Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, October 4, 2015

QUAN HỆ GIỮA NGŨ HÀNH VỚI CON NGƯỜI - Trích trong TỬ VI KIẾN GIẢI của Đặng Xuân Xuyến

Hiển thị s TU VI KG.jpg


QUAN HỆ GIỮA NGŨ HÀNH VỚI CON NGƯỜI
- Trích trong TỬ VI KIẾN GIẢI của Đặng Xuân Xuyến -

Chu dịch cho rằng: Mọi việc, mọi vật trong thế gian đều thống nhất ở thái cực, có nghĩa mọi việc, mọi vật đều thống nhất ở khí Âm - Dương và đặc tính Ngũ hành. Con người là một trong vạn vật nên phải tham gia vào sự vận động không ngừng của vũ trụ. Tất nhiên, dù có là bậc thánh nhân, con người cũng do 2 khí Âm Dương (cha mẹ) mà thành và cái thể xác đó cũng phải kết hợp với Ngũ hành mà sinh hóa theo với muôn loài.
Vốn có thể chất, lại sinh khắc chế hóa lẫn nhau, tạo nên sự suy hủy và phát triển nên nói tới Ngũ hành là nói đến cách hành xử của con người thế tục, nói tới 2 khí Âm (-) và Dương (+) là nói tới hành xử của con người thoát tục.
Chính vì lẽ đó mà cổ nhân đã căn cứ vào Âm Dương, Ngũ hành để “tiên liệu” diện mạo, vóc dáng và bản tính của con người. Chẳng hạn, trong tướng thuật, cổ nhân quan niệm: Hai mặt Âm, Dương kết hợp với nhau thành một thể thống nhất không thể tách rời. Trong Âm có Dương và trong Dương cũng có Âm. Ví dụ:
- Đàn ông là Dương, đàn bà là Âm.
- Xương là Dương, còn thịt là Âm.
- Mặt phía bên trái là Dương, mặt phía bên phải là Âm; nửa mặt bên trên là Dương, nửa mặt phía dưới là Âm; phần lồi của khuôn mặt là Dương, còn phần lõm là Âm.
- Thân trước là Dương, thân sau là Âm; mặt trái là Dương mặt phải là Âm.
* Các dạng của Âm và Dương:
- Dương hòa: Đó là tình trạng người có Dương mạnh mẽ nhưng được tiết chế đúng mức. Dương hòa được biểu hiện với các đặc điểm như:
- Đầu tròn, có góc cạnh (mắt dài, có tụ thần), mặt hơi vuông, trán có xương tròn nổi rõ và đỉnh đầu bằng phẳng. Sắc diện hài hòa, đi đứng oai nghiêm, tự nhiên. Nói năng có ngữ điệu phù hợp với câu chuyện. Có tính quyết đoán và tư tưởng khoáng đạt.
- Lông mày xếch, cao, có hình chữ nhân, sợi lông mày hướng lên phía trên. Ngũ nhạc nổi rõ nhưng không lộ liễu, sơn căn nổi cao gần như ăn thẳng lên ấn đường.
- Kháng Dương: Ngược lại với Dương hòa, Kháng Dương là người có tính Dương quá mạnh nhưng lại không có sự tiết chế đúng mức. Kháng Dương được biểu hiện với các đặc điểm như sau:
- Đầu tròn, đỉnh đầu nhọn, mắt lồi, tia mắt sáng, lông mày ngắn, cong và mọc lên trên, tai nhọn và dựng đứng. Tiếng  nói lớn và giọng điệu thô kệch, khàn rè. Ngũ nhạc nổi tròn và đầu có dạng tròn nhỏ.
- Mặt có những bộ vị nổi tròn thành từng cục. Tính tình thô lỗ, nóng nảy, không nghĩ trước nghĩ sau.
- Âm thuận: Người có tính Âm rõ ràng nhưng không quá uỷ mị, hèn yếu, được biểu hiện với các đặc điểm sau:
- Đầu tròn, ấn đường bằng phẳng và rộng. Lông mày hơi cong, mắt dài, mặt hơi vuông, nhưng nét tròn vẫn là cơ bản. Ngũ nhạc có dáng hình tròn nhưng không nổi bật.
- Tiếng nói nhỏ, từ tốn, ngữ điệu vừa phải và âm thanh trong trẻo, rõ ràng. Sắc diện hoà nhã, cách cư xử khéo léo, ôn hoà...
- Cô Âm: Người tính Âm thuần tuý, không có tính Dương. Người Cô Âm được biểu hiện với các đặc điểm sau:
- Đầu và mặt có hình vuông hoặc thiên lệch về hình vuông; Đầu lớn mà khuôn mặt lại quá nhỏ, nếu nhìn chính diện khuôn mặt thì thấy bằng phẳng, nhưng khi nhìn nghiêng lại thấy phần giữa lõm xuống. Sắc diện lúc nào trông cũng u uất.
- Lông mày đậm, ngắn, thô và mọc lan rộng xuống tận bờ mắt; mắt sâu; tóc ít trong khi râu ria thì quá rậm rạp.
- Giọng điệu chậm rãi mà lại có xen kẽ những âm thanh chói tai hoặc nói nhanh mà lại bị đứt đoạn. Cư xử luôn thể hiện cho người khác thấy sự tính toán, vụ lợi ở trong đó.
- Âm thác: Người có tính Âm nhưng lại có pha trộn quá nhiều tính Dương, làm cho Âm tính bị suy yếu. Người Âm thác được biểu hiện bằng những đặc điểm sau:
- Đầu vuông, mặt tròn, trung nhạc nổi lên cao trong khi 4 nhạc trũng xuống.
- Người nhiều thịt xương nhỏ; lông mày rậm lan xuống tận bờ mắt; chân tóc mọc thấp xuống trán; Đàn ông có nhiều râu ria và giọng nói khô khan. Nếu là nữ giới thì có cử chỉ, hành động mạnh bạo như nam giới.
- Dương sai: Người có tính Dương quá yếu và bị tính Âm lấn át, được biểu hiện với các đặc điểm sau:
- Đầu to, mắt nhỏ; phía trước lớn, phía sau nhỏ. Trung nhạc trũng xuống trong khi những nhạc khác lại nẩy nở, cao ráo.
- Người nhiều xương ít thịt; mặt lộ mà không có lông mày; Người to mà giọng thì nhỏ.
- Mắt to, sắc mặt ảm đạm; thân hình cứng cỏi, nam tính mà bước đi lại ẻo lả như con gái.
Đó là nhân dạng con người theo Âm - Dương, còn Ngũ hành thì sao?
Cổ nhân chia ra làm năm loại nhân dạng người theo Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Tất nhiên, chúng ta không thể tin vào những điều “tiên liệu” này, bởi sự phi lý khi cổ nhân đưa ra khái quát về diện mạo, tính cách, nghề nghiệp, bệnh tật ... của nhân loại “gói ghém” qua 5 mẫu người. Dù sao, khi tìm hiểu về nguyên lý Âm Dương Ngũ hành của văn hóa dân gian, chúng ta cũng nên tìm hiểu qua về vấn đề này.
Vậy cổ nhân quan niệm như thế nào về mối quan hệ giữa Ngũ hành với con người? Qua Ngũ hành, nhân loại có hình dáng, tính tình, sức khỏe và cuộc sống ra sao? Chúng tôi xin lược soạn để bạn đọc tham khảo.
1. Người thuộc Mộc:
Theo sách tướng Á Đông thì người thuộc Mộc có nước da hơi xanh, hai bàn tay dày, ngón tay ngón chân dài, mũi dài, thân mình cao vừa phải và hơi gầy; chân mày thưa, râu cũng thưa; cằm vuông, miệng vuông; môi hơi dày, răng bằng và hai răng cửa hơi lớn; đi đứng nhanh nhẹn, cử chỉ lanh lẹ, tiếng nói đều đều nhưng âm lượng hơi cao. Nhìn chung, người thuộc Mộc ít gặp những bất trắc lớn trong cuộc đời, dẫu sống trong cảnh nghèo đói vẫn được yên ổn.
Người Mộc vượng thường có tầm vóc cao, tay chân dài, khoé miệng tươi, sắc mặt sáng, da trắng đẹp. Là người thanh cao, khảng khái, có lòng bác ái. Tuy nhiên, nếu Mộc quá vượng thường hay mắc bệnh về gan, mật, thần kinh hoặc xương khớp.
Người Mộc suy thì tóc thưa, vóc người gầy, tính cách hẹp hòi, đố kỵ, bất nhân, bất nghĩa. Nếu người Mộc quá suy thì cũng hay mắc các bệnh như người Mộc quá vượng, nhưng thường dễ mắc các bệnh về gan, mật hơn người Mộc quá vượng.
Người mà Mộc khí tử tuyệt thì lông mày không ngay ngắn, cổ dài, yết hầu lộ, da thịt kém tươi, tính cách biển lận, hay lừa dối.
Nhìn chung, người thuộc Mộc hợp với phương Đông, làm về các nghề mộc, giấy, trồng hoa, cây giống, hương liệu, đồ tế lễ hoặc kinh doanh về các nghề trên thì thường dễ dàng, may mắn.
2. Người thuộc Hỏa:
Theo sách tướng Á Đông thì người thuộc Hỏa có nước da vàng, râu vàng, mũi lộ; lông mày thưa, ngực nổi, bàn tay nhọn, trán dô; môi cong, răng lộ và nhỏ nhọn; đầu bằng và đỉnh đầu bằng; tay chân gầy khẳng, gân guốc; điệu bộ nhanh nhẹn; tai nhọn, tròng mắt khô; lưỡng quyền cao và tiếng nói mau.
Người mà Hỏa vượng thì đầu nhỏ, chân dài, mày rậm, tai nhỏ, vóc người trên nhọn dưới nở, tinh thần hoạt bát, tính nóng gấp nhưng lễ độ với mọi người. Tuy nhiên, nếu người Hỏa quá vượng thì dễ mắc các bệnh về hệ tiêu hoá, tuần hoà, hoặc  bệnh phần mặt, răng, lưỡi.
Người mà Hỏa suy thì  dáng người góc nhọn, tướng gầy, da vàng, nói năng ề à, dối trá, bản tính cay độc, làm việc thường chỉ nhiệt tình, hăng hái được lúc đầu, sau đó bỏ bê, có đầu mà không có cuối. Người Hỏa quá suy, cũng thường dễ mắc các bệnh như người Hoả quá vượng, tuy nhiên, dễ mắc những bệnh liên quan tới hệ tiêu hoá hơn.
Nhìn chung, người thuộc Hỏa hợp với phương Nam. Thích hợp với các nghề có liên quan tới văn hóa, nghệ thuật hoặc công việc kinh doanh những mặt hàng đó, chẳng hạn như ánh sáng, cắt tóc, thực phẩm, giáo viên, xuất bản, văn phòng phẩm...
3. Người thuộc Thổ:
Theo sách tướng Á Đông thì người thuộc Thổ có nước da hơi vàng đen, bụng tròn lớn, lưng rộng, rốn sâu, cổ ngắn, mắt dài, bàn chân nhiều thịt, chân mày rậm; tướng thịt nhiều nhưng không quá béo; đầu vuông, mũi cao dày, cằm hơi vuông và hơi triều lên; răng nhọn, tay nhọn, lưỡng quyền cao; đi đứng vững vàng, tiếng nói trầm có âm hậu.
Người mà Thổ vượng thì thắt lưng tròn, mũi nở, lông mày thanh tú, mắt đẹp, nói năng lưu loát và tiếng nói âm vang. Người thổ vượng thường là người độ lượng, trung tín, chân thành và hành động rất chắc chắn, có kết quả. Người mà Thổ quá vượng, quá mạnh thì đầu óc cứng nhắc, chậm hiểu biết, tính tình hướng nội, sống trầm lặng và khá bảo thủ. Tuy nhiên, nếu người thuộc Thổ mà quá vượng thì thường hay mắc các bệnh về lá lách, dạ dày, hoặc vùng bụng, lưng, ngực, phổi...
Người mà Thổ suy, thể khí không đủ nên sắc mặt thường ủ rũ, mặt mỏng, mũi ngắn, lòng dạ độc ác, là kẻ vô tình, bất tài. Người mà Thổ quá suy cũng thường hay mắc các bệnh về lá lách, dạ dày, hoặc vùng bụng, lưng, ngực, phổi như người Thổ quá vượng.

Nhìn chung, người thuộc Thổ hợp với vùng giữa hoặc có thể thích ứng với tất cả các phương. Người thuộc Thổ về nghê nghiệp cũng có thể thích hợp với nhiều ngành, nhiều nghề của tất cả những người thuộc hành khác. Tuy nhiên, người thuộc Thổ thường không được nổi trội thật đặc biệt trong nghề nghiệp như những người thuộc hành khác.
4. Người thuộc Kim:
Theo sách tướng Á Đông thì người thuộc Kim có nước da trắng hồng, đầu, trán và gương mặt cân đối, tai trắng, răng trắng; môi và lưỡi đỏ, cằm vuông, nhân trung sâu; tóc thưa, sợi nhỏ và xanh mướt; tay tròn trịa, hai bàn chân không khuyết, da lưng bàn tay đầy đặn, cứng dẽ; lưng tròn, bụng tròn, rốn sâu, tiếng nói thanh tao.
Nhìn chung người thuộc Kim có số phận khá tốt, dù có đang gặp cảnh cơ hàn vẫn tin tưởng vào một tương lai sáng lạn.
Người mà thuộc Kim thịnh là người có vóc dáng không gầy, cũng không béo, mắt sâu, lông mày cao, da trắng và đẹp, tác phong quyết đoán, trọng nghĩa khinh tài, giàu lòng tự trọng.
Người mà Kim quá vượng thường là kẻ hữu dũng vô mưu nhưng lại tham lam, bất nhân bất nghĩa. Người mà Kim quá vượng thường dễ mắc các bệnh về đại tràng, phổi, gan, trĩ, vùng rốn hoặc các bệnh về da, mũi, khí quản...
Người mà Kim suy thì vóc dáng gầy, nhỏ, tư cách vô tình, có khi nham hiểm, tham dâm, háo sát. Đặc biệt, đây là mẫu người tham lam vô bờ bến và biển lận. Người mà Kim quá suy cũng dễ mắc những bệnh như người thuộc Kim quá vượng.
Nhìn chung, người thuộc Kim hợp với phương Tây, có thể theo nghề kinh doanh hoặc các nghề có liên quan tới kim loại, có tính cứng rắn, quyết đoán, võ thuật, giám định, khai thác...
5. Người thuộc Thuỷ:
Theo sách tướng Á Đông thì người thuộc Thủy có nước da ngăm ngăm đen, hơi béo, thịt nhiều; bụng tròn, chân mày rậm; miệng rộng, ngón tay mập tròn; thần mắt lộ; bàn tay bàn chân lớn nhưng trông không thô kệch; đi đứng chậm chạp và ăn uống cũng chậm chạp; tính ý giản dị và tiếng nói hơi khàn. Nhìn chung người thuộc Thủy mà hợp tướng như vậy là rất tốt, trước khổ sau sướng, con cái an hòa, gia đình hưng vượng.
 Người mà Thủy vượng có sắc mặt hơi đen, nói năng nhỏ nhẹ, rành mạch, túc trí đa mưu, giàu lòng bác ái và trí tuệ thông minh, học nhanh hơn người.
Người mà Thủy quá vượng là người tính hay cáu gắt, hay cãi cọ, tính tình thay đổi thất thường. Những người mà Thủy quá vượng thường dễ mắc các bệnh về thận, bàng quang, bắp đùi, chân, đầu, gan, tiết niệu, thắt lưng, tử cung, âm hộ...
Người mà Thủy suy là người có vóc dáng thấp bé, tính tình bất nhất, thay đổi thất thường, tính nhát gan, không có mưu mẹo, hành động cũng bất nhất, không có thứ tự. Người mà Thủy quá suy cũng dễ mắc những bệnh như người thuộc Thủy quá vượng.
Nhìn chung, người thuộc Thủy hợp với phương Bắc. Và có thể thích hợp với khá nhiều nghề, đặc biệt là những ngành nghề liên quan tới chất lỏng, như: dầu khí, rượu, nước....
Không chỉ dùng Âm Dương - Ngũ hành để miêu tả hình dáng, tính cách và số phận của con người, tín ngưỡng dân gian cũng rất coi trọng việc áp dụng Âm Dương - Ngũ hành trong cuộc sống, chẳng hạn như: chọn ngày, giờ cho các công việc, chọn người xông đất ngày đầu năm, chọn người cộng sự, giúp việc .....
Theo tác giả Hoàng Tuấn (Cuốn: NGUYÊN LÝ CHỌN NGÀY THEO LỊCH CAN CHI, trang 216, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, 2005) thì: Khi có việc cần kíp cần phải tiến hành một việc nào đó, không thể trì hoãn mà gặp ngày giờ xấu, ta có thể dùng các phép “hóa giải” sau đây:
1. Dùng cơ chế “Chế sát”: Tức dùng “tương khắc” của Ngũ hành để chế sát. Ví dụ: Ngày “hung” thuộc Thủy thì dùng giờ Thổ để hóa giải (Thổ khắc Thủy); ngày “hung” thuộc Hỏa thì dùng giờ Thủy để hóa giải (Thuỷ khắc Hỏa); ngày “hung” thuộc Mộc thì dùng giờ Kim để chế sát (Kim khắc Mộc)..v.v....
2. Dùng cơ chế “Hóa Sinh”: Tức dùng “tương sinh” của Ngũ hành để hóa giải. Ví dụ: Ngày “hung” thuộc Kim thì dùng Thổ để hóa giải (Thổ sinh Kim); ngày “hung” thuộc Thủy thì dùng giờ Kim để hóa giải (Kim sinh Thủy); ngày “hung” thuộc Hỏa thì dùng giờ Mộc để hóa giải (Mộc snh Hỏa)...
3. Dùng cơ chế “Tị hòa”: Tức dùng “tỵ hòa” của Ngũ hành để hóa giải. Ví dụ: Ngày “hung” thuộc Âm Mộc thì dùng giờ Dương Mộc để hóa giải; ngày “hung” thuộc Âm Kim thì dùng giờ Dương Kim để hóa giải.....
4. Thay đổi người chủ trì: Có thể tìm người khác trong gia đình hay họ hàng, bè bạn hợp với tuổi tác, ngày giờ tiến hành công việc để thay Mệnh chủ trong công việc đang làm. Tất nhiên, người được “mượn tuổi” phải có Mệnh tương sinh với ngày, giờ được chọn để khởi đầu cho công việc.
Trong bốn phép “Hóa giải” mà Tiến sỹ Hoàng Tuấn đưa ra, theo thiển nghĩ của chúng tôi, khi công việc cần kíp không thể trì hoãn, bạn đọc có thể dùng cơ chế “Chế sát” là tốt nhất để hóa giải sự hung - sát của ngày xấu. Còn nếu không chọn được giờ khắc với ngày xấu, lúc bấy giờ ta mới dùng cơ chế “Hóa Sinh”, sau cùng mới đến dùng người khác thay Mệnh chủ trong công việc hoặc dùng cơ chế “Tị hòa” để hóa giải.
Người Việt Nam cũng rất chú trọng việc chọn người xông đất (nhà) đầu năm. Người ta thực hiện theo nguyên tắc: chọn mệnh sinh, kỵ mệnh khắc. Nhưng trong “tương sinh” Ngũ hành ấy, người ta thường chọn thế sinh nhập, nghĩa là mệnh mình được mệnh khách sinh. Ví dụ: Chủ nhà mệnh Thủy thì người xông nhà phải là mệnh Kim để Kim sinh Thủy; chủ nhà mệnh Kim thì người xông nhà phải có mệnh là Thổ để Kim được Thổ sinh; chủ nhà mệnh Hỏa thì chọn người xông nhà có bản mệnh là Mộc để Hỏa được Mộc sinh... Tất nhiên, việc chọn người dù ở thế sinh nhập vẫn phải tuân thủ theo nguyên tắc: Âm - Dương, chứ không thể cùng Âm hoặc cùng Dương. Chẳng hạn, người chủ mệnh là Âm Kim sẽ chọn người có mệnh là Dương Thổ đến xông nhà, như vậy
 mới hoàn mỹ...
Người xưa quan niệm, người xông nhà có bản mệnh sinh cho bản mệnh của gia chủ thì cả năm mới, gia chủ sẽ được phát tài, phát lộc, gặp nhiều may mắn. Nếu trong trường hợp không chọn được người có bản mệnh sinh cho bản mệnh của mình thì người ta thường chọn người ở thế tương hòa. Trường hợp vẫn chưa chọn được tuổi của người xông nhà ở thế tương hòa thì bấy giờ người ta mới chọn ở thế sinh xuất, có nghĩa là bản mệnh của mình sinh cho bản mệnh của người xông nhà.
Ví dụ: Chủ nhà mệnh Thủy, người xông nhà là mệnh Mộc; chủ nhà mệnh Kim, người xông nhà mệnh Thủy; chủ nhà mệnh Thổ, người xông nhà mệnh Kim; chủ nhà mệnh Hỏa, người xông nhà mệnh Thổ... Tuy năm mới có vất vả, lận đận vì bản mệnh của mình bị “hao mòn” do sinh xuất cho bản mệnh của người xông nhà nhưng công việc làm ăn vẫn được ổn định, hạnh phúc cũng được vẹn toàn.
Còn với mối quan hệ “tương khắc” của Ngũ hành thì sao? Tại sao người xưa lại kiêng kỵ chọn người xông nhà có bản mệnh tương khắc với bản mệnh của mình? Theo lý giải của thuyết Âm Dương Ngũ hành thì dù ở thế “khắc xuất” hay “khắc nhập” sẽ đều bất lợi cho gia chủ: Cả năm làm ăn không được xuôi chèo mát mái, hay gặp những chuyện rủi ro, hạnh phúc gia đạo không được vẹn toàn...
Với việc chọn người xông nhà, mở hàng đầu năm, dân gian thường chỉ chú trọng tới sự sinh - khắc về đặc tính và Âm Dương của Ngũ hành làm căn bản, nhưng trong một số công việc quan trọng như kết hợp làm ăn, cưới vợ gả chồng thì dân gian lại chú trọng thêm yếu tố lý tính của Ngũ hành.

                                                                    Đặng Xuân Xuyến 
READ MORE - QUAN HỆ GIỮA NGŨ HÀNH VỚI CON NGƯỜI - Trích trong TỬ VI KIẾN GIẢI của Đặng Xuân Xuyến

QUÊ TÔI - Thơ Hồng Tâm



             Hồng Tâm 




QUÊ TÔI

Là nơi chôn nhau cắt rốn
Quê hương có bóng Mẹ hiền
Ngày đêm mỏi mòn trông đợi 
Ôi ! Tình mẫu tử thiêng liêng

Quê tôi có sông Vàm Cỏ
Lục bình nở tím mênh mông
Dòng sông mang phù sa đỏ
Mùa mưa nước lớn nước ròng

Chúng tôi lật từng trang sử
Quê mình lập nhiều chiến công
Yêu sao dòng sông Vàm Cỏ
Nơi đây nhuốm giọt máu hồng

Về thăm địa đạo Lợi Thuận
Rừng cây reo vui đón chào
Hoà chung sắc cờ màu áo
Tự hào quê tôi biết bao

Chúng tôi bao lần thầm nghĩ
Chỉ mong thế hệ mai sau
Học giỏi xây dựng đất nước 
Cho quê hương mãi đẹp giàu

                       23/09/2015
                     HỒNG TÂM 
READ MORE - QUÊ TÔI - Thơ Hồng Tâm