Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, July 22, 2015

GIỌNG NÓI VỌNG RA TỪ BÊN TRONG BÀI THƠ - Nguyễn Quang Thiều giới thiệu sách Thơ Cần Thiết Cho Ai của Nguyễn Đức Tùng

Bìa sách THƠ CẦN THIẾT CHO AI



Nguyễn Quang Thiều
Giọng Nói Vọng Ra Từ Bên Trong Bài Thơ

Tập sách có tên Thơ Cần Thiết Cho Ai. Đơn giản là thi sỹ Nguyễn Đức Tùng đặt ra một câu hỏi và trả lời câu hỏi đó. Thông thường, tác giả của cuốn sách đặt một câu hỏi như thế thì sẽ dùng rất nhiều lý thuyết để giải quyết câu hỏi này. Trước khi bắt đầu đọc cuốn sách của thi sỹ Nguyễn Đức Tùng, tôi phải thú nhận rằng : tôi đã mang đầy cảm giác ngại ngùng và một sự mệt mỏi mơ hồ bắt đầu len lỏi trong tôi. Tôi không phải là người đọc nhiều lý thuyết về thơ ca hay văn học nói chung với những vấn đề tương tự, nhưng tôi vẫn cảm thấy, với một người sáng tác như tôi có lẽ cũng không cần thiết phải đọc quá nhiều những cuốn sách lý thuyết cho dù nó uyên bác đến đâu khi đề cập đến những vấn đề như sứ mệnh của nhà thơ, thơ ca và chính trị, tính truyền thống và hiện đại hay hậu hiện đại…Nhưng sự thật cuốn sách của thi sỹ Nguyễn Đức Tùng đã thay đổi tôi. Nguyễn Đức Tùng đã trả lời câu hỏi “rất mệt” ấy bằng một cách trả lời thật thông minh, thuyết phục và rất quyến rũ. Sự thông minh, thuyết phục và quyến rũ này đã dẫn dụ tôi và kéo tôi đi hết con đường của ông. Tôi đã đọc hết cuốn sách và tôi thừa biết rằng mình có nhu cầu đọc lại cuốn sách này nhiều lần nữa.
Nguyễn Đức Tùng quả là một “phù thủy”. Ông có khả năng điều kiển cảm xúc của tôi bằng cuốn sách này. Ông dẫn tôi đi (hay trôi đi, hay cuốn tôi đi ) theo dòng chảy của ông và của bài thơ ông nói đến. Nhưng cái hành động dẫn đi hay cuốn đi này không phải để tôi chìm đắm vào đó mà để tôi nhận ra nó đang chuyển động và sẽ dẫn tôi đi tới đâu. Có một cảm giác mà tôi đã thử đi thử lại nhiều lần để tìm ra tính xác thực của cảm giác đó. Đó là tính xác thực của trạng thái tôi vừa mang cảm giác được chìm đắm vừa mang cảm giác nhận biết như tôi là nhân vật chính của bài thơ, là lịch sử của bài thơ và là tất cả những gì bài thơ đã thực hiện hay đã có. Có đôi lúc, tôi tin rằng tôi chính là một trong những gì làm ra bài thơ đó.
Mỗi bài trong cuốn sách này không phải là là một văn bản độc lập về tiểu sử của một nhà thơ mà ông đề cập, không phải một văn bản độc lập về tính biểu tượng hay phép tu từ, không phải một văn bản độc lập ngợi ca tác giả và tác phẩm, không phải một văn bản độc lập về trường phái hay chủ nghĩa…mà chúng là những văn bản tổng hợp. Nói vậy cũng không đầy đủ và chưa thật chính xác. Tôi không tìm được thuật ngữ để bầy tỏ. Tôi xin dùng cách của một nhà thơ để nói về nó cho dù rất mơ hồ: Cách xử lý trong các văn bản đó của Nguyễn Đức Tùng giống như người ta nói về một cánh đồng chứ không phải là đưa ra những mẫu phân tích về thổ nhưỡng hay khí hậu, nói về một cái cây trên đỉnh đồi trong bão gió chứ không phải lý thuyết về các thảm thực vật hay cấu trúc của rừng nhiệt đới, nói về một dòng sông chảy trong hoàng hôn đỏ thẫm chứ không phải nói về mực nước hay những biến động của dòng chảy bị tác động bởi môi trường…Nghĩa là ông dựng lên một đời sống sống động của cá thể bài thơ đó với toàn bộ những gì làm ra nó. Những mối liên hệ từ bài thơ tới tác giả và lịch sử đời sống của nhà thơ cho dù đôi lúc thật ít ỏi, ngắn gọn nhưng đã hiện lên những chỉ dẫn bí mật của những gì tạo lên bài thơ. Và tôi có một chút so sánh dù biết rằng có vẻ hoặc rất thiếu tính khoa học về ông, là : ông là một bác sỹ và ông hiểu toàn bộ hệ thống của những mạch máu và những mô và đặc biệt của AND làm lên một cơ thể sống.
Cho đến lúc này, với một sự suy nghĩ có ý thức và cẩn trọng, tôi muốn nói : thi sỹ Nguyễn Đức Tùng nhiều khi không phải là ông luận bàn hay lý giải bài thơ đó mà thực sự ông đã sáng tạo ra một bài thơ khác. Để thừa nhận nhận định này của tôi, bạn phải đọc những văn bản của thi sỹ Nguyễn Đức Tùng với một cách thức hoàn toàn khác. Bài thơ khác đó của ông không phải là một văn bản tương đồng ở bất cứ một hình thức nào, nó là một cá thể độc lập nhưng lại luôn làm cho chúng ta nhận ra những nơi khuất ẩn của bài thơ kia. Khi còn rất trẻ, tôi đã luôn nghĩ rằng: để đi vào được giấc mơ của kẻ khác thì chúng ta phải có một phương tiện duy nhất đưa chúng ta lọt vào giấc mơ của kẻ đó. Phương tiện đó chỉ có thể là giấc mơ của chính ta. Không ít những nhà phê bình văn học thất bại trong việc tiếp cận những văn bản cụ thể vì họ đã không có cái phương tiện kia. Nguyễn Đức Tùng là một thi sỹ và ông đã được trang bị phương tiện quan trọng nhất. Chính vậy mà nhiều lúc tôi mang cảm giác ông đang ở bên trong bài thơ và nói vọng ra cho chúng ta nghe trong đó có gì và như thế nào.
Thi sỹ Nguyễn Đức Tùng thường hay xử dụng hai cách khi tiếp cận một bài thơ : Toàn thể và chi tiết (cận cảnh). Ông cận cảnh rồi phóng to một từ, một âm tiết, một hình ảnh, một nhịp điệu….của bài thơ khi thì chụp toàn bộ bài thơ và thu nhỏ lại. Phương pháp cận cảnh và phóng đại giống như khi tôi được xem các bức ảnh nghệ thuật người ta chụp những tế bào nhỏ nhất. Chúng thực sự đẹp và đôi lúc làm ta bàng hoàng. Tôi cũng được xem những bức ảnh chụp toàn cảnh trái đất hay các hành tinh nào đó và in ra trong một bức ảnh cỡ 9 x 12cm và tôi cũng lại thấy chúng đẹp mê hồn. Phương pháp cận cảnh của Nguyễn Đức Tùng cho tôi nhận thấy trong một bài thơ có rất nhiều bài thơ. Mỗi bài thơ đó vừa độc lập vừa gắn kết với bài thơ “mẹ” của nó. Nó không phải là một chi tiết hay một hình ảnh của bài thơ “mẹ” mà là những bài thơ độc lập tạo lên một bài thơ có sức chứa rộng hơn về mặt không gian trong nhiều chiều của không gian đó.
Có một vài bài thơ của một vài nhà thơ mà Nguyễn Đức Tùng dịch và nói về nó là những bài thơ mà tôi cũng đã dịch và cảm nhận chúng. Và sự thật là tôi có một cách dịch khác và có một cái nhìn khác về những bài thơ đó. Nhưng tôi lại hoàn toàn thừa nhận một cách thú vị trong tinh thần bị thuyết phục cách dịch và cách cảm nhận bài thơ đó của Nguyễn Đức Tùng. Vì sao vậy ? Vì trước hết mỗi bài thơ là một đơn vị đa văn bản, thứ hai ta nhìn thấy một ô cửa mới mà thi sỹ Nguyễn Đức Tùng mở ra trong những bức tường đôi khi câm lặng của ngôi nhà bài thơ ấy mà ta thường nghĩ trước đó rằng không gian ngôi nhà đã hoàn toàn bị giới hạn hay kết thúc bởi những bức tường. Và điều thứ ba là thi sỹ Nguyễn Đức Tùng đã làm những gì ông làm với bài thơ đó là hợp lý, chính xác, công bằng và quyến rũ. Và điều cuối cùng trong bài viết nhỏ này, tôi muốn tuyên bố : Nguyễn Đức Tùng là một nhà thơ ở bên trong và bên ngoài nhà thơ mà ông đề cập và ông đã viết một bài thơ ở bên trong và ở bên ngoài bài thơ của những nhà thơ đó.
Hà Đông, 20/4/2014
Nguyễn Quang Thiều


READ MORE - GIỌNG NÓI VỌNG RA TỪ BÊN TRONG BÀI THƠ - Nguyễn Quang Thiều giới thiệu sách Thơ Cần Thiết Cho Ai của Nguyễn Đức Tùng

MỘT BÓNG MÂY BUỒN - thơ Phạm Phan Hoà




MỘT BÓNG MÂY BUỒN

Ai bước vội qua hồn tôi
Chạm vai vào mộng... đơn côi dấu buồn!

Biết tìm đâu gót chân suông,
Gió theo cánh gió, mây buông mỏi chiều.

Một đời đã ngả bóng xiêu
Một thời hoa mộng, úa nhiều tương tư

... Người về mở lại phong thư
Gót mềm khơi động tình như lặng rồi?

Ngày mưa sóng gợn bồi hồi
Ta miên man giữa xa xôi - dòng tình!

Lặng nghe khúc hát tim mình
Nỗi đau dần vỡ... theo hình bóng qua.

Phạm Phan Hoà

Quảng Nam, 2010.
READ MORE - MỘT BÓNG MÂY BUỒN - thơ Phạm Phan Hoà

Giới thiệu tác phẩm mới "Dấu Chân Xa... Miền Ký Ức" của Nhà thơ Trầm Mặc

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM MỚI 
"DẤU CHÂN XA... MIỀN KÝ ỨC" 
CỦA NHÀ THƠ TRẦM MẶC


DẤU CHÂN XA... MIỀN KÝ ỨC (thơ), tác giả Trầm Mặc, Nxb. Hội Nhà văn, 2012.

Thơ Trầm Mặc là cả một thế giới ký ức được gọi về. Đó là ký ức về một vùng quê nghèo khó, về những kỷ niệm tuổi thơ, về mái trường xưa yêu dấu luôn neo đậu trong tâm hồn của những người học trò mang theo mối tình đầu yêu dấu ấy. Có khi trong thơ chị chúng ta lại bắt gặp những chiêm nghiệm, suy tư của một tâm hồn nhạy cảm trước cuộc đời, trước sự biến đổi, va đập của cuộc sống. Lại một lần nữa chúng ta thấy Huế - vùng đất trầm mặc nhưng có sức quyến rũ lạ kì đối với những ai còn vương nợ trần gian. Trong thơ Trầm Mặc, Huế không chỉ là một hình ảnh, một hình tượng mà nó đã trở thành biểu tượng. Biểu tượng về đất mẹ, về quê hương... Đối với Viêm Tịnh thì Trầm Mặc “chọn cho mình một con đường không phải được rải hoa để bước đi cùng cuộc sống, bụi phấn đã với chị trôi theo nhiều năm tháng, để lúc dừng lại mới nói được về một nơi chốn đã hằn sâu trong nỗi nhớ không dứt rời...”.  
(Tạp chí Sông Hương số 288 T.02 – 13)



DÂNG ĐỜI MỘT CHÚT HƯƠNG XA

          Với nhan đề và sự sắp xếp thứ tự theo dòng thời gian cuộc sống, tập thơ “Dấu chân xa… miền ký ức” như những dòng nhật ký rời của Trầm Mặc trong mỗi bước đời vô định; đó là tiếng lòng thổn thức – không che giấu, nồng nàn với từng hoài niệm để rồi chuyển hóa thành những vần thơ, mang âm điệu buồn man mác. Tâm trạng người xa quê, tìm vui bên phấn trắng, bảng đen cùng tiếng cười đàn trẻ. Bao năm miệt mài, một ngày giã từ, về vui thú điền viên nhưng vẫn không quên cái nôi ươm mầm văn học, dù chỉ là hồi động một thuở nào của tiếng chuông:

Vẳng nghe vang vọng tiếng chuông chùa
Màn đêm bao phủ vẫn còn khua
Âm vang ngân nhẹ, buồn muôn thuở
Biển vắng thuyền ơi! Đã ngủ chưa? 
            
Hay những lúc nhớ quê nhà, trái tim chợt rung lên khi ngắm nhìn mưa bụi rơi bên Cấm Thành, bỗng giật mình đếm bước:

Chiều mưa Huế sao mãi buồn ảm đạm
Hoàng Thành kia đã phủ kín rêu phong
Ta lặng đi với giọt nhớ mơ hồ
Chuông xa vọng trong buổi chiều cô tịch… 
            
Đọc thơ Trầm Mặc, bắt ta phải quay lại quá khứ: nỗi ám ảnh của một thời hoa mộng, cứ lảng vảng, quẩn quanh rồi nương náu ẩn tàng một góc phố xưa, mái trường cũ, cô giáo ngày nào ánh mắt nhìn trìu mến…sự phân tâm không phải là vô cớ mà có lý. Bởi miền ký ức, điều đó, ngỡ mòn phẳng từng quãng vắng… lại thoáng hiện bằng cơn khát cháy bỏng đam mê, hồi tưởng:

Đồng Khánh ngày xưa buổi tan trường
Ai đâu đứng đợi ở bên đường
Sánh đôi bước nhẹ chiều mưa Huế
Ơi nhớ làm sao, một thoáng hương 
            
Cảm xúc viết về Mẹ không sao nói hết tình thiêng liêng trời biển ấy. Nghe con vào Đồng Khánh, lòng mẹ sung sướng xiết bao. Thời Trầm Mặc được vào ngôi trường danh tiếng chẳng dễ chút nào. Khi mặc chiếc áo dài duyên dáng Cố Đô, mang bảng tên trường mới qua đò Thừa Phủ, khẽ nhìn từng gợn sóng biếc trên dòng Hương Giang chập chờn, tâm hồn cô gái nữ sinh Đồng Khánh liên tưởng đến nỗi vất vả, lo toan của cha mẹ đã hy sinh, gieo neo chống chèo qua ngày tháng. Vẫn mãi đeo đẳng cho đến ngày xa phương, vẫn mang theo hình bóng thân yêu canh cánh bên lòng. Rồi một ngày mẹ biệt đời hiu quạnh. Niềm vui chợt tắt như ảo ảnh sương khói, công danh như trò đời phù phiếm. Những dòng lục bát ở đoạn cuối bài thơ“Nghe con vào Đồng Khánh” trở thành lời Kinh khổ đầy ước lệ:

Bỗng nghe thoang thoảng hương cau
Mẹ về tiếng gió đêm thâu có còn
Mẹ ơi! Đời mẹ mỏi mòn
Thác rồi lời vẫn bên con tháng ngày
Con nghe gió thổi hây hây
Mẹ ơi lời mẹ đâu đây mà tìm? 
            
Bằng cái tâm bày tỏ, sự cảm nhận qua thơ Trầm Mặc, tập thơ đầu tay dẫu còn khiêm tốn, nhưng cũng đã cho người đọc thấy phảng phất đâu đó một chút hoài cổ đằm thắm, gần gũi và luôn tươi mát, nét riêng mà chị đã khắc họa cho ngôn ngữ thơ mình. Mặc dù khi thơ được xem là nét chạm trổ trên mảng kim cương, rất khó. Được đồng cảm, chia sẻ với chị khi tâm trạng đang ngổn ngang, rối bời giữa hai bờ quá khứ và hiện tại, ta sẵn lòng tìm những hạt ngọc quý, rất mong được mở rộng vòng tay đón nhận.
          
Hy vọng những mùa gặt sau chị sẽ đầy hoa thơm, cỏ lạ dâng đời một chút hương xa.

Ngàn Thương                                                                                    
Thu 2012



TIẾNG LÒNG XIN GỞI LẠI
         
Chốn quê xa của những người xa quê luôn là góc thâm trầm trong ký ức, trong hoài niệm khôn nguôi, trong bất cứ lúc nào không bận bịu vì cuộc sống thì dù đang ở trong mùa nào, Xuân Hạ Thu Đông đều chìm vào hồi ức của vọng tưởng những hình ảnh rất gần gũi, rất thân thiết của riêng mình. Con đường làng in lối mòn năm tháng ấu thơ chạy theo chân mẹ vào chốn chợ quê nghèo, cánh đồng ngát mùi rơm mới sau vụ gặt trơ gốc rạ nhặt từng cánh lúa rơi rớt, cơn mưa chiều thu đã làm nỗi buồn vời vợi bên dòng sông sương khói thơm mùi hương thuở xuân thì. Rồi những ngôi trường, những thầy cô giáo của mỗi thời đi học chất ngất lòng ngưỡng mộ, không rời trong tâm tri, đến những màu vôi cổng trường cũng là sắc màu quá khứ…Từ đó rung cảm đã tạo thành những đợt sóng phủ tràn tâm trí để trở thành chất liệu sống nẩy mầm thơ, Trầm Mặc đã bao năm tháng ấp ủ quá khứ của mình như vậy:

Chiều mưa viễn xứ, nhớ quê hương
Nhớ mưa Vỹ Dạ, nhớ chiều sương
Mây mù giăng kín, bên sông nước
Bến cũ, đêm mưa chắc sẽ buồn
          
Quê nhà của Trầm Mặc không có giới hạn trong tư duy của riêng mình, chị đã gửi gắm lại cho thế hệ thứ hai biết cội nguồn từ nơi mẹ cha đã phải xa ngái đến vùng đất mới tạo dựng cuộc sống, tha thiết đến nao lòng:                                                                                                      

Nhớ nghe con thuở khai thiên lập địa
Ba mẹ cùng tạm biệt Vỹ Dạ xưa
Quê hương thứ hai nuôi con khôn lớn
Có lẽ nào con quên được con ơi!

 Nhìn lại nơi chốn được sinh ra, dậy một tình yêu sâu thắm chất ngất lãng mạn để rồi những câu thơ khơi nét riêng trong tâm hồn chị. Chị đau đáu nỗi đau xa quê, nhưng chị vẫn nhìn lạc quan với vùng đất mới, nơi mà chị hiểu rằng sẽ là chiếc nôi cho gia đình mà chị đã chọn lựa. Và sự chọn lựa thật sự mang lại cho tâm hồn chị được rất nhiều, chị có quá khứ và hiện tại đan quyện vào nhau, hỗ tương cho tâm hồn thơ của chị thăng hoa:

Ta lặng đi với giọt nhớ mơ hồ
Chuông xa vọng trong buổi chiều cô tịch
        
Những tháng năm trải biết bao điều trăn trở để vượt qua, chọn cho mình một con đường không phải được rải hoa để bước đi cùng cuộc sống, bụi phấn đã với chị trôi theo nhiều năm tháng, để lúc dừng lại mới nói được về một nơi chốn đã hằn sâu trong nỗi nhớ không dứt rời, tâm hồn chị mang nhiều niềm đau không bộc lộ, chị cam chịu, tự vỗ về mình bằng ngôn ngữ thơ để lòng nhẹ bớt niềm riêng. Chị đắm mình trong thiên nhiên để được nghe cô đơn mình lan tỏa với bạt ngàn rừng nối rừng suốt dãy biên giới miền Đông:

Chiều nay phố núi, lại mưa ngâu
Mắt ướt, mưa chi mãi giọt sầu
Gởi chút giọt mưa miền đất lạ
Về nơi phố cũ chợ Đông Ba
          
Thơ cho tâm hồn bay bỗng cùng thời gian ta có, Trầm Mặc được như thế, chị đi vào thơ bằng một trải nghiệm rất đằm thắm của thời mỗi mùa hoa phượng rực trời với nắng hạ đất Thần Kinh. Những câu thơ nói lời vui buồn của thân phận, ghi lại những phút giây trái tim thanh xuân rung động một nhịp tình, gõ cửa những ẩn khuất đời người. Thơ Trầm Mặc đã trải bày như vậy.

Huế cuối thu 2012
Viêm Tịnh
READ MORE - Giới thiệu tác phẩm mới "Dấu Chân Xa... Miền Ký Ức" của Nhà thơ Trầm Mặc

Thơ đầu tay: CÁNH HOA CUỐI MÙA - Phan Nam

Tác giả Phan Nam



Phan Nam
CÁNH HOA CUỐI MÙA

Mái trường xưa có một chàng trai khờ
Cứ lặng lẽ nâng nhẹ màu áo tinh khôi
Giờ tan trường khép nép gió làm duyên
Nhặt hoa rơi khẽ ru từng trang vở

Thuở rong chơi câu thơ còn dở dang
Phượng cánh buồn đếm nhịp thương lệ tràn
Lời ngọng líu vương vấn làn tóc xanh
Tim đong đầy những rung động đầu cành

Thu hai mươi sao lời thương mãi câm lặng
Vụng về chân bước từng vòng xe quay tròn
Mưa đầu mùa hoá cơn mơ cổ tích
Hoa mỉm cười nhìn bóng người lặng thinh.

PN
Tiên Phước, cuối Hạ, 2015

Tác giả Phan Nam, quê Tiên Phước, Quảng Nam,  hiện là sinh viên trường ĐH Sư Phạm và Khoa Báo chí  ĐH Đà Nẵng trân trọng mọi góp ý chân tình của bạn đọc về những bài thơ đầu tay của mình.
Xin gởi về: phanvannamsp@gmail.com.
READ MORE - Thơ đầu tay: CÁNH HOA CUỐI MÙA - Phan Nam