Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, July 7, 2015

ĐIỀU NGHỊCH LÝ TRONG MƯA - Thơ Huỳnh Gia



                     Tác giả Huỳnh Gia


 ĐIỀU NGHỊCH LÝ TRONG MƯA

Khi những hạt nắng khốc khô ...
đỏ mắt đợi giao mùa .
Những chiếc lá trên cành cong queo vì cháy nám
Cả mảng lớn không gian  oi nồng và ngột ngạt
Thì chiều - sáng ...hoặc ban trưa  một chút gió vẫn chưa vừa ...

Nhưng ...
khi từng góc phố ... con đường khao khát đợi mưa
Thì trên một góc nhỏ mái hiên nhà đang đóng kín cửa kia ...
Đêm nguyện cầu điều ngược lại .
Trong khoảng ánh sáng cố giãn ra từ ánh đèn đường vàng vọt cháy
Chỉ cần một ít gió nhẹ lùa ...
giấc ngủ đã bình yên . 



Rồi ...
Khi những giọt nước mát buông mình
tưới mùa hạ ướt nhem
Thì từ trong bóng tối xanh xao ...
Lóp ngóp đống chăn mền - lạnh ngắt đôi vai ...
Có những chiếc bóng gầy gò đang cố thu mình thật gọn
Có những cặp mắt quầng thâm sau một đêm dài thức trọn ...
Che chắn nỗi buồn ...
Buông thỏng hơn thua ...

Và khi ngoài kia ...những đám ruộng xanh non đơm trĩu hạt ...
hẹn cho mùa ...
Thì những đám mây xám trên cao sẽ đổ tràn niềm hoan hỉ
Nhưng mấy ai biết được từ phía bên trái của cuộc đời
vẫn còn điều nghịch lý .
Rằng lại có những con người luôn dè dặt thì thầm cho một điều ước :
" Giá đừng mưa ...!? "

                                               (Viết tặng những mảnh đời cơ nhỡ ) 

                                                                                 Huỳnh Gia
                                                                                 09/05/2012 


READ MORE - ĐIỀU NGHỊCH LÝ TRONG MƯA - Thơ Huỳnh Gia

NHÂN CÁI CHẾT CỦA NGUYỄN THỊ GIÁO- NHỚ CHẾ LAN VIÊN - Thơ Nguyễn Khôi



Tác giả Nguyễn Khôi. Sinh 1938.
Quê: Phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Đ/c: 39/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng - Hà Nội. 



NHÂN CÁI CHẾT CỦA NGUYỄN THỊ GIÁO 

- NHỚ CHẾ LAN VIÊN

"Tôi đến Nha Trang ngắm trời bể đẹp
Có hay đâu hang Pắc Bó gió lùa" (2)


Tài hoa Thơ như Chế
bị "vợ yêu" phụ tình
Tấm lòng như trời bể
Chẳng lấp đầy trôn kim.

Thơ hay là gì nhỉ ?
Chẳng xao xuyến con tim
Thơ anh ở Pắc Bó
Chảy tràn suối Lê Nin...

Tay cầm cành Phong Lan
Gửi hương vào cho gió
Chết đứng ở Nha Trang
Điêu Tàn cả nỗi nhớ.
           Nguyễn Khôi
         Hà Nội 7-7-2015        
-----
(1) Kiều nữ Đà Nẵng Nguyễn Th
 Giáo phải vượt bao sóng gió mới kết hôn được với Thi sĩ Chàm (tháng 9/1943 ở tuổi 23/18),15 năm hạnh phúc với 3 mặt con (2 trai &1 gái). Năm 1958 Chế Lan Viên sang Trung Quốc chữa bệnh, ở nhà vợ đi theo làm vợ người khác... sau khi ly dị về, Chế làm bài tứ tuyệt :

Đến chỗ đông người anh biệt em
Quay đi thôi chớ để anh nhìn
Mày em trăng mới in ngần thật
Cắt đứt lòng anh trăng của em.
Bà Nguyễn Thị Giáo vừa mất ngày 3-6-2015 thọ 91 tuổi.
(2) Trích "Người thay đổi đời tôi/ Người thay đổi thơ tôi" ca ngợi chủ tịch Hồ Chí Minh.

              
READ MORE - NHÂN CÁI CHẾT CỦA NGUYỄN THỊ GIÁO- NHỚ CHẾ LAN VIÊN - Thơ Nguyễn Khôi

BIỂN ĐỘNG - Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thúy Ngân


                

                         BIỂN ĐỘNG

                                     Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thúy Ngân


       Tiếng chuông đổ mấy hồi ngập ngừng rồi dừng hẳn. Chị đang bận tay với nồi canh trên bếp không kịp bắt máy, hơn nữa số máy gọi đến lạ hoắc lạ hươ, chị nghĩ có lẽ ai nhầm máy rồi quên luôn. Bữa cơm tối mới dọn dẹp xong, cả nhà đang ngồi trò chuyện, xem tivi, thì chuông điện thoại lại reo:

- A-lô, cho hỏi chị có phải là  Ngọc Lan không? - đầu dây bên kia hỏi.

- Vâng tôi đây, xin hỏi cô là ai, hỏi tôi có việc gì vậy? Chị trả lời và hỏi lại, giọng ngạc nhiên.

- Tôi là Xuân Mai vợ anh Quốc Đạt. Cho hỏi anh Đạt có ở đấy không chị? Người đàn bà bên kia hỏi tiếp.

- Nhà tôi cũng tên Đạt nhưng vợ ông ấy tên Lan chứ không phải nàng Xuân Mai nào đó, có lẽ cô nhầm với Đạt nào chăng? Chị ngạc nhiên thật sự.

- À, thế đúng rồi. Chồng tôi hiện tại là người cũ của chị. Nhờ chị chuyển máy giúp tôi tới anh ấy được không? - Người đàn bà yêu cầu.

- Này cô, cô đừng có đùa kiểu đó nha. – Chị bắt đầu bực mình gằn lên rồi cầm máy đi ra chỗ khác vì không muốn chồng và các con nghe được cuộc đối thoại. Chị lẩm bẩm: “ Toàn là đồ nhàn vi bất thiện’.

- Tôi không đùa - Tiếng bên kia khẳng định nói tiếp luôn: “ Chồng tôi dạo này hay lấy lý do công chuyện để đi nhiều hơn. Như hôm nay, anh ấy nói là: “con gái anh ấy có việc gấp cần giúp đỡ”. Tôi nghĩ anh ấy về bên chị nên hỏi thăm chừng.

- Cô đùa thế đủ rồi đấy. Cho cô biết vợ chồng tôi chưa hề chia tay, nên không có chuyện người cũ và mới - Chị trả lời rồi quay đầu nhìn chồng đang ngồi xem ti vi với chị em con Hồ Điệp. Lòng chợt thấy bất an. Không lẽ chồng chị có người đàn bà khác sao? Anh vẫn thường xuyên có mặt tại nhà những lúc cần thiết. Mặc dù việc ở công ty luôn bận rộn với những chuyến công tác đôi ba ngày.  Công việc làm ăn mà. Chị thấy trước mắt gợn lên một đám mây mù, một mối nghi hoặc bắt đầu hình thành. Phải có gì đó thì người đàn bà khuất mặt kia mới gọi một cách công khai như vậy chứ. Chị xuống giọng thăm dò:

- Cô nói là vợ ông Đạt. Vậy hai người sống với nhau lâu chưa, có mấy con rồi.

- Chúng tôi sống chung hơn một năm nay, hiện tại tôi đang có thai ba tháng – Bên kia trả lời.

- Cô nói thật à? thế thì cô lầm với ông Đạt nhà tôi rồi – Chị không tin.

- Anh Đạt đến với tôi đã lâu và đã ly dị. Tôi chỉ biết lý do anh ấy nói là không còn thương chị nữa, hai người bất đồng quan điểm nên không thể sống chung với nhau - thế thôi. Tôi mà biết được anh Đạt có người đàn bà khác là không xong với tôi đâu. Cả chị nữa, léng phéng với chồng tôi thì đừng trách - Người đàn bà tên Mai lên giọng đanh đá dằn trước.

- Ồ, thật là hy hữu! Chị nhếch mép cười mỉa mai. Nếu đúng như cô nói thì cô bị lừa rồi. Cô chắc còn trẻ,  còn nhiều cơ hội, thôi cô buông ông Đạt ra đi. Tôi cũng không hiền đâu nha – Chị giả giọng hù đối phương.

- Có chị buông chồng tôi ra thì có. Chúng tôi đang sống rất hạnh phúc nhá. Anh Đạt rất yêu chiều tôi. Anh ấy còn nói chán sống với người đàn bà cổ lỗ sĩ như chị, lại già cả hom hem.  Hơn nữa anh ấy rất mạnh mẽ cái khoản làm tình...Tôi chết mê chết mệt anh ấy nên không thể để anh ấy cho người đàn bà nào khác, kể cả chị… - Cô ta nói huỵch toẹt  trơ trẽn giọng đầy ghen tuông. Chị nghe mà thấy như mình đang làm điều khuất tất chứ không phải cô ta.

- Hả, cái gì…? -  Chị há hốc miệng nói lắp bắp, mắt tròn mắt dẹt lật đật tắt máy điện thoại  nhìn nó trân trối. Mặt  đỏ bừng giận dữ.

       Sau cuộc điện đàm chị thất thần vào phòng nằm vật xuống giường. Chuyện gì thế này – Có đúng là chồng chị không hay ai đó trêu đùa, hoặc nhầm nhỉ?  Ông ấy đâu còn trẻ mà đèo bòng trai gái. Hơn nữa các con cũng đã lớn, trước khi làm chuyện gì chị tin là ông ấy phải suy nghĩ kỹ chứ. Hay là đúng rồi -  không lẽ người đàn bà kia tự dưng dựng chuyện lên nói chuyện động trời. Riêng chuyện tình cảm thì chị hiểu ông ấy nhất. Dù đã có tuổi nhưng ông ấy vẫn là người mạnh mẽ. Đôi khi ông ấy cũng quên luôn chị là người đàn bà đã đứng bên kia dốc. Trong ông vẫn hừng hực lửa tình. Chị vẫn bình thường về thể xác, nhưng chị không thể đáp ứng cho chồng như hồi xuân trẻ. Mặc dù chính chị cũng thấy như cầu gần gũi là chính đáng. Khúc mắc chính là tuổi tác càng cao tâm  lý thay đổi và sinh lý suy giảm. Lại thêm chị thấy có tuổi rồi mà chung đụng cứ thấy kỳ kỳ thế nào ấy. Chị đem thắc mắc hỏi bác sỹ chuyên khoa, hay mấy bà bạn cùng lứa, chị đọc thêm cả các sách báo để tìm hiểu nguyên nhân hiện tượng tiền mãn kinh của phụ nữ. Chị được biết ai cũng có những tâm trạng như vậy ít hoặc nhiều. Bác sỹ khuyên nên dùng những biện pháp hỗ trợ như gen hoặc thuốc hóc môn thay thế. Mặt khác cũng nên trao đổi thẳng thắn với bạn đời để cùng cảm thông chia sẻ. Ông ấy hiểu điều đó và xử sự rất nhẹ nhàng. Xong đôi khi cao trào ông ấy quên luôn làm chị đau đến tái tê, rát buốt. Chị cắn răng chiều chồng cho xong. Mà đôi lúc chị từ chối thẳng thừng làm ông ấy quay đi bực dọc, giận dỗi.  Thôi đúng rồi, chắc chắn đây là mấu chốt sự việc. Chị ngồi bật đậy định ra phòng khách hỏi chồng cho ra lẽ. Bước ra khỏi phòng chị  khựng lại - ông ấy đang ngồi nói chuyện với chị em con Hồ Điệp và thằng Trúc Linh. Mình hỏi không khéo biết đâu làm ông ấy bẽ mặt trước con cái, mà mình lại mang tiếng ghen tuông hồ đồ. Chị quay lại giường ngồi với cái đầu ngổn ngang bao câu hỏi nghi ngờ, thất vọng…Còn người đàn bà kia lớn, nhỏ, học hành tới đâu mà ăn nói đầy trơ trẽn như thế?  - “ Mà nếu ông Đạt thật sự có người đàn bà khác bên ngoài  thì ta giải quyết thế nào đây? Tha thứ hay ly dị - Ly dị hay tha thứ. Gia đình bao năm nay công chị vun vén đến đây tan đàn sẻ nghé sao hả trời…” Chị nhắc đi nhắc lại câu trên. Chị không thể hiểu nổi chuyện gì đang diễn ra. Chị miên man nghĩ không nghe bước chân chồng vào  phòng.  Thấy chị nằm  chăm chăm nhìn cái quạt trần đang quay tít mù: “ Em mệt à” – Chồng chị hỏi.  Chị chỉ “Ừ” một tiếng rồi xích sát tường, quay mặt không nói thêm lời nào. Giấc ngủ mộng mị tràn vào.

***

    Quán café buổi sáng chúa nhật đông vui hơn mọi ngày. Trong khi chờ bạn tới chị chú ý cuộc trò chuyện sôi nổi của mấy cô tuổi khoảng 30 -35 bàn kế bên. Các cô ăn mặc khá modern. Cô mặc áo đầm  xanh hỏi.

- Ê Hằng,  tuần này mày có gặp ông ta không? Tình hình ổn chứ?

- Có, Tao với ông ấy gặp nhau cơm bữa – Cô tên Hằng trả lời, hỏi lại luôn: “ Mày thấy ông ấy thế nào…”?

- Ông ta già thấy mồ, tụi mày đi như hai cha con. Mày mới có hơn ba chục mà kết ông ta làm gì. Ông ấy cũng ngót ngét sáu mươi mùa thu qua chứ không ít?  Hay tại ông ta có tiền, hay tại cái khoản tình tang đắm đuối  không dứt ra được?  – Cô áo xanh nói, cộng thêm lời của các cô cùng bàn chen vào: “Tao cũng thấy thế mày à, nhìn hàm răng giả của ông ta mà tao thấy ghê ghê làm sao? Có khi nào tụi mày “hun” nhau nó rớt ra bất tử không? Chưa dứt lời  mấy cô nhìn nhau cùng cười hô hố.

- Vì tất cả. Này nhé, ông ấy vừa có tiền lại giàu tình, biết chiều chuộng phụ nữ. Yêu mấy ông già mình mới thấy bé nhỏ và đáng yêu, chứ mấy cha sàng sàng như tụi mình chán lắm. Mấy cha đó thấy con gái đẹp mắt cứ chớp chớp như đèn pha ô tô. Thằng chồng cũ tao là một minh chứng cụ thể - Tiếng cô Hằng.

- Chồng mày thì tao không có ý kiến. Thứ mê gái như anh ta vào tay tao ha, tao chặt phức cái cây hai cho chó ăn, cho chừa… Nhưng cái ông kia còn có gia đình vợ con. Tao thấy mày không nên xen vào. Biết đâu ông kia cũng chỉ quen với mày chỉ để giải quyết bầu tâm sự.

- Không có chuyện đó đâu. Ông ấy nói yêu tao nhiều lắm. Vợ chồng ly dị rồi mà. Tao kết ông ta vì yêu một phần, một phần được ông ấy giúp đỡ tài chính mẹ con tao đỡ lo. Điều quan trọng là ông ta làm tình rất tuyệt vời. Cứ mỗi lần cùng ông ấy là tao quên hết trời đất…hì..hì… – Cô tên Hằng cười trả lời bạn giọng oang oang với nét mặt vừa thỏa mãn vừa tư lự. Chị quay phắt sang nhìn họ: “ Trời ơi, ăn với nói ”. Cả mấy người đàn ông ngồi gần đó cũng quay sang nhìn lại còn mỉm cười đồng lõa. Có ông còn lên tiếng cợt nhả: “ Em ơi! Chịu anh đi, anh sẽ cho em  sướng lên chín tầng mây”. Chị cúi ngằm mặt khi nghe được cuộc đối thoại của đám người bàn bên và chị nhớ lại lời nói của người đàn bà bí ẩn hôm trước. Nỗi đau như một mụt nhọt mới cương nhức nhối, nỗi buồn dâng lên mắt chị ươn ướt. Chị dợm đứng lên ra về rồi sực nhớ ra bạn chưa tới. Chị lại ngồi xuống ghế nghĩ ngợi: “Cô ta nói sao mà giống người đàn bà kia thế nhỉ?”. Chuyện thầm kín mà cứ nói bô bô như chỗ không người mà tưởng hay lắm lại còn đem ra khoe. Còn cái ông nào đó… chị liên tưởng đến chồng chị. Đàn ông họ có giống nhau không? Có..có.. ôi! Sao mà rắc rối khiếp thế…”.  Sau câu đùa khiếm nhã của người đàn ông lạ thì mấy cô bàn bên  chuyển tông sang hướng khác bắt buộc chị nghe tiếp…

- Còn chuyện của mày giải quyết đến đâu rồi? Tòa xử phúc thẩm thế nào? Mày trả cho tiền cho người ta chưa hay đợi tòa xử lần tới nữa – Cô khác trong đám hỏi thăm.

- Tòa chưa có phán quyết chính thức. Theo án sơ thẩm, tòa tuyên con em tao 13 năm tù giam can tội: “ Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân” Án phí bên tao thua phải đóng hơn 6o triệu đồng. Tiền mượn của mọi người sau khi trừ lãi vào gốc không lớn lắm chỉ còn khoảng hơn 1tỷ gì đó.  Con em tao trả giá trong tù rồi thì còn khuya mới lấy lại được – Cô trả lời có búi tóc cột cao trên đỉnh đầu. Hai gò má nhô lên lấm tấm vết tàn nhang và đôi mắt được kẻ chì đen đậm. Nhìn chẳng hiền lành gì.

-  Tao có xem phiên xử sơ thẩm. Tao thấy tội cái bà già cho chị em mày mượn tiền quá. Số tiền đó không lớn lắm nhưng bà ấy cũng chắt chiu bằng đồng lương. Tháng góp năm, ba trăm chơi đầu huê mới hốt tất toán xong được mấy chục để lo mổ u. Con em mày mượn được hai tháng thì bể. Con bà ấy bị tai nạn xe gãy tay, rồi tiếp đến đứa con gái đẻ sót nhau cấp cứu. Bà già nói con em mày đưa đỡ vài triệu để trả viện phí mà chị em này không đưa. Tao thấy thất đức lắm nha mày – Một cô khác tham gia câu chuyện.

- Thôi đi mày, đừng có đạo đức giả. Ai biểu con mẹ đó kiện cáo chi. Tao nói đợi khi nào tao bán được đất thì tao trả chứ tao có giựt đâu – Cô búi tóc gắt gỏng.

- Nhưng từ đó đến nay hơn hai năm rồi mày có  trả cho họ đồng nào đâu. Trong khi gia đình người ta gặp hoạn nạn, người ta đi lấy tiền lại chứ có xin xỏ gì mày. Mày phải đưa cho người ta chút ít chứ sao con mắng mỏ họ. Còn đợi, thì đợi  đến bao giờ mày mới bán được đất. Đất chị em mày mua, khai là mua phải đất nằm trong quy hoạch. Đầu tư vào trồng cây, cây cũng chết ráo trọi. Vậy là huề cả làng. Không có tiền mà đòi làm giàu bằng vốn của người khác, lại không có kế hoạch làm ăn cụ thể thì lỗ là phải rồi – Cô kia phân tích phải trái.

- Này bà, bà có câm đi không hay để tui táng cho bà vài cái bạt tai. Bạn bè như bà mất lòng quá. Ừ, thì thất đức đã sao, miễn có tiền xài cho sướng cái thân đã. Ai biểu tụi kia ngu  ham lời chi – Cô búi tóc nói hậm hực.

- Mày trả cho họ có 1,5% / tháng rồi tăng dần  từng thời điểm  theo lãi ngân hàng và tùy theo từng lúc chị em mày cần vốn. Lãi cao nhất là 4% /tháng . Lãi chênh lệch với ngân hàng đâu là bao nhiêu, hơn 1 đến 2%/ tháng chứ nhiêu. ( Lãi ngân hàng cho vay thời điểm đó là 2.15% / tháng. Các chỗ cấm thế tư nhân là 2.5%/tháng ) Mà chị em mày không phải thế chấp bất kỳ một món tài sản nào. Quá dễ, nên mới huy động của bạn bè đồng nghiệp tổng số tiền lên hơn 4 tỷ chứ ít ỏi gì. Chị em mày bỏ tiền mướn luật sư bào chữa cho con em, sao không lấy tiền đó trả chọ họ có tốt hơn không? Theo tao, nếu chị em mày có thiện chí khắc phục hậu quả thì có lẽ chẳng ai kiện cáo gì đâu. Tham quá nên mới mang tội lừa đảo. Chị em mày nghĩ lại đi… – Cô bạn nói luôn một hơi, không đồng tình cách làm ăn của cô búi tóc.

-  Không cần mày dạy đời. Đồ ăn cháo đái bát, mày cũng tốt đẹp lắm hả…? – Cô búi tóc giận dữ chửi bạn thẳng thừng, nạt luôn: “ Thôi về, mất cả hứng”. Cô ta xô ghế cái “ Rầm” đứng dậy bỏ đi. Mấy cô còn lại nhìn nhau lúng túng buông lời trách móc cô kia làm mất vui buổi sáng. Tiếng cãi cự, thanh minh một hồi  rồi  họ thanh toán tiền kéo nhau mất hút.


    Đám đàn bà sồn sồn đi rồi chị ngồi ngẩn ngơ than: “ Tội nghiệp cho người phụ nữ nào đó gặp lúc khó khăn. Không biết gia đình chị ấy bây giờ thế nào? Hy vọng mọi việc tốt đẹp?  Thôi mong chị cứ xem đó là một bài học và coi như của đi thay người. Còn mấy người đồng nghiệp của cô em kia sao lại tin tưởng đến thế. Tiền.Tiền chỉ là phương tiện phục vụ đời sống chứ biến nó thành kẻ sai khiến thì hậu quả khôn lường. Một niềm hy vọng lóe lên trong đầu chị, 13 năm tù thời gian không phải ngắn để trả giá cho những toan tính bất minh của mình.  “Đúng là không có cái dại nào giống cái dại nào. Tình – Tiền đảo điên thật!” -  Chị nói một mình rồi thở hắt ra, đứng dậy, uể oải ra về quên luôn chờ bạn.

           Buổi sáng chủ nhật trời đầy mây, u ám…

                                                                                  THÚY NGÂN

Đ/C: 39/46 Từ Văn Tư – Phú Trinh – Phân Thiết – Bình Thuận 
ĐT:    0917 137 333.   Email: nganthuybt@yahoo.com.vn

READ MORE - BIỂN ĐỘNG - Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thúy Ngân

THẦY VÀ NGÔI TRƯỜNG CŨ - Lê Văn Trạch

Lê Văn Trạch
THẦY VÀ NGÔI TRƯỜNG CŨ
   
     Anh Phạm Phú Nam, người trực tiếp làm bộ phim Quảng Trị qua một giai đoạn lịch sử có lần tâm sự: Trong quá trình xúc tiến để hình thành bộ phim, tôi đọc một số tài liệu và hỏi chuyện nhiều người Quảng Trị, có điều tôi ghi nhận và thắc mắc là hầu hết khi trình bày tâm tư của mình theo từng vị trí khác nhau, mọi người đều nhắc đến tên Trường Nguyễn Hoàng, ngay Anh cũng thế, có những câu hỏi không liên quan, Anh đã tìm cách nói tới bằng tất cả sự thiết tha, điều gì đã làm nên sự kiện này?

    Tôi không trả lời mà hỏi lại:

-   Khi đọc tư liệu, chắc anh đã biết đến sự thành công của người Quảng Trị?

-   Có và tôi thật ngạc nhiên. Sự thành công nằm trên mọi lãnh vực, từ khoa học, văn học nghệ thuật, tôn giáo đến chính trị, quân sự ... có vị rất nổi tiếng trên thế giới.

-  Một thầy giáo ở ngoại tỉnh, khi đến đây dạy đã viết rằng... 
Nguyễn Hoàng của Quảng Trị như là Sorbone của Pháp, Harvard của Mỹ và Oxford của Anh ... Quả như thế, nhưng ngoài việc trao truyền và tiếp nhận kiến thức tổng quát về khoa học- xã hội, chúng tôi còn được dạy dỗ để khơi dậy những đức tính hiếm có mà hồn thiêng sông núi bao đời hun đúc, đó là tính cởi mở, bao dung, sự thương yêu đùm bọc và nhân ái, ân nghĩa. Những điều ấy tiềm tàng trong máu thịt chúng tôi và biểu lộ rõ nét qua mọi ứng xử.

Thực tế là vậy, chẳng có gì cường điệu, đặc biệt sau này khi TX Quảng Trị tan nát và Trường NH cũng tan theo rồi mất luôn tên thì tinh thần ấy càng được thể hiện một cách rõ nét. Những cánh chim lạc đàn đã kết nối rồi cùng nhau đứng lên, khơi dậy ngọn lửa trong tim mình - tim bạn; soi rọi mọi ngõ ngách để tìm về với nhau, chẳng bao lâu hình thành sự liên kết gắn bó - không chỉ ở những tỉnh thành trong nước hay các tiểu bang ở Mỹ - mà là cả một cộng đồng Nguyễn Hoàng thế giới.

    Một người xuất thân ở thế hệ đầu tiên, sau này là Giáo sư của trường, luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục cho con em Quảng Trị và tình thầy bạn cũ. Sau chiến tranh, sớm đứng ra kêu gọi: từ cuộc gặp gỡ bỏ túi, chuyển thành những cụm Nguyễn Hoàng nho nhỏ trong nước. Đến giữa thập niên 1990, khi ra nước ngoài, Thầy đã năng động đi đây đi đó, tổ chức Hội Đồng Hương Quảng Trị, bên cạnh là những nhóm thân hữu Nguyễn Hoàng. Trong mọi sinh hoạt từ hội ngộ đến báo chí cả trong và ngoài nước, Thầy đều giữ vai trò hỗ trợ trọng yếu, chả thế mà một cựu nữ sinh đã ví von theo ngôn ngữ Hollywood: "Có những sự kiện của Nguyễn Hoàng, đôi khi Thầy vừa viết kịch bản, đạo diễn, kiêm luôn người tài trợ!" Đó chính là vị cựu giáo sư của Trường Trung Học Nguyễn Hoàng - Quảng Trị: Thầy Lê Hữu Thăng.
                           
    Thầy Lê Hữu Thăng dạy tôi trong những năm Đệ Lục, Đệ Ngũ ở trường quận. Với đôi mắt của đám học trò nhà quê, hình ảnh Thầy thật lớn lao, sáng ngời … Chúng tôi "ngắm" Thầy từ mái tóc, y phục đến dáng nét… Giờ học của Thầy lúc nào cũng sôi nổi với lời giảng sang sảng; với những câu chuyện lôi cuốn, hấp dẫn!

    Thuở học trò, thời Trung học Đệ Nhất cấp là thời kỳ bánh tẻ, trái tim vừa tròn để biểu hiện mọi cảm xúc và trí não đang vô tư để thấy những gì chung quanh đều phơi phới. Tất cả hòa quyện lại và dang rộng ra tiếp nhận mọi thứ một cách tự nhiên, không đắn đo cân nhắc. Chính vì thế, giai đoạn này là giai đoạn học sinh ảnh hưởng từ Thầy Cô rất lớn - nhất là một ngôi trường nhỏ, chỉ có mấy lớp. Sĩ số lớp tôi chưa tới 30 học sinh nên Tình Thầy Trò gần gũi, chan hòa, cởi mở, sự ảnh hưởng tác động này khi vào đời mới thấy rõ, đôi khi đi theo suốt cả quãng đời còn lại của đứa học trò ngày xưa.

    Năm 1963 lúc tôi về Nguyễn Hoàng, Thầy đang ở trong quân đội,  rồi nghe Thầy giải ngũ và về dạy lại trường xưa, từ đó không biết tin gì về Thầy nữa, ngay cả những lúc ở cùng thành phố Đà Nẵng trong thời gian phố xưa Quảng Trị đã thành bình địa.

    Thời điểm Thầy trở lại Nguyễn Hoàng là lúc Trường đã đang trên đà phát triển mạnh về cơ sở cũng như số lượng học sinh và giáo sư. Đến năm 1966 Trường đã có 60 lớp với hơn 3.000 học sinh cùng đội ngũ thầy, cô giáo và nhân viên trên 100 người. Quảng Trị là một địa danh không bình an nên với những vị ở xa được bổ nhiệm đến, ai cũng lo lắng mọi bất trắc có thể xảy ra. Thầy là người luôn động viên, tìm mọi cách tạo điều kiện thoải mái về tinh thần cũng như vật chất. Trong một lần gặp mặt gần đây, Thầy Đỗ Trinh Huệ đã bộc bạch: “Nói chuyện ân nghĩa thì vô cùng, nhưng anh Thăng là người se duyên cho vợ chồng tôi, thậm chí lúc sinh con đầu lòng, Anh là người đưa vợ tôi vào bệnh viện!”.

    Chiến tranh ngày càng khốc liệt, toàn bộ quận Trung Lương và Gio Linh phải di tản, dân chúng được đưa vào trại tạm cư tại Cam Lộ, Tích Tường,  Như Lệ... tình trạng học sinh rất bi đát. Để phần nào giúp đỡ giải quyết khó khăn này, Thầy tìm hiểu hoàn cảnh những học sinh Đệ Nhị Cấp đưa về nhà ăn ở hoặc cung cấp tiền thanh toán chi phí tại quán cơm xã hội, mỗi năm có từ 8 đến 10 học sinh được Thầy quan tâm. Thầy nói “Tui giúp mấy đứa nam sinh nghèo ăn học để ít nhất các em cũng kiếm được cái bằng tú tài 1. Nếu có chí các em học tiếp thì tốt; hoặc giả có đăng lính cũng được mang lon sĩ quan cho đỡ khổ”. Kết quả là một số học sinh nghèo được thầy giúp đỡ ngày ấy đã thành tài. Sau nầy, thỉnh thoảng những người thành đạt ấy đã tìm đến thăm Thầy. Họ nhắc lại chuyện xưa và bày tỏ lòng tri ân, bởi theo họ, những ngày tháng được Thầy cưu mang như là một đầu cầu, một điểm tựa cho đòn bẫy vào đời.

    Ngoài chức năng Giáo sư, Thầy còn là thành viên nòng cốt của Hội Hồng Thập Tự Quảng Trị, tổ chức này ra đời vào tháng 7 năm 1967, được sự nhiệt tình tham gia của nhiều Thầy Cô giáo và học sinh các trường Trung học, tích cực chia sẻ những khó khăn của đồng bào trong tai ương hoạn nạn.

    Những tưởng cuộc sống êm trôi như thế với người dân chân chất, hiền hòa, nhưng sự kiện Mùa Hè 1972 đảo lộn tất cả! Dân Quảng Trị phải xuôi Nam tạm cư tại Đà Nẵng. Bên cạnh muôn vàn khốn khó của dân chúng, việc học cũng là vấn nạn cho những người có trách nhiệm. Chỉ sau hai tháng, ngoài việc tái lập lại trường Nguyễn Hoàng của Ty Giáo Dục tại Non Nước. Với chức năng là đại diện Hội Hồng Thập Tự/Vùng I, lúc bấy giờ Thầy Lê Hữu Thăng đã vận động tổ chức Tin Lành Việt Nam thành lập trường Trung học Hiền Lương Nghĩa Thục gồm hai Trung tâm Non Nước và Hòa Khánh do Thầy Thái Mộng Hùng làm Hiệu trưởng, sau này Thầy Nguyễn Ngọc Bôi thay thế. Đây là mô hình trường Tư thục (gồm học sinh các trường Thánh Tâm, Bồ Đề, Phước Môn), nhưng miễn học phí. Để hổ trợ và điều hành trường Hiền Lương Nghĩa Thục và công việc xã hội, một số Thầy Cô giáo Quảng Trị thành lập Đoàn Giáo Chức Công Tác Xã Hội Quảng Trị.

    Tháng 3 năm 1974, cùng theo đồng bào hồi cư, các trung tâm này được chuyển ra Hải Lăng, đặt cơ sở tại Bến Đá. Những chương trình giáo dục và xã hội được tiến hành tốt đẹp và phù hợp với cuộc sống của bà con, nhưng đến tháng 3 năm 1975, theo vận nước, trường Nguyễn Hoàng và trường Hiền Lương Nghĩa Thục đều bị xóa tên.

        Sau gần 20 năm, các cựu học sinh Nguyễn Hoàng đã tìm đến nhau như một nhu cầu bức thiết về tinh thần; về kỷ niệm một thời tuổi trẻ và về Quảng Trị thân yêu. Lúc đó Thầy Lê Hữu Thăng đang sinh sống tại Saigon. Thầy nhận trách nhiệm đứng ra vận động thành lập ban tổ chức buổi họp mặt Nguyễn Hoàng đầu tiên vào năm 1992 tại Saigon, quy tụ hơn 400 người, mỗi người một hoàn cảnh: Khó khăn, nhếch nhác, mọi khuôn mặt đều đậm nét phong sương, nhưng vẫn còn nụ cười, ánh mắt năm xưa với bao niềm xúc động. Cuộc hội ngộ này đánh dấu mốc quan trọng để cùng nhau nhóm lên ngọn lửa Nguyễn Hoàng, từ đó những lần họp mặt được tiếp tục và tình hình đã thuận lợi để thành lập Ban Liên Lạc. Quý Thầy Cô và Anh Chị Em Cựu Học sinh đã kiện toàn tổ chức và có những hoạt động tương thân tương ái ... Đây cũng là thời điểm chính phủ Hoa Kỳ có chính sách di dân rộng rãi với nhiều đối tượng, một số thành viên Nguyễn Hoàng đã lên đường theo đoàn người này.

    Phần tôi, khi đất nước quay cuồng trong khốc liệt chiến tranh và những biến động của lịch sử, tôi tưởng chừng như sẽ không còn liên lạc được với ai nữa. Những năm đầu thập niên 1990 trong lam lũ cơ cực nơi quê nhà, bằng cách nào đó Lê Ngọc Giao đã tìm ra tôi, lúc đó anh đang ở Thanh Đa (Saigon). Anh là cánh cửa mở ra cho tôi tiếp xúc với thế giới bên ngoài và trong vô số tin tức chuyển đến có tin về Thầy, tôi thật vô cùng sung sướng.

    Năm 1994, lúc vào Saigon làm thủ tục xuất cảnh tôi đi tìm Thầy thì Thầy đã qua Mỹ. Năm sau tôi cũng tiếp bước. Ở môi trường mới với biết bao khó khăn, lạ lẫm, ai cũng tìm đủ phương cách để sớm hội nhập nên chưa có thời gian để tìm kiếm người thân quen.

    Rồi thời gain cũng qua đi. Khi mọi người phần nào đã hòa nhập với sinh hoạt ở đất tạm dung thì tôi cũng liên lạc được với Thầy, chúng tôi đều rất hạnh phúc. Tôi nhắc lại những kỷ niệm thời làm học trò trường Quận ngày nào; xúc động thay Thầy còn nhớ một số khuôn mặt học trò trong lớp ngày ấy.

    Nơi đất khách, ngọn lửa tim của người năng nổ trong sinh hoạt Hồng Thập Tự Quảng Trị ngày nào lại bùng cháy. Thầy liên lạc, kết nối vận động thành lập Hội Đồng Hương Quảng Trị ở một số tiểu bang và những nhóm Thân Hữu Nguyễn Hoàng. Để công việc này phổ biến, năm 1997, Thầy cùng với Anh Chị Em Nguyễn Hoàng Quảng Trị tại Colorado phát hành Đặc san Hương Quê, nhờ đó rất nhiều người tìm đến được với nhau.

    Thấy được nhu cầu cần thiết trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa Quảng Trị nơi xứ người - đặc biệt đối với thế hệ trẻ muốn tìm hiểu về cội nguồn của mình, Thầy khởi xướng và có sự phối hợp của Ban Điều Hành các Hội Đồng Hương, thống nhất cho ra tập Kỷ Yếu Quảng Trị. Bằng uy tín và sự quen biết tin cậy, Thầy vận động được nhiều nhà biên khảo, nghiên cứu, nhà văn, thơ trong cũng như ngoài tỉnh cộng tác.

    Sau một năm chuẩn bị, vào tháng 4 năm 2000, tập sách được ra mắt tại Philadelphia, xem đây như là một tập hợp cơ bản về lịch sử, địa lý, con người và những thành tựu của họ cùng những tai ương mất mát người Quảng Trị phải gánh chịu trong quá trình hình thành phát triển. Kỷ Yếu Quảng Trị đã trở thành kho tài liệu để mọi người tra cứu. Trong tâm ý, nghĩ đến một tác phẩm hoành tráng để đời, Thầy chăm sóc với phương cách tốt đẹp nhất cả nội dung lẫn hình thức mặc dầu phải chịu chi phí in ấn khá cao.

    Sau thành công của tập sách này, thấy được giá trị của việc phổ cập văn hóa và giao lưu tình cảm, Thầy nảy ra ý định phát hành Kỷ Yếu Nguyễn Hoàng. Một Ban Biên Tập được thành lập gồm những học sinh có tâm huyết và khả năng viết đang sống rải rác trên nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ. Công việc đang tiến hành tốt đẹp thì xảy ra một số ý kiến mâu thuẫn trong điều hành và cấu trúc, nhưng cuối cùng tập sách cũng hoàn tất và được ra mắt tại Nam - Cali vào ngày 29 tháng 12 năm 2002, đây cũng là lần họp mặt Nguyễn Hoàng đầu tiên tại Hoa Kỳ.

    Mặc dầu gặp khó khăn nhiều mặt trong lúc tiến hành hai tập Kỷ Yếu vừa rồi, Thầy không nản chí, mệt mỏi và nghiệm ra rằng những tư liệu và kỷ niệm của hai tập sách chuyển tải chỉ gói gọn trong đặc trưng của nó. Vốn là người có nhiều hoài bão, pha chút lãng mạn và đam mê báo chí, Thầy vận động cho ra Tạp chí Thạch Hãn, chuyên về văn nghệ, biên khảo với thành phần chủ chốt cũng là những cây viết Nguyễn Hoàng. Tạp chí ra mắt vào ngày 2 tháng 4 năm 2004 tại Houston, do Hội Quảng Trị địa phương bảo trợ, mặc dầu chỉ ra hai số, nhưng được đồng hương và thân hữu nồng nhiệt ủng hộ. Tuy nhiên bên cạnh đó, Thầy đã gặp đôi điều tế nhị khó xử trong việc chọn lựa bài vở vốn do Ban Biên Tập quyết định: Đã có một bậc trưởng thượng buộc Thầy phải trả lại bản thảo trong vòng 24 giờ và một nữ lưu đã "hờn dỗi" khi tùy bút " Sương Khói Một Thời" không được đăng.

    Cũng thời điểm này, trong nước Ban Liên Lạc Nguyễn Hoàng tại thành phố Huế có sáng kiến tuyệt vời là sẽ phát hành tập sách Trường Nguyễn Hoàng - Chân Dung và Kỷ Niệm (NH-CD&KN) với dự kiến sẽ phát hành 10 số, do cựu học sinh Võ thị Quỳnh đảm trách. Một lần nữa, Thầy là người ủng hộ mạnh nhất về tinh thần và vật chất.
Sau khi tập 1 NH-CD&KN phát hành, với bài viết "Chim Xa Bầy Lạc Loài Kêu Sương" của Lê Đức Dục trên báo Tuổi Trẻ, tập sách đã được đông đảo cựu học sinh và Thầy Cô biết đến, tạo sự liên lạc mật thiết, đón nhận và cộng tác nồng nhiệt. Năm nào vợ chồng Thầy cũng về thăm quê, vì thế Thầy luôn là người chuyển một số lượng sách không nhỏ qua Mỹ. Thầy đã liên hệ với nhiều người ở các tiểu bang, có được sự hỗ trợ mạnh mẽ để nuôi dưỡng phát triển tập sách theo tâm nguyện ban đầu... Nhưng sau 4 số, có những ý kiến, thắc mắc với cách thức điều hành và quản lý. Tuy nhiên, theo giải thích của người biên tập, hoài bão của Võ Thị Quỳnh là sẽ thành lập Thư Quán Nguyễn Hoàng tại Quảng Trị như là điểm giao lưu và dừng chân của tất cả cựu học sinh khi có dịp trở về ... Đến giờ phút này thì tập sách đã vững chải để thẳng bước đến bến bờ mong đợi.
             
    Một sự kiện sinh hoạt văn hóa khác ít ai biết đến cũng trong năm 2005 là việc thành lập Hội Văn Học Nghệ Thuật Quảng Trị. Từ việc thao thức với văn hóa, văn nghệ tỉnh nhà, một nhóm cựu học sinh Nguyễn Hoàng đã cùng nhau thành lập Hội với mong muốn phục hưng những nét văn hóa đặc thù Quảng Trị - cụ thể qua con người với những đóng góp nhiều mặt cho xã hội. Hội dự định sẽ phát hành tập Kỷ Yếu Văn Học Nghệ Thuật Quảng Trị và năm 2008 sẽ ra mắt nhưng chuyện mới bắt đầu thì anh Lê Văn Khôi - người có sáng kiến thành lập qua đời - mọi kế hoạch phải bỏ dở.

    Đến đây chúng ta phải công nhận rằng thông tin báo chí giữ vai trò quan trọng trong mọi sinh hoạt Nguyễn Hoàng, đó là nơi để liên lạc, phổ biến, bày tỏ, nuôi dưỡng mối thâm tình đồng môn. Thấy được giá trị tiềm tàng ấy, năm 2008 Ban Liên Lạc Nguyễn Hoàng tại Huế đã cho phát hành ấn phẩm Nguyễn Hoàng với lời động viên của Thầy Lê Hữu Thăng: "Đặc San của Ban Liên Lạc chính thức đại diện cho tổ chức Nguyễn Hoàng tại Huế là phương tiện thông tin sinh hoạt, tương trợ giúp Thầy Cô và đồng môn", cũng là dịp để xóa mọi hiểu lầm từ trước. “Như vậy, trên mảnh đất Huế, Nguyễn Hoàng chúng ta sẽ có hai tập sách, ấn phẩm của Ban Biên Tập Cựu Học sinh Nguyễn Hoàng tại Huế và Trường Nguyễn Hoàng- Chân Dung và Kỷ niệm của cô Võ thị Quỳnh”. Qua ấn phẩm này, Ban Liên Lạc bày tỏ sự cảm thông: " ....chúng tôi nghĩ rằng việc song song tồn tại ấn phẩm của chúng tôi và tập sách của Võ thị Quỳnh chẳng có gì trở ngại, biết đâu trong vườn hoa có nhiều hoa thơm và cỏ lạ lại là điều đáng quý vậy ...".

    Nhưng tài hoa thì phận mỏng, cũng như Tạp chí Thạch Hãn và Kỷ Yếu Hội Văn Học Nghệ thuật Quảng Trị ở hải ngoại, ấn phẩm Nguyễn Hoàng chỉ ra được 2 số.

    Tôi có tất cả sách báo Nguyễn Hoàng phát hành trong 10 năm nay, phải công nhận ấn phẩm này có giá trị nỗi trội, cả cách trình bày lẫn nội dung bài vở, nghiêm túc và trang nhã, thơ văn được chọn kỹ lưỡng. Cũng như tập Hương Quê Nhà của Ban Liên Lạc Nguyễn Hoàng Saigon, xứng đáng là tờ báo tiêu biểu cho một Trung tâm Văn Hóa Giáo Dục (Trường Nguyễn Hoàng).

    Qua những lần hội ngộ, sinh hoạt báo chí cùng với sự bùng nổ thông tin, cộng đồng Nguyễn Hoàng thế giới thật gần gũi, gắn bó thêm ... Một tâm nguyện mà tất cả những cựu học sinh hải ngoại mong ước là sự có mặt của Thầy Hiệu trưởng Thái Mộng Hùng trong dịp hội ngộ, nhưng sau hai lần phỏng vấn, Thầy vẫn không đến được Mỹ và đến một ngày vào năm 2006, mọi người đều bàng hoàng khi hay tin Thầy bị tai nạn qua đời ... Thầy Lê Hữu Thăng đã cùng với Quý Thầy Cô và cựu học sinh đã lên một chương trình tang lễ rất chu đáo từ chi tiết kế hoạch tổ chức đến điếu văn và sắp xếp lễ viếng cho các đoàn từ nhiều nơi về Đà Nẵng và sau đó là xây lăng mộ.

    Một sự kiện khác biểu lộ rõ nét tấm lòng của mọi thành viên với tên Trường cũ: Ngày 18/10/2008, hội thảo cấp quốc gia về đề tài " Chúa Nguyễn và Vương Triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX”  được tổ chức tại Thanh Hóa. Nhiều sử gia, học giả đã đánh giá đúng mức công lao nhà Nguyễn mà khởi đầu là Chúa Nguyễn Hoàng: “Nhà Nguyễn đã để lại một di sản lớn lao nhất là một giang sơn đất nước trải rộng trên lãnh thổ thống nhất từ Bắc chí Nam, gần như tương ứng với lãnh thổ Việt Nam hiện đại, bao gồm cả đất liền và hải đảo trên biển Đông. Trên lãnh thổ đó là một di sản văn hóa đồ sộ bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể ".

     Sau đó trên tờ Tuổi Trẻ, nhà báo Lê Đức Dục đã có loạt bài mô tả cụ thể quá trình mở cõi của Chúa Nguyễn, rốt lại là bài "Sự Tưởng Niệm Lặng Lẽ " ghi những sinh hoạt của Cựu Học Sinh Nguyễn Hoàng với biết bao xúc động. "Danh thơm của người mở cõi dành cho ngôi trường được vinh dự mang tên, nhưng tên Trường nay cũng không còn". Bằng những sự kiện ấy, mọi người những tưởng cơ duyên đã đến. Thầy Lê Hữu Thăng mở ra một cuộc vận động để phục hồi tên Trường, Thầy Trần Kiêm Đoàn viết Bản Thỉnh Nguyện Thư chính thức, bên cạnh đó là thư của các học sinh mà dẫn đầu là các cựu nữ sinh, cá nhân cũng như tập thể. Trong thư dưới tiêu đề " Nguyễn Hoàng - Xin trả lại tên Trường", một cựu nữ sinh đã viết: “… Bởi thế, nguyện vọng xin trả lại tên Trường Nguyễn Hoàng là điều chính đáng. Đó không chỉ thể hiện sự biết ơn tiền nhân mà còn là thước đo lòng nhân ái và đạo đức của người Việt Nam trong thời hiện tại".

    Nhưng mọi chuyện cũng chỉ là ước mơ ... Bởi lẽ ai cũng hiểu rằng đây không phải chỉ là vấn đề lịch sử, văn hóa ...

    Như đã trình bày, dù ở nhiều nơi đã hình thành những cụm, những Ban Liên Lạc để sinh hoạt, gặp gỡ hàng năm ... nhưng ước nguyện để có một lần hội ngộ trên sân trường cũ cứ canh cánh bên lòng. Ý niệm này được Thầy nhen nhúm từ năm 2005 với một chương trình quy mô như là một Festival, đầy ắp tình cảm pha chút lãng mạn, nhưng khi thực sự bắt tay vào việc lại gặp muôn vàn khó khăn ... Ở vị trí tế nhị: Thầy âm thầm hỗ trợ trong tổ chức cũng như vận động, cuối cùng ngày 4 tháng 8 năm 2007, buổi hội ngộ đã hình thành và số người tham dự vượt quá dự tính của Ban Tổ chức.

Đã có hàng chục bài viết về ngày hội dưới góc độ nhìn nhận và cảm xúc khác nhau. Cũng từ điểm mốc lịch sử này hình thành một mạng liên lạc rộng lớn và có nhiều cây bút xuất hiện tạo nên không khí khởi sắc, sinh động trên nhiều diễn đàn văn nghệ. Đến nay, chúng ta đã có Đặc San Nguyễn Hoàng Bắc-Cali, Đặc San Nguyễn Hoàng Nam-Cali, Trường Nguyễn Hoàng-Chân Dung và Kỷ Niệm, Ấn phẩm Nguyễn Hoàng tại Huế và Hương Quê Nhà ở Saigon.

  
    Là một người học trò của Nguyễn Hoàng thuộc thế hệ đầu tiên, sau này trở về dạy lại trong gần 10 năm nhưng Thầy Lê Hữu Thăng luôn tự nhận mình là một cựu học sinh, thường xuyên quan tâm chăm sóc đồng môn và Thầy Cô giáo. Khi nghe một thành viên Nguyễn Hoàng gặp khó khăn, bệnh tật hay qua đời, bằng cách này hay cách khác, đã có những biểu lộ tình cảm thiết thực, Thầy cũng luôn tạo điều kiện để có mặt trong những lần Hội Ngộ từ Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Hàm Tân, Đồng Nai, đến Saigon. Thầy còn ước ao thắp lên ngọn lửa để hình thành các tổ chức ái hữu CHS/NH ở các địa danh như Nha Trang, Dalat, Banmethuot, Cần Thơ, v.v…

Gần đây, chắc hẳn quý thầy cô và cựu học sinh Nguyễn Hoàng khó mà quên được việc Thầy bỏ nhiều công sức để lo tổ chức sinh nhật lần thứ 90 của Thầy Lê Văn Quýt. Việc làm ấy không chỉ là điểm sáng tâm hồn giữa cái thời đạo đức đang suy đồi nầy mà còn là quá đổi tuyệt vời vì Thầy đã hành xử kịp lúc (vì chỉ sau nửa năm là thầy Quýt qua đời). Chúng ta cũng đã nghe được lời bày tỏ chân tình, xúc động của vị Giáo sư trưởng lão đối với Thầy Thăng - người học trò cũ và cũng là đồng nghiệp của mình.

    Xuất thân trong một gia đình bình thường, thấm nhuần truyền thống đạo lý nhân nghĩa, được hun đúc tác động bởi hạnh nguyện từ bi và quan hoài đến những người chung quanh, lòng Thầy không yên khi thấy những mảnh đời cơ cực, nhất là với thế hệ trẻ, khó khăn trên đường học vấn.

    Những năm cuối thập niên 2000, khi trả xong nợ áo cơm, Thầy trăn trở cố tìm ra một mô hình để giúp đỡ những sinh viên nghèo Quảng Trị. Sau 3 năm nghiên cứu và thử nghiệm, niên khóa 2009 - 2010 chương trình tạm hoàn chỉnh dưới hình thức giúp đỡ trực tiếp qua tìm hiểu cụ thể, với sự cộng tác điều hành của Ban Liên Lạc Nguyễn Hoàng tại Quảng Trị. Tâm nguyện sau cùng của Thầy là tạo điểm tựa, tiếp sức mở đường cho thế hệ sinh viên Quảng Trị tốt nghiệp Đại học trở thành những nhà khoa học, chuyên gia, trí thức nhằm xây dựng một nền kinh tế, công nghiệp hiện đại, góp phần tạo khởi sắc cho quê hương, đáp ứng nhu cầu cuộc sống ấm no hạnh phúc.

    Đến nay đã qua nhiều năm ở tuổi thất thập, Thầy vẫn năng động trong mọi lãnh vực. Vốn là người có nhiều kinh nghiệm và khả năng tổ chức, Thầy đã đưa ra những đề nghị hợp lý cho sinh hoạt Nguyễn Hoàng. Chính Thầy là người gợi ý họp mặt kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Nguyễn Hoàng (1952-2012) và ấn hành Đặc San kỷ niệm. Không chỉ lên kế hoạch, Thầy thực sự bắt tay ngay vào những bước khởi đầu chuẩn bị. Tôi cũng vừa biết tin Thầy đã hỗ trợ thực hiện xong logo trường Nguyễn Hoàng và đã gởi tặng cho một số CHS/NH ở các tỉnh trong nước. Đây là những huy hiệu để Người Nguyễn Hoàng cài trên ngực áo khi đến những điểm hội ngộ của Trường. Lửa tim Nguyễn Hoàng ở Thầy còn thể hiện bằng mô hình Trường Nguyễn Hoàng xưa mà Thầy đã mày mò dựng lên từ những vật liệu thô sơ tự tìm kiếm. Trong ngày họp mặt NH/Saigon tân niên 2012, mô hình nầy đã làm xúc động bao lòng ngưởi năm cũ và nó trở thành tâm điểm để những người về dự hội ghi hình kỷ niệm bên nhau.

    Hình như Thầy đã vạch cho mình một tiêu chí trong cuộc sống, cứ thẳng đường mà bước, không bị ràng buộc bởi quyền lực hay cám dỗ danh lợi. Hạnh phúc đối với Thầy là " Cho Đi", xem niềm vui của người là niềm vui của mình và thực hiện những điều đó trên mọi lằn ranh hay định kiến - cho dù bị thiệt thòi hay kẻ khác phê phán.  

    Nói đến đây tôi cũng thấy cần phải cảm ơn Cô Diệp Kim Liên - Người bạn đời của Thầy - Tôi muốn nói rằng tâm huyết của Thầy được thực hiện một phần cũng nhờ vào sự đồng thuận và góp sức của Cô. Qua bao biến thiên của thế sự, Thầy Cô vẫn son sắt bên nhau từ thưở ban đầu cho đến bây giờ răng long tóc bạc. Thật là Thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn. Không chỉ về mặt xã hội mà trong gia đình, Thầy còn là một Người Chồng - Người Cha - Người Ông lý tưởng. Ai đã từng đến nhà Thầy đều cảm nhận được điều đó. Bởi vậy cuộc sống gia đình Thầy Cô dù qua bao thăng trầm vẫn chan chứa tình yêu thương, sẻ chia và hạnh phúc.
Một đặc điểm đáng quý ở Thầy là không chỉ luôn chịu khó lắng nghe mà Thầy còn trao đổi, đề nghị góp ý khi chuẩn bị thực hiện một việc gì - điều nầy thật hiếm có ở những người lớn tuổi. Mọi việc tập thể hay gia đình, Thầy đều tham khảo ý kiến người khác ngay cả với những học trò rất trẻ. Bởi thế chung quanh Thầy đã hình thành một vành đai tình cảm - hoặc nói đúng hơn - ở Thầy đã tỏa ra năng lượng thuyết phục hay một từ trường có lực cuốn hút, nên ở bên cạnh Thầy họ thấy bình an và đầy tin cậy.

    Nghề Giáo như người chèo thuyền, âm thầm đưa khách sang sông . Đến lúc tay chèo đã mỏi, tìm một bến lặng yên nào đó, neo lại, có khi rất cô đơn. Với Thầy thì không như thế, bến đò của Thầy luôn nhộn nhịp, rộn ràng khách từ muôn phương tìm về, vây quanh như là biểu hiện lòng tri ân, sự quý mến, cũng là cách làm ấm thêm và sáng lên ngọn lửa Nguyễn Hoàng.

    Có lần tôi nói vui: "Em học lóm ở Thầy nhiều thứ lắm...", nhưng cuộc đời Thầy là cả một Giáo Trình với nhiều Bài Giảng, cho dù một học sinh cố gắng cách mấy cũng không bao giờ Học Thuộc hết được. Mai này khi vô thường đến, Thầy sẽ không còn hiện diện trên cõi đời nầy nữa nhưng những gì Thầy để lại mãi còn đó, đậm nét trong lòng mọi người với vô vàn trân quý và cảm phục.

Xin dâng tặng Thầy bó hồng tươi thắm từ trái tim chan chứa niềm tôn kính của em - đứa học trò ngày cũ của Thầy.
                                                                                                                                                                                                 
                                          Học trò Lê Văn Trạch
                                          (Memphis, USA đầu năm 2012)
                                                                      letrach@yahoo.com
READ MORE - THẦY VÀ NGÔI TRƯỜNG CŨ - Lê Văn Trạch

TIỄN THU - thơ Nguyễn Hữu Minh Quân




TIỄN THU

“Một kiếp giai nhân mơ thu mấy độ
Nghìn xưa danh sĩ cảm thu bao người…”
             (Thơ Nữ sĩ Ngân Giang)

Đêm nhấn chìm ta vào bóng tối
Đêm đẩy ta về phía lẻ loi
Những câu thơ vãng đầy sương khói
Nhớ người xưa đâu một phương trời…

Chờ tiễn thu đi heo may vẫy gọi
Ai nhớ tình xưa chừng mấy ngàn khơi
Phố cũ đa đoan như phận con gái
Tự làm cũ mình cho giống ngày xưa

Ta cứ trẻ thơ một đời vụng dại
Tìm ai trên bến đợi ơ hờ
Có hẹn cùng thu trầm hương và nến
Tiễn nhau đi mùa không hết mùa…

Ừ thì vắng thu lòng riêng thắp nến
Một mình cụng chén với đêm mưa 

                   Cuối thu 2014



THƠ VIẾT TRÊN FACEBOOK

Đêm không ngủ được
Gõ buồn lên phím gởi “phây”
Ô hay nỗi nhớ cũng có thật
Nỗi buồn cũng cô đơn

Âm ba hải triều mải miết
Nỗi nhớ, nỗi buồn sạch trơn


                          20.9.2014

               Nguyễn Hữu Minh Quân
READ MORE - TIỄN THU - thơ Nguyễn Hữu Minh Quân

CÒN SÔNG CÒN... - thơ Chu Vương Miện




CÒN SÔNG CÒN...

còn sông còn núi còn non
còn rượu còn ghệ anh còn say sưa ?
rưọu ngang uống mấy cho vừa
ghệ nhí ghệ đẹp vừa ưa vừa nhìn
mầm thơ cho giải cơn phiền
ruộng dưa đồng lúa càng nhìn càng vui
vòng vo thơ giống như ruồi
bay ngang lại dọc giữa thời phù vân
quanh năm thôi cứ cởi trần

*

trong nhà giờ chả còn ai ?
mình ta ngồi đứng nằm dài thở ra
quan san rồi lại quan hà
quan tiền tụ lại quan toà một nơi
nằm xong thì lại tới ngồi
thất thấp sắp cũng đi đời nhà ma

                            chu vưong miện
READ MORE - CÒN SÔNG CÒN... - thơ Chu Vương Miện

CÁM ƠN BUỔI CHIỀU - thơ Trúc Thanh Tâm


Panama City Beach, FL.
Ảnh: Cỏ Úa


CÁM ƠN BUỔI CHIỀU

Chiều nay em đi xuống phố
Mặt trời ngủ gật trên cây
Gió như tỏ tình với lá
Đong đưa cánh phượng nói gì !

Vô tư em đùa trong nắng
Lặng thầm ta giữa đám đông
Em như có gì bẽn lẽn
Gieo ta một chút chạnh lòng !

Cám ơn đời và nỗi nhớ
Em đi dáng nhỏ thật hiền
Ta xin làm người đứng đợi
Áo dài, nón lá che nghiêng !

Vẫn có tình đầu tha thiết
Nhìn qua một nụ cười duyên
Gió đang tỏ tình với lá
Ta đang nói gì với em !

Cám ơn buổi chiều ấm áp
Em như chim nhỏ bay về
Lòng ta từ lâu im vắng
Bây giờ bỗng có tiếng ve !

TRÚC THANH TÂM

( Châu Đốc )
READ MORE - CÁM ƠN BUỔI CHIỀU - thơ Trúc Thanh Tâm