Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, April 30, 2012

TÌNH LỮ THỨ - Lê Cảnh Tiến


Tình lữ thứ 1

Bờ môi em thơm nồng mùi cỏ dại

Đêm rối bời giọt rượu đắng mềm môi
Giọt sương đêm mát lòng người lữ thứ
Đêm say nào vật vả mãnh tình côi

Em từ đâu lạc vào nơi hư ảo
Men rượu tình nhoè nhoẹt phấn hương trôi
Vui đêm nay em bao điều gian dối
Chớ trách người cho bỏ chút buồn vơi

Đôi mắt em lạnh lùng đêm ve vuốt
Môi em hồng chợt tắt dưới sao đêm
Gió vi vu rượu đắng vẫn môi mềm
Đêm say khướt tình em trong thoáng vội





                                  
Tình lữ thứ 2

Đêm say rượu đắng môi mềm

Tình người lữ thứ bên em nồng nàn
Buông lơi tóc rối mơ màng
Tình đời hư ảo vội vàng cho nhau
Giọt buồn ngây ngất men cao
Rượu nồng em nếm tình trao riêng tình
Môi thơm vướng chút ngại ngần
Hồn mơ bóng liễu chút tình trăng hoa
Đêm say tình chợt phôi pha
Em từ muôn kiếp đi qua trong đời
Đêm nay tóc cuộn rối bời
Cho anh nhấp chén rượu đời cùng em



                                      Lê Cảnh Tiến
                                        25/4/2012
                                                                                                letien3010@gmail.com


READ MORE - TÌNH LỮ THỨ - Lê Cảnh Tiến

QUẢNG TRỊ QUÊ TÔI - Độc Hành





SÁNG QUÊ

Gà trống gáy ban mai
Bé trai cười buổi sáng
Ánh nắng của bình minh
Ngàn chim nhảy cành lá
Đàn cá múa mặt hồ
Thầy cô vừa đến lớp
Mặt nước ngư dân chèo
Phu tiều vừa lên núi
Xóm cuối tiểu mục đồng
Dân nông vừa ra ruộng.


CHIỀU QUÊ

Đồng lúa tốt xanh tươi
Mục đồng ngồi thổi sáo
Vắt áo tiều phu về
Đầy ghe cá ngư dân
Học sinh về khắp nẻo
Hồ nước phẳng lặng yên
Đàn chim bay về tổ
Buông xõa một hoàng hôn
Bé ngon trong giấc ngủ
Bé rủ gà trống theo


Độc Hành


Ảnh của Nguyễn Như Khoa
READ MORE - QUẢNG TRỊ QUÊ TÔI - Độc Hành

BÀI VĂN VẦN CẢM THƯƠNG NHỮNG LINH HỒN NGẠ QUỶ - Tuệ Thiền Lê Bá Bôn



(Kính chúc siêu thăng cho linh hồn
người thân và tất cả chúng sinh các cõi khổ)

Ngạ quỷ là những linh hồn quỷ đói
Khi sống trên đời, nặng tham sân si
Quáng mắt theo đuôi bao điều tà đạo
Khi chết, linh hồn đoạ lạc nẻo mê

Họ vất vưởng chốn ngục tù mồ mả
Của cúng dâng cho, cũng hoá than hồng
Bởi nghiệp nặng, bên thức ăn vẫn đói
Vàng mã chất đầy, cũng chỉ số không!

Xin xót thương những linh hồn ngạ quỷ
Đừng sát sinh, đừng giỗ tiệc đua đòi
Mình hưởng thụ, nhưng họ thêm đau khổ
Họ chỉ đứng nhìn thèm khát mà thôi

Xin xót thương những linh hồn ngạ quỷ
Cầu nguyện, tụng kinh cho họ siêu thăng
Hồi hướng công đức cho bao cõi khổ
Chẳng có gì hơn tâm ý thiện lành.

                                29/4/2012
Lê Bá Bôn


READ MORE - BÀI VĂN VẦN CẢM THƯƠNG NHỮNG LINH HỒN NGẠ QUỶ - Tuệ Thiền Lê Bá Bôn

MÀU HOA ĐỎ - Thơ Hoàng Yên Lynh


Chùm hoa phượng đỏ màu nhung nhớ
Tôi gặp chiều nay bên phố đông
Có cánh hoa nào mang ép vỡ
Trang ký ức tôi tuổi học trò .

Ríu rít xôn xao tà áo trắng
Phố chiều lộng gió trắng màu mây
Có áo ai bay thời xa vắng
Chợt về, tóc đã trắng hơi sương .

Một chút gì thôi màu hoa đỏ
Chiều nay tôi gặp lại ngày xưa
Gặp cả khung trời hoa mộng cũ
Gặp cả tình tôi đã cuối mùa.


B'Lao 2009.
HOÀNG YÊN LYNH
hoangmylinh@live.com
READ MORE - MÀU HOA ĐỎ - Thơ Hoàng Yên Lynh

Sunday, April 29, 2012

“Ăn ruộng” ở làng Hưng Nhơn trước 1945 - Nguyễn Thanh Xuân



Lời dẫn: Tôi xin trích những nét chính trong chính sách ruộng đât ở nước ta đến trước Cách mạng tháng 8 - 1945.


Chính sách ruộng đất trước 1945


     Quy tắc điền thổ truyền thống ở Việt Nam đất ruộng trong nước đều là của nhà vua kể từ thời nhà Đinh, Tiền Lê, người nông dân nhận ruộng cày cấy và nộp tô thuế cho triều đình. Tuy vậy, trên thực tế những ruộng đất do người dân cày lâu ngày được coi như của riêng, có thể mua bán. Ruộng tư là đất riêng do tư nhân khai hoang,trồng trọt và nộp thuế. Đất này có thể mua bán, cầm cố, có thể thừa kế, nếu triều đình muốn trưng dụng phải trả tiền bồi thường. Ruộng công là đất của công, do triều đình giao cho xã, thôn sử dụng và cấm bán, trừ một vài trường hợp có thể cầm cố trong hạn 3 năm, hết hạn phải lấy lại. Ruộng này cứ 3 năm phân chia lại 1 lần cho dân đế mỗi người đều có một số ruộng tương tự nhau một cách công bằng, cách này gọi là phép quân điền.
     Đến thời vua Gia Long đã phải ra lệnh cấm bán ruộng đất công và quy định chặt chẽ việc cầm cố loại công điền công thổ này để bảo đảm đất cày cho mọi người nông dân. Đạo dụ năm Gia Long thứ 2 (1803) ghi rõ:
"Theo lệ cũ thì công điền công thổ cấp cho dân, đem bán riêng là có tội, Phàm xã dân có công điền công thổ đều không được mua bán riêng, làm trái là có tội. Ai mua nhầm thì mất tiền...
        Tới thời Minh Mạng định lại phép quân cấp ruộng khẩu phần, quan lại, binh lính, công tượng (thợ làm quan xưởng) cùng các hạng dân đinh, không kể phẩm trật cao thấp đều được hưởng 1 phần khẩu phân như nhau.Người già, người tàn tật thì được nửa phần, cô nhi, quả phụ được 1/3. Trong khi thực hiện quan lại, cường hào thường dành được những phần tốt hơn
        Sang thời Tự Đức vẫn diễn ra tình trạng này, triều đình tỏ ra bất lực.

*****

     Thuật ngữ “ăn ruộng” không biết xuất hiện ở quê ta vào thời gian nào,nó thay cho “phép quân điền” của nhà vua ban xuống. Tôi cũng không biết hiện nay ở làng ta viết trên văn tự là phân chia ruộng hay ăn ruộng như xưa. Về hình thức chữ nghĩa thì nghe lạ: Ruộng mà lại ăn, ăn cơm ai lại ăn ruộng. Có lẽ quê ta người nông dân có ruộng mới làm nên hạt gạo, mới no.Khái niệm này cũng tương tự người dân Nghê Tĩnh “ăn thuốc”.
    Suy nghĩ, tôi thấy khái niệm “ăn ruộng” thật hay thật đúng ý nghĩa đích thực của nó.Ta thử hiểu chia hay phân chia có nghĩa là một bên chia và một bên nhận, người nhận không có quyền lựa chọn. cái quyền bình đẳng mà người dân có được. Ăn ruộng như ăn cơm. Đồng ruộng như một mâm cơm,có món ngon món dở…ai thích món nào gắp món đó. Tuyêt vời ! Tuy vậy đồng ruộng quê ta chất lượng khác nhau xa. Làm thế nào để có giá trị tương đương (tám-chín- mười) cũng là vấn đề khó. Nghiên cứu phương án này phải dầy công. Tôi tin các kỳ đại hôi Nông dân làng sẽ tìm được phương án khả dĩ.
    Làng ta tất cả là ruộng công không có ruộng tư. Tôi nhớ không chắc lắm hình như năm 1944 hay đầu năm 1945 làng ta chia ruộng theo thông lệ 3 năm/ lần.Sau khi trích các loại ruộng cho việc thờ cúng…còn bao nhiêu chia đều cho số đinh hiện có (từ 18 đến 60) Già lão tàn tật,cô nhi, quả phụ có được chia không tôi không rỏ.Việc ăn trước sau theo thứ tự phẩm hàm. Cụ thể tiên chỉ là Trần Văn Lý (tam hay tứ phẩm) không thấy ai ngũ lục phẩm đến thất phẩm như Thất Cẩn, thất Chiểu, đến bát phẩm như bảt Kế, bát Bệ bát Phổ…đến cửu phẩm, thập (người đi lính) học sinh đậu yếu lược trở lên (không rỏ tú tài xếp vào hạng nào) Hết hạng này là đến bạch đinh. Bạch đinh xếp theo tuổi ai cao tuổi ăn trước,rồi còn tiếp là những người không có ông tổ Khai canh (gọi là ngụ cư) Còn các cụ Hương Lý ăn theo hạng nào tôi cũng không rỏ.
   Hương ước của làng là người dân trực tiếp ăn ruông, dù phần ruộng đó đã bán và cũng chỉ được bán cho người trong làng (không được bán cho người làng khác).Người mua ruộng trình khế ước mua bán, người bán giao người mua nhận thay phần ruộng của mình. Thời bấy giờ việc bán “ruộng non” diễn ra thiên hình vạn trạng. Có thể thấy hồi đó làng ta chỉ một số khá giàu như Trần văn Trinh, Trần văn Hoàng Trần văn Liễn, một sồ mới trỗi dậy như thất Cẩn, thất Chiểu, biện Châm…còn không mấy ai có máu mặt, có chăng cũng có thể mua vài suất, cũng có những người làng khác thì thọt với những đại gia làng ta gửi tiền mua trước v.v…
   Chia diện tích như nhau nhưng chất lượng mới là cái đáng nói:Khái niệm ăn ruộng như trên đã nói là tuyệt vời là công bằng thứ tài sản tổ tiên khai khẩn để lại cho con cháu.Thế nhưng thực tế lại chỉ công bằng về hình thức và xét cho cùng khi thực hiện (ăn ruộng) là không công bằng một cách đau đớn.
  Trước khi ,nói cảnh ăn ruộng. Tôi xin nói qua chuyện tại sao lại bán ruộng: bởi đó là gia đình quá nghèo bán phầnruộng của mính (sẽ được chia lần tiếp sau 3 năm nữa) để sống qua ngày, là gia đình gặp khó khăn thiếu nơi giúp đỡ, (bán trước thời kỳ chia ruộng là bán ruộng non) con gia đình không có sức lao động thì có thể bán hoặc cho cấy rẽ.Trong số Bán ruộng non này có người cả đời không biết mình cũng có mảnh ruộng trên cánh đồng mà tổ tiên để lại, vì họ luôn phải bán non mỗi 3 năm trước và tiếp bán ruộng sẻ được chia lần chia 3 năm sau….
     Hương ước cấm không được bán ruộng cho người làng khác có nét đẹp của quê hương nhưng xét về mặt “thị trường cung cầu” thì bị thu hẹp.Ở quê ta hồi đó nông dân các làng lân cận như Mỹ xuyên,Trạch phổ v.v…sẵn sàng mua với giá cao hơn, nhưng buộc lòng phải bán cho trong làng với giá rẻ mạt.

---****---****---****---****---

     Những ngày ăn ruộng là như những ngày hội vì ai cũng muốn kiếm cho mình đám ruộng ưng ý, thuận lợi, không được mặt này thì được mặt khác. Tuy biết chưa đến lượt mình cũng đến lân la dò xem nơi ấy, nơi kia ai ăn chưa, rồi xuýt xoa tiếc nuối v.v… Tôi tuy mới 15,16 tuổi cũng luôn có mặt vì đây là lần đầu tiên biết đến chuyện làng ăn ruộng. Háo hức nghe các ông các bác bàn tán lần chia ruộng kì trước, những hy vọng lần này…Qua mấy ngày lạ lẫm, bở ngỡ mấy “đứa tôi” (cùng lứa học trò) hết háo hức bởi những tiếng thở dài của các bác nông dân. Tôi hình dung giữa đình làng (nơi ăn ruộng) vừa vô cùng vui vẻ, ồn ào và  lộn xộn vừa vô cùng nín chịu buồn bã, có bác vừa đi vừa lẩm bẩm rồi  “đâu vào đấy” cả thôi.                                                                                                                                                                                                                                                                                              
    Các Đại gia đã nhắm sẵn: Đại gia A có trong tay mấy suất dự định chiếm khoảnh (đạc) nào, đại gia B chiếm đạc nào, đại gia C hoặc ông nầy bà nọ tuỳ chừng mấy mẫu mà chiếm đạc X hay Z v.v… Họ chỉ cần “ăn” phần của họ(khoảng 3 sào) lên đầu đạc thì đố ai dám “ăn” tiếp đạc ấy mặc dầu đên phần mình và thich ăn chổ đó.Thực tế đó rỏ ràng nhiều vị bát cửu phẩm chưa chắc đã ăn được ruộng tốt hơn ruộng bạch đinh bán cho đại gia. Cứ thế, cứ thế liền đạc liền vùng ruộng tốt mặc dầu mua những ruộng hạng bạch đinh, mua “ruộng non” giá như bèo như cho không. Có ai ngây thơ hỏi tại sao họ không làm mà giầu có đến vậy? Người dân nghèo khổ đến vậy? Người giàu thì bình chân như vại, số rất ít hí hửng có được chổ tàm tạm còn đa số lầm lì như không có sự kiện quan trọng thiết thân với đời sống gia đình họ. Đối vối họ 3 năm, 3 năm và 3 năm mãi mãi là nỗi ám ảnh không lối thoát, nếu không có cuộc cách mạng của thời đại.

               Nguyễn Thanh Xuân 
               Email: nhuxuan29@gmail.com

   Ảnh của Nguyễn Như Khoa: Hưng Nhơn chiều về
READ MORE - “Ăn ruộng” ở làng Hưng Nhơn trước 1945 - Nguyễn Thanh Xuân

Friday, April 27, 2012

Huy Uyên - GỞI TÌNH VỀ Ô LÂU


Khi bỏ sông đi chiều tê tái
Em ngồi soi bóng nước qua mau
Tình anh nở rộ theo lòng rạch
Để lại riêng em ngẩn ngơ sầu

Thôi đò buồn bả quay về xóm
Với dáng tay ai vẫy hẹn hò
Mưa tháng mười giăng mù trên tóc
Em hai mắt buồn như se xưa

Ra đi một không lời quay lại
Giữa đoạn sông chiều tim vấn vương
Gặp nhau để một đời nuối tiếc
Để lạnh hơi người bước chân sương

Thôi Huyền xưa Huyền xưa yêu dấu
Giữa trưa vẽ hai má em hồng
Tình anh chín tím mùa hoa gạo
Gió lạnh qua hồn mãi vấn vương

Thôi Huyền xưa Huyền xưa yêu dấu
Anh gởi về lòng hạ-lý xưa
Bao năm phiêu lảng đời dâu bể
Dễ biết khi nao buổi quay về.

Huy Uyên

lesinh.lesinh@yahoo.com
0903 583 673 

Ảnh: Một cảnh bên sông Ô Lâu
READ MORE - Huy Uyên - GỞI TÌNH VỀ Ô LÂU

NGỤP LẶN TRONG CƠ CỰC - Truyện ngắn Trương Nguyễn

Sáng nay cũng như mọi khi, sau lúc tập thể dục xong, tôi  ra quán cà phê cùng với một số bạn bè quen thuộc, nhưng vừa nhấp một ngụm tôi đã rùng mình khi chợt nhớ đến một người đã ám ảnh tôi suốt một thời gian dài, cho mãi tới giờ này...

Ông ấy người cao to, da ngăm đen, đôi mắt đỏ ngầu như những người thường uống rượu. Ông ta là một kẻ cho vay nặng lãi, hầu hết những ai khó khăn trong thị trấn này cũng có một lần qua tay ông. Có kẻ mất nhà, mất đất vì “sổ đỏ” vào tay ông quá lâu, tiền lãi ngập lên tiền vốn. Số phận của tôi cũng đang nằm trong tay người đàn ông này: Hôm qua bà xã tôi chạy mượn được một triệu đồng đem trả bớt cho ông ấy nhưng vì không đồng tình nên cãi vã nhau một trận không kết thúc.


Trước đây con tôi phải nằm Bệnh viện Chợ Rẫy ở thành phố, chỉ nằm chữa chạy trong một tháng mà đã tốn hết năm mươi triệu đồng. Từ đó gia đình tôi lâm vào cảnh nghèo túng, nợ nần. Nhờ có người giới thiệu, tôi đến nhà ông ấy vay mượn bốn mươi triệu đồng với lãi suất 5%. Sau bốn tháng rưỡi tôi trả ông ấy hết 9 triệu tiền lãi và đồng thời phải bán miếng đất cạnh nhà để thanh toán, nhưng thời vận càng xui xẻo, thị trường bất động sản bị “giậm chân tại chỗ”, nên đành bán đổ bán tháo. Tôi mượn được của chủ chịu mua miếng đất của tôi 35 triệu đem lên trả cho ông ấy và còn thiếu lại 6 triệu, mục đích để lấy lại được thẻ chủ quyền đất về giao cho chủ mua; nhưng ông ấy không chịu, bắt tôi làm giấy mượn 6 triệu mới trả thẻ chủ quyền.


Cứ thế, hơn hai mươi năm qua tôi như một kẻ mộng du giữa thực tại đau buồn. Người ta nhìn bề ngoài thì thấy tôi là một thầy giáo, nhưng thực ra cả đời tôi chỉ là một trang thơ viết dở, mang tâm sự u buồn của một kẻ nửa thầy nửa thợ, cam chịu mọi nỗi đau mà cuộc sống đã mang đến cho tôi.


Cả thị trấn này ai cũng rùng mình khi nghe những tai ương luôn trút xuống gia đình tôi, lúc nghe người này tai nạn, lúc kẻ kia ốm đau, đề bảng bán nhà hoặc sang quán... Đến bây giờ gia đình tôi chỉ còn 113m2 đất và một căn nhà, thì Nhà nước lại cấp nhầm vào một thẻ chủ quyền của nhà kế bên! Đã nhiều lần làm đơn cứu xét gởi lên Ủy ban thị trấn, hơn 5 năm trôi qua mà chẳng có chút tin tức gì. Tôi đành âm thầm chịu đựng, bởi “đồng tiền nợ cắt cổ” là một bóng mây đen luôn phủ chụp xuống gia đình tôi như một cơn đại dịch.


Tôi cứ coi đó là một thứ nghiệp báo mà từ kiếp trước nào đó đã gây ra. Tôi chỉ biết lao vào cuộc sống như một mũi tên, đi làm công tác từ thiện, làm người dẫn chương trình, làm báo, làm thơ..., làm bất cứ việc nào run rủi tới với tôi; và luôn trong tâm tưởng cứ ước mơ một ngày nào đó gia đình tôi mỗi lúc một nhẹ nhàng hơn…


Thực ra đã 50 năm trôi qua, tôi cứ tự vấn trong mỗi ngày, đời “mình đi đâu, làm gì?”, kiếp nhân sinh mãi mãi là một ẩn ngữ chưa có lời giải đáp. Đôi khi nhìn mọi người xung quanh, tôi vô cùng hổ thẹn. Duy chỉ có điều tôi vẫn hãnh diện là thủy chung tôi chưa từng mở miệng nói ra một lời cay độc nào đối với ai. Vậy nên gia đình tôi vẫn có những ngày đằm thắm yêu thương. Tôi có một người vợ dịu dàng, mấy đứa con biết yêu cha, mến mẹ và cảm thông cho sự thiếu thốn của gia đình nên chẳng đứa nào vòi vĩnh, mà đứa nào cũng lao vào công ăn việc làm nuôi sống gia đình. Thực ra giữa thời buổi kinh tế thị trường này, sức vóc tài năng của chúng cũng có hạn, chỉ vừa đủ trang trải cho đời sống riêng tư của chúng, chứ thường xuyên có đâu mà bao đồng lo cho cha cho mẹ?


Tôi đã trả dần cho ông ấy được 3 triệu đồng. Hôm qua vợ tôi lên thưa chuyện, thì vợ chồng ông ấy trả lời: Anh ấy mượn tôi 6 triệu đến bây giờ là hơn một năm, tiền lãi là 6,2 triệu, và cộng lại tất cả là mười hai triệu hai trăm ngàn. Vợ tôi choáng váng mặt mày, ú ớ không nói gì thêm được nữa. Lúc ấy trong tay vợ tôi chỉ cầm đi có 1 triệu mà hai lần trước đã trả hết được 2 triệu.


Vợ tôi lên tiếng: “cháo húp quanh, nợ trả lần”, gia đình tôi khó khăn nên thiếu anh chị giờ chưa có đủ thì xin trả tiền vốn, còn tiền lãi sau này làm ăn có gì thì trả thêm. Ông ấy lắc đầu nguầy nguậy: Chị về lấy thêm 3 triệu lên trả hết cho tôi, không có tiền lời cũng được.


Tôi cay đắng khi nhận ra rằng: Trong xã hội đối với những người sa cơ thất thế lâm vào cảnh túng thiếu như tôi thì, “nơi dễ vay lại là nơi khó trả nhất”. Nhưng tôi vẫn tâm nguyện là mình phải luôn đứng lên trên đôi chân của mình, tự vươn tới bằng những ước mơ thầm lặng, làm một điều gì đó, dù nhỏ nhặt nhất, chính là đem niềm vui tới cho mọi người.

 TRƯƠNG NGUYỄN


READ MORE - NGỤP LẶN TRONG CƠ CỰC - Truyện ngắn Trương Nguyễn

Thursday, April 26, 2012

Tìm hiểu về bộ máy điều hành làng Hưng Nhơn thời kỳ vua Bảo Đại - Nguyễn Thanh Xuân

Lễ Thanh Minh tại đền Âm Hồn làng Hưng Nhơn - Ảnh Nguyễn Như Khoa

Theo văn bản của Khâm sứ Trung kỳ và vua Bảo Đại qui định bộ máy chức sắc ở làng gồm có:

* Ủy ban Thường trực Hội đồng Kỳ mục: Thành viên ủy ban Thường trực do quy mô của xã mà quy định, với 1 chủ tịch, 1 phó chủ tịch và từ 2 đến 4 uỷ viên cố vấn nếu là xã nhỏ, từ 4 đến 7 uỷ viên nếu là xã vừa, từ 7 đến 10 uỷ viên nếu là xã lớn. Số lượng này do quan tỉnh ấn định sau khi có sự đồng ý của Công sứ Pháp.

Uy ban Thường trực bao gồm Lý trưởng và những nhân vật có chức danh cao nhất trong Hội đồng Kỳ mục, song các viên chức đang làm việc tại công sở của chính quyền bảo hộ và quan lại đương chức của Nam triều không được tham gia ủy ban. Quyền hạn của ủy ban Thường trực là hoạch định mọi công việc của làng xã, như lập ngân sách hành xã, lập sổ thuế thân, thuế điền, tổ chức phân chia công điền công thổ, chỉ đạo việc xây dựng các công trình công ích, xét xử các vụ vi phạm nhỏ về hương ước, kiểm soát hoạt động của các chức dịch, lý hương... ủy ban họp ít nhất mỗi tháng một lần, nguyên tắc và thể thức giống như Hội đồng Kỳ mục.

* Ngũ hương: Về đội ngũ giúp việc ở xã, ủy ban Thường trực Hội đồng Kỳ mục chỉ định người giúp việc cho Lý trưởng, gọi là Ngũ Hương. Đội ngũ Ngũ Hương bao gồm 5 chức vụ: Hương bộ, Hương bản, Hương kiểm, Hương mục và Hương dịch. Mỗi chức đó thi hành một nhiệm vụ nhất định do ủy ban thường trực Hội đồng Kỳ mục xã phân công và giám sát.

- Hương bộ chủ yếu nắm giữ sổ hộ tịch của xã, nắm giữ sổ sách những người phải đóng thuế thân và thuế ruộng đất, sổ sách về công điền, công thổ của xã. Đối với những thôn, ấp, giáp hoặc xóm mà chính quyền cấp tỉnh cho phép lập sổ hộ tịch riêng, chính quyền cấp tỉnh cũng cho phép những nơi đó đặt chức Phó Hương bộ để nắm giữ những việc đó. Phó Hương bộ có thể thay Hương bộ khi người này vắng mặt.


- Hương bản phụ trách về tài chính và tài sản của xã, chịu trách nhiệm việc điều hành thu chi của ngân sách hàng xã và trông nom những tài sản vật chất của xã. Hương bản chỉ được phép quản lý một số tiền mặt không quá 30 đồng (tiền Đông Dương lúc ấy). Nếu quỹ tiền mặt lớn hơn 30 đồng thì số dư đó phải giao cho các nhà giàu có trong xã giữ hộ, những người này do Hội đồng Kỳ mục xã chỉ định, tối thiểu sáu tháng một lần. ủy ban thường trực Hội đồng Kỳ mục không thể giao phó cùng một lúc vào tay những cặp có quan hệ thân tộc như: Chú - cháu, anh - em ruột, cha - con, ông - cháu...

- Hương kiểm chịu trách nhiệm về trật tự, trị an trong xã (dưới quyền Hương kiểm có Trương tuần và Tuần đinh).

- Hương mục phụ trách việc trông nom, bảo vệ xây đắp và sửa chữa các loại đường nằm trong phạm vi xã như đường bộ, đường sông, đường sắt... Do đó Hương mục là người trực tiếp phụ trách việc tuyển người, điều động nhân công đi làm xâu.

- Hương dịch phụ trách việc thông báo cho toàn thể xã dân biết những quyết định của chính quyền cấp trên, những ngày mở hội làng... Ngoài ra Hương dịch còn chịu trách nhiệm về mặt vệ sinh công cộng của xã, về tình trạng sức khỏe của súc vật trong xã.

Đối với Ngũ Hương, Hội đồng Kỳ mục xã lựa chọn trong số dân đinh của xã, tuổi từ 25 đến 50, chưa hề bị can án, và giới thiệu lên chính quyền cấp phủ hoặc huyện. Riêng chức Hương bản phải lựa chọn trong số những người giàu có. Quan phủ hoặc huyện sẽ là người xét duyệt, bổ sung và sau đó phải báo cáo lên quan tỉnh, quan tỉnh sẽ báo cáo lên công sứ Pháp. Trích…

      Ở làng ta, tôi không biết tổ chức Hội đồng kỳ mục chỉ biết lý trưởng và các ông hương (quê ta thường gọi trống không là: chức đến tên) như Lý Sung, kiểm Thâm, bộ Hoàng…

Bộ máy chức sắc làng ta đến năm 1945

Lý trưởng: Nguyễn Đức Sung Thường gọi Lý Sung
Hương bộ: Trần văn Hoàng, thường gọi Bộ Hoàng
Hương kiểm: Nguyễn Đức Thâm, thường gọi Kiểm Thâm
Hương dịch : Lê ngọc Ký, thường gọi Hương Ký
Chức Hương bản, hương mục tôi không nghe là ai. Có thể do làng ta nhỏ nên những phần việc ấy do bốn vị trên kiêm nhiệm, Ai phụ trách đội tuần đinh, đội này mạnh lắm!

Nhìn vào cơ cấu chỉ chừng đó mà đâu vào đấy, xóm làng yên ả. Tôi kể một chuyện: ngày hè nóng nực, ban trưa khoảng 10 giờ đến 2 giờ chiều, có tiếng thanh la đi từng đường trôn: phèng và cứ đều đều mươi bước lại phèng, mươi bước lại phèng, tiếng phèng nhắc dân đề phòng cháy, tuy đã qui định bắt buộc nấu ăn xong phải tưới nước dập tắt lửa. Thật là chu đáo ! Ai phụ trách “văn xã” mà Tết nào cũng đánh đu, cũng dựng rạp cờ chòi bài tới. Trẻ con theo không khí đó và có nhiều trò chơi riêng nữa nên cũng vui hết cỡ.

Lại một chuyện thú vị giửa các vị chức sắc: Hôm đó quan phủ vào làng làm việc xong, các vị tiễn quan đến cuối làng ta để quan về làng An thơ. Trở lại các vị vào quán mụ Càng (mệ Chớ) uống nước. Bọn nhỏ chúng tôi chạy theo xem quan, sau đó cũng theo đứng quanh quán. Ông Kiểm (bố Triều) nói “răng lại nói chuyện tui sai trước mặt quan phủ” Một vị khác trả lời: Để cho quan phủ tin rằng có chuyện sai nho nhỏ mà cũng nói ra. Quan cho là ta không giấu giếm cái sai,mà tui cũng chỉ nói là có một buổi trưa không đánh thanh la.Mà mùa rồi làng ta không có cháy chiếc chi, và bửa ni cũng hết mùa nắng. Các vị cười vui vẽ hể hả. Mụ Càng có vẽ thích và đưa trầu mời tíu tít. Làng xóm thật thanh bình chẳng mấy ai kiện tụng và tù tội. Lúc đó có người dân nào đi “hối lộ” các chức sắc? Xin các bạn thử tìm? E không!

Tôi nhớ được chừng đó là các vị đương chức, còn những vị có chức danh nhưng làm ở thời kỳ nào tôi không rỏ là các ông: Chánh Cử (có phải chánh Tổng), lý Thuỵ, lý Hà (tôi biết nhiệm kỳ ông Lý Thuỵ đến ông Lý Hà đến ông Lý Sung), bộ Thạnh, hương Ngạn, phó Diệu, phó Học (không rỏ Phó Tổng hay phó Lý) …còn hàng thất bát cửu phẩm khá nhiều: Văn giai hay bá hộ tôi cũng không rỏ chỉ nghe người đân gọi: thất Chiểu, thất Cẩn…bát Kế, bát Bệ…cửu Liên (bố tôi), cửu Thái, cửu Trử, cửu Khảm (anh tôi) Cửu Viển, cửu Ký, cửu Kiến, cửu Liễn còn nữa nhưng tôi không nhớ hết…(Quan lại của triều đình được xếp từ nhất phẩm đến cửu phẩm).

Có hai ông: Ông Phòng (võ) Ông Lại (văn), làm đến chức gì, làm ở đâu tôi không rỏ nhưng có bề thế lắm.

Trở lại nói về bộ máy cai trị : đành rằng thời bây giờ “đẻ ra” nhiều việc hơn, bù lại máy móc thiết bị văn phòng, thời đại vi tính, phương tiện đi lại v. v… hiện đại nhưng sao mà nhiều thế, gấp hằng chục lần! Từ Trung ương đến Huyên nơi nào cũng có bộ máy nghiên cứu cải cách hành chính, càng nghiên cứu bộ máy càng cồng kềnh .

*****
(+) Đến năm 1945, người có tên tuổi hơn cả là Tiên chỉ làng ta Trần Văn Lý, nghe đâu ông làm Tổng đốc ba tỉnh ở Nam kỳ.Tôi chưa biết mặt. Năm bà mẹ ông mất (mụ Thừa), đưa thi hài bà từ trong Nam ra, các chức sắc và dân làng lên rước từ trên đường quốc lộ 1, chắc ông có về. Lúc đó tôi chưa ý thức là cần phải biết nên không chú ý tìm. Thế là sau này không có dịp nào nữa.

(+) Không rỏ là ông Trần Văn Lý làm Tổng đốc sao lại còn “ăn ruộng” ở làng với vị trí tiên chỉ ?

Ông Nguyễn Thanh Xuân và ông Lê Diễn - Ảnh Nguyễn Như Khoa

Nguyễn Thanh Xuân
                                            nhuxuan29@gmail.com



READ MORE - Tìm hiểu về bộ máy điều hành làng Hưng Nhơn thời kỳ vua Bảo Đại - Nguyễn Thanh Xuân

Nguyễn Nguyên An - TẶNG HẰNG


Em khắc khoải
Nỗi buồn im nín
Chong ngày đi đơn lẻ một mình
Đêm

Trăng
Một cõi
Một trời
Mênh mông quá
Gió cứ về khuấy động phong ba

Hằng
Gánh mưa
Quẫy ngày đông đi mãi
Nhiêu khê mùa, vụn vỡ yêu thương

Thắp
Trong tim
Lời cầu kinh
Tịnh độ
Nở sen hồng
Xanh thắm
Nửa đời sau

Đốt tháng ngày
Mùa trăng vẫn tỏ
Nghiêng xuống đời hé nụ tình
Bay…



Huế, 25/09/2010
N.N.A

Email: nguyenan009@gmail.
 Tel: 01688971486
READ MORE - Nguyễn Nguyên An - TẶNG HẰNG

40 NĂM RỒI THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ ƠI! - Nguyễn Hồng Trân

Thành cổ Quảng Trị 2008 - Ảnh PhạmVăn Lộc

Ôi quá đau thương khôn xiết!
Mỗi lần nhìn thành cổ Quảng Trị thân yêu.
40 năm rồi bao nhiêu chiến sĩ đã về cõi âm,
Như đang thì thầm trong lòng đất yêu quý.
Và cũng hàng nghìn binh sĩ đang còn sống,
Vẫn dai dẳng mang thương tật đầy mình.
Họ trở về đây gặp nhau thân tình xúc động,
Nước mắt cứ tuôn trào…
Quá thương tiếc đồng đội đã hy sinh.
Nơi miền Trung ác liệt của chiến trường,
Thời nóng bỏng với mưa bom lửa đạn.
Tuổi thanh xuân đã hăng hái lên đường,
Chiến đấu kiên cường đánh giặc Mỹ xâm lăng.
Quyết hy sinh cho dân tộc Việt Nam,
Nối tiếp lửa vinh quang cho Tổ quốc.
Để núi sông đất Việt càng tỏa sáng,
Mãi rạng soi vào tâm khảm thanh niên.
Nhớ 81 ngày đêm thành cổ Quảng Trị kiên cường.
Không ai tiếc máu xương nơi chiến trận.
Để tô thắm màu cờ thiêng liêng của Tổ quốc.
Chúng ta nhớ lời Bác Hồ đã kết đúc:
“Không có gì quý hơn độc lập tự do!”
Cả nước phất cao cờ quyết chiến đấu hy sinh,
Cho đất nước được hòa bình thống nhất.
                            

Dòng Thạch Hãn giờ đây thuyền ghe tấp nập,
Cuộc sống thanh bình vẫn nhớ mãi thời đạn bom.
Từng mảnh đất, khúc sông,
còn thấm máu xương bao anh hùng liệt sĩ.
Cả nước luôn nhớ về chiến trường Quảng Trị,
Nơi vong hồn các chiến sĩ được tôn vinh,
Ánh lửa nến hoa đăng lung linh trên dòng sông lịch sử.
Thắp sáng lên tinh thần bất tử của quân dân mình,
Cho giang sơn đất Việt được hồi sinh vĩnh viễn…
                          
            Phước Vĩnh Huế, năm 2012
READ MORE - 40 NĂM RỒI THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ ƠI! - Nguyễn Hồng Trân

Wednesday, April 25, 2012

QUẢNG TRỊ XƯA: HÌNH ẢNH KHÓ PHAI - Độc Hành


Sáu mốt tuổi đời nhớ chuyện xa
Ôn về QUẢNG TRỊ quê hương ta
Con đường HƯNG ĐẠO ngay lòng phố
Tiệm ảnh LI ĐÔ cạnh chợ nhà
MỸ PHÁT đêm ngày cấp nước đá
LY LY khuya sớm phát kem ra
Quán chè MỸ THỦY bờ sông HÃN
ĐẮC LẬP lò mì cạnh ngã ba.




Quê tôi QUẢNG TRỊ có cầu GA
Sông HÃN đêm trăng quyện ánh ngà
THẤT HOÁN dược tây - từ PHÁP đến
CHƠN THƯỜNG thuốc bắc - nhập TRUNG qua
MỸ HƯƠNG chớp ảnh vang danh phố
NHUẬN KÝ quán ăn nổi tiếng xa
Cỏ nội hương đồng vương vấn mãi
Đời đời vẫn nhớ những nét hoa.




Dấu son QUẢNG TRỊ khắc tim ta
Phố thị ngày xưa năm sáu ba
Giáo lý La Vang cầu thịnh nước
Pháp kinh Tỉnh Hội nguyện an nhà
Bồ Đề ngọn nến - rạng soi rộng
Cây đuốc Nguyễn Hoàng – tỏa sáng xa
Ấn tượng khó phai góc phố cũ
Tuổi thơ nhớ mãi – đến về già.


ĐH
dochanh75@gmail.com
READ MORE - QUẢNG TRỊ XƯA: HÌNH ẢNH KHÓ PHAI - Độc Hành

TẮC ĐƯỜNG - Truyện ngắn Phan Trang Hy

    
      - A lô! Tôi sẽ đến ngay!... Khoảng một giờ nữa, được không?... Ừ, thế nhé!...
      Bỏ điện thoại vào túi quần, hắn nhìn đồng hồ thầm nghĩ: Đi tới chỗ hẹn, khoảng 15 phút là cùng.
      Lại  có tiếng nhạc điện thoại. Nghe điệu nhạc, hắn  biết là vợ đang gọi. Hắn mở máy. “ A lô! ... Ừ! Tối anh sẽ về... Anh biết hôm nay là sinh nhật của em mà! ... Ừ! Sẽ có quà cho vợ yêu của anh”.
      Hắn lại bỏ điện thoại vào túi quần, mỉm cười. Có vợ thì có đủ thứ quan hệ, nhưng cũng thích. Hắn nhẩm tính, trưa nay về, hắn sẽ hôn vợ  mới được. Hơn cả tháng trời tất bật công việc làm ăn, hắn không còn một chút thời gian bên vợ, âu yếm vợ, hắn thấy tội vợ chi lạ. Nhưng, biết làm sao được. Hắn trù tính, nếu sáng nay xong việc, trưa về ăn cơm cùng vợ, sẽ chiều cô ta hết cỡ mới được. Nghĩ vẩn nghĩ vơ thế nào, hắn chạy xe vào chỗ đông người lúc nào chẳng hay. Lại tắc đường. Hắn tự trách mình. Nhưng quay đầu xe lại không được, mà cho xe chạy lên cũng chẳng được. Lại trễ hẹn với đối tác rồi. Hắn lấy điện thoại gọi: “A lô!... Xin lỗi, tôi không thể đến được!... Bị kẹt đường!... 6 giờ chiều ư?... Cũng được”. Hắn vẫn mắc kẹt giữa dòng xe. Nghĩ tức thật. Tự dưng lại vào cái dòng xe mà không có lối đi. Hắn gọi về vợ: “A lô!... Em thông cảm cho anh... Không về được... Bị kẹt xe... Tắc đường... Không có lối ra... Thôi! Tối về, anh đền!...”. Hắn chép miệng, mặt mày bỗng ủ rủ. Vợ hắn đang trách hắn.
      Hắn không ngờ lại tiếp tục lọt vào vòng người. Người trước mặt, người sau lưng. Người bao vây hắn. Hắn cho xe nhích lên từng cm. Chỉ từng cm một. Dù chiếc xe đời mới nổ dòn, êm ru, nhưng dẫu có lên ga cũng chẳng nhích thêm cm nào. Từng bánh xe như muốn dính kết vào nhau. Kể cả người hắn cũng muốn dính vào người trước người sau, kể cả người bên cạnh.
      Từ ngày sắm được chiếc xe mới, hắn những tưởng sẽ đi làm đúng giờ, tưởng sẽ ra người sang trọng. Nhưng, giờ đi làm vẫn trễ. Và trong cái hỗn độn người và xe, xe và người chen chúc, dính kết, hắn cũng chẳng là người sang trọng được. Hắn cũng như mọi người. Cũng lầm rầm chửi đổng. Mà cái miệng muốn chửi thiên hạ thì là người sang được sao? Hắn biết vậy, nhưng không muốn chửi cũng không được.
      Xe vẫn nổ dòn đều, và vận tốc xe vẫn đứng yên trong cơn tắc nghẽn giao thông. Không phải là sự tất bật của nền công nghiệp, cũng không phải là sự tất bật của kẻ đói mưu sinh. Chỉ có những tiếng nổ dòn của những xe, lâu lâu có tiếng còi vu vơ hoà trong tiếng làu bàu bực tức của kẻ trễ việc.
      Có tiếng người. Có tiếng của cô gái nào đó đang gọi điện thoại. Hắn không muốn nghe cũng không được. “Em đang bị kẹt đường. Chờ em tí!... Cứ tắm rửa trước đi!”. Nó quay lại nhìn thử ai đang nói. Chẳng thấy mặt ngắn mặt dài ra sao. Chỉ có chiếc khăn trùm mặt, với đôi kính đen. Trên đầu một chiếc mũ bảo hiểm đúng kiểu. Chẳng biết ai là ai. Giả dụ, người đó là người thân, hắn cũng khó nhận ra.
      Cái thời buổi cũng là lạ. Ra đường, không ai dám chường mặt mình ra cả. Không lẽ không khí ô nhiễm? Hay cái gì đó ô nhiễm? Hay họ sợ nắng, sợ mưa? Sợ cả cái nhìn của người khác? Nhìn ai cũng na ná như nhau. Đột nhiên, hắn nghe tiếng chuông điện thoại. Hắn lấy điện thoại ra nghe. Một bài hát gợi tình. Rồi tiếng nhạc tắt. Hắn nghe bao lần bài nhạc đó. Nhưng chẳng đâu vào đâu. Một thoáng mỉm cười với ý nghĩ thèm tình, thèm đàn bà như thể hắn đang nhấp rượu có chứa chất kích dục. Nhiều lần dự đám cưới, hắn uống chút bia. Hắn có cái cảm giác vững tâm và rồi hắn bô bô cái miệng nói với mấy thằng bạn là hắn rất thích, rất thèm cái khoản ấy. Nói là nói vậy, chứ hắn có dám léng phéng với ai đâu vì sợ để lại hậu quả. Cũng tội cho hắn. Nghĩ tới cái tình trong lúc tắc đường, hắn cho là có vậy để đỡ tức giận vu vơ. Đột nhiên, hắn nghe nhiều tiếng nói ở chung quanh. Nào là giọng lè nhè của một anh chàng có chút cồn trong lời nói: “Đù mẹ! Tắc đường rồi. Tao chẳng về kịp đâu. Mày ở nhà lo cơm nước, đón con chưa?”. Nào là giọng chát chua của một ai đó: “ Mày kẹt đường ở đâu? Bộ mình mày bị tắc đường chắc?”. Và có tiếng phẫn nộ của một thằng: “Mẹ kiếp! Vợ với con!”. Và có tiếng bóp còi, rú ga. Cả đám đông cũng bóp còi, rú ga, và giữ thắng. Tiếng còi, tiếng xe nổ to, nhưng chẳng có chiếc xe nào nhích lên được một tí nào cả. Lần đầu tiên, hắn tức mình và chửi: “Đù mẹ!”. Và bên cạnh hắn vang lên những tiếng chửi đù mẹ, đù má tiên sư thằng chó chết nào làm tắc đường. Đủ giọng chửi. Bắc có, Trung có, Nam có. Đàn ông, đàn bà, con trai, con gái đều chửi cho hả cơn tức tối vì bị tắc đường.
      Tiếng còi ti toe, toe toe, toe toé vang lên. Người càng đông thêm, xe càng đông thêm. Không xe nào chịu nhường cho xe nào. Chỉ có những chiếc xe lấn nhau. Muốn không chen lấn, muốn nhường nhau, cũng chẳng có chỗ tránh để nhường. Chỉ khổ cho những chiếc xe đang bị chủ nhân rồ ga, bóp phanh, đạp thắng, cứ đứng yên một chỗ.
      Hắn lại nhìn đồng hồ. Đã trễ 5 phút. Hắn phải đến nơi hẹn đúng giờ để bàn kế hoạch phát triển, xây dựng công ty. Hắn nghĩ sẽ làm như thế nào đó để đối tác giúp đỡ hắn, cho hắn vay để cứu vãn công ty của hắn. Thường ngày, nếu hắn trễ thì đối tác đã điện rồi. Thế nhưng, lần này trễ 5 phút mà đối tác chẳng điện. Hắn lấy điện thoại gọi bên đối tác: “Tôi chưa đến kịp. Đang bị tắc đường tại ngả tư Lý Thái Tổ - Nguyễn Huệ”. Chỉ cần chạy bộ khoảng 10 phút là hắn có mặt tại nơi hẹn. Thế nhưng, giờ này chạy bộ cũng không được. Trước hắn xe là xe, sau hắn xe là xe, bên phải, bên trái cũng xe là xe. Hắn bị lọt vào cái vòng xe. Hắn gọi tiếp: “ A lô! Tôi đang tìm cách đến đó... Hoãn lại à!... Được thôi... Thế nhé!...”. May mà đối tác của hắn cũng bị tắc đường. Ơ hay! Trong chuyện tắc đường lần này lại may cho hắn. Đối tác lại xin lỗi hắn trước, hẹn gặp hắn ngày kia, và hứa là sẽ giúp hắn đủ tiền nong để thanh toán cuối năm.
      Hắn lại nhìn đồng hồ. Tắc đường hơn cả tiếng đồng hồ rồi. Lạ thật! Không biết cớ sự làm sao mà tắc đường thế? Hắn nhìn quanh xem có chỗ nào trống để nhích xe lên. Không còn một chút chỗ trống nào cả. Kể cả trên vỉa hè cũng đầy xe. Tiếng chửi bới, tiếng còi xe cùng tấu lên khúc nhạc tắc đường. Xe hắn cũng vẫn không nhích lên tí nào.
      Hắn từng dốc tướng với bạn bè là chưa bao giờ hắn trễ hẹn với bất cứ một ai. Chẳng khi nào hắn bị tắc đường quá 15 phút. Bạn bè khen hắn chỉ là kẻ gặp may mới không bị tắc đường. Hắn không chịu là hắn có số may. Hắn chỉ cho hắn là thông minh. Hắn luôn áp dụng cái câu như là phương châm sống của một số người “Đi tắt đón đầu”. Và hắn áp dụng phương châm ấy trong những lúc kẹt xe. Thấy phía trước đông người là hắn tìm đường đi tắt, dù đó là đường kiệt, đường hẽm, dù đó là vỉa hè, hoặc một lối của nhà ai đó.
      Nhiều lần đi cái kiểu chụp giựt đi tắt đón đầu như vậy mà lại trót lọt. Thế là hắn thích thú, nghe sướng cả bụng mỗi khi có ai đó đưa ra cái phương châm “đi tắt đón đầu” trong cuộc sống. Hắn cho những kẻ ấy là bậc trí giả, là kẻ biết thời biết thế, là kẻ xứng tầm vĩ mô v.v...
      Trời lại bắt đầu đổ mưa. Vẫn kẹt xe, vẫn tắc đường. Xe vẫn nổ máy và hắn vẫn giữ ga. Nhìn quanh, hắn thấy mọi người đang chịu trận như hắn. Lại có tiếng chửi thề. Lại có tiếng chép miệng. Rồi tiếng mưa lấn át tất cả. Nước mưa làm cho mọi người bớt bực dọc. Ai cũng lấy tay che đầu, vuốt mặt. Mưa lại mưa...
      Hắn cũng về tới nhà. Trễ hơn ngày thường hơn tiếng rưỡi. May mà vợ hắn thông cảm. Tối hôm đó, hắn tỉ tê cùng vợ chuyện tắc đường, rồi chuyển sang chuyện yêu đương. Cả hai cười nắc nẻ, mừng quýnh. Cớ là vợ hắn tắt kinh hơn 20 ngày. Hắn rờ tay trên bụng vợ. Rồi xoa xoa đầy âu yếm.
      Sau một đêm ngủ bìu bên vợ, hắn cảm thấy thoải mái chi lạ. Sau khi vệ sinh xong, hắn gọi điện bạn hắn. Bạn hắn trả lời vội như mọi khi. Hắn hẹn bạn uống cà phê buổi sáng. Hắn đến quán đúng hẹn. Bạn hắn vẫn chưa đến. Hắn ngẫm nghĩ lại mình. Rất ít khi hắn trễ hẹn. Nhưng cũng có lúc hắn bị trễ vì tắc đường, kẹt xe. Rồi trễ hẹn. Ở cái xứ sở này, việc trễ giờ trở thành điều không thể tránh. Ban đầu thấy ai đó trễ giờ là hắn thấy bực bội trong lòng. Nhưng rồi hắn phải chấp nhận, như người bị bệnh không có thuốc chữa. Và rồi hắn trở thành kẻ lạc lỏng khi là người đi đúng giờ trong các cuộc họp, cũng như trong những lần hẹn với ai đó. Đôi khi hắn cố tình đến trễ trong các cuộc họp, nhưng mọi người chẳng nói gì vì họ chẳng hơn gì hắn trong việc đảm bảo giờ giấc. Hoặc giả, hắn lấy lí do tắc đường ra phân trần thì mọi người cười ra chiều thông cảm.
      Đang thưởng thức li cà phê nóng. Hắn nhìn phố xá. Qua cơn mưa khi hôm, cảnh hôm nay như được lau sạch những bụi bặm, những ồn ào. Chỉ có làn gió dịu nhẹ, cây lá như muốn làm duyên trong ngày mới. Hắn thấy bình yên chi lạ! Ước gì cuộc sống yên bình như sáng nay thì tuyệt biết mấy! Đang thả hồn theo mơ mộng, hắn nghe tiếng chào của bạn. Hắn cười, đưa mắt nhìn đồng hồ như ngầm báo cho bạn hắn biết đã trễ hơn 15 phút.
      Cô chủ quán mang cà phê đặt lên bàn. Bạn hắn bưng li cà phê uống nhè nhẹ. Hắn cùng bạn nói đủ chuyện. Rồi đến chuyện tắc đường hôm qua. Bạn hắn nhếch môi, bực tức: “Dễ gì hết nạn tắc đường”. Nghe bạn nói thế, hắn không tranh cãi. Bạn hắn nói chuyện thực kia mà. Bỗng bên tai hắn có tiếng mời mua báo. Sau khi trả tiền mua báo xong, hắn lật lật từng trang  báo. Hắn có cái tật thường coi những tít. Còn nội dung thì hắn không xem. Trừ những tin đặc biệt nóng sốt. Vì quanh đi quẩn lại cũng từng ấy thứ, cũng từng ấy tin, từ tin trong nước đến tin quốc tế. Hắn mua báo để tỏ vẻ ta đây là người biết quan tâm thời cuộc, để trang sức cho gương mặt có chữ của hắn.
      Đang lật lật tờ báo, có một tít báo đập vào mắt hắn. Bạn hắn cũng đang xem ké. Cả hai không thể không xem. Vì bài báo đưa tin chuyện tắc đường hôm qua ở thành phố hắn ở. Cả hai cùng thốt lên sau khi đọc xong: “Trời ơi! Chỉ tại cái đám ma quan lớn!”.
      Hắn nhìn ra đường. Hôm nay, đường phố thông thoáng thật.
     
Tháng 2 – 2012
Phan Trang Hy
phantranghy@gmail.com
Đt: 0935484482 
READ MORE - TẮC ĐƯỜNG - Truyện ngắn Phan Trang Hy