Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, November 30, 2011

HOÀNG ĐÌNH QUANG - QUÊ TÔI



Cam Lộ ơi ! Qua bao năm thương nhớ
Ta trở về thăm chốn cũ quê xưa
Dòng Hiếu Giang trong suốt như bao giờ
Lũy tre làng vẫn xanh như ngày ấy

Quê ta không có gì thay đổi
Vẫn con đường cát mịn năm xưa
Vẫn tiếng hò khoan nhặt ù ơ
Ru con ngủ trong trưa hè nóng bức

Đường sỏi đá ngày xưa ta đi học
Được phủ lên một lớp nhựa màu
Mái tranh nghèo xơ xác từ lâu
Được thay bằng những tấm tôn rỉ sét

Cam Lộ vẫn nghèo như ngày ta ở đó
Nhưng tình người thì thật bao la
Đã bao năm ta phiêu bạt xa nhà
Về đây được đón chào trong vòng tay thương nhớ

Trời Cam Lộ chiều nay đẹp quá
Đẹp ngoài trời và đẹp cả trong tim
Bao năm qua ta đã đi tìm
Một Cam Lộ trong lòng nỗi nhớ

Ta cám ơn những người bạn đời nối khố
Cùng ta chia sẻ ngọt bùi
Bao thăng trầm của thế sự buồi vui
Cam Lộ vẫn ân tình như ngày ta còn nhỏ.

                                                  Hoàng Đình Quang

READ MORE - HOÀNG ĐÌNH QUANG - QUÊ TÔI

Monday, November 28, 2011

LÊ ĐÌNH TRI - Vài suy nghĩ về âm nhạc của đồng bào PaKô, Quảng Trị


      Vào những ngày hè năm 2006, tôi được vào thực tế ở thôn Ro ró, thuộc xã A-Vao, huyện Đakrông. Đường vào thôn khoảng hơn 2 giờ đồng hồ đi bộ mệt đến bở hơi tai, hai chân nặng trịch như không thể đứng được, tuy nhiên tôi quên hết mệt nhọc sau khi được tiếp xúc với mọi người nơi đây. Bằng một tình cảm đầy chân thành và mộc mạc của các bố, các mẹ, anh em bạn bè làm cho tôi cứ nghĩ là họ đã là người thân thiết lâu lắm rồi. Chỉ một tuần, tôi may mắn được sống cùng đồng bào, được các cụ, các anh các chị kể chuyên về cuộc sống sinh hoạt văn hoá dân gian ngày xưa và một số sinh hoạt còn được duy trì đến ngày nay. Tôi vô cùng xúc động khi được tận mắt nhìn thấy nhưng chiếc cồng, chiêng, thanh la, trống còn rất cổ và thô sơ, được nghe những cụ già hát lên nhưng âm điệu quen thuộc của đồng bào mình. Qua sự tiếp xúc và trao đổi bản thân tôi nhận thấy một số đặc điểm về âm nhạc của họ mà trước đây tôi còn mơ hồ.  
 
     Âm nhạc dân gian của tộc người PaKô ở Quảng Trị thường  xuất phát từ những lễ hội dân gian. Lễ hội người PaKô xuất phát từ tín ngưỡng thờ cúng và đều được liên quan đến đối tượng thần được thờ. Các lễ hội như  A riêu pin ( lễ bốc mồ mả ) được tổ chức khá rầm rộ, đó là ngày hội lớn của làng và các làng lân cận. Ngoài ra đối với người PaKô, hàng năm có hai lễ hội chính đó là ngày lúa mọc bằng ngón tay và vào kỳ thu hoạch, lễ hội to hay nhỏ đều có vật hiến sinh, năm được mùa thì có tổ chức đâm trâu, đánh cồng, chiêng, uống rượu cần và múa hát tập thể.

     Dân ca của người Pa Kô là những giai điệu đơn giản, hoang sơ và dân dã. Tuy không được biết đến nhiều như các tộc người khác, nhưng nó thể hiện một cách rõ nét về tính bản địa, tính độc đáo riêng biệt của mình. Qua sinh hoạt và nghệ thuật diễn xướng, hình thức và cấu trúc, tính chất và thể loại chúng tôi thấy có những điểm nổi bật sau:
   
   Người PaKô thường có các làn điệu dân ca như: Cà lơi, Cha chấp, Adên, Xiêng(Bắt nguồn từ Lào). Các điệu múa của cộng đồng trong các ngày hội như:  A dưn, Căn A unr, A Riêu.

  Về nhạc khí, người Pa Kô có những chủng loại như: Bộ gõ gồm Trống(Acưk), Cồng(Coong), Thanh la(Tale). Bộ hơi gồm Sáo đôi(Amam), Tarial (Tiare), Kèn Pi (Sáo Pi mo), Kèn môi (Adon), Tù và (Tăng coi) và Khèn bè. Bộ dây có Abel, Ta lư a trum. Ngoài ra còn có Lục lạc, Chuông, .

   Dân ca nổi rõ tính ứng tác làn điệu:

  Hầu hết những làn điệu dân ca của người Pa Kô so với Vân Kiều có những điểm chung về tên gọi (Thể loại) Tuy nhiên tuỳ cảm xúc cá nhân sẽ có sự thay đổi trong cách trình bày hoặc ứng tác. Họ sáng tạo nội dung tuỳ theo môi trường diễn xướng khác nhau  Đặc biệt, đặc điểm ứng  tác cũng thấy rõ ở những thể loại hát dao duyên (Cà lơi, Cha chấp, Xiêng) Đây là ngững làn điệu để bày tỏ tâm tình của thanh niên nam nữ.

    Thể hiện tính chất hát nói:

   Từ đặc điểm ứng tác làn điệu, thì dân ca của Họ, tính chất hát gần như nói được thể hiện khá rõ nét. Băng ngôn ngữ của mình, đồng bào thể hiên những nguyện vọng của minh thông qua âm nhạc, do ngôn ngữ nói của họ có âm vực cạn hẹp, hầu như không có dấu, chính điều nay làm cho nhưng làn điệu hát gần như nói.( Hát cùng A mam,Khèn bè, khi diễn tấu những câu hát gần như trở thành nói)

 
   Hát và nói trong dân ca Pa Kô gần như một sự đồng điệu nhất định , điểm quan trọng đặc biệt nói có giai điệu lên xuống để phù hợp với âm điệu của nhạc cụ đi kèm. Như vây, dân ca của họ được diễn xướng theo lối tự do.

    Đặc điểm dân nhạc:

    - Nhạc cụ ít dây, ít nốt và tính chất ngẫu hứng.

  Nói đến dân nhạc trong âm nhạc Pa Kô tuy chưa phong phú, đa dạng và hấp dẫn, nhưng phần nào đã khắc hoạ được những nét nhân bản sâu xa, sự rung cảm tự nhiên trước cuộc sống. Do điều kiện thiên nhiên, cuộc sống, nét văn hoá , nhạc cụ của họ kỹ thuật sáng chế chưa cao, nhưng những nhạc cụ đó là một nét cơ bản trong sinh hoạt âm nhạc. Sự kết hợp giữa dân ca và dân nhạc là nét đặc trưng.

   Đặc điểm của dân nhạc là thường đi kèm với hát trong mọi lễ hội, sinh hoạt cộng đồng, vì vậy mang đậm tính tự do. Trong quan niệm của họ, hoà tấu là nhiều người chơi , chứ ít có sự hoà hợp các nhạc cụ. Một điểm khác đó là nhạc cụ của Họ ít dây, ít nốt, nên dân nhạc còn mang đậm tính nguyên sơ, về hình dáng, cấu tạo còn thô sơ, thể hiên sự ít lai tạp các âm nhạc khác.(A bel chỉ có 1 dây, sáo chỉ có 3 đến 4 lỗ bấm) nên về cao độ các bài dân nhạc đơn giản, quãng đặc trưng có khi lặp lại, chỉ thay đổi về tiết tấu.      
                                                                                             
    - Vấn đề về thang âm

   Âm nhạc PaKô là âm nhạc dân gian thuần tuý, không pha tạp, vì vậy âm nhạc đơn giản, mộc mạc không có điểm chuyên nghiệp như âm nhạc Bác học, âm nhạc người Kinh (Hò, Lý, Hát quan họ, Ví, Ca Huế…) Qua khảo sát chúng tôi nhận thấy, thang âm của Họ không cùng họ với thang âm điệu thức bình quân trong âm nhạc cổ điển và cũng không hoàn toàn giống vơi các thang âm điệu thức âm nhạc dân gian các tộc người khác. Các thang âm chủ yếu đó là: thang 3 âm, 4 âm, 5 âm.

   Như vậy qua những thang âm trong âm nhạc Pa Kô- Vân Kiều chúng tôi nhận thấy được tiến hành theo những quãng đó là: Quãng 5 đúng đi lên và quãng 4 đúng đi xuống, ngoài ra láy nửa cung và quãng 2 cũng được sử dụng nhưng không nhiều. Hầu hết các bài dân ca, trong giai điệu thường thấy xuất hiên các âm trì tục một âm làm cho yếu tố hát gần như nói nổi trội hơn, điều này liên quan đến ngữ âm, ngữ điệu của ngôn ngữ tộc người.

   Với những vấn đề nêu trên, chúng tôi cũng nhận thấy rằng, do đặc điểm về địa vực, địa bàn cư trú, thành phần tộc người và đời sống văn hoá vật chất, tinh thần, người PaKô có mối giao lưu với các tộc ít người trên dãy Trường Sơn, biên giới Việt - Lào, cho nên không tránh khỏi vấn đề bị lai hoá. Tuy nhiên âm nhạc dân gian người PaKô vẫn có những điểm riêng biệt, nét độc đáo của mình.


  Rời thôn Roró sau một thời gian cùng ăn, cùng uống rượu với mọi người, tôi không thể nào quên những tình cảm của những con người chân chất thật thà với những tâm tư, nguyện vọng của họ về một cuộc sống vật chất cũng như tinh thần của đồng bào mình. Thời gian không dài tuy nhiên những tình cảm đó đã in đậm trong tôi và đã cho tôi những hiểu biết không nhỏ về những nét văn hoá dân gian vô cùng quý giá của đồng bào Pakô.
                                          
Lê Đình Trí-GV âm nhạc- Trường CĐSP Quảng Trị
READ MORE - LÊ ĐÌNH TRI - Vài suy nghĩ về âm nhạc của đồng bào PaKô, Quảng Trị

Sunday, November 27, 2011

CHÂU THẠCH - XIN HÃY CHẶN


Rừng trống hoác cây về xuôi hết cả
Hổ và voi lên khóc đỉnh da trời
Cáo và chồn vào gởi xác hang dơi
Bầy chim chóc cánh sa chìm đáy biển.

Núi thoi thóp nằm liệt mình tai biến
Suối đau thương giọt lệ đỏ lòng sâu
Cả trường sơn còn chỏm tóc trên đầu
Lơ thơ quá những chòm xanh mới nhú.

Những lâm chúa rủ rê nhau bè lũ
Từng đoàn quân với máy xúc, cưa vòng
Chúng mặt người nhận phép quỷ Sa-Tang
Mang lòng rắn phá địa đàng nguyên thủy.

Còn đâu nữa chốn nguyên sơ tuyệt mỹ
Rừng thâm u đầy sức sống địa cầu
Đất và cây, hầm mỏ dưới tầng sâu
Thành nô lệ nát vào tay sơn tặc

Chúng tự biến tay yêu thành tay giặc
Đốt nơi mình đang sống mái nhà xanh
Vùi quê hương cho lũ phá tan tành
Phơi đồng loại cho lửa trời thiêu cháy.

Chúng đâu phải người dân đen thiếu dạy
Những đầu to và chữ nghĩa đầy mình
Ngồi những nơi cầm vận mênh sinh linh
Ăn những thứ toàn sơn hào hải vị

Uổng cho chúng những con người đa trí
Uổng cho đời những kẻ mất lòng nhân
Thương thay cho những kiếp sống cơ bần
Phải gánh chịu những gì thiên nhiên trả

Những mái rạ nước đùa trong băng giá
Những tiếng kêu cầu cứu giữa đêm khuya
Những mùa hè nắng nứt đất ao đìa
Và em bé thiếu cơm vì khô ruộng.

Ban ân huệ vở kia vài ba cuốn
Mì ăn liền vài gói lót lòng đau
Đôi miếng tôn, chiếc áo ấm phai màu
Đâu có lẽ hàn xong đời khổ lụy.

Xin hãy chặn những bàn tay ma quỷ
Đã hóa bao phù phép phá ngôi nhà
Mà thiên nhiên ưu ái tặng cho ta
Cùng chung sống với muôn loài sinh vật ./.
                                                 

CT


READ MORE - CHÂU THẠCH - XIN HÃY CHẶN

VĂN THANH - MÙA ĐÔNG PHỐ CŨ


Quê tôi ở tận xứ Miền Trung
Mưa gió mùa đông quá lạnh lùng
Rỉ rả mưa dầm trên mái lá
Từng cơn gió rít qua không trung
                   

Phố nhỏ Tam Kỳ của thuở xưa
Túp lều xiêu vẹo, cửa đong đưa
Phên che hở gió, đèn leo lắt
Em hát anh đàn, lẫn tiếng mưa.
                   

Con đường xe lửa, mưa mờ xóa
Anh với cùng em vẫn dạo chơi
Ta lại cùng nhau, tơi nón lá
Mặc cho mưa gió, giăng đầy trời
                   

Bao ngày lũ lụt, con nước dâng
Da diết nhớ em, đã máy lần
Bỏ trường, lội nước về phố cũ
Tìm em thấy mặt, dạ lâng lâng
                  

Rồi một mùa đông cách biệt nhau
Dế mèn rên rỉ suốt đêm thâu
Đường cũ mưa tuôn, buồn hiu hắt
Gió giật từng cơn, lạnh thấm sâu
                   

 Đã sáu mươi năm, mưa gió qua
Tình duyên rong ruổi theo tuổi già
Trà dư tửu hậu, cùng ôn lại
Những ngày đông ấy vẫn thiết tha.                

                  
Văn Thanh

READ MORE - VĂN THANH - MÙA ĐÔNG PHỐ CŨ

HỒ NGẠC NGỮ - CHÙM THƠ VỀ QUẢNG TRỊ

Hồ Ngạc Ngữ tên thật là Hồ Văn Khánh- hội viên Hội VH-NT tỉnh BR-VT. Anh sáng tác từ đầu thập niên 70.Tôi thường gọi anh là "nhà văn VN chuyên nghiệp hiếm hoi"(Anh không làm gì khác ngoài sáng tác văn chương). Anh sinh 1950 tại Nha Trang; quê gốc Bình Định; sống ở Nghĩa Thành (Suối Nghệ cũ)- Châu Đức_ BR-VT. Nhưng anh có nhiều bài thơ về Quảng Trị. Xin giới thiệu với quí bạn và đồng hương Quảng Trị chùm thơ của người khác xứ viết về con người quê mình.

Lê Thiên Minh Khoa giới thiệu.





CON GÁI QUẢNG TRỊ

                                        Tặng BLT

Nghe nói dòng sông Thạch Hãn sâu
Tìm em trong nỗi nhớ thương đầu
Anh qua chỉ thấy làn sương ảo
Lãng đãng lòng quê những sắc màu
*
Anh gặp, nghe em nói giọng Nam
Xa quê, quen giọng chẳng chung miền
Như con chim hót trong trời rộng
Vẫn giữ lòng 'miềng' tiếng dịu êm
*
Con gái Cổ thành như thành cổ
Miệng cười, nhưng mắt có cười đâu!
Vẫn lo nghèo khó trong đời thực
Vẫn sợ lòng người những vực sâu
*
Đôi khi anh thấy mình như bão
Nhưng biết quê 'miềng' chịu bão lâu
Nên lòng anh dịu dàng như gió
Đứng giữa trăm năm đợi chuyến tàu...

(11.03.2011)



CON GÁI QUẢNG TRỊ (2)

Tô chút son hồng đôi môi mùa hạ
Em bỗng dưng như đã lớn rồi
Buộc mái tóc dài kẻo bay lơi lả
Những chú bướm vàng cứ lượn theo đuôi
Là con gái, em nghe lời mẹ dặn
Tiếng quê hương Quảng Trị mặn mà
Đừng đổi giọng chanh chua, chát đắng
Dẫu trong lòng không thích người ta!
.
Mảnh đất quê nghèo cày lên sỏi đá
Phải hiểu lòng cây lúa lên xanh
Dẫu có đi về nơi xứ lạ
Đừng mất tình quê trong bóng thị thành
.
Con gái Quảng vẫn là con gái Quảng
Vẫn nhớ những lời mẹ dặn ngày xưa
Bề ngoài lạnh lùng, bên trong lãng mạn
Lỡ yêu ai rồi vẫn đợi dưới mưa...

 17.08.11

***
MỘT THOÁNG Ô LÂU
Tặng Lê Nhật Ánh 

    Một thoáng bên dòng Ô Lâu
Con sông êm ả sắc màu quê hương
   Dịu dàng bao nỗi nhớ thương
Nắng hong kỷ niệm con đường em qua
    Xanh rêu cổng cũ quê nhà
Người đi có nhớ màu hoa ruộng đồng ?
    

15.8.2011.

Nguồn: vn.360plus.yahoo.com/lethienminhkhoa/
READ MORE - HỒ NGẠC NGỮ - CHÙM THƠ VỀ QUẢNG TRỊ

Friday, November 25, 2011

ĐỖ TƯ NGHĨA - CHÙM THƠ VỀ TÌNH YÊU


 Sinh năm 1947, tại quê  mẹ, Quảng Trị.
Tốt nghiệp Triết học, Đại Học Văn khoa Huế. 
Trước 1975, dạy Triết và tiếng Anh tại Blao.
Sau 1975, dạy tiếng Anh. 
Vợ và 2 con gái đã định cư tại Wesminster, quận Cam, USA từ 1992.  
Hiện sống một mình tại Dalat.






TÁC PHẨM CHÍNH :

* Đã in:

+ Con Đường Tuổi Trẻ ( Daisaku Ikeda . NXB Trẻ, 2005. Dịch).      
+ Cuộc Đời của Luận Sư Rajneesh Chandra (Osho).
NXB Trẻ. 2007. Dịch).

 + Tự Thú ( Lev Tolstoy. NXB Văn Hóa Saigon, 2007. Dịch.)
+ Tìm Lại Nụ Cười ( Philip Martin. NXB VHSG, 2009. Dịch)
+ Kahlil Gibran, Ngọn Lửa Vĩnh Cửu, NXB VHSG,  2009. Dịch).



Chùm Thơ V Tình Yêu

1.
Nếu có một ngày
ta gõ nhầm
một căn nhà kín cửa

Nếu có một ngày
giữa cơn khát tình yêu
ta gõ nhầm một căn nhà kín cửa
hãy mỉm cười
từ biệt ra đi.

Đừng xấu hổ thẹn thùng
khi đem trao mà người chẳng nhận
để trái tim lăn
như quả bóng – trên đường.

Đừng trách tàu rẽ sóng ra khơi
khi ta đến trên bờ quá muộn –
Ôi, có phải người không thể nhận
khi điện thờ
Người đã dựng trong tim ?

Hãy mỉm cười từ biệt ra đi
Đừng oán trách nỗi thờ ơ lạnh giá
đôi mắt thân thương – nhìn ta như kẻ lạ
vì giữa đời
đâu dễ nhận ra nhau !

Và nếu muốn
hãy cứ để tơ lòng vấn vít
hãy ngậm ngùi thương mảnh tình si
và nếu cần
hãy cứ mang hình bóng ấy ra đi
nhưng chớ gõ mãi
một căn nhà kín cửa !

Ôi, có phải
giữa đời lồng lộng
bao tâm hồn đang mở cửa chờ ta
nhưng mải chạy tìm bóng quế hồn ma
ta chẳng biết
nơi kia
có người vẫn đợi ?

Nếu có một ngày
ta gõ nhầm một căn nhà kín cửa
hãy mỉm cười từ biệt ra đi –
Vì có thể
một ngày kia
ở một nơi kia
sẽ có một trái tim
đang mở cửa
đợi ta về .

Dalat.1985.

2.
Trò chơi đuổi bắt

Có một lần
Tôi cùng nàng đến một khu rừng
chơi trò chơi đuổi bắt:
Tôi đi trốn và nàng đi tìm.

Chẳng dám chạy xa
vì sợ nàng sẽ khóc
tôi chỉ trốn rất gần –
bao giờ nàng cũng là người thắng cuộc.

Có một lần
đến lượt nàng đi trốn
chẳng sợ tôi buồn – nàng đã chạy rất xa
lạc lối giữa rừng sâu
chẳng bao giờ tìm thấy nàng được nữa.

Ôi , tôi biết tìm nàng ở đâu
khi nàng đã khuất xa
trong rừng sâu
hun hút
của cuộc đời ?

DALAT 5.X1.1983.

3.
Khi tôi nhìn
một nàng con gái đẹp

Khi tôi nhìn một nàng con gái đẹp
Tôi thấy ngọn thủy triều kiêu hãnh
trào lên nơi khóe mắt
nơi nét môi
nơi gót chân kiêu sa
nơi giọng nói nữ hoàng ...

Khi tôi nhìn một nàng con gái đẹp
tôi thấy những giọt nước mắt
mười năm sau
thấm ướt cuộc đời nàng –
Vì vẻ đẹp sẽ chóng tàn như bông hoa
Vì thời gian là chàng trai phụ bạc
chỉ nâng niu những bông hoa tươi
mà phũ phàng
những bông hoa sắp héo.

Khi tôi nhìn một nàng con gái đẹp
Tôi thấy hạnh phúc đến bên nàng
nhưng khổ đau
cũng theo nàng –  như chiếc bóng.

Hỡi nàng con gái đẹp
những chàng trai có thật yêu em
hay chỉ yêu
vẻ đẹp phù hoa
đã mượn xác thân  em làm quán trọ
giữa một thời xuân sắc ?

Này em
chàng khó thể yêu em
khi em còn sắc đẹp –
càng khó thể yêu em
khi nhan sắc tàn phai.

Hỡi em
hỡi nàng con gái đẹp
nụ hoa hồng bạc mệnh
của trần gian –
Em biết chăng
dù trái tim em thiết tha
em vẫn phải khổ đau
vì khó gặp Tình Yêu
giữa cuộc đời này.

Dalat. 7. XI.1983.

4.
Sẽ có một ngày

Sẽ có một ngày
tôi hát những bài ca
chúc tụng cuộc đời
chúc tụng tình yêu
ngợi ca trần gian xinh đẹp.

Sẽ có một ngày
tôi sẽ quỳ dưới chân cuộc sống
để tạ ơn
những mật ngọt đã chảy xuống
đôi môi tôi
dù chỉ một đôi lần.

Sẽ có một ngày
tôi sẽ xây một thánh  đường
giữa trái tim
giữa trái tim như thành phố
không đèn
nơi ấy
tôi sẽ đặt một bệ thờ
cho tình yêu
cho những  đôi môi
cho những đôi mắt ru hồn
cho những mái tóc
ngàn năm còn đeo đẳng.

Sẽ có một ngày
tôi sẽ cươi vui
mỗi một lần tiễn biệt
mỗi một lần chết đi
mỗi một lần sống lại –
vì cuộc đời vẫn giết chết tôi
và hồi sinh tôi
trong từng khoảnh khắc.

Sẽ có một ngày
sẽ có một ngày trong tương lai
gần hay xa
giữa cuộc đời
hay trong cõi chết.

DALAT. 1983.
Mùa quỳ vàng.
[ Trích từ tập thơ Gởi Tình Yêu, Gởi Cuộc Đời, 1983, chưa in].

ĐỖ TƯ NGHĨA
Nguồn: Bài và ảnh chân dung trích từ vanchuongviet.org

READ MORE - ĐỖ TƯ NGHĨA - CHÙM THƠ VỀ TÌNH YÊU

HÀ THẠCH HÃN - ĐỜI CÔ TÔI


Cứ bị cuốn vào dòng trôi của cuộc sống nơi phương xa, mãi đến một hôm hội ngộ lớp bạn bè ấu thời, ước muốn tìm gặp lại cô giáo cũ trong tôi mới trỗi dậy mạnh mẽ.
Nhưng soi lại ký ức, lục tung hồ sơ, sổ sách liên quan… chúng tôi cũng chỉ biết chung chung quê cô ở Quảng Bình.
Cho đến một ngày thằng bạn giờ đã là bác sĩ bỗng hét toáng lên: “Tìm ra cô Tiu rồi, cô Phan Thị Tiu ở Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình…”.


CHÙM VẢI THỜI ĐÓI NGHÈO

Gần 30 năm qua, mỗi lần chợt nhớ đến cô là hình ảnh chùm vải thiều lại hiện lên trong tâm trí tôi với một câu hỏi đeo đẳng. Giờ đây gặp lại cô, câu hỏi ấy dường như càng thôi thúc hơn: “Tại sao lúc ấy đói kém như thế, tại sao ở Quảng Trị không có vải mà cô lại có được chùm vải để minh họa cho bài học trên lớp?”.

Cô vẫn cười hiền lành: “Nói thật lúc ấy rất khó khăn, khó lắm, nhưng nghĩ mãi: chẳng lẽ học về trái vải mà HS chưa bao giờ thấy vải thì làm sao cảm nhận được. Thế là cô lấy ra vài đồng dành dụm gửi người đi chợ trong Huế mua về để bài giảng thêm sống động”.
Quả là chùm vải hôm ấy đối với lũ trẻ chúng tôi hết sức “trực quan sinh động”, nhờ thế mà những bài giảng của cô luôn có một sức hút kỳ lạ. Không những thế, cô còn dạy chúng tôi nhiều kỹ năng khác, từ may vá, thêu thùa, đơm nút… cho đến làm thơ! Những câu thơ thô vụng ngày nào như Lớp em là lớp 5A. Học hành tấn tới mới là trò ngoan đã nâng bước tâm hồn cho bao lớp bạn bè tôi, giúp họ biết sống đẹp trong và hồn hậu nơi chân trời góc bể.

Ngày ấy nghèo, rất nghèo nhưng cái tình thầy trò luôn thấm đẫm và gần gũi. Sau năm 1975, cha tôi mất, từ miền Nam trở về quê (Quảng Trị), mẹ tôi một nách bốn đứa con thơ trong bối cảnh đất nước đang gặp nhiều khó khăn, gia đình tôi dường như túng bấn đến cùng cực.

Tôi một buổi chăn trâu, một buổi đến trường với bộ quần áo tận dụng từ vải bao cát, chiếc cặp táp chỉ đơn sơ là túi lác, vở viết qua một lần phải ngâm nước cơm phơi khô viết lại (thường bị nhòe nhoẹt), rồi mực viết cũng phải “chế biến” từ hạt mồng tơi… Cơm không đủ ăn, các anh em tôi phải thay nhau chăn trâu cho hợp tác xã mà vẫn cứ đói. Đói đến độ phải thường xuyên ăn cháo rau (các loại rau tập tàng ở vườn nhà, một ít khoai và chỉ nhúm gạo), khoai sắn, thậm chí phải ăn cả cám, gốc chuối, gốc đu đủ… thay cơm. Ngày nào chủ nợ cũng rậm rịch và eo éo đòi nợ bên hiên nhà.

Trong tình cảnh ấy, một đêm mẹ tôi ôm tôi vào lòng rưng rức: “Mẹ tiếc là đã không thực hiện được lời hứa với cha con lúc sinh thời. Đến nước này rồi, con phải nghỉ học để đỡ đần thêm với các anh chị, mẹ xót xa lắm…”. Đứa trẻ 9 tuổi chỉ biết gạt nước mắt từ bỏ giấc mơ trở thành kỹ sư, xa bạn bè, thầy cô… nhận lấy con trâu của hợp tác xã – chính thức trở thành mục đồng chuyên nghiệp để có thêm 4 ang lúa (khoảng 17 kg/ang) mỗi vụ.

Nhưng rồi một đêm khi biết chuyện, cô Tiu đã đến tận nhà tôi động viên, thuyết phục mẹ cho tôi trở lại trường. “Nếu không có gạo ăn, cô và giáo viên trong trường sẽ góp vào nuôi em, chị đừng lo…” – cô Tiu tự tin nói. Không đứng vững nổi trước lời thuyết phục tha thiết của cô, mẹ tôi không cầm được nước mắt, đành gật đầu. Riêng tôi vui sướng đến nghẹn ngào vì đã được trở lại trường lớp với thầy cô và bạn bè thân yêu của mình.

Tôi may mắn được học cô Tiu liên tục đến ba năm, từ lớp 3 đến lớp 5. Trong ký ức của mình tôi vẫn nhớ về ngôi trường nhỏ bé – nơi mà nhiều giáo viên, trong đó có cô – được lũ trẻ chúng tôi xem như một người mẹ thứ hai. Cô tỉ mẩn đơm lại từng chiếc nút bị đứt cho đứa này, cẩn thận dặn dò đứa kia nhớ mang áo ấm khi trời trở rét, lo lắng về đến tận nhà HS kèm cặp thêm mỗi khi có ai đó chưa hiểu bài…

Có lần đưa chúng tôi đi thi HS giỏi ở tận thị trấn huyện lỵ, cô trò cơm đùm cơm nắm đi bộ đến 12km, mệt đến rã rời. Biết vậy nên chốc chốc cô lại dừng chân lấy nước cho chúng tôi uống, động viên chúng tôi cố bước lên phía trước… Đêm trước ngày thi, cô trò phải vào nhà dân xin ngủ nhờ. Ba cô trò một giường và khi say giấc, bạn N. còn vô tư quờ tay sờ tí cô như vẫn quen với mẹ (!).


HÒN ĐÁ LĂN HOÀI, KHÔNG ĐÓNG RÊU…

Năm 1994, cô trở về quê sau đúng 20 năm đằng đẵng gắn bó với mảnh đất Quảng Trị. Về lại Hàm Ninh, Quảng Ninh (Quảng Bình) quê hương, cô vẫn tiếp tục đứng trên bục giảng, dù sau đó được cất nhắc lên hiệu phó Trường tiểu học số 1 Hàm Ninh.

“Hòn đá lăn hoài, hòn đá không đóng rêu”. Sau gần 30 năm gặp lại cô, câu ngạn ngữ ấy cứ khiến tôi day dứt, bùi ngùi… Ngày cô rời ngôi trường Hải Tân (Hải Lăng, Quảng Trị), nhiều cán bộ xã và người dân đã tiễn cô trong nước mắt. Người ta không khỏi xúc động vì cô đã để lại trọn tuổi thanh xuân cho mảnh đất này – một sự dâng hiến không chút đòi hỏi, đắn đo – và cả chạnh lòng cho nỗi chiếc bóng của thân phận.

“Hòn đá lăn hoài, hòn đá không đóng rêu”. Ra đi một bóng trở về một bóng. Phải khó khăn lắm tôi mới đặt được câu hỏi với cô về chuyện chồng con, vì vẫn không tin một nhan sắc mặn mà, một tính cách sôi nổi như cô thời trẻ lại phải chịu sự hẩm hiu của số phận. Cô cười mà ánh mắt xa xăm: “Có lẽ cái số cô nó thế…”.


CÓ BAO GIỜ CÔ ÂN HẬN VỚI CON ĐƯỜNG ĐÃ CHỌN?

- Không, cô chưa bao giờ có suy nghĩ ấy, ngay từ ngày đầu nhận quyết định đi B vào Nam. Nếu được lựa chọn lại, cô vẫn chọn nghề giáo…
Khi tôi tìm gặp được cô cũng là lúc cô chuẩn bị nhận quyết định nghỉ hưu. Cũng may, năm 1994 từ Quảng Trị trở về cô còn lận lưng được 9 triệu đồng nhờ tăng gia… nuôi heo miệt mài trong 20 năm ở đây. Số vốn ấy cùng với sự trợ giúp của họ hàng, người thân, cô đã xây được một ngôi nhà nhỏ trên mảnh đất của người anh trai. Phía trong trang thờ, hàng chồng bằng khen, giấy khen cô vẫn còn cất giữ.

Hơn 30 năm đứng trên bục giảng, trong đó có 25 năm là “chiến sĩ thi đua”, rồi nào là bằng khen dạy giỏi, bằng khen về công tác phổ cập giáo dục và cả bằng khen “giỏi việc nước, đảm việc nhà”! Và có lẽ quí giá nhất đối với cô vẫn là tấm Huân chương Kháng chiến hạng 3 do Chủ tịch nước trao tặng năm 1997, được treo trang trọng ở góc tường.

Đó là tất cả gia sản của một đời người dạy học.

Chia tay cô, đêm đã bắt đầu xuống nhanh. Nhìn ngôi nhà hai gian trống trải giữa vùng chiêm trũng mênh mang mà không khỏi ái ngại. Không hiểu cô sẽ sống ra sao với những năm tháng còn lại phải rời phấn trắng bảng đen vốn đã thành nghiệp, trong khi căn bệnh đại tràng 10 năm qua vẫn chưa buông tha cô?

Dẫu biết thời gian không bất biến, dẫu biết cái nghiệp cầm phấn vốn không so đọ thiệt hơn, được mất… nhưng sao vẫn thấy cay cay nơi khóe mắt khi chạnh nghĩ về nỗi quạnh quẽ, đơn côi khủng khiếp của một kiếp người. 

***

- Tháng 10-1974, từ Quảng Bình, cô được điều động vào Quảng Trị giảng dạy ở vùng giải phóng theo chế độ đi B (dân chính). Năm 1975, cô chuyển vào Hải Tân, huyện Hải Lăng, Quảng Trị và dạy một lèo đến 20 năm.
- Sau giải phóng, đời sống người dân nói chung hết sức cơ cực, riêng miền Trung còn cơ cực hơn. Lương giáo viên tiểu học chỉ khoảng 40 đồng/tháng, trong đó có những năm như 1979-1980, giáo viên phải thường xuyên ăn bo bo, bột mì thay cơm. Đó cũng là thời kỳ mà trong khi không ít giáo viên đã phải “nhảy” sang ngành khác thì cô vẫn đều đều ba bữa bo bo đến lớp.
- Hơn 30 năm dạy học đối với cô, dường như chỉ có cho mà không hề nhận lại gì cho mình, nếu có cũng rất ít. Đó là nét đẹp nhân văn cao cả của nghề giáo và cũng là nỗi nghiệt ngã của nghề.

(Tháng 11-2007)
Hà Thạch Hãn
READ MORE - HÀ THẠCH HÃN - ĐỜI CÔ TÔI