Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, October 31, 2014

TÌNH KHÚC SỐ 2 - thơ Trúc Thanh Tâm





MÙA YÊU XANH NGÁT

Không gian lạ, thời gian cũng lạ
Tình gieo tinh, mật ngọt trên môi
Xuân xanh ngát, mùa yêu xanh ngát
Nắng trong hồn, hoa bướm trong tay !

TÌNH YÊU KHÔNG LỜI

Nếu anh làm biển cả
Em hạt cát nhỏ nhoi
Thế gian chưa định nghĩa
Bởi tình yêu không lời !

HẠNH PHÚC TRONG TA

Hạnh phúc phải nuôi dưỡng
Nó lẫn trốn trong ta
Một nụ cười tươi tắn
Như ánh nắng chan hòa !

                              TRÚC THANH TÂM
READ MORE - TÌNH KHÚC SỐ 2 - thơ Trúc Thanh Tâm

THƠ ĐƯỜNG CHỌN DỊCH: PHẠM VĂN NGHỊ - Phạm Đình Nhân dịch - Dịch giả Ngọc Châu giới thiệu

Phần 10 "108 bài thơ Đường chọn dịch".


(Tiếp theo kỳ trước).

20. PHẠM VĂN NGHỊ
      (1805 – 1881)
Phạm Văn nghị người xã Tam Đăng, tổng An Trung, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, nay là thôn Tam Quang, xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Đỗ Hoàng giáp năm 1838. Làm quan rồi về mở trường dạy học đào tạo nhiều danh nhân nổi tiếng. Khi Pháp xâm lược, ông dâng Trà Sơn kháng sớ. Ông là một nhà thờ yêu nước tiêu biểu nửa cuối thế kỷ XIX. Ông mất năm Canh Thìn (1880) hưởng thọ 75 tuổi.


78. CẢM TÁC

Nguyên tác: 
感  作

案  上  無  燈  残  影  入
檐  頭  苦  雨  落  聲  来

天  时  人  事  何  如  此
明  发  令  人  不  放  懷


Phiên âm: 
Cảm tác

Án thượng vô đăng tàn ảnh nhập,
Thiềm đầu khổ vũ lạc thanh lai.
Thiên thời nhân sự hà như khử?
Minh phát, linh nhân bất phóng hoài.


Dịch giả Phạm Đình Nhân


Dịch thơ:       
Cảm tác
                        Phạm Đình Nhân
                        Dịch 2005


Trên án đèn hoa sao lắt lay,
Ngoài hiên mưa gió não nề thay.
Cơ trời, nhân sự ra sao nhỉ?
Man mác lòng ta nỗi nhớ này.


Dịch giả Ngọc Châu

Cảm tác 
                         Ngọc Châu
                         Dịch 2014


Án hương không đèn, ảnh lay
Ngoài hiên mưa gió tạt bay não nề
Cơ trời, thế sự u mê
Nhớ chi man mác ủ ê lòng này?




79. BÁT NGUYỆT VŨ LẠO,
      THẦN KHỞI NGẪU TÁC

Nguyên tác:
八  月  雨  潦  晨  起  偶  作

自  夏  徂  秋  四  水  灾
劬  勞  周  野  菁  聲  哀
兰  花  不  解  忧  千  意
常  有  芗  风  扑  劓  来


Phiên âm : 
Bát nguyệt vũ lạo, thần khởi ngẫu tác

Tự hạ tồ thu, tứ thủy tai,
Cù lao chu dã, nhạn thanh ai.
Lan hoa bất giải ưu thiên ý,
Thường hữu hương phong phốc tị lai.


Dịch thơ : 
Tháng tám mưa lụt, sớm dậy chợt viết
                              Phạm Đình Nhân
                              Dịch 2005

Từ hạ sang thu bốn lụt rồi,
Công lao mất hết tiếng kêu trời.
Hoa lan chẳng thấu ta phiền muộn,
Mà vẫn đưa hương khắp mọi nơi.


Viết trong mưa lụt tháng 8                                   
                           Ngọc Châu
                           Dịch 2014

Hạ, thu, bốn lần lụt rồi
Công lao mất hết, kêu trời lan xa
Hoa lan chẳng thấu lòng ta
Cứ đưa hương tới nhà nhà, nơi nơi.


80. XUÂN NHẬT TỰ THUẬT

Nguyên tác:
春  日  自  述

事  事  偕  称  心
唯  有  一  不  滿
初  敌  落  楊  人
情  分  非  绛  觀
孤  讞  深  慮  患
逢  此  國  多  难
仰  屋  图  設  嘆

Phiên âm: 
Xuân nhật tự thuật[3]

Sự sự giai xứng tâm,
Duy hữu nhất bất mãn :
Sơ địch Lạc Dương[4] nhân,
Tình phận phi Giáng, Quán[5].
Tiết thứ phụng châu phê,
Cô nghiệt thâm lự hoạn.
Phùng thử quốc đa nan,
Ngưỡng ốc đồ thiết thân.


Dịch thơ : 
Tự thuật ngày xuân
                       Phạm Đình Nhân
                       Dịch 2007

Mọi việc đã vừa lòng,
Duy một điều chưa xong :
Khách Lạc Dương còn đó,
Tình Quán Giáng đâu còn?
Châu phê đôi ba lượt,
Đường hoạn nạn vẫn còn,
Vận nước lúc nguy nan,
Nhìn mái nhà thở than.


Cảm nghĩ ngày xuân
                     Ngọc Châu
                     Dịch 2014


Mọi thứ đã tạm yên lòng
Duy còn một việc vương trong dạ này:
Lạc Dương tích xưa còn đây
Quán, Giang trung tín ngày nay có là?
Châu phê đôi lượt ban ra
Hoạn nạn nào đã lui xa mở đường
Vận nước đang lúc tai ương
Nhìn lên than thở thượng phương thấu cùng.



[3] Bài thơ viết trong dịp Phạm Văn Nghị chuẩn bị đưa đoàn quân Nghĩa Dũng vào Đà Nẵng đánh Pháp. Đoàn quân lên đường ngày 27.2.1860
[4] Khách Lạc Dương chỉ Giả Nghị, một nho sinh có tài được vua Hán tin dùng, sau có kẻ gièm pha nên bị vua Hán xa lánh. Tác giả tự ví mình như Giả Nghị, có ý  ám chỉ việc ông mộ quân tình nguyện vào Đà Nẵng đánh giặc bị một số triều thần gièm pha là chia quyền của triều đình.
[5] Giáng, Quán : chỉ Giáng hầu Chu Bột và Quán Anh là 2 cận thần được vua Hán Văn đế tin dùng

(Còn tiếp)
READ MORE - THƠ ĐƯỜNG CHỌN DỊCH: PHẠM VĂN NGHỊ - Phạm Đình Nhân dịch - Dịch giả Ngọc Châu giới thiệu

CON DÊ CỦA ÔNG SEGUIN - Nguyễn Tường chuyển thành văn vần




CON DÊ CỦA ÔNG SEGUIN
Tác giả: Alphonse Daudet
Bản dịch văn xuôi: HÀ KỲ LAM
Chuyển thành văn vần: NGUYỄN TƯỜNG

Ông Seguin không mấy diễm phúc
về những con dê mình đã nuôi.
Ông đã mất tất cả chúng rồi
cùng trường hợp giống nhau như một:
những buổi sáng bầu trời trong suốt,
chúng bứt dây lên núi dạo chơi
sói khi không được dịp no mồi.
Những vuốt ve ân cần của chủ,
những nguy cơ của bầy sói dữ,
không đủ sức níu giữ chúng đâu.
Dường như bản tính nó từ lâu,
những con này chỉ thích độc lập,
thích tự do, giá nào bất chấp.

Ông Seguin chẳng hiểu dê mình,
nên ông đã vô cùng ngạc nhiên:

- Thế là hỏng. Con nào cũng thế.
Thôi từ nay khỏi dê với dễ.

Tuy nói vậy, nhưng chưa dễ đâu,
sáu con trước mất chưa bao lâu,
ông quyết định mua con thứ bảy;
nhưng lần này ông suy nghĩ lại,
chọn lựa một con dê còn non
để nó quên cuộc sống nhà ông.

- Ồ, anh Gringoire nghe tôi nhé,
con dê lần này rất đẹp đẽ.
Đôi mắt nó trông thật dịu dàng;
đẹp đẽ nhất là bộ râu cằm,
trông chẳng khác thầy cai, thầy đội;
móng bốn chân đen màu bóng chói;
sừng có vằn; bộ áo trắng tinh
làm thành chiếc áo khoác lên mình.
Nó chẳng khác con dê kiều nữ,
nàng Esméralda, bạn nhớ chứ?
Hơn nữa, nó ngoan và dễ thương,
mỗi lần vắt bầu sữa đang cương,
nó đứng yên, không hề động đậy,
không thọc chân vào thùng sữa ấy.
Một con dê hết chỗ nào chê.

Mảnh đất ông Seguin gần kề,
chung quanh trồng táo gai bao bọc.
Ông buộc con dê vào cây cọc,
cắm ngay chỗ đẹp nhất khu vườn,
chỉ thỉnh thoảng ông ra trông chừng,
vì đã có sợi dây dài lắm.
Con dê sẵn đây nhiều cỏ gặm,
dáng chừng như nó thấy hài lòng,
điều đó rất thích đối với ông:

- Cuối cùng có con này vừa ý.

Ông đã lầm vì nhìn lại kỹ,
con dê của ông biết buồn rồi.

Lần nọ, nhìn lên núi một hồi
nó tự nhủ, "Giá như được sống
trên rừng núi thiên nhiên lồng lộng
hẳn phải là thích thú biết bao!
Đời sẽ ra sung sướng thế nào
được nhảy nhót vui cùng cây cỏ
không có sợi dây đeo trầy cổ!
Cuộc sống mải quẩn quanh nơi này
chỉ hợp với bò trâu nuôi bầy.
Họ nhà dê phải là cõi khác
cảnh bao la khung trời khoảng khoát.

Kể từ đó cỏ cây quanh bên
đã trở thành nhạt nhẽo buồn tênh.
Nỗi muộn phiền tự nhiên ngự xuống;
con dê ngày một thêm gầy ốm,
bầu sữa tươi cứ thế cạn dần.
Ai thấy vậy chẳng khỏi phân vân
cảnh con dê sợi dây tròng cổ
tối ngày chỉ loanh quanh một chỗ,
đầu quay về rặng núi trên kia,
mũi phồng to, miệng réo "mê mê"
trông rầu rĩ không sao tả hết.

Ông Seguin rõ ràng nhận biết
có điều gì khác lạ xảy ra,
nhưng không biết khác lạ gì là...
Một buổi sáng ông vắt xong sữa,
con dê nói không còn nhịn nữa:

- Ông Seguin ơi, đây quá buồn,
hãy cho tôi lên núi ở luôn.

Ông Seguin vô cùng sửng sốt,
chiếc bình sữa trên tay rơi tuột,
ông nói, "Ối hỡi trời đất ơi!
Đến phiên con này giở chứng rồi!"

Đoạn ông dùng giọng ôn tồn nói:

- Này Blanquette, ta thật tình hỏi.
Bộ con muốn lìa bỏ ta à?

Và Blanquette trả lời ông ta:

- Đúng như vậy, kính thưa ông chủ.

- Phải chăng cỏ nơi đây không đủ?

- Ồ, không phải vậy đâu, thưa ông.

- Con muốn dây dài hơn phải không?
Có lẽ sợi dây này ngắn quá.

- Đừng nhọc công, ông Seguin ạ.

- Vậy con cần gì, ta làm cho?

- Con muốn được sống đời tự do
trên núi kia, ông Seguin ạ.

- Vậy e nguy hiểm cho con quá,
con há chẳng biết con sói sao.
Nó đến, con chống cự cách nào?

- Thưa ông, con dùng sừng đánh nó.

- Cặp sừng con chỉ là đồ bỏ,
chọc cười thêm lũ sói mà thôi.
Nó đã xơi sáu con dê rồi,
kể cả con cặp sừng rất khỏe.
Con Renaude là con dê mẹ
năm ngoái con đã biết là ai
mạnh hơn cả các cậu dê trai.
Nó quần nhau suốt đêm với sói...
đến sáng thành mồi cho lũ đói.

- Thật tội cho chị Renaude tôi,
nhưng cứ cho tôi vào núi thôi.

- Chúa ơi! Chẳng lẽ phần số vậy,
các dê tôi đều chết cách ấy...
Con này rồi cũng bị sói ăn...
nhưng với con, ta phải cản ngăn.
Đề phòng ngày con bứt dây buộc,
từ nay, ta bỏ vô chuồng nhốt.

Nói xong, ông bỏ dê vào chuồng,
đóng hai lớp cửa nhốt dê trong.
Nhưng rủi thay, ông quên cửa sổ,
vừa quay lưng con dê nhảy sổ
và dần theo hướng núi đi ra...

Bạn đang cười đó hả, Gringoire?
Tôi biết thế nào bạn cũng sẽ
đứng về phía con dê, đúng lẽ,
chống lại ông chủ Seguin mà.
Nhưng để xem lát nữa thôi à
liệu còn cười được không nữa nhé.

Khi nàng dê trắng từng bước nhẹ
lần đâu tiên đến được núi rừng
thì mọi vật ngây ngất vui mừng.
Hàng tùng già suốt đời chưa thấy
một sinh vật xinh đẹp như vậy.
Tất cả đứng chiêm ngưỡng dung nhan,
nghinh tiếp nàng như một nữ hoàng.
Rồi khi ngang qua những cây lật
chúng rạp cả người nghiêng sát đất
vuốt ve nàng mỗi bước chân qua.
Những sắc vàng trắng đỏ muôn hoa
tỏa hương thơm theo nàng dọc lối.
Cả núi rừng tưng bừng mở hội.

Bạn thử suy nghĩ xem, Gringoire,
bây giờ con dê của chúng ta
có phải quá sung sướng không chứ!
Không còn cây cọc, sợi dây nữa;
không ai cấm nó nhảy tung tăng;
cỏ khắp rừng thỏa sức tìm ăn.
Chính ở đó có nhiều cỏ lạ;
cỏ cao đến sừng dê, bạn ạ!
Và cỏ thật tuyệt! Cỏ mịn màng,
thơm ngon, đủ loại tới hàng ngàn.
Hương vị khác xa vườn ông chủ,
nghĩ thêm buồn cười khu vườn cũ.
Còn phải nói tới hoa nữa cơ!
Những cánh hoa chuông lớn xanh lơ,
những lóng hoa ngón tay đỏ thắm,
có đủ loại hoa tha hồ ngắm;
một rừng hoa mọc dại tràn đầy
chất nhựa thơm ngọt dịu ngà say.

Con dê trắng nằm lăn ra đó,
bụng no say nhìn trời chổng vó,
dọc theo triền dốc nhẹ hàng lăn,
cành lá khô rạp dưới lưng nàng.
Rồi thình lình đứng phắt người dậy,
thoắt một cái nó tung mình chạy
khi qua bụi rậm, khi đỉnh đồi,
qua khe, qua suối, chạy khắp nơi.
Người ta tưởng như là cả chục
dê ông Seguin đang sạo sục
trong núi kia tìm kiếm thức gì.

Con Blanchette bây giờ khác đi,
nó không còn sợ điều gì cả.

Nó lên nằm trên những phiến đá
phơi mình giữa nắng cho khô lông,
sau khi nhảy qua các suối sông,
nước tung tóe lên người ướt đẫm.

Có một lúc, đến gần vực thẳm,
nó nhìn thoáng xuống dưới, xa xa,
nhà ông Seguin, nó nhận ra,
với hàng cây vây kín khoảng đất.
Nó ràn rụa nước mắt, cười ngất.
Nó nói một mình, "Nhỏ làm sao!
Vậy mà tôi từng bị tống vào.
Ờ, mà sao mình sống được nhỉ?"

Tôi nghiệp cho con dê nhỏ tí.
Thấy mình đang ở trên chỗ cao,
nó tưởng mình to lớn làm sao,
to lớn như thế giới này vậy.

Tóm lại, đó là ngày hiếm thấy,
đối với con dê trắng đẹp xinh
vừa thoát khỏi tay ông Seguin.
Khoảng trưa, đang lang thang đây đó,
khi đến mấy cây nho dại nhỏ
nó đụng đầu bầy mễn đang ăn.
Chị dê áo trắng đã mê lăn.
Các con mễn nhường chị dê mới
cây nho ngon nhất mùa đang tới,
và mấy chàng trai vốn ga lăng
thấy phụ nữ là nhảy lăng xăng.

Gió trời bỗng trở nên dịu mát.
Những ngọn núi chuyển màu tím nhạt.
Chiều đã xuống mau... "Hết ngày rồi!"
Con dê thốt lên; thoáng bồi hồi;
nó ngỡ ngàng, và dừng bước lại.

Dưới kia, các cánh đồng thoai thoải
chìm trong màn khói sương lung linh.
Khoảng vườn sau nhà ông Seguin
mất hút trong sương mù quanh quất,
chỉ thấy làn khói bay phơ phất
từ nóc nhà thỉnh thoảng cuộn lên.
Nó lắng nghe những tiếng xưa quen,
lục lạc treo cổ bầy súc vật
đang trên đường về chung chuồng chật,
và thấy lòng rười rượi nỗi buồn...
Một con chim ưng dang cánh buông
sà thấp xuống lướt tìm tổ cũ.
Con dê rùng mình, một tiếng hú
cất lên từ phía núi xa xa,
"hou! hou! hou!" nghe rợn cả da.

Nó nghĩ ngay đến con chó sói;
đến mối nguy ông Seguin nói;
con vật dại dột suốt cả ngày
không mảy may nghĩ đến điều này.
Cùng lúc, tiếng tù và vang tới
từ phía thung lũng xa bên dưới.
Ông Seguin đang cố công tìm.

"Hou! hou! hou!"... Con sói gào thêm.

Chiếc tù và nghe rất khẩn thiết.

- Trở về thôi! Trở về kẻo chết!

Blanquette đang muốn trở về đây.
Nhưng nhớ lại cái cọc, sợi dây,
hàng dậu bao quanh khu vườn cỏ,
nó không muốn sống lại cảnh đó,
và nó chỉ muốn ở đây thôi.

Chiếc tù và không thổi nữa rồi...

Con dê nghe đằng sau đám lá
tiếng lay động vang lên kỳ lạ.
Nó quay lại, và trong bóng đêm
hai cái tai ngắn dựng đứng lên
và hai con mắt ngời sáng chói...
Đúng đây là một con chó sói.

Con sói nằm im, xù bộ lông,
nhìn con dê trắng vẻ thèm thuồng.
Biết con mồi trong tay đã chắc,
nên nó chẳng vội vàng nhọc xác;
chỉ có điều khi thấy con dê
vừa ngoái đầu nó cười hề hề
cười với giọng vô cùng dữ tợn,
"ha ha, con dê của lão khốn,"
và đưa cái lưỡi to tướng ra,
liếm quanh đôi mép của hắn ta.

Con dê Blanquette thấy tuyệt vọng.
Nó nhớ chuyện Renaud muốn sống,
chiến đấu suốt đêm với ác gian
để đến hôm sau bị sói ăn,
nó tự nhủ thôi thà nộp mạng;
thế rồi nó vội đổi ý hẳn,
hạ thấp đầu, giương cặp sừng lên,
dũng cảm như dê ông Seguin.
Chẳng phải nó nghĩ hạ được sói -
có con dê nào từng hạ nỗi -
nhưng nó muốn cầm cự, phản công
thử bằng sức con Renaude không.

Con ác quỷ lao người tới chụp,
cặp sừng con dê múa liên tục.
Ôi, con dê quả thật can trường!
Anh Gringoire, tôi chẳng ngoa đâu,
hơn mười lần con dê húc đầu
làm chó sói phải lùi thở dốc.
Giữa lúc nghỉ hưu chiến phút chốc,
con dê ăn vội ít lá cây,
rồi trở lại vòng chiến kịp ngay.
Cứ như thế, hai bên qua lại
quần thảo suốt đêm không e ngại.
Thỉnh thoảng con dê nhìn sao trời,
trong lòng thầm nhủ, "Cũng được rồi,
miễn ta cầm cự được tới sáng."

Tinh tú trên trời dần tan loảng.
Hai đối thủ tới tấp xuất đòn,
Blanquette với những cú húc sừng,
và chó sói chuyên dùng cú ngoạm.
Chân trời đã từ từ hừng sáng.
Có tiếng gà gáy giọng khàn khàn
cất lên từ đâu một điền trang.

"Thế là xong," con vật tội nghiệp
thốt lên, đợi đầu ngày để chết.
Trên mặt đất sóng sượt nó nằm,
trong bộ lông trắng đẹp máu loang...

Lúc bấy giờ con sói chồm tới
bắt đầu ăn thịt con dê mới.
Con dê của ông chủ Seguin.

Nguyễn Tường
New York City

2014 National September Eleven Memorial
READ MORE - CON DÊ CỦA ÔNG SEGUIN - Nguyễn Tường chuyển thành văn vần

Thursday, October 30, 2014

SÔNG NƯỚC MIỀN TÂY: CAO LÃNH - phóng sự ảnh của Lê Bá Lư

(Tiếp theo kỳ trước)

III-ĐỒNG THÁP

1- Cao Lãnh:


Phà Cao Lãnh qua Sa Đéc về Long Xuyên


Khu trung tâm thành phố Cao Lãnh




Kênh Hòa An


Khu lăng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc


Mộ cụ Phó bảng





"Xuân  thì"....  trong khu di tích



Với "Tiểu đội trưởng"




Mớ hàng thôn quê


Hàng nhiều hơn...


Thợ làm vườn Cao Lãnh


Thú vui trai làng..


Tiểu ni cô chùa Bạch Liên


Thọ trai ở chùa Bạch Liên


Đường vào khu du lịch sinh thái Gáo Giồng




Từ tháp canh nhìn xuống khu sinh thái


Toàn cảnh khu sinh thái nhìn từ tháp canh


Mời khách cùng em bước xuống thuyền...


Cô lái thuyền Y Phụng vừa chèo vừa hát dân ca...


Nắng chia nửa bãi chiều rồi...


Du khách dạo chơi trên kênh


Đặc sản khu du lịch Gáo Giồng: Cá lóc nướng trui cuốn lá sen non  chắm nước mắm me;  cơm nấu từ gạo huyết rồng trộn hạt sen; Cà dái dê bẻ ngang ăn kèm mắm chưng trứng vịt; ốc bươu hấp  sả chấm mắm gừng; chuột đồng nướng; cháo rắn...  và các loại rau đồng... uống với rượu mật ong tràm.


READ MORE - SÔNG NƯỚC MIỀN TÂY: CAO LÃNH - phóng sự ảnh của Lê Bá Lư