Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, July 21, 2015

TÌNH ĐỢI - thơ Huy Cận Đông Hà



Huy Cận Đông Hà

Tình Đợi

Những yêu thương tưởng chừng như quên lãng
Bỗng trở về khắc khoải buốt con tim
Đêm dài qua, ta trắng tóc, lặng im
Tim lạc lối cho một ngày vụn vỡ

Ta vẫn đợi bên đời người, trăn trở
Ngày tròn trăng, tròn nỗi nhớ trong ta
Người vô tình để lại một hương hoa
Ta huyễn hoặc một mình trong tình vắng

Hồn hụt hẩng chênh vênh ngày sâu lắng
con tim gầy chếnh choáng một đêm say
Bờ môi nào dang dở những ngất ngây
cho tình lặng trong vòng tay nồng thắm

Đôi mắt người thì thầm lời say đắm
Ta níu ngày níu tháng níu tình yêu
Níu nồng nàn đã phủ kín rong rêu
Người về nhé, thềm xưa... ta vẫn đợi.

HCĐH
READ MORE - TÌNH ĐỢI - thơ Huy Cận Đông Hà

NGƯỜI ƠI... NGƯỜI Ở - thơ Đặng Xuân Xuyến



NGƯỜI ƠI... NGƯỜI Ở
- Tặng Nguyễn Minh Phượng -

Ngơ ngác níu tìm “người ơi người ở”
Chống chếnh men say “người ở đừng về”
Quan họ dặt dìu
Chông chênh câu hát
“Yêu nhau cởi áo trao nhau”
“Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay”...

Run rẩy
Thẹn thùng
Ngẩn ngơ yếm thắm
Líu ríu tơ tình ai kẻ giăng tơ?

Quan họ dùng dằng
“Người ơi người ở”
Lập cập chữ yêu chưa dám tỏ bày

Ngơ ngác níu tìm
Chống chếnh men say... 

Hà Nội, ngày 31 tháng 07 năm 2013

ĐẶNG XUÂN XUYẾN
READ MORE - NGƯỜI ƠI... NGƯỜI Ở - thơ Đặng Xuân Xuyến

ĐẬM NÉT HƯƠNG YÊU - thơ Trương Thị Thanh Tâm


Tác giả Trương Thị Thanh Tâm


Trương Thị Thanh Tâm

ĐẬM NÉT HƯƠNG YÊU

Cây trái mùa nên cây sinh trái vội
Gặp lại người đã vội vã trao ngay
Tình trong tay sao lại để ngày mai
Cho hương phấn bay qua bên bờ cửa

Tình mới lớn theo thời gian mở ngõ
Aí ân nào tô đậm nét hương yêu
Tình gởi theo từ ngày chớm sang thu
Người đâu biết, chỉ bài thơ thuở ấy

Ngưới đã ru, đời tôi thời vụng dại
Đánh thức trái tim còn ở tuổi học trò
Lần bên nhau qua một tối hẹn hò
Hình bóng ấy vẫn về trong khắc khoải

Tôi quẩn quanh những cuộc tình vội vã
Chờ người ư, thời gian cũng qua mau
Tôi đuổi bắt người lạc đường trốn chạy
Để bây giờ trở thành kẻ đến sau

Ai nức nở dấu mặt mình bên gối
Thả hồn trôi lạc lỏng giữa đêm đông
Ai vò võ nhìn bóng mình hiu hắt
Còn ai đâu lau ngấn lệ trong lòng

Trời se lạnh thiếu vòng tay ấp ủ
Biết tìm đâu hạnh phúc ở tương lai
Người có về trong giấc ngủ đêm nay
Hương tình yêu còn hoài trong nỗi nhớ
          
TTTT

(Mỹ Tho)
READ MORE - ĐẬM NÉT HƯƠNG YÊU - thơ Trương Thị Thanh Tâm

HÃY CÚI XUỐNG ĐỂ THẤY MÌNH BÉ NHỎ - thơ Trương Đình Phượng

Tác giả Trương Đình Phượng


Trương Đình Phượng

HÃY CÚI XUỐNG 
ĐỂ THẤY MÌNH BÉ NHỎ


Sao cứ phải cố trèo lên đỉnh núi
ôm mặt trời và hái những vì sao
hãy cúi xuống để thấy mình bé nhỏ
chiếc xe đời trôi mãi bến mù khơi
hãy cúi xuống nghe cỏ gầy nằm hát
khúc vô thường năm tháng cứ đầy vơi
chiều mằn muộn con gió tràn ngõ tối
xác thời gian queo quắt giữa môi buồn
mùa thu tới không một lời dự báo
sáng soi gương mây trắng rụng quanh đầu
vườn mộng mị loài chim vui bặt bóng
nhánh ưu phiền trĩu nặng trái mồ côi
hãy cúi xuống nghe lời sông bé nhỏ
trôi cạn đời biển rộng vẫn hoài xa
sao cứ phải cố trèo lên đỉnh dốc
ôm mặt trời và hái những vì sao
hãy cúi xuống để thấy mình bé nhỏ
bàn tay gầy quờ quạng níu chiêm bao

TĐP
READ MORE - HÃY CÚI XUỐNG ĐỂ THẤY MÌNH BÉ NHỎ - thơ Trương Đình Phượng

Thơ Đoàn Vũ : NGỦ BÊN BỜ TRÚC, ĐÊM LẦU TRĂNG - NỖI NHỚ HÀN






NGỦ BÊN BỜ TRÚC

Đêm nay
ta
ngủ bên bờ trúc
gác giấc chơi vơi
tạm lãng đời
ta muốn hồn ta
uốn quanh như con suối
để dài thêm
khi lần về
                 biển khơi...

Đêm bờ trúc cứ nôn nao
thèm
khát
trời trăng ơi!
mát quá giọt thiên hà
ta hứng cả một trời trăng
bên suối trúc
đá đôi bờ
lổm chổm liếc
nhìn ta.

Bên bờ trúc
đêm nay
ta
thả giấc
nó rong chơi
thanh thản ngắm tiên trời...

Ta
gác giấc
để nhập hồn đá cuội
cọng cỏ cứa chân đã ngứa một đời.

Biết đâu được “đá là ta kiếp trước!”
đời dồn xoay tíu tít
lại quay về
đêm!
có lẽ
đêm trải bờ
hội ngộ
đá đôi bờ
gác giấc
       đê mê.          





ĐÊM LẦU TRĂNG - NỖI NHỚ HÀN


Lầu trăng… biển hát khẽ khàng
Bỗng dưng giọt lệ - khóc Hàn – Hàn ơi!
Người Thơ – mùa cũ đâu rồi?
Chạm trong gạch vụn bời bời chuyện xưa
Chạnh long trời nhỏ nhẹ mưa
Nép bên Lầu mộng ngỡ mùa chiêm bao?
Cao cao dốc thắp đầy sao
Lầu Ông Hoàng khắc nỗi đau một thời
Ôi Lầu trăng – trăng tuyệt vời
Nên chăng?
sóng cứ trốn khơi vỗ bờ…
Mộng Cầm chị! nghiệp – duyên thơ?
Chị ơi miền cũ chắc giờ ngủ yên?(*)
Trăng Lầu trăng
                         trăng nghiêng nghiêng
Đêm nay trăng rãi cả miền tịch liêu
Ngỡ gặp anh – chạm trong chiều
Tháp Chàm(**) lồ lộ như ai đứng chờ…
Bùi ngùi nhớ thuở chơ vơ
Muộn sầu – Phan Thiết – vãi thơ sông Hằng(***)
Khóc anh
dẫu có muộn màng
đoạn trường chi
lắm đoạn trường
thế ư!
Trời sao đến nỗi vô tư
Để anh cam phận… ngất ngư một đời?
Đêm Lầu trăng
mải mê
tôi
Dường như đá tảng – Hàn ngồi đề thơ?...

(*) mộ của nữ sĩ Mộng Cầm hiện nằm gần Lầu Ô.Hoàng.
(**) nhóm tháp Pôshanư nằm trên đồi Bà Nài – Lầu Ô.Hoàng.
(***) ý trong bài thơ Phan Thiết – Phan Thiết của Hàn Mặc Tử.


Ðoàn Vũ – Hội viên hội Văn Nghệ Bình Thuận
Email: vudoan0102@gmail.com.
READ MORE - Thơ Đoàn Vũ : NGỦ BÊN BỜ TRÚC, ĐÊM LẦU TRĂNG - NỖI NHỚ HÀN

LỚN LÊN CON - thơ Chu Vương Miện





chu vương miện

lớn lên con

gái về nhà chồng
con trai đi lính
thời chiên chinh nơi nào cũng vậy
đất nước vẫn thế này
người no vẫn no
người đói vẫn đói
vẫn còn kẻ tay bị tay gậy
đứng ăn mày
phong kiến dân chủ tự do
toàn danh từ nghe kêu thật đấy

*
con người có đầu
con vật thường có đuôi
có con đuôi dài
có con đuôi ngắn
có con không đuôi
con mèo khen mèo dài đuôi
khỉ vượn dùng đuôi để leo trèo
đánh đu chuyền từ cành này
sang cành khác
chó vẫy đuôi là mừng chủ

*
voi cọp cùng sư tử
đuôi dài và bự
đuôi chuột ngắn ngủn
để ngoáy lọ mỡ
đuôi chim trĩ chim công
khá dài để múa
đuôi lớn đuôi nhỏ
cũng là đuôi

                   cvm
READ MORE - LỚN LÊN CON - thơ Chu Vương Miện

THĂM ĐẢO CÔ TÔ - Thơ Nguyễn Khôi




Lời dẫn: Có 3 địa danh mang tên Cô Tô:
- Bên Trung Quốc, đó là khu Cô Tô ở Cấp thị Tô Châu, tỉnh Giang Tô, gắn với 2 câu thơ bất hủ trong bài tứ tuyệt "Phong Kiều Dạ Bạc" của Trương Kế, năm 2006 NK cùng nhà thơ Vũ Quang Tần lọ mọ sang thăm, đã nhẩm đọc:
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
- Ở ta  có 2 địa danh mang tên Cô Tô.
1. Cô Tô là một quần đảo nằm ở phía đông của đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Địa danh hành chính là huyện Cô Tô, diện tích 47,3 km², dân số hơn 4.985 người. 
2. Núi Cô Tô (gọi tắt: núi Tô), tên chữ: Phụng Hoàng sơn, tên Khmer:Phnom-Ktô; là một ngọn núi trong Thất Sơn, thuộc xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, Việt Nam.

                 *


THĂM ĐẢO CÔ TÔ
(Tặng Vũ Quang Tần)

Ra Cô Tô mai sớm đón bình minh
Tàu cao tốc lướt mình trên sóng biếc
Hoa Mua tím đượm tình con gái Việt
Đảo xa xôi mà cứ ngỡ quê mình.
                     
Đêm vắng lặng thì thầm lời chim Quốc
Smarphone "phây" trọn gói 3 G
Nhắn thằng em ngoài Trường Sa đứng gác
Lên Hải Đăng trăng nước thả hồn thơ...
                     
Từ làng chài xây cao tầng lên phố
Khách Tàu Tây du lịch suốt mùa hè
Trời cho ta một thiên đường nghỉ dưỡng
Sướng gì bằng ngồi cùng biển uống bia?
           
                              Nguyễn Khôi
                     Đảo Cô Tô lớn 14-7-2015

READ MORE - THĂM ĐẢO CÔ TÔ - Thơ Nguyễn Khôi

THÔNG CÔNG CÙNG THIÊN CHÚA - thơ Phạm Đức Nhì





THÔNG CÔNG CÙNG THIÊN CHÚA

Có lần
được đại diện một nhóm đông đồng đạo
dâng lời cầu nguyện
tôi nhắm mắt suy nghĩ mông lung
“cầu xin những gì ấp ủ trong lòng
hay chỉ dựa theo Thánh Kinh
để khỏi ai bắt bẻ?
“nói chung chung” để mọi người vui vẻ
hay xen vào đôi chút riêng tư?”


Cuối cùng mọi chuyện cũng qua
có người khen
lời cầu nguyện của tôi rất khéo
thật ra
lúc ấy tôi đang ở trên sân khấu 
đóng vai thằng Ba Xạo
xạo với Thiên Chúa
với người đời
và xạo cả với chính tôi


Đêm về
tôi cũng cúi đầu cầu nguyện
nghe từng nhịp thở của mình
giữa bốn bề vắng lặng
bên cạnh tôi là Thiên Chúa toàn năng


Trước đôi mắt nhân từ của ngài
không cần nói một lời
tâm hồn tôi tự động trải ra
như trang giấy rất phẳng
khoảng đen, khoảng trắng


Ngài nhìn khoảng trắng
thân thể khoan khoái nhẹ nhàng
ngài liếc qua khoảng đen
lòng xốn xang khó chịu
và thế là tôi hiểu


Trong đời sống tâm linh
sau khi đã biết
đã chấp nhận
đã tin
tôi chỉ muốn tự mình
thông công (1) cùng Thiên Chúa


Thiên Đường hay Niết Bàn, nếu có
tôi muốn tự mình đi tới
dù phải lội suối trèo non
những Công Ty Dịch Vụ
đưa rước linh hồn
dẫy đầy trên trần thế
(chỉ cần gật đầu
sau đó còng lưng trả tiền cước phí) (2)
nhưng sự sống đời đời
tôi đâu dám giỡn chơi. 


Chú Thích:
1/ Thông công còn có nghĩa là hình thức giao tiếp bằng tinh thần với thế giới khác.
Hình thức giao tiếp này thông qua các nghi thức tôn giáo như thánh lễ, cầu nguyện...
(https://vn.answers.yahoo.com/question/index?qid=20080422011216AAdHqbV)
2/ Nhiều nơi đề cập đến con số 10% thu nhập.


07/2015
Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com
READ MORE - THÔNG CÔNG CÙNG THIÊN CHÚA - thơ Phạm Đức Nhì

ĐỌC SÁCH “NGƯỜI TÙ THÔNG MINH” QUÊ QUẢNG TRỊ - Phạm Xuân Dũng



Phạm Xuân Dũng

ĐỌC SÁCH 
“NGƯỜI TÙ THÔNG MINH” QUÊ QUẢNG TRỊ

(Nhân đọc truyện ký “Người tù thông minh” của Nhất Lâm, NXB Hội nhà văn, Hà Nội 2014)

Một hoạt động trong năm 2015 mang nhiều ý nghĩa của Sở thông tin và truyền thông Quảng Trị phối hợp với, Sở Thông tin và truyền thông, Hội văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Trị là tổ chức buổi ra mắt truyện ký “Người Tù Thông Minh” của nhà văn Nhất Lâm viết về nhà cách mạng, nhà thơ Vĩnh Mai (1918-1981). Ông người làng An Tiêm, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Trước khi hoạt động văn chương chuyên nghiệp, ông từng là nhà cách mạng, giữ các chức vụ quan trọng như bí thư thị ủy Huế, thường vụ tỉnh ủy Quảng Trị, trưởng ban tuyên huấn tỉnh Quảng Trị, chủ bút hai tờ báo “Tiếng vang” bằng hai thứ tiếng Việt và Pháp trong kháng chiến chống Pháp. Sau năm 1954, khi hòa bình lập lại, ông ra miền Bắc, là biên tập viên tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông đã được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì vào năm 2001.

Nhà văn Nhất Lâm thứ tư từ phải sang.

Thời trai trẻ  đầy nhiệt huyết cách mạng và sôi động của ông đã được nhà văn Nhất Lâm tái hiện trong truyện ký “Người tù thông minh”.

Đây là cuốn sách với độ dài hơn 300 trang (bao gồm cả phần phụ lục) phần nào tái hiện chân thực chân dung của một nhà cách mạng chiến đấu vì dân, vì nước, một trí thức đích thực, một nhà thơ, nhà báo bản lĩnh có nhiều cống hiến cho quê hương đất nước. Đó chính là nhà thơ Vĩnh Mai thân yêu của chúng ta.

Nhà văn Nhất Lâm, một người con Quảng Trị mặc dù tuổi tác đã cao, bệnh tình đe dọa vẫn tâm huyết sưu tầm tư liệu, vận động nhiều người đóng góp tinh thần và vật chất để cho ra đời một tác phẩm khá đầy đặn về một con người yêu nước đáng kính, một kẻ sĩ  tiêu biểu của thời hiện đại. Tác giả tận dụng thế mạnh tư liệu để khắc họa nhân vật bằng thể loại truyện ký. Bên cạnh đó bằng tâm cảm của một nhà văn, người viết đã có nhiều trang viết đậm chất văn chương. Như vậy bên cạnh giá trị tư liệu thì giá trị văn học cũng đã có những thành công nhất định đáng ghi nhận.

Nhà văn Nhát Lâm ngồi hàng đầu đang ký sách tặng.


Ngay trong chương một “Làng bên sông” khi giới thiệu về làng quê An Tiêm, người viết đã cho thấy bối cảnh của quê hương trong đêm trường nô lệ với sự  với sự kìm kẹp, khủng bố của thực dân Pháp. Những người yêu nước, trong đó có những trí thức như Nguyễn Hoàng (tên thật của nhà thơ Vĩnh Mai) không có con đường nào ngoài con đường cứu nước. Tác giả khẳng đinh :” Có một lớp thanh niên có học, trong đó có Nguyễn Hoàng là tiêu biểu, không những không chút lo sợ mà đi đầu trong việc tìm đến với các chiến sĩ cộng sản” (trang 15, SĐD).

Ba chương tiếp theo kể chuyện chàng thanh niên Vĩnh Mai vào học trường Khải Định ở Huế do thực dân mở ra để đào tạo những kẻ phục vụ chế độ thuộc địa. Nhưng đây lại là một chiếc nôi đào tạo trí thức và cũng là chiếc lò nung nấu những tâm hồn cách mạng. Ở Huế, Nguyễn Hoàng đã may mắn tiếp thu những luồng tư tưởng tiến bộ, ngay từ nước Pháp nổi tiếng với khẩu hiệu “tự do-bình đẳng-bác ái”. Những tấm gương của các chiến sĩ cách mạng, trong đó có những người con quê hương Quảng Trị như Đoàn Lân đã kích thích tinh thần phản kháng trong người thanh niên Nguyễn Hoàng. Anh càng quyết chí đi theo con đường cứu nước, cứu dân bất chấp mọi tai ương, nguy hiểm. Đọc những trang này, bạn đọc thích thú như được chứng kiến một Nguyễn Hoàng học giỏi có tiếng lại đàng hoàng, chững chạc tranh luận với các giáo sư người Pháp, không cam chịu cảnh tôi đòi để đổi lấy vinh hoa phú quý. Một Nguyễn Hoàng, một học trò nghèo đã gọi quan lớn tuần vũ Quảng Trị là” ông Tuần” không chút sợ sệt dù cho cường quyền thị uy trước mặt. Một dũng khí của một người có học từ thời trai trẻ đã hun đúc nên tiết tháo của nhà thơ Vĩnh Mai sau này. Chính khí tiết và trí thông minh của ông đã làm cho Chánh mật thám Trung Kỳ, con cáo già Xo-nhi phải chịu thua trong cuộc đấu trí trước một người tù cộng sản trẻ trung. Những trang viết của Nhất Lâm đã tái hiện sinh động một đoạn đời dũng lược của một người chân chính.

“Người Tù Thông Minh” là lời đánh giá của giám ngục người Pháp dành cho Nguyễn Hoàng khi anh từ lao Thừa Phủ (Huế) bị đày lên nhà tù Buôn Ma Thuộc. Cùng các đồng chí của mình, trong đó có anh Vịnh (tức đồng chí Nguyễn Chí Thanh), anh đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, rèn luyện văn hóa và ý chí tranh đấu, tuyên truyền ngay cả gia đình tên giám ngục, khiến cho kẻ thù cũng phải ngả mũ kính phục. Cuốn sách còn thuật lại đoạn đời vượt ngục về “Xứ Nẫu” Tuy Hòa rồi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám, giữ chức chủ tịch tỉnh  nơi đây.

Trong kháng chiến chống Pháp, bên cạnh công tác chính trị sôi động và có nhiều kỷ niệm, ông đã để lại bài thơ “Khóc Hoài” nổi tiếng khi tưởng niệm một người bạn, một đồng chí đã hy sinh. Bài thơ này đã được lưu truyền rộng rãi ở vùng Bình Trị Thiên và đến ngày nay vẫn còn được nhiều người nhắc nhở. Còn về  sau khi hòa bình lập lại, ông có bài thơ “Lên Vĩnh Yên” được các nhà thơ và độc giả nhớ đến.

Cuốn sách cũng cho ta thấy con người Vĩnh Mai không khoan nhượng trước cường quyền, không chấp nhận thói dối trá, luồn lọt, nịnh hót đê mưu cầu danh lợi hay chí ít là cũng được yên thân. Những mẩu chuyện về  việc Vĩnh Mai thích uống cà phê, hay nói tiếng Tây mà bị kiểm điểm vô lối trong những khắt khe thái quá của thời chiến và ngay cả thời bình càng làm nổi bật chân dung Vĩnh Mai chính trực và trung thực. Suốt đời cho đến phút cuối cùng ông vẫn là một trí thức thông tuệ, ngay thẳng, tư duy bằng bộ óc của mình, bảo vệ chính kiến và quan niệm sống đến cùng. Đó là cảm nhận của người đọc khi khép lại  cuốn truyện ký “ Người tù thông minh”.

Như đã nói, cuốn sách có giá trị tư liệu khá nổi trội. Nhưng bên cạnh đó, giá trị văn học cũng cần được nhìn nhận đúng mức. Nhiều trang viết ở các chương “Làng Bên Sông”, “ Người Tù Thông Minh”, “Cười Ra Nước Mắt”, “ Khát Vọng”… đã chiếm được cảm tình người đọc.

Nếu được góp ý về cuốn sách khá lý thú này thì xin có lời xem lại  về sự chính xác  văn bản bài thơ  Tú Xương được dẫn ra trong sách, rồi về sự giải thích xuất xứ tên gọi Chợ Sãi đã thuyết phục hay chưa?

Dẫu có vài hạt sạn nhỏ nhưng điều đó không ảnh hưởng nhiều đến giá trị tổng thể cuốn truyện ký này. Chúng ta thực sự trân trọng và yêu quý tình cảm sâu nặng và lao động nhà văn của tác giả Nhất Lâm dành cho nhà thơ Vĩnh Mai. Đây vẫn là tác phẩm cần thiết và bổ ích để giúp chúng ta hiểu sâu hơn về nhà thơ, nhà báo dù phải qua nhiều sóng gió cuộc đời vẫn luôn sống đúng với phẩm giá của mình; để tôn vinh đúng mức một người yêu nước, một nhà cách mạng, một trí thức đích thực của quê hương đất nước.

PXD

*****
Ảnh thứ 2 và 3 do tác giả cung cấp.



READ MORE - ĐỌC SÁCH “NGƯỜI TÙ THÔNG MINH” QUÊ QUẢNG TRỊ - Phạm Xuân Dũng

RU TÌNH VÀO THIÊN THU - thơ Trầm Mặc


Tác giả Trầm Mặc










Trầm Mặc
(NTB)


Ru Tình Vào Thiên Thu

Rưng rưng giọt nhớ giọt sầu
Nghe mưa rả rích biết đâu cội nguồn
Dặm về nghe nhạn kêu sương
Trập trùng nỗi nhớ, đọng buồn hoen mi
Thu về Hạ cũng vội đi
Bâng khuâng xao xuyến, biệt ly tháng ngày
Xin cho giữ trọn kiếp này
Xin cho tình mộng thương vay biết còn
Xin cho cuộc sống vuông tròn
Quên đi ngày tháng mỏi mòn đợi nhau
Mượn câu lục bát ru đau
À ơi! Ru mãi tình sầu thiên thu



Con Đường Nhớ

Rồi một ngày đi qua con đường nhớ...

Lòng bồi hồi tìm lại dấu chân xa
Bên triền sông ta cùng ai đếm bước
Sóng dịu dàng phổ mãi khúc nhạc thương...
Trưa nhạt nắng mây xanh trôi nhè nhẹ
Ta trải lòng ríu rít chuyện trăm năm
Anh nghe không tiếng tơ lòng khắc khoải
Nhắc nhau rằng sỏi đá cũng có nhau
Những lúc mưa đi ngang qua đường cũ
Anh có vào quán nhỏ góc phố xưa
Xa xôi lắm mà nghe lòng ấm mãi ....
Phố thị buồn sao kể hết anh ơi!
Nếu đi ngang, xin đừng quên anh nhé!
Khúc "Mưa chiều", em vẫn mãi ru mưa
Anh có qua xin dừng chân trầm tưởng​
Đây con đường nhớ mãi tháng ngày trôi

TM (NTB)

21/72015
Vỹ Dạ Huế




              
READ MORE - RU TÌNH VÀO THIÊN THU - thơ Trầm Mặc