Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, October 31, 2010

NGUYỄN ĐỨC TÙNG - WILLIAM CARLOS WILLIAMS: THƠ CÀI TRÊN TỦ LẠNH

Có lần tôi nghe William Carlos Williams đọc bài thơ “This Is Just To Say”. Giọng của ông khác lạ so với những thi sĩ khác trong cùng băng đọc thơ, không rè mà trong trẻo một cách đáng ngạc nhiên, của một người đàn ông có lẽ có tính tình vui vẻ. Đang lái xe một mình trên xa lộ miền quê mùa hè, không vội lắm, tôi nổi hứng chạy chậm lại rồi tấp vào giữa hai bụi gai có nhiều trái dâu blackberries, ngồi nghỉ mệt và nghe lại cuốn băng lần nữa.

Anh đã ăn

những trái mận

ở trong

hộp đá lạnh

Và chúng

hình như

được em để dành

cho bữa điểm tâm

Thứ lỗi cho anh

chúng thơm ngon quá

ngọt quá trời

Mà lạnh nữa

This is just to say

I have eaten

the plums

that were in

the icebox

and which

you were probably

saving

for breakfast

Forgive me

they were delicious

so sweet

and so cold


Đây là một bài thơ dễ bị người đọc bỏ qua. Thậm chí có người sẽ bực mình vì lối viết hơi ngớ ngẩn, dây dưa thong thả, kiểu như:

that were in

hay

and which

tạo thành những câu thơ riêng biệt.

Bài này được viết như một mẩu giấy ghi chép, có vẻ như là của một người đàn ông ghi vội cho vợ mình. Dĩ nhiên cũng có thể là của một người đàn bà viết cho một người đàn ông, hay của một người đàn ông cho một người bạn trai, và quan hệ của họ không phải là quan hệ vợ chồng. Tuy nhiên cái ấn tượng mà bài thơ để lại, cũng như tiểu sử của tác giả, dễ làm ta nghĩ đến một mẩu giấy của người chồng, gắn hờ đâu đó trên cửa tủ lạnh. Hay trên bàn ăn, hay ở dưới gối, dĩ nhiên. Với Williams, ở đâu mà chẳng được.

Bài thơ dùng ngôn ngữ văn xuôi, không vần, vốn thường thấy trong thơ của ông. Ta nhớ rằng người có công nhất trong việc phá vỡ lối thơ truyền thống ở Mĩ, làm cho thơ tự do (free verse) trở thành phổ biến như hiện nay, cùng thời với Eliot, Ezra Pound, nhưng công lao vượt xa hai nhà thơ này, chính là Williams.

Sinh năm 1883, mất năm 1963, ông sống suốt mấy mươi năm bề ngoài trầm lặng mà bên trong sôi nổi ở thị trấn nhỏ Rutherford, New Jersey, sinh quán của mình. Thực ra, Williams đã sống hai cuộc đời khác nhau. Như một người thầy thuốc, ông chữa bệnh cho hàng chục ngàn người dân của thị trấn, đỡ đẻ cho hơn hai ngàn đứa bé sơ sinh, làm việc quần quật, nếu dùng lối nói của chính ông, “như một người nô lệ”.

Giữa những giờ làm việc, trong những kì nghỉ ngắn ngủi, thậm chí giữa hai bệnh nhân, ông đã dành thời gian cho thơ và văn học, cũng tận tâm như đối với người bệnh. Và khai sinh ra một nền thơ mới của Mĩ. Ông đã viết bốn mươi chín cuốn sách, trong đó có nhiều tập thơ, bốn vở kịch, một vở opera, năm mươi hai truyện ngắn, bốn cuốn tiểu thuyết lớn, một cuốn phê bình văn học, một cuốn lịch sử Hoa Kỳ, một cuốn tiểu sử của mẹ ông v.v… Williams đã từng kể lại trong cuốn tiểu sử tự thuật của mình:

Năm phút, mười phút, lúc nào cũng tìm ra được. Tôi có một cái máy đánh chữ ở trên bàn làm việc. Tất cả những điều tôi cần là kéo cái nắp ra, và tôi sẵn sàng ngồi xuống. Tôi làm việc ở tốc độ tối đa. Nếu một bệnh nhân đến gõ cửa trong lúc tôi đang viết dở một câu văn, bang, sập máy lại, tôi là một thấy thuốc. Cuối cùng sau mười một giờ đêm, khi bệnh nhân cuối cùng đã lên giường ngủ, lúc nào tôi cũng tìm được thời gian để gõ thêm mười trang nữa. Thật ra tôi không thể nào đi nghỉ được nếu như đầu óc tôi không rũ bỏ được những ám ảnh chúng giày vò tôi suốt ngày.

Williams quan tâm đến các giá trị phổ quát của thơ ca.

Thật khó tìm được

tin tức gì trong các bài thơ

thế mà người ta vẫn chết

đau đớn mỗi giờ

vì thiếu điều chỉ tìm thấy trong thơ

It is difficult

to get the news from poems

yet men die miserably every day

for lack

of what is found there.

Ông cũng là người xiển dương quan điểm cho rằng nước Mĩ là của người Mĩ, thơ Mĩ phải mang tính cách đặc trưng của một đất nước độc lập về văn hóa, tách khỏi ảnh hưởng mà ông cho là nặng nề của Anh và châu Âu vào thời đó. Mặt khác ông lại là người có tư tưởng dân chủ và hoà bình, rất quan tâm đến các sự kiện chính trị đương thời.

Thơ ông phản ánh điều đó. Ngày 6 tháng 12 năm 1957, Hoa Kỳ lần đầu tiên phóng vệ tinh vào vũ trụ. Thất bại. Thế mà hai tháng trước đó, tháng 10 năm 1957, Liên Xô đã phóng thành công vệ tinh Sputnik vào quĩ đạo trái đất, mở đường cho việc đưa Gagarin vào vũ trụ. Rõ ràng họ đang chiếm lĩnh bầu trời và trong không khí chiến tranh lạnh, người Mĩ đã bị bỏ rơi ở đằng sau. Một tương lai ảm đạm chờ đợi họ. Mặc dù thế, họ đã phản ứng với một thái độ khiêm tốn, bình tĩnh, chững chạc, công nhận sự thất bại rõ ràng của mình. Và chính thái độ này là một khởi đầu cho việc đưa người lên mặt trăng mười năm sau đó.

Gagarin nói, hân hoan tuyệt vời,

Anh có thể

Đi một mạch suốt đời

Anh bơi

Ăn và hát

Và bay vọt lên từ đó

Một trăm lẻ tám phút

Khỏi bề mặt

Của trái đất, mỉm cười

Và rồi anh trở lại

Vị trí cũ

Giữa chúng ta

Từ sự chia ra

Và trừ mất

Ngón chân đến gót chân

Nơi gót chân và ngón chân anh cảm thấy

Như mình vừa nhảy múa xong

Heel & Toe To The End

Gagarin says, in ecstasy,

He could have

Gone on forever

He floated

Ate and sang

And then he emerged from that

One hundreds eight minutes off

The surface of

The earth he was smiling

Then he returned

To take his place

Among the rest of us

From all that division and

Subtraction a measure

Toe and heel

Heel and toe he felt

As if he had

Been dancing

Ông viết bài này chỉ một thời gian ngắn sau khi Gagarin bay lên quĩ đạo, như một lời ngợi ca đối với thành tựu khoa học của Liên Xô, lúc ấy đang là đối thủ của Mĩ trong chiến tranh lạnh, vì ông cho rằng đó cũng là tin vui chung của loài người. Khi nước Mĩ gửi Armstrong lên mặt trăng, các đồng nghiệp của ông ở nước Nga xa xôi đã giữ im lặng. Nhưng ông không biết điều ấy, vì đã qua đời trước đó nhiều năm.

Williams thường chọn phương pháp giản dị để mô tả sự vật, lược bỏ các chi tiết ít quan trọng, làm cho bài thơ của ông có hơi hướng như một bài haiku Nhật, nhưng phát triển về những hướng khác lạ. Tháng Tư vừa rồi, trời vào xuân, một buổi sáng ngày nghỉ thức dậy muộn, đứng trong cửa sổ nhìn ra vườn sau, qua màn mưa bụi trắng, tôi thấy những bông oải hương tím và cúc trắng đầu mùa nở rộ trên chiếc xe cút kít để ở cuối góc vườn, dựng bên hàng rào từ mùa thu năm ngoái. Lúc đó tôi không thể không nhớ đến bài thơ “The Red Wheelbarrow” nổi tiếng của ông.

So much depends

Upon

Nhưng khác với haiku, phong cách của các nhà thơ trường phái “hình ảnh sâu” (deep imagism) mà Williams có phần nào chịu ảnh hưởng, cũng vừa là một trong những người khởi xướng, không ràng buộc về cấu trúc và đề tài, và mở rất rộng các đường biên của haiku vốn là thể thơ có những quy định (thâm sâu) chặt chẽ riêng. Không chỉ có thế,Williams thường viết về các đề tài hàng ngày, các sự vật nhỏ mọn, như thể ông cố tình làm cho thời gian đứng lại.

Rất nhiều thứ

Dựa lên

Dựa lên cái gì?

a red wheel

barrow

một chiếc xe cút

kít đỏ

Những thứ gì dựa lên?

Ta cảm thấy gánh nặng của mưa, của đất, côn trùng và thảo mộc, của bầu trời cùng trĩu xuống trên một chiếc xe nhỏ. Williams suốt đời đi tìm một thứ ngôn ngữ nối kết thơ ca và những kinh nghiệm của đời sống bình thường. Bài thơ của ông kêu gọi người đọc làm mới lại cái nhìn của mình đối với thế giới, như một đứa trẻ vừa thức dậy buổi sáng mai. Nhà thơ không tin rằng ngôn ngữ của ông đủ sức để mô tả đời sống và tâm hồn, vì vậy ông cố gắng đặt để các sự vật, thiên nhiên hoa cỏ, như thể chúng là, với một chút sắp xếp tối thiểu để dọn đường cho người đọc. Trong một thời kỳ mà chủ nghĩa siêu thực Pháp làm mưa làm gió ở châu Âu và khắp thế giới, Williams và những người cùng khuynh hướng với ông, hứng khởi từ những gợi ý nghệ thuật của châu Á và Nhật Bản, nhưng trong một tinh thần hết sức độc lập, đã dựng nên những viên đá đầu tiên của nền thơ Mĩ với chủ nghĩa khách quan (objectivism).

Đọc thơ Williams, tôi lúc nào cũng nhận được cảm giác về sự hòa hợp dịu dàng giữa con người và đồ vật, giữa xã hội và thiên nhiên. Thơ ông ít nói trực tiếp về người, nhưng cảnh vật như chiếc xe chở gạch đá gây ấn tượng rõ ràng về những người làm vườn hay làm đường, công việc đồng áng hay xây dựng.

Như một người đi qua đường hay một người đứng trong cửa sổ, lúc nào ông cũng chăm chú nhìn sự vật, chúng đang

mờ đi

trong nước

mưa

glazed with rain

water

Thơ ông cũng ít nói về người nữ, nhưng sự vật trong thơ lấp lánh như vừa được chạm tới bởi người đàn bà mà ông yêu dấu. Mặc dù là một thầy thuốc có đời sống mực thước, ông lại được các nhà thơ trẻ tuổi hơn, nổi loạn, phá phách hơn, xem là một tấm gương. Như Allen Ginsberg, kẻ đã gây ra một cơn sốt ở Mĩ với tác phẩm Howl (Hú) nổi tiếng vào thời đó. Chính Williams là người đã viết đề tựa cho lần xuất bản đầu tiên của tập thơ này.

Người đọc ít khi nghĩ về Williams như một người làm thơ tình. Bài thơ Ghi mấy chữ (This is just to say) trên đây cũng có thể gây ra ấn tượng đó. Thật ra nó chính là một bài thơ tình sâu xa. Tính giản dị, bình thường của bài thơ chở được không khí thân mật của một quan hệ âu yếm.

Không phải chỉ chữ “thứ lỗi” mà còn là bản thân toàn bộ lời ghi chép của người đàn ông để lại chứng tỏ lòng tôn trọng của anh ta đối với người vợ hay người yêu của mình.

Chúng ta không rõ những trái mận để trong tủ lạnh là dành cho người đàn bà, hay cho anh ta, hay cho cả nhà. Ăn vội vàng những trái mận như thế có thể làm cho người khác bất ngờ khó chịu vì không có bữa điểm tâm. Nhà thơ xuất hiện như một chàng trai trẻ trung, hay hơn thế nữa, như một đứa trẻ.

Niềm vui của nhân vật là niềm vui hồn nhiên. Người đọc dễ tin rằng niềm vui ấy là có thật.

Nhắm mắt lại, ta nghĩ đến những ngày hè nóng nực, mồ hôi ròng ròng, khát cháy cổ, và có thể đang đói bụng, lại cầm trên tay những trái mận vừa thơm vừa ngọt vừa lạnh. Quả thật không ai cầm lòng được.

Bài thơ được viết vào lúc nào?

Ban đêm chăng? Khi mọi người đã đi ngủ và anh một mình lang thang trong căn nhà rộng? Hay anh lái xe về nhà khi trời đã tối, vợ anh đi làm ban đêm, hay là đã ngủ say. Và anh mở cửa nhà, để lại sau lưng bầu trời đầy sao mùa hạ, đứng ngẫm nghĩ một lúc lâu trong căn bếp tối mờ, rồi anh mở tủ lạnh? Đó thật là một niềm vui cuộc sống.

Mặc dù được viết một cách nhẹ nhõm, cách nói có vẻ tình cờ, bài thơ là một sáng tác đầy cẩn trọng, sự buông chữ nhẩn nha, cố gây cảm giác hồn nhiên, tự nhiên, gây tương phản giữa niềm say mê của con người và cảm giác tội lỗi, cũng như sự tương phản giữa người nam và người nữ. Đoạn mở đầu viết về những trái mận nằm trong ngăn đá của tủ lạnh. Đoạn thứ hai nói về một người khác, trong trường hợp này ta nghĩ là một người phụ nữ, và sinh hoạt gia đình. Đoạn thứ ba trở lại với những trái mận. Williams đã phóng lớn một sự việc nhỏ trong đời sống thành một hoàn cảnh tiêu biểu cho những xung đột có tính phổ quát hơn của các cá nhân xuyên qua những cám dỗ của đời sống.

Tôi muốn nói thêm một điều, có vẻ hơi thừa, nhưng dễ bị người đọc bỏ qua.

Những trái mận rất thơm là khứu giác. Chữ delicious trong tiếng Anh cũng có nghĩa là ngon.

Chúng lại ngọt (sweet), là vị giác.

Mà lại còn lạnh (cold) nữa, là xúc giác.

Như thế, thơ không phải chỉ là ngôn ngữ mà còn là cảm giác. Hay một trái tim ấm nóng và một tình yêu mát lạnh? Cũng là cả hai, cũng như những con gà có màu lông trắng xóa chạy lúc thúc hay kêu chiêm chiếp bên chiếc xe cút kít chở gạch đá dưới trời mưa của ông. Trong thơ Williams sự vật thường đi thành đôi thành cặp.

beside the white

chicken

bên cạnh những con

gà trắng

Chúng đứng im lặng mổ thức ăn hay chạy quanh chiếc xe đuổi nhau kêu chiêm chiếp thì không thấy ông nói rõ, nên bạn phải tưởng tượng thôi.

Các tài liệu tham khảo

1. Imaginations, William Carlos Williams, NXB New Directions, 1967(?)

2. The Autobiography of William Carlos Williams, NXB New Directions, 1967.

3. The Portable Beat Reader, Ann Charters, NXB Penguin, 1992.

4. Oxford Book of American Poetry, David Lehman, NXB Oxford, 2006.

© 2009 Nguyễn Đức Tùng


THƠ CỦA WILLIAM CARLOS WILLIAMS

*

Apology

Why do I write today?

The beauty of

the terrible faces

of our nonenties

stirs me to it:

coloured women

day workers

old and experiences-

returning home at dusk

in cast off clothing

faces like

old Florentine oak.

also

The set pieces

Of our faces stir me-

leading citizens-

but not

in the same way.

*

Proleterian portrait

A big young bareheaded woman

in an apron

Her hair slicked back standing

on a street

One stockinged foot toeing

the sidewalk

Her shoe in her hand. Looking

intently into it

she pulls out the paper insole

to find the nail

That has been hurting her

*

Memory of April

You say love is this, love is that:

Poplar tassels, willow tendrils

the wind and the rain comb,

tinkle and drip, tinkle and drip—

branches drifting apart. Hagh!

Love has not even visited this country.

*

This Is Just to Say

I have eaten

the plums

that were in

the icebox

and which

you were probably

saving

for breakfast

Forgive me

they were delicious

so sweet

and so cold

*

Lời biện hộ

Tại vì sao ngày hôm nay tôi viết?

Đó là vẻ đẹp

những gương mặt khủng khiếp

của những kẻ vô danh

gợi cho tôi cảm xúc:

những phụ nữ da đen

ngày làm việc của những công nhân

già cả và giàu kinh nghiệm

trở về nhà rất muộn

trong bộ quần áo nát nhàu

những gương mặt của họ giống như

cây sối Florentine xưa cũ.

và nữa

Những bộ mặt của

Quí vị gây cảm hứng cho tôi –

những con người –

đáng nể nhưng

đó là chuyện khác.

*

Chân dung người vô sản

Một người phụ nữ to lớn đầu trần

mặc yếm

Với mái tóc chải bóng

đứng ở bên đường

một chân mang bít tất phụ nữ

chạm đến lề đường

Chiếc giày nàng cầm trong tay. Và nhìn

vào trong rất chăm chú

người phụ nữ lôi cái đế giày bằng giấy

muốn tìm chiếc đinh

Đã từ lâu làm đau chân nàng

Ký ức tháng Tư

Bạn nói: “Tình yêu là, tình yêu là:

chiếc lá cây dương, là chùm liễu rủ

là chiếc lược của mưa của gió

là giọt nhỏ và tiếng leng keng –

những cành lá rung rinh” – Ha!

Tình không bao giờ đến những nơi này cả.

*

Điều cần nói

Anh đã ăn

những quả nho khô

lấy từ

trong tủ lạnh

những quả nho

mà em định

để dành

cho bữa sáng

Tha lỗi cho anh

nho thật là ngon

thật ngọt

và thật mát.

*

Bản dịch của Nguyễn Viết Thắng

READ MORE - NGUYỄN ĐỨC TÙNG - WILLIAM CARLOS WILLIAMS: THƠ CÀI TRÊN TỦ LẠNH

LÊ QUANG THÁI - PHỦ ĐỆ DƯỚI THỜI NHÀ NGUYỄN



Một du khách người Pháp cao tuổi cầm bức ảnh cũ, một kỷ vật của người thân trong gia đình từng giữ chức vụ Chánh văn phòng rồi Khâm sứ tại Trung Kỳ, đặc biệt dưới bức ảnh có nét chữ bằng tiếng Pháp của người tặng và kèm theo chữ ký lộ nét chân phương: Phụng Hóa công.
Ông ta hỏi: Anh có biết Phụng Hóa công là ai không?Tôi vui vẻ trả lời: Công là “ông ấy”. Ông tưởng tôi trêu ông - do hiểu nhầm. Khách nói: Sao lại là tôi? Ngại khách phật lòng, tôi phải giải thích khá dài dòng nào công là “vị mà mình tôn kính”, công là “tước công” đứng đầu trong ngũ tước: công, hầu, bá, tử, nam. Còn Phụng Hóa là tên huyện Phụng Hóa của tỉnh Ninh Bình. Phụng Hóa công là tước hiệu vua Thành Thái phong cho hoàng tử Bửu Đảo - con vua Đồng Khánh vào năm 1906. Và vị khách yêu Huế này còn ước mong đi tìm nơi ở của Phụng Hóa công ngày xưa.
Người Pháp ở xa Huế đến hơn nửa vòng quay trái đất mà lại đi tìm chuyện “vang bóng một thời” theo kiểu cách vua Tự Đức “đập cổ kính ra tìm lấy bóng” thì than ôi phải chào thua. Vâng,du khách đang đi tìm về phủ đệ đó, không khéo là mình phải “học” ông ta về di sản kiến trúc cung đình.



* Ngao du tìm về bóng dáng của phủ đệ ngày xưa
Già rồi, tôi ỷ vào thân tra, bỏ việc nhà cho người vợ đảm đang; hằng ngày lên ngựa sắt, đạp tòng teng khắp phố phường và vùng ven đô thị; có khi cao hứng về thấu huyện. Say máu là đi, bất kể trời đất mưa gió phảng phất. Đi một ngày đàng học thêm, biết thêm chút ít tạo niềm vui và khoái chí lúc ngồi uống trà mà “cại lại bạn bè “ để văng ra cái mới.
Tiềm để tức nơi chốn thái tử hoặc hoàng trưởng tử, hoàng tử trước ngày lên ngôi vua. Đó là phủ đệ đã thăng hoa làm bệ phóng cho chủ nhân ông trở thành ngôi vị thiên tử trị vì thiên hạ theo đúng với nguyên nghĩa. Theo thời gian, phủ đệ của Phụng Hóa công đã trở thành An Định Cung ngày nay soi bóng bên dòng sông Lợi Nông nắng đục mưa trong với nhiều phủ đệ khác như Tùng Thiện, Kiến Hòa, Kiên Thái, Mỹ Hóa…
Kể từ giữa thế kỷ 19, Tùng Thiện công lập Tiêu Viên rồi Ký Thưởng Viên để rước mẹ là bà Thục Tân khỏi Tử Cấm Thành vào năm 1849 thì có nhiều ông hoàng cũng nối gót về theo lập phủ biên sông Phủ Cam, một phần của sông Lợi Nông với những đình đài, chùa miếu, làm cho cảnh sông nước thêm phần nhộn nhịp.
Năm 1939, chấp bút viết tiểu sử Tuy Lý vương, nhà văn Trần Thanh Mại đã có nhận xét bóng dáng của Ký Thưởng Viên: “Không ngày nào số văn nhân hội họp không dưới nửa trăm người; Tùng Thiện vương cũng như một vị Mạnh Thường quân nho nhỏ” để tỏ lòng tôn kính hai bậc Thi ông, Thi bá của nhà Nguyễn mà tiếng thơm lan tỏa tới tận Trung Quốc: “Thi đáo Tùng - Tuy thất thịnh Đường”.
Sách Tùng Thiện Vương (1819 - 1870) do hậu duệ của Thi ông là Ưng Trình và Bửu Dưỡng ấn hành năm 1970 để kỷ niệm 100 ngày mất của ông nội, cố nội mình đã cho người đời có một ý niệm về hình ảnh của phủ đệ:
“Theo lệ, các hoàng tử lên 18 tuổi thì phải xuất phủ, nghĩa là phải ra ngoài Tử Cấm Thành, biệt lập gia đình như Võ Xuân Cẩn đã tâu, xin ơn cho các hoàng thân, hoàng tử. Tùng Thiện vương xuất phủ ở ngang với phủ Tuy Lý vương, tại phường Liêm Năng trong Kinh Thành, phía đông Lục Bộ…”
Phường Liêm Năng nay thuộc phường Thuận Thành trong Thành Nội. Địa điểm thiết lập phủ đệ hai anh em Tùng Thiện, Tuy Lý ở phía sau và đối diện với Tam Tòa. Trước năm 1815, chỗ Tam Tòa là phủ đệ của hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm, con trai thứ 4 của vua Gia Long. Nơi đây thuộc phường Đoan Hòa, năm ấy hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm được tôn phong làm Thái tử vào ở cung Thanh Hòa trong Tử Cấm Thành, năm 1817 nhường lại cho em ruột cùng cha khác mẹ là hoàng tử Nguyễn Phúc Chẩn làm phủ đệ.
Tiếc thay người có tài và chí hiếu như hoàng tử Chẩn, con trai thứ 9 của vua Gia Long lại mất sớm lúc mới 22 tuổi. Sau vua Minh Mạng đã truy phong cho Thiệu Hóa công Nguyễn Phúc Chẩn là Thiệu Hóa quận vương.
Theo học giả Phan Văn Dật, năm 1839, Minh Mạng thứ 20 nhà vua “nhớ kiếp trước mình là thầy tu” cho nên sai dựng chùa Giác Hoàng. Vua cấp cho con trai của Thiệu Hóa quận vương là Thiệu Khuê ở chỗ khác.


* Như chính sử nhà Nguyễn đã ghi chép về phủ đệ
Phủ đệ là thuật ngữ được in bằng đề mục với co chữ lớn trong bản Mục lục cuối sách Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC) đã được dịch ra Việt ngữ.
Bản soạn dưới triều vua Tự Đức, ấn hành trước năm 1875 phải mất gần 10 năm mới hoàn chỉnh. Viện Sử học đã dịch tại trang 52 và 53 cho biết phủ đệ gồm 5 cơ sở: nhà Đoan Bản, nhà Chí Thiện, nhà Phúc Thiện và phủ đệ các thân công, đệ trạch các công chúa.
Lối viết sử xưa thật là uẩn súc, lời ít mà nghĩa sâu rộng. Dịch từ “đường” là nhà thì hơi ép nếu không nói là gượng gạo. Đọc hai nửa trang sách số 52 và 53 thì dễ nhận ra hình ảnh, bóng dáng của phủ đệ và đệ trạch sai khác nhau như thế nào.
Phủ đệ là nơi ở của các thân vương, thân công, thái tử, hoàng tử đã được tôn phong sau khi đã trải qua một khóa thi gồm 3 kỳ. Đệ trạch là nơi ở của các công nữ, hoàng nữ đã được tôn phong là công chúa đã được gã chồng. Con rể của nhà vua là Phò mã, con dâu là Phủ thiếp.
Cũng ở trang mục lục, sách ĐNNTC, tập Kinh sư, có bài Tựa để rõ ngày 8 tháng 12 năm Duy Tân thứ 3 (1910) ở trang số 1; Còn phần viết về phủ đệ chỉ ghi 3 cơ sở: Đường Đoan Bản, Đường Chí Thiện và Đường Phước Thiện liên quan đến chốn Tiềm để của ba vua: Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.
Tuyệt nhiên bản ĐNNTC thời Duy Tân không chép rõ ràng địa điểm, kiến trúc và biển ngạch đã quy định rõ ràng như bản thời Tự Đức
1. Phủ đệ các thân công: Ở phía tả trong Kinh Thành, nhà chính và nhà trước đều 3 gian 2 chái, biển ngạch cửa đề chữ: “Mỗ công phủ” (Phủ đệ thân công mỗ).
2. Đệ trạch các công chúa: Ở phía hữu trong Kinh Thành, thể chế cũng như phủ đệ các thân công, biển ngạch cửa đề chữ: “Mỗ công chúa đệ”.
“Mỗ” hàm ý sẽ ghi tước phong vào cho đầy đủ mới hợp cách xác định cơ sở có chủ nhân là ai. Thông lệ, lấy tên huyện của các tỉnh để chọn đặt tên cho từng phủ đệ hoặc đệ trạch của từng hoàng tử hoặc công chúa.



Sách Đại Nam thực lục chính biên (ĐNTLCB) đã kê ra hàng loạt tên gọi phủ đệ của từng thân vương, hoàng tử:
- Tháng 8 năm Đinh Sửu (1817): phong Thúc Quận công Tôn Thất Thăng làm Phúc Long công; hoàng tử thứ 5 là Đài làm Kiến An công; hoàng tử thứ 6 là Bính làm Định Viễn công; hoàng tử thứ 7 là Tấn làm Diên Khánh công; hoàng tử thứ 8 là Phổ làm Điện Bàn công; hoàng tử thứ 9 làm Thiệu Hóa công; hoàng tử thứ 11 là Cự làmThường Tín công; cho sách bạc, ấn bạc và ấn quan phòng mỗi người một cái. Ra lệnh tờ biểu, tờ khải đều xưng tước và tên. (Biểu tâu thì Phúc Long công thần Mỗ; của hoàng tử,hoàng tôn tước công thì xưng Mỗ công thần mỗ. Khải thì xưng Mỗ công, điệt mỗ). Giấy tờ các nha đưa lên thì xưng là bẩm. NHÀ Ở THÌ GỌI LÀ PHỦ.





Như vậy, chính sử còn mở ra những góc nhìn về hình ảnh và thực trạng của phủ đệ. Tháng 2 năm Ất Hợi (1875) Vinh Lộc quận công Miên Tri (Chi) vay nợ ở nghĩa thương 1.000 quan tiền để sửa chữa phủ đệ (Nghị trước định: hoàng thân sửa chữa phủ đệ, cho vay 1.000 quan, hàng năm trả nợ 300 quan tiền). Mới 1 tháng đã huy hoắc hết cả, lại xin lỉnh lương trước 2-3 năm, quan Tôn Nhân Miên Định lấy lý răn bảo, sợ không phục tình, bèn đem việc ấy hặc tâu.
Phủ đệ là cơ nghiệp và tài sản của hoàng tử, là của tư khác nào trong dân gian cha mẹ cho con trai ra ở riêng để tự lo liệu lấy sự nghiệp cỏn con của mình làm đà tiến lên.
Tháng 7 năm Mậu Dần (1818), vua Gia Long định điều cấm về Kinh Thành gồm 26 điều răn dạy, trong đó điều 12 liên quan đến phủ đệ, cụ thể như sau: “Phủ đệ của hoàng tử, hoàng nữ, nhà ở của các quan văn võ nhất nhị tam tứ phẩm, đều chọn một người làm thư dịch xem xét đường quan về phần đất sở tại và ghi rõ điều cấm để bảo vệ người nhà”.
Từ chính sử cho đến các sách biên khảo ngày nay liên quan đến sinh hoạt cung đình, hoàng tộc Nguyễn Phúc đều khẳng định: nơi ở của các hoàng thân, hoàng tử lúc sinh tiền gọi là phủ, công phủ, vương phủ; nơi ở của các công nữ, công chúa lúc đã gả chồng và được tôn phong gọi là đệ, đệ trạch và việc đi lập phủ gọi là “xuất các” hoặc “xuất phủ”. Nơi ở của các hoàng tử, công chúa trong đời người nhất thiết không phải một địa điểm nhất định mà có thể thay đổi. Thông thường nơi ở sau cùng mới ổn định để thành chốn phủ đệ, đệ trạch mà có khi tùy theo văn cảnh, cách nói người ta quen gọi chung là phủ đệ cho gẩy gọn. Các cụ xưa khuyên người đọc sách nên “tinh mắt” để mà nhận ra nghĩa lý.
Cụ ông và cụ bà Vĩnh Ngô đều thọ đến trên dưới 90 tuổi. Cụ ông là hậu duệ của hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Thủ, con thứ 9 của vua Minh Mạng, có phủ ở ấp Xuân An, làng Phú Xuân, huyện Hương Trà, và về sau dời về phường Phú Hội, đường Nguyễn Công Trứ, biển hiệu nơi thờ ngày nay là Hàm Thuận công từ. Cách một bức vườn của thường dân là nơi thờ An Thường công chúa (chị ruột của Hàm Thuận công):
Con đường trưa nắng gió hiu hiu
Ngây ngất người qua, tiếng sáo diều
Đây chốn An Thường công chúa nghỉ
Lưng chừng khóm trúc dáng liêu xiêu
(Đồng Di Đỗ Hà)
Vườn chị gần bên nhà em, phía trước là đường Chợ Cống, phía sau là sông Thọ Lộc rẽ lối ra sông Hương. Một bên là phủ, một bên là đệ.
Đệ không phải là em mà là chữ gọi tắt của đệ trạch. Cụ Vĩnh Ngô cho biết lúc nhỏ cụ đã từng sống ở đây trong tình nồng ấm “nội ngoại tương tề”. Mỗi lần phủ và đệ cúng Thổ thần, cụ ông nghe rõ, thấy rõ văn sớ viết tên gọi hai bên khác nhau: bên phủ Hàm Thuận là “Phủ đệ tôn thần”, bên An Thường công chúa từ là “Đệ trạch tôn thân”. Về mặt lý nghĩa chính thống là rạch ròi như thế. Còn về mặt dân gian, trong ngôn ngữ nói thì người ta quen gọi chung là “Phủ từ” vì chủ nhân ông, chủ nhân bà đã mất.



* Đền thờ bên ngoại nhà vua
Chữ “phủ” và chữ “từ” thật lắm nghĩa, rộng đường trong thuật ngữ cung đình lẫn ngôn từ dân gian. Đền thờ bên ngoại nhà vua được gọi là “từ”. Bên bờ sông Hương kể từ chùa Linh Mụ đi về phía cầu Bạch Hổ các đền thờ: Vĩnh Quốc công từ, Diễn Quốc công từ, Qui Quốc công từ, Thọ Quốc công từ, Phước Quốc công từ, Đức Quốc công từ… Chữ “từ” được dịch là “đền” và được quốc sử biên chép vào mục Quán từ xếp chung cùng với các đền Quan Công, Thiên Phi, Tiên Y, các đền thờ có liên quan đến sơn lăng, các phi tần… thậm chí đến Thiệu Hóa quận vương Nguyễn Phúc Chẩn như đã nói ở phần đầu bên trên bài viết này. Thật là “nhiêu khê” về nghĩa lý của các từ “phủ” và “từ” trong ngôn ngữ Việt.
Thế thì không thể ghép buộc 6 đền thờ này là phủ đệ như báo chí đã viết và lấy hình ảnh cả nhà vườn Lạc Tịnh Viên ở đường Phan Đình Phùng, nhà vườn An Hiên của bà Tuần Chi nhũ danh Đào Thị Xuân Yến… để minh họa cho bài viết khiến cho đọc giả trẻ tuổi, nhất là sinh viên học sinh ngày nay khó hiểu?
Phủ đệ đời nhà Nguyễn kế tục, tiếp nối và phát huy truyền thống giòng tộc của vương phủ, hoàng gia có kỷ cương, tôn thống từ khi chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, sửa sang đô ấp, tiền thân của Kinh Thành Huế. Ngày xưa dưới thời Nguyễn, Tôn Nhân phủ trực tiếp quản lý và điều hành các phủ đệ ở kinh đô và các huyện để kỷ cương phép nước được giữ vững cho nên tránh được nạn lộng hành do quyền thần kết hợp với thế lực hoàng gia bất chính, thậm chí cả thế lực bên ngoài nước lũng đoạn thừa lúc nước đục béo cò. Thời “tứ nguyệt tam vương” sau khi vua Tự Đức về chầu tiên đế đã khiến cho sơn hà xã tắc chao đảo, ngã nghiêng: không những hoàng gia chóng suy sụp mà bách tánh phải chịu cảnh quốc phá gia vong.
L.Q.T.
CHÚ THÍCH ẢNH
Ảnh 01: Phủ Tùng Thiện vương
Ảnh 02: Phủ Tuy Lý vương
Ảnh 03: Phủ Vĩnh Quốc công
Ảnh 04: Phủ Khải Uy Trung Hưng Hồng Cơ
Ảnh 05: Phủ Phong Quốc công

Bài và ảnh từ trang www.covathue.com
READ MORE - LÊ QUANG THÁI - PHỦ ĐỆ DƯỚI THỜI NHÀ NGUYỄN

Friday, October 29, 2010

NGUYỄN PHÚC BẢO CHÂU - ĐỒNG HIỆN "GIÓ CUỐI MẶT SÔNG"



Thơ cũng như tình yêu đem đến phép màu hoá hiện những ngọt bùi trải nghiệm cuộc sống. Có lúc tinh khôi như buổi sớm mai thức đón bình minh, cũng có khi vô tình như ngọn heo may mang hình bóng dịu dàng đi về cuối mặt sông và trở lại gieo vào ta một ngọn gió khác, như niềm đau tấy lên những buồn vui kiếp người. Cuốn vào ngọn gió mải mê đi tìm ấy, tôi bắt gặp nhà thơ Võ Văn Hoa trên chặng đường của "gió cuối mặt sông" tràn lên yêu thương và khát vọng, dù ở đấy không thiếu sự chia sẻ hao khuyết nhằm vào những số phận.

Gió cuối mặt sông

sẻ sàng đồng vọng

Lời của gió đôi khi vô tình

Có thể làm ta quên dặm dài cố lý

(Gió cuối mặt sông)

Chạm vào tất cả, ngọn gió mong manh là thế, dữ dội nhường kia nhưng luôn giúp ta nhận ra vô vàn những trạng thái nhân thế. Có khi phải để lòng mình lắng nghe "siêu âm" từ cái vỗ cánh của bướm vàng bay:

Thơ thẩn một chiều dạo phố

Tìm hoài loài hoa móng tay

Hoa vút như màu hồng sáo

Theo về cánh bướm vàng bay

(Hoa móng tay)

hay khi:

Cánh chuồn bay trong thơ

Cũng ngân vang tiếng sóng

(Thơ tình)


Từ "nghịch lý ở Cửa Đại", ngọn gió xuân tình tụ thành mắt bão:

Con gái Việt chăm sóc làn da

Con gái Tây nằm phơi dưới nắng

Ở hàn đới nên da em trắng

Để cho anh nhiệt đới chết thèm

(Nghịch lý ở Cửa Đại)


Miền xúc động lớn nhất có lẽ là "cơn bão nhớ" quê nhà:

Vắng âm thanh những chú ếch đồng

Những giun dế, côn trùng muôn thuở

Đêm thị trấn mùa mưa đầu khó ngủ

Sao nhớ hoài da diết một vùng quê!

Nhớ cuống rạ, dấu chân người lặn lội

Mùi cốm thơm trên nẻo đường làng

Dáng mẹ hao gầy vào ra sớm tối

Gậy khua vào bảng lảng hoàng hôn

(Bão)


Đấy là cơn bão chất chứa nỗi niềm lắng đọng, sau thanh tẩy nhọc nhằn bụi đất dặm trường. Cả những lúc ta bắt gặp người thơ như con ong say mê tìm mật rù rì bay trong heo hút mây ngàn gió núi cho yêu thương đậu xuống vai người:

Krông Klang mai tôi giã bạn xa người

Em hãy hát lên - dàn đồng ca gió núi

Cho ché rượu cần nghiêng

Cho mềm môi lữ khách

(Lên Krông Klang)

Và một khi yêu thương bọc kén, nhà thơ say trong nhiệt tình nhiệt tâm nhiệt huyết và vì thế, dễ hiểu vì sao hồn thơ gụi gần thân thuộc đời sống làng quê được chấm phá bằng mấy nét mà khảm vào trí nhớ người đọc:

Người dân làng Rào

Khách khí mần chi cho mệt

Sống tung tẩy cho đời vui

Như giăng lưới bắt chim trời

(Làng Rào)


Trong cái chảy trôi của dòng đời, có mấy ai để lòng ba động với những gì bắt gặp? Nhưng thi sĩ thì "trời bắt" vướng bận với cả kiếp lãng đãng huyền phiêu của tơ trời. Với tác giả "Gió cuối mặt sông", cuộc sống hiện hữu quanh mình luôn được bồi đắp từ suối nguồn nhân văn oà vỡ cảm xúc. Vì thế, thơ Võ Văn Hoa tươi sáng mà gan ruột, lửa tâm mà mát dịu. Bản thân nó là âm bản của con người anh. Đó là sự giàu có của tâm hồn đa mang, chia sẻ buồn vui, hạnh phúc trần thế. Cho nên, vành vạnh một chiếc nón đội sương nắng, luỵ tình giấu trong vòng sóng cuộc đời lại được neo bằng một tứ thơ "giản dị, xúc động và ám ảnh" (chữ của Trần Đăng Khoa) trong "làng nón":

Mười sáu vành trăng em mười sáu

Tiếng cười làng nón khuyết vào đâu

Thăm làng mấy bữa muôn đời nhớ

Ai để bài thơ nắng lợp đầu

(Làng Nón)


Dưới mái tình của "gió cuối mặt sông", ta gặp cơ man là tình tự trên những nẻo đi về trong thơ tác giả. Từ phiên chợ chiều dóng lên một chút râm ran rồi trở về trong cái mênh mang làng quê dội vào lòng anh nỗi day dưa khó dứt:

Đất nước có nhiều phiên chợ lạ

Có người đến thấy lòng mình thanh thản

Có người đến thấy phận mình xót đắng

(Chợ Hôm)


Một đồng nghiệp gắn bó bên anh "những tháng năm dài gian khổ chia nhau", trong "tình bè bạn men nồng thức trắng" đột ngột ra đi giữa lúc khát vọng tuổi trẻ chất ngất đã gây thổn thức đồng cảm bằng những câu thơ thấm đẫm:

Trên đường làng, mình gặp những chim ri

Mắt ngấn lệ nhớ thầy chừng muốn khóc!

Bạn nằm xuống giữa những ngày dạy học

Từng trang đời mới mở - đã chia ly

(Cho người nằm xuống)

Khởi nghiệp là nhà giáo và sau đó làm quản lý, anh thấu nỗi nhọc nhằn "khổ học" của tuổi thơ lấm láp bùn đất đến trường và thiên chức ươm mầm, chăm nụ không quản khó khăn của người mẹ tâm hồn:

Về Càng mới thấy càng khổ học

Lội bùn cô giáo đến trường xa

Yêu thương con trẻ đâu còn nhọc

Những mầm, chồi, nụ biến thành hoa

(Về Càng)

Điều đáng nói là nhà thơ lần nữa giúp ta soi thấy "qua lòng em nghe hạt nẩy mầm" - từ thiên lương ngời sáng điều giản dị:

Những giáo cụ xếp đều ngay ngắn

Ấp ủ dần như hạnh phúc tháng năm

(Bông hoa đỏ)


Cuộc sống "tự nhiên nhi nhiên" qua con mắt thơ luôn được hồi quy trong vẻ đẹp hướng thiện, hướng thượng, hướng mỹ nhưng lại biến hoá màu sắc, trạng thái và tính chất nhờ linh hoạt chuyển dịch điểm nhìn và kiến tạo sự giao thoa nội cảm với ngoại giới. Do đó, sở đắc được phát huy trên nền hiện thực phong phú, đa chiều. Điều này lý giải vì sao "gió cuối mặt sông" tập trung, xuyên suốt trong một số đề tài nhưng không hề làm giảm sức lay động đối với người đọc.

Thế giới nghệ thuật thơ Võ Văn Hoa đồng hành, đồng hiện, đồng cảm cuộc sống hồ như không thể tách rời. Nhà thơ không thiếu sự thăng hoá để tạo cho thơ vỗ cánh nhưng đó là sự bay bỗng của cánh diều no gió yêu tin bởi biết mình cất lên từ mặt đất. Cho nên, dù viết gì, về ai, từ đâu, tác giả luôn để cho sự tươi rói của cuộc sống tự nói lên. Ngay cả nỗ lực đổi mới thể hiện trong một số bài thơ như Í a xuân, Quà tặng, Tình ca Ô Lâu, Email xuân... đem lại hiệu quả nghệ thuật khá rõ cũng được lựa chọn như chính thơ và đời sống không ngừng đi tới cùng trái tim của ngọn gió đập nhịp thanh xuân.

Thơ đi ngang, còn em thì đi dọc

Em và thơ ngang dọc suốt đời tôi


Không còn nghi ngờ gì nữa. Chúng ta tin ở tác giả, ở thiên sứ tình yêu làm nẩy những hạt thơ theo gió bay về miền nhân gian làm chứng.

Nguyễn Phúc Bảo Châu

READ MORE - NGUYỄN PHÚC BẢO CHÂU - ĐỒNG HIỆN "GIÓ CUỐI MẶT SÔNG"

Wednesday, October 27, 2010

TRƯƠNG THỊ PHƯỢNG - CHÙM THƠ


Vương nét mơ huyền

Ai đem Thu về
Thả đáy mắt em
Chút mơ huyền !
Chút mơ huyền!

Ai đem Thu về
Thả lá vàng bay
Lá vàng xoay xoay
Lưu luyến Thu về!

Chiều nay trời Thu
Mây lụa trắng bay
Gọi mưa theo về
Ướt giấc mơ huyền!

Trời Thu- Tình Thu
Mặt nước mờ sương
Em ơi Thu về
Vương nét mơ huyền !



Mùa Thu em đến trường


Nhẹ nhàng và duyên dáng
Mùa Thu đã sang rồi
Ngọt thêm mùa hương bưởi
Trái chín cành vàng ươm .


Mùa Thu của đất trời
Em vào năm học mới
Xôn xao tiếng trống gọi
Cánh cổng dang tay chờ.


Em đón chào Thu sang
Bầu trời quê xanh thắm
Lắng sâu trong ánh mắt
Những ngọt ngào yêu thương !


Mùa thu em đến trường
Giọt sương mai lấp lánh
Con đường em đến lớp
Nắng rải vàng yêu thương !


Mùa thu em đến trường
Nắng tung tăng theo bước
Nắng đùa vui lên lớp
Lắng nghe em học bài


Mùa Thu nào đẹp hơn
Cùng theo em nắng lớn
Nắng vương vương mái tóc
Hôn lên má em hồng.


Mùa Thu của đất trời
Em vào năm học mới
Nắng mừng vui bối rối
Theo em đến giảng đường .


Ôi mùa Thu yêu thương
Mùa Thu em đến trường
Cho em bao mơ ước
Chắp cánh từ mái trường !

Tháng 9/1999



Trăng về bến hẹn


Trăng sáng sân nhà em
Soi đường về bến hẹn
Trăng ơi trăng đến nhé
Nhắn lời dùm em nghe !


Trăng ơi về bến hẹn
Cho anh về bên em
Ngôi sao khuya nhấp nhánh
Phải chăng ánh mắt em !


Trăng ơi về bến hẹn
Cho anh về bên em
Mái chèo khua tiếng sóng
Xôn xao bến hẹn hò .


Đêm nay trăng sáng tỏ
Cho anh về bên em
Trăng nghiêng nghiêng soi bóng
Lấp lánh dòng sông thương !


Ôi dòng sông quê hương
Chở mối tình ta đó
Nơi có dòng sông tỏ
Cho ta bến hẹn hò !

2000




Sao


Sao thương nhớ ai
Mà sao không ngủ
Cứ lấp lánh hoài
Sao ơi nhớ ai !


Em là sao hôm
Em là sao mai
Em làm sao sáng
Thức hoài chờ anh .


Khoảng trời trong xanh
Cũng nghiêng nỗi nhớ
Như mắt của ai
Lấp lánh sao mai .


Em là sao hôm
Em là sao mai
Em làm sao sáng
Sáng giữa trời cao


Sao em lấp lánh
Thức hoài chờ anh !

2010


Phong thư tình


Gió mang phong thư tình
Từ khơi xa biển nhớ
Còn vương mùi nồng mặn
Và tiếng sóng xô bờ!


Em nghe trong tiếng gió
Thầm thì lời yêu thương
Và Nụ hôn anh gửi
Về em, cuối chân trời!


Gió mang lời của sóng
Ngã vào lòng yêu thương
Khát khao và cháy bỏng
Trái tim hát thành lời!


Gió ơi về biển sóng
Nhớ nói lời anh nghe
Nơi đây miền sơn thẳm
nỗi nhớ về bên anh!


Biển xanh nơi sóng hát
Núi thẳm bóng mây ngàn
Dẫu còn xa cách trở
Chớp bể dến mưa nguồn!



Chín nhịp cầu quê

Chín nhịp cầu qua
Chín nhịp yêu thương
Bắc qua dòng sông quê anh đó
Chín mùa hẹn hò
Chín những mùa trăng!
Mong nhớ từng ngày
Hẹn gặp em sang về bên ấy
Anh đứng bên bờ kia
Đợi chờ em từng ngày
Bước nhịp nhàng
Bước nhịp nhàng
Chín nhịp cầu sang!
Anh đón từng ngày
Đợi chờ em sang về bên ấy!
Tay nắm tay mình qua
Nhịp cầu quê đợi chờ
Bước nhịp nhàng
Bước nhịp nhàng
Chín bậc cầu sang!
Bước nhịp nhàng
Bước nhịp nhàng
Chín bậc yêu thương!


TRƯƠNG THỊ PHƯỢNG
READ MORE - TRƯƠNG THỊ PHƯỢNG - CHÙM THƠ

Thursday, October 21, 2010

NGUYỄN ĐẶNG MỪNG - VỀ QUÊ MÙA BÃO LỤT



Hằng năm con tôi vẫn mua vé giá rẽ cho ba mạ về quê. Không biết trùng hợp hay người ta đã lường trước là mùa này không ai thèm đi du lịch ở xứ sở năm nào cũng bão lụt nên bán vé còn rẽ hơn đi xe đò. Về Huế ở lại một ngày đêm. Trời quang mây tạnh. Cứ ngỡ trời còn thương vợ chồng mình. Được một ngày rong chơi những con đường Huế. Mùa thu se lạnh. Sông Hương nước hơi đục nhưng cũng còn khá thơ mộng.

Tôi về Quảng Trị, vì đi hai vợ chồng nên ngại ngủ lại nhà bà con bạn bè. Chúng tôi chọn một khách sạn trên quốc lộ một. Một đêm mưa gió. Bật TV thấy dự báo bão đã gần kề. Kiểu này không chừng chẳng đi đâu được. Nằm lơ mơ nghe mưa nhớ ngày xưa, những ngày trai tráng lên rừng chặt cây về “Dựng lại người, dựng lại nhà”. Lạ. Mấy chục năm rồi, cả khi ở nhà kiên cố, đêm nghe mưa cũng thao thức sợ “dột”, sợ ngập. Mưa bão quê nhà cứ đeo đẳng, không phải ngoài trời mà trong lòng, trong tim. Cứ cảm giác như là đêm nay bão sẽ về, nước sẽ dâng ngập nhà cửa. Không biết bạn bè ở nước ngoài có vậy không. Mưa Sài Gòn thì lâu nhất cũng chỉ vài tiếng. Mưa quê mình cứ ầm ào cả đêm, tưởng không bao giờ dứt.

Thiếp đi trong ầm ào mưa gió, trạng thái nửa thức nửa ngủ, những thước phim về mưa lụt ngày xưa luẩn khuất miên man. Xa. Gần. Nước và gió. Đói và rét. Có lúc lại thấy đi lạc vào rừng, bốn bề là nước. Chân tay cứng đơ không chạy được. Vợ đánh thức tôi dậy lúc nửa đêm, hỏi anh mơ thấy gì mà hét toáng lên thế. Tôi thẩn thở xâu chuổi những khúc chiêm bao đứt đoạn, câu chuyện nào cũng buồn. Hình ảnh nào cũng ghê rợn. Tôi vẫn còn nghe loáng thoáng lơ mơ những tiếng rú rỡn óc, không biết lính của bên nào, đang chạy rượt nhau trong mưa gió. Ngoài cửa kính lờ mờ, dưới đèn đường vàng vọt, mưa như dội những mãng nước lớn xuống đường nhựa trắng xóa. Nơi đây biết bao oan hồn lẫn khuất đâu đó, trong mưa, hút vào làng xóm. Tôi rùng mình nghĩ về giấc chiêm bao, những tiếng rú kinh hồn cứ váng vất trong đầu, mặn chát trên môi. Tôi nhớ lại cái đêm toán đi rừng của chúng tôi bị lạc một đêm trong rừng vùng Trấm.

Chúng tôi một tổ tám người, thường được cắt cử lên vùng rừng non phía thượng nguồn sông Thạch Hãn để chặt những cây rừng về dựng lán trại. Mỗi ngày không biết bao nhiêu nhóm như thế, không biết bao nhiêu cây rừng non bị đốn hạ. Người ta thường bảo là đi cội trên Trấm.. Hồi nhỏ đã nghe ba kể về nỗi khổ cực của những thợ cội đi tìm cây quý. Hôm nay, những thanh niên chúng tôi lần đầu lên rừng làm thợ cội, gặp chi chặt nấy, để kịp dựng những chòi tranh sau chiến tranh. Rừng non cứ thế lụi tàn. Dụng cụ đơn giản, chỉ có cây rựa và và mo cơm độn sắn. Được nửa đường đói bụng đem cơm ra ăn nhỏ nhẻ vài muỗng, gọi là “đá nhẹ”. Dự trù khi nào đủ gỗ, ra tới bìa rừng sẽ “đá toàn bộ” (ăn hết). Nhiệm vụ khá nặng nề. Phải đem về được một cái “cột mệ” (cột lớn, đường kính trên 20 cm, dài 4,2 m) và bốn cột con. Cột lớn bốn người khiêng như kiểu đưa đám. Cột con một người vác.

Những chuyến đầu chưa quen khá vất vã, quen rồi lại vui.

Mùa thu năm đó mưa đến trễ. Sau rằm tháng tám trời vẫn trong vắt. Những đêm khiêng gỗ về muộn đi dưới trăng có đứa con ngâm thơ nữa.

Hôm đó, như thường lệ chúng tôi đến bìa rừng khoảng mười giờ sáng. Chia thành hai tốp đi tìm cây. Rừng thoạt nhìn rất nhiều cây, nhưng kiếm ra một cây vừa kích cỡ và thẳng thường không dễ. To thì không khiêng nỗi, nhỏ thì bị kỷ luật. Đến 2 giờ chiều mà chúng tôi chưa kiếm ra cây nào. Bụng đói nên rũ nhau “đá toàn bộ”(ăn hết phần cơm mang theo), đến đâu thì đến. Tuổi đôi mươi hay liều kiểu chết người như thế.

Hạ cây xong, đang ngồi tán gẫu thì sấm chớp đâu kéo đến ầm ào. Trời dội mưa như trút nước, gió từng trận rít lên , cây gãy đổ răng rắc trên đầu. Chẳng có đứa nào mang theo áo mưa, ướt bê bết. Lạnh và bắt đầu run. Sợ. Không biết hướng nào mà ra khỏi rừng, đi đâu cũng bị vây với những con suối chảy xiết. Chúng tôi ngồi quay lại, khoác vai nhau im lặng. Mà cũng chẳng biết nói chuyện gì lúc này. Cơn đói bắt đầu, đứa nào cũng run lẩy bẩy. Một đêm ngồi như thế với mưa gió, sáng ra mặt mày tái mét. Cả nhóm bàn tán, chỉ còn một cách liều. Anh C. có kinh nghiêm rừng rú đề nghị, ở đây thế nào cũng chết. Thà chết mà xác trôi về đồng bằng còn có người vớt. Vậy là cùng nhau kiếm cây kết bè. Sáu đứa ôm bè trôi theo suối. Có đứa xỉu gục đầu như xác chết, phải lấy dây cột vào bè. Chúng tôi “trôi” vài tiếng thì đến sông Thạch Hản.

Trôi trên suối nước xiết mà không sợ mấy, lúc ra giữa dòng sông mênh mông mới thấy mình nhỏ bé làm sao. Chúng tôi trôi đi như thế giữa mênh mông nước. Càng về gần biển càng lo. Tưởng tượng bè trôi ra biển thì… Tâm trạng lúc đó như những tử tù đi đến pháp trường.

Khoảng xế trưa may thay tấp vào một bụi tre La Ngà ở một làng gần cửa Việt. Lên bờ, khập khiểng dìu nhau tìm nhà dân. Chúng tôi được một gia đình cho tá túc, được ăn một bữa cháo cá nhớ đời.

Năm năm ở quê cũng vài lần tôi sém chết bởi bão lụt. Mạng sống của người dân quê mình thật mong manh khi đối mặt với mưa lũ. Hồi năm bảy hai vào Nam bộ, thấy nhà cửa trong Nam sao cao ráo, lộng gió. Lại nghĩ sao quê mình nhà nào cũng thấp tè. Sau 1975, về sống ở quê mới biết rằng kinh nghiệm luôn đối mặt với thiên tai nên nhà thấp cũng là một cách chống đỡ hữu hiệu với bão lụt. Vách, cột nhì phổ thông ở quê mình thường khoảng 2,5m, vào nhà thường tối om, nhưng chắc chắn. Gần đây phần nhiều nhà cửa đã được xây dựng kiên cố, an toàn hơn nhưng với bão lụt quê mình cũng không lấy chi bảo đảm.

Tôi lớn lên ở vùng trũng Hải Lăng, nơi năm nào cũng bị lụt. Làng tôi nhà cửa phần nhiều là tranh tre, có khi lụt ngâm cả nửa tháng không thấy ai cứu trợ, vậy mà thời đó rất ít người chết vì bão lụt, vì đói. Lý giải chuyện này sao đây? Tôi nghĩ có nhiều yếu tố:

- Về con người: Nông dân lâu đời đã thích nghi với thiên nhiên. Họ luôn dự trữ lương thực trên tra (Một kho lương thực thường nằm ở nơi cao nhất của căn nhà). Khoai khô, khoai luộc là lương khô không cần nấu nướng. Dù không có dự báo thời tiết chính xác như bây giờ, họ cũng biết được phần nào diễn biến của thời tiết qua kinh nghiêm nhân gian, qua ca dao tục ngữ về bão lụt. Mọi sự đã được sắp sẵn để đón lụt bão, và có thể sống chung với lụt hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Chính bản lĩnh, sức chịu đựng dẻo dai cọng với kinh nghiệm đã cho người dân quê mình tồn tại trước thiên nhiên khắc nghiệt hàng thế kỷ.

- Về thiên nhiên: Tôi nhớ thời đó nước lên chậm hơn bây giờ nhiều. Mưa nguồn cả mấy ngày sau mới thấy nước bạc về. Hồi đó rừng đầu nguồn chưa bị tàn sát như bây giờ. Sông suối tự nhiên chảy tạo ra những quy luật nhất định. Chỗ nào nguy hiểm người dân đã biết để tránh. Một yếu tố nữa rất quan trong đó là những thành trì của những lũy tre làng. Nhà nào xung quanh cũng được bao bọc những lũy tre kiên cố. Bờ sông rất nhiều những bụi tre La Ngà giữ đất không bị sạt lở. Những túp lều tranh thấp được tre che chắn lúc giông bão. Người ta không gọi là hàng tre, rừng tre mà gọi là lũy tre có lẽ cũng tự ý nghĩa này.



Về Huế ngày 28 – 9, để sáng 30 vào Sài Gòn như vé khứ hồi đã mua. Chiều 29.9, nhà văn võ sư Nguyễn Văn Dũng mời vợ chồng tôi ăn chay ở Liên Hoa. Trời mưa xối xã. Vợ chồng tôi và anh Dũng ngồi bàn kiểu Nhật, nhâm nhi bia Hu Đa. Nói chuyện văn chương thời sự mà dạ cứ ngoài mưa gió. Khoảng 21 giờ vợ chồng tôi xin kiếu để về khách sạn kẻo chút nữa không về được thì nguy.

Một đêm khó quên. Khách sạn trên đường Nguyễn Tri Phương chỉ có vợ chồng tôi và hai cặp Tây ba lô người Mỹ. Vợ chồng mình thì hoang mang, bồn chồn. Buồn và lo. Còn hai cặp kia thì chơi ghi ta suốt đêm. Họ hát dân ca, flamenco, cổ điển như không thèm để ý về mưa gió. Vậy mà mình cứ trằn trọc về nước và gió, thao thức nghĩ về bao số phận dưới tàn phá của thiên nhiên, xưa và nay. Rồi vùi vào giấc ngủ muộn.

Buổi sáng mở cửa đã thấy một cặp Tây, chàng ở trần mặc quần sọt, nàng thì mỏng mảnh quần lót áo ngực đứng nhìn mưa, và cười vô tư. Lại nghĩ, ở quê họ có bão lụt như mình không nhỉ!

Điện thoại hàng không báo chuyến bay sẽ được dời qua ngày 1.10. Điện cúp. Đường Nguyễn Tri Phương không còn bóng người đi lại. Thỉnh thoảng có chiếc ghe ai đó lặng lẽ trôi dưới mưa. Nước đục ngầu, cảm tưởng như sánh lại đỏ quạch. Đến gần trưa mà chưa tìm được gì để ăn lót dạ. Thôi liều. Lội nước ngang bụng đi mấy trăm mét mới có quán tạp hóa. Mua được mấy hộp thịt, mì gói.

Thêm một ngày đêm tự cầm tù trên khách sạn. Sáng 30.9 chúng tôi quyết định dời qua khách sạn bên đường Đội Cung. Nước rút nhanh. Công nhân vệ sinh hối hả làm việc. Những con đường vừa được tắm tươi mới trở lại. Buổi sáng chúng tôi quyết định đi bộ qua thăm nhà chị Thái Kim Lan bên đường Bạch Đằng. Từ cầu Gia Hội chúng tôi phải đi ghe máy và “cập bến” ngay cửa nhà. Chị Lan từ Đức về Huế đã mấy tháng, ở một mình trong căn nhà cổ. Chị cười bảo “Sướng chưa. Về quê mà lựa mùa mưa gió như ri thì đi chơi mô được. Thôi nấu cơm ăn với tôm chua chị làm ngon lắm”. Mấy ngày không có bữa cơm. Được ăn cơm nóng với tôm chua ngon chi lạ.

Buổi chiều, chị Lan cũng mấy người bạn tranh thủ nước rút để dọn hành lang trước nhà. Dùng chổi khuấy nước cho trôi bùn đi. Chị bảo ngày xưa mỗi lần lụt là vui lắm. Bạn bè trông cho có lụt để đi lội. Hồi đó nước không đục như chừ. Nhìn con đường Bạch Đằng nhầy nhụa, bùn có chỗ ngang đầu gối. Một lượng lớn đất màu mỡ từ rừng đầu nguồn trôi về đây, trôi ra biển. Nước đỏ ngầu, cuồng bạo nhanh chóng mang đi bao tài nguyên, gieo bao thảm họa cho xứ sở miền trung nghèo nàn này. Con người đang trả giá với thiên nhiên.

Xế chiều trời ngớt mưa. Chúng tôi lội bùn ra tới cầu Gia Hội, đi xích lô vào thành nội. Định ghé thăm nhà anh Nguyễn Tư Triệt mà đường còn ngập. Gọi điện thoại nghe ọ i è, có lẽ mấy ngày này bị cúp điện, máy hết pin.

Trước khi về lại khách sạn chúng tôi ghé thăm vợ chồng thầy Cao Hữu Điền. Thầy bảo lụt Quảng Trị đang lên nhanh. Tôi gọi điện thoại cho bạn bè ngoài quê, Lê Thị Dũng la ơi ới, bảo nước trong nhà đã ngang ngực rồi. Kiểu ni chắc dưới Triệu Phong Hải Lăng bị nặng lắm.

Chúng tôi về khách sạn chuẩn bị ngày mai vô sớm. Lại một đêm nóng ruột nghĩ về quê.

Chuyến bay đầu tiên của hãng Jestar sau bão lụt khởi hành lúc 8h. Nhìn qua đám hành khách phần đông là người nghèo qua cách ăn mặc của họ. Những người nghèo không có quyền chọn ngày đi ngày về. Số phận họ bị khuyên lại trong cái vé may bay giá rẽ.

Tôi ngồi cạnh một chị tuổi trung niên. Chị cứ nhìn ra cửa sổ máy bay mà khóc tức tưởi. Khi máy bay cất cánh tôi hỏi chị về hay đi. Chị bảo đi cũng như về, không biết gọi sao cho đúng. Chị đang làm công cho một người bà con trong Sài Gòn, mỗi năm được về quê một lần. Năm nay đứa cháu mua cho cái vé may bay giá rẻ, lần đầu được đi máy bay, những tưởng có một chuyến về thăm mạ thăm quê. Ai dè tới Huế thì đường về Phú Vang ngập không đi được. Ở lại Huế mấy ngày, sáng ni phải vô cho kịp…máy bay.

Máy bay lên cao. Đầm phá như biển nước phía dưới, loáng thoáng lù mù trong mây, làng xóm nhỏ dần, nhỏ dần. Chị ấy lại khóc, bảo có phải đó là làng tui không biết, tui thấy có cái đình như đình làng tui. Mạ tui đang còn ở đó.

Nhìn xuống những tầng mây đen nghị trời, xóm làng khuất hút dưới đó, có bao người trong chuyến bay này đang nhìn xuống quê mình, mang theo bao niềm cay đắng quê nhà trong tâm tưởng.

Báo Sông Hương tháng 9/2009






MẮT HUYỀN TRÂN

Nguyễn Đặng Mừng.



Ra quê gặp lúc trời mưa bão

Cụng trán người xưa tiếng sấm rền

Nửa đêm giật mình tưởng bom nổ

Quê hiền ếch nhái kêu buồn tênh



Xưa bom đạn xé chừ giông bão

Ngập ngụa đời nhau lổ mội* tràn

Mạ kêu trời ơi cơn mưa át

Cha ngâm mình níu một tàn nhang



Gân guốc mặt cha dây thừng cột

Nước mắt mạ khô chỗ em nằm

Dùng dằng ở đi mần răng được

Lăng mộ cha ông từ trăm năm



Chỗ eo ai cột quê mình lại

Ngọc Vạn* – Phương Nam – bão xứ Tần

Đất bạc sự đời trôi ra biển

Hoàng Sa gió tạt mắt Huyền Trân.



* Lỗ mội: :Lỗ nước ngầm khó phát hiện và rất nguy hiểm vì khó nhận ra. Quê mình có câu: Nước chảy ào ào không bằng hao lỗ mội.

* Công nữ Ngọc Vạn: Công nữ Ngọc Vạn là con gái Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Năm Canh Thân 1620, bà được gả cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II và cuộc hôn nhân này đã giúp Chúa Nguyễn mở rộng được lãnh địa thêm về phía Nam.
READ MORE - NGUYỄN ĐẶNG MỪNG - VỀ QUÊ MÙA BÃO LỤT

Wednesday, October 20, 2010

HOÀNG CÔNG DANH - TÙY BÚT NGÀY LŨ



Cứ đến độ tháng bẩy tháng tám âm lịch, khi vụ lúa hè thu đang ngấp nghé trổ đồng là sấm giật trời. Mưa. Xối xả. Cơn thịnh nộ của chàng Thuỷ Tinh năm xưa đùng đùng giăng lên miền trung quê tôi một trời trắng xoá nước. Trong đó, tôi nghe được sự hân hoan của chàng Sơn Tinh và cái đập thình thịch của Mỵ Nương khi cuộc tân hôn chưa chạm về miền sơn cước. Ai đã khéo dựng lên truyền tích ấy cũng đáo để thật! Cái ghen tình là cái hận đáng sợ nhất, nhà Phật có câu "món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm" âu cũng vậy!

Người làng tôi khấp khởi mừng cơm mới mùa trước chưa xong thì đã phải thột lòng lo sợ thuỷ thần. Thuỷ hoả đạo tặc. Hạn hán và lũ lụt đã choàng lên mảnh đất miền Trung này cái khắc khổ tự bao đời. Mạ đang chạy chợ chiều, con đường mấy hôm mưa dội sục lên bùn dơ lấm vào gót chân. Nhìn cái dáng mạ hấp tấp vừa đi vừa bấm ngón trên đường làng, tôi hiểu một mùa lũ nữa lại về, tuần tự và đúng hẹn mỗi năm.





1. Ngày còn nhỏ, tôi được nghe nhiều cách nhận biết sắp có lũ. Mấy đứa con nít vẫn truyền nhau một bài vè khi nhìn thấy con "lẹm", tức là cái cầu vòng xanh đỏ vàng tím sau mưa. Câu vè rằng "lẹm dài thì lụt, lẹm cụt thì mưa, lẹm bưa bưa thì nắng". Chữ "lẹm" là một từ địa phương quen mồm mà gọi. Cũng có thể nó như cách nói chệch của chữ "lạm", hay là sự ăn phần đám mây, chéo xém một góc trời. Lẹm dài thường là một dải cầu vồng vắt ngang phía đông, đầu và đuôi con lẹm chạm khẽ đường chân trời. Sau những cơn mưa mùa hạ, chúng tôi thường kéo nhau ra xem lẹm và đoán thời tiết.

một điều đặc biệt là lẹm chỉ xuất hiện vào mùa hạ. Ngày xưa tôi không tự mình lí giải được điều đó, cứ đoán đại khái chắc lẹm cũng như lũ học trò chúng mình, đến hè rảnh rổi mới chạy đi chơi. Nhưng giờ thì đã biết một cách có căn cớ hơn, nó là môt hiện tượng quang học vật lý và sự vận dịch trái đất trên quỹ đạo một năm. Từ khi biết câu vè đoán trời đó, mỗi khi thấy có lẹm dài là lại sợ!

Ông nội có nói một câu thế này mà tôi nhớ hình như cũng là một cái tích có lưu truyền trong dân gian, rằng "mưa ba ngày liên tục thì lũ, mưa bảy ngày liên tục thì trời đất tan vỡ". Nghe vậy nên mỗi lần có mưa tôi đều nhẩm đếm. Một, hai, ba, thế là lũ.

Thằng bạn ở làng lại bày cho một cách nhìn tín hiệu lũ thiết thực hơn. Ở quê tôi có một cái cầu tục gọi là cầu Trấu. Ngày còn nhỏ mỗi lần đi học đều phải qua cầu Trấu, đi qua đó thì không quên nhìn những xoáy bọt cuộn lại giống hình chiếc bánh thuẫn. Những ngày thường, nước chảy qua cầu Trấu theo hướng đổ ra con rào của làng Trà Liên. Thằng bạn bảo, khi nào thấy nước chảy ngược lại là sắp có lũ. Cách nhận biết này chúng tôi truyền nhau để mỗi khi đi học mùa đông phải nhớ mà nhìn. Nếu thấy chảy ngược ngày thường thì xách cặp quay về nhà nghỉ. Cách mà thằng bạn chỉ thật hay và luôn luôn đúng vì một điều rất đơn giản: lũ miền trung do nước trên nguồn đổ về nên nước bên rào dâng cao, dĩ tất phải chảy ngược lại về phía làng. Tôi nhớ mãi thằng bạn đó với cái "mẹo" xem lũ rất khôn. Nó đã dạy cho tôi không chỉ một bài học mùa lũ, mà là cả bài học lớn về quê hương yêu thương.

2. Ở làng, kẻng đội là dụng cụ báo tín hiệu phổ biến hơn cả. Kẻng báo đi gieo vụ, kẻng báo trỉa ngô, còn đến mùa này thì kẻng báo lũ. Khi bác trưởng thôn đi ngoài đường rung kẻng tức thì lo liệu sắp xếp đồ đạc để đón lũ. Người đi làm xa xa cuống quýt chạy về kịp ngồi nhìn nước cùng nhau. Mạ chạy chợ bán chưa hết mớ rau, tất tưởi đi về dưới cái nón mê cũ kĩ che cơn mưa đang làm dữ.

Việc cần thiết nhất là đi xay lúa. Ngày lũ lạnh, phải cần có cái ăn vào bụng mới chịu nổi. Hai chiếc máy xát lúa ở làng căng dây cu-roa ra mà chạy. Mạ vừa gánh thúng gạo mới xát xong về tới thì nước cũng chạm ngõ. Cả nhà xúm vào kê đồ đạc. Nhà quê xong mùa thường trữ lúa cất lại ăn khá nhiều nên phải chồng lên thật cao chứ nước vào đụng phải thì ra giêng đói là cái chắc. Khổ nhất là phải bắc chuồng cho lợn và vịt. Thứ nhất vì đó cũng là cơ nghiệp làm ăn, thứ hai không thể để nó chết lạnh được. Thường thì người ta dỡ cửa ra, kê lên ngang cửa sổ rồi thả lợn vào trong. Gà thì không cần phải làm chuồng, tự chúng sẽ đậu trên cái chuồng heo mới dựng đó.

Dọn dẹp vừa xong thì lũ đã mấp mé ngoài sân, bây giờ chỉ còn ngồi đợi xem nước. Khấc báo mức lũ năm trước chưa nhạt đi hết thì lũ năm nay đến. Cái khấc đó cũng như cái khắc khổ của cuộc đời vậy, cứ chồng tiếp lên nhau dìm con người quê tôi vào đắng cay. Làng tôi nằm trong vùng chịu lũ đồng bằng Quảng Trị. Lũ về ngâm khoảng một tuần mới chịu ra hết. Một nửa số nhà dân trong làng được lũ ghé vào nền, cao thì cỡ đầu gối, thấp thì tráng qua đủ để lại một vết báo cuối chân tường.

Ăn uống ngày lũ đơn giản thôi. Như câu cửa miệng người quê tôi hay nói, "ngày lũ ăn chi cũng thấy ngon!". Quả đúng như vậy! Bên ngoài thì nước, gió, lạnh, trong bụng lại thấy đói, chỉ cần nấu nồi cơm lên rồi nhón ít muối trắng với tiêu ăn còn ngon hơn những ngày thường. Ngày lũ, mạ tôi hay làm muối mè. Đậu phộng thu hoạch từ mùa đem ra rang lên, giã nhỏ rồi trộn với muối và đường. Mè đậu ăn với cơm gạo dẻo trong mùa lũ vừa chắc bụng vừa giữ ấm được.

Mùa lũ. Ông nội hay nhen một đống lửa giữa nhà ngồi sưởi ấm. Tôi nhớ mắt ông liu riu nhăn theo làn khói xông lên, hai bàn tay ông huơ ra trước lửa. Trông ông lúc ấy thật đẹp lão và hồn hậu đến lạ. Trên bếp lửa, ông tôi nhủ bắc lên đó một nồi xôi khoai. Cả nhà ngồi quanh nói chuyện chơi đợi xôi chín. Xôi ngày lũ trộn thêm khoai, ăn với muối tiêu. Ông bảo, ăn xôi phải vắt tay mới ngon. Nắm một cục vừa tay rồi nắn cho xôi dẻo, khi những hạt nếp đã bẹ ra sệt lại với nhau dẻo quánh như chiếc bánh giầy ăn thích lắm. Mà xôi, nhất quyết phải nấu lửa củi mới đúng bài. Nước trong nồi vừa cạn xuống là dập lửa ngọn, chỉ còn than hồng ủ ấm để xôi chín hơi. Phần chín hơi rất quan trọng, làm xôi và khoai không bị sượng. Xôi để trên than củi còn có được lớp cháy dính dưới đáy nồi, ăn vừa giòn vừa dẻo. Có năm nhà tôi trồng khoai lang, đến ngày lũ cứ bắc khoai trên lửa ăn suốt ngày. Ăn khoai, uống nước chè, kể chuyện ngày lũ ấm áp lắm!

Ban đêm, lũ chim bay về đậu nhiều trên bãi tha ma. Những ngày ấy đi săn chim rất dễ. Chim trời lạnh rụt cánh nhác bay. Ba tôi cùng mấy chú trong xóm căng vải mùng lên làm bẫy đi đơm Dạt. Dạt là một loài chim thường xuất hiện nhiều vào mùa đông, chúng hay bay dạt về làng vào ngày lũ. Phải vì thế mà người ta đặt tên cho nó là "Dạt"? Đi đơm Dạt cầm thêm cây đèn pin, cái sào dài nối bẫy là đủ. Đi một hồi, ba tôi xách về vài con Dạt vừa kiếm được. Vặt lông nướng lên, chén nước mắm và chai rượu đế trắng. Vậy là có một bữa nhậu thật sang. Trong gian khổ, người Quảng Trị vẫn biết cách làm cho cuộc sống của mình thi vị!




3. Con nít ở làng đến lũ thì mừng rơn vì được nghỉ học và chèo bè. Ký ức trong tôi còn lại về mùa lũ đầu đời cũng gắn với chiếc bè chuối cây ấy. Khi nước về, thêm gió tạt mạnh làm những thân chuối lâu năm bưng gốc mà bổ nhào xuống, chúng tôi đem dao phay ra chặt làm bè. Nếu không có chuối bị bổ thì kiếm mấy cây đã trổ rồi. Cây chuối chỉ cho một lần hoa kết một lần quả. Vậy nên những cây đã trổ rồi chặt đi cũng không phải là tiếc. Thường thường người ta dùng chuối trổ này để thái nhỏ cho lợn ăn.

Kiếm độ năm cây chuối, xếp chúng kề nhau rồi dùng ba thanh tre xuyên ngang là được một chiếc bè. Lắp chuối thì phải so le trở đầu để chiếc bè cân đối. Khi bè vừa vào đai tre xong thì nước cũng vừa quệt mông cái sân phơi. Mấy đứa cùng nhau đẩy chiếc bè ra nước, tìm thêm cái sào chèo và bắt đầu đi du ngoạn. Chèo bè dễ hơn chèo đò vì nó vốn đã cân bằng trên mặt nước rồi, chỉ cần đứng trên đó phải định tâm một tí là ổn cả. Ngày nhỏ thích chèo bè nhưng lại sợ nước, khi đứng trên bè rồi nhìn xung quanh đục ngầu mênh mông lũ thì sợ. Mà chiếc bè kia cũng như con đỉa vậy, ai mà sợ thì nó càng chọc khoé. Đứng trên bè chuối, chân trần rất dễ trượt, nếu không đứng vững là ngã nhào xuống nước ngay. Lũ con nít chúng tôi thường chỉ chèo loanh quanh nhà, hoặc chỗ nào nước lặng chứ không dám lân la tới những vùng nước chảy xiết. Ngày tôi còn nhỏ, ông nội thường đóng bè cho anh em chèo quanh sân. Khi học lên cấp hai rồi thì anh em chúng tôi tự đóng bè mà chơi. Có năm, ba chèo chiếc bè chở tôi băng cánh đồng làng đi kiếm mắm cà. Giữa dòng nước lớn tôi khóc ré lên còn ba thì cười. Ba bảo, con trai làng mà sợ nước lũ thì làm sao lấy được vợ? Và cái cười của ông hoác lên thu lấy cả bầu trời ngày mưa.

Ngoài bè chuối mà lũ con nít hay chơi thì còn có những chiếc đò, chiếc nôốc nhỏ của dân vạn chài. Làng tôi không sông không biển nên không có nghề đánh cá. Tuy nhiên, có một nhà cũng đóng chiếc ghe nhỏ để lũ chèo đi giăng lưới. Trận đại hồng thuỷ cuối thế kỉ (1999), chú tôi mượn chiếc ghe đó chèo qua vũng nước xoáy mạnh nối xóm trên và xóm dưới. Cái vùng trũng ấy chính là bãi tha ma có tên Cồn Sanh. Nhìn chú tôi một mình chèo qua đó mà cả làng phát hoảng, riêng chú vẫn an nhiên không sợ sệt gì. Chú tôi mệnh lớn, người thuộc dạng vạm vỡ giang hồ, những trận nước lớn chưa hề dám đụng đến cái lông chân chú. Vậy mà sau mùa lũ thế kỉ đó, chú tôi mất vì bạo bệnh. Nghĩ, sóng to gió lớn không bằng đau đớn bệnh tật.

4. Lũ miền trung, trắng một màu tang tóc. Cứ mỗi mùa lũ về lại nhấn chìm bao nhiêu nhà cửa phận người. Những nóc nhà ngập trong nước, mái tranh chơm chớp bị tớp bởi lưỡi thuỷ thần. Tôi từng chứng kiến những cái chết lũ đau đớn, mỗi lần mường tượng về cái xác vớt lên bầm dập lại phát sợ. Trận lũ cuối thế kỉ, chính nơi cái bãi trũng cồn Sanh mà chú tôi băng ghe qua đó, ngờ đâu hôm nước sắp rút hết lại xẩy ra một chuyện buồn kinh hãi. Hôm đó nước đã rút gần hết rồi. Ở chỗ đường cái lớn, nước chỉ còn ngang cái thắt lưng quần, mọi người đã có thể lội băng qua mà đi họp chợ. Một cặp trai gái ở làng rủ nhau đi chợ chơi rồi vô tình trượt chân, nước kéo cả hai trôi xuống phía cánh đồng Bàu. Mấy hôm sau, cả làng kéo nhau lội đi tìm xác.

Người chết lũ không đưa về làm đám trong nhà mà phải dựng trại ở ngoài bãi đất cồn. Thầy cúng căng một tấm phan vải trên ngọn tre cao làm lễ gọi hồn về. Theo quan niệm dân gian thì những cô hồn này đang ở một phương nào đó xa xăm, có thể theo con nước trôi ra biển, cần làm lễ để khiển cầu quay về. Sau trận lũ đó, tôi bước sang tuổi mười bốn, lớn hơn một tí. Mỗi lần mùa lũ đến không còn háo hức chèo bè chuối như xưa mà thay vào đó là một nỗi hoang mang lo sợ. Ám ảnh một cái chết mùa cũ.

Đặc trưng địa lí mỗi vùng qui định tính chất con nước lũ và triều cường. Lũ miền trung thường lên chậm và xuống chậm. Mỗi trận lũ nước vào ngâm làng cỡ một tuần lễ. Nước vừa ra, cả nhà lại cầm chổi mà "đuổi" bùn non ra theo. Cái thứ bùn non này mùa lũ nào cũng đóng một lớp trên sân. Rồi còn bèo và rác rưởi mắc kẹt lại quanh nương.

Sau lũ, nhìn vườn rau vườn cải mà thương. Ngọn khoai nhúng trong nước giờ thẫm màu đi, bao nhiêu cải cũng bét nhèo hết. Chính vì thế mà chợ họp là rau cải thành món hàng đắt nhất. Ai dám bảo rau không có giá nào?! Mạ tôi thường đi chợ sớm, là bởi cái tần tảo trong người phụ nữ ấy mấy chục năm chưa biết chồn chân đợi chờ. Ngày họp chợ đầu tiên sau lũ, tôi theo mạ ngúng ngoảy ra chợ, dọc đường có dăm chỗ nước chưa kịp xuống hết, lội bì bõm. Ra tới chợ, bà con ai cũng kêu ở chi quê miềng mà cực như ri. Mạ nói: "Ngó thì cực ri đây. Nhưng ai đi xa rồi cũng muốn về!".

Minsk, những ngày xa quê

HOÀNG CÔNG DANH

READ MORE - HOÀNG CÔNG DANH - TÙY BÚT NGÀY LŨ