Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, November 24, 2015

BẾN ĐÒ XƯA - Ngô Trọng Hùng





BẾN ĐÒ XƯA

Ngô Trọng Hùng

Dưới ánh nắng những buổi trưa hè, phản chiếu bãi cát vàng óng ánh, dọc theo bờ sông Thạch Hãn chừng vài trăm mét, nối liền lũy tre xanh ngắt, hun hút kéo dài như vô tận. Đó là bến đò làng tôi. Sau ngày hòa bình lặp lại, thay vào đó chiếc cầu đúc hiện đại, thuận tiện cho sự lưu thông của dân làng và nhiều vùng lân cận.Thật đáng mừng cho quê hương đổi mới.Thế mà mỗi lần có dịp về quê, ngang qua cầu, tôi không sao quên được hình bóng ông chèo đò trên bến sông xưa.
Khoảng ngoài bốn mươi tuổi, dáng người gầy nhưng mà chắc chắn trong bộ đồ màu đen cụt, với chiếc nón xác xơ vừa đủ che mái tóc bù tung trên khuôn mặt dạn dày sương gió, thế mà ông vẫn giữ nụ cười bao dung giữa dòng đời trôi nổi. Vào buổi sáng, nương theo tiếng gà, ông thức dậy thật sớm. Cơm nước xong, châm điếu thuốc lá, ôm mái chèo trở lại bến và một số quai chèo mà chiều hôm trước, sau giờ làm việc, ông đã chống sào, neo đò, gỡ mái đem về. Có lẽ người chèo đò sợ mất mái chèo hơn chiếc đò. Suy cho cùng họ có lý! Cũng như cậu học trò sợ mất bút mực hơn tập vở. Buộc mái chèo vào con đò ổn định, ông múc nước rửa đò, lau chùi sạch sẽ, sắp lại những chiếc ván ở lòng đò ngay ngắn. Mọi việc vừa xong thì khách qua sông cũng vừa có mặt.
Khách phần đông là những phụ nữ.Thời buổi chiến tranh, những thanh niên đều phải ra chiến trường. Những nặng nhọc trên đời đều dồn hết trên đôi vai người phụ nữ.
Cứ vào mỗi sáng, họ phải thức dậy rất sớm theo tiếng gà bằng tập quán của dân quê. Cả làng hiếm hoi lắm, một vài người mới có đồng hồ đeo tay. Họ thức dậy lo cơm nước. Dùng cái mo cau gói ép cơm thật chặt, thức ăn hoặc muối ớt, hoặc cá khô gói bằng lá chuối chung với cơm và một trái bầu eo khô dùng đựng nước. Một đòn gánh, hai đầu nhọn hay còn gọi là đòn xóc. Mo cơm và cái rựa cột đầu này, ở đầu kia là bầu nước. Thế là họ lên đường, từng đoàn năm bảy người. Hết đợt này đến đợt khác qua sông, hướng về dãy Trường Sơn thăm thẳm một màu sương.Thế mà họ vẫn nói cười vui vẻ, vừa đi vừa kể cho nhau nghe chuyện núi rừng nguy hiểm. Nào là ong vò vẽ đốt sưng cả mặt mày, có người bị trăn cuốn, cọp vồ mất xác! Có khi khát nước khô cả cổ họng, họ phải lặn lội tìm kiếm, cách chỗ làm năm ba dặm. Những nơi có nước lại là những nơi đầy nguy hiểm vì dã thú thường sống ở những nơi ấy. Thế mà họ vẫn vô tư, lấy nước xong còn lặn lội tìm những trái móc, trái sim… gói vào chiếc khăn tay mang về làm quà cho con. Thỉnh thoảng vẫn có những sự cố xảy ra, một vài người đi không trở lại, từng đêm về dang dở tiếng gà khuya.
Chiều gần tối, mỗi người một gánh, nặng trĩu nỗi lo âu. Mặt mày hốc hác, mái tóc bù tung. Cất tiếng gọi đò… mong được về sớm, còn lo cho mẹ già, con dại, đâu kể gì đến nhan sắc tàn phai của người phụ nữ trong thời buổi loạn ly.
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng lắm nỗi truân chuyên.
(C P N)
Đến giờ ông chèo đò vất vả vì ai cũng muốn được về sớm lo cơm cháo cho mẹ già, tắm rửa cho con dại, sắp đặt chuyện gia đình.Trời càng lúc càng tối, khách qua đò mỗi lúc mỗi đông. Một người thêm gánh củi thành hai người. Bác đò hết sức vất vả, cẩn thận sắp xếp vừa đủ trọng tải, vừa cân đối để tránh sự cố xảy ra. Đó là điều không phải ai cũng làm được, nếu không phải là người có nhiều kinh nghiệm tử sinh trên sông nước qua nhiều năm.
Thời bấy giờ tôi chẳng nhớ mình được bao nhiêu tuổi, chỉ nhớ còn theo học trường làng. Một ngôi trường tùy tiện, nói thì trường nhưng thực tế là một ngôi đền làng, dùng làm trụ sở hội họp vào ban đêm, vừa dùng cho lũ trẻ chúng tôi theo học vào ban ngày. Một lớp học trình độ và tuổi tác không đồng đều.Thầy rất khổ sở. Sau khi vào lớp, thầy viết chữ cái cho các em học vỡ lòng, ra toán cộng, trừ cho trình độ cao, rồi đọc chính tả cho các em lớn. Nói đúng hơn một phòng học cùng rất nhiều lớp, thế mà im lặng phăng phắc ai lo việc đó.
Sau giờ bãi học, chúng tôi có mặt tại bến đò, xếp gọn tập vở và bút mực, cởi đồ phủ lên trên, rồi lấy cục đá dằn lên áo quần để gió khỏi phải thổi bay. Vậy là yên tâm ùa ra sông hụp lặn và tạt nước vào nhau, thật vô tư, thú vị.
Bác chèo đò rất quan tâm đến chúng tôi.Vào buổi trưa vắng khách, bác cùng tắm và tập chúng tôi bơi lội, hướng dẫn chúng tôi nơi nào cạn, nơi nào sâu. Nước sông Thạch Hãn rất trong và khó lường. Nhờ sự chỉ dẫn của bác chèo đò một thời gian rất ngắn, chúng tôi đứa nào cũng biết  bơi lội, hụp lặn như con ráy cá. Có đứa bơi qua sông bên kia ngồi nghỉ, rồi bơi về. Bác chèo đò mỉm cười, tự hào như người thầy mãn nguyện về học trò mình thành công trên bước đường đời.
Tôi còn nhớ rất rõ, có lần mẹ tôi làm lễ đầy tháng và đặt tên cho đứa cháu ngoại con chị tôi. Mẹ tôi sai tôi ra bến đò, xin một chai nước ở lòng đò và… quai chèo, sau khi lễ xong mẹ tôi lấy quai chèo cột vào chiếc nôi, lấy nước lòng đò tắm cho trẻ, rồi đặt nó vào chiếc nôi vừa đưa vừa hát.
Trăm năm dù lỗi hẹn hò
Cây đa bến cũ con đò khác đưa
Cây đa bến cũ còn lưa
Con đò dù thác năm xưa kia rồi
Tôi rất thắc mắc, nhưng không hỏi vì ngại mình quá nhỏ, mà việc làm của mẹ có vẻ linh thiêng kèm theo tiếng hát của mẹ bí mật như những câu thần chú, và ai giải thích cho một đứa trẻ bao giờ! Chắc gì mẹ đã biết, bất quá mẹ sẽ nói “xưa bày nay làm”. Câu chuyện ấy đã để lại trong ký ức tôi cho đến ngày khôn lớn.
Một hôm bất ngờ gặp một trưởng lão trong làng và cũng là lúc tuổi tôi đã lớn, có quyền được hiểu phong tục của làng và nhờ giải thích. Bác nói: “Chiếc nôi là cội nguồn văn hóa của dân tộc, nước lòng đò là sữa mẹ, là quê hương. Quai chèo buộc vào nôi, ý nói làm người phải có quê hương dân tộc. Cũng như “cây đa, bến cũ, con đò: Trăm năm đời người dù có đi đâu cũng nhớ về cội nguồn dân tộc.
Thật bất ngờ! Một câu chuyện đơn giản tưởng như mê tín nhưng hàm chứa ý nghĩa sâu xa và nhân bản của con người đất Việt. Ta lớn lên từ chiếc nôi văn hóa của dân tộc, qua lời ru của mẹ tiễn con đi vào đời.
Đúng vậy, bến đò là quê hương là trường học. Con đò là mẹ, là thầy cô giáo và còn biết bao nhiêu ân nghĩa, tình người đã dìu dắt ta ngang qua dòng đời đầy khổ lụy. Mỗi lần có dịp về quê đi ngang qua chiếc cầu hiện đại tôi lấy làm tự hào quê hương mình đổi mới. Đó chính là thành quả ý chí bất khuất của dân tộc mấy ngàn năm.  Nhưng vẫn không không sao quên được những ngày gian lao. Tôi nhìn lại dòng sông quen thuộc ngậm ngùi mà lắng nghe trong hoang liêu tiếng gọi đò trên bến sông xưa.


                                                  Ngô Trọng Hùng

No comments: