Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, October 8, 2015

Trần Kiêm Đoàn - NHÂN MÙA NOBEL VĂN CHƯƠNG 2015: Nhìn về một dân tộc thi ca: Việt Nam

NHÂN MÙA NOBEL VĂN CHƯƠNG 2015
Nhìn về một dân tộc thi ca: Việt Nam

 Giải Nobel Văn chương 2015 

Cách đây vài giờ, kết quả Nobel văn chương 2015 vừa được Viện hàn lâm Thụy Điển công bố từ Stockholm. Ba tác giả được đánh giá có khả năng cao nhất nhận giải Nobel Văn chương năm nay là nhà văn Kenya Ngugi Wa Thiong'o, tác giả Nhật Bản Haruki Murakami và Svetlana Alexievich. Nữ tác giả 67 tuổi, người Ukraina, Svetlana Alexievich cuối cùng đã thắng.

 Svetlana Alexievich, nữ tác giả thứ 14 vừa thắng giải Nobel Văn chương

Trong lịch sử giải Nobel văn chương cho đến nay, chỉ có 14 nữ tác giả trong số 112 người thắng giải. Nữ tác giả gần đây nhất thắng Nobel là nhà văn Canada Alice Munro (2013).

Svetlana Alexievich sinh ngày 31-5-1948 tại thị trấn Ivano-Frankovsk ở Ukraina. Thân phụ bà là người Belarus và thân mẫu là người Ukraina. Cha mẹ cùng làm giáo viên nhưng Svetlana Alexievich sớm bắt đầu công việc làm phóng viên tại một tờ báo địa phương ở thị trấn Narovl.

Svetlana Alexievich là một người cầm bút điển hình trong thế hệ Chiến Tranh Việt Nam, đó là nhà báo cũng vừa là nhà văn và ngược lại. Tác giả văn chương không còn là khuôn mặt của chữ nghĩa và sách vở đắm mình với thế giới tưởng tượng, suy tư của văn bút mà là một con người sống thực, lao vào giữa cuộc đời để trải nghiệm và tìm tư liệu thực tế cho những dòng văn của mình.

Svetlana Alexievich đã nói trong một cuộc phỏng vấn là bà luôn luôn truy tìm một phương pháp sáng tác văn chương gần nhất với cuộc sống hiện thực để làm chất liệu cho tác phẩm của bà.
Tác phẩm sống thực được đánh giá cáo nhất là Voices From Chernobyl (Tiếng kêu từ Thảm Hoạ Nguyên Tử Chernobyl) trong đó bà đã lăn lộn truy tìm những nhân chứng sống và thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn với những nạn nhân còn sống sót cũng như giới cầm quyền có trách nhiệm trong thảm hoạ hạt nhân. Bà cũng đã từng phỏng vấn hàng nghìn nhân chứng trải nghiệm thời Liên bang Xô Viết trong Thế chiến II, Chiến tranh Liên Xô - Afghanistan (1979 - 1989), sự sụp đổ của Liên Xô (1991) và thảm họa hạt nhân Chernobyl (1985).

Có thể nói sự nghiệp văn chương của nữ văn sĩ Svetlana Alexievich là bức tranh sống động của Liên bang Xô Viết trong dòng lịch sử nhân loại.

Cuốn sách đầu tiên của Svetlana Alexievich là War's Unwomanly Face (Cuộc Chiến Không Có Bóng Đàn Bà) với nguồn tư liệu chắt lọc và đúc kết lấy từ những cuộc phỏng vấn với hàng trăm phụ nữ từng tham gia Thế chiến II. Tiểu thuyết là những dòng tự sự của các nhân vật nữ từng trải qua chiến tranh. Năm 1985, cuốn sách đã được thế giới đón nhận nhiệt tình với số bản in bán ra gần 2 triệu cuốn.  Bà cũng được nhìn nhận là người bạn của thế giới trẻ thơ bất hạnh với những tác phẩm được xem là Văn - Báo (báo chí - văn chương) như The Last Witnesses: the Book of Unchildlike, Zinky Boys (1992)

Những tác phẩm nổi tiếng của Alexievich đã được dịch và xuất bản ở hơn 25 quốc gia, trong đó có tiểu thuyết War's Unwomanly Face được Nguyên Ngọc dịch sang tiếng Việt với nhan đề Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ (Nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành năm 1987).

Giải Nobel Văn Chương và giá trị tượng trưng của nó

Theo nhận định chung của cộng đồng quốc tế thì Thụy Điển là một vương quốc trung lập, tiên tiến với nền văn hiến lâu đời. Họ xem giải thưởng Nobel là một sự tiêu biểu cho danh dự và niềm tự hào quốc gia nên ảnh hưởng chính trị và tính chất thời sự nhất thời không có tác động trực tiếp trên sự đánh giá tuyển chọn giải thưởng.

Để có một nhận định chính xác hơn về sự khách quan và nguyên tắc tuyển lựa chặt chẽ của Hàn Lâm viện Thụy Điển và Hội đồng chấm giải Nobel, thử nhìn sơ lược phương thức làm việc của họ như sau:

Trên danh nghĩa, Hàn lâm viện Thụy Điển là cơ quan tuyển chọn giải thưởng Nobel, nhưng trên thực tế thì quá trình chọn lựa nầy là một công trình đóng góp tập thể của các học giả, chuyên gia, tác giả, thi văn nghệ sĩ... có uy thế và uy tín từ nhiều nơi trên thế giới. Trình tự về thời gian tuyển lựa giải Nobel văn chương được quy định theo một nguyên tắc không thay đổi rằng:

Thời gian bắt đầu từ đầu mùa Thu năm trước, khi Hàn lâm viện Thụy Điển mời tất cả các nhân vật được biết đến trên toàn thế giới nộp danh sách các ứng viên được đề cử. Mỗi nhân vật đề cử đều phải viết “đề nghị thư” để trình bày và bảo vệ cho lý do chọn lựa của mình. Tự đề cử mình làm ứng viên hoàn toàn không được chấp nhận. Tất cả danh sách các ứng viên được đề nghị đều phải nộp cho Hội Đồng Hàn lâm viện trước ngày mồng 1 tháng 2 hàng năm. Mỗi năm, có khoảng 1000 ứng viên được đề nghị cho giải thưởng Văn chương Nobel, trong đó có chừng từ 100 đến 250 là nhà văn. Số ứng viên đề nghị nầy được cộng chung với các ứng viên do chính các thành viên trong Hội Đồng và Hàn lâm viện tuyển lựa.

Giai đoạn kế tiếp, Hội Đồng tuyển chọn lọc lại còn 15 ứng viên và danh sách nầy phải hoàn thành trong tháng 4. Cuối tháng 5, số ứng viên được tuyển chọn vào vòng chung kết còn lại là 5 người. Có hàng trăm nhân vật tên tuổi trong lãnh vực văn chương khắp thế giới phụ tá cung cấp tất cả các nguồn tư liệu về tác phẩm, sáng tác và các công trình biên khảo liên quan đến 5 ứng viên nầy. 

Sau khi sử dụng suốt mùa Hè để đọc, nghiên cứu và phân tích giá trị văn chương tất cả tác phẩm của từng ứng viên một trong tổng số 5 nhân vật vào chung kết, Hội Đồng Giải Nobel đệ trình Đề Nghị của họ lên Hàn lâm viện Thụy Điển. Tháng 10, Hàn lâm viện tiến hành một cuộc bỏ phiếu kín để chọn người trúng giải.

Trong lịch sử giải Nobel văn chương, có rất ít các ứng viên lần đầu tiên được đề cử được giải thưởng liền trong năm đó. Thường các ứng viên không được tuyển chọn sẽ được Hội Đồng đưa ra thẩm định, xét đi, xét lại trong những năm tiếp theo bởi vì Hàn lâm viện Thụy Điển căn cứ trên toàn bộ sự nghiệp văn chương của một nhà văn, nhà thơ... để đánh giá chứ không chỉ căn cứ trên một tác phẩm hay một công trình đơn lẻ nào đó mà thôi. Bởi vậy, giải Nobel Văn chương là giải thưởng của một sự nghiệp văn chương chứ không phải là giải thưởng dành cho một tác phẩm xuất sắc.

Giải Nobel Văn chương không hẳn là thước đo chuẩn xác tuyệt đối để thẩm định giá trị văn chương và tài năng đích thực của một tác giả. Tuy nhiên, đối với thế giới văn bút toàn cầu thì giải thưởng nầy vẫn là một giải thưởng văn chương sáng giá và được kính trọng nhất trong lịch sử văn học quốc tế suốt 100 năm qua. Chính tên tuổi lẫy lừng của người trúng giải đã mang đến sự vinh quang cho giải thưởng, hơn là chính giải thưởng Nobel tự nó mang hào quang đến cho người nhận giải. 

Nói một cách công bằng thì chiếc huy chương nào cũng có mặt giới hạn của nó. Trong lịch sử văn học thế giới, cũng đã có nhiều thi hào, văn hào kiệt xuất nhưng vẫn bị “sẩy” giải Nobel Văn Chương trong khi những tên tuổi đương thời khác ít lẫy lừng hơn lại được. Có thể kể một số trường hợp điển hình như: Tolstoy, Proust, Hardy, Chekhov, Ibsen, James Joyce, Joseph Conrad, Kafka, Bretch... là những tài năng văn chương tuyệt vời của nhân lọai nhưng vẫn không được trao giải thưởng Nobel Văn Chương.

Và trong một nhận định có tính cách tương đối thì hầu như các nhà văn, nhà thơ được giải Nobel Văn Chương trong một thế kỷ qua đều có một giá trị nhất định trong thế giới văn bút. Từ Prudhomme, nhà thơ đầu tiên được giải văn chương Nobel năm 1901 cho đến J.M. Coetzee năm 2003, những tác giả đoạt giải Nobel có thể khác nhau về nhiều mặt, nhưng tất cả đều có chung một điểm là bên cạnh bề rộng của sự nghiệp văn chương rỡ ràng, còn có bề sâu của tác phẩm. Những tác phẩm tiểu thuyết, thi ca, triết học, biên khảo... của họ là những cái giếng thăm thẳm của tư tưởng, những ngọn núi sừng sững của suy tư. Sự nông cạn và dễ dãi chỉ có thể sản xuất ra nhiều mớ bung xung của chữ nghĩa, nhưng sẽ chẳng bao giờ có đất đứng trong văn chương.

Biển kiến thức và con đường ý thức nhân loại khởi đi một cách êm đềm từ những đầu óc “uyên áo” như: Socrate, Platon, Aristote, Kant, Bergson, Spinoza, Schopenhauer, Augustine... bỗng gặp những ý hướng ly khai và những tâm hồn nổi loạn của Dostoievski, Camus, Sartre, Faulkner, Gide... đón đường tung hô và đập phá. Dostoievski khắc khoải và trăn trở trong một bối cảnh quê hương đang chuyển mình đau nhức; Camus kêu lên cho nỗi đau đớn của kiếp người; Sartre gào la thống thiết cho sự tan hoang về những giá trị vật chất và tinh thần của một thế giới gần như tuyệt vọng; Faulkner cuồng nộ trong tiếng gọi khẩn thiết của nhân sinh... và cả một trào lưu văn nghệ vừa vuốt vừa đập, vừa trân trọng vừa chối bỏ, và bão liệt hơn cả là trùng trùng dẫm trên những lối mòn quen nằm yên trong sương nắng của thế kỷ 18, 19 để xua quân vào sâu, rất sâu, tận những chân trời mới lạ và sâu thẳm của ý thức khai phá trong văn nghệ và triết học thế kỷ 20! 

Trong khi nền văn học Tây Phương đang chuyển mình dữ dội: Từ tĩnh sang động; từ bề mặt sang bề sâu; từ sự chấp nhận và thỏa hiệp dễ dãi sang thái độ đương đầu, phân tích và luận lý có khi tới mức độ bất chấp thì ở Việt Nam, văn chương vẫn còn tiến những bước êm đềm theo khung cảnh của một xã hội nông nghiệp. Trước 1945, học giả Phạm Quỳnh khi “Khảo Về Tiểu Thuyết” vẫn còn khuyên các nhà văn theo cách kết cấu cổ điển của Pháp: “Nếu kết cấu không thành truyện thì dẫu văn chương có hay đến đâu cũng không cảm được người đọc”. Và sau 1945, ông Đặng Thai Mai trong “Văn Học Khảo Luận” lại lên tiếng: “Một áng danh văn bao giờ cũng hỗn hợp được hai phần tử bổ ích và làm vui”! Bởi vậy cả một trào lưu văn học Việt Nam trong khung cảnh thế kỷ 20 vẫn chưa thoát khỏi tình trạng loay hoay biến những tác phẩm văn chương thành những tập chuyện kể. Hoặc có tiến xa hơn nữa thì cũng loanh quanh trong giới hạn “Tiểu thuyết tâm lý xã hội tình cảm” lâm ly ướt át, vô thưởng vô phạt... khá phổ biến ở miền Nam; hay khuynh hướng “Hiện thực phê phán” sáo mòn và đồng phục, thiếu sức bật được cấp trên chỉ đạo trong suốt thời kỳ Chiến Tranh Việt Nam và kéo dài lê thê sang thế kỷ 21!

Trước thực trạng “Ở nhà nhất mẹ nhì con, ra đường lắm kẻ săn giòn hơn ta”, chúng ta cần có những phút lắng lòng chân thành nhìn lại chính mình và gia tài tri thức của đất nước mình.

Trong lãnh vực văn chương, Việt Nam ta không thiếu nhân tài, nhưng thiếu mất một hệ thống triết lý truyền thống làm nền móng cho nếp suy nghĩ của dân tộc và thiếu hẳn một tinh thần phiêu lưu, khai phá và phản kháng trong sáng tạo. Nhìn lại nền văn học Lý Trần và Lê Nguyễn cổ điển, chúng ta chưa thoát ra khỏi hệ tư tưởng của Trung Hoa và Tam Giáo (Nho, Thích, Lão). Những tài năng ưu tú của dân tộc trong dòng văn học Hán Nôm đã chứng tỏ khả năng ưu việt trong sức sáng tạo và diễn đạt ngôn từ, nhưng vẫn chưa thoát ra khỏi cái vòng “kim cô” nghiệt ngã của văn chương Trung Hoa về hệ thống tư tưởng và nề nếp suy tư. Một tài năng phiêu dật và hoa gấm trong ngôn ngữ thi ca như Nguyễn Du vẫn không vượt thoát được thế giới tư tưởng giới hạn của Thanh Tâm Tài Nhân trong một tác phẩm tiêu biểu cho niềm tự hào dân tộc như Đoạn Trường Tân Thanh.

Trong nền văn học cận đại, chúng ta có Tự Lực Văn Đoàn, có những nhà văn và tác phẩm đã đi vào giáo khoa văn xuôi như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Bình Nguyên Lộc... và giáo khoa thi ca như các thi sĩ tiền chiến: Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương... Nhưng nếu tiếp cận với nền văn chương Tây Phương của thế kỷ 19 & 20, chúng ta không khỏi băn khoăn tự hỏi đâu là chân trời mới có tính cách “độc sáng” của nền văn chương thuần Việt? Khi mà những bóng ma và hào quang của Balzac, Hugo, Dumas, Zola, Stendhal, Flaubert, Maupassant... và những rung động véo von của Lamartine, Verlaine, Baudelaire, Rimbeaud... trong văn chương Pháp vẫn cứ “trêu ngươi” như những tác gia khổng lồ chận đường sáng tạo của thế hệ văn thi sĩ đàn anh. Dù thể hiện rõ nét hay bàng bạc trong những hành trạng của nhân vật, trong hình tượng nghệ thuật, trong phong thái diễn đạt hay cả trong thủ pháp hư cấu và cường điệu... chúng ta vẫn thấy cuộc chiến đấu rất “dũng cảm” nhưng cũng đầy hệ lụy của giới văn bút đàn anh chúng ta để phá vòng vây ảnh hưởng thâm căn cố đế của dòng văn chương Tàu và Tây vẫn còn “mờ mờ nhân ảnh, bất phân thắng bại”. Hay nếu cần phải nói một cách thẳng thắn – tuy có thể hơi vô lễ nhưng rất chân thành chăng? – rằng là, dòng văn chương của chúng ta giỏi bắt chước và khéo mô phỏng nhưng chưa giỏi sáng tạo; thiếu hẳn một sự khẳng định (để tiến tới một sự định hình cần thiết) về bản sắc Việt Nam thuần túy của mình trong văn chương.
 
Viễn ảnh một giải Nobel Văn Chương cho tác giả Việt Nam 

Có dịp theo dõi “Những Mùa Thu Nobel Văn Chương”, mỗi chúng ta đều hướng mắt nhìn về khả năng tương lai của một giải Nobel Văn chương cho tác giả Việt Nam.

Trong số gần 112 nhà văn, nhà thơ trên toàn thế giới được giải thưởng Nobel văn chương mỗi năm từ năm 1901 đến nay, châu Á chỉ có 5 người: Rabindranath Tagore (Ấn Độ, 1913), Yasunari Kawabata (Nhật Bản,1968), Kenzaburo Oe (Nhật Bản, 1994), Cao Hành Kiện (Trung Hoa, 2000) và Mo Yan (Trung Hoa 2012). Đất nước và thời gian có khác, nhưng cả năm chàng “văn chương nết đất” phương Đông nầy đều có một đặc tính chung là rất đa tài. Tagore là một thi hào, nhà văn, nhà triết học, và cũng là một nhạc sĩ đã sáng tác trên 3000 bản nhạc. Là nhà văn nhưng Oe cũng là một nhà thơ được yêu chuộng của Nhật. Ngoài ra Oe còn là một nhà viết phê bình, luận thuyết đầy thuyết phục quần chúng và thu phục nhân tâm. Kawabata cùng là một danh họa và nhà thơ. Cao Hành Kiện, bên cạnh sự nghiệp văn chương, là một kịch tác gia có kịch bản được lưu diễn nhiều nơi trên thế giới. Cao cũng là một họa sĩ đã từng triển lãm tranh ở Paris, London, New York... Nhưng trên tất cả là tinh thần nhân bản, lòng trân trọng con người và lý tưởng thiết tha với sự tự do và công bằng xã hội được thể hiện qua đời sống và tác phẩm của bốn nhân vật nầy. Tagore sống trong giai đọan Ấn Độ còn dưới quyền thuộc địa của Anh; Kawabata lớn lên trong khung cảnh thoái trào của chế độ quân phiệt Nhật, Oe lớn lên với cảnh điêu tàn của nước Nhật trong Thế chiến thứ hai; và Cao trưởng thành sau bức màn tre của thời Mao Trạch Đông. Cả bốn nhà văn lớn đó – những cái “Nhà” rất đúng nghĩa trong văn chương – đều đã không thỏa hiệp với sự bất công, đày đọa và tha hoá con người của chế độ chính trị trong thời đại của mình. Ngòi bút của họ đã tìm đến với con người có tâm hồn, có bản ngã và giàu nhân tính. 

Thực tế nầy đã giải tỏa định kiến cho rằng, giải Nobel là sản phẩm Tây Phương, nên kỳ thị sản phẩm văn chương không phát xuất từ Phương Tây, cả trong nguồn gốc xuất thân của tác giả và ngôn ngữ sử dụng trong tác phẩm. Và cũng chính thực tế nầy cho thấy rằng, những nhà văn phản kháng thế lực chuyên quyền và áp bức; những nhà văn lưu cư và bị lưu đày, bị bứng ra khỏi nguồn cội quê hương thường đã mang cái “chủng tử” của một nhà văn lớn. Nhưng môi trường văn hóa và xã hội nào để cho “chủng tử nhà văn lớn” được nẩy mầm, đơm hoa kết trái thành cây đại thụ văn chương?

Khi nói đến nền văn chương và triết học Tây Phương, người ta có khuynh hướng nhắc đến Âu và Mỹ. Hai nước đại biểu cho Âu và Mỹ có bối cảnh văn chương, truyền thống văn hoá, nền móng triết học hoàn toàn khác nhau là Pháp và Hoa Kỳ. Điểm đáng chú ý là về “tuổi tác” của hai nước: Nước Pháp tính từ thời bộ tộc Celts, đã ngót 3.000 tuổi thọ; trong khi Mỹ lập quốc chỉ mới 300 năm. Pháp là chiếc nôi văn chương của Châu Âu, trong khi Mỹ là chiếc nôi kỹ nghệ của Phương Tây, nhưng điều lý thú là tỷ số các thi tài và văn tài đọat giải văn chương Nobel của hai nước lại dẫn đầu và thứ nhì trong suốt 114 năm qua. Pháp đã chiếm 17 giải văn chương trong tổng số 62 giải Nobel thuộc nhiều lĩnh vực : Prudhomme (1901), Mistral (1904),Maeterlinck (1911), Rolland (1915), France (1921), Bergson (1927), Martin du Gard (1937), Gide (1947), Mauriac (1952), Camus (1957), Perse (1960), Sartre (1964), Bekett (1969), Simon (1985), Xingjian (2000), Le Clézio (2008), Modiano (2014).1901 Mỹ đứng thứ nhì với 13 giải văn chương Nobel trong tổng số 353 giải Nobel thuộc nhiều lĩnh vực: Lewis (1930), O’Neil (1936), Buck (1938), Eliot (1948), Faulkner (1949), Hemingway (1954), Steinbeck (1962), Bellow (1976), Singer (1978), Milosz (1980), Brodsky (1987), Walcott (1992), Morrison (1993).

Cũng trong suốt một thế kỷ văn học với giải Nobel này thì Anh được 7 giải, Đức được 6 giải, Liên Bang Sô Viết được 4 giải và trong số 4 giải này thì riêng Nga chỉ được một giải của Ivan Bunin năm 1933.

Như vậy, yếu tố nào đã khiến Mỹ là kẻ “ăn sau chạy dọi” lại tạo được một ưu thế văn chương như thế? Các nhà nghiên cứu văn học thế giới đưa ra nhiều luận điểm khác nhau về câu hỏi này. Nhưng tựu trung có những điểm chính sau đây:

- Về văn hóa: Mỹ là một quốc gia hợp chủng nên văn hóa Mỹ là một văn hóa hợp chủng. Sự “thuần nhất” của Mỹ lại chính là sư đa dạng và sự dung hợp tất cả mọi khuynh hướng đa dạng và khác biệt đó thành một sức sống mới mang tính thực tế, nặng lý tính và mày vẻ cá nhân. Mỹ không có một hệ thống triết lý dân tộc riêng, nhưng lại là một môi trường thuận lợi để “tập đại thành” và dung hóa những trào lưu triết học và văn học thế giới để tạo thành một triết lý “Duy Mỹ” (Americanism, chứ không phải Aestheticism).

- Về văn nghệ: Hoàn toàn tự do trong sáng tạo. Người nghệ sĩ không bị khống chế bởi bất cứ những tiêu chí, yêu cầu hay chỉ đạo nào ngoài chính tài năng, tư duy và sự chọn lựa của riêng mình. Chỉ có người thưởng ngọan nghệ thuật, độc giả và thời gian là sự thử thách ghê gớm nhất đối với người nghệ sĩ; là thước đo, là sự đánh giá chuẩn xác nhất giá trị của tác phẩm nghệ thuật.

Từ xa, nhìn về tổ quốc, bất cứ đứa con Việt Nam tha hương nào cũng mang nhiều ước vọng cho một tương lai tươi sáng của quê cha đất tổ mình. Có những hiện thực mà khi còn ở quê nhà mình mặc nhiên chấp nhận, nhưng khi sống ở xứ người, tiếp cận với những nhóm dân tộc khác, lại trở thành câu hỏi. Mấy ai đang ở trên quê hương lại tẩn mẩn băn khoăn tự hỏi: “Ta là ai giữa vùng đất nầy?” hay “Ta là người Việt Nam, có nề nếp suy tư, có phong cách cuộc sống khác với những người Tàu, Tây, Nhật, Thái, Miên, Lào, Nga, Mỹ... quanh ta như thế nào?” Văn hóa và phong tục tập quán Việt Nam đang nhạt dần trước nhu cầu cuộc sống đòi hỏi phải dấn thân, phải điều chỉnh, có khi phải đồng hoá hay bị đồng hoá với xã hội mới để sống còn. Duy nhất chỉ còn ngôn ngữ và văn chương là những thành lũy Việt Nam còn đứng vững được để xác lập, để định nghĩa Ta-Việt-Nam là ai và Việt-Nam-Ta là gì!

Dòng văn học học hải ngoại, do đó, không chỉ là một hình thái tiêu khiển, một món ăn tinh thần như khi còn ở quê nhà mà còn là một “căn cứ địa” cuối cùng của bản sắc Việt Nam cho hôm nay và cho thế hệ tương lai trong mối tương quan đa chủng tộc và giữa lòng thế giới.

Một cách vô hình trung, văn chương Việt Nam có hai dòng văn học: Dòng văn học Quê Nhà và Dòng văn học hải ngoại. Nhận định tổng quan về yếu tính của hai dòng văn học, ông Hoàng Hải viết trong báo Thế Sự (09-2013) rằng: “Thực tế và kinh nghiệm Việt Nam qua cuộc chiến tranh trường kỳ và gian khổ nhất trong lịch sử thế giới cận đại là cả một gia tài tư liệu khổng lồ và cảm hứng chất ngất cho giới văn bút Việt Nam. Thế nhưng đã 40 năm trôi qua mà vẫn chưa có một tác phẩm văn chương nào phản ánh hiện thực lịch sử và đất nước, con người Việt Nam xứng đáng mang tầm cỡ quốc tế. Dòng văn học nội địa có vẻ như thiếu bắp thịt để xiển dương nội lực cho sự hình thành một tác phẩm văn chương gây được sự hâm mộ của cộng đồng văn bút quốc tế. Còn dòng văn học hải ngoại thì dường như bị thiếu máu nên phần lớn những tác phẩm văn thơ ra đời kể lể than van bao sự cố đã thành cố sự, chưa gây được sự chú ý của giới văn bút Âu, Mỹ... Nếu đem so với những nhà văn, nhà thơ thế giới đã chiếm được hay được đề bạt giải Nobel thì giới văn bút Việt Nam ta lại vừa gần vừa xa: Gần vì cũng có tài năng văn chương như ai; nhưng xa vì phần lớn viết theo kinh nghiệm ‘khôn vặt’ dễ dãi hơn là sự từng trãi đi xa hiểu rộng kết hợp với nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu khách quan và có hệ thống giáo khoa cơ bản.”

Theo dõi sinh hoạt văn học nghệ thuật trong nước và ngoài nước, bên cạnh giới văn nghệ đàn anh phần đông đã mỏi mệt, hoặc đang sống bằng ảo ảnh một thời vang bóng, sáng tác cầm chừng theo trung bình chủ nghĩa, thì giới văn bút trẻ thuộc thế hệ đàn em sau chiến tranh Việt Nam đang vươn lên. “Lực lượng sáng tác” thật sự có tài năng là điều quan trọng cốt lõi đã đành, nhưng khung cảnh và hoàn cảnh sáng tác cũng đóng một vai trò thiết yếu để cho những tác phẩm văn chương lớn ra đời. Trong nước, ai chịu trách nhiệm về khung cảnh và hoàn cảnh sáng tác hiện tại? Ngoài nước, khung cảnh sáng tác mang tính tự phát nên mỗi con người văn nghệ chịu trách nhiệm với chính mình trong sáng tạo. 

Và đấy cũng chính là ước vọng cháy bỏng của kẻ di dân thời hậu chiến, vì hoàn cảnh phải sống tha hương nhưng luôn luôn quay quắt đi tìm lại gốc gác của mình. Họ đã trộn lẫn chất liệu từ một quê hương xa cũ trên vùng đất của tổ tiên, kết hợp với tri thức và kinh nghiệm của những gì đang sống để sáng tạo. Những nhà văn, nhà thơ Việt Nam hiện đại ở quê nhà và rãi rác trên khắp năm châu đã và đang trải qua nhiều hoàn cảnh và kinh nghiệm sống thực khác nhau. Nhưng trong sáng tạo, một nghệ sĩ chân chính dù đang ở trên quê hương hay trở thành công dân nước khác vẫn có sự gắn kết thiết thân với quê hương nguồn cội của mình như trường hợp Joseph Brodsky (Nobel 1987) từ Nga qua Mỹ, Elias Canetti (Nobel 1981) từ Bungary qua Anh, Czeslaw Milosz (Nobel 1980) từ Ba Lan qua Mỹ, Cao Hành Kiện (Nobel 2000) từ Tàu sang Pháp, V.S Naipaul (Nobel 2001) từ Ấn qua Anh...

Văn chương khác với kinh tế và kỹ thuật vì không có hiện tượng phồn vinh đột biến. Không thể có người tháng trước làm thơ con cóc, bỗng tháng sau thi tài phát tiết như Nguyễn Du trong văn chương. Sáng tạo văn chương là một quá trình tiệm tiến. Những nhà văn lớn đều lấy thời gian cả cuộc đời mình để vun đắp cho bề dày, bề cao và bề rộng của sự nghiệp văn chương.

Bởi vậy khi nói đến một viễn ảnh về giải văn chương Nobel cho giới văn bút Việt Nam khó mà khẳng định thời điểm và con người. Trong 40 năm qua của thời hậu chiến Việt Nam, chúng ta chưa có một nhà thơ hay nhà văn nào là đương kim “siêu sao văn chương” cho thế giới người Việt, nói chi đến viễn ảnh xa xôi của thế giới con người.

Người Việt vẫn thường tự hào mình là một dân tộc thi ca. Mong rằng, “Viễn Ảnh” tuy mơ hồ, nhưng là niềm hy vọng chứ không phải là ảo tưởng.

Sacramento, Mùa Thu Nobel 8-10-2015 

     Trần Kiêm Đoàn
READ MORE - Trần Kiêm Đoàn - NHÂN MÙA NOBEL VĂN CHƯƠNG 2015: Nhìn về một dân tộc thi ca: Việt Nam

MÙA XUÂN Ở TRÊN CAO - Truyện ngắn Mang Viên Long

Tác giả Mang Viên Long


MÙA XUÂN Ở TRÊN CAO
Truyện ngắn


Mang Viên Long


Cứ một ký lô cọng lá dừa được vuốt sạch, Hiên mua lại với giá năm ngàn đồng. Mỗi ký cọng lá dừa, Hiên bó được ba cây chổi. Mỗi cây chổi đem ra chợ bán được năm ngàn loại tốt, và bốn ngàn loại thường. Hằng ngày vợ chồng Hiên ngồi suốt từ sáng sớm đến tối mịt, mỗi người bó được từ 15 đến 20 cây chổi!

Hiên thường nhận làm chổi lá dừa, còn Mân, chồng nàng, nhận làm chổi đót; vì chổi lá dừa dễ làm, nhẹ nhàng, và cũng “dễ ăn” hơn. Đót mua vào 350 ngàn đồng một ký, nếu được chọn vuốt chải ngay ngắn sạch sẽ trước, thì mỗi ngày Mân bó được 20 cây. Giá bán có 3 loại: Loại đặc biệt bán giá 22 ngàn đồng, loại tốt giá 20 ngàn, loại thường giá 17 ngàn dồng một cây. Hiên đã có lần tính thử, cứ một ký đót sẽ kiếm được một trăm ngàn đồng tiền công lãi. Mân đã có lúc làm quên trưa, một ngày bó được 20 cây! Trong hai chục cây chổi ấy, anh phải chia cho lão Năm-Bụng và dì Sáu hết hai chục ngàn đồng cho mỗi người một ngày tiền công còng lưng vuốt dót, làm sạch, sắp xếp ngay ngắn cho anh. Ngày đầu gọi lão Năm-Bụng và dì Sáu đến giúp, Mân nói với vợ: “Mình chia sẻ cơm cháo cho Bác Năm, dì Sáu nghe em? Mình kiếm được miếng cơm, thì hai người cũng có bát cháo mà! Còn con Nghĩa, thằng Tình, mình nên để cho con nó có thời gian mà học… Đời tụi mình đã lỡ vậy, không lẽ để con cả đời cắm đầu xuống mấy cọng đót, cọng lá dừa? Nhìn thấy tụi nó cắm cúi vào bó đót suốt ngày, anh không yên tâm được em à!”.

Hiên ngước nhìn chồng với tia nhìn yếu ớt, chậm vì nỗi buồn lo trĩu nặng và nhiều đêm thức khuya bên bó chổi trong ánh đền điện tròn đỏ quạch:

- Em cũng đã nghĩ vậy mà! Hiên thở dài, tháng Chạp này công việc nhiều, chổi bán được, chúng không thể kham nỗi đâu?

- Ăn uống thì quanh quẩn chí có mắm, với rau, thức khuya dậy sớm vậy, anh ngại Tết chúng đau thì thêm khổ! Mân tiếp tục buộc dây nhựa quanh bó chổi đang làm dang dở…
           
Lão Năm-Bụng sống một mình nơi góc phía sau hiên đình làng từ ngày vợ lão mất vì bệnh xơ gan! Lão đã phải bán đi thửa vườn và căn nhà tranh còn lại để trả tiền nợ đã vay lo chửa chạy thuốc men cho vợ từ nhiều tháng trước. Trả nợ xong, còn một ít để làm vốn kiếm ăn thì đứa con trai duy nhất lưu lạc ở Saigon nghe tin đã trở về gầm gừ hạch sách lão rồi lấy hết khoản tiền còn lại mới chịu ra đi! Lão Năm buồn, ngã bệnh và chiếc bụng của lào ngày một lớn lên. Hàng xóm thường gợi tên thứ Năm của lão kèm theo chữ “Bụng” để phân biệt với lão Năm-Kèn trong ban tang lễ của đình. Cả hai đều sống chui đụt hai bên ngôi đình làng như đôi bạn chí cốt, như hai đám rong bèo tình cờ bị trôi dạt vào chân cầu …

Tình cảnh của dì Sáu cũng thật cay đắng: Trước, nhà dì cũng thuộc loại khá giả trong thôn. Ruộng đôi ba mẫu. Vườn cây ăn trái vài hecta. Vợ chồng dì sớm chiều trà thuốc thong dong một thời. Sau năm 75, ruộng thì giao nộp cho hợp tác xã, còn vườn cũng được “hiến” để xây cất nhà kho. Gia đình dì Sáu được cấp cho một khoảnh đất ở cuối thôn, sau lưng ngôi trường tiểu học. Ông Sáu xin vào làm cai trường, còn dì Sáu thì hằng ngày với mẹt bánh kẹo cốc ổi ngồi trước cổng trường, kiếm từng dồng bạc lẻ của đám học sinh nghèo khó!

Hai cậu con trai của dì Sáu đần dà cũng đều tốt nghiệp đại học, nhưng cả hai đều ở lại Saigon kiếm việc làm, tìm người yêu, mua đất cất nhà, không đứa nào chịu về quê để gần gũi sớm hôm với vợ chồng dì cả! Sau ngày Ông Sáu mất vì cơn đột quỵ khi vẫn còn cầm trên tay cái dùi đang dánh trống tan trường, cậu con trai trưởng về đem dì Sáu vào Saigon sống chung. Ai cũng vui mừng cho dì từ đây có cuộc sống an nhàn, hạnh phúc bên dâu con, cháu nội ở Saigon. Nhưng chỉ vì cái “tật” nhỏ của dì để là cái cớ cho người con dâu hất hủi dì ra mặt. Dì Sáu có “tật” ghiền thuốc lá từ ngày còn ông Sáu bên cạnh. Mỗi lần muốn hút thuốc, ông Sáu đều nhờ vợ mồi lửa rồi đưa cho mình. Dì làm việc châm thuốc cho chồng một cách thích thú, âu yếm. Còn ông Sáu thì hả hê nói hút thuốc vậy mới ngon. Vài năm sau, khi sinh thằng con đầu, dì đã ghiền thuốc rồi! Ông Sáu mất, dì càng hút thuốc nhiều hơn. Có lần dì đã nói với Hiên: “Dì biết đàn bà hút thuốc là hư hỏng, nhưng sao mỗi lần ngồi không, nhớ dượng mày, dì lại nhớ điếu thuốc?" Dì cười hồn nhiên: “Đêm đêm dì ngồi với điếu thuốc như thấy có ông ấy bên cạnh vậy, cháu à!". Chính vì cái “tật” không rứt bỏ được ấy mà người con dâu đã nặng lời với dì nhiều lần, để rồi dì phải lầm lũi trở về, sống cô độc trong căn nhà rách trước dột sau: “Bà có đủ thói hư tật xấu vậy không thể sống chung với tôi được đâu!”. Người con trai nghe lời vợ nói sang sảng ngay trước mặt mình, cũng chỉ im lặng. Dì đã khóc: “Mẹ biết mẹ không còn xứng đáng với con, con cho mẹ về quê để gần gũi với bà con làng xóm được ngày nào hay ngày ấy, con ạ!" Không sống được trong nhà của người con trưởng, dì khó có thể về ở chung với người con trai thứ vì người con dâu đã có lần nói thẳng với dì ngay ngày đầu mới chân ướt chân ráo vào Saigon: “Mẹ liệu ở chơi vài hôm rồi về, ở đây sinh hoạt đắt đỏ, mà tụi con còn phải lo cho con ăn học chi phí nhiều nữa, không gánh nỗi thêm ai được nữa cả!". Dì ngồi nghe mà nước mắt cứ rưng rưng, lòng điếng lặng; cảm thấy toàn thân như mềm nhũn đi, tan rã ra. Sau phút bàng hoàng như tia điện cực mạnh quét qua người, dì chỉ cười,  thầm nghĩ đất Saigon nhà cửa rộng rãi sang trọng vậy mà cũng không có một chỗ nhỏ nào ấm áp cho mẹ mình? Những thứ tiện nghi trang hoàng sang trọng đẹp đẽ kia đã choán hết chỗ rồi? Chỉ với mẹt bánh kẹo, cốc ổi ngày nào cọng với chút tiền bồi dưỡng cho một lao công hạng bét, vợ chồng dì đã “cõng” nỗi hai đứa con qua bao tháng năm cơ mà?

Hiên loay hoay xếp lại nắm tiền nhàu nhò đang cầm trên tay, thoáng nở nụ cười mơ hồ trên gương mặt đờ đẫn vì mất ngủ. Hôm nay là phiên 18, còn 2 phiên chợ nữa là hết năm rồi! Hai phiên 23 và 28 là tiền lời ròng mà vẫn còn gần một trăm cây chổi nữa…Những phiên giáp Tết, Hiên vừa đặt gánh chổi xuống lề đường phố chợ là người mua xúm lại. Hiên tất bật chào mời không kịp thở. Có người mua chổi cho cả năm vì kiêng đầu năm không mua được. Có người vừa về nhà mới cũng mua đến chục cây mỗi loại. Hiên cắm cúi với đống chổi nắm tiền trong tay mặc cho khu chợ náo nhiệt với đủ thứ âm thanh rộn ràng của xe cộ, của mấy chiếc máy phóng thanh quảng cáo áo quần modern khuyến mãi bánh kẹo, bột giặt, kem đánh răng, keo dính chuột, bột chùi đồng, bấm lỗ tai… của mấy chiếc loa xách tay. Hiên dường như luôn mãi mê với những toan tính trong đầu mặc cho cái nắng đổ xuống mỗi lúc một gay gắt làm nóng bừng khuôn mặt, mặc cho mồ hôi chảy ròng ròng xuống đôi má xanh xao không kip lau, mặc cho mọi người nhộn nhịp se sua áo quần lướt qua lượn lại phía trước, và cũng mặc cho mùa xuân đang réo gọi đâu đó quanh mình. Hiên chỉ cảm thấy đói cồn cào trong ruột. Nàng ngước nhìn quanh một lượt như để tìm cái gì có thể mua ăn được, nhưng chỉ thấy toàn là người đông nghịt, chen chúc, nàng cảm thấy ngầy ngật, hơi chóng mặt, và cơn buồn nôn bắt đầu dấy lên nhẹ nhàng. Đêm qua, Hiên đã gắng thức làm cho đến khi nghe tiếng gà gáy lần đầu sau nhà mới thu xếp công việc chui vào giường nằm. Mân trở giấc ôm hôn nàng thật lâu làm nàng không chợp mắt được. Một phần chân trái của Mân đã bị mất sau trận Dakto năm nào thường xuôi Hiên thao thức mỗi lần được Mân âu yếm, đòi hỏi! Một phần chân anh đã bị mất đi lâu rồi, có lẽ dã tan thành cát bui ở bìa rừng hốc núi nào rồi nhưng nỗi buồn tủi cứ vẫn còn đeo đẳng suốt đời anh. Sau 75, nhiều người đã nhìn ngó vào khúc chân còn lại của anh như nhìn vào điều gì đáng ghê tởm. Nhiều lần gia đình Mân đã bị từ chối không cho nhận phần cứu trợ cấp cho gia đình nghèo vì không nằm trong diện “chính sách” để đền ơn đáp nghĩa. Hiên vì thế càng thương yêu cho nỗi bất hạnh của Mân như thương yêu cho chính bản thân côi cút cô độc hẫm hiu của mình. Nhớ năm nào, Mân tình cờ gặp Hiên, tất tả dìu dắt hai đúa em chạy ngược lên phố tránh bom dạn khi hiệp định Paris đang chuẩn bị ký kết. Sau đó không lâu, anh tìm lại căn nhà của người bác mà Mân đã giúp đưa chi em Hiên đến tạm trú để xin được hỏi nàng làm vợ. Cha mẹ Hiên đã ở lại quê mong giữ chặt hai bồ lúa vừa mới gặt phơi khô chưa kịp ăn một hạt, đã không còn nữa cùng với ngôi nhà cháy rụi! Người bác đã hoan hỉ đứng ra tổ chức lễ cưới cho Hiên nhanh chóng ngoài dự đoán của Mân. Ông bảo : “Chiến tranh mà cháu! Sống với nhau sớm được ngày nào thì mừng ngày đó! Thời của tụi bay sao mà khổ hung dữ vậy? Bác miễn hết mọi lễ lộc, chỉ cần cháu yêu thương đùm bọc chị em con Hiên thật lòng là quý rồi!”. Gần hai năm sau, tháng giêng năm 75, Mân bị thương ở Dakto. Và anh đã được trở về cùng Hiên trên cặp nạng gỗ…

Sáng nay Hiên ra đi sớm khi Mân và hai con chưa thức dậy, chưa có chút gì bỏ vào chiếc bụng trống từ sau bữa cơm chiều vội vã. Hiên buột mấy cây chổi còn lại thành bó lớn-đặt tam lên lề đường, chệnh choạng bước vào phía trong cổng chợ kiếm một cái gì để ăn… 

Hiên cầm hai càng xe kéo phía trước, Tình và Nghĩa phụ đẩy từ phía sau. Chiếc xe cải tiến mua lại của HTX đã phế bỏ, Mân ra sức sửa sang mấy hôm, cũng đã giúp cho mẹ con Hiên nhiều chuyện như sáng nay. Chiếu hôm qua, được nghỉ học, ngồi lân la nghe mẹ vừa bó những cây chổi cuối cùng cho phiên chợ cuối năm, vừa nhắc kể chuyện Tết, hai anh em Tình đều nao nức xin mẹ được đi coi chợ phiên Tết 28….

- Mẹ đã hứa đến phiên chợ cuối năm cho hai đứa con được đi theo mà, mẹ? Tình thỏ thẻ, mắt nhìn dò xét vào khuôn mặt ưu tư im lìm của Hiên.

 - Đúng rồi. Nghĩa reo lên. Mẹ cho tụi con phụ đẩy xe nhé?
         
Tình giật nhẹ bàn tay Hiên: “Sáng nay con nghe ba nói sẽ chở chổi lên chợ bằng xe cải tiến vì mẹ không gánh chổi một mình được hết mà?”.

Hiên dừng tay, nhìn thật chậm vào đôi mắt của Tình rồi đến Nghĩa, nàng như nhìn thấy trong đôi mắt thơ ngây của chúng mùa xuân vẫn còn trong trẻo, nguyên vẹn. Tuổi thơ của chúng thật hồn nhiên nhung cũng thật lặng lẽ. Hiên ước mong nỗi khổ không đến quá sớm với chúng như bao lũ nhỏ đang lang thang trên các nẽo phố chợ mà nàng vẫn thường gặp. Hiên mừng thầm, khẽ cười: “Phiên cuối năm, phải dùng xe, nhưng hai con theo mẹ làm gì cho mêt? Mẹ kéo một mình cũng được mà? Mệt khúc nào, mẹ nghỉ khúc đó. Hai đứa ở nhà chơi, phụ ba quét dọn, tưới hoa, có khỏe hơn không?"

- Còn đến ba ngày tha hồ dọn dẹp mà, mẹ? Tình cố nàn nỉ.

- Anh Tình noi đúng đó mẹ-Nghĩa lại kéo tay Hiên, nhà mình có gì đâu mà để quét dọn?
         
Thật tình là ngôi nhà tranh vách đất nền lát gạch thẻ của vợ chồng Hiên không có gì để quét don cả! Nó trống trải với mấy thứ vật dụng cần thiết cũ càng nằm im lìm từ thuở nào-như cuộc đời trống trải đơn độc không mấy đổi thay của họ bấy lâu..Chạy lo cho miếng ăn, manh áo,bút mực, thuốc thang cho gia đình qua ngày đã là khó rồi-lấy gì mà sắm sửa?. Hiên nhìn thấy sự nghèo khó của mình đã phần nào không che dấu được đôi mắt thơ trẻ của con-nàng vui vẻ: “Được rồi! Nhưng phải dậy sớm nghe chưa? Phải ăn no vào thì mới đẩy xe được, nếu không hai đứa còn làm nặng thêm xe của mẹ nữa thì bỏ phiên chợ…”

Buổi sáng. Gà gáy canh tư…

Chiếc xe của mẹ con Hiên đã qua được khỏi con đường hẻm lầy lội tăm tối, rẽ qua con đường bê tông rộng dẫn lên quốc lộ. Con đường sáng lờ mờ. Chiếc xe lọc cọc lọc cọc gõ đều trong buổi sớm còn ẩm đục hơi sương gây gây lạnh. Người đi chợ gồng gánh, thồ chở, thấp thoáng trong cõi im lặng của đất trời cuối Chạp như những bóng ma chập chờn nhẫn nại trên đường. Không có một tiếng nói nhỏ nào trong cái vắng lặng buồn tênh của buối sớm mai miền thôn dã. Ai ai cũng chật kín nỗi lo, toan tính trong chiếc đầu đã mụ mẫm cả tháng nay rồi! Tết gần kề mà mưa gió vẫn chưa nguôi. Hai cơn bão lũ dữ dằn nối tiếp 9 và 10 đã quét sạch cả sự nghiệp gầy dựng cả đời của nhiều gia đình mà mới chỉ ngóc đầu lên là đã thấy Tết đến! Người mất đi vừa tròn một trăm ngày chưa nguôi buồn thương thì xuân lại về! Trên đường, chỉ có tiếng gió. Gió khua động hàng tre hai bên đường nghe rõ từng chặp, lào xào, như lời thì thầm của làng xóm còn đang mê ngủ trong nỗi bàng hoàng bão lũ vừa đi qua. Tình cảm thấy hơi nóng râm rang trong người, mồ hôi cũng bắt đầu thấm ướt hai bên gò má.Tình cắm cúi dang hai tay đẩy mạnh xe để phụ cho em nghỉ, phía trước mẹ chắc cũng đã thấm mệt lắm rồi! Chợ còn bao xa? Tình muốn cất tiếng hỏi mẹ nhưng sợ chiếc xe sẽ nặng thêm, chậm mất buổi chợ phiên cuối cùng.

Tiếng Nghĩa bỗng vọng lên bất chợt:

- Mẹ ơi! Có phải phiên này mẹ mua áo quần mới cho con không?

- Ừ!

- Mua cho con đôi dép nữa nhé? Dép cũ của con bị đứt quai lâu rồi!

- À…

- Anh Tình có được mua đồ Tết không, mẹ?

- Có!

- Mẹ mua bánh kẹo như nhà con Minh nữa chớ, mẹ?

- Ừ!

- Mẹ có mua gì cho ba không?

- Có!

- Mẹ mua gì?

- Để mẹ bán được hết xe chổi này rồi sẽ tính, con à!

- Nếu mẹ bán không hết thì sao?

- Gắng ngồi đến chiều, thế nào cũng hết mà con!

- Mẹ có mua gì cho mẹ không?

- Không!

- Sao mẹ không mua đôi dép? Đôi dép mẹ đứt quai lâu rồi mà?

- Mẹ cột lại….

Nghĩa im lặng. Nó cắm cúi gắng sức đẩy, nghe hơi thở mình nặng nề, thoi thóp trong lồng ngực. Chiếc xe đã trườn lên mặt quốc lộ, lọc cọc lọc cọc tiến vào khu chợ tràn ngập ánh điện. Nghĩa ngước nhìn lên bầu trời thấy đã ửng chút nắng, từng đám mây xám vần vũ còn sà thấp bay lơ lửng trên đầu…

Nó chợt càm thấy mùa Xuân hình như còn ở khuất trên ấy, rất xa, trên cao…


Quê nhà, những ngày vào xuân…


MANG VIÊN LONG
READ MORE - MÙA XUÂN Ở TRÊN CAO - Truyện ngắn Mang Viên Long

HOA SỮA BÂNG KHUÂNG - Thơ Nguyễn Khôi




HOA SỮA BÂNG KHUÂNG
           (Tặng Lê Vy)
                    -----
"Đêm Hà Nội đã nhạt mùi hoa Sữa
Tưởng tóc ai phảng phất hương rừng"
                       
Tối qua báo "gió mùa đông bắc"
Sớm nay chùm hoa Sữa nở tung
Ơi cái màu trắng xanh lấp lóa
Ơi cái mùi Hà Nội bâng khuâng...
                       
Quên sao được cái thời bom đạn
Đêm chia tay bên hồ Thiền Quang
Tóc em ấm bàn tay anh lãng mạn
Hoa Sữa thơm tới Quảng Trị hoang tàn...
                        
Mình chẳng phải là "Người Hà Nội"
Thời sinh viên đâu có hẹn hò
Thế mà lại thành anh chàng "Bát Phố"
Năm bốn mùa dạo cảnh Thủ Đô...
                        
Và hoa Sữa như một điều kỳ lạ
Bất chợt thu trời chuyển sang đông
Đi suốt dọc đường Nguyễn Du hít thở
Say cái mùi Hà Nội bâng Khuâng...

                  NGUYỄN KHÔI
              Phố Vọng 7- 10- 2015
            
READ MORE - HOA SỮA BÂNG KHUÂNG - Thơ Nguyễn Khôi