Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, February 28, 2013

THẦM LẶNG MỘT LÀN HƯƠNG - Phan Kỷ Sửu

Khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh


    (Thân tặng các bạn đang khoác áo blouse ở TN)

Một làn hương đâu đó bồng bềnh
Có phải từ dòng suối tóc em?
Đêm vào ca trực, đêm im ắng
Hương ngấm vào tôi cả chất men!

Một làn hương lặng lẽ dịu êm
Có phải từ đôi vành môi mềm
Thắm son mà ạt ào như sóng
Đến cả câu thơ cũng đắm chìm

Một làn hương dào dạt, lâng lâng
Trại bệnh đêm dài, nhẹ bước chân
Hình như từ áo blouse trong trắng
Hương rợp tình đời em biết chăng?

Một làn hương thoang thoảng ngây ngây
Lắng mãi, không tàn không nhạt phai
Với tôi đâu có hương nào khác
Như thế để lòng luôn đắm say!

                       PHAN KỶ SỬU
kysuuttv@yahoo.com.vn
READ MORE - THẦM LẶNG MỘT LÀN HƯƠNG - Phan Kỷ Sửu

KHÓI CHIỀU VIẾNG MẸ - Chùm thơ Nguyễn Hải Đăng

Tác giả NGUYỄN HẢI ĐĂNG



KHÓI CHIỀU VIẾNG MẸ (1)

Khói chiều lan toả ven sông
Làng quê êm ả, sắc hồng mờ sưong
Con đi biết mấy dặm đường
Trở về thăm Mẹ quê hương đợi chờ
Đường về như tỉnh như mơ
Lòng con lại nhớ mẹ chờ năm nao
Con đi kháng chiến gian lao
Mẹ ngồi tựa cửa biết bao tháng ngày
Ngoài sân nặng hạt mưa bay
Mưa bao nhiêu hạt, đếm ngày con đi
Đồng quê vẫn lúa xanh rì
Khói Lam vẫn toả, chiều ni đơm đầy
Dáng chiều bóng mẹ hao gầy
Sớm hôm tần tảo cấy cầy thổi cơm
Mẹ ngồi đun bếp rơm thơm
Qua làn khói mỏng, thương thầm nhớ con
Con đi lòng dạ sắt son
Giặc tan con lại về bên mẹ hiền
Để nghe Mẹ kể cô tiên
Bước ra quả thị, dịu hiền, nấu cơm
Ngày xưa bếp rạ, bếp rơm
Ngày nay bếp điện nấu cơm thay rồi
Con về trong dạ bồi hồi
Những mong gặp Mẹ, Mẹ ơi! không còn
Đường quê xe chạy bon bon
Còn đâu bùn đất mầu son, mưa lành(2)
Ngày xưa mái rạ, mái gianh
Ngày nay ngói đỏ, ngói xanh, cao tường
Điện đèn sáng cả quê hương
Làng ta đổi mới, nhiều đường hơn xưa
Khói lam phảng phất chiều mưa
Con như thấy có gió mưa bên lòng
Dâng lên Mẹ nén nhang vòng
Khói chiều viếng Mẹ ở trong vĩnh hằng.    
                                                25/4/2011 
______________
(1) Chiều hè ngày 3-4-2011 về quê viếng Mẹ trong chuyến đi thăm quan xuyên Việt của đoàn CB hưu trí tỉnh Bình Thuận.
(2) Mưa nhẹ mưa phùn, mưa thật là an lành và thoang thoảng cảm giác nhẹ dịu.


VỀ HUẾ
      
Nghe lời ru Huế vẳng ầu ơ
Với tiếng dạ thương đến ngẩn ngơ
Bến ngự Hương Giang màu áo tím
Đông Ba - Đại Nội nón bài thơ
Non xanh nước biếc hoà sương khói
Lăng tẩm cảnh thiêng với phụng thờ
Diễm lệ Tràng Tiền dìu gót ngọc
Dịu hiền duyên dáng cố đô mơ.


ANH CHỜ EM
(Thơ bình thanh)

Lạ gì mùa xuân bên đồi dương
Mà lòng anh nôn nao buồn vương
Em ra đi như hương hoa bay
Anh chờ em bao ngày bên đường

Anh đi tìm em nào ai hay
Qua bao mùa xuân rồi em ơi
Hàng cây dương xanh giờ còn đây
Mà sao em chưa về nơi này

Nơi đây ghi lời thề hai ta
Dù bao nhiêu ngày giờ đi qua
Hay muôn ngàn trùng em nơi nao
Anh chờ em về, phương trời xa.


TRĂNG MƠ

Trăng mơ ôm ấp đêm thơ
Cà phê nồng ấm đang chờ đợi ai
Nhạc lòng vương vấn đêm dài
Mây bay gió lặng trên đài xem sao
Rộn ràng ngày mới nao nao
Hoàng hôn lặng xuống phố bao tâm tình
Mong sao sớm thấy bình minh
Mình em không chỉ một mình mà thôi
Đường xuân tuy đã qua rồi
Nhưng còn có ánh trăng ngồi mộng mơ.
                                    12-6-2011


   
VIẾNG NGHĨA TRANG TRƯỜNG SƠN *

Tôi đến Trường Sơn buổi sáng nay
Viếng bao đồng chí nghĩa ơn dày
Tượng đài liệt sĩ, vi vu gió
Vạn bóng hồn thiêng, quyện khói mây

Vì nước hy sinh, anh nằm đó
Quê nhà thương nhớ, biết bao ngày
Hương thơm dâng thắp lòng thành kính
Tổ quốc ghi công bất tử này.
                                    28-3-2011
__________
* Đây là khu an nghỉ của 10333 anh hùng liệt sĩ. Vào ngày 19 tháng 5 năm 1999 nhân kỉ niệm 40 năm ngày thành lập binh đoàn Trường Sơn. Chính phủ nhà nước quyết định nâng cấp và tân trang khu liệt sĩ để một phần nào thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã khuất, hy sinh vì đồng bào Tổ quốc.



VỮNG BƯỚC ĐI LÊN
(Tặng Công ty cổ phần thương mại Bình Thuận)

Em về Bình Thuận với quê tôi
Biển biếc Rừng xanh Phố sáng ngời
Phân phối lưu thông thời đổi mới
Ngày nay Thương nghiệp khác xưa rồi

Qua mấy mùa Mai Cúc nở vàng
Từ thời bao cấp đổi rời sang
Cổ phần thương mại nơi Bình Thuận
Phát triển tiến nhanh bước vững vàng.

Xuân về Tết đến mỗi năm sang
Đại hội cổ đông rực sắc vàng
Giám đốc, Cổ đông vui rạng rỡ
Cùng nhau xây dựng đẹp huy hoàng

Công ty – Đại lý gắng sinh lời
Cán bộ, Nhân viên đẹp rạng tươi
Phục vụ kinh doanh theo hiện đại
Văn minh tiến bộ sánh muôn nơi. 

                        Xuân Nhâm Thìn 26-1-2012



LA GI MÙA THU ẤY

Rằng ai có về cho ta nhắn gửi
Miền đất La gi gió lộng biển xanh
Trải qua năm tháng vất vả đấu tranh
Giành độc lập phất cao cờ tháng tám
Bắt tây nhảy dù, Đồi dương nắng rám
Nhớ về ngày ấy một chiều La gi
Tháng tám mùa thu, náo nức người đi
Theo tiếng gọi của hồn thiêng sông núi
Tự do độc lập, phơi phới niềm vui
La gi mùa thu, tràn ngập nắng vàng
Hào khí năm xưa mãi còn âm vang
Mùa thu ấy một trời thu cách mạng.
                                                 9-2011



VỀ LA GI ĐI EM

Về La gi đi em
Với sông Dinh, núi Bể
Về nghe hát dân ca
Trong điệu lý quê nhà
Ơi tiếng hát quê hương
Tiếng hát bao ân tình

Về La gi đi em
Về tắm mát Đồi dương
Ăn Ốc hương Cam bình
Thăm làng hoa Tân lý
Ngắm biển đẹp Hòn Bà
Soi bóng đêm trăng ngà
Theo gió về núi Ông
Nghe chuyện tình huyền thoại

Về La gi em ơi
Đây bến đợi bến chờ
Nhớ thương ai mộng mơ
Nghiêng nghiêng nón bài thơ
Tóc mây bay trong gió
Tựa mạn cầu Suối đó
In bóng vào trời xanh

Về La gi với anh
Thăm rừng vàng biển bạc
Ta đi viếng dinh Thầy
Thăm đò đầy Tân Long
Trong hương chiều gọi gió
Cho ai về thuyền ơi
Bên dòng sông thương nhớ
Bóng em trong sao mờ
Trăng vời vợi  mong chờ

La gi  em về đi
Câu tình ca điệu lý
Man mác vọng hồn thơ
Nhớ thương cùng nhau đợi
Có thương cùng nhau chờ
La gi! về đi em. 
                                    20/05/2011
    
                                                            

Nguyễn Hải Đăng    
Quê quán: Xã Thúc Kháng - Bình Giang - Hải Dương
Đ/C hiện nay: 22/1 Lê thị Riêng - Kp3 - phường Phước hội -Thị xã La gi-Bình thuận
-Có thơ in chung một số tuyển tập
-Thơ in riêng: La Gi Biển Nhớ NXB Văn học 2013
Hội viên Câu lạc bộ thơ ca La gi, Bình thuận.
Hội viên CLB UNESCO Thơ Đường Việt Nam, Chi nhánh TX La Gi – Bình Thuận.
Hội viên CLB sáng tác VHNT Việt Nam
ĐT: 062.3843.013 ĐTDĐ: 0908.611.158
Email: haidang32002@yahoo.com
READ MORE - KHÓI CHIỀU VIẾNG MẸ - Chùm thơ Nguyễn Hải Đăng

Châu Thạch - ĐỌC BÀI THƠ "MẸ" CỦA NGUYỄN THỊ DUNG

MẸ
Thơ Nguyễn Thị Dung

Vác một nửa con đường trên lưng nhỏ 
Chở cả con thuyền bé bỏng yêu thương 
Đấp bầu trời đầy nắng hồng soi tỏ 
Đo con đường bằng nhịp đập con tim 

Lá vàng rơi trong mùa thu mắt tím 
Dáng mẹ gầy trên đồng ruộng bao la 
Hai bàn tay chai sần nuôi con lớn 
Sống cuộc đời chỉ biết nghĩ ngày qua 

Mẹ là mây, lá gió, là bài ca 
Chấp cánh cho con bay vào cuộc sống 
Mẹ là nụ mai hồng đang nhựa sống 
Trong lòng con ăm ắp sắc hương nồng

Mẹ là hạt gạo thơm giữa mùa nước lũ 
Là dòng sữa nuôi con giữa mặn đắng cuộc đời 
Mẹ là loài hoa đỏ rực màu lửa 
Trang điểm cho con hãnh diện làm người

Rồi thời gian là nồng hương lửa đượm 
Tóc mẹ phai theo màu nắng sương phơi

Trong lòng mẹ, tự hào con kêu lớn 
Mẹ yêu ơi!
Con yêu mẹ nhất  đời                                  

NTD


Tác giả CHÂU THẠCH


Lời bình: Châu Thạch

        Thơ viết về Mẹ có lẽ đã chất đầy thư khố, cho nên tìm một bài thơ viết về mẹ mà ý không trùng lặp, câu không cổ xưa, và suy tư có điều mới mẻ không phải là chuyện dễ dàng. Tôi đọc được bài thơ viết về Mẹ của em Nguyễn thị Dung, một học sinh lớp 11, thuộc câu lạc bộ Bình Thạnh (Tây Ninh) và cảm nhận được những điều rất mới trong thơ. 

        Đầu tiên hãy đọc bốn câu thơ vào đề của tác giả:
                   Vác một nửa con đường trên lưng nhỏ
                   Chở cả con thuyền bé bỏng yêu thương
                   Đấp bầu trời đầy nắng hồng soi tỏ
                   Đo con đường bằng nhịp đập con tim
        Thật tình tôi không hiểu hết những điều tác giả muốn gởi gắm vào thơ, nhưng tôi có quyền suy luận theo cách nghĩ của tôi, với một chiều hướng khác. Với tôi hình tượng về Mẹ mà tác giả đã viết trong bốn câu thơ trên được thể hiện thành những hình ảnh như sau:
        - Vác một nửa con đường trên lưng nhỏ: Mẹ là ngọn núi cho con đường dốc leo lên.
        - Chở cả con thuyền bé bỏng yêu thương: Mẹ là dòng sông cho con thuyền lướt tới.
        - Đấp bầu trời đầy nắng hồng soi tỏ: Mẹ là mặt trời cho nắng chiếu huy hoàng.
        - Đo con đường bằng nhịp đập con tim: Mẹ là vận động viên đường dài không mỏi mệt.

        Vậy mẹ ở đây không phải là người phụ nữ yếu đuối thường tình, nhưng có đức tính yêu thương nên phải còng lưng chịu mưa gió ở đời để lo cho sự sống của con. Mẹ của Nguyễn thị Dung là ngọn núi, là dòng sông, là mặt trời, là vận động viên không mệt mỏi. Tóm lại mẹ của Nguyễn thi Dung chính là sức mạnh. Nguyễn thị Dung không diễn tả tình yêu của Mẹ như núi, như sông, như biển, như điều thường tình các nhà văn thơ thường nói, mà Nguyễn thị Dung đã diễn tả mẹ chính là núi, là sông, là biển. Em bỏ đi chữ  “như” và chính chữ “như” biến mất đã làm cho Mẹ có trái tim yêu hùng vỹ, hay nói xa hơn trái tim yêu đầy sức mạnh không nhân nhượng bao giờ.

          Ở khổ thứ hai của bài thơ tác giả diễn tả sự cần lao của Mẹ trở nên thơ mộng làm sao! Mẹ không còng lưng dưới đôi gánh nặng đi về trong mưa gió bão bùng. Mẹ không dầm mình trong nắng hè thiêu đốt hay trong gió lạnh mùa đông mà Mẹ đã làm việc giữa “Lá vàng rơi trong mùa thu mắt tím”:
                   Lá vàng rơi trong mùa thu mắt tím
                   Dáng mẹ gầy trên đồng ruộng bao la
                   Hai bàn tay chai sần nuôi con lớn
                   Sống cuộc đời chỉ biết nghĩ ngày qua
        Đọc bốn câu thơ trên người ta vẫn thấy Mẹ vô cùng gian lao, lam lũ nhưng hình ảnh mẹ trong thơ không còn là hình ảnh đau thương, tiều tụy, tội nghiệp, mà ngược lại, đó là hình ảnh của một sức mạnh siêu phàm đang đem hết sức mình để ban phát tình thương. Với bốn câu thơ nầy, người ta có thể vẽ thành bức tranh với đề tài “Mùa Thu Cần lao của Mẹ” đem đặt bên bức tranh có đề tài “mùa Thu nai vàng ngơ ngác” mà chẳng bao giờ thấy màu sắc phản ứng cùng nhau.


         Qua khổ thứ ba, Mẹ của Nguyễn thị Dung trở về với con người bình thường dung dị, mang tất cả hình ảnh thắm tươi ở đời. Thế nhưng, những hình ảnh tượng trưng cho mẹ ở đây cũng có vẻ đẹp nhẹ nhàng như  mây, như gió, như nụ mai hồng:
                       Mẹ là mây, là gió, là bài ca
                       Châp cánh cho con bay vào cuộc sống
                       Mẹ là nụ mai hồng đang nhựa sống
                       Trong lòng con ăm ắp sắc hương nồng
        Từ  bốn câu thơ đó ta không thấy Mẹ già nua, móm mém mà ta thấy mẹ trẻ trung và kiều diễm.

        Ở khổ bốn của bài thơ tác giả một lần nữa khẳng định Mẹ là sức mạnh qua câu “Mẹ là loài hoa đỏ rực màu lửa”. Đây là một ý tưởng vô cùng táo bạo mà tôi nghĩ các nhà thơ thành danh cũng chưa chắc gì mạnh tay hạ bút:
                       Mẹ là hạt gạo thơm giữa mùa nước lũ
                       Là dòng sữa nuôi con giữa mặn đắng cuộc đời
                       Mẹ là loài hoa đỏ rực màu lửa
                       Trang điểm cho con hãnh diện làm người
       Câu thơ  “Mẹ là hạt gạo thơm giữa mùa nước lũ” làm cho tôi liên nghĩ đến câu “Lụt lên hạt gạo loay hoay” của Vĩnh Thông. Vĩnh Thông đã cho hạt gạo đại diện cho người dân vùng lũ lụt còn Nguyễn thị Dung thì hóa thân mẹ mình vào trong hạt gạo rất thơm. Họ là những nhà thơ trẻ bạo gan, bạo miệng mà thâm thúy vô cùng.

       Kết luận của bài thơ cũng bình thường như nhiều bài thơ khác, nhưng sự trong trắng trong tâm hồn tác giả, sự nhẹ nhàng của những suy tư bay bỗng từ những câu thơ trên làm cho những câu thơ kết, tác giả bày tỏ tình yêu với Mẹ trở nên đầy ắp sự thân tình, tin yêu, đầm ấm:
                          Rồi thời gian là nồng hương lửa đượm
                          Tóc mẹ phai theo màu nắng sương phơi
                          Trong lòng mẹ, tự hào con kêu lớn
                          Mẹ yêu ơi!
                          Con yêu mẹ nhất đời

         Tác giả Nguyễn Thị Dung còn trẻ nên bài thơ cũng thật là rất trẻ. Trẻ với tôi có nghĩa là bông hoa vừa nở khoe sắc thắm tươi, tỏa hết hương thơm mà người nhìn vào chẳng bao giờ thấy được nét gì suy tàn như những đóa hoa từng nở rộ .
                                                                                                                 Châu Thạch
                  
  
READ MORE - Châu Thạch - ĐỌC BÀI THƠ "MẸ" CỦA NGUYỄN THỊ DUNG

VĂN ƠI! - Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)

Tác giả Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)

VĂN ƠI!
(Bài văn vần & lời giới thiệu chung của báo GD & TĐ)

Học Văn là học làm người
Không làm sâu, mọt, nhặng, ruồi, cáo gian…
Mà sao đời cứ thở than:
Quá nhiều những thứ quan tham chực chờ?!

Hối lộ, bè phái, tham ô…
Bệnh này Văn học … hững hờ ôi chao!
Nên chi thiên hạ càu nhàu
Giỏi Văn biết có giúp nhau được gì …

Đừng trách người học mê si
Họ không say đắm những gì “xa xôi”
Học Văn là học làm Người …

Tháng 5/2005
Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)

***
*Lời giới thiệu chung của báo Giáo Dục & Thời Đại Chủ Nhật số 21 ngày 22/5/2005 (Chuyên đề dạy Văn-học Văn):

“Đã quá nhiều “giấy mực” bàn về thực trạng môn Văn trong nhà trường hiện nay. Cuộc mổ xẻ để tìm căn nguyên cũng đã kéo dài tới mức đáng ghi vào “Guiness diễn đàn” nhưng xem ra vẫn khó kết thúc. Trong số này, chúng tôi tập hợp một số ý kiến xoay quanh trách nhiệm của người lớn - bao gồm cả giáo viên, phụ huynh và các nhà quản lí vĩ mô - đối với môn Văn trong nhà trường”.

READ MORE - VĂN ƠI! - Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)

KHÚC TRẦM TƯ BẢY CHỤC - Thế Lộc

Tác giả THẾ LỘC


Em cho ta chút chút
Ngỡ như mình đôi mươi
Bởi em cho chút chút
Nên ta đã khóc cười

Thời gian trôi chut chút
Giật mình đã bảy mươi
Bóng câu qua vun vút
Ta gần hết kiếp người

Em cho ta chút chút
Thấy mình còn xanh tươi
Lửa tình dâng ngùn ngụt
Lẫn nước mắt nụ cười

Cảm ơn đời ơn người
Đã cho ta nghỉ tạm
Trong gang tấc tiếng cười
Trong bao la sầu thảm...

26.02.2013
Thế Lộc
READ MORE - KHÚC TRẦM TƯ BẢY CHỤC - Thế Lộc

Hoàng Thị Thảo - CẢM NHẬN MỘT BÀI THƠ TÌNH HAY CỦA PHẠM NGỌC THÁI

Nhà thơ Phạm Ngọc Thái


ANH VẪN Ở BÊN HỒ TÂY
Thơ Phạm Ngọc Thái
           
Tình để lại vết thương không lành được
Soi mặt hồ in mãi bóng thời gian
Em hiền dịu trái tim từng tha thiết
Người con gái anh yêu nay hóa khói sương tan.

Ta cũng già rồi, em ơi! Vết thương còn đau buốt
Hạnh phúc qua như một cánh chim bay
Nông nỗi đời người để đâu cho hết
Tình thơ ngây... tình sao mãi thơ ngây…

Nhớ buổi đón em cổng trường sư phạm
Đôi mắt từ xa đã nhận ra người
Tình yêu có cái nhìn trong linh cảm
Giờ ở đâu, người con gái xa xôi?

Thế đó, em ơi! Tình qua không trở lại
Xế chiều rồi mà máu tim chảy mãi không thôi
Em có nghe gió Tây Hồ đang thổi
Anh ở đây, vẫn bên hồ Tây mây trôi...

                               2012 - trích tập "Hồ Xuân Hương tái lai"
                                              PNT     

LỜI BÌNH:
Hoàng Thị Thảo
             
           "Anh vẫn ở bên hồ Tây" là bản tình ca viết về mối tình của nhà thơ với một cô nữ sinh sư phạm, dù mối tình đó đã trở thành dĩ vãng:
                        Nhớ buổi đón em cổng trường sư phạm
                        Đôi mắt từ xa đã nhận ra người
                        Tình yêu có cái nhìn trong linh cảm      
           Người ta thường nói tình yêu có giác quan thứ sáu, bởi vậy nhìn thấy hình bóng người yêu từ xa đã nhận đã nhận ra ngay, cũng là điều dễ hiểu. Thế mà:
                       Giờ ở đâu, người con gái xa xôi?
          Anh thổn thức vọng gọi em xưa trong nỗi vắng, cô đơn! Tôi đã đọc nhiều thơ Phạm Ngọc Thái, không ít bài anh đã nhắc đến hình ảnh người nữ sinh này, bài nào cũng da diết, nhớ thương. Liệu đây có phải cũng chính là cô sinh nữ trường Sư phạm Ngoại ngữ trong bài thơ Em Về Biển của tập "Rung động trái tim"?... mà ở tựa đề của bài anh có ghi: Kỉ niệm K.A. người sinh nữ trường SPNN năm xưa, quê hương thành phố biển.
                                                  
          Em Về Biển cũng là một bài thơ tình sâu sắc và khá hay. Ở bài đó có một đoạn tác giả cũng nhắc đến việc đón người yêu bên cổng trường:
                       Hàng bạch đàn năm xưa còn đó
                       Anh còn đây, em hỡi! Anh còn đây
                       Nhớ những buổi đón em bên cổng trường sinh ngữ
                       Tóc nửa bạc rồi chỉ thấy gió mưa bay...
            Nhưng Em Về Biển anh đã viết từ năm 1993, khi mái tóc mới bạc nửa phần (như lời thơ) - Còn bài "Anh vẫn ở bên hồ Tây" này thì tác giả lại vừa sáng tác trong năm 2012, khi đã qua cái tuổi lục tuần. Sau gần 20 năm, chắc nay tóc nhà thơ đã phải bạc gần hết rồi? Thế mới biết tâm hồn thi nhân trẻ mãi không già.
           Hồ Tây chẳng phải chỉ là nơi nhà thơ sinh sống, ở đó còn ghi nhận bao nhiêu kỉ niệm tình yêu của đời anh. Mỗi khi qua lại bên hồ, không tránh khỏi những giây phút tác giả chạnh nhớ về tình cũ, lòng xa xót. Bởi vậy vừa mới vào thơ anh đã thốt lên:
                      Tình để lại vết thương không lành được
                      Soi mặt hồ in mãi bóng thời gian
            Và hình ảnh người con gái lại hiện về làm xao động trái tim anh:
                     Em hiền dịu trái tim từng tha thiết
                     Người con gái anh yêu nay hóa khói sương tan
            Hình ảnh "hoá khói sương tan" đó chính là một biểu tượng về cát bụi cuộc đời. Tình yêu thiêng liêng vậy, hình ảnh cô sinh nữ cũng hiền dịu và anh tha thiết đến thế, vậy mà giờ đây tất cả chỉ còn là sương khói. Ngôn ngữ thi ca của Phạm Ngọc Thái sử dụng thuộc loại ngôn ngữ hình tượng hội hoạ, tuy bình dị nhưng vẫn thanh thoát và hàm súc.
            "Anh vẫn ở bên hồ Tây" là một bài thơ tình cảm động. Vết thương tình dẫu chỉ là vô hình, nhưng nó lại có thể khoét sâu vào trái tim, tâm hồn làm cho nhà thơ đau đớn như không bao giờ lành lại được. Lòng anh lưu luyến cả một thời tuổi trẻ đã qua đi. Sang đoạn thứ hai, tình thơ càng được khắc sâu hơn về tình yêu:
                       Ta cũng già rồi, em ơi! Vết thương còn đau buốt
                       Hạnh phúc qua như một cánh chim bay
                       Nông nỗi đời người để đâu cho hết
                       Tình thơ ngây... tình sao mãi thơ ngây…
            Tôi nghĩ, người con gái kia khi nghe được những lời thơ này của anh chắc phải xúc động lắm! Nhà thơ đã trải nghiệm qua gần trọn một đời mình nên cái "nông nỗi đời người" - ở đây ý muốn nói về những mất mát trong tình yêu cũng như cuộc sống con người, càng thấy quí những hạnh phúc đã trôi đi. Cô gái ấy giờ đây đâu còn trẻ? nhưng trong kí ức nhà thơ, em vẫn trong trắng tươi mát như thuở nữ sinh - Câu thơ "Tình thơ ngây... tình sao mãi thơ ngây" là vậy. Trong tình yêu có biết bao sự ly tan chẳng ra đâu vào đâu, có khi cả hai người cùng yêu tha thiết với nhau suốt đời, ấy vậy mà cũng tan vỡ. Chính thế nên vào đoạn thơ thứ hai này lòng tác giả mới thổn thức: Ta cũng già rồi, em ơi! Vết thương còn đau buốt/-  Nghĩa là những năm tháng yêu em là thời gian hạnh phúc của đời anh. Đó là sự luyến tiếc cuộc sống và tình yêu tuổi trẻ, ngỡ đã vụt trôi như một cánh chim bay...
             Sau đó tác giả có nhắc lại về những buổi đón em bên cổng trường như đã nói ở trên, để cuối cùng anh kết:
                        Thế đó, em ơi! Tình qua không trở lại
                        Xế chiều rồi mà máu tim chảy mãi không thôi
                        Em có nghe gió Tây Hồ đang thổi
                        Anh ở đây, vẫn bên hồ Tây mây trôi...
             Hình ảnh gió hồ Tây thổi cùng những làn mây trôi...  là biểu tượng những tháng năm tiếp nối và cuộc sống heo hút của nhà thơ. Đó là hai câu thơ hay nhất bài, lời thơ sinh động đầy hàm ý. Nhờ hai câu kết này mà bài thơ được viên mãn và tầm vóc hay lên, để nói tình yêu cuộc đời vừa cát bụi vừa mãi mãi...
             Như lời Nguyễn Đình Chúc trong một bài bình luận về chân dung thơ Phạm Ngọc Thái, khi nói về tình thơ này đã có nhận xét:
               - "Anh vẫn ở bên hồ Tây" là một bài thơ tình hay của tập Hồ Xuân Hương Tái Lai, hình ảnh thơ rất chân thực nhưng vẫn cô đúc, dường như trên mỗi dòng thơ đều có máu tim của nhà thơ đang rỏ xuống...
              Rồi nhà bình luận khái quát:  
              - Bài thơ chỉ có 16 câu với 4 khổ thơ, được viết vào lúc cuộc đời tác giả đã về chiều khi nhớ lại mối tình với một người sinh nữ. 
              Đứng bên bờ hồ Tây gió thổi, mây bay... tác giả bồi hồi nghe tiếng của lòng mình đang trỗi dậy thưở còn tình yêu tuổi trẻ. Hình tượng thơ khắc họa trong câu cuối cùng: Anh ở đây, vẫn bên hồ Tây mây trôi.../- ý nói, những làn mây trôi kia không chỉ là cảnh vật thiên nhiên hoang vu mà nó còn  biểu thị cho cả khoảng thời gian  trôi. Như câu: Hạnh phúc qua như một cánh chim bay/- Nói lên niềm vui ngắn ngủi, thoảng chốc đã không còn. Hoặc khi tả về hình bóng người con gái xa xưa nay chỉ còn trong ký ức, anh viết:
              Người con gái anh yêu nay hoá khói sương tan
              Để biểu thị cho sự chìm lấp của thời gian đã trôi vào quá khứ" - Đó chính là thứ ngôn ngữ thi ca rất hàm súc và giàu tính biểu tượng.     
              Theo cảm nhận của tôi: "Anh vẫn ở bên hồ Tây" là một bài thơ tình vô giá của nhà thơ Phạm Ngọc Thái. Chẳng những bài thơ cảm hoá được lòng người, đồng thời còn có khả năng tồn tại với đời. Rất có thể thi phẩm sẽ trở thành một viên ngọc thi ca của văn đàn hôm nay và mai sau!

               Hoàng Thị Thảo 
               NR:  Số 13 ngách 366/36 đường Ngọc Lâm, 
Q.Long Biên, Hà Nội.
hoangthao059@gmail.com
READ MORE - Hoàng Thị Thảo - CẢM NHẬN MỘT BÀI THƠ TÌNH HAY CỦA PHẠM NGỌC THÁI