Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, April 21, 2010

GS-TS HỒ NGỌC ĐẠI

Giáo sư Tiến sĩ Hồ Ngọc Đại


- Ông sinh ngày 3-4-1936 tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
- Hồi trẻ ông học nghề sư phạm tại Nam Ninh, Trung Quốc.
- Năm 1968, ông sang Nga học ngành Tâm lý học và năm 1976 hoàn thành luận văn Tiến sĩ về Những vấn đề tâm lý trong giảng dạy Toán học hiện đại cho học sinh cấp 1.
- Năm 1978, ông thành lập và là giám đốc Trung tâm Công nghệ Giáo dục (CGĐ) để tiến hành thực nghiệm công nghệ giáo dục, công nghệ phát triển con người (cả về lý thuyết lẫn thực tiễn).
- Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Ngọc Đại là một nhà khoa học giáo dục, một nhà tổ chức thực tiễn hoạt động giáo dục, một nhà giáo tràn đầy nhiệt huyết, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, trước hết là giáo dục tuổi thơ và một nền công nghệ hóa giáo dục; một người "chịu thua tất cả chỉ để được công nghệ giáo dục". Tấm lòng của người thầy và trí tuệ của nhà khoa học được thể hiện trong từng bài viết. (NXB Lao Động).


Quan điểm sáng tác

- Những bài viết của Hồ Ngọc Đại cho ta thấy cả chiều sâu và bề rộng của trí tuệ và tâm hồn một người cầm bút.
- Chiều sâu: Cả đời Hồ Ngọc Đại nhất quán một nỗi băn khoăn Giáo Dục. Cần có một nền Giáo dục mới. Một nền Giáo dục buộc phải mới tận nguyên lý của nó. Một nền Giáo dục tất yếu phải trở thành sự Cứu Nguy cho dân tộc, nơi trẻ em là những Anh hùng Thời đại. Và một nền Giáo Dục không bị thần bí hóa bằng lời hô hào "sáng tạo" suông. Mà là một nền Giáo dục công ghệ hóa, có thể triển khai theo cái mẫu được các nhà khoa học tạo ra bằng thực nghiệm, như một Hồ Ngọc Đại cùng các cộng sự đã làm ra, kể từ năm học 1978-1979.
- Bề rộng: Bạn đọc sẽ thấy cả một gam rộng lớn những điều Hồ Ngọc Đại quan tâm. Không phải sự quan tâm tiện đâu nói đấy, cái gì cũng can dự. Mà đây là một con mắt sắc sảo dõi theo những băn khoăn của người đời để rồi chủ động dùng trí tuệ và tấm lòng của mình cùng giọng văn dễ đọc mà tìm cách thuyết phục sao cho mọi người cùng sáng lòng và đều có thể sống hạnh phúc. Vì thế mà, chẳng hạn như trước nỗi buồn Liên Xô tan rã, Hồ Ngọc Đại có bài viết về vấn đề đó. Rồi anh cũng có những kiến giải về "Tự do", về "Dân chủ", về "Hôn nhân", về "Gia đình", về... nhiều mặt chộn rộn chuyện đương thời.


Các sách chuyên đề đã xuất bản
- Những vấn đề tâm lý học trong việc giảng dạy Toán học hiện đại ở các lớp cấp I (Luận án tiến sĩ tâm lý học, tiếng Nga, Matxcơva, 1976)
- Bài học là gì? (1985)
- Giải pháp giáo dục, NXB Giáo dục, 1991
- Đổi mới giáo dục, Trung tâm Công nghệ Giáo dục, 1995
- Tâm lý học dạy học, NXB Đại học Quốc gia, 2000
- Hồ Ngọc Đại Bài báo, NXB Lao Động, 2000
- Cái và cách, NXB Đại học sư phạm, 2003
- Chuyện ấy, NXB Lao Động, 2009

Nguồn: chungta.com


Nhân loại hạnh phúc vì có nhà văn
An ninh thế giới cuối tháng
Thứ bảy, 04/07/2009



"Về bản chất nhà văn thời nào cũng thế thôi. Thời nào cũng thế, lúc nào cũng thế, chế độ nào cũng thế, bản chất của họ là cao cả. Không có nhà văn của tầng lớp này, tầng lớp khác đâu. Đã là nhà văn thì đó là hình tượng đẹp của nhân loại. Nhà văn là một thành tựu, một kết tinh, một biểu tượng của nhân loại", Giáo sư Hồ Ngọc Đại chia sẻ.
- Thưa giáo sư Hồ Ngọc Đại, nhân cách con người và nhân cách của một nhà văn có gì khác biệt?
- Về bản chất thì không khác nhau. Nhà văn là một con người trên khía cạnh nào đó họ rất nhạy cảm. Nhà văn là con người nhạy cảm nhất trong những người nhạy cảm. Họ nhạy cảm tức là những cái biểu cảm nhận được về bản chất là có thực nhưng mà theo cách nhìn nhận của họ thì có thể chỗ này phóng lên, chỗ kia thu lại nhưng rồi cuối cùng tất cả những sự thật ấy đều qua nhà văn và trở thành tác phẩm, chứ nó không từ hiện thực thực tế mà nó đến tác phẩm.


- Sự nhạy cảm của nhà văn là cảm nhận được những cái không bình thường. Từ những cái mà theo con mắt nhà văn không bình thường thì sẽ thành tác phẩm. Độc đáo của nhà văn là ở chỗ đó. Tức là về bản chất nhà văn rất thành thật. Bản chất của nhà văn dù có như thế nào đi chăng nữa, nếu là nhà văn thì là lương thiện.

-Văn là người. Đọc văn sẽ nhận ra người, tác phẩm biểu hiện nhân cách lớn? Xã hội đang đặt ra vấn đề nhân cách của nhà văn hiện nay?
- Nhà văn phải có tác phẩm. Nhà văn mà không có tác phẩm thì không là gì cả, không thành nhà văn được. Tác phẩm là gì, là những gì tinh túy nhất của nhà văn. Nhà văn là một con người thuần túy, thuần túy nhất về tinh thần, quan tâm nhất tới những vấn đề thuộc về tinh thần. Ví dụ như đạo đức là tinh thần, tất cả những đau khổ, vui sướng của con người đều là tinh thần, và tuyệt đối trung thành với tinh thần ấy.

- Bản chất của nhà văn là vậy. Cũng như cái anh nói dối biết rất rõ sự thật và lời nói là thống nhất nên anh ta mới nói dối. Cũng như cái anh đạo đức giả là anh ta biết rõ nhất về đạo đức. Nhà văn cũng biết đích thực điều mà anh ta hướng tới, sự cao đẹp mà anh ta thể hiện.

- Vậy bản chất nhân cách của nhà văn là gì?
- Đã là nhà văn là cao cả. Có thể có những nhà văn hèn hạ, viết ra những tác phẩm yếu kém. Những kẻ như vậy không thể đáng gọi là nhà văn. Đó là buôn chữ thôi. Tôi xin nhấn mạnh lại đã là nhà văn là cao cả. Những kẻ làm hàng giả mượn chữ để mua chữ và bán chữ để đổi chác, những kẻ đó không phải là nhà văn. Nhưng những kẻ đó là ngoại lệ, là ít ỏi, cá biệt và không đáng gọi là nhà văn.

- Nhưng không thể đánh lừa được đôi mắt tinh tế và nhạy cảm của độc giả?
- Trong cuộc đời tôi thấy rằng, anh có thể đánh lừa được một người, một trăm người, một triệu người nhưng anh không thể đánh lừa được cuộc đời.

- Vậy nhân cách của nhà văn chính là trung thành với sự thật?
- Trung thành với cuộc sống thực ấy. Cuộc sống thực này nó như thế nào thì anh phải trung thành với nó. Tức là anh trung thực với cuộc sống thực ấy, chứ không phải trung thành với một ai cụ thể cả. Bất cứ một ai thì cũng phải lấy cuộc sống thực ấy làm căn cứ.
Nếu anh trung thành với một người nào đó mà không phải cuộc sống thực thì có khi anh sẽ gián tiếp xuyên tạc sự thực. Cho nên nhà văn phải vượt qua tất cả mọi quản ngại để anh đến với cuộc sống thực. Cuộc sống thực ấy là cuộc sống của toàn dân, của cả một thời đại, một dân tộc, một lớp người.

Cuộc sống bao giờ cũng thật, nếu không thật không tồn tại được. Muốn giả thì cũng phải có cái thật trước đã mới giả được. Nhân cách của nhà văn đầu tiên và cuối cùng phải gắn với cuộc sống thực.

- Tài năng và nhân cách có mâu thuẫn nhau không? Hay nó là hai phạm trù có thể tách bạch?
- Cũng không đáng kể, cũng có thể tách bạch ra được, tương đối được. Có những người họ không biết một chữ nào cả, nhưng nhân cách rất đáng kính trọng; họ không nói được một câu nên lời nào cả, nhưng cuộc sống của họ rất tốt đẹp, cao quý.

Và ngược lại có những người biết rất nhiều chữ nhưng nhân cách lại rất đáng khinh. Tôi nhắc lại đó là những người giả, đội lốt, vì bản chất của nhà văn là cao cả. Tất nhiên muốn có tác phẩm lớn là phải có tài năng, nhưng có một tài năng chưa chắc đã có một nhân cách lớn.

- Nhân cách nhà văn xưa và nay có gì khác nhau không?
- Về bản chất nhà văn thời nào cũng thế thôi. Thời nào cũng thế, lúc nào cũng thế, chế độ nào cũng thế, bản chất của họ là cao cả. Không có nhà văn của tầng lớp này, tầng lớp khác đâu. Đã là nhà văn thì đó là hình tượng đẹp của nhân loại. Nhà văn là một thành tựu, một kết tinh, một biểu tượng của nhân loại.

Còn những cái hèn hạ thì không chấp, ở đâu cũng có, ngành nào cũng có, lĩnh vực nào cũng có. Riêng về nhà văn thì phải giữ được cái thiêng liêng của nhà văn, đó là niềm hạnh phúc của nhân loại, nhân loại hạnh phúc vì có nhà văn.

- Xin cảm ơn giáo sư!
READ MORE - GS-TS HỒ NGỌC ĐẠI

Wednesday, April 14, 2010

VÕ THỊ NHƯ MAI- Chùm thơ về gia đình của VÕ VĂN HOA



CHÙM THƠ
VỀ TÌNH CẢM GIA ĐÌNH
CỦA VÕ VĂN HOA

Võ Thị Như Mai,
Tây Úc


Một buổi sáng đẹp trời đi lạc vào vườn thơ của Võ Văn Hoa, tha thẩn một hồi đến quên cả lối ra, rồi tự bảo, nhẩn nha thêm tí nữa, thêm tí nữa, cho đến khi chạng vạng, mới giật mình quay về với thực tại. Khu vườn mênh mông đó đưa tôi qua nhiều tầng cảm xúc khác nhau, dẫn tôi đến những địa danh khác nhau trên cả nước và gặp được rất nhiều người, từ những em bé mới chào đời, đến các cô thôn nữ miệng cười chúm chím, các O, các mệ, các ôn, các chú, các nhà nho, nhà giáo, thầy thuốc và những người làm các ngành nghề khác nhau trên mọi miền tổ quốc. Tôi tìm lại mình qua những vùng đất ngày xưa tôi đã dừng chân ở một miền quê hương Quảng Trị nắng, gió, mưa, bão, lụt lội. Tôi thấy tôi đi qua làng An Thơ, nơi có con sông Ô Lâu, tôi thường đi theo chị đi đò từ sông Mỹ Chánh về ở lại chơi đến chiều lại lên. Tôi thấy tôi dạo chơi qua các đình làng, xem các bé con đánh bi dưới cây ngô đồng. Tôi thấy tôi qua Bến Đá, Cam Lộ, Khe Sanh, Diên Sanh, Hải Thành không theo một trật tự không gian hay thời gian nào cả. Ký ức bềnh bồng, mênh mông khiến tôi trở nên mộng mị, và có một khao khát mãnh liệt muốn trở về lại trên mảnh đất ấy, để hoà mình vào thiên nhiên, nói chuyện với những người dân bình dị, sống ở đó một thời gian chứ không phải chỉ dạo qua như một người khách du lịch. Tôi chưa từng biết ai viết nhiều, viết hay, cặn kẽ và bao quát về nhiều địa danh be bé trên mảnh đất Quảng Trị này như thế, có chăng là khi bạn tập hợp lại các bài viết của các tác giả khác nhau, may ra bạn có một cái nhìn tổng thể.
Đã có quá nhiều người viết về thơ của Võ Văn Hoa, có quá nhiều người họa thơ anh, ca ngợi vẻ đẹp trong thơ anh và phân tích thế giới thơ bao la của anh. Đặc biệt, thạc sĩ Bùi Như Hải đã có hai bài viết rất cặn kẽ, thấu đáo và ngùn ngụt cảm xúc về rất nhiều phương diện trong thơ Võ Văn Hoa qua hai bài “Ở Một Chân Trời Yêu Thương” và “Thế Giới Thơ Võ Văn Hoa”. Mọi người viết về anh với một lòng ngưỡng mộ và kính trọng sâu sắc, một Tri Âm Các bề thế, một nhà thơ giàu lòng nhân ái, một nhà quản lý giáo dục được mọi người xung quanh ngấm ngầm yêu thương, qúy mến và nể trọng. Với tôi, thơ Võ Văn Hoa có thể được ví như một cô gái nhu mì, hiền lành và duyên dáng. Cái đẹp trong cô không làm các chàng trai phải lòng ngay cái nhìn đầu tiên, nhưng một khi đã tiếp xúc, khó ai có thể quên cô được, bởi vì cô không những dễ thương, trẻ trung, đằm thắm mà còn rất sắc sảo, thông minh và hài hước.
Với thời gian hạn hẹp và với cảm nhận của một độc giả yêu thơ, hôm nay tôi xin giới thiệu với mọi người một phần thế giới thơ dịu dàng, sâu lắng dành cho gia đình của Võ Văn Hoa. Cùng cảm nhận với tôi nhé. Tôi cố ý không phân tích từng đoạn vì tôi có quan niệm rằng đôi khi “phân tích là hũy hoại tính thống nhất”

1.
Vào một ngày hội Làng, nhà thơ nghĩ đến người mẹ dấu yêu của mình. Tác giả mượn Làng Văn để nói về mẹ. Mẹ cũng như các dì, các cô gái làng Văn nói chung, rất đẹp và nền nã. Đó là những cô gái đứng đắn, thùy mị, khiến bao chàng trai ngẩn ngơ, trong đó đặc biệt có một người, yêu đến “cháy lòng”. Qủa là một cái nhìn thật mỹ miều.
CON GÁI LÀNG VĂN
Mẹ ngày xưa chắc đẹp lắm
Con gái làng Văn đi lấy chồng
Có kẻ phong trần ngơ ngẩn tiếc
Từ đây vắng bóng một bông hồng.

Con lại về thăm quê ngoại ta
Hội làng vừa mới được mở ra
Các dì – con thấy đều xinh cả
Tuổi trẻ tình yêu đẹp mọi nhà

Con gái làng Văn bạn biết không ?
Đoan trang tính cách, má môi hồng …
Ruộng lúa, biền ngô … xanh tiếng hát
Ấm lòng bè bạn những chiều đông !

Hội làng khép lại… hẹn mùa trăng
Giã bạn bây giờ biết nói năng…
Con lại soi mình về thuở …bố
Cháy lòng bên mẹ cội làng Văn

2.
Người bố trong anh là một người thầy mẫu mực, đáng kính từ từng cử chỉ, từng lời khuyên răn. Nhờ bố, các con đã nên người, đã sống thực xứng đáng. Nhờ bố, con học được bài học làm người, giữ nếp đạo lý gia phong, giữ cái tâm trong sạch.
Bố – người thầy đầu tiên của con
Truyền dạy cho con những Minh tâm Bửu giám …
Lên chút nữa , qua truông dài rú rậm
Bố dắt con mỗi sớm đến trường
Thời gian khó, nhà đong từng bữa gạo
Nếp gia phong từ mũi chỉ đường kim
Bố răn dạy học văn, học lễ
Để mai sau con mãi kiếm tìm
Con đã lớn : Lập ngôn, lập chí
Bố vui sao những đứa con mình
Củng cố đời con, đời bố hy sinh
Con thấy bố – người “trồng người” hạnh phúc
Giờ sang tuổi tám mươi tai lãng, mắt mờ
Tâm vẫn sáng, nếp nhà xưa vẫn giữ
Ngày đi xa, con càng thêm hiểu bố
Bố mãi là người thầy trong trái tim con

3.
Một người rất quan trọng làm nên một Võ Văn Hoa toàn diện, đó là người bạn đời của anh, người luôn thấp thoáng trong rất nhiều câu thơ rải rác khắp nơi của Võ Văn Hoa, tôi tìm thấy bóng dáng chị trong bài thơ anh post gần đây:
ĐÊM NÓI GÌ CÙNG TA
Tiễn em về phố xóm
Ánh đèn mãi lung linh
Để rồi đêm huyễn hoặc
Chất sâu nặng ân tình
Tố Nga con đã ngủ
Vương ông mãi thức hoài
Chú Thạch Sùng di trú
Chắt lưỡi hoài không thôi
....................
4.
Nhắc đến Võ Văn Hoa thì mọi người không thể không nhắc đến người em trai cũng không kém phần tài hoa của anh, thạc sĩ, giảng viên CĐSP Quảng Trị, nhà thơ Võ Văn Luyến, người cho rằng “Tôi gieo chữ trên cánh đồng hạn hán, con chữ khô cong thành dấu hỏi quay về”. Hai anh em cùng nhau ngồi đàm đạo, khề khà về những ngày tháng cũ, cùng nói chuyện thơ văn, tất cả được khắc hoạ rất chi tiết qua bài “Lai Rai Cùng Chú Em Võ Văn Luyến”
LAI RAI CÙNG CHÚ EM VÕ VĂN LUYẾN
Ly này
Nhớ về tuổi thơ
Anh em ta trong mái ấm gia đình
Nghèo khó thương yêu!
*
Ly này
Nhớ ngày đến trường
Mẹ thổi cơm sớm
Cha đưa các con qua truông Cu Hoan hằng năm trời
Mong con học cái chữ làm người!
*
Ly này
Nhớ con sông chảy qua làng Thi Ông
Những chiều hè anh em tập bơi, tập lặn
Sông đi vào thi ca!
*
Ly này
Nhớ những năm chiến tranh
Đỗ Đại học, em xếp bút nghiên
Đất nước bình yên
Trở về giảng đường yêu mến
*
Ly này
Tạ ơn tổ tiên, ông bà, mẹ cha…
Đã hun đúc, sinh thành chúng ta
Phù hộ độ trì cháu con thành đạt!
*
Ly này
Mừng thế hệ sau bước tiếp
Kế thừa truyền thống cha ông
Thắp ước mơ hồng…
*
Và ly này
Ngưỡng vọng bà con bạn bè
Động viên và chia sẻ
Con đường xanh tiếng ve…

5.
Với con gái Võ Hoàng Phương, Võ Hoàng Yến, và cậu con trai giống ba như giọt nước, nhà thơ thể hiện tình yêu thương qua những trang thơ thật cảm động.
THƠ TẶNG CON GÁI VÕ HOÀNG YẾN
Ra trường về Gio Linh
Con làm bên “Chia sẻ”
Có bao điều mới mẻ
Tiếng Anh bao ngọt ngào!
*
Quê nhà những ước ao
Lại về nơi cố quận
Thế giới trong “Tầm nhìn…”
Niềm tin vào thông tấn
*
Rồi đến một ngày kia
Mùa xanh cây trĩu quả
Đường hoa thơm cỏ lạ
Sóng vui vỗ quanh đời!
*
THƠ TẶNG CON GÁI VÕ HOÀNG PHƯƠNG
Học hành lập nghiệp xong
Thiên chức người phụ nữ
Ngày con đi lấy chồng
Thơm hương mùi hoa sữa
*
Kê tính đã một năm
Ba mừng sắp lên ngoại
Quê chồng không xa ngái
Nên được gặp con luôn
*
Ba tâm tình việc lớn
Nhỏ nhẻ mẹ bảo ban
Trong đời thường bận rộn
Yêu thương con dâng tràn !
*
GỬI CON TRAI
Ba theo dõi bản tin thời tiết
Hà Nội mấy hôm đã trở mùa
Con trai ba chưa quen cái rét
Ở tầng 3 nhớ tránh gió lùa !
*
Đi học phải quàng khăn kín cổ
Năm đầu tiên rồi sẽ thích nghi
Mọi thách thức chỉ là trước mắt
Tự vượt lên mình nuôi chí nam nhi
*
Hà Nội ngoài trái tim cả nước
Trong ba còn một trái tim…

6.
Niềm vui cuộc sống gia đình chỉnh chu của nhà thơ còn được bồi đắp bằng tiếng cười trẻ thơ của cháu ngoại trong hai bài thơ “Yêu Thương Dành Cho Cháu Win” và “Cháu Tôi”
YÊU THƯƠNG DÀNH CHO CHÁU WIN
Hoãn chuyến tham quan Hà Nội*
Đưa con “vượt cạn” khuya này
Chuẩn bị lên làm ông ngoại
Bên ngoài mưa gió bay bay…
14h 35 cháu khóc!
Nội ngoại vang tiếng cười
Mai ngày cháu khôn lớn
Yêu thương dành cho đời!
*
CHÁU TÔI
*Cho Nhật Minh ngoại tôn
Ngoại đi công tác Hải Hoà
Cháu về quê nội, ngoại nhoà lệ thương!
Thấm thoắt đã mấy tháng trường
Ấm êm tay mẹ, ngọt đường bà ru
Canh chầy từ …gió mùa thu
Ngủ ngoan cháu nhé, chim gù ngoài kia
Ngoại đi rồi ngoại sẽ về
Tối nay vắng cháu bốn bề lắng yên
Nhớ cháu tiếng khóc ngoan hiền
Căn phòng lửa ấm xanh miền dấu yêu
Giờ còn khoảng trống bao nhiêu
Rộng thênh nỗi nhớ…
bao điều …cháu con!
Đêm nay ngoại ngủ không tròn…
*
Võ Văn Hoa đi đứng ra thơ, thở ra thơ, nói ra thơ và gủi gắm tình cảm của mình qua thơ. Bất cứ phút giây nào, đi đâu, gặp ai, nghe gì, đọc gì, cảm gì và nghĩ gì anh cũng trải dài trên trang giấy thành những vần thơ sóng sánh, bình dị, trong trẻo và êm dịu. Gửi đến anh những lời chúc tốt lành nhất của một người yêu thơ anh nhân kỷ niệm sinh nhật nhà thơ 15/4/2010.
VTNM
14/4/2010


READ MORE - VÕ THỊ NHƯ MAI- Chùm thơ về gia đình của VÕ VĂN HOA

Saturday, April 10, 2010

LINH ĐÀN - GẶP TRƯƠNG QUÂN

Ảnh nghệ thuật của Thái Phiên



GẶP TRƯƠNG QUÂN


Bút ký của Linh Đàn


Năm ngoái tôi không nhớ ngày tháng nào, dường như cuối mùa mưa, vào một buổi chiều Lê Ngọc Phái gọi tôi xuống nhà chơi, người bạn lâu năm của tôi ngồi ngoài ghế đá, thấy tôi đến Phái vào lấy bình nước trà ra rót. Chúng tôi nói chuyện một hồi rồi Phái đưa cho tôi bài thơ đã vi tính sẵn, nói thơ của Trương Quân mời họa; Phái lật đật đi chở cháu còn tôi ngồi một mình đọc thơ, bài thơ có cái đề duy nhất một chữ “SỐNG”, tôi sực nhớ! Thôi chết rồi! Bài thơ này Trà Kim Long đưa mình cả tháng nay, hôm ở Chân Quê thi hội, nhét vào túi áo rồi quên lững đâu mất, tôi tự thấy mình có lỗi với Trà Kim Long nhưng may thay hôm nay Phái lại đưa tiếp. Tôi ngồi đọc đi đọc lại một hồi, bài thơ có cái gì đó mà làm tôi quá dễ thuộc, lát sau Phái chở cháu về rồi ngồi nói chuyện tiếp: Sao! bài thơ này anh thấy có dễ họa không? Tôi chưa kịp trả lời, Phái nói thêm: Chắc bài họa khó có thể theo kịp bài xướng, tôi thấy Phái nói đúng ý tôi, hay dở thì chưa dám nói đến, nhưng trong bài thơ này có cái “hào khí” riêng của tác giả, nên bài họa cũng là điều thử thách. Câu chuyện đang dở dang thì Phái lại có điện thoại, rồi tiếp theo mấy người khách tới chơi thành ra nói chuyện khác. Trong bữa cơm tối hôm ấy Phái rót cho mấy ly rượu khá ngon nốc sạch nên lúc về thấy lừng khừng, nhưng cũng đạp xe về, đường lúc này hết giờ cao điểm không kẹt xe nữa, thong thả cho mình vừa đạp xe vừa họa thơ, về đến nhà lấy giấy viết ghi vội thế là được sáu câu, còn hai câu kết mai sẽ hoàn thành…rồi đi ngủ. Thế mà mai lại viết được câu bảy mất câu tám, rồi cứ thế, không những một hôm mà đến hôm sau mới tạm ổn. Phái lại gọi đem bài họa của Linh Đàn đến để gửi cho Trương Quân, chờ anh sáng mai đến tám giờ, tôi không nhớ gọi điện thoại cho Phái ghi hay đem bài hoạ xuống nhà, miễn đưa cho Phái rồi thế là xong. Đến gần tết Phái gọi tôi xuống nhà Phái nhận tập thơ của Trương Quân gởi tặng, tôi lật ra trong đó có bài họa của tôi thế là đem về bỏ vào hộc tủ.


Cuối tháng 9 năm nay, trời Sài Gòn mưa hoài, lụt bão miền Trung đưa tin tới tấp, bà xã hoảng quá về quê thăm ngoại, ở nhà buồn thật, đường sá lầy lội nên cũng nhác đi chơi cờ tướng, chẳng có chi vui, vào kéo hộc tủ lựa quyển thơ nào mỏng đem ra đọc, còn đọc quyển dày sợ ngán.


Thế là tập thơ “SỐNG” của nhiều tác giả họa thơ Trương Quân đến nay mới được giở ra, đầu tiên đọc lời tựa thấy Trà Kim Long viết xưng với Trương Quân là anh, mình tự hỏi không biết tác giả có bà con gì mà xưng dễ dàng như thế, nhưng rồi thôi việc đó không quan trọng, chỉ cần đọc thơ. Linh Đàn bấy lâu nay đọc thì đọc phớt phớt thôi, nhưng hôm nay mới chịu đọc kỹ hơn một tý, tìm thơ người quen đọc trước rồi thơ người lạ đọc sau, hôm ấy đọc thơ chữ quốc ngữ mà đọc như chữ Hán, đọc sau đọc tới, chẵng mấy chốc gặp một cái tên thật hay: Mộng Thùy Trang, mà cái đề bài họa cũng khá linh động “Sống Đẹp” suy ngẫm mấy lần thấy hơi thơ quá lạ nên không biết Mộng Thùy Trang là phái nào, tuổi tác ra sao, cái tên nghe thật nữ sĩ mà dạn miệng đến mức, trước đây bắt gặp bài “Tháo rào” của Thuỷ Hương cũng đã không kém, thì tác giả bài họa này chắc là…(?). Do vậy tôi viết một bức thư gởi Mộng Thùy Trang ngay, đem đến cho chị Trần Lệ Khánh đọc trước rồi gởi sau, chị cũng thấy quá lạ lùng, nên điện thoại hỏi Kim Hoa, rồi trao điện thoại cho tôi nghe, Kim Hoa trả lời rất thoải mái: “Anh muốn biết đực hay cái anh đến gõ cửa là biết ngay thôi” Kim Hoa cười một cái thật dài rồi tắt máy. Trước khi gửi thư, Linh Đàn không quên photo một tờ để làm kỷ niệm và một tờ gửi cho cụ Trương Quân còn bản viết tay gửi cho Mộng Thùy Trang ở mãi An Khê xa thẳm.


Lâu quá thư gửi đi chẳng thấy hồi âm, sáng nay quyết định đi thăm cụ Trương Quân,xem cụ trả lời như thế nào. Trên đường đạp xe đi trong đầu đặt ra biết bao câu hỏi: Không biết cụ Trương Quân có vui tính không? nhất là người Huế nếu thuộc dòng vọng tộc đa phần khó thưa trình lắm, vì mình ở Huế lâu năm mà bồ nhiều lần dẫn vào các nhà quan lại ngày xưa: cách ngồi, cách nói, cách đi cái nào cũng có cái khuôn của nó, nhưng thôi cứ đi, gặp trường hợp nào cũng được; có ai làm chết chi mình đâu mà sợ, cứ hỏi đường Đặng Văn Ngữ mà đến, đi một khoảng ngó bên dãy số lẻ đã thấy số nhà 47B, dừng lại dẫn xe đạp vào dựng phía trong rồi bước lên thềm, thấy một cụ bà ngồi ở phòng khách, tôi cung kính chào mà chẳng thấy cụ trả lời chi hết, trong bụng mình nghĩ: Mình đoán đúng rồi nhà quan!, nhưng thôi cứ nán chờ, một lát sau thấy phía trong nhà có ông cụ đẩy xe ra (chiếc xe thay gậy) tôi cũng cung kính một lần nữa: Con là Linh Đàn xin được yết kiến cụ, ông cụ ngạc nhiên mà khuôn mặt thật vui nói: - Ồ, Linh Đàn đây à! Thôi mời ngồi xuống đây, cụ nói tiếp có chi đâu mà lễ phép dữ vậy. - Ngồi nói chuyện một lát người nhà mang ra một tách cà phê thật nóng chị vừa đặt xuống bàn thì có một người đàn ông mũi cao, cỡ tuổi bằng tuổi tôi bước vào, cụ mời ngồi vào ghế ngoài rồi giới thiệu ngay: Đây là nhà thơ Nhất Chi và giới thiệu tôi với người khách. Nhất Chi bắt tay tôi, lần đầu tiên tôi biết Nhất Chi, rồi cụ cũng giới thiệu tiếp, cụ chỉ vào cụ bà: Đây là nhà tôi, yếu lắm đi đứng không được và nói cũng không được nữa. Tôi một lần nữa cúi chào và tự hối trong lòng rồi tiếp tục đam đạo thơ, tôi vẫn giữ lễ, cụ bảo rằng: Linh Đàn đến đây là quý lắm rồi, cụ bắt xưng anh em cho gần gũi, có lớn hơn nhau bao nhiêu tuổi đâu mà phải xưng cụ cụ con con cho nó mất cái ấm cúng của tình thơ. Tôi mới vỡ lẽ Trà Kim Long xưng anh là như thế. Thôi bây giờ là anh em rồi, chẳng ngờ anh Trương Quân tế nhị đến thế.


Ngồi thêm không quá nửa giờ, tôi uống xong ly cà phê, rồi hỏi về Mộng Thùy Trang nhưng anh cũng không biết gì về người nữ sĩ ấy, lát sau anh Trương Quân mời qua quán nước đối diện bên kia đường, Nhất Chi dẫn Trương Quân còn tôi dẫn xe đạp đi theo, qua đến đó đã thấy có mấy người ngồi chờ, tôi chỉ có biết Điền Đăng, rồi Hoàng Duyên cũng họp mặt, anh Trương Quân ngồi gần tôi nói chuyện hết sức thân mật, tất cả dự đoán trên đuờng đi đều được giải toả mà còn lại một cái tình thật ấm áp trong lòng, lát sau có Trà Kim Long và Kim Hoa cùng tới, bầu không khí trở nên vui vẻ lạ thường.


Người thơ dường như xoá bỏ cái ranh giới tuổi tác, hè năm 1959 tôi cũng bắt gặp tại nhà nữ sĩ Tương Phố ở Nha Trang một lần, hồi ấy các cụ các bà gọi bà Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan và bà Hồ Xuân Hương bằng chị, có một lần khác tại sàn thơ Lan Đình-Bà Rịa, Phong Hồ rót ba chén rượu để giữa khay: Mời anh Lý Bạch, anh Cao Bá Quát và anh Tản Đà về dự đêm thơ với chúng em, đêm đó chẳng ai gọi Phong Hồ là ngông quá chén.



Tại quán nước ấy sáng nay để lại một dấu ấn khó phai, rồi khi chào ra về dường như có sợi dây thân tình nào đó muốn níu lại.


Viết dưới đêm mưa 12/10/2006


Linh Đàn


Bài xướng

SỐNG

Lối xưa vời vợi bước thăng trầm

Vẫn nhích dần lên đỉnh một trăm

Hồn cảm hoa cười trong sắc dịu

Dòng say trăng dậy giữa hương thầm

Qua mùa bạc thếch sầu sương khói

Đến lúc xanh dờn mộng tháng năm

Cát bụi nên hình vui cuộc sống

Ngại chi cây thọ chẳng cao tầm.

1/10/2005

TRƯƠNG QUÂN


Bài họa

BÓNG CẢ

Sương gió dễ đâu nhạt khói trầm

Phúc phần ngoái lại đã kề trăm

Men đời vị đắng càng am hiểu

Tuổi ngọc tình xanh mãi nhớ thầm

Trong cuộc trần hoàn ngang vạn nẻo

Giữa dòng nhân thế dọc ngàn năm

Nào ai nhấc nổi hương và sắc

Chỉ có thanh cao vượt quá tầm


Linh Đàn



SỐNG ĐẸP

Bản nhạc bài thơ câu bổng trầm

Anh thì tài đức vẹn bằng trăm

Giữ màu vọng tưởng ôm thương trộm

Tự nhủ ấp yêu khéo sớt thầm

Bởi trót si tình trai tám chín

Em đành chuốc nợ khoảng mười năm

Duyên tằm vấn vít chờ cây tổ

Phú Nhuận An Khê xa khuất tầm

Mộng Thùy Trang



LINH ĐÀN

READ MORE - LINH ĐÀN - GẶP TRƯƠNG QUÂN

Thursday, April 1, 2010

VÕ THỊ NHƯ MAI



Võ Thị Như Mai,
Master of Education

Sinh ngày: 18/3/1976

Nguyên quán: Mỹ Chánh - Hải Chánh - Hải Lăng - Quảng Trị

Nghề nghiệp: Giáo viên

Nơi cư trú: Tây Úc

Email: mai.vo@det.wa.edu.au




MỘT NGÀY TRỜI TRỞ LẠNH

Ở xứ người có loài kan- ga- roo

Cứ mỗi sáng chúng nhảy lui nhảy tới

Thảo nguyên trải dài vời vợi

Mơ quê hương ở cuối chân trời

.

Một chiếc lá cong khô chao rơi

Đã bắt đầu yêu nơi dừng chân này anh ạ

Chỉ sợ cuối thu gom mưa về nhiều quá

Mỗi giọt rơi là một nỗi nhớ người

.

Hôm qua trời trở lạnh không hay

Đi làm vội quên mang theo áo ấm

Ghé can- teen nhâm nhi tách trà nóng

Nghe tình ca thấy nhẹ hẫng cả lòng

.

Anh có thể dõi theo em mãi không

Sẽ còn những mùa thu sau nữa

Rất nhiều người ra đi, không ai nhớ

Ngày trở về, tóc đã trắng như bông

.

Ở nơi này giữa thảo nguyên mênh mông

Có bầy kan- ga- roo cứ nhảy lui nhảy tới





CHUYỆN NHỮNG CÂY CẦU



Chiều ơi

Sao mà nắng vàng như thế

Ngày mai ơi

Sao mà mây trôi thênh thang

Và tôi ơi

Những cây cầu bắt ngang

Chần chừ làm chi

mà không sang bên ấy?

.

Những câu chuyện vui tôi dành cho em đấy

Hoa hồng dịu dàng tôi giấu vào tim

.

Những giấc mơ đêm

Ôi những giấc mơ đêm

Sẽ chỉ cần vài giây

Mình nắm tay nhau băng qua phố vắng

.

Xá chi những lời trách mắng

Xá chi những lời điêu ngoa

Tôi bận viết nốt bản tình ca

Để mình nhìn nhau mà hát

.

Em như những nốt nhạc

Tung tăng trên cánh đồng

Đôi mắt nhìn mông lung

Tôi lặng người mà ngắm

.

Mình yêu nhau

ôi mình yêu nhau say đắm

Gần như là cuộc sống

Gần như là giấc mơ

.

Nhưng

tôi phải trở về

trong những chiều bơ vơ

Để lặng yên nhớ em

Để mỗi đêm nghe trái tim biết khóc

Để ngày qua ngày bạc thêm màu tóc

Để em là người cuối cùng

Trong quãng vắng đời hoang




BÀI THƠ VỀ HẠNH PHÚC

Tất cả điều em muốn

Tất cả điều em mong

Là ánh mắt anh trong

Nhìn về em trìu mến.


Khi nụ cười anh đến

Yêu thương em lại về

Trăm ngàn con sóng quê

Vỗ về lên bờ cát.


Lắng nghe chiều gió hát

Biển vẫn ôm lấy bờ

Anh đừng nghĩ vẫn vơ

Yêu anh không thể dứt.


Biển yêu bờ là thật

Em yêu anh thì sao

Giữa ngàn sóng lao đao

Tình yêu thành cổ tích.


Con chúng mình tinh nghịch

Nụ cười vang khắp nhà.

Anh mà có đi xa

Chỉ một hôm là nhớ




KHOẢNG CÁCH MỸ HỌC

Có thể gầy như que diêm
Anh lỡ ném xuống bàn sau khi châm thuốc
Có thể chỉ tiếng chân em quen thuộc
Khi anh trầm ngâm giải một phương trình


Khoảng cách giữa chúng mình
Là một chút ưu tư, là một chút bất bình
Khi anh lỡ quên
Tặng em chiếc hôn trước một ngày ra đi vội vã


Cái khoảng cách không là khiếm nhã
Khi anh ngồi tư lự bên sông
Viết tặng em bài thơ, với tình cảm rất nồng
Em nghĩ về những ngày xưa khi không có anh ở đó


Cái khoảng cách đôi khi rất nhỏ
Nhưng đủ để em vẫn là em
Dịu dàng như cái lần mình gặp nhau trước ngõ
Đủ để anh vẫn là anh
Ngại ngùng khi được nắm tay em lần đầu


Rồi con chúng mình cũng sẽ lớn mau
Cu Tí, cái Tèo
Chúng nó sẽ xinh như em
Và cùng nhau đọc mấy bài thơ của bố


Cái khoảng cách mỹ học
Có thể đôi lần làm em khổ
Nhưng sẽ giữ cho ta
Vẫn mãi yêu nhau như buổi hẹn ban đầu




Mời đọc tiếp thơ và sáng tác khác của Như Mai trên:


READ MORE - VÕ THỊ NHƯ MAI