Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, January 29, 2012

Hoạ sĩ Võ Xuân Huy: Mỹ thuật Thái Lan được toàn xã hội quan tâm


Thuyền chài ở vịnh Hạ Long. Tranh của họa sĩ Thái Lan Direk Kingnok



Võ Xuân Huy sinh năm 1970 tại Quảng Trị. Hiện là giảng viên trường cao đẳng Mỹ thuật Huế. Hội viên hội Mỹ thuật Việt Nam. Đã thực hiện nhiều triển lãm tại Việt Nam và quốc tế.

Cùng với 43 giảng viên các trường cao đẳng và đại học mỹ thuật Việt Nam đang theo học chuyên ngành nghệ thuật và nghệ thuật ứng dụng tại Thái Lan, hoạ sĩ Võ Xuân Huy sẽ hoàn tất luận án cao học. Dưới đây anh trò chuyện với bạn đọc Sài Gòn Tiếp Thị về vài đặc điểm cơ bản của hội hoạ hiện đại Thái Lan.


Nếu nhìn vào lịch sử, thì mỹ thuật hiện đại Thái Lan bắt đầu như thế nào, có nhiều khác biệt với Việt Nam không?

Mỹ thuật hiện đại Thái Lan và Việt Nam có nét tương đồng từ thời điểm mở trường đào tạo mỹ thuật, ở ta là 1925 và họ là 1926; tất cả đều do người châu Âu thành lập (Pháp và Ý). Việc đào tạo lúc bấy giờ mang phong cách hàn lâm cổ điển; sáng tác theo các trào lưu nghệ thuật đang thịnh hành ở châu Âu thời đó, đặc biệt là phái Ấn tượng.

Còn sự khác biệt: ở Việt Nam, toàn quyền Đông Dương ký quyết định thành lập trường mỹ thuật theo sự đề nghị và vận động của một vài hoạ sĩ, mà đại diện là Victor Tardieu (1870 – 1937); ở Thái do chính nhà vua mời nhà điêu khắc Corrado Feroci (1892 – 1962) mở trường. Các sinh viên nhiều thế hệ của giáo sư điêu khắc Corrado Feroci gặt hái được nhiều thành tựu nghệ thuật. Về sau có nhiều khác biệt hơn nữa, bên cạnh sự đào sâu nghiên cứu nền mỹ thuật cổ giàu thành tựu và bản sắc, họ còn nhanh chóng thể nghiệm theo các trào lưu nghệ thuật mới trên thế giới. Nhiều tác phẩm phản ảnh sâu sắc các biến cố văn hoá, chính trị, xã hội theo nhiều thủ pháp và khuynh hướng khác nhau, kể cả sáng tác theo khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Ở giai đoạn hiện nay thì thế nào?

Thái Lan đào tạo mỹ thuật theo mô hình đương thời của các nước châu Âu và Mỹ. Có thể nêu vài tên tuổi điển hình như Fua Haripitak (1910 – 1993), Pitoon Muamgsomboon, Haloo Nimsamer, Misiem Yipinsoi, Kien Yimsiri, Practuang Emjaroen và hiện nay như Montien Bonma, Araya Rasdjarmearsooli, Surasi Kulsongwong, Navin Rawanchaikul, Rirurit Tiravanija…

Sinh viên mỹ thuật ở Thái được phép tiếp cận và thử nghiệm mọi thủ pháp, mọi khuynh hướng, trào lưu trên thế giới. Xu hướng đào tạo chung là thể nghiệm nghệ thuật thị giác. Tác phẩm có thể là sự kết hợp nhiều chất liệu từ đất, đá, vải, bông, len, mây tre, sơn dầu, acrylic… và mix media. Sinh viên trình bày bài ở mọi không gian từ trần, tường, nền nhà, hành lang, góc sân trường, trên cây… Bên cạnh việc đào tạo sinh viên thể nghiệm nghệ thuật theo xu hướng đương đại, các trường mỹ thuật còn đào tạo sinh viên chuyên ngành Thái Arts nhằm bảo tồn và phát huy vốn cổ dân tộc.


Một điểm khác biệt nữa là họ không dạy sinh viên vẽ cái gì mà dạy sinh viên vẽ như thế nào, và về chất liệu, vật liệu, loại hình phục vụ cho ý tưởng. Sinh viên phải bảo vệ trước giáo viên hướng dẫn và hội đồng theo lộ trình từ chủ đề, ý tưởng, khái niệm, hình thức tạo hình, chất liệu, kỹ thuật, tiến trình. Hai học phần quan trọng là nghệ thuật thị giác và thể nghiệm nghệ thuật thị giác luôn song hành và hỗ trợ nhau.

Nếu so với Việt Nam thì đây hẳn là sự chênh lệch trong việc đào tạo mỹ thuật, chúng ta còn nhiều bất cập và lạc hậu. Lịch sử Việt Nam có nhiều biến động dữ dội và gấp gáp hơn, song cũng như văn học, mỹ thuật của chúng ta chưa có tác phẩm đủ tầm cỡ, đủ chiều kích để phản ảnh hai cuộc chiến tranh và thời hậu chiến. Đến nay khung chương trình, giáo trình ở Việt Nam cơ bản vẫn không thay đổi, giống y mấy chục năm qua. Sinh viên bị buộc chỉ chọn một chất liệu để làm chuyên khoa như sơn mài, lụa, sơn dầu hoặc đồ hoạ. Các môn nghệ thuật đương đại như mix media, video art, sắp đặt, trình diễn… chưa được đưa vào giảng dạy lý thuyết và thực hành chính thức. Vì thế, các cuộc thể nghiệm nghệ thuật mới do sinh viên sau khi ra trường thực hiện thường có kết quả hết sức mơ hồ, dễ dãi và may rủi. Bài tốt nghiệp của sinh viên chỉ là một tác phẩm, trong khi đó ở Thái thường là tám tác phẩm theo cùng một chủ đề, một phong cách.

Họa sĩ võ Xuân Huy



Theo tôi biết thì Thái Lan không xem giáo dục là quốc sách, vậy họ làm thế nào để có được nền tảng mỹ thuật như vậy?

Việc giáo dục và phát triển mỹ thuật ở Thái Lan được sự quan tâm của toàn xã hội từ hoàng gia, chính phủ đến các nhà tài trợ. Hoàng gia Thái Lan có công lớn trong việc kiến tạo nên bộ mặt mỹ thuật Thái Lan hiện đại. Nhà vua hiện nay cũng từng theo học hội hoạ và các tác phẩm ông vẽ về hoàng hậu và thiếu nữ được xem là một trong những cột mốc quan trọng của hội hoạ hiện đại Thái Lan. Ngoài ra, nhiều triển lãm được các ngân hàng bảo trợ, đáng chú ý là triển lãm mỹ thuật của ngân hàng Bangkok và ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan. Hệ thống phòng tranh đóng vai trò quan trọng trong việc tạo không gian cho nghệ thuật phát triển, đứng đầu là gallery của Hoàng gia Thái.

Hiền Hoà (thực hiện)
SGTT.VN
Ngày 23.07.2010

Đã đăng trên trang Web của Đại Học Văn Hóa Hà Nội http://huc.edu.vn/

No comments: