Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, May 27, 2010

KHÔNG ANH - chùm thơ Trương Thị Hằng Nga




Trương Thị Hằng Nga
Giáo viên tiếng Anh

Trường tiểu học Hải Dương, Hải Lăng, Quảng Trị


KHÔNG ANH

Không anh gió cũng dỗi hờn
Nhìn đâu cũng thấy một vườn tương tư.
Không anh trời đất lắc lư
Cứ như vũ trụ chao từ câu kinh.
Không anh căn phòng lặng thinh
Đất trời cáu tính giật mình giăng mây.
Bởi yêu làm dạ rứt ray
Vì say mới gặp một ngày bão giông.
Bây chừ em hết ngó trông
Không mong. Không ngóng. Không hòng duyên tơ.
Tối ngày mê mẩn làm thơ
Cứ coi như nợ giấc mơ thiên đàng.
Không anh khuyết cả trăng rằm
Đến con chim vẹt ngậm tăm chẳng rằng.
Mặt trời ủ rũ ngủ đông
Ngôi sao le lói tầng không lu mờ.
Không anh lỗi hẹn vần thơ
Câu từ như nhện giăng tơ thẫn thờ.
Không anh mây chợt lững lờ
Mưa như chàng ngốc ngu ngơ trước đời.
Trái ngang, gian dối người ơi
Thuyền duyên lỡ chuyến đò xuôi mất rồi .
Đành gạt nước mắt mà thôi
Chòng chành con sóng lướt trôi kiếp người.
Không anh, dùng dằng cuộc chơi
Chẳng vui mà vẫn nụ cười méo môi.
Không anh, chỉ mình em thôi
Tội cho một kiếp... mồ côi tình sầu.



NẾU MỘT MAI ...

Một mai em bước theo chồng
Bỏ anh ở lại trống không ngỡ ngàng
Giả từ em phải sang ngang
Mình anh đơn lẻ nhỡ nhàng tình xưa.
Em về nước mắt như mưa
Khóc cho tình lỡ người xưa đợi chờ
Nhớ chàng em gởi vào thơ
Theo chồng em để giấc mơ lỡ làng.
Từ mai ngày mới sang trang
Em về bên ấy làm nàng dâu ngoan
Mười hai bến nước đa đoan
Bên người em có còn xoan tuổi đời?


AI?

Đêm nay em không ngủ
Thử hình dung ngày mai
Khi thiếu vắng anh rồi
Ai người em tâm sự?
Giữa bao la vũ trụ
Biết gởi tình nơi đâu?
Cuối bộn bề bể dâu
Giọt sầu em ngấn lệ.
Ai người nghe em kể
Chuyện gần và chuyện xa?
Ai dỗ hạt mưa sa
Bằng câu đùa hóm hỉnh?
Ai lo em lỉnh kỉnh
Bao vấp váp đời thường?
Ai người để em thương
Gởi nỗi niềm nhung nhớ?
Ai nghe từng nhịp thở
Trong giá lạnh cô đơn?
Ai gieo em giận hờn
Để dùng dằng giận dỗi ?
Ai ghét yêu vô lối
Cứ đỗ tội ông trời?
Để lòng ai lệ rơi
Ướt nhoà bao nuối tiếc?
Ai nói câu giã biệt
Sau thao thiết lời trao?
Tựa cái nắng hanh hao
Chợt hồn em cháy khát.
Ai làm em tan nát
Cỏi lòng và trái tim? 

                                Trương Thị Hằng Nga
READ MORE - KHÔNG ANH - chùm thơ Trương Thị Hằng Nga

Sunday, May 23, 2010

Mai Văn Hoan - VÕ QUÊ VÀ THƠ LÁI

Nhà thơ Võ Quê


Những năm gần đây, ở Huế lưu truyền một số bài “thơ lái” khá độc đáo của Võ Quê. Những bài thơ này vừa có tính thời sự, vừa hóm hỉnh ở nghệ thuật con chữ.Vật giá leo thang gạo lỏng nồi/ Nỗi lòng xa xót bạn nghèo ơi/ Ngồi eo sèo với bao gian khó/ Gió khan đắng họng tái tê đời. Cái độc đáo của bài thơ này là tác giả sử dụng kiểu lái bắc cầu, xoáy trôn ốc.

Võ Quê không phải là người đầu tiên làm thơ lái. Ngay từ thời Trung đại, nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã nổi tiếng với một số câu thơ lái hết sức quái kiệt, đáo để, như : “Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo” hay “Trái gió cho nên phải lộn lèo”... Ở Huế, thời Pháp thuộc có cụ Thảo Am Nguyễn Khoa Vi cũng là một cây “lái thơ” khá nổi tiếng.
Trong dân gian vẫn lưu truyền một số câu thơ lái hết sức dí dỏm và sâu sắc của cụ. Chẳng hạn như: “Cầu đạo nên chi phải cạo đầu”, “Nhắn bạn lên non đừng bắn nhạn”, “Công khó chờ nhau biết có không”, “Trông đời chỉ thấy cảnh trời đông”...
Và đặc biệt là câu: “ Thầy tu mô Phật cũng thù Tây”. Sau khi cụ Thảo Am Nguyễn Khoa Vi mất (1966), thơ lái tưởng như “đứt mạch”. Thời Bình Trị Thiên một số nhà thơ như Xuân Hoàng, Văn Lợi... chỉ nói lái trêu đùa nhau cho vui màthôi.

Tôi còn nhớ một vài câu, đại loại như : “Đi Cửa Lò bị cò lừa, bác Hà Sâm suýt hầm sa” ; “Đi phong trào được trao phòng” ; “Ăn cháo lòng, chống gió Lào”; LTM có bài thơ Những mùa trăng mong chờ khá nổi tiếng, các anh lái thành Những mùa trăng mơ chồng ; bài Trăng mùa đông của tôi gửi báo nào cũng không thấy in, các anh đổi thành Trông mùa đăng...

Theo nhà thơ Võ Quê cho biết thì mãi đến năm 1999 anh mới làm thơ lái. Đó là năm mà tỉnh Thừa Thiên Huế bị một trận lụt thế kỷ. Thấy chị em làm nghề ca Huế trên sông Hương phải ngưng hoạt động trong một thời gian khá dài để chống chọi và khắc phục hậu quả của trận lụt thế kỷ ấy, nhà thơ bèn làm một bài thơ lái để đùa vui:

Trời lụt ca nhi cũng trụt lời
Trời đong mưa lũ xuống trong đời
Vái lạy lụt tan lành váy lại
Đời cho du khách dạo đò chơi.
Cái tài của tác giả là sử dụng cách nói lái rất tự nhiên và rất phù hợp với hoàn cảnh, tâm trạng của các ca sĩ lúc đó. Nghe Võ Quê đọc, chị em không nhịn được cười. Bài thơ lái ấy của Võ Quê không cánh mà bay. Chỉ mấy hôm sau, trong các quán cóc, quán cà phê vỉa hè người ta đọc chuyền nhau: Trời lụt ca nhi cũng trụt lời...
Thành công bất ngờ ấy đã khích lệ tác giả, làm thức dậy tiềm năng sáng tác thơ lái của anh. Võ Quê lần lượt “xuất bản bằng miệng” một loạt bài thơ lái cũng dí dỏm, sâu sắc chẳng thua gì tiền nhân Thảo Am Nguyễn Khoa Vi.

So với một số thành phố khác trên cả nước thì Huế vẫn còn nghèo. Người Huế tự trào “Huế thơ, Huế mộng, Huế tòng bọng hai đầu”. Nghèo nhất vẫn là dân vạn đò, những người đạp xích lô, xe thồ... Có người “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”. Hơn ai hết, Võ Quê hết sức thông cảm với hoàn cảnh đói nghèo của họ, nhất là khi đồng tiền làm ra thì khó mà vật giá cứ ngày một “leo thang”:

Vật giá leo thang gạo lỏng nồi
Nỗi lòng xa xót bạn nghèo ơi
Ngồi eo sèo với bao gian khó
Gió khan đắng họng tái tê đời

Cái độc đáo của bài thơ này là tác giả sử dụng kiểu lái bắc cầu, xoáy trôn ốc: hai chữ cuối câu đầu lái với hai chữ đầu câu hai, hai chữ cuối câu hai lái với hai chữ đầu câu ba, hai chữ cuối câu ba lái với hai chữ đầu câu bốn. (khác với kiểu lái trong từng câu mà cụ Thảo Am Nguyễn Khoa Vi vẫn làm). Kiểu lái bắc cầu xoáy trôn ốc này cực khó, phải là bậc “cao thủ” mới làm được.

Đây là nỗi lòng của dân chúng khi giá xăng dầu tăng vọt:

Dầu xăng tăng giá dạ giăng sầu
Đầu tiên trăn trở bạc tiền đâu
Giật gấu vá vai theo vật giá
Thâu đêm nhức nhối nghĩ thêm đau

Không chỉ cảm thông với những người dân lao động nghèo khổ, Võ Quê còn sử dụng thơ lái để chống tiêu cực. Anh biến thơ lái thành một thứ vũ khí hết sức sắc bén đánh vào bọn tham nhũng:

Lần vô danh lợi hại dân lành
Tranh thùng, tranh thủ mới trung thành!
Đầy tớ vét tiền bao tờ đấy
Giành nhau tham nhũng chúng giàu nhanh

Ở bài thơ trên, ngoài những cặp lái: tranh thùng - trung thành, đầy tớ - tờ đấy, giành nhau - giàu nhanh, tác giả còn sử dụng một loạt các phụ âm t, tr, th ở câu thứ hai và thứ ba tạo nên âm điệu rất đặc biệt.
Những thủ đoạn: tranh thùng (tranh phiếu), tranh thủ (nịnh bợ)... của bọn tham nhũng được tác giả lột trần không chút e dè, ngần ngại. Bọn chúng là một lũ thoái hoá, biến chất:

Biến chất điếm đàng đi chiếm đất
Cánh đồng xoang bởi Kuán Đồng Xanh
Hối mại chức quyền gieo mối hại
Lanh mưu thoái hóa thật lưu manh!

Hầu hết thơ lái xưa nay đều sử dụng hình thức lái đôi (cặp hai chữ), ở bài thơ trên Võ Quê đã mạnh dạn thử nghiệm hình thức lái ba (cặp ba chữ): “cánh đồng xoang” - “Kuán Đồng Xanh”.
Kiểu lái ba này cũng cực khó. Nếu tôi không nhầm thì nữ sĩ Hồ Xuân Hương chỉ sử dụng một lần duy nhất kiểu lái cặp ba này trong bài thơ Quán Sứ: Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo.
Thơ lái Võ Quê không chỉ sâu sắc, thâm thuý mà còn rất hóm hỉnh. Đây là bài thơ lái anh làm để trêu những cặp trai gái lỡ “ăn cơm trước kẻng”:

Bầu trỏ hèn chi phải bỏ trầu
Bầu to nên mới tậu bò trâu
Quệt má vì yêu nên quá mệt
Bầu lên hạnh phúc được bền lâu

“Bầu trỏ” là mới có thai nên phải làm đám hỏi (bỏ trầu). “Bầu to” là cái thai ngày một lớn nên phải làm đám cưới (tậu bò trâu). Lỡ “quệt má”- nghĩa là lỡ làm cái chuyện ấy nên phải lo đám hỏi, đám cưới thì “quá mệt” là phải. Nhưng cái thai càng lớn thì hạnh phúc càng “bền lâu”. Đằng sau tiếng cười nhẹ nhàng là quan niệm rất nhân văn về tình yêu và hạnh phúc của tác giả.

Võ Quê còn làm thơ lái đùa các bợm rượu:

Một chai mai chột, coi chừng!
Nhị chai nhai chị tưng tưng ngà ngà
Ba chai là bai nghe cha!
Bốn chai cẩn thận kẻo mà bái chôn
Ngũ chai ngai chủ hùng hồn
Sáu chai sai cháu bếp cồn luộc tôm!

Bài thơ này là một thể nghiệm nữa của Võ Quê. Hồ Xuân Hương, Thảo Am Nguyễn Khoa Vi chỉ làm thơ lái theo thể đường luật và hầu hết là thất ngôn tứ tuyệt. Võ Quê mạnh dạn chuyển thơ lái sang thể lục bát. Bài thơ trên có tới 12 câu, câu nào cũng có cặp lái đôi.

Quy luật lái khá linh hoạt. Câu một, câu hai, câu năm, câu sáu là những cặp lái đôi liền nhau. Câu ba, vế thứ hai được tách ra nằm xen giữa chữ “là” và “nghe”: ba chai - bai cha. Câu thứ tư, tác giả đột ngột chuyển sang lái cách (hai chữ đầu lái với hai chữ cuối). Ở câu kết lẽ ra không được dùng vần “ôm” ở chữ thứ tám vì nó vần thông với chữ thứ sáu, nhưng vần “ôn” và “ôm” đặt cạnh nhau nghe rất ngộ nghĩnh.

Bởi thế mà tác giả đã mạnh dạn phá lệ. Ngồi trong chiếu rượu mà đọc bài thơ lái này không ai có thể nhịn được cười. Những lời nhắc nhở các bợm rượu thật dí dỏm mà cũng thật chí tình, chí lý.
Cuối năm ngoái, đầu năm nay, chị Tiểu Kiều (vợ nhà thơ) không may lâm bệnh hiểm nghèo, các cháu đang công tác xa, một mình nhà thơ vừa chăm sóc vợ vừa làm công việc nội trợ. Cứ ngỡ anh không còn tâm trí, thời gian để “lái thơ” nữa.

Vắng thơ lái Võ Quê, dân quán cóc, quán cà phê vỉa hè cảm thấy thiêu thiếu một cái gì. Không biết ai đó đã than rằng: Chưa về nhắm rượu làng Chuồn / Chưa nghe thơ lái sao buồn Võ Quê (làng Chuồn nổi tiếng rượu ngon là quê của anh). Có lẽ hiểu được tâm trạng chờ đợi của người hâm mộ, Võ Quê lại tiếp tục Tự trào bằng thơ lái:

Cuối năm cắm cúi chăm nuôi vợ
Đầu năm mong vợ hết nằm đau
Số phận an bài ai bàn nữa!
Câu thơ Xuân đó có buồn đâu…

Và:

Vợ chồng là phải vọng chờ
Dạo một vòng chợ nên thơ vợ chồng
Trong khó khăn, vất vả anh vẫn vui đùa, tếu táo:
Cuộc đời thành một trò chơi
Khổ đau hạnh phúc là trời cho ta

Thơ lái cũng là một “trò chơi” mà “trời” đã ban cho Võ Quê. Bởi vì không phải bất cứ ai cũng làm được thơ lái vừa thông minh vừa hóm hỉnh vừa thâm trầm như anh.


Huế, tháng 4 - 2010

Mai Văn Hoan
Nguồn: http://www.tienphong.vn/
READ MORE - Mai Văn Hoan - VÕ QUÊ VÀ THƠ LÁI

Wednesday, May 19, 2010

THI HÀO NGUYỄN TRẢI - Linh Đàn





Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, người làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc (nay thuộc Thường Tín – Hà Tây), Ông sinh ra và lớn lên ở Thăng Long, đậu Thái Học Sinh khoa Canh Thìn (1400), làm quan thời Nhà Hồ. Năm 1407, Trung Hoa thôn tính nhà Hồ và đặt nền móng độ hộ nước ta, thân sinh ông là cụ bảng nhãn Nguyễn Phi Khanh lúc bấy giờ đang làm quan cho Nhà Hồ, bi bắt giải về Tàu, ông theo cha đến tận ải Nam Quan, thân phụ ông thấy thế mới khuyên rằng: Con hãy trở về rửa hận cho cha, rửa nhục cho nước, còn hơn theo cha khóc lóc có ích gì , Nguyễn Trãi đành gạt lệ trở về.


Nhớ lời cha dặn, năm Canh Tý 1420 ông giúp Bình Định Vương Lê Lợi, mười năm kháng chiến chống quân Minh, viết Bình Ngô Đai Cáo (bản tuyên ngôn độc lập thứ 2 của nước ta sau bài thơ Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt) Lê Lợi cùng Ông đã làm thêm một thiên quốc sử hào hùng cho Tổ quốc, chói lọi ngàn thu.
Năm Quý Sửu 1433 sau khi Lê Lợi mất, ông bị bọn quyền thần ghen ghét, nên ông xin về ở ẩn ở quê ngoại Côn Sơn – Chí Linh (ông là cháu ngoại của Trần Nguyên Đán, quốc công nhà Trần)


Năm 1434 vua Lê Thái Tông vời ông trở lại giúp nước, được ít lâu ông lại xin về.


Tháng Bảy năm Nhâm Tuất 1442 vua Thái Tông đi duyệt binh ở Chí Linh, ghé lại Côn Sơn thăm ông, tại đây, vua được gặp Nguyễn Thị Lộ, người con gái đã cùng Nguyễn Trãi có một chuyện tình thật thơ, thấy Thị Lộ – người thiếp của Nguyễn Trãi có nhan sắc lẫn tài ba nên vua bắt theo hầu. Không ngờ đi đến Gia Định (thuộc huyện Gia Bình - Bắc Ninh) nhà vua đột ngột qua đời, triều đình gán cho ông tội giết vua với bản án tru di tam tộc, đây là bản án Lệ Chi viên (vườn vải) đã làm xao xuyến hàng vạn con tim của người đời sau với một trang bi tình hận đầy nước mắt và nỗi oan khuất kinh hoàng.


Năm 1464 vua Lê Thánh Tông giải nỗi oan khiên cho Nguyễn Trãi, bằng cách cho truy phục lại tước vị và cho tìm lại con cháu.


Nguyễn Trãi là một nhà chính trị lỗi lạc, một nhà quân sự tài ba, và cũng là một đại văn hào của nước ta. Tác phẩm của Ông để lại, phần thơ chữ Hán gồm có: Giao tự đại lễ, Thạch Khánh Đồ, Dư Địa chí, Ngọc Đường Di Cảo, Trung Quân Tứ Mệnh tập, Ức Trai Di tập, Về chữ Nôm có: Gia Huấn ca, Ức Trai thi tập và một số bài thơ xướng họa với Nguyễn Thị Lộ.


Bài thơ Tự Sự dưới đây là một bài thơ ý tình sâu sắc, lời lẽ thanh thoát, nhẹ nhàng nói lên được tâm trạng cô độc của một nhà chí sĩ yêu nước, không biết tìm đâu ra người cùng chí hướng để giữ vững con thuyền dân tộc trước cơn gió dập sóng dồi.


TỰ SỰ
Chiếc thuyền lơ lững bên sông
Biết đem tâm sự ngỏ cùng ai hay !
Chắc chi thiên hạ đời nay
Mà đem non nước làm rầy chiêm bao
Đã buồn vì trận mưa rào
Lại đau vì nỗi ào ào gió đông
Hoa trôi bèo dạt giữa dòng *
Chiếc thuyền lơ lững bên sông một mình
Ức Trai


*Có nhiều người đọc; - Mây trôi nước chảy xuôi dòng
- Nói chi những chuyện đau lòng


Bài thơ chữ Hán
LOẠN HẬU ĐÁO CÔN SƠN CẢM TÁC

Nhất biệt gia sơn thập tải niên
Quy lai tùng cúc bán tiêu nhiên
Lâm tuyền hữu ước na kham phụ
Trần thổ đê đầu chỉ tự liên
Hương lý tài qua như mộng đáo
Can qua vị tức hạnh thân tuyền
Hà thời kết ốc vân phong hạ
Cấp giản phanh trà chẩm thạch miên


Nguyễn Trãi
(Ức Trai thi tập)




SAU LY LOẠN VỀ LẠI CÔN SƠN CẢM TÁC
Một chuyến mười năm biệt cố hương
Cúc tùng nay thấy nửa sầu vương
Suối rừng ước nguyện đâu hờ hững
Cát bụi dập dồn mãi tiếc thương
Làng xóm nhìn qua như ngủ dậy
Lửa binh gẫm lại vẫn coi thường
Bao giờ nhà dựng sườn mây núi
Nước suối đun trà – đá gối sương
Linh Đàn
(dịch)






(Tài liệu tham khảo Việt Nam Văn Học - TT học liệu bộ QGGD Saigon – 1968)
Bài viết được trích đăng trên tạp chí THẾ GIỚI THƠ ĐƯỜNG LUẬT
CLB UNESCO THƠ ĐƯỜNG VIỆT NAM chi nhánh TPHCM
READ MORE - THI HÀO NGUYỄN TRẢI - Linh Đàn

Saturday, May 15, 2010

HỌA SĨ LÊ BÁ ĐẢNG







































































































Lê Bá Đảng sinh ngày 26 tháng 7 năm 1921 tại làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sang Pháp năm 1939, đã tham gia vào những đội quân chống phát xít của nước Pháp, bị Đức quốc xã bắt làm tù binh. Học tại Học viện Nghệ thuật Toulouse và trở thành một hoạ sĩ nổi tiếng ở châu Âu. Triển lãm đầu tiên ra mắt tại Paris năm 1950. Năm 1989 nhận giải thưởng "Nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo" của Việt Quốc tế Saint-Louis của Mỹ; Năm 1992 được Trung tâm tiểu sử quốc tế thuộc Đại học Tổng hợp Cambridge của Anh đưa vào danh mục những người có tên tuổi của thế giới; năm 1994 được Nhà nước Pháp tặng "Huân chương Văn hóa nghệ thuật Pháp". Được giới nghệ thuật đánh giá là bậc thầy của hai thế giới Đông - Tây.

Năm 2005, Hoạ sĩ được nhận huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước và nhận danh hiệu Vinh danh nước Việt do báo điện tử Vietnam Net phối hợp với UBMTTQ Việt Nam trao tặng.

Năm 2006, hoạ sĩ cùng với UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng tại 15 Lê Lợi, Thành phố Huế.

Nguồn: vi.wikipedia.org
Sóng từ trường
Không gian Lê Bá Ðảng

Tác giả: Thụy Khuê

Ý niệm về không gian không mới. Ý muốn biểu dương không gian, cũng không lạ. Nhưng ý thức được tính cách tương đối của sự vật trong vũ trụ, trong không gian, thì hình như chỉ Trang Chu mới thật sự đặt vấn đề. Nào chim bằng, cá côn, nào ao trời, gió lốc... Trang Chu "tạo hình" cho ta thấy cái vô cùng của tạo vật và cái lẽ tương đối ở đời.
Hội họa Tây phương, giàu kỹ thuật, nhiều tiến bộ. Nhưng thiên về biểu dương hiện thực, vẽ những gì thấy được, nắm bắt được, những "hiện thực cụ thể" (kể cả khi phá thể như lập thể, trừu tượng), dường như hội họa Tây phương chưa thật tình thám hiểm thế giới siêu hình, tâm linh, vần vũ về lẽ sống, chết, lý tương đối ở đời.

Hội họa phương Ðông nghiêng về Ðạo, về triết lý sống, nhưng lại chưa tìm ra những phương pháp tân kỳ để diễn tả một cách đa nguyên, đa dạng.
Hiếm hoi là những nghệ sĩ nhuần nhuyễn kỹ thuật phương Tây và triết lý phương Ðông, để có thể tạo một con đường nghệ thuật phức âm, đa nghĩa, rọi ánh sáng và chiếu nhiều góc độ vào những trăn trở của con người về cõi sống, cõi chết, cõi biết, cõi không, về hư vô và cực lạc, về cái Ðạo của con người, ở chỗ Tâm và Vật không còn giới hạn phân chia.
Một vài họa sĩ gốc Á Ðông, thấm nhuần cái học phương Tây, dường như đã tìm được con đường tiến đến sự hòa đồng Tâm-Vật, Âm-Dương, Hữu Hạn-Vô Hạn. Lê Bá Ðảng là một.


*

Trong hành trình sáng tác, ông đã đi từ con mèo, con ngựa, con trâu đến... con người, và ở mỗi "con", ông đều cố gắng đào sâu đến nguồn ngọn, cỗi rễ của chúng. Ông biết rõ tâm can của chúng đến độ có thể chế tạo những "đầu-trâu-tâm-phật", "hình người-dạ thú", "khẩu phật-tâm xà"... Qua hơn nửa thế kỷ sống với nghệ thuật tạo hình, ông đã thuộc lòng cái thế giới "nhân vật cầm thú" mà ông tạo ra, ông cũng lại quá quen với khoảng không gian tầm thường của cái học hàn lâm, với lối nhìn "viễn cận" chưa hề thay đổi từ hơn 20 thế kỷ. Lê Bá Ðảng muốn tìm kiếm, muốn thám hiểm cõi sống chết của con người, ngoài hội họa.
Không gian Lê Bá Ðảng là sự phản kháng những không gian ba chiều đã bước vào tuổi hoàng hôn, là sự chống lại quan niệm lỗi thời của hội họa trường ốc, biểu dương lối nhìn một chiều: Vẽ những gì thấy trước mắt. Nghệ nhân có thể hồi khứ, ngoái lại dĩ vãng, nhưng vẫn phải moi ký ức ra khỏi óc, để nó lên bàn, trước mặt, mà vẽ.
Hội họa lập thể mở rộng hơn: Ðối tượng vẽ, không im lìm, không "chết", nó có quyền chuyển động. Hội họa lập thể mở thêm chiều thứ tư: Chiều chuyển động cho tác phẩm.
Hội họa trừu tượng phá thể để ngòi bút tự do phân tích đối tượng, xé nát đối tượng, tiêu tùng hình thái. Mỗi nghệ sĩ tạo một lối vẽ, lối nhìn riêng về đối tượng; và người xem cũng có quyền có cái nhìn riêng về họa phẩm, theo ý mình, độc lập với nghệ sĩ.
Hội họa trừu tượng phá bung những định kiến, những hàng rào ngăn cách, để con người tự do thưởng ngoạn, tự do tưởng tượng và nghệ sĩ tự do sáng tác. Mối tương quan cố định về "đối tượng bức tranh" và sự cảm nhận của người xem không còn nữa. Hội họa trừu tượng lấy tự do làm đối tượng, và chính ở chỗ "tự do" ấy, con người mới thấy cái "giới hạn" của chính mình.
Lê Bá Ðảng muốn thoát ra khỏi tất cả những ràng buộc về quy luật của nghệ thuật cổ điển, và cả cái "tự do giới hạn" của hội họa trừu tượng, để mở ra một cõi ta của riêng ông. Ông sáng tạo Không Gian Lê Bá Ðảng.


*

Không Gian Lê Bá Ðảng là gì?
- Về mặt kỹ thuật, đó là sự gặp gỡ giữa nhiều ngành nghệ thuật: Kiến trúc, điêu khắc, hội họa... Lê Bá Ðảng không chỉ vẽ, ông tạo hình.

- Về mặt nội dung, đó là mối tương quan giữa người, vật và vũ trụ. Nhân sinh quan của Lê Bá Ðảng có gì trùng hợp, gặp gỡ cái lẽ tương đối của Trang Chu: Cái nhỏ có lý của cái nhỏ, cái lớn có lý của cái lớn, phải cũng là lẽ vô cùng và trái cũng là lẽ vô cùng: Cứ lấy ánh sáng soi thì sẽ thấy cái tương đối ấy bật nẩy ra, và ông thể hiện cái lẽ tương đối ấy trong Không Gian Lê Bá Ðảng. Cái nhìn của ông không còn là cái nhìn một chiều, hướng về trước mặt, mà nó biến đổi không ngừng.

Ở những mô hình Không gian thực tiễn, ông nhìn từ không trung, bằng con mắt loài chim, hay nhìn từ mặt trăng xuống đất. Tôi gọi đó là viễn cận "vạn lý". Với cái nhìn này, Không Gian Lê Bá Ðảng thể hiện những nứt nẻ trên trái đất, những đỉnh cao, vực sâu, trong lòng đất, lòng biển; những đại dương mênh mông, những hỏa diệm sơn bừng cháy, đến cả những con kiến li ti là sinh mệnh và định mệnh của con người. Trong không gian thực tiễn, với viễn cận "vạn lý", Lê Bá Ðảng có thể gồm thâu vũ trụ địa chất và thế giới nhân sinh trong một chiều kích không quá một thước dài, hai thước rộng.

Ở Không gian ảo tưởng, ông tạo không khí siêu hình, giữa cõi sống và cõi chết. Ông "vẽ" cái hoang vu của hư vô, ông "vẽ" cái không và cái có. Từ kỹ thuật, chất liệu, cách sắp xếp đến mỗi hình thức trong không gian Lê Bá Ðảng dường như muốn cấu tạo nên một thế giới, một vũ trụ ngoài màu sắc. Màu sắc chỉ là cái cớ để lưu lại với hội họa. Ông hay dùng sắc nâu, sắc xám, toàn trắng, toàn đen, màu đất nung, chấm phá những điểm son như những mốc, để tư tưởng, trí nhớ và tâm linh có thể trụ lại giữa khoảng vô thỉ, vô chung.
Ðứng trước những tác phẩm này, người xem cảm thấy hoang mang, lạc loài, như mình là chứng nhân cái hữu hạn của cuộc đời đang giao lưu cùng cái vô hạn của vòng tử sinh, luân hồi, truyền kiếp.

Trong loại không gian thứ ba, Không gian lịch sử-địa tầng, người xem mường tượng thấy ý niệm thời gian liên kết với không gian: Con đường xuyên suốt quá khứ-tương lai, giao thoa với viễn cận xuyên địa, từ cung trăng xuống địa cầu, xuyên xuống những lớp địa từng, địa đạo. Tác giả cho ta cảm tưởng ông muốn hình ảnh hóa cả một thời kỳ lịch sử của dân tộc, xuyên qua những thửa ruộng khô, những cánh đồng cháy, những bãi cát dài, những ngôi cổ mộ, những lớp địa tầng, vào trung tâm trái đất. Ở một cái khung lơ lửng, mơ hồ, rêu phong kia, dường như thấp thoáng có hồn Trọng Thủy đang tìm dấu Mỵ Nương qua vết lông ngỗng xác xơ, tan tác... Ở một khoảng tối này, có phải Diêm Vương đang hành hình lũ tội đồ? Ở một không gian u ám trên kia, Hằng Nga đang cô đơn, giá buốt trên cung Quảng?...

Mỗi lần xem Không Gian Lê Bá Ðảng là một lần khám phá. Tác phẩm của ông có nét hãnh tiến về tương lai, kèm nỗi khổ đau, trầm luân trong hiện tại và nỗi u hoài, nhớ về quá vãng.

Nghệ thuật của ông thoát hài, đập vỡ cổ kính để tạo ra không gian phi thời gian, gồm thâu quá khứ, vị lai, địa tầng, địa chất, cõi này, cõi khác trong khoảnh khắc một cái nhìn. Nó độc đáo, nhưng cô đơn. Ông cô đơn trên con đường sáng tạo của mình; nhưng chính sự cô đơn đó là đốm lửa soi đường cho Không Gian Lê Bá Ðảng.

Yên Cơ, 1-1-1997

Nguồn: thuvien.maivo.com

Mời các bạn bấm vào đường link để

ĐỌC THÊM
Trang web của Hs Lê Bá Đảng
READ MORE - HỌA SĨ LÊ BÁ ĐẢNG