã ba Võ Tánh và Mãi Xuân Thưởng/ Hiện nay là Lê Hồng Phong- Mai Xuân Thưởng), tay còn giữ guidon xe đạp. Tôi dừng lại chào anh, cười: “Anh đang chờ ai vậy, anh Sơn?" Sơn đáp, giọng bất bình: "Bọn du đảng lấy mất chiếc kính của moi rồi!”. Mất cặp kính cận rồi, TCS làm sao mà thấy đường đi? Anh kể chúng gồm ba bốn tên, chận xe anh lại, đưa tay gỡ cặp kính của anh, cuời: “Cho mượn tạm chiếc kính một chút, nghe bạn?"  Tôi không quen với đám học sinh “cao bồi” ấy, nhưng biết mặt chúng. Hầu hết là vài học sinh lêu lỏng ở các trường tư thục, con nhà giàu và quyền thế. Tôi đón mấy người bạn cùng trường, nhiều người quen với số học sinh “anh chị" ấy, nhờ họ can thiệp vì uy tín chung của học sinh Qui Nhơn, và vì lòng yêu chuộng nhạc TCS. Khoảng một giờ sau, chiếc kính gọng đồi mồi của Sơn đã được hoàn trả! Người đem được kính về, đã cho biết chúng “chọc phá/ cảnh cáo TCS chơi vậy thôi - vì TCS được lòng… yêu quý của nhiều nữ sinh..” ( ! )

Một dịp khác, TCS gặp tôi than thở về chuyện tìm nhà trọ, nhà thuê và ngỏ ý nhờ tôi tìm giúp.Tôi cũng không dấu anh, cho biết tôi cũng từ “miền quê nghèo” An Nhơn lên phố trọ học, cũng rất khổ tâm trong việc tìm nhà trọ vào đầu mỗi niên khóa. Nếu có nhiều tiền, những gia đình nhận nấu cơm tháng cho ăn ở luôn cũng không thiếu, nhưng ngặt nỗi nghèo nên việc tìm nơi ăn ở cũng rất gay. Nhưng tôi hứa, sẽ tìm giúp anh (và 3 người bạn cùng khóa, tất cả hình như đều ở trong ban nhạc của trường SP).

Người bạn cùng lớp rất thân ngồi bên cạnh tôi nhiều năm, có năng khiếu đàn hát, thường đi hát cho các chương trình đài phát thanh, là Truờng Hạnh, nghe tôi kể lại trường hợp tìm nhà trọ của TCS, liền đồng ý sẽ về xin “bố" cho TCS và 3 người bạn của anh đến trọ vì nhà khá rộng. Hôm sau Trường Hạnh vui vẻ báo tin lành. Tôi gặp ngay TCS chiều ấy, thông báo và giới thiệu cùng anh địa chỉ nhà của Hạnh (sau lưng trường Cường Đễ cũ). Thế là TCS và 3 người bạn được “bố" của Hạnh nhiệt tình cho "ở không” 1 phòng tươm tất.

Chưa được 1 tháng, Hạnh báo tin "bố" của anh không chịu cho TCS và bạn ở đó nữa vì “mấy ông nghệ sĩ ấy đi chơi về khuya quá, lại thường say khướt, kêu cửa làm cả nhà mất giấc ngủ!”. Tôi chỉ biết cười vì biết rằng những người già và nghiêm tính như “bố" của Hạnh sẽ khó mà “quen" được sinh hoạt bất thường của những người… nghệ sĩ trẻ!

Một kỷ niệm  có lẽ khó quên nhất với TCS, là vào một buổi sáng đầu xuân năm 63, anh đến nhà trọ tìm tôi rất sớm. Tôi thoáng ngạc nhiên thì anh đã nói: “Cậu đi với moi đến thăm ca sĩ Thanh Thúy nhé?"
- Anh quen à?
- Biết chứ không quen thân lắm!
- Ở đâu?
- Phòng ngủ Thuận An…

Đoàn ca nhạc mà Thanh Thúy tham gia hiện đang lưu diễn tại thị xã Qui Nhơn hai hôm nay tôi biết, nhưng không nghĩ là mình sẽ có dịp đến thăm người “nữ ca sĩ tài danh” đang được hâm mộ đông đảo này. Tôi vui vẻ đi theo TCS…

Khi hỏi thăm người quản lý, biết dược số phòng trọ của Thanh Thúy trên tầng 2, chúng tôi lần mò lên ngay.

Đứng trước cửa phòng dang đóng, TCS gỏ cửa gọi.
Có tiếng Thanh Thúy đáp:
- Ai đó? Xin vui lòng chờ chút, Thúy đang thay đồ…
Khoảng vài phút sau, cửa mở. TCS và tôi được mời vào phòng.
- Tôi là Trịnh Công Sơn, anh tự giới thiệu,  và đưa tay vào túi áo vest lấy ra mấy bản nhạc chép tay nhờ Thanh Thúy hát cho …
Thanh Thúy cầm lấy mấy tờ nhạc, xòe ra xem, tôi thoáng thấy đó là bản nhạc Diễm Xưa, Nhìn Những Mùa Thu Đi và Hạ Trắng..
- Được rồi, anh Sơn để em tập đã nhé?

Sau đó, Thanh Thúy hỏi thăm nhà bưu điện Qui Nhơn, và mời chúng tôi cùng đi bộ đến đó cho nàng gọi về nhà…

Khi đã đưa Thanh Thúy trở lại phòng ngủ Thuận An, tôi và TCS ra về. Tôi thắc mắc: “Sao anh không cho xuất bản những bài hát hay ấy đi mà nhờ Thanh Thúy hát làm gì, cho mệt?". TCS giải thích: “Nhạc không như thơ văn mà cần phải được hát, thu băng, phát thanh nhiều lần trước, nhà xuất bản họ mới “đánh hơi" mà xin xuất bản!"
- "Anh tự xuất bản không được sao?", tôi hồn nhiên hỏi.
- Không được đâu cậu." Anh quay lại nhìn tôi cười hiền. "Thứ nhất là mình không có tiền. Thứ hai, in ra ít ai biết mà mua…"

Vài hôm sau, TCS đem “tặng" tôi 2 bản nhạc “Diễm Xưa” và “Nhìn Những Mùa Thu Đi" do anh chép tay trên trang vở học trò rất đẹp! Tôi đã giữ chúng như một kỷ niệm khó quên trong đời …
Một lần khác, tình cờ gặp anh ở café Dung, chúng tôi có dịp trò chuyện lâu. TCS có nói với tôi: “Cậu theo moi đi! Moi sẽ dạy cậu viết nhạc." Biết anh thành thật, nhưng tôi biết rõ tôi hơn. Tôi cười, hơi ngạc nhiên trước đề nghị đột ngột mà tôi chưa hề nghĩ đến: “Tôi chỉ 'yêu nhạc' thôi, không đủ điều kiện, khả năng để 'theo nhạc' được đâu!”

Tháng 4 năm ấy,TCS ra trường. Anh được phân bổ về tỉnh Lâm Đồng, rồi đưa về dạy ở một trường tiểu học thuộc huyện Bảo Lộc. Xa anh, tôi không có dịp biết thêm về cuộc sống mới của anh ở đó, chỉ biết anh vẫn sáng tác đều, thường lên Đà Lạt tham gia sinh hoạt ca nhạc ở quán café Văn. Về Saigon tham gia ca hát cùng sinh viên tranh đấu ở Vạn Hạnh, trường Luật, Văn Khoa, rồi Khoa học. Nghe nhạc của anh đã được thu băng, xuất bản, trình diễn trong những tụ điểm Saigon, trong giới sinh viên - học sinh, và nhất là được nghe Khánh Ly hát nhạc anh mỗi ngày ở những quán café nơi tôi đang dạy học…

Rồi nghe tin anh bỏ dạy về Saigon. Ra Huế. Đi lang bạt nhiều nơi. Vì tự ý bỏ nhiệm sở, nên giấy “hợp lệ quân dịch" của anh cũng bị hủy bỏ. TCS thường bị quân cảnh “hỏi thăm sức khỏe” bất ngờ trên đường di chuyển. Có một “giai thoại vui” về chuyện này: TCS đang ngồi trên xe đò ra Trung, xe bị chặn lại đột ngột để quân cảnh “kiếm soát giấy tờ”. TCS tỉnh bơ chìa ra tấm thẻ căn cước duy nhất còn lại bên mình cho người quân cảnh xét hỏi. Sau khi đọc thẻ căn cước rất kỹ, dù biết tuổi của anh vẫn còn trong thời hạn phải thi hành quân dịch nhưng người lính quân cảnh đã vui vẻ hỏi: “Anh là Trịnh Công Sơn à?" “Phải!" “Nghe anh đang ở Saigon cơ mà?" “Tôi về thăm quê…” “Vậy anh Sơn đi nhé."

Khoàng cuối năm 69-70, tôi được gặp Ông Cao Huy Thuận vừa được Bộ bổ nhiệm về làm Trưởng Ty GD Phú Yên. Ông cho biết từ Ty GD Lâm Đồng về. Ông là người Huế. Đã biết TCS từ ngày anh về dạy ở Bảo Lộc. Cũng rất biết tài năng âm nhạc của TCS…

Ông Cao Huy Thuận kể lại: “Sơn thường bỏ dạy không có lý do báo trước, hiệu trưởng cứ trình báo vể Ty hoài! Một lần, tôi xuống trường để “xem thử” thực hư thế nào? TCS vắng mặt. Tôi dò hỏi nhà trọ của Sơn, lặng lẽ tìm đến. Sơn đang ở trên gác trọ một mình. Tôi xin phép chủ nhà lên gác khẽ khàng. Tôi thoáng trông thấy Sơn đang mãi mê ôm đàn, ghi ghi chép chép, nơi chiếc bàn nhỏ hướng ra cửa sổ …Tôi lại lặng lẽ xuống gác, lên xe ra về. Tôi đã 'nói nhỏ' với gã hiệu trưởng từ nay không nên trình báo gì về Sơn nữa. Hãy phân công người dạy thay anh các buổi vắng, nhé?"

Tác giả Mang Viên Long
Tôi nghĩ: TCS vào trường Sư Phạm, cũng rất yêu quý nghề dạy học, nhưng ở trong anh, nỗi đam mê âm nhạc lớn hơn gấp bội. Ở đời, cuộc sống không dài, cần có sự chọn lựa, nếu không thì cả đời sẽ không làm gì được cho những mơ ước lớn lao của mình!

Hôm nay, những ngày cuối năm, ngồi một mình bên tách café buổi sớm, đón nghe từng dòng nhạc của anh, tôi càng hiểu và thương anh hơn bao giờ…

Quê nhà, những ngày cuối tháng 12/ 2010.

MANG VIÊN LONG
READ MORE - Cuối Năm Nhớ TRỊNH CÔNG SƠN Và Tháng Ngày Lận Đận… -Tạp Bút: Mang Viên Long

Thu Trong Mắt Em - thơ Đình Nguyên, nhạc Phạm Anh Dũng, Quỳnh Lan hát, Quang Đạt hòa âm, video: Vinh Nguyễn





Em giữ mùa Thu
Trong hồ mắt biếc
Xanh xanh mây trời
Ngát tóc em bay

Con sóng nào đây
Xô bước chân say
Hồn ai mở ngỏ
Ddầy hương gió lay

Em đến
tình tôi giữ trọn
Vòng tay
ôm gọn đời nhau

Giọt hồng
ươm giữa vàng thau
Trái chín
ngây ngất đầu mùa

Chiều êm len lén
Vào ngày vàng lá
Trôi trên ngọt ngào
Nâng cánh trời lên

Hôn lên mắt nâu
Thu dâng ngập lối
Cho hồn tôi say
Lạc vào hoang vu

http://lyric.tkaraoke.com/16684/thu_trong_mat_em.html

READ MORE - Thu Trong Mắt Em - thơ Đình Nguyên, nhạc Phạm Anh Dũng, Quỳnh Lan hát, Quang Đạt hòa âm, video: Vinh Nguyễn

TÔM NHỆN - thơ Chu Vương Miện

Tác giả Chu Vương Miện

Chu Vương Min

TÔM NHỆN 

ốc còn mượn hồn
người còn mượn bạc
gió thổi ào ào
lùa qua bãi rác
chiếc thuyền chèo ngược
dòng nước lôi thôi
núi non trước mặt
ngửng lên ngất trời
sương dầy thung lũng
người lạ với người
vở kịch diễu dở
cố xem chả cười
sân khấu đủ phía
nhìn hoài tối thui 


năm năm hạn hán
mỗi năm đôi lần
mưa chỉ lai rai
kề Thái Bình Dương
đất không thấm nước
cây cỏ nông trại
từ chuyển mầu vàng
mầu xanh biến mất
xa lộ chói chang
ngổn ngang đá gạch


một năm hai mùa
một nóng một lạnh
mùa nào mùa nấy
đều không có nước
dù trời vẫn xanh
dù mây vẫn bay
dù chim vẫn hót
dù hoa vẫn nở
cuộc sống bình thường
nhưng có điều gì 
trong lòng bất ổn?

                CVM






READ MORE - TÔM NHỆN - thơ Chu Vương Miện

CHÙM THƠ HỨA MINH TÁNH



        Tác giả Hứa Minh Tánh




MỘT BÓNG ĐỜI

Soi nghiêng qua dòng nước
Một bóng đời 
Lẻ loi
Không ai chung nhịp bước
Nước lững lờ
Trôi xuôi.

BƯỚC LẺ

Ừ thì em đã đi rồi
Đường dài phố vắng, sao trời lẻ loi
Thương em bước lẻ đơn côi
Thương anh cũng lẻ bước đời lao đao.

HẠNH NGỘ

Bỗng dưng không ước hẹn
Gặp nhau một góc đời
Hạnh ngộ 
Rồi
Tan biến
Bâng khuâng
Chiều
Mưa rơi.

CHỜ EM ĐẾN BAO GIỜ

Ta nhặt một chiếc lá
Đề vào
Dăm câu thơ
Lòng ta chao dao quá
Chờ em
Đến bao giờ .

RU EM

Em nửa đời thao thức
Có bao giờ ngủ yên
Anh quặn lòng 
Ray rứt
Ru em
Chút
Tình buồn.

Hứa Minh Tánh

READ MORE - CHÙM THƠ HỨA MINH TÁNH

Rồi Em Đã Xa Tôi - Sáng tác: Phạm Anh Dũng - Hoà âm: Vũ Thế Dũng - Giọng ca: Tâm Thư





Rồi em đã xa tôi một chiều gió lộng
Giòng sông gió vi vu cơn mê chập chờn
Con chim buồn, buồn lên tiếng hát
Cuộn theo lời gió, lá bay tả tơi

Rồi em đã xa tôi một chiều nắng tàn
Tình tan giấc mơ hoang, hôn mê vội vàng
Bông hoa sầu, sầu vương xa vắng
Lệ hoa nhạt nắng, héo trôi muộn màng

Tìm quên trong men say
Hồn ai như chơi vơi
Lặng nghe hương sắc mầu hoang vắng

Về đâu mây lang thang
Tình ta theo mây hoang
Tình tan theo áng mây hững hờ

Rồi em đã xa tôi một chiều mưa muộn
Một hôm có mưa sang gieo câu nhạc buồn
Cơn mưa lạnh, lạnh qua phố vắng
Lạnh xuyên hồn trắng, mắt ai nhạt nhòa

Nguồn: http://lyric.tkaraoke.com/16292/roi_em_da_xa_toi.html
READ MORE - Rồi Em Đã Xa Tôi - Sáng tác: Phạm Anh Dũng - Hoà âm: Vũ Thế Dũng - Giọng ca: Tâm Thư