Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, September 30, 2015

LỤC BÁT MÙA THU - thơ Hoài Huyền Thanh

       
 

        LỤC BÁT MÙA THU          

LỜI KHÔNG NÊN LỜI

Thương sao nhánh lá mù u
Em tôi mười sáu lời ru se lòng
Tưởng rằng có, ngỡ rằng không
Tình trong như đã… lời không nên lời

THÔI ĐÀNH

Nắng chiều thoi thóp ngọn bần
Rưng rưng mắt nhỏ phân vân nỗi gì!
Thôi đành lặng lẽ phân ly
Thôi đành để nhớ … người đi… thôi đành!

BIỆT LY

Mưa từ nước mắt mưa sa
Trăng non tơ thuở mười ba trăng buồn
Đồng xa trắng ngọn bồn bồn
Xuôi về miệt thứ bồn chồn bước chân
        

HOÀI HUYỀN THANH
READ MORE - LỤC BÁT MÙA THU - thơ Hoài Huyền Thanh

EM VÀ NỤ HÔN - thơ Lý Hiểu




EM VÀ NỤ HÔN
Buổi sáng ngồi mơ được gặp em
Nắng trời lười biếng quét màn sương
Chim bay quên mất nơi hò hẹn
Nhịp đập con tim thấy bất thường 
Buổi trưa còn tưởng được hôn em
Nắng ấm trời trong như thủy tinh
Giao lộ đầy xe làm tắc nghẽn
Nhìn quanh chẳng thấy kẻ yêu mình
Buổi chiều đâm nhớ nụ hôn em
Công sở tan tầm đứng ngẫn ngơ
Gác trọ ẩn sâu trong ngõ hẻm
Tổ chim không đẹp như bài thơ
Buổi tối tàn rồi mộng cưới em
Dối gian âm điệu réo đường tơ
Cuộc tình hư ảo như dao chém.
Vết sẹo nào ghi dấu chẳng mờ

Lý Hiểu 
VA 09/2015
READ MORE - EM VÀ NỤ HÔN - thơ Lý Hiểu

NHẮN NGƯỜI TÌNH QUÊ - thơ Trần Thị Quỳnh Hoa

Tác giả TT Quỳnh Hoa


NHẮN NGƯỜI TÌNH QUÊ

Anh có về thăm thành phố !
Nhớ cho em xin chút nắng Gò Dầu,
Màu giòn tươi nhuộm vàng phố huyện
Mấy năm rồi nhớ nắng quê thơm

Có thể nào quên được sao anh !
Phố chợ hiền hoà bên dòng sông Vàm Cỏ
Năm tháng bình yên bên những  ngày xôn xao chợ
Thương những ngã đường in dấu tuổi ngây thơ

Nhớ nghe anh,
cho em xin mấy cánh hoa dầu
Ở Sân Đình những chiều gió lộng
Em thương lắm một thời thơ mộng
Bên hiên trường mơ cánh lụa xoay xoay

Anh có ghé Dinh Ông, An Thạnh,
Cho em xin cả tiếng chuông chùa
Chiều đồng vọng không gian thanh tịnh
Cổ thụ mùa tiếp mùa thanh thản tuổi già nua

Có tham quá không anh !
Khi mơ cả khung trời Hầm Sỏi
Bóng cha mẹ nhọc nhằn bên rẫy nương xanh
Trên con đường làng uốn khúc quanh quanh
Bóng Anh hiền lành, cuốc trên vai lưng trần mắt sáng

Bao kỷ niệm đã lùi vào dỉ vãng
Để lòng em rưng rức mối tình quê
Dù ngày mai trên đường đời vấp ngã
Vẫn còn trong em một vùng đất đam mê

TT Quỳnh Hoa

(Tp Tây Ninh, 02/ 9/2015)
READ MORE - NHẮN NGƯỜI TÌNH QUÊ - thơ Trần Thị Quỳnh Hoa

Tuesday, September 29, 2015

RAU HÚNG QUẾ - Ờ MÀ TRÁNG SĨ - thơ Chu Vương Miện

Tác giả Chu Vương Miện


Chu Vương Miện

RAU HÚNG QUẾ

lòng gà một bát
gà mái dầu ngào ngạt một mâm
thì thôi chén chú chén anh
chén cô chén cậu bó hành ngò thơm
ôi mấy thủa ôm rơm rát bụng
và bao thời áo thụng khom lưng
chẳng qua bát gạo tháng lương
cũng qua cái chuyện thế gian vậy mà 
con gà sống thành ma mấy chốc
con gà giò bỗng chốc qui thiên
ô hay tiên lẫn với tiền
thì thôi cái chuyện Tiên Điền Nguyễn Du
thảo dân với lại thằng tù
chuyển qua thằng lính bú dù ngang nhau
100 năm nào có chi đâu 
bọt trong bát rượu bèo đầu tái tê
ơ hay đi chả có về 

*
ngẫm cõi trần nhà pha nhà thổ
làm thân Mường đóng khố quấn khăn
đồng khô với lại đồng rừng
người kinh người rợ cũng chừng ấy thôi 
nồi hong vốn là nồi bằng đất
nời bằng gang cũng vật ngoại thân
khi vui theo cánh con chuồn
muốn đậu cũng dễ muốn buồn thì bay 

CVM



Ờ MÀ TRÁNG SĨ

kiếm tuốt ra rồi kiếm sĩ ơi 
đầu thù không rớt đầu ta rơi 
gần 2300 năm cuối thời Chiến Quốc
nghe qua câu chuyện dạ bồi hồi
đâu phải đường gươm xoàng dở ẹc
chẳng qua kiếm sư Lỗ Câu Tiễn chả dậy thôi 
mới hay trời đất vô biên quá
chẳng qua thiên mệnh đã an bài 
gươm giáo chẳng qua đồ sắt vụn
hoa hòe hoa sói múa lôi thôi 
vàng nén vàng ròng trên mâm bạc
ném rùa nơi hồ bán nguyệt cầu vui
đầu Phàn Ô Kỳ râu tóc trắng
bàn tay Yên Cơ đủ mặn mòi
sông Dịch sớm đông mang mang chẩy
ô hay tang trắng ngập đầu người 
cũng tưởng gươm vàng ghi dấu sử
đâu ngờ diễn dở thế gian cười 
ôi thiên hạ luận thành với bại
lưu danh na ná giống danh hài 
đôi lúc chết vinh hơn sống nhục
muôn thời vẫn một ánh trăng soi
Cao Tiệm Ly nâng cao ống trúc
một cung sáo oán gửi muôn đời 
một chiếc thuyền con bơi qua bắc
dân tiễn miền nam nước mắt rơi
ra đi mang tấm lòng hào kiệt
muôn năm vẫn một phía mặt trời
Kinh Kha vẫn anh hùng bất diệt
muôn năm vẫn trong trái tim người
thơ ngắn ghi tấm lòng luyến tiếc
anh hùng bất tử chả tàn phai 

CVM
READ MORE - RAU HÚNG QUẾ - Ờ MÀ TRÁNG SĨ - thơ Chu Vương Miện

CHỦ NHẬT BUỒN - HOA THÁNG TƯ - thơ Nguyễn Hữu Minh Quân


Tác giả Nguyễn Hữu Minh Quân


Nguyễn Hữu Minh Quân

CHỦ NHẬT BUỒN

Chủ nhật chi mà buồn như sương khói
Lay lắt nón cời đánh dậm cuối triền sông
Chủ nhật chi mà như có như không
Hoa gạo tháng ba nhòa em ảo ảnh

Trời xanh quá làm cho hồn người muốn khóc
Xa tít cánh buồm nghiêng đợi nồm lên
Chủ nhật chi vừa nhớ lại vừa quên
Nhìn mấy lá vàng giống hệt mắt em
Nhìn chén rượu cay nhớ chiều cổ độ
Ôm phù vân một mối tơ vò…
Trong lớp lớp mờ xa của kí ức
Em hiện về nguyên vẹn một ban sơ

5.4.2015

HOA THÁNG TƯ

hoa nở một nụ môi
tháng tư nhòa cay mắt em độ lượng
con mực nướng cô đơn nằm trên bàn rượu
lòi mắt đợi bạn xa về…
ta nương náu góc chiều trống rỗng
lêu bêu con nước đầy vơi
em đáo để
rượu cay bùng nổ
đổ đầy hoang vắng trái tim côi
đàn sẻ bay ngang
bức tường xám lạnh
hót vang mấy khúc xuân thừa
tháng tư tôi về chân trời vén mở
chia em một thuở non tình
mấy trăm năm
mấy nghìn năm
trần gian nở đóa Ưu đàm …
                                   
tháng tư                                       

26.4.2015
READ MORE - CHỦ NHẬT BUỒN - HOA THÁNG TƯ - thơ Nguyễn Hữu Minh Quân

CHẠY - THẾ GIỚI PHẲNG - thơ Vũ Mạnh Quang



Tác gỉa Vũ Mạnh Quang


Vũ Mạnh Quang

CHẠY

Chạy cố nhanh lên chạy bốn mùa
Dẫu còn một mét cũng là đua
Mái kia che chắn không lo gió
Cây ấy chống chèo chẳng sợ mưa
Luyện sức bao phen mong phải thắng
Bày mưu nhiều tháng ước đừng thua
Cuộc chơi đích thực là ai nhỉ?
Vợ hỗ trợ rồi thỏa thích chưa?

VMQ


 
 THẾ GIỚI PHẲNG

Đi trong thế giới phẳng
Thấy bao nhiêu gồ ghề
Con ơi đừng quên thắng
Kẻo bay vèo qua đê

Có muôn nghìn lối rẽ
Đây vườn hoa ngát hương
Kia rừng cây gỗ quý
Xanh bốn mùa yêu thương

Có bao điều thực ảo
Chìa bàn tay mộng mơ
Vuốt ve rồi đánh tráo
Trái tim non dại khờ

Có những chiều biển lặng
Giấu đá ngầm san hô
Mải mê hài âu trắng
Tàu tan tành hư vô

Làm cha mẹ khó quá
Đứng nhìn mảnh trăng non
Phiêu bồng mây với gió
Liệu rằm kia có tròn?


VMQ



Vũ Mạnh Quang
(Thành phố Nam Định)
Email: manhquangnd@gmail.com


READ MORE - CHẠY - THẾ GIỚI PHẲNG - thơ Vũ Mạnh Quang

Monday, September 28, 2015

ĐỌC TẬP THƠ "SẮC MÀU THỜI GIAN" CỦA CAO HOÀNG TRẦM - Trần Duy Lý






ĐỌC SẮC MÀU THỜI GIAN

Sắc màu thời gian là tập thơ của anh Cao Hoàng Trầm ra sau tập Vườn Xuân.
Nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc nhận xét về thơ của anh Cao Hoàng Trầm như sau: “Thơ Cao Hoàng Trầm thật thà chơn chất như người anh vậy”. Nhà thơ Đoàn Thuận trong lời tựa cho tập thơ này cũng tiếp nối được ý đó: “… thường khi thơ hay không cần những lời hoa mỹ trau chuốt cầu kỳ mà cần tâm tình chân thật trước hệ lụy buồn vui của cuộc sống”…
Vâng! Những nhận xét đó đủ nói lên tác giả – tác phẩm của Cao Hoàng Trầm.
Riêng tôi muốn nói thêm một khía cạnh khác,đó chính là cái chất thi nhân ở trong một cách cảm,cách nhìn:bởi nếu không có chất thi nhân thì không có những câu thơ:
         Hạt mưa tí tách canh thâu
         Rưng rưng đổ xuống trái sầu trần gian
         Hồn tôi thổn thức bàn hoàng
         Chợt nghe như tiếng thở than phận người
                                                      (Hạt mưa)
Nghe tiếng mưa rơi trong đêm nghĩ đến phận người là sự tinh tế của tâm hồn và sự tinh tế ấy thì không phải ai cũng có được. Anh Cao Hoàng Trầm có được sự tinh tế ấy và anh đã biết nuôi dưỡng nó từ thuở thiếu thời cho đến bây giờ đã là … nhân sinh thất thập… đó là điều đáng trân trọng.
Sắc màu thời gian là những hoài niệm về thời gian,và nếu ở những tâm hồn dể cảm, dể xúc động thì không thể không nghĩ.
         Em về lối cũ đường xưa
         Cỏ may đan áo lưa thưa nắng chiều
         Triền đê cầu ván liêu xiêu
         Bao điều thổn thức hắt hiêu giọt lòng
         Năm chờ tháng đợi mòn trông
         Thuở thanh xuân ấy gió lùa tóc mây…
                                      (Ký ức ngày xưa)
Tôi có mây mắn quen biết nhều bạn thơ ở thị xã La Gi trong đó có anh Cao Hoàng Trầm. Quá đúng như nhận xét của nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc: “Thơ anh chơn chất như con người anh vậy”, cũng không thể không nói tới sự may mắn của những bút thơ ở đây là được sống ở một vùng đất giàu truyền thống thơ ca. Các địa danh như Đồi Dương, Tân Lý, Hòn Bà, Mủi Đá, Khe Gà…. Đã đi vào thơ ca khá đậm nét, và mỗi người có cách nhìn, cách cảm khác nhau. Để kết thúc bài này tôi muốn giới thiệu bài Hồn Quên có trong tập này, một trong những bài anh viết về quê hương La Gi của anh:
          Dòng sông bến nước con đò
          Bãi cồn rừng đước con cò ngủ đêm
          Nước sông cá lội thuyền êm
          Mái đình cổ tích đọng thêm nết hồn
          Ngày xưa vẫn đẹp cô thôn
          Mỗi mùa gió bấc nhớ dồn tình quê
          Ai đi xa xứ nhớ về
          Để nghe đối đáp câu thề lứa đôi
          Hồn quê chạnh nhớ bồi hồi
          La Gi ngày ấy trông tôi hiện về
                     (La Gi mùa bấc lộng)

                                                                   TRẦN DUY LÝ

READ MORE - ĐỌC TẬP THƠ "SẮC MÀU THỜI GIAN" CỦA CAO HOÀNG TRẦM - Trần Duy Lý

NHỮNG CÂU THƠ BÊN QUÁN CÀ PHÊ - Thơ Hoàng Yên Lynh


           Tác giả Hoàng Yên Lynh


NHỮNG CÂU THƠ BÊN QUÁN CÀ PHÊ


1.
Ra quán cũng chỉ một mình
Ở rừng cũng chỉ một mình quẩn quanh
Nắng mưa sương núi bồng bềnh
Vời trông cố quận chông chênh lối về
2.
Phải chi người đừng nhớ tôi
Trăng khuya lẽ bóng quen rồi tháng năm
Cũng đành...tình đã cố nhân.
3.
Chia tôi một chút cô đơn
Ơi cô chủ quán có buồn như tôi
Chuyện đời tựa áng mây trôi
Đục trong nhân thế sầu vơi lại đầy.
4.
Bốn mươi năm còn nhớ không
Trăm năm rồi cũng quạnh không lối về
Hỏi lòng mình tỉnh hay mê...
5.
Một mình ra quán cà phê
Ngó quanh cũng chỉ cà phê với mình
Thuyền không bến mãi lênh đênh
" Nghĩ mình,mình lại thương mình xót xa..." *
Khi chén rượu lúc câu ca
Chỉ còn bóng ngã mình ta cuối trời
Chuyện đời đã nhạt bờ môi.
HOÀNG YÊN LINH
B'lao 9.2015


* Kiều - Nguyễn Du
READ MORE - NHỮNG CÂU THƠ BÊN QUÁN CÀ PHÊ - Thơ Hoàng Yên Lynh

CHÙM THƠ ĐÌNH XUÂN



           Tác giả Đình Xuân


        

DÒNG TRĂNG

Từ khi
nhật nguyệt gặp nhau

bào thai vỡ
nỗi đau hiện hình
Từ nguyên thủy
đã sinh linh
Tình nhân thế thái
tang tình tình tang
*****
Từ khi
lở bạn cùng trăng
Mang tâm sự
gởi bến vàng
ngược xuôi
Khi
vầng nhật nguyệt
xẻ đôi
Là khi
thơ đã thả trôi
theo dòng
*****
Bến sông trăng
bến long đong
Chưa vay đã nợ
lông bông
một đời

Đình Xuân



NỖI NHỚ CONG

Trăng thượng tuần chỉ vết sáng cong cong
Tưởng là em nên anh cuồng điên bẻ cong nỗi nhớ
Nỗi nhớ có môi son cong
Và đuôi con mắt cong lời tình tự
*****
Nỗi nhớ trôi về miền tư lự
Quắt quay cái nụ hôn đầu
Nỗi nhớ lạc vào vùng trăng sao
Nơi anh cùng em đã từng nao nao hẹn ước
*****
Ánh sáng chỉ còn chút lóe ở bờ tây
Biết tìm em nơi đâu khi trăng tàn ngày tận
Vai anh vẩn còn điểm tựa
Hay hẹn ở bờ đông cùng rửa tội, ăn năn

                                        Đình Xuân
READ MORE - CHÙM THƠ ĐÌNH XUÂN

BẾN PHÙ SINH - Thơ Lương Bút



  


Nhà thơ Lương  Bút - hội viên  hội Văn Học Nghệ Thuật Bình Thuận vừa gửi thơ đến VNQT. Xin giới thiệu cùng quý bạn đọc





BẾN PHÙ SINH

Cuộc trăm năm ai cười ngạo nghễ
Ta khóc thầm chạm phải đời đau
Vâng vẫn biết sang sông đò lạnh
Vá nỗi buồn dâu biển vì nhau

Bạn xa ta cuộc cờ ly loạn
Giữa phiêu linh gươm bút rét cùn
Ta mài trăng chong ly chờ tri kỷ
Lệch đường gươm tơ lạnh phím chùng

Ta hảo hán đau đau ngần ly biệt
Vàng lên lối cỏ tiễn lần đi
Bài thơ trắng phếch màu tang tóc
Bên góc trời ta khóc suốt chiều ni

Thương góa phụ lệ lăn trong lòng mắt
Nghe thương đau, đau quặn đáy lòng
Hồn khắc khoải trắng treo mớ tóc
Khúc tình nồng muôn thuở giữa mênh mông

Ta rưng lệ khóc đưa thêm đoạn cuối
Mộng giang hồ dang dỡ đường mây
Nghe thiếp nghẹn lời trăm năm ấy
Bến phù sinh ngắn ngủi quá chua cay.

                                 Lương Bút
READ MORE - BẾN PHÙ SINH - Thơ Lương Bút

CẢM NHẬN TẬP THƠ “CHÚT LÃNG MẠN ĐỒNG BẰNG” CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN TRUNG NGUYÊN - Nguyễn An Bình


Hiển thị trangbia.jpg


TÌNH QUÊ  QUA MEN RƯỢU SAY CỦA NGƯỜI ĐỒNG BẰNG
                                                                        Nguyễn An Bình


         Xếp tập thơ “CHÚT LÃNG MẠN ĐỒNG BẰNG” của nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên lại, điều đầu tiên tôi nhận ra được bàng bạc trong thơ anh là mối tình quê lãng đãng tha thiết nhưng sâu đậm trong từng men rượu say trên những bước đường lãng du của người đồng bằng. Nét chân chất, mộc mạc phóng túng, hào sảng của con người Nam bộ không lẫn vào đâu được của người nông dân thời mở cõi về phương Nam,  Nhiều khi ta tưởng chỉ thoáng qua đâu đó  nhưng thật ra nó luôn đau đáu trong lòng  nhất là trong những lúc cao hứng cầm chén rượu uống cạn trong một không gian đậm tình bằng hữu thì mối tình quê ấy mới có dịp tuôn trào,bộc lộ rõ nét mà những lúc tỉnh chưa chắc gì anh chịu nói ra.
        Nguyễn Trung Nguyên từng là một người lính, rồi làm báo trước khi chuyển sang công tác văn nghệ, anh có điều kiện đi đây đi dó nhiều. Ta có thể bắt gặp bước lãng du của anh ở nhiều miền đất nước và tình quê đó càng thú vị biết bao khi được khề khà ly rượu với những người bạn mới quen trên xứ lạ,  từ miệt Cà Mau thương con gái xứ cuối đất cùng trời, bước chân lại Chiều ghé quán ca cổ ở Kinh Cùng thả hồn theo khúc Nam ai, về qua Ngã bảy nghe bài “Tình anh bán chiếu”. Uống rượu ở Phong Điền nghe bạn kể việc nhà nông xóa đói giảm nghèo, Chiều cuối năm qua cầu Mỹ Thuận mới thấy xe cưới hình như nhiều hơn mọi ngày, rồi lại gặp mưa ở Sài Gòn mà muốn gởi lòng theo gió về sông Hậu niềm thương nhớ của mình. Thoắt cái thấy bóng dáng chàng lãng tử ngồi nghe ca Huế trên sông Hương, lại ngược lên phố núi Pleiku để hát câu vọng cổ thả một lời thơ “Chỗ nào có em là hướng ấy quay về”, rồi ngậm ngùi tưởng niệm trước hang tám cô ở Quảng Bình. bàng hoàng bâng khuâng lẫn chút tự hào khi gặp đồng hương ở nghĩa trang Trường Sơn ngút ngàn lộng gió.  
        Chúng ta thử theo bước chân ấy tìm chút tình quê, chút men say trong từng nhịp thở, chút láng mạn nhớ thương, chút tâm tình lắng đọng, chút khinh bạc cuộc đời trước thế thái nhân tình, trước bể dâu đời người để thấy thấp thoáng bóng dáng của mình đâu đó trong thơ anh.
               Trong tập thơ “CHÚT LÃNG MẠN ĐỒNG BẰNG”. tôi thích nhất là những bài thơ của anh nói về tình bạn. Với anh đã là bạn thì không có mâm trên chiếu dưới, quan lính cũng như nhau cốt là sự chân tình, là sự đồng điệu, là nét phóng túng, hào sảng của người Nam bộ mà ta rất thường gặp:
         Về Phong Điền rượu cụng liên miên
         Quan lính có-phó thường dân cũng có
         Chiếu nhậu đơn sơ, nào cùng sà xuống
         Lớn bé, trẻ già rôm rả chuyện đời.
      Để rồi trong bầu không khí thân tình đó đó, những giải thích xem ra hơi ngô nghê nhưng trong chiếu rượu hình như ai cũng cho là đúng:
        Phong và Điền. Ủa! Nghĩa là gì?
        Thôi nói đại: “Phong và gió và Điền là ruộng”
        Ra ruộng  hứng gió say cỡ nào cũng tỉnh
        Hoa mắt luôn trước đồng lúa bạt ngàn.
                      (Uống rượu ở Phong Điền)
             Đối với bạn bè, đồng đội những người một thời là bằng hữu, có nhiều kỷ niệm vui buồn không còn nữa, Tình quê của anh là niềm thương nhớ, sự thủy chung. Trong men say của ly rượu thiếu vắng tiềng cười rôm rả của bạn bè ngày nào ta mới thấy hết nỗi niềm của anh:
        Ta biết hồn ngươi không về kịp
        Cùng ta uống cạn hết ly nầy
        Rượu cay như thể là nước mắt
        Chắt biết bao giờ cho hết đây!
        (Một năm ngày mất Võ Minh Đường)
Sự chạnh lòng trong một buổi chiều viếng mộ bạn:
        Nhớ hôm nào chén rượu câu thơ
        Dăm thằng bạn nghèo kề manh chiếu bạc
        Mầy chết đi men nồng bỗng nhạt
        Ánh trăng vàng cũng tắt ven sông.
                       (Chiều viềng mộ bạn)
Hay:
        Tao trở lại đây màu trắng trên đầu
        Men rượu trắng mỗi năm mẹ khóc
        Những đứa con gái trắng trinh như ngọc
        Thiếu phụ buồn! Trắng song cửa chiều hôm.
                                      (Điểm danh đồng đội)
      Tình cờ khi viếng nghĩa trang Trường Sơn, anh bắt gặp mộ chí của một người lính quê ở An Bình Cần Thơ, anh bàng hoàng xen lẫn tự hào, anh có những câu thơ rất thật của người đồng bằng:
        Cả tôi với anh – dân Nam bộ thật thà
        Mình hãy nói hết với nhau những gì muốn nói
        Rồi ngửa cổ cưa hai ly rượu đế
        Để bụng lâu ngày ấm ức không nên.
       (Gặp đồng hương trên nghĩa trang Trường Sơn)
     Người ta nói người đồng bằng thường hay uống rượu. Thật ra không phải thế, vì từ lâu trong máu thịt người đồng bằng rượu là một thứ lễ nghĩa, tôi đã từng đền nhiều địa phương muốn giao tiếp gì cũng phải cụng ly trước đã hẳn tính. Rượu còn là cái cớ bộc lộ tâm sự, nỗi niềm của mình mà không phải tính toán trước sau:
        Anh em bạn rể buồn muốn nhậu
        Rủ ta cùng vác lưới ra đồng
        Kiếm dăm con tép về trộn gỏi
        Rỉ rả chia nhau chút rượu nồng.
                        (Kéo lưới trên đồng)
    Đôi lúc thơ anh còn thể hiện sự lạc quan dù có một chút tếu trong hoàn cảnh không lấy gì hứng thú cũng ít ra đem lại niềm động viên yêu đời ngay trong phòng mổ:
Phòng mổ vô trùng ấm áp tuyệt vời
        Đèn điện sáng choang đâu thua gì khách sạn
        Màu áo xanh dịu dàng lãng mạn
        Giá có chút men là nhất trên đời.
                    (Thơ viết từ phòng mổ)
     Tình quê thể hiện trong anh còn là sự đồng cảm với mối tình của anh bán chiếu trên dòng sông Ngã Bảy qua tiếng hát ngọt ngào của danh ca Út Trà Ôn nổi tiếng một thời ai cũng biết. Ngậm ngùi cho số phận hẩm hiu của anh nông dân bán chiếu   hay ngậm ngùi cho mối tình thời trai trẻ của mình đã mất trong một buổi chiều ngồi chéo ngoẩy bên ly rượu đế:
         Chiều châu thổ khề khà ly rượu đế
         Chéo ngoẩy đùi nghe tiếng hát Út Trà Ôn
         Giọng kể lể “Tình anh bán chiếu”
         Nồi đắng cay của kiếp giang hồ.
         (Nghe Út trà Ôn ca “Tình anh bán chiếu”)
Tất nhiên, tình quê trong thơ Nguyễn Trung Nguyên  không thể thiếu với người thân trong gia đình mình vì đó là cái nôi sinh ra ta, là máu thịt, là nơi trở về của chúng ta khi có sự vấp ngã trên đường đời. Đó là hình ảnh người cha rặt nòi nông dân  nhưng lại luôn tự hào vì biết dạy con điều nhân nghĩa:
       Ông hay tự trào: “Tao dốt đặc cán mai!
       Bây ráng học để làm người nhân nghĩa”
      Vậy mà Lục Vân Tiên - không hiểu sao ông chẳng quên một chữ
       Cái nghĩa “bất bằng…” bám vào ông như rễ đước, rễ còng.                                                                            (Vùng sâu quê tôi)
    Hình ảnh người mẹ tần tảo trong mùa nước lũ làm ta chạnh lòng(Nhớ mẹ quê xưa), rộng và cao hơn là hình ảnh của các bà mẹ Việt Nam anh hùng mà ở địa phương nào anh đi qua đều có thể thấy được:
        Mỗi bữa cơm mẹ bới ra sáu chén
        Một cho chồng và bốn đứa con mỗi đứa một phần
        Những đứa con mà người mẹ gọi là chồng
        mãi mãi chẳng còn được ở gần
        để lau cho mẹ giọt nước mắt rơi…
                            (Bữa cơm của mẹ)
      Tình quê còn thể hiện tấm lòng của người anh trai tiễn em gái lấy chồng xa(Đưa em gái về nhà chồng), muốn giải bày cùng anh những điều chưa thể nói đành mượn ly rượu cho vơi cạn nỗi lòng (Về nhà xưa uống rượu, Tiễn anh hai):
        Tay nâng chung rượu nhạt
        Nghe đắng cả tim mình
        Anh biết đâu thơ phú
        Chợ đời giờ rẻ khinh.
        (Về nhà xưa uống rượu)
         Đó còn là tình nghĩa vợ chồng, lời cha muốn nói với con mà đôi lần không ít anh tự trăn trở với mình khi thấy còn quá nhiều thiếu sót với họ. Phải chăng đó là nhừng lúc thơ anh thật nhất sau một tiệc rượu vừa vơi? (Thơ viết cho bà xã ngày sinh nhật, Tự sự, Điều muốn nói với con)…
         Cũng có một người con gái
         Người đời gọi là vợ ta
         Theo nhau khi còn áo rách
         Bao năm chưa kín đôi tà.
         (Bài hành tuổi bốn mươi)
      Đọc bài thơ  “Uống rượu trước biển” của anh giữa bốn bề mênh mông sóng biển, sự hiu quạnh đến ghê người làm ta có cảm giác nỗi buồn vạn cổ không có gì có thể khỏa lấp được,  đôi lúc tôi chợt thấy có cảm tưởng như đang đọc thơ của Thâm Tâm:
         Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực! 
         Mẹ thà coi như chiếc lá bay
         Chị thà coi như là hạt bụi
         Em thà coi như hơi rượu say...
                          (Tống biệt hành)
Hay trong nỗi buồn xa xứ của Nguyễn Bính:
        Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc,
        Ly tán vì cơn gió bụi này.
        Ngươi đi buồn lắm mà không khóc,
        Mà vẫn cười qua chén rượu đầy.
                          (Phương Nam hành)
    Ban đầu tôi nghĩ  tập thơ có lẽ viết trong một khoảng thời gian khá dài ít nhất cũng là 10 năm vì trong tập thơ có hai bài thơ đánh dấu thời gian ra đời của nó: Bài hành tuổi bốn mươi(trang 13) và Bài hành tuổi năm mươi(trang 122) nhưng đọc trên facebook của anh mới biết đó là những bài thơ anh viết rải rác mấy mươi năm sau 1975, có lẽ anh đã chọn lọc những bài thơ ưng ý của mình vào tập thơ. Trong số 63 bài thơ đã gần phân nửa là những bài mang men say của một chàng lãng tử và trong những bài thơ còn lại ai có thể khẳng định rằng anh không làm thơ trong niềm vui hay nỗi cô độc của một tiệc rượu đã tàn?
    Mặc dù anh khiêm tốn như anh tự đáng giá trong Bài hành tuổi năm mươi:
       Thơ vài bài đọc được
       Văn mấy chương cũng suông
       Đói bụng lục cơm nguội
       Cao hứng… xự xang xề.
        Nhưng anh lại là con người đa tài, đa năng. Anh làm thơ, viết truyện, soạn nhạc, viết vọng cổ ở lãnh vực nào anh đều có những đóng góp và thành tich đáng kể. Tôi nghĩ “CHÚT LÃNG MẠN ĐỒNG BẰNG” đã góp thêm vào vườn hoa của miền châu thổ đồng bằng một bông hoa đầy màu sắc và còn tỏa hương dài lâu.
                                           Bên bờ sông Hậu, cuối tháng 9/2015
                                                          Nguyễn An Bình
.............................................................................
*Nhà xuất bản Hội Nhà Văn tháng 12 năm 2014

READ MORE - CẢM NHẬN TẬP THƠ “CHÚT LÃNG MẠN ĐỒNG BẰNG” CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN TRUNG NGUYÊN - Nguyễn An Bình