Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, March 31, 2013

THƠ TRÚC THANH TÂM

TRÚC THANH TẤM


TRÚC THANH TÂM
Sinh năm 1949, tại Long Mỹ (Cần Thơ). Quê gốc: Cái Nước (Cà Mau)
Làm thơ, viết văn đăng báo, tạp chí từ năm 1964.
Địa chỉ: 287 đường Louis Pasteur, khóm Vĩnh Phú, phường Châu Phú A, Châu Đốc (An Giang)
Email: tructhanhtaam@yahoo.com
Điện thoại: 0903 643 751
Blog cá nhân: http://blogtiengviet.net/tructhanhtam


THƠ TRÚC THANH TÂM

VỚI TRỊNH CÔNG SƠN

Cơn chấn động hào hoa tứ tán
Giữa trần ai có kẻ ôm đàn
Cất lời ca nỗi đau nhược tiểu
Rồi kêu gào như chịu hàm oan !

Cơn trốt cuốn theo mùa hạ trắng
Biết bao giờ trở lại vườn xưa
Trong tâm khảm vết thương đau buốt
Bóng đời xa, nhoà dưới cơn mưa !

Quê hương có nhiều nơi để đến
Chốn quay về chỉ có một thôi
Nên muôn kiếp vẫn người ở trọ
Đoá vô thường còn nở trên tay !

Sài Gòn, 1980                                               


MƯA YÊU

Nắng bốc cháy trên bờ môi tình tứ
Trời tháng tư sắc phượng rực rỡ thêm
Em qua ngõ, áo hoa vàng hoàng hậu
Nắng trên cành, qua vai áo anh nghiêng !

Một chút nhớ và chút hương ngày cũ
Anh bâng quơ trong giấc ngủ trưa hè
Em chợt đến rồi chợt đi, không rõ
Một lúc nào, những hờn dỗi, vuốt ve !

Chút ấm áp, chút nồng nàn dáng nhỏ
Chút thần tiên hiền hiện mắt trong veo
Chút mưa lạ và đất trời xao xuyến
Anh lặng nhìn em khóc, chút mưa yêu !



MƯỜI NĂM CUỘC TÌNH

Về ngang trường đại học
Vời vợi mắt buồn xưa
Tóc em dài còn để
Lợp bờ vai, nắng thưa !

Hàng cây xanh kỷ niệm
Người cũ đã ra trường
Mười năm, anh trôi nổi
Mười năm, em nhớ thương !

Con đường dài hun hút
Quán cà phê ngày nào
Cô bé mười năm cũ
Giờ đã biết yêu nhau !

Mười năm, anh có lẽ
Hạnh phúc cũng no lòng
Mười năm, em biết khổ
Tình đầu sông, cuối sông !

Xa nhau mười năm đó
Những bão giông cuộc đời
Những đam mê, nông nổi
Nên tình là gương soi !

Biết còn gì để nói
Cho cuộc tình đôi ta
Những ngày xưa hờn dỗi
Những bây giờ xót xa !

Mười năm dài vô tận
Anh treo hoài ước mơ
Mười năm, em chờ đợi
Cùng nhau chung chuyến đò !

Về ngang trường đại học
Anh thấy buồn hơn xưa
Mỗi người đi mỗi ngã
Cuộc đời và cơn mưa !

Ôi, mười năm để nhớ
Hay mười năm để quên
Làm người đâu phải dễ
Dù rằng còn con tim !

Hãy bay đi nỗi nhớ
Trong phấn son cuộc đời
Thương một màu mắt cũ
Cơn mưa đời phôi phai !
                                       
                                               
                                      TRÚC THANH TÂM
                                            ( Châu Đốc )
_____________
READ MORE - THƠ TRÚC THANH TÂM

ĐÀ LẠT TÌNH BUỒN - Thy Lệ Trang họa thơ Trầm Vân

Thy Lệ Trang


ĐÀ LẠT TÌNH BUỒN
(Họa bài thơ cùa anh Trầm Vân)

Chút sắc vàng của Dã Qùy
Cộng thêm chút nắng xuân thì trên môi
Cho em rạng rỡ môi cười
Cho anh mãi ngắm mây trôi quên về
Xuân Hương với ánh trăng thề
Tình như trang giấy trọn bề tinh khôi
Đồi Thông mưa bụi rơi rơi...
Sánh vai nhẹ bước, bồi hồi đôi tim
Hồ Than Thở nắng chưa lên
Sương mù bao phủ, dịu mềm trời Xuân
Anh đi, bỏ lại sau lưng...
Hàm Nghi dốc cũ, bâng khuâng đêm dài
Em nghe buồn nặng trên vai
Thả theo giòng nước, miệt mài chờ trông
Doành Câu chiếc lá mong manh
Khác gì Cung Nữ góp, dành tàn hơi
Vườn Xuân hoa lá đâm chồi...
Bướm đa tình đã ... một trời ... xa bay...         
      
 THY LỆ TRANG          
 Massachusetts


 ĐÀ LẠT NGHIÊNG TÌNH

Em về nghiêng cánh Dã Quỳ
Áo vàng bay gió thầm thì bờ môi
Vàng lên lấp lánh nụ cười
Mù sương Đà Lạt thả trôi chiều về

Con đường mây xõa tóc thề
Cành hoa Cúc trắng bốn bề tinh khôi
Tay cầm giọt nắng vàng rơi
Xít xoa cái lạnh bồi hồi qua tim

Dốc cao dốc ngược đường lên
Chào cô sơn cước môi mềm nụ xuân
Ché em gùi ở sau lưng
Gùi tình ai đó bâng khuâng đường dài

Hồ Xuân Hương sóng kề vai
Cà phê góc phố miệt mài ngồi trông
Bên hè Phượng Tím tím lòng
Nhẹ rơi sắc nhớ vào trong ly tình

Triền đồi ngọn cỏ mỏng manh
Áo len em mặc để dành làn hơi
Thổi cho mặt đất đâm chồi
Ngàn hoa rạo rực ngát trời hương bay.

Trầm Vân
READ MORE - ĐÀ LẠT TÌNH BUỒN - Thy Lệ Trang họa thơ Trầm Vân

CHÁU ÔM NỘI NGỦ CHIỀU THÔI NÔI - thơ Thế Lộc

Tình thương cho Dương Thế Bảo Lâm



Tay cháu nhỏ, ngắn quá đi
Sao ôm giữ nổi Nội khi tuổi già
Vòng tay cháu dáng Thiên Nga
Ôm nửa ngực Nội như là triều dâng
Trong giấc ngủ cháu Thiên thần
Không hề vương mắc bụi trần thế gian.
Một mai Hạc nội mây ngàn
Nội không còn ở trần gian để mà
Thương cháu đã sớm mất cha
Thương người mẹ trẻ vào ra một mình
Thương dâu số kiếp linh đinh
Phu thê gảy gánh một mình nuôi con.

23/01/2013
Thế Lộc

READ MORE - CHÁU ÔM NỘI NGỦ CHIỀU THÔI NÔI - thơ Thế Lộc

THƠ VUI NGÀY CÁ THÁNG TƯ - La Thụy

  



  NGÀY CÁ THÁNG TƯ

     Anh rất yêu em
     Mong rằng biển cứ vẫn xanh 
     Và CÁ mãi tươi 
     Trong THÁNG TƯ, NGÀY MỒNG MỘT 
     Để chúng ta được nói dối ngọt ngào
     Không ai phải hờn ghen giận dỗi
     Dù là chồng em hay vợ anh - cũng rứa

     Dù thật sự
     Có những phút ngoại vợ ngoại chồng 
     Mà hình như ai cũng có 
     Ngay nhà thơ Thuận Hữu
     Hình như cũng đắn đo
     Khi viết ra điều đó ! 


     Anh lại nói to cùng hoàng hôn
     Anh yêu em hơn kia nhé !
     Dù gió có chuyển lời tình tự 
     Hay mây mang lời giận dỗi
     Dù mưa nắng thất thường
     Như tính tình em 
     Yêu giận ghen hờn
     Đổi thay từng buổi

     Anh xót lòng vì hôm nay
     "Em buồn như con chó ốm 
     Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
     Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
     Để anh giận 
     Sao chẳng là nước biển"
     Như thơ NGUYÊN SA anh thuộc
 

     May rằng CÁ không ươn 
     Vì NGÀY MỘT THÁNG TƯ 
     Không đòi lỗi chuộc 
     Khi mọi người thi nhau nói  dối 
                                       LA THỤY

(Chúc mọi người ngày CÁ THÁNG TƯ nói dối thật hay nhé!) 

READ MORE - THƠ VUI NGÀY CÁ THÁNG TƯ - La Thụy

Friday, March 29, 2013

VĂN CHƯƠNG THÔI "GÂY CHIẾN" ĐỂ "ĐỐI THOẠI" - Mi Ly giới thiệu "ĐỐI THỌAI VĂN CHƯƠNG" của Trần Nhuận Minh – Nguyễn Đức Tùng

Bìa cuốn Đối thoại văn chương do NXB Tri thức ấn hành.


Văn chương thôi “gây chiến” để "đối thoại" 

“Lâu nay, những gì chúng ta viết trên blog và báo chí hầu hết là hạ bệ nhau chứ chưa phải đối thoại văn chương đúng nghĩa” – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu trong buổi ra mắt cuốn Đối thoại văn chương của hai tác giả Trần Nhuận Minh – Nguyễn Đức Tùng tại Hà Nội.

Cả hai người: Trần Nhuận Minh, một nhà thơ Việt Nam nổi danh (cũng là anh trai nhà thơ Trần Đăng Khoa) và Nguyễn Đức Tùng, một bác sĩ gốc Việt ở Canada, đều có chung những trăn trở về văn chương. Cuốn sách Đối thoại văn chương là một cuộc đối thoại đúng nghĩa, trải dài suốt 9 tháng, từ tháng 1 đến tháng 9/2011. Nguyễn Đức Tùng hỏi và Trần Nhuận Minh trả lời, chủ đề: văn chương Việt Nam.

Viết một cuốn để ghi lại những gì mình nghĩ, 2 tác giả đã chọn làm chung công việc này và chọn một hình thức không phải là độc nhất vô nhị nhưng vẫn mới hơn so với nhiều cuốn sách bình văn thơ chủ yếu độc thoại trong nước lâu nay.

 
Hai tác giả Trần Nhuận Minh (trái) và Nguyễn Đức Tùng.

Tiếp bước Chân dung và đối thoại của "cậu em" Trần Đăng Khoa

Cách đây 15 năm, nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng từng viết cuốn phê bình Chân dung và đối thoại (1998). Trong đó, các vấn đề văn chương được phát biểu qua các cuộc đối thoại thật và tưởng tượng, cũng mang lại không khí mới mẻ cho văn chương, thậm chí trở thành một hiện tượng vì những nhận định khác người gây bất ngờ của tác giả. Dư luận sôi nổi đến mức có cả sách phê bình cuốn phê bình này, chẳng hạn cuốn Cảm nhận & phê bình văn học: bàn về “Chân dung và đối thoại” của nhà giáo Lê Xuân Lít.

Trở lại với cuốn Đối thoại chân dung vừa ra mắt. Nguyễn Đức Tùng cũng không xa lạ với đối thoại, cuốn Thơ đến từ đâu (2009) của tác giả này cũng gồm các bài viết kiểu trò chuyện, phỏng vấn. Còn với Trần Nhuận Minh thì đâylà cuốn đối thoại đầu tiên của ông và trong sách, ông là nhân vật trung tâm, người phát ngôn chính.

Nhà thơ Vũ Quần Phương nói: “Nói về kinh nghiệm làm thơ thì Trần Nhuận Minh chỉ thua mỗi Trần Đăng Khoa. Trần Đăng Khoa giỏi tự giễu nhưng thỉnh thoảng hơi đi quá trớn, còn cách nói Trần Nhuận Minh thì chừng mực, khiến người ta mỉm cười”.

  
Trao đổi văn chương không phải để “hạ độc” nhau

9 tháng trao đổi cả trực tiếp lẫn qua thư từ và 265 cặp câu hỏi – trả lời đã được 2 tác giả chọn lọc đưa vào cuốn sách. Tuy nhiên, 9 mục chính trong sách không phân chia theo vấn đề hay nhân vật mà theo trình tự thời gian, chẳng hạn chương 1 – Đối thoại tháng Giêng, chương 2 – Đối thoại tháng Hai… Điều này phần nào thử thách khả năng tập trung của người đọc.

Thêm vào đó, sách dày 836 trang. Mà, theo lời nhà thơ Trần Nhuận Minh trong một bài phỏng vấn, dự định ban đầu của 2 tác giả chỉ là 200 trang.

Từng đó thông tin để thấy Đối thoại chân dung không phải một cuốn sách có thể đọc nhanh, cũng không thể đọc một lần hết ngay, nhưng những ai đã đọc thì đều đọc rất kỹ. Trong buổi ra mắt, các nhà thơ Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Nguyễn Quang Thiều, Châu Hồng Thủy… đều có những nhận xét tỉ mỉ.

Bàn về 2 chữ “đối thoại”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam liên hệ với thực tiễn văn học: “Trong đời sống văn học Việt Nam hiện nay, chưa bao giờ người ta bàn về thơ khủng khiếp như bây giờ, nhưng không phải là đối thoại. Tôi có cảm giác những gì được bàn trên blog, facebook hay thậm chí báo chí chính thống là để “hạ độc” nhau, tạo nên những cuộc chiến tranh lạnh, chứ không tìm cách để đối thoại với nhau”.

“Nếu so sánh thì cuộc đối thoại của Trần Nhuận Minh và Nguyễn Đức Tùng mang bản chất khác” -Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định.

Khác với Trần Đăng Khoa vẫn thường xuyên xuất hiện, viết báo, viết blog để bày tỏ quan điểm, người anh Trần Nhuận Minh lặng lẽ hơn. Ông không thường nói về thơ, cả thơ người lẫn thơ mình. Lần này ra sách, ông nói: “Người làm thơ không cần phải ngồi đây để nói chuyện, cũng không cần phải diễn giải. Tất cả những gì tạo nên giá trị của nhà thơ đều nằm trong thơ”.

Theo đó, để hiểu những suy nghĩ của ông, nên đọc cuốn sách mà qua đó ông thể hiện nhiều trăn trở, chính là Đối thoại văn chương. Trong cuốn sách, nhà thơ cũng điểm lại những dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của mình, chẳng hạn khi ông từ bỏ toàn bộ sáng tác trong 25 năm bao cấp (1960 –1985), gồm 166 bài thơ và 2 trường ca, để “tự khai sinh lần thứ hai cùng với công cuộc đổi mới đất nước”.


Hai nửa của một cuộc đối thoại

Nhà thơ Trần Nhuận Minh sinh năm 1944 ở Hải Dương, là anh trai nhà thơ Trần Đăng Khoa. Hiện ông sống và viết ở Hạ Long trong khi người em trai ở Hà Nội. Trần Nhuận Minh đã xuất bản 17 tập thơ, 3 tập văn xuôi và mới nhất là cuốn Đối thoại văn chương. Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 2 năm 2007.

Tác giả Nguyễn Đức Tùng sinh tại Quảng Trị, theo học ngành y. Hiện ông sống ở Canada, làm việc trong ngành cấp cứu, là bác sĩ chấm thi của hội đồng Y khoa Canada, thường trú Đại học British Columbia (UBC). Ngoài ra ông sáng tác, dịch thuật và viết phê bình. Tác phẩm khác: Thơ đến từ đâu? (2009) viết về thơ Việt trong và ngoài nước.

Mi Ly


Bài đã đăng trên Tạp chí Thể Thao &Văn Hóa (thethaovanhoa.vn)

READ MORE - VĂN CHƯƠNG THÔI "GÂY CHIẾN" ĐỂ "ĐỐI THOẠI" - Mi Ly giới thiệu "ĐỐI THỌAI VĂN CHƯƠNG" của Trần Nhuận Minh – Nguyễn Đức Tùng

Thursday, March 28, 2013

MAI SAU - Chùm thơ Võ Văn Luyến


Võ Văn Luyến và Thảo Nguyên

MAI SAU

Mai sau nếu anh nghĩ lại 
Chắc không như anh bây giờ 
Em ơi, em đâu có biết 
Thời gian xoá dấu không ngờ 

Mai sau nếu anh làm lại 
Chắc không như anh bây giờ 
Cuộc sống mến yêu ban tặng 
Mà anh quá đỗi ơ thờ 

Mai sau nếu anh yêu lại 
Chắc không như anh bây giờ 
Làm thằng con trai trắc nết 
Thậm thình đến mấy nàng...thơ. 



MƯA ĐAKRÔNG 

Cơn mưa đưa tôi về Đakrông 
Thấp thoáng bóng ai dưới cây xanh 
Thì thầm điều chi mà lá vẫy 
Đất dậy hương sắc đỏ viên thành 

Mưa mềm như mắt môi của rừng 
Như vạt tóc đẫm chiều sương khói 
Như câu hát níu ngàn sau ở lại 
Nhịp rung ngân con sóng phù sa  

Mưa miên man kể chuyện ngày xưa 
Người Pakô – Vân Kiều đánh Mỹ 
Môn thục, rau rừng thay cơm trừ bữa 
Lòng kiên trung trong gian khó bao mùa 

Ôi cơn mưa dệt gấm thêu hoa 
Trên sắc áo chàm đón ngày vui mới 
Trên nụ cười hân hoan như tiệc cưới 
Rộn lòng tôi. Đakrông, Đakrông…


                    15/11/2010

                            VVL
READ MORE - MAI SAU - Chùm thơ Võ Văn Luyến

Châu Thạch đọc THÁNG BẢY TRỜI MƯA, thơ Lê Thiên Minh Khoa

Lê Thiên Minh Khoa



THÁNG BẢY TRỜI MƯA                
       Tặng Nguyễn Đình Vinh

Biết bây giờ là tháng bảy trời mưa
Áo mỏng em tôi ướt đã mấy lần ?
Chân bước ngập ngừng lối về hoa rụng
Ngõ cũ còn hằn dấu vết người đi ?

Dạo này nhà mình còn ăn khoai mì?
Gánh than ướt đầm mẹ chắc nặng lắm ?
Chân bước âm thầm dốc dài tóc trắng
Có bóng cây nào để mẹ nghỉ không ?


Có tháng bảy nào mà  mưa không rơi
Bạn bè tôi ơi, ướt nhoẹt hết rồi
Chân bước phiêu bồng mòn khuya nhầu tóc
Thuốc lá vàng tay có  tím làn môi !

Ôi cuộc đời, mưa tháng bảy rơi rơi ! ...

LTMK 


Châu Thạch


Lời bình: Châu Thạch

     Tôi chưa gặp Lê Thiên Minh Khoa lần nào. Nhìn ảnh anh đăng trên các trang web, thấy mái tóc dài, dày, quăn, bềnh bồng trên khuôn mặt ốm, xương, tôi đoán anh là người nhiều ưu tư và lãng mạn. 

     Đọc thơ anh, tôi khẳng định được võ đoán của mình không sai trật.  

     Lê Thiên Minh Khoa là con người ưu tư và lãng mạn, đọc hết 46 bài thơ của anh đăng trên trang web Tiếng quê Hương, tôi thấy mỗi bài thơ đều chứa nhiều nối ưu tư. Thơ viết về tình yêu, thơ viết về cuộc sống, thơ viết về thiên nhiên đều có nỗi dằn vặt của những nan đề chất chứa trong lòng anh, nhưng xen vào đó tâm hồn lãng mạn của anh bàng bạc trong thơ. Bài thơ rất mới là bài “Cảm xúc miền Trung”(*) tác giả suy tư về “Những cánh đồng nhỏ nhoi”, " Những ngôi mộ bằng cái nón cời”, “Những cây lúa gầy guộc giống như dáng mẹ” và “Cái đòn gánh dãi dầu mưa nắng” của miền Trung. 

     Còn bài thơ “Tháng bảy trời mưa” tác giả nói về mưa thì ít 
mà để tâm hồn băn khoăn cho em "áo mỏng em tôi ướt đã mấy lần", lo lắng cho mẹ già "gánh than ướt đầm/chân bước âm thầm dốc dài tóc trắng/có bóng cây nào để mẹ nghỉ...",  thương cảm cho bè bạn "ướt nhoẹt hết rồi/chân bước phiêu bồng mòn khuya nhầu tóc/thuốc lá vàng tay có  tím làn môi"...  

     Thưở xưa, ở tuổi 20 tôi yêu bài thơ “Tháng sáu trời mưa” của Nguyên Sa, nhưng ở tuổi nầy, với vốn liếng ít nhiều trường đời của mình, bài thơ ấy không còn gây cảm xúc mạnh cho tôi bằng bài thơ “Tháng bảy trời mưa” của Lê Thiên Minh Khoa.

     Bài thơ mở đầu bằng bốn câu thơ sau:              
               
                 Biết bây giờ là tháng bảy trời mưa
                 Áo mỏng em tôi ướt đã mấy lần ?
                 Chân bước ngập ngừng lối về hoa rụng
                 Ngõ cũ còn hằn dấu vết người đi ?

   Người ta thấy trong bốn câu thơ nầy hình ảnh nổi cộm là chiếc áo mỏng của em ướt đầm trong mưa gió, đôi chân ngập ngừng bước trên lối về hoa rụng. Người ta còn thấy bóng mờ như ảo ảnh làm cho bức tranh đẹp nhưng buồn càng trở nên lạnh thêm bởi bóng người đi để lại dấu vết hằn trên ngõ cũ. Thật ra dấu vết người đi làm sao hằn trên ngõ cũ được mà hằn trên tâm trí người ở lại mỗi khi nhìn ra ngõ cũ hay hằn trong tâm trí tác giả mà thôi. Bốn câu thơ mở đầu ghép hình ảnh thực tại trên cái nền của quá khứ, lồng cái vẽ đẹp của đường hoa, của ngõ xưa trên bức tranh ướt át của mưa tháng bảy làm cho nỗi ưu tư nhẹ đi nhưng lại lắng xuống hằn một vết hằn trong lòng. Bây giờ, vết hằn của người đi để lại trên ngõ cũ lại ở chính trong lòng của người đi và ở chính trong lòng của người đọc bài thơ.

     Khổ thứ hai của bài thơ, nỗi  ưu tư trăn trở gia tăng thêm, nặng nề thêm và những bức tranh ảm đạm đậm nét về mẹ được vẽ lên ở đây:                                        

                Dạo này nhà mình còn ăn khoai mì ?
                Gánh than ướt đầm mẹ chắc nặng lắm ?
                Chân bước âm thầm dốc dài tóc trắng
                Có bóng cây nào để mẹ nghỉ không ?

     Không còn ngõ xưa mang kỷ niệm, không còn đường hoa dấu hoa rụng mà thực tế phũ phàng lộ diện trong bốn câu thơ: Bữa ăn toàn khoai mì, gánh than ướt đầm của mẹ, dốc dài tóc trăng và  đường vắng bóng cây. Tác giả dùng lối miêu tả xoắn ốc, cho những sự kiện tăng lên dần gây tác động nhẹ và êm để người đọc thưởng thức được toàn bộ cái mượt mà của thơ nhưng con tim lại từ  từ co lại vì nỗi ảm đạm giữa đời. Tôi không chê loại thơ viết hùng hồn, tôi không ghét loại thơ viết bi lụy, nhưng tôi yêu loại thơ nầy, như cơn gió nhẹ càng lâu càng thấm lạnh vào người, người không co ro run rẩy nhưng không phải là không làm cho trong lòng tê tái.

       Khổ thứ ba của bài thơ là vế  dành cho sự lãng mạn, là vế thơ vỗ về người đọc bớt đi giá rét trong lòng, bước vào khung trời buồn nhưng thi vị của cuộc đời hay của thi nhân:

               Có tháng bảy nào mà mưa không rơi
               Bạn bè tôi ơi, ướt nhoẹt hết rồi
               Chân bước phiêu bồng mòn khuya nhầu tóc
               Thuốc lá vàng tay có  tím làn môi !

              Ôi cuộc đời, mưa tháng bảy rơi rơi  ! ...

     Những câu thơ của khổ cuối nhắc đến bạn bè trong mưa những buổi chơi khuya, nhắc đến thuốc lá vàng tay và làn môi tím lạnh, là nhắc đến những kỷ niệm thân thương rất đẹp trong thời kỳ gian khổ và  kết tứ bài thơ bằng một câu thơ mở, rất gợi "Ôi cuộc đời, mưa tháng bảy rơi rơi! ... ". Kỷ niệm nầy càng có bạc tiền thì càng khó thể nào có được. Không còn là cảm xúc thơ ưu tư dằn vặt mà là một khổ thơ hoài cảm, hoài cảm một thời không phải vàng son trong cuộc sống vật chất nhưng có lẽ vàng son trong nhiều mặt của tâm hồn người thi sĩ. Đem sự hoài cảm trong lòng mình đưa vào khổ chót của bài thơ là làm cho bài thơ không trở nên sướt mướt theo tiến độ xoắn ốc, tăng cấp  như những lối viết thường tình, mà đưa cảm xúc quay lại ở trạng thái nhẹ nhàng như giây phút ưu tư ban đầu. Tuy thế. ở phần đầu, tác giả đặt cảnh đẹp trong hoàn cảnh buồn, còn ở phần cuối tác giả lại đặt cảnh buồn của mưa gió trong hoàn cảnh đẹp của tình bạn từng gắn bó bên nhau, từ đó cả ý thơ và cách kết cấu bài thơ đều linh động.  

     Bài thơ có ba khổ, khổ giữa mẹ gánh toàn bộ nỗi ưu tư của tác giả, hai vế kia là em và bạn với nỗi ưu tư nhẹ hơn vì có xen vào những hình ảnh kỷ niệm êm đềm. Mẹ  là trung tâm của chủ đề bài thơ, em và  bạn là khung tô điểm hai bên làm cho bài thơ  được kiến tạo hài hòa những hình ảnh thân yêu, và nhờ đó người đọc thấy tâm hồn mình êm ái . Vậy cho nên bài thơ “Tháng bảy trời mưa” có thể gọi là bài thơ trữ tình, thứ tình yêu thương trong veo, sáng láng của thơ, không gợn gì sự bi lụy khóc than làm khổ đau thêm nữa mà gợi khắc một nỗi buồn làm đẹp, làm thanh cao tâm hồn con người.                                                       

                                                                                                                                 Châu Thạch

(*) Link: Lê Thiên Minh Khoa: Cảm xúc miền Trung                    
READ MORE - Châu Thạch đọc THÁNG BẢY TRỜI MƯA, thơ Lê Thiên Minh Khoa

THƯ MỜI VIẾT BÀI CỘNG TÁC - Vũ Thu Vân, Thư ký Ban biên soạn Công trình sách "Ký ức người lính"


THƯ MỜI VIẾT BÀI CỘNG TÁC

Kính gửi: Quý Cơ quan.

Đồng kính gửi: Các nhà văn, nhà báo, các cựu chiến binh và đông đảo quý độc giả.

Hiện nay Công ty Cổ phần truyền thông Nghĩa tình đồng đội chúng tôi đang thực hiện công trình sách “Kí ức người lính”, là nội dung thực hiện chương trình phối hợp hoạt động tuyên truyền giai đoạn 2011 – 2015 của Bộ thông tin Truyền thông và Tổng cục Chính trị phối hợp chỉ đạo; Và tiếp tục cải tiến về nội dung và hình thức website http://nghiatinhdongdoi.vn theo hướng hiện đại, hiệu quả và thân thiện hơn.

Để xây dựng nội dung công trình sách “Kí ức người lính” và website, chúng tôi kính đề nghị các nhà văn, nhà báo, quý bạn đọc, các đồng chí Cựu chiến binh viết bài cộng tác.

Nội dung các bài viết là những kí ức, những kỉ niệm, chiến công, cảm xúc, tình cảm… của các cựu chiến binh và hậu phương trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; quá trình trở lại đời thường lập nghiệp của mỗi người lính; những trăn trở với xã hội và sự nhắn gửi, kì vọng vào thế hệ con cháu; tình cảm đồng chí của người lính trẻ hôm nay... Với mong muốn ghi dấu lại những năm tháng hào hùng của những con người làm nên lịch sử dân tộc nhằm giao lưu, chia sẻ những kí ức, kỉ niệm của những người trong cuộc, tưởng nhớ những người đã khuất và hơn hết nhằm lưu giữ như một tài sản vô gái cho thế hệ sau.

Ban Biên tập chúng tôi trân trọng kính mời Quý bạn đọc, cựu chiến binh, người lính... gửi bài cộng tác. Tin, bài, ảnh và các ý kiến hưởng ứng, đóng góp, chia sẻ của Quý vị xin gửi về địa chỉ 
email: kyucnguoilinh@gmail.com 
hoặc newtoanphong@gmail.com  
hoặc thư về địa chỉ: Ban biên tập Công ty Nghĩa tình đồng đội, Số 55/85 Trung Tả, Khâm Thiên, Hà Nội; ĐT: Ms Thu Vân 0982332793.

Chúng tôi  mong Quý bạn đọc, CCB trong cả nước tham gia viết bài, đóng góp ý kiến, chia sẻ các nội dung chuyên môn để Công trình sách “Ký ức người lính” đạt chất lượng xứng tầm lịch sử.

Thông tin liên quan, xin vui lòng tham khảo tại Website http://www.nghiatinhdongdoi.vn/

Trân trọng,
BAN BIÊN TẬP


Người gởi đăng: Vũ Thu Vân, Thư ký Ban biên soạn Công trình sách "Ký ức người lính".
ĐT: 0982332793. 
Email: kyucnguoilinh@gmail.com


READ MORE - THƯ MỜI VIẾT BÀI CỘNG TÁC - Vũ Thu Vân, Thư ký Ban biên soạn Công trình sách "Ký ức người lính"

Trần Thị Quỳnh Hoa - SỨC MẠNH ĐỒNG TIỀN


SỨC MẠNH ĐỒNG TIỀN
(Thủ vĩ liên hoàn)

Gớm thay sức mạnh của đồng tiền
Xô ngã người đời cảnh đảo điên
Mua đứt thanh gưom tay hảo hán
Bẻ cong ngòi bút bọn văn biền
Giai nhân dễ hóa trong thành đục
Thức giả mau thay trắng đổi đen
Là cái khiên che bao tội ác
Gớm thay sức mạnh của đồng tiền.

                                QUỲNH HOA
READ MORE - Trần Thị Quỳnh Hoa - SỨC MẠNH ĐỒNG TIỀN

Lê Thiên Minh Khoa - THÁNG BẢY TRỜI MƯA

Lê Thiên Minh Khoa


THÁNG BẢY TRỜI MƯA                
Tặng Nguyễn Đình Vinh

Biết bây giờ là tháng bảy trời mưa
Áo mỏng em tôi ướt đã mấy lần ?
Chân bước ngập ngừng lối về hoa rụng
Ngõ cũ còn hằn dấu vết người đi ?

Dạo này nhà mình còn ăn khoai mì ?
Gánh than ướt đầm mẹ chắc nặng lắm ?
Chân bước âm thầm dốc dài tóc trắng
Có bóng cây nào để mẹ nghỉ không ?

Có tháng bảy nào mà mưa không rơi
Bạn bè tôi ơi, ướt nhoẹt hết rồi
Chân bước phiêu bồng mòn khuya nhầu tóc
Thuốc lá vàng tay có  tím làn môi !

Ôi cuộc đời, mưa tháng bảy rơi rơi ! ...

LTMK
READ MORE - Lê Thiên Minh Khoa - THÁNG BẢY TRỜI MƯA