Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, June 22, 2015

ĐONG ĐƯA - thơ Nhật Quang


Tác giả Nhật Quang








ĐONG ĐƯA

Đong đưa ngọn gió bên thềm
Ru em trọn giấc êm đềm canh thâu
Ru em vơi cạn nỗi sầu
Đong đưa ta đợi một câu trao tình

Đong đưa dáng dấp thơ trinh
Thầm mơ ân ái... ta mình sánh đôi
Đong đưa ánh mắt, bờ môi
Ru con tim đắm bồi hồi, vấn vương

Đong đưa sợi nhớ, sợi thương
Đôi ta quấn quít chung đường có nhau
Đong đưa tình đến ngàn sau
Ông Tơ bà Nguyệt bắc cầu trăm năm.

                              Nhật Quang
                               (TP HCM)
READ MORE - ĐONG ĐƯA - thơ Nhật Quang

BÔNG ĐIÊN ĐIỂN - thơ Hồng Tâm



BÔNG ĐIÊN ĐIỂN

Hôm nay con về quê ngoại
Vào mùa điên điển trổ bông
Long An mùa con nước nổi
Con xa quê mấy năm ròng

Con thèm canh chua ngoại nấu
Bông điên điển cá điêu hồng
Thơm lừng mùi ngò ớt tỏi
Đậm đà mùi vị ven sông


Sau hè vàng bông điên điển 
Lá xanh con nước mát trong
Xa quê về đây tìm lại
Tuổi thơ con với dòng sông


Ngoại ơi! Mai về phố thị
Bon chen đầy giấc mưu sinh
Sài Gòn xa hoa diễm lệ
Về đây tìm lại chính mình 
  
HỒNG TÂM 
(Lý Thị Minh Tâm - Tây Ninh)
lyminhly456@gmail.com


READ MORE - BÔNG ĐIÊN ĐIỂN - thơ Hồng Tâm

NỠ NÀO THẾ EM - thơ Đặng Xuân Xuyến


Tác giả Đặng Xuân Xuyến


NỠ NÀO THẾ EM

Nỡ nào gọi anh là chú
Để anh nói chuyện không vào
Nhìn nhau có chiều gượng gạo
Chuyện trò cứ nhạt làm sao.

Nỡ nào gọi anh là chú
Để anh nhanh bạc mái đầu
Hơn chừng đôi ba chục tuổi
Có nhiều xa cách lắm đâu.

Nỡ nào gọi anh là chú
Em nghe có thấy nặng nề
Đâu phải vì anh thích trẻ
Chỉ là xưng chú không quen.

Nỡ nào gọi anh bằng chú
Quen rồi khó đổi lắm em
Anh vầy nhưng còn xuân lắm
Nỡ nào cứ chú thế em.

                Hà Nội, 29 tháng 10 năm 2013
                         Đặng Xuân Xuyến
READ MORE - NỠ NÀO THẾ EM - thơ Đặng Xuân Xuyến

MỘT MÌNH VỚI THẠCH HÃN - thơ Huy Uyên

        



MỘT MÌNH VỚI THẠCH HÃN

Bỏ lại nỗi buồn bên sông Thạch-Hãn
hai bờ xa Ái-Tử, Nhan-Biều
từ độ xuôi Nam xa người mưa nắng
nước trôi đâu bỏ Quảng-Trị hắt hiu.

Những ngôi mộ gió cạnh đền đài
đã qua một thời điêu linh quê nhà khốn khổ
đạn bom từ đất nước chia hai
từng đoàn lính qua sông đêm bão tố.

Phía Tây, Nam Lào trở gió
nắng xiên khoai phơi trắng ruộng đồng
và người cũng đi lâu rồi từ đó
để tôi ngày ngày chờ đợi bên sông .

Đau thương đạn bom cháy nổ chiến trường
con sông ngập đầy thây lính trận
mới đó qua rồi mấy mươi năm
dấu vào lòng bao nhiêu cay đắng .

Bên kia bờ tiếng chuông Sắc-Tứ
đọng trong chiều khuất bóng hoàng-hôn
vườn sắn ngô còn nhuốm màu tang chế
mồ chôn xưa ấm lạnh vạn linh-hồn .

Và Quảng-Trị ngày về
thuyền chiều trôi ngược xuôi từ độ
ngày em đưa tay vẫy ra đi
tôi thả buồn tôi theo con nước chảy .

Tháng ngày bến xe, ga xe lửa
tim thắt co từng đoạn hồi còi
người hẹn một lần về Quảng-Trị
để gom tình xưa hai bóng chung đôi.

Đường quanh co thơ thẩn xóm chài
bao năm quên rồi thả lưới
kinh-hoàng xưa mùa-đỏ-lửa-72
xót phận người đạn bom chìm nổi.

Chiều nay ngồi bên sông đầy nhớ
sao người đi lâu quá chưa về
tiếng gội đò nghe buồn hiu hắt
người ơi người giờ đã sang chưa?


                            Huy Uyên   
READ MORE - MỘT MÌNH VỚI THẠCH HÃN - thơ Huy Uyên

MƠ EM, HÀ NỘI - Thơ Tuyền Linh



MƠ EM, HÀ NỘI

Anh mơ lắm giọng oanh vàng Hà Nội
Rót mật hương vào góc tối tâm hồn
Mùa xuân về nghe chim hót véo von
Mùa hạ đỏ ấm nồng hương lửa lựu
Cốm Làng Vòng gọi mùa thu về tới
Gió heo may hôn nhẹ tóc nhung huyền
Níu thời gian anh gởi chút niềm riêng
Gói trong lá thu vàng bay lơ lửng
Ở ngoài đó chắc nghe mùa đông khóc ?
Nước sông Hồng cuồn cuộn cầu Thăng Long
Mang chút tình anh thả vội về em
Nhìn nước chảy, tim em có se thắt ?

Giấc mơ anh chẳng bao giờ chịu tắt
Hà Nội xưa và Hà Nội ngày nay
Vẫn luôn luôn ấp ủ với tháng ngày
Tóc hương bưởi và nụ cười cam thảo
Từ đâu đó giấc mơ anh bắt gặp
Bước chân em quấn quít Phố Hàng Đào
Sợi tơ nào dệt được giấc mơ anh
Xin mua lấy để khỏi buồn sợi vải
Vẫn là em, vẫn trâm cài lược chải
Gót chân son in dấu chốn thân quen
Em qua đây, Phố Hàng Lược lên đèn
Rọi soi tỏ bàn tay ngà lướt chải

Nhớ đậm lắm những ngày xưa luyến ái
Nuôi chút tình đằm thắm giấc mơ hoa
Và hôm nay em Hà Nội ngọc ngà
Vẫn bay lượn trong vùng trời huyền thoại

Em Hà Nội, mơ anh luôn tồn tại
Sống ấp yêu, chết treo núi Ba Vì
Để đêm về trăng soi sáng tình si
Mơ em lắm… hỡi em yêu Hà Nội!!!


                               Tuyền Linh    
READ MORE - MƠ EM, HÀ NỘI - Thơ Tuyền Linh

LỚN & LỚN - Mặc Phương Tử





Mặc Phương Tử

LỚN & LỚN

Mật độ con người trên thế giới hiện nay mỗi lúc một tăng lên dần, nên tất cả những nhu cầu cho đời sống con người từ nhiều phía, nhằm để cung ứng phục vụ, như : sự ăn, mặc, ở, bệnh, các phuơng tiện đi lại, các phương tiện thông tin khoa học, các thông tin tri thức nhân sinh và vũ trụ.v.v… Trong đó, vấn đề nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, hiện hóa vào cuộc sống của con người qua mọi hình thức biểu tượng, cho niềm tin và ước nguyện cũng cần phải thực hiện đến.

Từ xu hướng đó, đã hơn nhiều thập kỷ nay, trong cũng như ngoài nước, không ngừng phát triển những cơ sở vật chất (thuộc lảnh vực tôn giáo) và những hình tượng tín ngưỡng tôn thờ, ngoài việc đáp ứng nhu cầu trên, thậm chí còn có ý hơn thua, so sánh bởi công trình lớn nhỏ với nhau, và xem đó như là sự thành công, tự mãn của mình từ những cái lớn hay lớn nhất hiện nay.

Đành rằng: hình thức qua biểu tượng tín ngưỡng ít nhiều cũng giúp cho con người có sự tín tâm chân chánh, nhận ra sự nguy hại, sự tội lỗi của lòng tham ác do chính con người. Đạo lý Đức Phật và chư Bồ Tát… không dành cho một ước nguyện tư kỷ riêng ai, mà chỉ giúp cho một bản đồ lộ trình đưa đến đạo lộ tình thương, yên vui, hạnh phúc, trí tuệ, chân thật bền vững lâu dài.

Đức Phật nêu ra 2 vấn đề, để con người tự chọn lấy; “…Do VÔ MINH đi trước, làm cho đạt được các pháp BẤT THIỆN, tiếp theo là không xấu hổ, không hổ thẹn và sợ hải”. Thế nhưng; “ Do MINH đi trước, làm cho đạt được các pháp THIỆN, tiếp theo là có hổ thẹn và sợ hải…” (Kinh Tiểu Bộ 2, chương 2).

Xét thấy, nếu chỉ y cứ vào niềm tin bởi một biểu tượng nào đó, trong khi ấy không có sự tu tập, không có sự chuyển hóa thân tâm, không hiểu pháp của bậc Thánh, không nhu nhuyến pháp bậc Thánh để tận trừ các việc làm bất thiện về thân-khẩu-ý, để quán chiếu các pháp vô thường, khổ, vô ngã, thì khác nào như một lữ khách đường dài tạm dừng chân nơi một lữ quán, nơi ấy chỉ là cuộc dừng chân rảo buớc quanh những việc khổ vui, được mất, hơn thua, vinh nhục.v.v… nơi cõi tử sinh, như một buổi chợ phù hoa đấy thôi!

Khi nói đến cái “lớn” hay “lớn nhất”, ta có thể nghĩ ngay rằng: tất cả những công trình vĩ đại từ những thời quá khứ xa xôi cho đến tận bây giờ (vật chất và tâm linh) đều lưu xuất từ trái tim rộng mở thuần thiện, nhân hậu, và khối óc siêu vượt thời gian, những công trình ấy không dành cho cá nhân riêng tư nào, và nó luôn là ánh hào quang tươi mát hiền diệu, chân thật ngay trong lòng cuộc sống của nhân loại từ quá khứ đến miên viễn về sau, như: Phật Hoàng Trần Nhân Tông, ở một ngôi vị cao nhất để trở thành một con người bình dị hơn bao giờ hết, với quan điểm: “danh lợi chỉ như đôi giầy rách”, thế nhưng gương hạnh, đạo lý vẫn rực sáng ngàn đời cho đạo đức và dân tộc.

Những hình ảnh khác, như Thánh Mahatma Gandhi, một người dân tộc Ấn, kiên chí đấu tranh cho số đông công nhân, và đấu tranh bất bạo động để dành độc lập chủ quyền cho toàn cõi đất nước Ấn. Một Albert Einstein, người gốc Do Thái, vừa là bác học vật lý nổi tiếng, vừa là nhà hoạt động tích cực đấu tranh quyền bình đẳng nhân quyền trong xã hội, đấu tranh chống chiến tranh, chống nạn kỳ thị phân biệt chủng tộc… Một đạo sư Vivekananda, một con người bình dị đến mức, thế nhưng đánh bật cái vỏ tôn giáo trong Hội Nghị Tôn Giáo Toàn Cầu, nói đến tình yêu nhằm khai phóng ý tưởng cô lập, thể hiện tính đạo đức bình đẳng qua tác phẩm Triết lý VedantaTôn Giáo Là Gì ?. Một văn hào Victor Hugo, người sinh ra từ nước Pháp, đã xây dựng một công trình tiểu thuyết, quan tâm sâu sắc đến luân lý phẩm giá con người trong xã hội, phản ảnh bao nỗi u ẩn từ bên trong ngôi nhà thờ Đức Bà Paris lộng lẫy và tráng lệ, cho đến những hình ảnh từ những mảnh đời nghiệt ngã đương thời, qua tác phẩm Những Kẻ Khốn Cùng…

Một Krishnamurti, sinh ra từ miền nam Ấn Độ, một con người khẳng khái trong việc tước bỏ địa vị danh lợi cao nhất của Hội Thông Thiên Học đã đặt để dành cho ông. Ông nói đến tinh thần Hòa Bình, mở tung gông xiềng tri kiến để được thoát ra sau thời Đức Phật. Quan điểm qua tác phẩm của ông giúp cho mọi tầng lớp con người không còn lệ thuộc những hệ thức tôn giáo, với lòng tốt để được tự do, không còn ích kỷ và đau khổ… Một Nelson Mandela (tổng thống Nam Phi) chống chủ nghĩa áp bức nô lệ… Một Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, ngước gốc Tây Tạng cũng từ quan điểm Hòa Bình, Công Bằng từ trái tim nhân hậu; “trái tim và óc của tôi là chùa chiền, triết lý của tôi là lòng tốt…”

Hơn thế nữa, đã hơn 25 thế kỷ đi qua, Đức Phật thiết lập một công trình, một con đường, đã thật sự tưới tẫm, ươm mầm, trưởng dưỡng sự tươi mát, bền vững bằng những chất liệu Tình Thương, Bình Đẳng, Chân thật ,Trí Tuệ và Giải Thoát cho chúng sanh, chư thiên và loài người từ bất tận quá khứ đến miên viễn về sau, những công trình ấy nếu không phải thật sự là “lớn”. Sự hiện hóa Pháp Thân Phật vẫn luôn là:

“Nơi bất công, Phật hiện thân bình đẳng               
Cõi tử sanh, diệu lý Phật vô sanh                                
Trong bi trí, Phật xóa lòng cừu hận 
Trong đau thương, Phật siêu hóa một tình thương”.        
                 
Cho đến chư Bồ Tát, Thánh đệ tử, Tổ Sư.v.v… thị hiện vào đời bằng sự hiện hóa “pháp thân” giúp cho chúng sanh, như sự xuất hiện của các bậc đạo sư, các nhà bác học, văn hào, các nhà tranh đấu chống chế độ áp bức nô lệ, giành lại quyền bình đẳng, nhân phẩm và ấm no, hạnh phúc cho số đông con người trên hành tinh nầy.

Hay như lời nguyện hùng lực đại từ bi của Bồ Tát Quán Thế Âm, với sự ứng hóa hiện thân mầu nhiệm “tùy xứ nhập” đến mọi lảnh vực trong thế giới của các loài hữu tình, từ hình thức thân Phật, đến Thinh Văn, Duyên giác, các thân quan triều tể tướng, các bậc thiện tri thức, các thân sa môn, bà la môn, các thân trưởng giả, cư sĩ, các thân Trời, người, thiên long bát bộ, các thân dạ xoa, càn thát bà.v.v…

Những điều ấy, cho chúng ta thấy rằng: sự nhiệm mầu pháp ý của Đạo Phật như thế nào. Nếu như không có sự nhận thức và tu tập để chuyển hóa thân tâm, cho dù có quỳ lạy duới bảo tượng Thánh, Bồ tát cao lớn và cầu nguyện mỗi ngày, cũng không đem lại lợi lạc từ sự an vui, bởi còn nhiều phiền não nhiễm ô, sân giận và tham ác nơi thân và tâm, vì rằng:

“Quán Âm thị hiện
Cứu khổ tầm thinh
Từ bi thuyết pháp
Độ khắp mê tình
Tám nạn tiêu diệt
Bốn biển an bình”.

Do năng lực phổ độ không thể nghĩ bàn ấy, là nhờ đức trí thanh tịnh trang nghiêm qua bao đời kiếp tích tụ công đức và hạnh nguyện, giúp cho chúng sanh phát khởi tín tâm cầu pháp giác ngộ, lánh xa sự mê lầm tội lỗi, thấy biết được nhân quả thiện ác, hướng đến nẽo chân thiện, an trú lạc pháp, tiêu dần khổ đau ngay trong hiện tại.

Thế nên, biết rằng: những công trình tín ngưỡng hay pháp tháp tôn thờ bảo tượng, vẫn có ích cho những ai sơ tín tâm khởi động những buớc đi lành thiện, như con gió mát thổi qua vùng nóng bức rồi mất hút vào sa mạc cuộc đời. Nhưng không phải chỉ dừng lại chừng ấy, mà còn phải nổ lực tiến xa hơn, để được thanh tịnh hóa thân khẩu ý, để tìm và đến tận mạch suối nguồn vi diệu tâm linh. Tất cả mọi hành sự, cũng chính là sự lưu xuất từ nơi tâm mà đến, từ nơi tâm mà đi…

Chúng ta cùng suy nghĩ lời Bồ tát Santidheva: “Dù có tín, đa văn, tinh tấn. Nhưng không tỉnh giác chánh tri, thì cuối cùng cũng rơi vào ô uế tội lỗi” (Nhập Bồ Tát hạnh – 26.).

Bài viết nầy có ra, là do tình cờ gặp lại một người cùng đồng hành, đã giới thiệu về công trình xây dựng tượng đài Bồ tát Quán thế Âm lộ thiên của chùa mới vừa hoàn thành và được xem là lớn nhất trong vùng.

                                          New Orleans, 15.06.2015


                                                         MPT                
READ MORE - LỚN & LỚN - Mặc Phương Tử

NHỮNG CHIẾC LÁ LÌA CÀNH - Thơ: Trường Hải Lê Văn Đông

    
           
            NHỮNG CHIẾC LÁ LÌA CÀNH                       
           
            Mẹ cây sống cõng trên mình hoa lá
            Ngàn vạn xanh tươi ngàn vạn niềm vui!
            Mỗi sáng sớm gió đùa cành, chim hót
            Mẹ cây mừng con lá có bạn chơi.
                  
            Rồi mỗi ngày lá lìa cành rơi rụng
            Trời buồn, đất vui, thân rễ ngậm ngùi!
            Như trái đất những đời người vụt tắt
            Lá vàng, lá xanh… kết thúc một đời say!
   
            Lá vàng lìa cành trải nhiều ngày sương gội
            Lá xanh lìa cành bởi giông gió lay cây
            Dịch bệnh, chiến tranh, bất thường tai nạn…
            Nhân loại ra đi như lá rụng từng ngày!
     
            Rồi đến một ngày Mẹ cây già ngã xuống
            Nơi sinh ra kiêu hãnh với trời mây
            Góp hạt phù sa đất đai màu mỡ
            Lại tuần hoàn hoa lá những đời cây.

            Đỉnh Sơn , 19/6/2015

            Trường Hải Lê Văn Đông
READ MORE - NHỮNG CHIẾC LÁ LÌA CÀNH - Thơ: Trường Hải Lê Văn Đông

DẠI KHỜ - Thơ: Mai Hoài Thu - Diễn ngâm: Hoàng Đức Tâm


Mai Hoài Thu


Mời nghe ngâm thơ, bấm vào liên kết sau:
Diễn ngâm: Nghệ sĩ Hoàng Đức Tâm



DẠI KHỜ

Em đến rồi đi - Ta ngẩn ngơ,
Tháng năm mòn mỏi kiếp bơ vơ,
Ta vì em, một đời đau khổ!
Điên dại từng đêm, mộng thẫn thờ...

Ta cố tìm em trong giấc mơ,
Tim vàng võ… lạnh tới bao giờ?
Thoáng làn hương nhẹ vương theo gió,
Bụi khói hoang tàn...ôi, xác xơ!

Ta thấy em về giữa cõi vô,
Bàn tay em lạnh, dấu môi khô,
Gần- xa, gợi lại niềm thương nhớ,
Lãng đãng trời khuya một bóng mờ...

Ta vẫn ngồi đây khắc khoải chờ,
Xót xa lệ đắng, rượu tìm thơ...
Men đời chếnh choáng hồn còn khát!
Một nỗi ngu ngơ - Một dại khờ...

                     San Jose, tháng 02/14/2009
                                Mai Hoài Thu
READ MORE - DẠI KHỜ - Thơ: Mai Hoài Thu - Diễn ngâm: Hoàng Đức Tâm

TÌNH XUÂN - Tranh-thư pháp Minh Đạo

TÌNH XUÂN
                                                
Gặp nhau thoáng chốc giấc mơ hoa  
Cạn chén ly bôi bớt nhạt nhòa   
Kỷ niệm vui buồn năm tháng cũ 
Tình thơ khơi dậy tháng ngày qua                                                                                        

                              Minh Đạo








READ MORE - TÌNH XUÂN - Tranh-thư pháp Minh Đạo

LỤC BÁT 4 CÂU - chùm thơ Đặng Xuân Xuyến





LỤC BÁT 4 CÂU
chùm thơ Đặng Xuân Xuyến

Ừ THÌ

Ừ thì ngưng nửa cuộc chơi
Ừ thì chấp chới nửa vời chữ yêu
Ừ thì quánh đặc cô liêu
Ừ thì chát mặn niềm đau... Ừ thì...

                       Hà Nội, 23 tháng 06 năm 2013                                                     


TỰ TÌNH

Và em ngúng nguẩy dưới thềm
Và lim dim mắt để đêm phập phồng
Và mênh mông gió ven đồng
Và tôi cùng với bến sông chòng chành.

                                 Hà Nội, 05 tháng 01 năm 2015
                                                                  


VẪN LÀ

Vẫn là em, của ngày xưa
Vẫn là thề thốt em chưa bao giờ
Vẫn là em, cứ hững hờ
Vẫn là muôn sóng nghiền bờ, nghiến anh.

                                  Hà Nội, 07 tháng 11 năm 3014



SÔNG TRĂNG

Vâng, từ độ ấy đến giờ
Sông trăng dẫu cạn vẫn chờ đò xưa
Cầu trời đổ một trận mưa
Cho sông trắng nước đò xưa trở về.

                                  Hà Nội, 26 tháng 06 năm 2013

                                   Đặng Xuân Xuyến
READ MORE - LỤC BÁT 4 CÂU - chùm thơ Đặng Xuân Xuyến