Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, January 30, 2013

NGUYỄN TRỌNG TẠO NÓI GÌ VỀ PHẠM DUY? - Trịnh Sơn thực hiện

                                         
Tapchitiengquehuong_ Chiều 27.01.2013, ngay sau khi biết tin NS Phạm Duy qua đời, nhà thơ trẻ trịnh Sơn làm ngay một phỏng vấn với nhạc sĩ- họa sĩ-  nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và mail ngay cho Tiếng Quê Hương nhưng do trục trặc đường truyền, đến chiều nay, 29.01 TQH mới nhận được.






  
Xin chào nhạc sĩ – thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo! Anh có nghĩ rằng mình sẽ tổ chức hoặc tham gia một sự kiện liên quan (thuộc về) âm nhạc mang tính chất dữ dội như đám tang Phạm Duy?

- Không bao giờ! 

Anh có mặt ở đám tang Trịnh Công Sơn?

- Ngày anh Sơn mất, tôi ở Hà Nội, phải viết đến 3 bài báo về anh ấy. Khi người ta tiễn anh Sơn ở Sài Gòn thì tôi và Nguyễn Thụy Kha lo chuẩn bị làm đêm nhạc “Tưởng nhớ Trịnh Công Sơn” ở Hà Nội sau 1 tuần anh ấy mất. Đó cũng là một cách đưa tiễn vậy.

Anh có từng nghe những lời đánh giá của Phạm Duy về nhạc Trịnh, nhạc Lê Uyên Phương, nhạc Ngô Thụy Miên?

- Tôi đọc điều đó trong hồi ký của Phạm Duy.

Có lẽ, chẳng ai muốn tự đánh giá về mình nhỉ. Nếu Phạm Duy đánh giá về nhạc Nguyễn Trọng Tạo, theo kiểu như Trịnh thì “nhu nhược”, Lê Uyên Phương thì “dục tính cao”…, anh nghĩ nhạc sĩ của Bà mẹ Gio Linh rát bỏng này sẽ dành lời nào với mình?

- Chắc họ Phạm không bao giờ chấp đến tôi.

Ngoài lề một chút, anh có nghe Phạm Duy trước khi anh sáng tác các nhạc phẩm nổi tiếng như Khúc hát sông quê, Làng quan họ quê tôi, Đôi mắt đò ngang,…?

- Tôi không được nghe nhiều ca khúc Phạm Duy.

Anh có gặp gỡ Phạm Duy?

- Tôi gặp Phạm Duy từ khi chưa gặp, nghĩa là “gặp giọng nói” khi ông ấy gọi điện thoại từ Mỹ về cho tôi. Rồi sau đó thỉnh thoảng gặp họ Phạm những dịp ông ấy hẹn.

Tôi từng nghe anh ngợi ca rằng, nhạc Phạm Duy là thứ không thể thiếu trong kho tàng văn hóa Việt Nam? Như Truyện Kiều trong tiếng Việt?

- Tôi có nói thế à? Câu trả lời này có vẻ giống Phạm Duy, nhưng có lẽ không giống về chất.

Phạm Duy giỏi thoát hiểm?

- Tôi nhớ có lần Phạm Duy nói trên BBC (radio) đại ý chim đại bàng thì bay khỏi đất nước, chim ác là thì ở lại. Sau đó bị một số nhạc sĩ trong nước phản ứng. BBC đề nghị ông giải thích câu nói của ông thì Phạm Duy ngạc nhiên: Tôi có nói thế à?

Ấy là thời cuộc hay vì thiên tài của ông, đối với chính trị như với âm nhạc?

- Ông Phạm Duy có lần nói với tôi: Mình có làm chính chị chính em gì đâu.

Nhiều nhân sĩ trí thức yêu Phạm Duy. Ai không yêu có thể phải xem lại mình. Anh đánh giá thế nào về “hiện tượng” Phạm Duy?

- Đó là hiện tượng của thiên tài.

Vượt qua cả Trịnh Công Sơn? Trên phương diện nghe nhìn và cảm thụ để đạt được cái gọi là Bestseller?

- Không hẳn thế. Cùng lúc, tôi tìm trong Google “Phạm Duy” có 2.010.000 kết quả, “Trịnh Công Sơn” có 2.800.000 kết quả. Tìm “nhạc sĩ Phạm Duy” có 3.090.000 kết quả, “nhạc sĩ Trịnh Công Sơn” có 7.600.000 kết quả.

Nếu Phạm Duy không “dinh tê”, rồi không ra Hải ngoại, rồi không trở về Việt Nam?

- Thì không có Phạm Duy như đã có.

Tất nhiên, đều là ở chữ NẾU. Tôi từng đọc và biết chuyện anh “mở cửa” và “hậu thuẫn” cho nhạc sĩ Phạm Duy trở về nước? Chi tiết thế nào?

- Phức tạp lắm. Chi tiết ban đầu là thế này: “Mấy năm trước năm 2000, các tờ báo ở Việt Nam không hề được nhắc tên Phạm Duy từ sau khi ông Trần Bạch Đằng dẫn lời ông Tố Hữu nói về người nhạc sĩ này: “Với Phạm Duy thì bỏ khúc giữa, lấy khúc đầu và khúc đuôi”. Khi làm Thư ký tòa soạn tạp chí Âm Nhạc của Hội Nhạc Sĩ Việt Nam, tôi hiểu rõ sự húy kị không văn bản đó. Nhưng rồi năm 1998, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đi Pháp có dịp gặp Phạm Duy và nghe nhạc của ông, tôi đã đặt anh viết một bài báo về cuộc gặp gỡ đó. Hoàng Phủ Ngọc Tường viết ngay bài “Đêm nghe Kiều ca cùng Phạm Duy ở Paris” khá hay, tôi định đưa in ngay, nhưng lại sợ báo mình bị “phạt” nên tạm để bài lại vào tệp bài chờ. Lúc đó tôi đang viết thêm cho mục “Thư ra hải ngoại” của báo Đại Đoàn Kết, và tôi quyết định đưa vấn đề Phạm Duy lên mục này của tờ báo bạn, qua bức thư gửi một người bạn Việt kiều. Trong lá thư đó tôi có nhắc chuyện Phạm Duy muốn về thăm đất nước bằng một lời mời từ Việt Nam, và tôi nhắc lại những bài hát cách mạng thời kháng chiến chống Pháp của ông cùng với kỷ niệm về “Bà mẹ Gio Linh” – một ca khúc nổi tiếng – Phạm Duy viết trong chuyến đi vào Quảng Trị thời bấy giờ. Cuối thư là một lời nhắn gửi chân thành: “Nếu nhạc sĩ Phạm Duy thực sự muốn về thăm quê thì ông hãy về theo lời mời của chính ông, nghĩa là có thể về theo con đường du lịch”. Bức thư được đăng lên báo, và phản ứng của A25 (CA bảo vệ văn hóa văn nghệ) lúc ấy là… đồng tình. Vậy là tôi cho đăng luôn bài viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường lên tạp chí Âm Nhạc.

Tháng sau, nhạc sĩ Hoàng Dương cho biết là ông đã phô-tô 2 bài báo đó gửi cho Phạm Duy. Rồi Phạm Duy gọi điện liên lạc với tôi rất vui vẻ và nói là ông sẽ về thăm quê. Và ông đã về nước theo con đường du lịch.

Và, chắc anh gặp nhiều khó khăn trong thời kỳ có thể gọi là “bài-ngoại” ấy?

- Vấn đề là cái tâm phải trong trước những vấn đề phức tạp, nhưng cũng phải có cách làm thuyết phục.

Theo chuyên môn âm nhạc, anh có thể chỉ nói một câu về nhạc Phạm Duy?

- Tài.

Ai cũng biết, Phạm Duy nổi tiếng và thành danh hơn cả với những nhạc phẩm phổ thơ hoặc viết lời mới từ nhạc nước ngoài. Là một nhạc sĩ với hàm lượng ca khúc có ảnh hưởng lớn không thể chối cãi hiện nay, anh nghĩ gì khi một nhạc sĩ phổ thơ hoặc chuyển ngữ/viết lời mới cho một bài hát?

- Đó là bí mật của mỗi người – bí mật của vô thức.

Anh đối xử với nhà thơ – người sánh đôi cùng nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo trong các ca khúc phổ thơ thế nào?

- Khi thích, khi không.

Nếu phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên hoặc Du Tử Lê?

- Những bài hay của 2 nhà thơ này chắc người ta phổ nhạc cả rồi.

Nếu phổ thơ một tác giả “vô danh”?

- Nhạc sĩ phổ bài thơ chứ đâu phổ tên nhà thơ.

Có người nói, Phạm Duy làm chính trị giỏi như làm nghệ thuật. Anh thấy sao?

- Họ Phạm đã bảo “không làm chính trị” thì sao biết ông ấy/việc ấy giỏi hay không.

Anh có nghĩ Phạm Duy là một bài học hay? Về âm nhạc cũng như cuộc đời?

- Thích hoặc không thích thì có, nhưng bài học từ ông ấy có lẽ không phải dành cho tôi.

Kể cả chuyện giai nhân, bóng hồng mà nhạc sĩ “Đưa em tìm động hoa vàng” bị nhiều lời đàm tiếu?

- Và họ Phạm lại bảo: Tôi có thế à?

Kể cả “Mùa thu chết” ai cũng biết là nhạc Pháp nhưng bị cấm vì liên quan tới sự cố mùa thu nào đó?

- Đó là sự nhầm lẫn và suy diễn ngây ngô của những kẻ thích áp đặt lên số phận người khác.

Nếu đang thực hiện một show truyền hình, tôi sẽ xin anh hát một ca khúc của Phạm Duy. Tôi đã từng nghe anh hát rất hay một ca khúc của nhạc sĩ vừa ra đi này.

- À, đấy là hát karaoke, có chữ trên màn hình. Nhưng tôi là người không thích đi karaoke.

Nếu được cầm tay Phạm Duy vào giờ ông hấp hối, anh sẽ nói với ông những gì? Thật ngắn thôi.

- Anh không chết đâu.

Hoàng Cầm, Hữu Loan và rất nhiều thi sĩ còng lưng thơ trên cánh đồng bát ngát của Phạm Duy. Họ sẽ gặp nhau ở chốn xa xôi của “la si đô” nào đó?

- Họ gặp nhau trong lòng người đang sống.

Câu hỏi cuối cùng, nếu một mai này, có ai kia công bố một bản nhạc của Phạm Duy phổ thơ Nguyễn Trọng Tạo – phản ứng đầu tiên của anh sẽ như thế nào nhỉ?

- Không bao giờ!

Trân trọng cảm ơn Nhà thơ – Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Kính chúc anh mãi lãng mạn và vô tư mà đi giữa vạn điều “tin thì tin không tin thì thôi”.

Bà Rịa, 27/01/2013

TRỊNH SƠN.
Nguồn: Mail của Trịnh Sơn cho Tiếng Quê Hương chiều 27.01.13
Lê Thiên Minh Khoa gởi đăng

No comments: