Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, December 31, 2014

MẸ HÁT RU XUÂN - thơ Trương Lan Anh


Tác giả Trương Lan Anh

Mẹ hát ru xuân

Buổi sáng mùa xuân
          ta cùng cò
                   về thăm làng ngoại
Con đường xa ngái
          quãng đê dài
                   và qua khúc sông sâu
Ngược xuôi đò về
          nước chảy đôi dòng
                   bè ai trôi thong thả
Dòng sông xuân
          sáng trong êm ả
                   soi bóng cò
                               sải cánh bay ngang
Cò đậu hàng hàng
          trên đồng lúa xanh non
                    mùa Xuân nay
                               cò may thêm áo mới
Trắng phau phơi
          trên đồng lúa trổ
Cò về rồi
          cò đã thuộc chưa?
Câu hát nỉ non
          thân dặm trường xưa
                   thương một đời lam lũ
Cò chẳng ngủ
          đêm khuya lặn lội
Cò ăn đêm
          "đậu phải cành mềm"
Mẹ thương cò
          ru câu hát êm êm 
Cánh vạc gầy
          mỗi mùa đói kém
Ta lớn lên
          trong lời ru của mẹ
Có cánh cò
          đậu trắng giấc mơ
Bao năm qua
          mà con vẫn đợi chờ
Nghe câu hát xưa
          ru đời con khôn lớn
Nhịp võng đưa
          qua tháng năm dài rộng
Con vẫn ước về
          nghe mẹ hát
                    ru xuân…


                                       Tháng 1/2011




Đã đăng trong tập thơ
NGƯỜI ĐÀN BÀ MẶC CHIẾC ÁO CHOÀNG,
tác giả Trương Lan Anh,
NXB Hội Nhà Văn, 2008,
tác giả gởi tặng.


READ MORE - MẸ HÁT RU XUÂN - thơ Trương Lan Anh

EM BIẾT - thơ HỒNG TÂM




Em Biết

Em biết mình còn say đắm yêu anh
Dù năm tháng trôi âm thầm lặng lẽ
Ôi bao mùa đi qua rất nhẹ
Thắm thoắt thoi đưa gần chục năm rồi

Xa rồi, vị ngọt đôi môi
Dư âm đắng chút men tình trỗi dậy
Dấu yêu tình đầu người đâu có thấy
Có em đây, lẽ bóng nhớ người

Khi hoàng hôn buông xuống cuối chiều
Bóng đêm về, tâm hồn trống trải
Chuyện chia ly gây bao điều ái ngại
Yêu thật nhiều mà chẳng được bên nhau


Em biết! Lòng người đâu đo được chiều sâu
Và đâu đoán được trái tim người và lý trí
Trong lòng em bao giờ vẫn nghĩ
Tình yêu nào mà chẳng chút thương đau

Thôi nhé anh! Mình đành hẹn kiếp sau


Hồng Tâm  ( Lý Thị Minh Tâm - Bến Cầu - Tây Ninh )
Email: lyminhly456@gmail.com
Điện thoại:01285990757
READ MORE - EM BIẾT - thơ HỒNG TÂM

TÌNH YÊU EM - thơ Trúc Thanh Tâm- Phổ nhạc Đắc Lợi - Trình bày ca sĩ Hải Đăng




TÌNH YÊU EM

Chiều đi sâu vào nhớ
Anh nghe đời chiêm bao
Ngồi nghe từng tiếng lá
Thời gian buồn theo nhau ! 



Trời mang màu mây tím
Gió gợi hồn cô đơn
Anh mong chờ xuân đến
Trên môi hồng yêu thương !

Anh về ru điệu hát
Ngày tháng dài buông xuôi
Niềm tin đầy như biển
Mắt em một bầu trời !

Em từ vầng trăng sáng
Qua hồn anh đêm nay
Anh nằm ôm trăng ngủ
Mộng ước về tương lai !

Bờ tóc dài thương nhớ
Máu đổ về trong tim
Anh nghe mùa xuân đến
Chỉ còn tình yêu em !

TRÚC THANH TÂM 
( Châu Đốc )
____

MỜI BẤM VÀO ĐÂY ĐỀ NGHE CA KHÚC TÌNH YÊU EM TRÊN NHẠC CỦA TUI.
READ MORE - TÌNH YÊU EM - thơ Trúc Thanh Tâm- Phổ nhạc Đắc Lợi - Trình bày ca sĩ Hải Đăng

EM HÁT "CHỊ TÔI CHƯA LẤY CHỒNG" - thơ Vân Trinh




EM HÁT "CHỊ TÔI CHƯA LẤY CHỒNG" (*)

Thân tặng Chị Tư Hổng Trầm của Hồng Phượng.





Em hát  "Chị tôi  chưa lấy chồng..."

Mà nghe day dứt cứ mênh mông

Cái  ngày con gái xa, xa mãi

Mưa nắng thời gian héo hắt lòng



Lận đận đường đời bước thấp, cao

Khó lường gai gốc biết nhường nào?!

Chị quên cả giọt mồ hội đổ

Miển khói cơm thơm bếp ngọt ngào



Chị lo tấm áo em lành lặn

Lo chiếc mền đêm rét bất thường

Mà quên cả khỏang trời hoang vắng

Trong chị lạnh lùng bao gió sương..!



Thương sóng bạt đầu phai tóc mẹ

Và bước cha như chậm lại rồi..!

Mà quên chiếc bóng mình riêng lẽ

Sớm tối đi về... cứ thế thôi!



Em hát "Chị tôi chưa lấy chồng..."

Nhưng mà chưa mãi ... cũng bằng không

Cái "không" là cái vô bờ bến

Là sự quên thân đến tột cùng...



Số mệnh sao mà... thôi  chịu vậy

Để các em vui hạnh phúc riêng

Bè bạn đủ đôi mừng thật đấy

Có đẹp nào hơn một trái tim..!



Biết chúc gì đây xuân đã sang?

Còn có lời nào xứng đáng chăng?

Ơi! Chị của em là tất cả

Ý nghĩa mùa xuân trên thế gian!



                                       VÂN TRINH

___________

(*lời ca trong ca khúc "Chị tôi" của NS Trần Tiến.)






READ MORE - EM HÁT "CHỊ TÔI CHƯA LẤY CHỒNG" - thơ Vân Trinh

MỘT THỜI PHÚ YÊN - thơ Huy Uyên





Một thời Phú-Yên

(Cảm xúc từ truyện ngắn Dì Lucia của Mang Viên Long)




Phố và những thiếu-nữ dịu hiền

con đường, ngã ba, ngã tư đơn lẻ

nhà thờ tượng Chúa lặng im

bên sông dài về đâu nước chảy.



Một mình Trần-Hưng-Đạo loang đầy nắng

chiếc xe thổ mộ ngựa phì phò

dài theo từng bóng cây

chợ Tuy-Hòa trầm vắng

nghiêng treo giọng ca ai - đời chơi vơi.



Em ở đâu em gái Tuy-Hòa

chiều thả tóc bay cùng gió

ngậm trong hồn tình ai - Dì Lucia

sao quá  chao lòng người yêu xưa bé nhỏ.



Quê nhà chiều ba mươi rét ngọt

người một mình lầm lũi bước, lạnh con đường 

sầu liêu xiêu bay ngọn cây hồn phách

nỗi đau tan theo đốm lửa sau cùng.



Ai đi về bên trời xẻ chia

nụ hôn cũ từ lâu dấu kín

hoài niệm xót xa chi nữa một thời

ngọn roi quất ngước một đời thâm tím.



Lung linh cửa sổ nhà ai ngọn nến

Phú-Yên tối chìm, phố ngũ hoang-mê

bao nhiêu năm không người đưa tiễn

đào mộ chôn người lấp nỗi cay se.



Xót chi hoài ký-ức trong tôi

em một lần treo tim đứng ngó

em rồi như rong biển, mây trời

Tuy-Hòa xa không ngày quay lại .



                                24-12-2014

                                Huy Uyên
READ MORE - MỘT THỜI PHÚ YÊN - thơ Huy Uyên

CHÙM THƠ XUẤN - Võ Văn Hoa



THƠ VIẾT MÙA XUÂN ĐÔI CHÍN

Thôi đừng trách anh, nghe em
Mình bỏ lại cho nhau mùa xuân đôi chín
Màu tím Huế, chiều Hoàng Thành bịn rịn
Ta còn gì chia sớt nắng sương pha.
Em soi dòng Hương từ độ giao mùa
Anh ôn lại khung trời kỷ niệm
Ta nuối tiếc một thời im tiếng
Nên lối mòn bờ tóc có nghiêng đưa
Tạm biệt em với Huế một chiều xưa
Cây cơm nguội anh về đường cứ nhắc
Không gian Huế bức tranh trầm mặc
Tố nữ ơi, xuân tím đến bao giờ !


KHÚC LUÂN VŨ MÙA XUÂN
                   
Có những nỗi buồn
Chất lên thành núi
Có những niềm vui
Hóa lỏng đại dương
         
Em vũ điệu ngày thường
Đôi khi thành bọt biển
Thành con sóng xô bờ
Dềnh lên rồi tan biến!
         
Anh không là ca sĩ
Vẫn hát bài dấu yêu
Mùa xuân nói bao điều
Hoa thơm và trái ngọt
              
Anh chỉ là biên đạo
Khúc luân vũ mùa xuân
Em xa ngỡ như gần
Đi qua ngàn trận gió
         
Nào chúng ta hát múa .
Em về cùng anh không ?
24-11-2001



KÝ HỌA MÙA XUÂN

Quà của rừng
Một dò Nghinh Xuân
Cùng trời trong mây trắng
Hoa xoan tím bên dòng sông phẳng lặng
Thuyền ngư phủ buông câu
Anh biết nói  gì hơn đâu !
San hô hồng cảm xúc
Một chiều sân nhà em
Vàng cánh mai rơi ...
Anh hiểu Mùa xuân đang đến ...

                    Võ Văn Hoa


READ MORE - CHÙM THƠ XUẤN - Võ Văn Hoa

XUÂN ĐA TÌNH - Phạm Ngọc Thái đọc thơ Nguyễn Anh Biên

              



XUÂN ĐA TÌNH
                          Lời đôi trai gái người Êđê

YBNâu (nàng):
 -   Đêm nay vui bạn bè anh em
Ta uống cho say trời đất
Chóe rượu này vơi lại sẽ đầy
Em cho anh uống cả hai bầu vú em
Rượu tình không bao giờ cạn...

KPaLUNG (chàng):
-   Chóe rượu của anh lúc nào cũng đầy
Em như con nai tơ động đực
Nhưng anh muốn uống hai chóe rượu trên ngực em
Bằng lòng không bằng lòng, ơi con nai non!
Anh chạy theo mặt trời chiều sẽ tóm được.

                                Nguyễn Anh Biên
(Bài thơ trích trong truyện ngắn cùng tên của chính tác giả) 
 
                     Lời bình Phạm Ngọc Thái 
           
    Nguyễn Anh Biên là một nhà viết kịch, đồng thời trong nghiệp bá văn chương ông còn viết rất nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết. Ông chưa bao giờ làm thơ. Ấy thế mà khi viết thiên truyện ngắn "Xuân đa tình", cao hứng ông đã tung bút để nẩy ra một bài thơ tình thật độc đáo và cũng... thật điên! Bài thơ trên thực ra không có tên đề, tôi tạm lấy tên truyện ngắn của ông mà đặt vào cho nó. Có thể nói bài thơ đã chứa đọng những yếu tố rất nhân lõi cho truyện ngắn của ông.
      Đó là những lời yêu đương nồng nàn của một đôi trai gái người Êđê, ngồi bên chóe rượu cần vào đúng cái đêm 30 tết. Đêm ấy trong ngôi nhà bản, họ hân hoan tiếp đón một tổ trinh sát, bộ đội miền xuôi lên. Lui lại những tháng năm trước, thời kỳ của cuộc kháng chiến ta từng chứng kiến những tình cảm quân dân cá nước sâu đậm và gắn bó, nhất là ở những vùng đồng bào thiểu số. Cho nên lúc say rượu, say tình bả lả, không chỉ tình quân dân mà cả tình gái trai cũng đã rạo rực trong trái tim người con gái dân tộc. Bởi vì trước mắt YBNâu, những anh bộ đội đáng kính ấy là những chàng trai người kinh tuyệt vời, đầy cám dỗ. Nàng đã hát:
                Đêm nay vui bạn bè anh em
                Ta uống cho say trời đất
      "Ta uống cho say trời đất" - Nghĩa là trái tim nàng đã say. Trái tim người con gái hay là trái tim đàn bà đã rung lên xao xuyến... vì cả rượu lẫn tình yêu. Men tình, men rượu ngấm vào tận da thịt cơ thể YBNâu như tác giả đã tả trong truyện:
      "... YBNâu với thân hình cao lớn cân đối, da nâu bóng, tóc rễ tre đen nhánh hơi quăn, buông xõa trên vai trần, đôi mắt nâu mí to xa vời vợi, mơ mộng như rừng buổi sớm khi bình minh chưa kịp tở. Trông nàng tựa như cô gái Bô-hê-miêng ".
      Nàng đã mượn rượu, mượn đà để mà thổ lộ ra những lời lả lơi, tình tứ:
                Chóe rượu này vơi lại sẽ đầy
                Em cho anh uống cả hai bầu vú em.
      Đọc câu thơ đến sửng sốt, gai góc giật mình. Ta phải vỗ đùi đánh "đét" mà kêu lên:
-  Nguyễn Anh Biên chơi thơ thật tuyệt!
      Viết đến như thế mà tình người con gái vẫn trong sáng, không tục mới sướng chứ? Tôi chợt nhớ tới đôi câu thơ của bà Hồ Xuân Hương trong bài "Thiếu nữ ngủ ngày":
                Đôi gò Bồng Đảo hương còn ngậm
                Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông.
      Bà cũng đã đi vào cỗi rễ, nhưng đấy là cỗi rễ của thơ bà Hồ Xuân Hương. Còn Nguyễn Anh Biên đã để cho người con gái bộc lộ hết mình và tình thơ đã tự kết lại. Nó có vẻ tục mà vẫn thanh tao chăng? "thanh" vì nó chân chất, hồn nhiên không dụng ý. Cả cái suồng sã ấy cũng là thứ trong trẻo của đất trời, tạo hóa phú ban. Ta thấy sướng thơ, nó ngâm ngấm và muốn nhấm nháp hương vị hoa nhài, hoa lan của tình thơ ấy. Thật là ngôn ý phàm trần mà vẫn thơ. Viết được những câu như thế đâu phải dễ? Như anh họa sỹ vẽ nuy về người đàn bà, không giỏi thì người xem thấy sượng. Rõ ràng ngôn ngữ ấy được tác giả nẩy ra từ sự rung cảm, thăng hoa của tâm hồn. Trong sáng tác không có khả năng cảm thụ ngôn ngữ cao viết sẽ hỏng ngay. Tình thơ lả lơi ấy còn có lý bởi vì: YBNâu là một cô gái dân tộc rất đa tình, mà bản chất người dân tộc là chân chất, thật thà.
      Quyến rũ sự ham muốn tình tứ cũng là một tính cách rất phụ nữ, dù đó là phụ nữ miền xuôi hay miền ngược, thiểu số, người kinh hay là các da màu khác nhau. Nàng YBNâu đã buông ra những lời chan chứa yêu đương: Nàng muốn hiến dâng! Trái tim nàng đang rực cháy, đòi hỏi. Sau đó, cũng qua lời người con gái tác giả hạ một câu chốt, khóa lại khổ thơ đầu:
                Rượu tình không bao giờ cạn.
    Ngắn gọn, súc tích. Tất cả đều có thể thay đổi hoặc mất đi, nhưng tình là vĩnh cửu. Thế giới không có sự đam mê gái trai... sẽ không còn sự sống. Tôi gọi YBNâu là cô gái, vì trong tình thơ bộc lộ những tình cảm nồng nàn trai gái, mặc dù YBNâu đã là vợ của KPaLung - Một chàng trai Êđê.
      Tôi bình sang khổ thơ thứ hai. Tội nghiệp cho cái anh chàng KPaLung thật thà quá, vợ mình đang lả lơi, ve vãn với mấy anh bộ đội kia, ấy thế mà chàng vẫn tưởng vợ mình tình tứ với mình? Cho nên chàng mới họa tiếp:
                   Chóe rượu của anh lúc nào cũng đầy
                   Em như con nai tơ động đực
                   Nhưng anh muốn uống hai chóe rượu trên ngực em.
      Vậy là trong tình ái say sưa, tình cảm muốn hiến dâng của người phụ nữ với mong muốn hưởng thụ của người con trai rất giống nhau - Làm cho thơ cấu kết lại. Sức truyền cảm, lay động của tình thơ thêm tụ đọng. Nguyễn Anh Biên đã mượn rượu, mượn cảnh, mượn tình, khai thác tính cách dân tộc - Để tung hồn, tung bút viết phóng. Thế mà thành thơ, còn đậm đà và chan chứa tình. Ngôn ngữ mạnh bạo quyết liệt, tha thiết của trái tim, thấm được vào lòng người. Ông để cho KPaLung ví người con gái kia:
                Em như con nai tơ động đực
      Trong thi ca ví von đến thế thật đáng "sợ"! Nhưng đọc lên hóa ra lại có ý khen và ca ngợi. Huống chi đó là lời của một chàng trai Êđê, ý nghĩ hết sức trong sáng và hồn nhiên. Tôi chắc là các cô gái khi đọc những vần thơ đó sẽ không cự lại nhà thơ đâu? Ông nói đúng tâm trạng đấy chứ! Hơn nữa thời nay chị em chỉ thích làm Thị Mầu, có mấy ai lại muốn mình thành Thị Kính?
      Bây giờ phong cách thơ ca thời đại đang được mở rộng ra phong phú rất nhiều, để đáp ứng những đòi hỏi cảm thụ mới. Bài thơ đã thành công, hàm súc, giàu tính nhân bản. Ta bàn đến hai câu thơ chót:
                   Bằng lòng không bằng lòng, ơi con nai non!
                   Anh chạy theo mặt trời chiều sẽ tóm được.
      " Bằng lòng không bằng lòng..." - Không biết tác giả muốn đặt câu hỏi hay có ý khẳng định? Nhưng đọc cả hai câu ta thấy ngay tình tha thiết của người con trai. Lửng lơ như thế hóa ra làm ý thơ thêm tinh tế, mềm mại, không bị cứng nhắc. Lời như câu hát:
                  Anh chạy theo mặt trời chiều...
      Cách nói thật rất Êđê.
    
Toàn bài thơ chỉ có 10 câu, tách biệt làm hai khổ. Nguyễn Anh Biên đã hoàn thiện tình thơ "Xuân đa tình": Tình đời thì thanh thiên, say đắm, đáng yêu. Với bản sắc của bài thơ, nó vẫn có khả năng tách biệt ra khỏi truyện ngắn của ông, để có mặt và góp tiếng nói trong thi đàn đương thời mà không sợ ngượng.
      Mừng cho ông tuy không làm thơ nhưng đã có một bài thơ thật thú.
  

                                                            Phạm Ngọc Thái

Đã đăng trong tập
PHÊ BÌNH & TIỂU LUẬN THI CA
NXB Văn hóa Thông tin, 2013,
tác giả Phạm Ngọc Thái,
tác giả gởi tặng.





READ MORE - XUÂN ĐA TÌNH - Phạm Ngọc Thái đọc thơ Nguyễn Anh Biên

Tuesday, December 30, 2014

BÓNG MẸ - Thơ Hạnh Phương


READ MORE - BÓNG MẸ - Thơ Hạnh Phương

CHIỀU CUỐI NĂM NGHE LẠI NHẠC PHẨM “THƯƠNG QÚA VIỆT NAM” NHỚ PHẠM THẾ MỸ - Mang Viên Long



Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ (1930-2009)


CHIỀU CUỐI NĂM NGHE LẠI NHẠC PHẨM
“THƯƠNG QUÁ VIỆT NAM”
NHỚ PHẠM THẾ MỸ


Tôi được “biết” nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ từ những năm còn ngồi ở trường Trung học Cường Đễ Qui Nhơn (1958 -1965), qua các bài hát rất được nhiều người ưa chuộng lúc bấy giờ như Nắng Lên Xóm Nghèo, Trăng Tàn Trên Hè Phố, Đường Về Hai Thôn. rồi Bóng Mát... Tôi không có năng khiếu về âm nhạc, nhưng rất may - được sống chung và quen biết với nhiều bạn học, bạn văn, đồng nghiệp có khả năng âm nhạc, nên vẫn thường được nghe nhiều nhạc phẩm từ khi vừa được năm 1975, việc lưu hành băng đĩa, hay phổ biến các ca khúc còn hạn chế, ít oi, chủ yếu qua đài phát thanh và đài truyền hình). Những nhạc phẩm “mở đầu” ấy trong tôi về dòng nhạc tình cảm êm đềm, trong sáng, chân tình của Phạm Thế Mỹ đã khiến tôi rất ngưỡng mộ anh.

Phạm Thế Mỹ là người đồng hương An-nhơn với tôi (quê anh ở xã Nhơn-an, huyện An-nhơn), nhưng là bậc “đàn anh” trong các lãnh vực sinh hoạt văn nghệ, bởi anh lớn hơn tôi trên một giáp! Anh đã làm được nhiều việc, trong lúc tôi đang “tập tễnh” yêu thích văn chương. Mãi đến năm 1971, tôi đã ra trường Sư phạm đang dạy học ở Tuy-hòa, có dịp vào Saigon, nhà thơ Đam San (đang học ở Đại học Văn Khoa, viết văn lấy bút danh là Lương Châu – là người bạn học cũ cùng xóm) đưa tôi đến thăm chơi với mấy người bạn ở Viện Đại học Vạn Hạnh - tôi đã có dịp “quen” nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ ở đây.

Khi Đam San giới thiệu, không ngờ anh Phạm Thế Mỹ đã nói: “Long cũng là đồng hương An-nhơn mà!” Anh ân cần thăm hỏi, chia sẻ cùng tôi cảm nhận về một số truyện ngắn của tôi đã đăng trên các báo. Cảm nhận đầu tiên về “con người” (tác giả) PTM trong tôi không có gì thay đổi so với trước đó: Anh vui vẻ, cởi mở, chân tình - không tỏ ra chút nào là “đàn anh” kênh kiệu như người nhạc sĩ người đồng hương thành danh khác! Con người anh, tình cảm anh, đã thể hiện rất rõ trong từng ca khúc thăm đượm tình quê, tình yêu, tình bằng hữu, tình đất nước; không “ngụy tạo” để lừa dối người khác! Tôi yêu thích nhạc anh, cũng từ con người chân phác, đôn hậu, chí tình của anh nữa. Âm nhạc (cũng như thơ & văn) – là chính con Người, không thể khác!

Sau năm 1978 - khoảng 1980, tôi về quê, nghỉ dạy, đang hành nghề “sửa khóa và làm chìa” ở hiên nhà, thì nhạc sĩ La Hữu Vang (đồng hương Bình định – đang ở đường Quang Trung. gần nhà tôi) bất ngờ đưa anh Phạm Thế Mỹ (và chị Diệu Lý) đến thăm. Gần mười năm không được tin nhau, gặp lại anh - tôi vô cùng ngạc nhiên và cảm động! Tiếp anh và ca sĩ Diệu Lý trong một hoàn cảnh rất khó khổ, lận đận - tôi vô cùng áy náy! Nhưng, dường như anh không hề quan tâm; tất cả đều vui vẻ cùng ngồi ở hiên nhà (bên cạnh tủ đồ nghề của tôi), trò chuyện, thăm hỏi nồng nhiệt như xưa. Tôi vội đi pha bình trà “cửa hàng phân phối” để cùng nhâm nhi cho đỡ nhạt. Tôi có “biết” chị Diệu Lý khi học ở Qui Nhơn, bởi hồi ấy chị đang là học sinh “nhí”của trường nữ tiểu học, nhưng là “giọng hát vàng” của các mùa thi hát, rất nổi tiếng! Đến lúc nầy, tôi mới có dịp “bày tỏ” lòng ngưỡng mộ tiếng hát ngày xưa của Diệu Lý khi chị đã là “giọng hát độc quyền” cho những ca khúc của Phạm Thế Mỹ…

Anh La Hữu Vang đang công tác ở phòng Văn hóa thông tin huyện, đã có nhã ý mời anh Phạm Thế Mỹ và Diệu Lý, dành cho quê nhà một đêm trình bày nhạc của anh. Anh PTM và DL đã rất hoan hỷ nhận lời trước tình cảm ưu ái của anh LHV và những anh chị em yêu quý nhạc PTM ở quê nhà.

Đêm nhạc của anh PTM được trình bày ở Hội trường của Thị trấn, có đông đảo anh chị em làm văn nghệ, giáo viên, học sinh, bà con ái mộ anh đến chia sẻ! Chị Diệu Lý đã trình diễn các ca khúc tâm huyết một thời của PTM với giọng hát điêu luyện, lôi cuốn, chân tình! Tôi rất tiếc là không kịp đưa tiễn hai người vào sáng sớm hôm sau.

Chiều nay, hơn ba mươi năm sau - một buổi chiều cuối năm hiu hắt, ngồi một mình ở hiên nhà, tôi chợt nghe “(…) hót đi chim, hót đi chim; hót cho mặt trời hồng quê ta. Hót đi chim, hót đi chim; hót cho đời nhọc nhằn trôi xa (…)” - âm vang từ ngôi nhà đôi diện trong xóm cuồn cuộn dội lại trong cái vắng lặng của buổi chiều; lòng tôi bỗng thấy ngậm ngùi thương nhớ xa xôi…

Năm 1972, tôi bị lệnh tổng động viên đẩy vào quân trường Đồng Đế Nha Trang cùng hàng ngàn thanh niên, sinh viên, bạn trẻ khác. Chiến tranh đang lan rộng và thảm cảnh của nỗi chết chóc chia xa đang khiến tất cả bàng hoàng, khổ đau, từng ngày đêm chìm ngập trong vô vọng! Người bạn cùng đại đội tên Trịnh Ngọc Luyện không biết mang từ đâu về bản nhạc “Thương Quá Tiếng Chim Việt Nam” của Phạm Thế Mỹ, ngày ngày lấy ra dò dẫm, ca hát, với chiếc guitar cũ kỹ. Anh thường hát vào những lúc được thư giãn buổi trưa, hay buổi chiều ở bãi tập về, chờ giờ ăn, giờ ngủ. Luyện hát “luôn mồm”, thường xuyên, hằng ngày - khiến có lúc tôi nghĩ, cậu ấy chỉ thuộc có một bản nhạc nầy mà thôi! “(…) Hoa cúc vàng trên sân anh, xinh như áo mới em ngày nào. Hoa nắng vàng trên quê anh, xinh như má thắm em ngày xanh. Nắng lên đi, nắng lên đi (…)” Nghe nhạc anh, hiểu lòng anh - tôi cảm thấy như được gần gũi anh hơn, và cũng trở nên “ghiền” bài ca ầy như Luyện. Tôi thường đùa, khi thấy Luyện ngồi im không hát: “Sao cậu không “hót đi chim, hót đi chim…”cho vui đi mà ngồi im ru vậy?”

Một ngày chủ nhật sau đó không lâu, “bạn nhỏ yêu dấu” của tôi từ Saigon có dịp nghỉ hè, ra Nha trang thăm bà con, đã tìm lên bãi tiếp tân Đồng Đế thăm tôi! Quen nhau qua thơ văn, lần đầu được gặp bạn-nhỏ giữa chốn “đao binh”, tôi rất ngạc nhiên, và xúc động. Bạn-nhỏ vừa thi đậu tú tài 2, được cha cho “phần thưởng” đi du lịch, đã chọn Nha trang, và Đồng Đế… Giữa buổi “trời đất nổi cơn gió bụi” mà còn có “khách má hồng” tìm thăm, quả thật không có niềm an ủi nào hơn! Bạn-nhỏ huyên thuyên kể đủ thứ chuyện, như vẫn thường huyên thuyên trong những tờ thư. Điều bất ngờ là, em kể suốt mấy tuần tham gia sinh hoạt “Đường Vào Đại Học” ở Viện KHGD của một sư huynh dòng Lasan dành cho các cô cậu Tú mới toanh, ngày nào sư huynh cũng bắt nhịp cho em và các bạn cùng hợp ca bài “Hoa cúc vàng trên sân anh…” khi mở đầu buổi sinh hoạt và lúc kết thúc.

Gặp nhau mấy giờ, lúc chia tay, tôi đã đề nghị:
“Em về Saigon mua gởi cho anh băng nhạc “Thương Quá Việt Nam và 18 Ca Khúc” nhé! Báo Hòa Bình vừa đưa tin tuần rồi. Ở đây, anh có cậu bạn ngày đêm gào lên ”hót đi chim, hót đi chim…”, nhưng cái giọng “ồ ề” lạc nhịp của cậu ấy khiến anh thèm được nghe…”

Buổi chiều cuối năm hôm nay, sau hơn 41 năm, ngồi ở hiên nhà để nghe “Thắp Tim lên, thắp Tim lên, thắp cho tình người dậy trong ta. Thắp Tim lên, thắp Tim lên, thắp cho mặt trời dậy trong ta. Yêu thương người, yêu thương ta, yêu luôn những thú hoang rừng già. Yêu bạn bè như yêu ta. Ôi thương quá Trái Tim Việt nam” khi anh đi xa (PTM mất lúc 3 giờ sáng ngày 16 tháng 1 năm 2009 tại Saigon) đã gần 5 năm, khi người bạn đồng hương Đam San cũng không còn trên cõi đời ở vào tuổi chưa tròn sáu mươi, khi người bạn trẻ Trịnh Ngọc Luyện từng ôm đàn nghêu ngao ngày nào ở Đồng Đế không biết mất còn nơi đâu, khi bạn-nhỏ vẫn mãi cách xa dầu đã gặp lại, khi tôi sắp bước vào tuổi bảy mươi mà đời còn lận đận…

Ánh trăng trong vời vợi trên bầu trời quê, tiếng chim non nồng ấm âm vang trên vòm cây khóm lá xóm nghèo, hoa Cúc Vàng quê hương đằm thắm từ Trái Tim anh tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ đang rền vang réo gọi bên tai, đã cho tôi phút giây hạnh phúc, thật ấm áp, một chiều muộn ngồi thầm lặng một mình trong cái se lạnh của buổi tàn đông…


Quê nhà, cuối tháng 12 - 2013


MANG VIÊN LONG


Bài đã dăng trong tập Tiểu Luận & Tạp Bút số 3
NHƯ NHỮNG GIỌT SƯƠNG
NXB Hội Nhà Văn
2014
Tác giả gởi tặng VNQT và cho phép đăng lại.

READ MORE - CHIỀU CUỐI NĂM NGHE LẠI NHẠC PHẨM “THƯƠNG QÚA VIỆT NAM” NHỚ PHẠM THẾ MỸ - Mang Viên Long

Trạch An-Trần Hữu Hội chúc mừng năm mới


READ MORE - Trạch An-Trần Hữu Hội chúc mừng năm mới

Monday, December 29, 2014

KÌA XEM BÓNG NGUYỆT LÒNG SÔNG... - Tranh-thư pháp Minh Đạo



(Hình trên được trích trong tập NƠI ẤY BÌNH YÊN)
有空
Hữu không
作有塵沙有,
為空一切空。
有空如水月,
勿著有空空。
Tạc hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không.
Hữu, không như thuỷ nguyệt,
Vật trước hữu không không.
                             
                                          Có và không 
                                   Có thì có tự mảy may
                                   Không thì cả thế gian này cũng không
                                   Kìa xem bóng nguyệt lòng sông
                                   Ai hay không có, có không là gì ?
                                                     (Người dịch: Huyền Quang tam tổ)
READ MORE - KÌA XEM BÓNG NGUYỆT LÒNG SÔNG... - Tranh-thư pháp Minh Đạo

Sunday, December 28, 2014

GIỌT LỆ TÌNH - Trúc Thanh Tâm

Tác giả Trúc Thanh Tâm


GIỌT LỆ TÌNH 

Qua rồi hò hẹn đón đưa
Cành cây tình ái đong đưa lá sầu
Ngọt ngào dậy sóng biển dâu
Hương bay lạc nẻo dãi dầu nhớ quên

Tình cờ tôi gặp lại em
Bốn mươi năm đã hằn thêm vết buồn
Mắt chờ môi đợi phai son
Còn đâu lối mộng thiên đường ngày xưa

Bất thần trời đổ cơn mưa
Vào ngồi quán lá gió lùa sau lưng
Cà phê từng giọt dửng dưng
Nhìn em vuốt tóc nghe từng sợi đau

Càn khôn cánh én nghiêng chao
Dòng sông định mệnh chảy vào xa xôi
Bây giờ tôi khóc chính tôi
Và em từng giọt lệ rơi xuống lòng !

 Cuối năm 2014
TRÚC THANH TÂM
(Châu Đốc)
READ MORE - GIỌT LỆ TÌNH - Trúc Thanh Tâm

ĐEN VÀ ĐỎ - Chu Vương Miện







đen và đỏ

canh bạc có canh đỏ canh đen
có canh lùa vào có canh chi
ra con người có người đen người
đỏ vàng thì vàng bạc thì trắng
than thì đen và lửa thì đỏ có kẻ
an nhàn có kẻ cực khổ có
kẻ đi trên đường cái ó kẻ
lăn xuống hố có kẻ đoàn tụ
với nhau có người vợ bỏ chồng
bỏ có người đi lính khố xanh
ngược lại có người đi lính khố
đỏ trong bàn cờ tướng có anh
thủ vai tốt xanh có anh thủ vai
tốt đỏ có anh làm lý trưởng
có anh làm thằng mõ có anh
số đen có anh số đỏ có anh
là cai mỏ than có anh chỉ
làm thợ mỏ có anh ung dung
ngồi nhâm trà có anh khom lưng
đẩy xe cắt cỏ

                        chu vương miện



READ MORE - ĐEN VÀ ĐỎ - Chu Vương Miện