Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, February 27, 2012

NHỚ LẠI MỘT BÀI VÈ Ở QUÊ TÔI - Nguyễn Hồng Trân


Trong những năm trước chiến tranh chống giặc Pháp, có một bài vè ngắn xuất hiện ở quê tôi mà dân làng ai cũng biết. Đó là bài vè: “LÊN PHƯỜNG ĐỐN BỔI”.

Bài này do truyền miệng của các chàng trai làng Trà Trì từ miền xuôi lên miền ngược thôn Phú Long làm thuê đốn bổi để phủ lên các luống vồng sắn mới cắm trồng nhằm cho đất có độ ẩm và ngăn chặn cỏ mọc,  làm cho cây sắn phát triển tốt hơn.

Bài vè rất đơn sơ mộc mạc nhưng cũng đã nói lên cái tính cần cù, chịu khó lao động của các nông dân vùng xuôi ít ruộng đồng; đời sống vất vả thiếu ăn hàng năm nên phải đi làm thêm ở nơi khác để có thêm thu nhập cho gia đình.

Bài vè này được lan truyền khắp cả vùng gồm mấy thôn: Phú Long, La Vang, Phường Sắn… Giờ đây nhiều người vẫn còn nhớ thuộc lòng.

Giêng hai không biết mần chi,

Lên phường đốn bổi rú  ri phải lòn.

Ăn rồi chân chạy bon bon,

Cây gai cũng đạp, vai mòn dơ xương.

Ông trời ăn ở thất thường,

Sáng mưa, trưa nắng, tối sương dầm dề.

Đêm năm chân chắc ủ  ê,

Mai thì đốn bổi lên kề Phước Môn.

Có khi thất sắc, hại hồn,

Ngửi mùi khét cọp lo chuồn chạy ngay.

Về thì triêng bổi chưa đầy,

Rất lo nhà chủ la rầy tốn công.

Thôi đành chịu bớt mấy đồng,

Còn hơn mất xác trong vòng hiểm nguy!

Ăn uống thì chẳng có chi,

Cơm toàn sắn độn, canh thì toàn rau.

Rứa mà sì sụp như nhau,

Cơm canh đều hết, gật đầu khen ngon.

Chiều tối vang tiếng cười dòn,

Cùng nhau chuyện tiếu bà  con cười khà…

Bây giờ ở làng tôi nhiều ông bà già  vẫn còn nhớ bài vè đó như các ông Nguyễn  Đợi,  Trương Mẫn, Phạm Vãn, Nguyễn Bá Căn, bà Trương Thị Song, v.v… và thỉnh thoảng lại đọc vè cho các con cháu nghe cho vui.

Khi đọc bài vè này lên, chúng ta hình dung được cuộc sống lao động vất vả của những người nông dân ở miền quê nghèo nàn luôn luôn lo miếng cơm manh áo mà chịu khó, chịu khổ tìm việc làm thêm kiếm kế sinh tồn. Tuy công việc hàng ngày  đầy nặng nhọc, khó khăn nhưng họ vẫn an phận cuộc đời lam lũ nhọc nhằn ở thôn quê mà không kêu ca than phiền chút nào. Trái lại, họ cũng biết đùa vui thư giãn tinh thần sau những ngày giờ lao động mệt nhoài thân thể.


Nguyễn Hồng Trân
nghongtran38@gmail.com

Ảnh minh họa của Hoàng Tuấn: Chiều quê
READ MORE - NHỚ LẠI MỘT BÀI VÈ Ở QUÊ TÔI - Nguyễn Hồng Trân

Friday, February 24, 2012

NGÔI TRƯỜNG TRONG TRÍ NHỚ - Trần Quốc Phiệt



     Kể  ra nghe cũng buồn cười, ấy là  khi học bài giảng văn “Tôi
     đi học “ của nhà  văn Thanh Tịnh, mãi miên man tưởng tượng 
     hình ảnh và tâm tư đó của chính mình ở một ngày nào vào buổi
     đầu tiên cắp sách đến trường. Đương nhiên bài giảng văn đó thì
     quá hay rồi, nhất là với một cậu học trò trí óc còn ngây thơ, trái
     tim dễ rung cảm thì nó là một áng văn chương tuyệt tác.

      Ấy là những bài giảng văn của năm đệ thất đệ lục, lên lớp cao hơn, khi học chương trình Pháp văn, lại được học Anatole France, tuy tiếng Tây mới chỉ bì bõm mà đã thấy hay làm sao, lại lần nữa bị cuốn vào khung cảnh mùa Thu lá vàng bay, chú bé học trò như chim con tung tăng trên bãi cỏ xanh, lác đác vài ngọn lá vàng rơi, ôi sao mà thơ mộng. Những bức tranh phác thảo bằng văn từ ấy, đánh thức tôi về với quá khứ tuổi thơ, đúng là hai khung trời cách biệt.
       
      Hồi tưởng lại chuổi đời nghèo nàn rách nát xác xơ, tìm tòi trong những trang sách người ta có  nói đến cảnh học trò  nghèo, nhưng không một ai tả  đúng hoặc na ná như mình cả, thôi thì dù văn chương viết lách chỉ loại tò te, nhưng cũng cố gắng ghi lại những gì đã biết và còn nhớ cái thời học trò ở xứ quê mùa dưới ngôi trường mái tranh vách lá, nền cát ghế tre, bàn kê trên gạch bể, gọi là ôn về dĩ vãng một quảng đời nhọc nhằn của những đứa trẻ sinh ra nơi miền xa xôi hẻo lánh, xa vời ánh sáng văn minh thị thành, một thời khổ nạn của quê hương, người con xứ nghèo nhưng ham học, dù trãi qua những ngày khổ cực trần thân gian truân nhọc nhằn, nhưng cũng là một chặng đời đầy thú vị nên thơ.

        Có  ai đó nếu tò mò muốn hỏi cảm tưởng của tôi về ngày đầu tiên cắp sách đến trường, xin thưa thật khó  mà trả lời cho chính xác, có  thể nói rằng tôi đã từng là  cậu học trò trường làng, thuở  khởi đầu chỉ có  hai lớp, dù vậy cũng được gọi là trường vì nơi đây là một ngôi trường có tên, có lớp, có hiệu trưởng, giáo viên, có hội phụ huynh học sinh, có bàn ghế, tuy đơn sơ mái tôn vách trét.

          Đó là những năm đầu tiên của miền Nam sau ngày chia hai đất nước, nơi ấy là trường cho cả một vùng, vì nó nằm trên đất làng tôi, cuối đầu Đông, trường cũng mang tên làng tôi, trường tiểu học An Lưu, được dựng lên trên nền cũ của ngôi trường thời trước.  Lần đầu tiên trong đời làm cậu học trò đi đến trường đúng cách, đúng nghĩa nhưng không phải là buổi học “khai tâm”. Và tôi chỉ học nơi ấy môt năm duy nhất, sau đó là vào học ở Huế, những năm sau này tôi về thăm quê thì đã được xây cất khang trang, rào dậu, cổng ra vào rất quy củ.

            Tôi sẽ không nhắc đến những ngôi trường bề  thế tiếng tăm ở  Cố Đô, mà tôi đã từng trãi qua như trường tiểu học Trần Quốc Toản, Trường Trung Học Kỹ Thuật, trường Quốc Học, bởi những nơi này ai mà chẳng biết, tự nó đã nổi tiếng từ lâu và vẫn tồn tại. Tôi cũng không nhắc đến trường trung học Nguyễn Hoàng, nơi mà tôi từng là môn sinh một thời, dù nay không còn tên cũ, nhưng nó vẫn còn được nhắc nhở bởi nhiều người từ nhiều thế hệ. 

            Thế  thì tôi sẽ nói về  một ngôi trường lạ lùng, không có  tên, rất ít người biết  đến, hoặc có biết, cho đến nay người mất thì  đã mang đi, ngưới còn chắc  gì đã nhớ, đó là những gì tôi sắp viết ra đây.  

            Ngôi trường đầu đời của tôi thật là  khó tả, gọi đó là  ngôi trường ư - không phải - đó là cái trại, cái chái  ư, cũng không đúng, chẳng có  tên gì cho nó cả, thôi thì  tạm gọi là ngôi trường đi, vì dù hình trạng là cái chái, cái trại, nhưng nơi ấy lại để cho một lũ trẻ con lớn bé không cùng trang lứa, nam và nữ quây quần để tập tò học chữ Việt, một người phụ trách duy nhất, vừa là hiệu trưởng, vừa là thầy giáo tất cả các lớp, vừa là thư ký, thu ngân viên - nói là thu ngân viên cho nó văn vẽ chứ thực ra cái gì cũng thu : tiền, gạo…. người chưa trả thì ghi nợ - và … kiêm nhiệm hết. Đó là những cái lạ nên tôi mới cà kê kể lể ra đây, cho nên dù có lẩm cẩm thì đây là một điều lạ bất ngờ may ra biết đâu người đọc đỡ nhàm chán.
             
            Trong hoàn cảnh quê hương ta vào thời  ấy, chắc chắn có rất nhiều nơi, nhiều người cở  ngang hoặc lớn hơn trang lứa với tôi từng trãi qua cảnh học hành kiểu ăn bòn chữ  nghĩa như thế, nhưng mấy ai có  thì giờ ngồi ghi lại một chút hoài niệm thuở  cơ hàn, dù về sau một số ra nơi thị thành, tiếp tục học hành hiển đạt thành danh, số còn lại cũng có vốn liếng ăn học để thi thố với đời. Cho đến ngày nay, qua bao nhiểu nhương loạn ly phân hóa, số người này còn lại không nhiều, đa phần đã già cả, họ chỉ còn giử được lại lờ mờ trong tiềm thức. Một số ít lớp trẻ hơn, khi ra nước ngoài lại phải vật lộn với cuộc sống cơm áo gạo tiền, những chuyện xa xưa dần dần đi vào quên lãng, dĩ vãng tàn phai, mái trường không tên tan vào cát bụi, thì thôi xin nhắc lại một lần. 

            Từ  nhà tôi đi đến trường khá  xa, tất nhiên là đi bộ, muốn nhanh không thể  đi đường ngay ngõ thẳng, mà  phải đi đường tắt sau làng. Vùng tôi làng kề  làng, trước làng là ruộng lúa, sau làng là  rú và nương khoai toàn  đất cát. Gian nhà một mái  được dựng dưới bóng lùm cây, gần bên con đê ngăn nước của làng bên.  Đó mới chính là ngôi trường đầu đời của tôi, thời gian của tôi học nơi này không nhiều, làm sao tôi có thể nhớ được đã học những gì nơi ấy, vì trước khi đến đó tôi đã được học ở nhà biết đọc biết viết, biết làm các phép tính. Tuy vậy vẫn để lại trong tôi hình ảnh thân thương không bao giờ quên. Tôi đặt cho nó cái tên “Ngôi trường trong trí nhớ”.  
             
            Vì  học trò không cùng trang lứa, trình độ khác nhau, đến từ  vài làng kế cận, nên khó  mà nhớ được nhiều,  trong số này về sau, khi tôi có thời gian trở lại Quảng Trị học trường trung học Nguyễn Hoàng, vài người học ngang năm với tôi nhưng khác lớp. 

            Thầy giáo duy nhất là Anh Kỷ, người mực thước da bánh mật, còn rất trẻ nhưng dáng dấp  đạo mạo, nói năng nhỏ  nhẹ thân thiện, anh luôn gọn gàng trong bộ đồ màu nâu, trên tay thường có cái xách với vài cuốn tập. Chúng tôi không gọi là thầy Kỷ mà chỉ gọi anh Kỷ.

            Anh Kỷ cũng là vị  thầy đầu đời của tôi, tuy gần gủi với anh rất  ít, sau này dù ở Huế  hay về Quảng Trị, tôi  đã được ngồì để nghe những vị thầy nổi tiếng khả kính giảng bài, thì hình dáng anh Kỷ vẫn còn giử trong tôi như thuở nào dưới mái tranh vách lá ấy.  

            Trường không có trống, không có  kẽng, giờ giấc được truyền  đạt bằng miệng, vào thời buổi  ấy mấy ai có đồng hồ đeo tay, tất cả hầu như xài đồng hồ mặt trời, nghĩa là muốn biết trưa chiều hay tối, cứ ngẫng mặt lên trời mà ước tính, những ngày trời u ám hoặc mưa gió thì chỉ có đoán chừng. 
             
            Trong giờ học, ngồi thành từng nhóm theo trình độ, không có bảng đen và  phấn trắng, tất cả đều viết lên giấy chuyền tay nhau mà chép, tôi không hề biết đến sổ điểm, bảng vị thứ đừng nói chi đến bảng Danh Dự như sau này, cứ tưởng tượng đi, trong điều kiện khó khăn như thế mà vẫn học, cuộc sống đơn sơ của những đứa trẻ thôn dã, từ tấm bé chỉ quanh quẩn với những chú dế trong đám cỏ khô ngoài đồng mùa nước cạn, hay với màng bọt sủi cá thia thia dưới khóm lúa đang trổ đồng đồng, hoặc xem người lớn vung cần câu trong mấy cái ao đìa phất phơ hoa bèo có cánh lục bình tím nhạt, bây giờ được tụ tập học hành chơi đùa đông đảo với nhau cũng là thú vị quá rồi, nào là đuổi bắt, trốn tìm, đánh căng, đạp mạng…trên bãi cát cạnh lùm cây. 
             
            Tuổi thơ nơi miền thôn dã  đi qua với bao kỷ niệm trong cuộc sống lam lũ  xứ nghèo, ra đời lưu lạc  đó đây, tôi vẫn mang theo như hành trang lưu niệm ghi lại trong lòng, không thể thiếu hình dáng anh Kỷ và mái trường nắng soi mưa dột, núp bóng dưới lùm cây. 

            Cả  hai xóm nhà nơi tôi ở, có  ba ” đồng môn” với nhau dưới “ngôi trường trong trí  nhớ” ấy thì nay hai tay đã ra người thiên cỗ, nếu tính chung số còn hiện diện “trên cỏi đời này” đếm không đủ trên đầu bàn tay lại còn lưu lạc mười phương tứ hướng, lấy ai để hàn huyên chuyện xưa tích cũ, nhắc lại những buổi đến trường chỉ chạy chứ không đi, vì đi chậm cát nóng bỏng chân. Những lần trèo cây hái bứa, trái chín thì ăn, trái hườm thì đào cát dấu, ngày sau trở lại đào lên “xơi” tiếp, những lần ngăn mương tát cá, tắm “troong”, ngồi ngẩm nghỉ, hồi ấy mới tí teo sao mà khôn lanh đến vậy. 

            Tất cả đó là những ngày  đi học đầu đời của tôi, vẫn là những kỷ niệm nhớ hoài, dù mộc mạc quê mùa nhưng là hình ảnh tuổi thơ một thời để nhớ, sau này mặc dù được đi học đàng hoàng trong những ngôi trường lớn những nơi thị thành tôi không thể nào tìm lại không khí những ngày trong tổ ấm gia đình, cho nên nhắc đến đoạn văn “ …mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi đi trên con đường dài và hẹp…” tôi thấy thật hay, thật thích thú nhưng đó là những hình ảnh cho tôi thương lãm vay mượn của người khác, cho nên dù mê say với cái hay nhưng cũng cảm nhận sự thấm thía đắng cay của riêng mình.

             
            Ngôi trường trong trí nhớ  của tôi chỉ cất lên một lần rồi  âm thầm đi vào dĩ vãng, tôi  đoan chắc số môn sinh người mất  đã nhiều, kẻ còn rất  ít, nhưng người còn nhớ  đến nó lại càng ít hơn. Sau thời lửa đạn qua đi khá lâu tôi có dịp trở về chốn cũ, thử đi ngang qua đập nước nơi mái trường tranh lá ngày xưa, vẫn còn lùm cây và bãi cát. Đó là một buổi xế chiều giữa Đông, nhưng trời quang mây tạnh sau một chuổi ngày dài mưa gió lạnh lùng. Đứng gần một vũng nước khá lớn trên mảnh đất có vài chòm hoa cỏ dại lơ thơ, màu sắc hài hòa, bầu trời trong xanh phản chiếu dưới lòng nước trong với những con cá bạc uốn mình, một loài chim rất quen cất tiếng hót lên từ lùm cây, trong cái bình an ấy tôi miên man nghỉ đến những ngày tháng xa xưa ở nơi này, nghỉ về anh Kỷ, bây giờ ở đâu hay đã an nghỉ phận đời, cảnh cũ mang máng như xưa, mái tranh từ lâu đã ra cát bụi, người xưa còn mất những ai, bây giờ ghi lại đây đôi dòng hoài niệm, có ai đó còn nhớ những ngày tháng xa xăm ấy không. 
            Trần Quốc Phiệt  


            Hình minh họa: Học sinh tiểu học ở xã Triệu Sơn
            congdoantrieuson.violet.vn
          READ MORE - NGÔI TRƯỜNG TRONG TRÍ NHỚ - Trần Quốc Phiệt

          Đình Thu - GỞI LẠI QUÊ HƯƠNG



          Nhớ về  Quảng Trị quê tôi
          Thương bờ đê lũy tre làng quen thuộc
          Con đường đất tuổi thơ quen chân bước
          Và dòng sông trôi bên lở, bên bồi
          Ra đi …..
          Để  mùa hạ oi nồng
          Cái nắng  như thiêu như đốt
          Gương mặt cha như mặt trời đỏ rực
          Đứng bóng !
          Trâu muốn ngừng thở
          Cha lặng lẽ tháo cày nhìn phía  xa xăm

          Nhớ về  Quảng Trị quê tôi
          Thương lắm miền quê câu hò xứ sở
          Mùa Đông mưa phùn gió bấc
          Bóng mẹ già nua cấy lúa trên đồng
          Trách sao trời rét lạnh căm
          Mắt mẹ thâm quầng tím cả vành môi

          Nhớ về Quảng Trị quê tôi
          Ơi miền ấu thơ làm sao quên được
          Bao năm xa có đêm nào ngủ được
          Nỗi nhớ trong lòng canh cánh tháng năm

          Chừ ! Răng có nhớ suốt đời
          Cũng không quên được cả thời ấu thơ
          Dùng dằng trong cả giấc mơ
          Biết ngày mai đó có chờ nhau không ? 

          Đình Thu
          dinhthubank@yahoo.com


          Ảnh: Con đường qua đồng ở xã Triệu Độ
          yume.vn/xatrieudo
          READ MORE - Đình Thu - GỞI LẠI QUÊ HƯƠNG

          HOA HUỆ - Thơ Bế Kiến Quốc - Lời bình Phạm Ngọc Thái

                                                    
                              HOA HUỆ

                           
           
                            Hoa huệ trắng và bức tường cũng trắng
                              Sao bóng hoa trên tường lại đen?
           
                              Em đừng nhìn đi đâu thế em
                              Anh không biết vì sao, ai có lỗi...
                              Nhưng mãi mãi vẫn còn câu hỏi
                              Sao bóng hoa trên tường lại đen? 


                                                           Bế Kiến Quốc
                                             
                                                            (1949 - 2002)
           
           
               
          Bài thơ đưa ta đến một cảm giác với bao mâu thuẫn của tình yêu: 

                            Hoa huệ trắng và bức tường cũng trắng
                            Sao bóng hoa trên tường lại đen? 


                Màu hoa huệ trắng đặt trước một bức tường cũng trắng như sự trắng trinh thơm ngát ở người con gái, mơ mộng và nên thơ. Nhưng:


                              Sao bóng hoa trên tường lại đen? 


                Đó lại là hai mặt mang đầy kịch tính. Tôi nói “kịch tính” ở đây, bởi vì: Bông hoa nào dù trắng trong và hương ngát bao nhiêu chăng nữa, nhưng khi bóng của nó hắt lên tường thì đều thành màu đen cả
          (nghĩa đen)!...Ý là tình yêu đã mang đến cho ta niềm vui sướng, hạnh phúc vô biên - Ngược lại, tan vỡ cũng gây không ít những đau đớn và thất vọng. Cái mâu thuẫn ấy có mấy đôi trai gái không thường vấp phải? Nhà thơ Bế Kiến Quốc đã sử dụng hình tượng bóng đen đó (nhưng theo nghĩa bóng), để nói lên nỗi lòng mình đang tan nát. 

                Henrich  Haine một nhà thơ lớn nước Đức (1797-1856), trong bài thơ "Những hoa hồng tím nhạt" đã viết:


                              Em có hiểu vì đâu?
                              Những hoa tím im lặng
                             Trêncánh đồng xanh mầu?


               Tình cảm đồng điệu từ những bông hoa tím được nhà thơ sử dụng chỉ cốt  bộc lộ nỗi đau thầm nén của lòng người con trai trên cánh đồng xanh mướt, tha thiết tình yêu  kia! Ông viết tiếp:


                               Vì sao trên không trung
                               Chim sơn ca than khóc?
                               Vì sao đoá hoa thơm
                               Tỏa một mùi chết chóc? 


               Hình ảnh bông hoa được sử dụng thêm một lần nữa nhưng ở mức độ cao hơn, khốc liệt hơn -  Rằng, một đóa hoa thơm cũng mang nỗi khổ hạnh khi trái tim tình yêu người bị đớn đau. Như lời của Nguyễn Du:


                              Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ? 


                Việc sử dụng hình ảnh bông hoa để  nói về tình yêu của nhà thơ Bế Kiến Quốc và Henrich Haine khác nhau là ở chỗ: Hình ảnh của nhà thơ Đức thông qua trạng thái ở bông hoa mà biểu đạt  nỗi xót xa về tình cảm , hay sự quặn thắt trong lòng người - Nhưng bông hoa trong bài thơ "Hoa huệ" thì lại được xây dựng hẳn thành một biểu tượng cho tình yêu!



                Anh viết bài thơ này từ năm 1969, khi còn là một sinh viên trường Đại học Tổng hợp. Nghe nói những năm tháng ấy các sinh viên của trường anh thường lập ra những nhóm thơ, tìm tòi nhiều, cả thơ trong nước và thơ thế giới. Bài thơ đã ảnh hưởng trường phái thơ tượng trưng của văn học châu Âu. Tuy nhiên, đó là sự ảnh hưởng về phương pháp sử dụng hình tượng nghệ thuật thể hiện, tư duy thơ vẫn bắt nguồn từ tình cảm bản thân trong đời sống tình yêu lứa đôi, dồn nén của trái tim mà ra. Cho nên  bài thơ tuy viết theo dạng biểu tượng xúc tích nhưng tình cảm vẫn  tha thiết, đằm thắm:

                          Em đừng nhìn đi đâu thế em
                          Anh không biết vì sao, ai có lỗi..


                Sau hai câu đầu đưa ra sự đối ngược giữa hình ảnh bông hoa trắng với cái bóng trên tường lại đen, tác giả bắt ngay vào diễn tả trạng thái riêng tư - Đó là sự trách cứ người yêu hờ hững chăng? Anh tiếc nuối hay anh phân bua về sự tan vỡ ấy? Câu thơ: 


                          Anh không biết vì sao, ai có lỗi?


              Ta thấy lòng nhà thơ vẫn còn rất  tha thiết với người con gái năm xưa, dù mối tình đã tan có thể không bao giờ còn hàn gắn lại được. Tuy có đôi chút yếu lòng nhưng thơ không rơi vào bi lụy. Có vẻ trách đấy mà đâu có trách, cảm hóa ta về một mối tình đẹp và trong sáng. 


                Tất cả chỉ có sáu câu . Hai câu kết tác giả trở lại với hình ảnh của bông hoa và cái bóng đen trên tường,  khóa bài thơ lại: 


                          Nhưng mãi mãi vẫn còn câu hỏi
                          Sao bóng hoa trên tường lại đen?


                Cái bóng đen của bông hoa in trên nền tường trắng là một bóng... buồn! Câu hỏi: 


                         Sao bóng hoa trên tường lại đen? 


                 mãi mãi còn day dứt, trăn trở trong trái tim
          người con trai! Nhìn "bóng hoa đen"... lòng anh lại càng xa xót về một kỷ niệm đã xa xưa. Sự đối ngược giữa  hình ảnh bông hoa trắng và bóng đen tự thân đã mang theo một  quan điểm triết lý về sự hợp tan, lành dữ trong trời đất. Đó cũng chính là ý nghĩa  tự nhiên của tình yêu và cuộc sống, vừa hạnh phúc mà lại vừa đau khổ! 

                Nhà thơ Bế Kiến Quốc đã tạo nên bức tranh "Hoa huệ" không kém phần độc đáo.





                  Phạm Ngọc Thái
          READ MORE - HOA HUỆ - Thơ Bế Kiến Quốc - Lời bình Phạm Ngọc Thái

          CHUYỆN TÌNH - Trương Nguyễn


          Em với mắt thất thần ngái ngủ
          Từng đêm dài nghe kể chuyện ngày qua
          Ngồi im lặng….
          Cúi đầu nói nhỏ
          Kể nữa đi anh !
          Anh kể chuyện mình
          Một cô gái thiên đường xây lỡ dỡ
          Sống nữa chừng buồn bã bổng hiện sinh
          Bao năm dài giữ cho người tình lỡ
          Giữa phút lao đao – nghĩ tới phận mình
          Thời gian qua người chưa hề mơ ước
          Được yêu thương – chắp vá nụ cười
          Rồi một thuở…
          Có người dừng bước
          Như cánh chim mệt lã cuối bầu trời
          Họ gặp nhau
          Khi đời vừa chợt tối
          Tay nắm tay dìu dắt khỏi đêm sâu
          Không ước hẹn mà lòng nhắn gởi 
          Vì tình yêu đã hóa nhiệm mầu


          truongnguyen49@yahoo.com.vn

          Tranh minh họa của họa sĩ Ái Lan
          READ MORE - CHUYỆN TÌNH - Trương Nguyễn

          Wednesday, February 22, 2012

          Lê Đăng Mành - THƠ GIÊNG HAI


          LẠNH LÙNG!

          Giêng hai Trời cứ lần đân
          Rét chà trệt cẹng* cho xuân rạ rời**
          Rét quất bầm nỗi đau Tôi
          Rét lấp lãm nguyệt hiên ôi lạnh lùng

                    Tiết vũ thủy, tháng giêng Nhâm Thìn
                                  Lamnguyethien 

          *cẹng:cánh,xếp cánh,bó cánh
          Giọng quê Quảng trị.
          **Rạ rời:giọng quê nghĩa là rã rời


                     CÔI NGUỒN !
           
          Bao giờ về với quê miềng
          Vói ngắt sợi khói trôi miền phù hư
          Thỏng tay làm khách cuồng phu
          Chạm Quê là đụng cõi ngu ngơ…khờ!
          Xin làng bụm nước Ô Lâu
          Dầm thân du tử bể dâu phong trần
          Cung tay nhặt ngọn giêng xuân
          Hâm bờ ký ức vọng ngân cội nguồn./

                           Lamnguyethien, tiết vũ thủy



          XƯA NAY !

          Xưa ! giêng hai
          Nhà hết gạo
          Mắt Mạ đăm đăm
          Ngón tay thiếu máu*
          Nhin con xót ruột
          …..Rét chênh chao!
          Nay! agogo,slowrock
          Lẻng kẻng xập xình
          Lanh canh đìa ao
          Rúc bụi chuối
          Luồn hang cau
          Tre hóp kêu đau
          Nhìn trăng gió
          Nuối chũ”thôi xao”

                                 Lamnguyethien, giêng hai

          *Tục ngữ quê tôi: Giêng hai cắn ngón tay không ra máu.
          READ MORE - Lê Đăng Mành - THƠ GIÊNG HAI

          Nguyễn Ngọc Chiến - MỜI EM VỀ THĂM QUÊ ANH



          Em ơi em về thăm quê anh nhé
          Mảnh đất cỗi cằn nắng gió miền Trung
          Mùa hạ khô người đất bỏng như nung
          Đông buốt giá tháng ngày mưa tầm tã.


          Quảng Trị quê anh xưa đói nghèo vất vả
          Đạn xới bom cày dấu tích vẫn còn kia
          Mẹ tảo tần dậy sớm thức khuya
          Củ sắn củ khoai nuôi anh khôn lớn.


          Kể với em mà nghe như đùa bỡn
          Chuyện buồn cười mà thật đấy em ơi
          Nay em về đồng lúa xanh tươi
          Bát ngát chè tiêu rưng rưng mời gọi.


          Anh đưa em vào thăm quê nội
          Đi giữa mùa vàng đất lúa Triệu Phong
          Hãy còn kia rực rỡ những chiến công
          Chợ Cạn, Long Quang, Triệu Tài, Triệu Độ…


          Xuôi Ba Bến ta cùng ra Thành Cổ
          Thăm lại chiến trường tám mốt ngày đêm
          Qua sông Thạch Hãn em nhớ đừng quên
          Gửi một nhành hoa cho người nằm lại.


          Em hãy cùng anh ra sông Bến Hải
          Thăm cầu Hiền Lương một thuở chia đôi
          Về Cửa Tùng em hóng gió biển khơi
          Ngắm bình minh vẫy chào Cồn Cỏ.


          Quê hương anh đất một màu thắm đỏ
          Mấy mươi năm nặng nghĩa nặng tình
          Máu của biết bao đồng đội đã hy sinh
          Vẫn lặng lẽ thấm trong từng thớ đất.


          Một nén hương thơm cho người đã khuất
          Rồi hãy cùng anh về thăm lại làng Tùng
          Ta đi bên nhau trong lễ hội tưng bừng
          Đợi trăng lên nghe điệu hò chèo cạn.


          Lên Vĩnh Tú mời em nghe chuyện trạng
          Cho môi em đỏ thắm nụ cười
          Cho mắt em thăm thẳm gương soi
          Cho men rượu nồng hồng hào đôi má.


          Em ơi em về thăm quê anh nhé!




          Nguyễn Ngọc Chiến
          nguyenngocchienvg@gmail.com
          093 2526 786
          READ MORE - Nguyễn Ngọc Chiến - MỜI EM VỀ THĂM QUÊ ANH

          Tuesday, February 21, 2012

          CHỢ CẠN: QUÊ HƯƠNG NỖI NHỚ KHÔN CÙNG - Trần Quốc Phiệt


          Để tặng những người cùng gốc gác với tôi

          Quê hương mãi là nỗi nhớ khôn cùng, tôi xa quê từ khi còn nhỏ; về với làng mạc ruộng đồng chỉ trong những tháng Hè không trọn vẹn, những hình ảnh thôn làng từ con đường, khe nước, đồi cát, bụi cây, ngõ làng, xóm chợ mãi hằn sâu trong ký ức, đặc biệt giọng nói với cách phát âm rõ ràng, chỉ người Quảng Trị mới có; là nét đặc thù rất dễ nhận nhau, do vậy cách nói năng của tôi không thay đổi bao nhiêu, dù qua biết bao năm tháng đó đây đủ mọi miền tôi vẫn giữ lấy nó, lý do vì tôi yêu mến những ngữ âm như thế; có lẽ chỉ bớt đi cái hơi Quảng Trị một tí trên bước đường lưu lạc tha phương, cho nên người nào rành về âm giai giọng nói thì nhận ra liền. Ví như có một ai đó hỏi: “anh là người Quảng Trị mà ở chỗ mô”.  Nếu tôi trả lời xóm này làng nọ, chắc chi họ đã biết, nhưng chỉ ngắn gọn chợ Cạn, người nghe có thể nhận ra địa danh dễ dàng, cho nên dù chợ Cạn nhỏ nhoi của miền quê nghèo nhưng cái tên của nó mang tính phổ thông thân thuộc. Bởi thế, khi tuổi đời xế chiều chếch bóng, ngồi ngẫm nghĩ lại những bước lưu lạc giữa chợ đời lòng bồi hồi nhớ lại ngôi chợ nghèo quê nhà: Chợ Cạn.


          Tôi viết những dòng này để ghi lại những kỷ niệm về một địa danh, nơi mà tôi đã từng trải qua một chặng đời với những gắn bó liên hệ tình cảm thiêng liêng gia tiên giòng tộc. Bằng những tâm tình này xin san sẻ phần nào nỗi nhớ nhung của kẻ lâu ngày xa xứ, cũng để thay lời tri ân đến những thế hệ tiền nhân đã dày công dựng xây cho mảnh đất ấy có được như hôm nay, và là những dòng hoài niệm về quảng đời niên thiếu, nét đơn sơ nghèo nàn nơi chợ quê mà chắc một con người bình thường không dễ gì nguôi ngoai thương nhớ. Tôi viết về chợ, mà đặc biệt xin gởi chút tâm tình về quê hương chợ Cạn một nắng hai sương. Để chuẩn bị cho bài viết tôi có hỏi ý kiến vài đồng hương quanh vùng cùng trang lứa hay lớn hơn tôi để lấy thêm tài liệu, nhưng tất cả những người được hỏi không ai cho thêm một điều nào về ngôi chợ quê nghèo ấy, dù sao tôi cũng viết, viết những gì tôi đã biết; những gì còn đọng lại trong ký ức sau gần năm mươi năm chân trời góc bể đó đây.


          Nói đến chợ người ta tưởng tượng ngay đến cảnh huyên náo ồn ào xô bồ và lắm chuyện, tốt xấu tùy cách luận giải của miệng người, “khôn khéo chẳng qua ba tấc lưỡi, hẳn hoi chưa hết một bàn tay”, mọi chuyện ở đời đều do con người tạo ra , tốt xấu cũng do lời người đàm tiếu, cho nên khi nói về chợ thì cái tốt và cái xấu nằm cận kề bên nhau “Trai khôn tìm vợ chợ đông…”, “thứ đầu đường xó chợ..”;  “đem con bỏ chợ”; “cơm chợ ở hè” ….Mặt khác trong thơ văn chợ cũng được ghi lại bằng những câu thơ dạt dào tình ý: “Thân em như gánh hàng hoa, sáng ra chợ sáng, chiều ra chợ chiều” (GHH);   “Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ”(ĐVC). “ Giữa chợ ai mà khóc nhận thây”(NB); “ Kinh Kha giữa chợ sầu nghiêng chén”…(NB); ”Cứ tưởng đầu đường thương xó chợ, ai ngờ xó chợ chẳng thương nhau” (BG)…Vào những dịp Tết Nguyên đán, có thể tìm thấy những bức tranh dân gian như chợ Tết, Chợ quê … thế thì chuyện chợ cũng rất phong phú không những chỉ trong sinh hoạt thường nhật mà nó còn mang hình ảnh với đặc tính văn hóa dân tộc tuy dung dị mà rất hàm súc.


          “Nhất cận thị, nhì cận giang”: vậy phải hiểu rằng trong những nhu cầu thực tế cuộc sống chợ được xếp hàng đầu. Khi kể về những thành phố lớn tấp nập, sầm uất, người ta thường nhắc đến những cái chợ nổi tiếng mà dường như đã dính liền với thành phố ấy, như Sài gòn thì chợ Bến Thành, Chợ Lớn thì chợ Bình Tây, Nha Trang có Chợ Đầm, Đà Nẵng thì Chợ Cồn, Huế thì chợ Đông Ba, Hà Nội thì chợ Đồng Xuân v.v và.v.v. Những cái chợ đã là dấu ấn rất đậm nét về những địa danh từng vùng. Đủ biết chợ đóng một vai trò rất quan trọng trong lịch sử, địa lý nhân văn, giao dịch thương mãi, sinh hoạt của cư dân và cả những người vãng lai.


          Quảng Trị quê hương núi Mai sông Thạch tuy nghèo nàn, chiếc áo phủ thân xứ “chó ăn đá gà ăn muối”, cuộc sống còn cũng lắm cam go nhưng đã tồn sinh từ thế hệ này qua thế hệ khác giữa vùng đất khô cằn, hai mùa cơ cực ruộng đồng nắng cháy, gió Lào rát da và mùa đông dầm dề mưa gió bùn lầy lụt lội, trơn trượt đường quê. Chợ cũng nhan nhãn đây đó khắp mọi nơi đâu đâu cũng có chợ, chợ như nồi cơm san sẻ, dòng nước luân lưu cung phát nhu cầu trong cuộc sống, nhìn vào cách họp chợ người ta có thể biết được mức sống kinh tế người dân trong vùng và phụ cận. Quảng Trị cũng có những chợ lớn - lớn ở địa phương - như chợ Quảng Trị, chợ Đông Hà, chợ Sãi, chợ Diên Sanh… Chợ Cạn tuy nhỏ nhoi ở xứ quê nghèo nhưng là trung tâm mua bán giao dịch mà cái tên của nó đã trở thành biểu trưng cho cả một khu vực làng mạc quần cư đã trải qua bao thế hệ. Nơi đó gợi lại trong tôi những kỷ niệm của một quãng đời.


          Chợ Cạn được nhóm họp như một nhu cầu trao đổi giao dịch đã có rất từ lâu,  thuở nào thì không ai biết, cũng không có tài liệu sách vở để tra cứu tìm hiểu, đó là một địa điểm thuận lợi trong vùng và các khu phụ cận, từ biển Gia Đẵng, Ba Lăng, An Hội vô, từ ngoài Lệ Xuyên, Vân Tường, Long Quang, Linh Yên…vào và trong Cỗ Lũy, Phương Lang…ra.  Địa thế chợ Cạn nằm trên trục giao lưu thuận tiện, liên làng liên xã, đó cũng là nơi xuất phát để đi lên các vùng trên và thị xã, tỉnh lỵ.


          Trong tâm tình của một người sống nơi phương xa khi nhắc đến quê nhà làm sao quên được làng mạc xóm phường, những buổi nhóm chợ quê…với đặc thù hai mùa mưa nắng, những trưa hè dưới bóng mát tàn cây gật gù đều đặn tiếng gáy gọi của những chú chim cu, những cánh đồng sâu cạn vàng hoe mùa lúa chín loang loáng trong ánh nắng chiều vàng nhạt nhòa chập chờn văng vẳng tiếng hót chim chiền chiện lên cao vút, hay những ngày lênh láng lũ lụt ngập nước mênh mông, những đêm về chập chờn ánh đuốc đèn soi, rời rạc tiếng chim bay đi tìm tổ, tiếng ếch nhái ểnh ương lào xào buồn thản. Những buổi sáng tinh mơ, sau tiếng gà réo gọi bình minh, tiếng dế rân ran đều đều bên “dường” ruộng lúa, khi ánh hừng đông vừa hé dạng, những thôn nữ thoăn thoắt bước chân, trên vai quẳng đôi gánh bon bon nhanh nhẩu đến cho kịp buổi họp chợ sớm ngày.  Nhiều  điều vẫn hằn trong nỗi nhớ, không dễ gì phai mờ theo năm tháng. Cái chợ quê mộc mạc ấy đã được ghi lại như một vết hằn trong ký ức, những hình ảnh đơn sơ hiền hòa và thân thiết nơi họp chợ hằng ngày như vỡ tuồng diễn mãi, nhìn mỗi lần đi qua thì chẳng gì khác nhưng khi xa rồi, nó trở thành một bức tranh quê trìu mến thân thương.


          Hình ảnh những buổi sáng nhộn nhịp giữa chợ làng chợ xã, những gánh cá kẻo kẹt nhanh nhẩu từ vùng biển chạy vô, nếu sớm được giá thì bán ở chợ Cạn, trễ một chút chạy lên chợ Cống, không thì chợ chồm hỗm Gốc Bầu và sau cùng là chợ Quảng Trị. Cái lộ trình buôn bán bằng nghề chạy cá thật là vất vã nhiêu khê. Đặc biệt chợ Cạn nhóm rất sớm vào buổi sáng, sau chừng nửa buổi là tan chợ, nhưng những sinh hoạt mua bán hàng quán vẫn kéo dài trọn ngày. Sinh hoạt chợ Cạn chỉ giản dị vậy thôi, nhưng vì nó lại nằm trên trục lộ di chuyển tám phương tứ hướng đông tây nam bắc nên mấy ai đi xa về gần mà không bước chân qua chợ Cạn.


          Chợ Cạn như là điểm hội tụ và chia tay; vào cái thời xa xưa ấy quanh quẩn mấy làng số người đi học trường tỉnh hoặc học Huế cả nam lẫn nữ chỉ đếm được đầu ngón tay. Học trò buổi sáng thường hẹn gặp nhau ở chợ Cạn để cùng đi, khi về thì cũng đến chợ Cạn là xé ra ai về làng nấy. Những tháng ngày nắng mưa cùng đi về trên con đường quê bằng phẳng thì ít mà gập ghềnh lổ chổ lại nhiều, đã ghi lại biết bao kỷ niệm thân thương để đến bây giờ gần năm chục năm sau ngồi ngẫm nghĩ lại đoạn đời đi qua thật là những hình ảnh đẹp của một thời nhọc nhằn nhưng hồn nhiên không thể phai mờ trong tâm tưởng. 


          Từ thị xã Quảng Trị, đi về hướng Đông theo con đường sát bên hông làng Trí Bưu, đối diện Hạnh Hoa, xuôi hướng cầu Ba Bến, theo sông đào Vĩnh Định, xuyên Thâm Triều, An Trú, Đạo Đầu đi thẳng ra vùng biển Gia Đẳng, trên đường đi sẽ gặp chợ Cạn. Mặc dù có tên là Cạn, nhưng nhìn quanh chẳng có nơi nào là sâu, sâu hơn một tí thì chỉ có ruộng lúa, ngoài ra nương vườn và những khu cư dân hầu như bằng phẳng ngang nhau, thế thì Cạn cứ hiểu là cái tên gọi, như con người sinh ra phải mang cái tên vậy. Nhưng dù hiểu cách nào thì chợ Cạn cũng là môt địa danh đã được ghi đậm nét trên bản đồ địa lý từ lâu, là ngôi chợ của cả một vùng và đặc biệt nó đã đi vào “lịch sử chiến tranh”, đối với giới quân nhân ai đã có lần qua Triệu Phong mà không bước chân lên chợ Cạn, nói chung chợ Cạn là nơi rất dễ nhận biết. Trên đường đi từ tỉnh về sẽ ngang qua chợ Cống, chợ Hôm rồi mới đến chợ Cạn.


          Vị trí nguyên thủy của chợ Cạn nằm trên khu đất thuộc xóm phường Đạo Đầu, làng Đạo Đầu thuộc xã Triệu Trung, nhưng chợ Cạn lại là trung tâm giao dịch mua bán của xã Triệu Sơn, thuộc quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Là nơi tụ hội giao thương mua sắm cho dân cư các làng quanh đó như Phương Sơn, An lưu, An Phó, Thượng Trạch, Linh Chiểu, Văn Phong, Đồng Bào, Trung Yên.  Ngày nay sự phân chia địa giới đã khác đi, chợ Cạn cũng đã được di dời qua bên kia con khe thuộc đất làng An Phó, chỉ cách nơi cũ mấy chục thước, vẫn là nơi tụ hội quây quần bán mua của cư dân quanh vùng, cũng là địa điểm thuận lợi đường đi ngõ về mọi hướng.


          Vào buổi sáng tinh sương mở cửa ra khỏi nhà, nhìn xuống cánh ruộng đồng trước làng, trên con đường “liên làng, liên xã” mà dân địa phương gọi là “đường bạn”, những người đi họp chợ gánh hàng nặng trĩu kẽo kẹt trên vai, những gánh thơm (dứa) từ miền ngoài vào những gánh lá chè từ Lệ Xuyên cũng nhanh nhẩu cho kịp họp buổi chợ sớm. Những cư dân quanh vùng thì mang các loại nông sản hay hoa màu ra chợ bán và mua về những nhu yếu khác. Cũng như những người đi buôn cá, các bà bán chè lá cũng tất bật bươn chải, nào là bán chợ Cạn, vào chợ Phương Lang, lên chợ Ngô Xá, trở về chợ Hôm Đạo Đầu…

          Thuở còn nhỏ, tôi chỉ sống lẩn quẩn loanh quanh trong làng. Hồi đó đi từ đầu làng Đông đến cuối làng Tây, đối với tôi đã là quá xa, dăm khi mười họa có việc gì cần tôi mới ra chợ Cạn. Nhà tôi ở tận cuối đầu Tây làng mà chợ Cạn lại nằm bên kia phía Đông, cách một con khe, lúc đó chưa có ống cống bắc qua, phải đi ngang trên cây cầu bằng hai cành cây khá lớn thô sơ, người đi qua đôi khi phải cần đến tay vịn.

          Để theo đuổi việc học hành, tôi đã rời vùng chợ Cạn để làm cậu học trò giữa đất thần kinh năm lên mười, chỉ trở về thăm chợ Cạn vào những ngày Tết hoặc ít ỏi vài tuần nghỉ hè, may cho tôi đã có hai năm trở về học đệ nhị cấp Nguyễn Hoàng, đây là thời gian chợ Cạn trở nên thân thương gần gũi với tôi như kỷ niệm học trò còn xếp trong tờ lưu bút có cành hoa phượng ướp lại làm tin. Trong nét vẽ đơn sơ một ngôi chợ quê nghèo không có gì đặc sắc, chỉ những hàng quán quen mặt biết tên, những người bán buôn xuôi ngược hay những kẻ bán người mua trong vòng luân lưu trao đổi. Tất cả với tôi là một bức tranh quê trìu mến thân thương mỗi khi nhớ đến.


          Thời còn Tây đô hộ, khu họp chợ có lúc bị lính Pháp lấy đất để làm đồn, không còn nhóm ở đó, ban ngày chẳng ai qua lại, ban đêm chỉ nghe tiềng “tắc xùm” , “lum đum” thỉnh thoảng đệm tiếng “ì ầm” đạn “móc chê”, vài ngày lính “Lê dương” đi lùng, xóm làng tiêu điều, người dân luôn sống trong phập phồng lo sợ. Cho đến trước năm 1954, đồn Tây triệt thoái, khoảnh đất đó lại họp chợ trở lại. Vùng chợ Cạn trở nên nhộn nhịp, cư dân trở về đất cũ làm nhà, mở quán, bày gian hàng, chợ Cạn từ từ thay da đổi thịt.  Từ cuối thập niên 1950, trụ sở hành chánh xã Triệu Sơn được xây lên bên kia con khe.  Chợ Cạn nhóm vào buổi sáng sớm, đêm về thường là nơi tụ hội sinh hoạt văn nghệ giải trí cho cư dân trong vùng sau một ngày ruộng vườn vất vã. Những đoàn chiếu phim lưu động của thông tin thường đến công tác nơi đây, những phim hoạt họa về y khoa phòng ngừa hoặc phim hài hước ngộ nghĩnh rất vui, đó là khởi điểm những ngày “phồn vinh” của chợ Cạn. Ban ngày, phần đông trẻ nhỏ rất thích ra chợ xem những toán bán thuốc quảng cáo “Mãi võ Sơn Đông”, cùng nhau quây quần quanh người bán hàng để xem diễn trò với những lời nói vui tai, trò xiệc lạ mắt.


          Đây có lẻ là giai đoạn phồn hưng nhất của chợ Cạn. Chợ được xây đình quán nền lát, mái lợp tôn xi măng, một số người có vốn chuyên sống bằng kinh doanh buôn bán đã cất nhà ở và mở những gian hàng quanh khu chợ, những dịch vụ như quán may, quán hớt tóc, lò rèn chuyên làm và sửa chữa nông cụ… nói chung sinh hoạt chợ trở nên đa dạng và sầm uất hơn trước kia rất nhiều. Hình trạng này được giữ lại cho đến cái ngày, khi bóng dáng những người bên kia bắt đầu thập thò cuối khe vào những buổi chiều vắng sự kiểm soát của toán dân vệ đi tuần tiểu, và cũng từ đó cuộc sống người dân phải kinh qua nhiều biến chuyển bởi cuộc chiến, chợ Cạn vẫn họp nhưng độ thăng tiến không còn nữa, nó trở nên nơi trao đổi mua bán hàng hóa, nhu yếu qua ngày đoạn tháng, cho đến một lúc chỉ còn tên mà không còn chợ nhóm vì đất đai làng mạc thành bình địa, ruộng vườn khô cháy, đồng lúa bỏ hoang, quang cảnh hoang tàn xơ xác. Mãi đến sau ngày tàn cuộc chiến chợ mới nhóm trở lại, nhưng thật bèo nhèo nghèo nàn tả tơi giữa đám đất khô khan, hàng quán xiêu vẹo tồi tàn, mãi tận hai chục năm sau, chợ Cạn mới có hơi thở hồi sinh, nhưng lấy lại phong độ như thuở nào cũng gay go trần khổ.


          Sau bao nhiêu năm lưu lạc, tôi trở về thăm lại quê hương đúng mười năm từ ngày ngưng tiếng đạn xéo bom gầm, về thăm lại Quảng Trị để lần nữa tận mắt nhìn đổ nát hoang tàn của cổ thành, dấu vết trường xưa Nguyễn Hoàng không còn nữa. Bùi ngùi nhớ nhớ thương thương, tôi háo hức về xem lại thôn làng, thăm lại mảnh đất hương hỏa, nơi tôi có những tháng năm buồn vui khổ đau của tuổi thơ. Trời nhá nhem tối không còn chuyến xe về chợ Cạn, đang giữa tiết Đông với giá buốt lạnh lùng không thể đi bộ; đành hỏi nhà một người bà con trú tạm qua đêm, sáng hôm sau người bà con này lại cho tôi chuyến xe Honda về tận làng.


          Về đến chợ Cạn chúng tôi dừng xe vài phút , nhìn lại cảnh cũ, mảnh đất ấy đã hiện về trong tôi những tháng năm hai mùa mưa nắng chúng tôi tụ hội nơi đây cùng đi cùng về, biết bao kỷ niệm còn đây khi trên đầu có hai thứ tóc mà muối nhiều hơn tiêu, cuộc đời thăng trầm xuống lên bầm dập, nhưng hình ảnh những ngày tháng xa xưa ấy sao mà dễ thương, hồn nhiên và đẹp đến thế!  Những ngày lưu lại với làng, mấy dạo lân la ra chợ Cạn, tìm về kỷ niệm ngày nào, hình ảnh những cô nàng thôn nữ duyên dáng má ửng sắc hồng dưới vành nón quai đen nụ cười e thẹn long lanh đôi mắt huyền mộc mạc, những nàng nữ sinh áo trắng trường tỉnh đạp xe qua về trên đường chợ quê, tay mân mê sách vở, lòng xây đầy mộng đẹp ngập tràn ước mơ.  Và những cậu con trai trong vùng được học hành, có tí văn minh tỉnh thành đô hội, ra với đời thì chả bằng ai nhưng về quê đã là “tài hoa trí thức”.


          Nhìn cảnh cũ nhớ lại người xưa, bao nhiêu kỷ niệm tuổi thiếu thời hiện về, tìm ai không biết hỏi ai, bạn bè cùng trang lứa một thời người còn kẻ mất, ngậm ngùi trước bao đổ nát của quê hương sau những năm tháng dài triền miên quằn mình trong khói lửa, xót thương những thằng bạn đã nằm sâu trong lòng đất, số khác đa phần lưu lạc tận nhiều vùng xa xôi dẫu có nghe tin nhưng dễ gì liên lạc, một nỗi buồn rười rượi len vào tâm tư, để rồi mang đi từ đó… Mỗi lần nhớ về quê nhà ngoài làng mạc ruộng vườn đường đi lối xóm, chợ Cạn cũng hiện về với tôi qua nụ cười người con gái ngây thơ, tất cả đã để lại nỗi nhớ suốt đời cho người xa xứ. Như đã nói: đến nay chợ Cạn đã được di dời qua một địa điểm cách vị trí cũ không xa , bên kia con đường nơi trước kia là trụ sở hành chánh xã Triệu Sơn, dù chỗ mới hay cũ chợ Cạn vẫn là chợ Cạn, chợ Cạn của tôi những ngày xa xưa ấy là môt bầu trời kỷ niệm, là niềm vui của tuổi hoa niên, là niềm thương nỗi đau của những ngày ly tán, và nỗi nhớ khôn nguôi của ngày biền biệt ly hương.


          Chợ Cạn mãi còn giữ lại trong tôi một vòm trời riêng rẽ với nét vẽ quê hương xuyên những con đường rợp bóng mát cành tre, những đêm hè oi ả rong chơi dưới ánh trăng lồng qua cành lá, những ngày thu se lạnh với lá vàng nhẹ nhàng bay lất phất trên lối về, những mùa đông lạnh lùng dầm dề mưa lụt, và những ngày lễ hội rộn ràng trên con đường quê trải dày cát mịn lối đi ngõ về xuyên ngang chợ Cạn, bao nhiêu hình ảnh quay lại từ những tháng năm xa xưa, tất cả đều đầm ấm hiền hòa của một thời an bình từng có trên vùng trời quê hương yêu dấu.


          Trên vùng đất quê hương hầu như tôi đã đi qua khắp mọi miền đất nước, từ những thành phố lớn với những ngôi chợ sầm uất tiếng tăm, rồi trên bước đường chiến chinh, tôi cũng từng biết đến nhiều chợ quê nghèo và cả những ngôi chợ đã tả tơi sau chiến trận, những gì đã thu góp được dưới đôi mắt mãi còn lưu lại trong tim như món hành trang giữ vào ký ức mang theo khi rời quê mẹ, nhưng đặc biệt hình ảnh chợ Cạn quê tôi gợi lại đậm đà qua quãng đời niên thiếu nơi thôn dã, một ấn tượng sâu sắc khắc dấu vết hằn in thành nỗi nhớ không nguôi. Đôi lần đọc được trong bút ký thời binh lửa của vài tác giả đã nhắc đến chợ Cạn quê tôi, lòng cứ bồi hồi nhớ nhớ thương thương về chân trời dĩ vãng.  Xin cám ơn người! đã dành cho mảnh đất khô khan cằn cỗi ấy một mảnh vụn nhớ nhung dù cho nhỏ nhoi bằng những lời văn mượt mà gợi cảm.
          Và giờ đây, tôi đang viết về chợ Cạn như một lời tâm tình: với những ai đã từng có lần dẫm bước đi qua; với những đồng hương vùng của tôi và cũng xin chia xẻ với mọi người về nơi quê nghèo nơi tôi đã cất tiếng khóc chào đời, để rồi lớn lên chứng kiến cảnh quê mình phải gánh chịu bao đắng cay trần ai thế cuộc.  Tôi không thể nào tả nó đầy đủ qua từng giai đoạn đổi thay tường tận, nhưng tựu trung chợ Cạn là môt chợ quê xứ nghèo, tự nó đã mang đầy đủ tính văn hóa dân gian Việt Nam thuần khiết như bao nhiêu cái chợ quê trên khắp quê hương mình, với tôi và có thể với tất cả những người vùng của tôi thì chợ Cạn là một vòm trời kỷ niệm khó quên, cho nên dù xa xôi cách mấy khi nhớ về quê nhà không thể quên được ngôi chợ quê nghèo nàn đơn sơ mà đậm đà thương nhớ.

          Trần Quốc Phiệt
          READ MORE - CHỢ CẠN: QUÊ HƯƠNG NỖI NHỚ KHÔN CÙNG - Trần Quốc Phiệt

          Monday, February 20, 2012

          BẠN HỮU - Trần Bình

           Trần Bình

          Cách nhau nửa giờ xe máy
          Triệu sơn ở phía không rừng
          Khói đồng vương thơm ngõ xóm
          Tri âm hò hẹn về cùng

          Chợ sao có tên chợ Cạn?
          Làng quen, ân nghĩa: Đồng bào* ?
          Văn phong* cả chiều quê kiểng
          Duyên đồng hương nội trao nhau

          Rượu ngon rót tràn ly cốc
          Thơ vui trải chiếu men nồng
          Bạn đời , bạn văn, bạn học....
          Dang tay , cạn chén ...
                                        dốc lòng

           
          Bổ bả những niềm yêu mến
          Câu thơ rứt ruột cho mình

                                                                                               21/9
          Trần Bình
                                                                   tranbinhga@gmail.com

          * Tên làng: Đồng bào, Văn phong
          READ MORE - BẠN HỮU - Trần Bình