Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, February 9, 2010

NGUYỄN HỮU LIÊM


















Ls Nguyễn Hữu Liêm (Ảnh trích từ voanews.vietnamese.com)


















Baltasar Gracian



Trí tuệ Gracian: Từ trong chính bạn, hãy chinh phục khuyết điểm của dân tộc mình.

Trong một chiều ngày cuối năm, ngồi trong văn phòng một mình ở trường Đại học Thành phố San Jose, California tôi nhìn ra bãi cỏ xanh và cảm nhận được một nỗi bình an giữa mùa đông đơn giản. Vươn tay lấy cuốn “The Art of Worldly Wisdom” của Baltasar Gracian nằm trên kệ sách trước mặt, tôi gác hai chân lên bàn. Dở nhanh các trang, tôi đọc lại những đoạn văn mà tôi đã gạch dưới. Lạ thật! Những điều này tôi đã đọc nhiều lần, trích dẫn rồi, mà vẫn còn như mới. Tiếng chuông báo thức cần phải reo lên nhiều hồi.

Gracian viết, “Từ trong chính bạn, hãy cố gắng chinh phục được những khuyết điểm của dân tộc mình. Giòng nước, dù có trong sạch bao nhiêu, cũng phải bị ảnh hưởng bởi đất sỏi mà nó đã chảy qua. Cũng như thế, con người nhuốm màu sắc văn hóa dân tộc mà mình đã sinh ra và lớn lên. Kẻ thì ít, người thì nhiều, tất cả đều là sản phẩm của văn hóa cộng đồng. Không có một dân tộc nào mà không mang một số khuyết điểm văn hóa. Do đó, hãy ý thức được những bản chất tiêu cực văn hóa của mình để mà loại trừ nó ngay trong chính bản thân. Hay ít nhất thì cũng che đậy chúng. Mỗi cá nhân là một tập hợp của nhiều khuyết điểm, từ di truyền, gia đình, cộng đồng đến thời đại. Nếu không nhận thức ra những khuyết điểm này, và nếu không cẩn thận để trau dồi bản thân và kiềm chế chúng, con người sẽ trở thành những dị vật xấu xa.”

Baltasar Gracian là một tu sĩ giòng Jesuit ở Tây Ban Nha vào thế kỷ thứ 17. Những tư tưởng của ông đã ảnh hưởng đến những vĩ nhân lịch sử, từ Schopenhauer đến Churchill, Nietzsche và Gide. Riêng trường hợp Churchill, người hùng của Anh quốc trong thế chiến thứ Hai, đã từng mang trong túi cuốn sách nhỏ của Gracian, “The Art of Worldly Wisdom.” Những gì mà trí tuệ của Gracian phát xuất từ mệnh lệnh triết học cổ đại từ Phật Thích Ca, Khổng Tử và Socrates. Đó là “Know Thyself” – hãy biết đến chính mình; hãy minh tâm kiến tánh. Và một trong những cái biết quan trọng nhất là hãy biết mình đang không biết gì và đang có những khuyết điểm nào.

Trong tinh thần đó, những trí tuệ về nghệ thuật sống ở đời là sự khai mở những nguyên lý triết học để áp dụng vào thực tế cuộc đời. Cái quý của Gracian là những lời cố vấn, khuyên nhủ cho con người, ở khắp nơi, và mọi thời, phải sống theo cái đạo làm người mà tiền nhân dù đã khai lối, nhưng vẫn còn mơ hồ cho con người và thời đại hôm nay.

Chúng ta hãy đọc tiếp Gracian từ cuốn sách trên. Ông nhấn mạnh rằng, đối với mỗi cá nhân, sau khi đã ý thức đến những khuyết điểm của chính mình, thì bước cần thiết kế tiếp là phải tu sửa những khuyết khuyết đó. Không có ai là con người tốt đẹp hay thành công nếu không mang nỗ lực liên tục không ngừng nghỉ để trau dồi và hoàn chỉnh nhân cách và nghệ thuật sống.

Gracian viết, “Thiên nhiên và nghệ thuật, vật liệu và tài nghệ. Không có cái đẹp nào mà không được xây đắp, không có sự ưu việt nào mà không bị rơi vào man rợ, nếu không được cứu vớt bởi nghệ thuật. Nghệ thuật tế độ cái xấu và toàn hảo cái tốt. Trạng thể siêu hạng của thiên nhiên thường bỏ rơi chúng ta; vì thế, hãy nương trú vào nghệ thuật. Cái đẹp nhất của thiên nhiên vẫn là sống sượng nếu không có nghệ thuật, và cá nhân giỏi nhất cũng mất đi một nửa nếu hắn không có văn hóa. Khi cá nhân, dù nhiều tài nghệ đến đâu, mà không được vun bồi từ giáo hóa, hắn chỉ còn là một kẻ hề vốn cẩn phải được trau chuốt.”

Một trong một nghệ thuật để thăng tiến văn hóa cho bản thân, theo Gracian, là học hỏi trong tinh thần Khổng Mạnh, “Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư.” Hãy nhìn ra và hiểu được những bài học trong bất cứ trường hợp nào, khi giao du với bất cứ ai.

“Hãy sống với những người mà mình có thể học hỏi; hãy để sự quen biết trở nên một trường đời cho kiến thức, và mối giao thiệp cho văn hóa. Hãy biến bạn hữu thành những người thầy để biến niềm vui thân thiện thành lạc thú học hành. Hạnh phúc của những kẻ hiểu biết là hỗ tương, được tưởng thưởng khi phát ngôn tương đồng với những gì được nhận, và những gì họ nghe bằng với cái học được. Vì lợi ích cá nhân mà họ tìm nhau, nhưng trong trường hợp này, nó được vinh quang lên. Khi muốn là một con người hiểu biết thì bạn sẽ tìm đến những căn nhà nơi có những cá nhân thanh lịch và chính trực, chứ không phải là vì lòng tự hào hãnh tiến.”

Theo Gracian, mỗi cá nhân, ngoài những khuyết điểm mà dân tộc và giòng họ mình truyền cho, ngược lại họ cũng mang những ưu điểm tự nhiên. Vì vậy, phát huy sở trường, chinh phục sở đoản là mệnh lệnh tiến hóa.

“Hãy biết đến cái gia tài lớn của riêng mình là gì, tài năng của ta nằm ở đâu, để mà vun bồi chúng. Bất cứ ai cũng có một số tài năng mà mình chưa tận dụng. Hãy khám phá chúng để mà khai thác đến tột đỉnh. Kẻ thì khôn ngoan trong phán đoán, kẻ thì can đảm trong ý chí. Bởi vì phần đông con người vi phạm sở trường của mình để mà vươn lên trong sở đoản. Cái gì mà khát vọng được thoả mãn quá sớm thì nó sẽ trở nên quá trễ đến khi nhận ra khuyết điểm của mình.”

Mỗi người đều là một mức độ của giới hạn, từ tiến hóa tâm thức, đến thời đại lịch sử, hoàn cảnh gia đình, khả năng bẩm sinh. Vì thế từ cột mốc hữu hạn mà mình đang sống, Gracian khuyên,

“Hãy suy nghĩ chính chắn đến cái gì là quan trọng nhất cho đời mình. Kẻ ngu thường bị mất hướng vì thiếu suy nghĩ, chỉ thấy mơ hồ một ít cái lợi, một ít cái hại, để mà cố gắng, nỗ lực cho cả hai chiều. Một số thì cố gắng toàn bộ cho những chuyện không đâu, mà lại không có nỗ lực nào cho những chuyện tối cần. Khi có chuyện đáng suy nghĩ chính chắn thì là lúc họ bị sai lầm nhiều nhất. Phần lớn họ mất đầu vì họ không có cái đầu. Kẻ thông minh bao giờ cũng suy tưởng chính chắn về mọi chuyện và phải biết phân biệt cái gì là hay, là quan yếu. Họ sẽ đào sâu hơn cho triển vọng cuộc đời khi biết rằng mỏ quí bao giờ cũng nằm sâu dưới lòng đất, nhiều hơn là họ biết đến. Làm như thế, kẻ khôn ngoan là người biến triển vọng thành thực tại.”

Và biết đến cái đức hạnh của tính kiên nhẫn. Cây cổ thụ mọc lâu hơn là chùm rau cải, nhưng nó sẽ to lớn, vững chắc và trường thọ hơn.

“Kẻ nào biết chờ đợi là kẻ mà trái tim có khả năng kiên nhẫn. Hãy đừng hấp tấp, nóng nảy. Hãy làm chủ chính mình để mà làm chủ tha nhân. Thời gian là khoảng đường mà bạn phải trải qua để đi đến mục đích. Sự chờ đợi trong cẩn trọng sẽ đem đến thời điểm thành đạt và chín mùi cho những gì đang chờ. Cây gậy què của thời gian có khả năng hoàn tất nhiều chuyện hơn là cây búa sắt của Hercules. Tạo hóa không chuyển hóa bằng roi vọt mà bằng thời gian. Chân lý là như vầy: Thời gian và Ta sẽ chống chọi được với tất cả. Thời vận sẽ choàng vòng hoa tươi đẹp nhất cho kẻ biết kiên nhẫn, đợi chờ.”

Ai trong chúng ta cũng có những chuyện hằng ngày làm cho không vui, bực bội. Trong cộng đồng cũng thế. Nhưng, cái khó là, “Hãy đừng quan trọng hóa những chuyện vốn nhỏ nhặt. Có kẻ thường có tật dựng chuyện lớn từ việc nhỏ, luôn làm ra vẻ to tát, bí ẩn với cái vặt vãnh tầm thường. Biến những chuyện vô nghĩa thành mối quan tâm là không nghiêm chỉnh quan tâm vào chuyện gì cả. Đó là một thói quen chất vào tim những điều mà ngay cả đôi vai mình cũng không thèm gánh. Nhiều chuyện ở thế gian này có vẻ như là nghiêm trọng, nhưng thực ra, nếu bạn biết bỏ qua thì chúng sẽ trở thành hư không. Hãy làm ngơ từ khởi đầu, đừng chờ đến khi ta dính vào quá sâu thì đã trễ. Có những toa thuốc vô ích chỉ tổ tác bệnh cho mình thay vì chữa lành một cơn đau vốn chưa hề có thật.”

Nuôi cao vọng cho đời, bởi vì, theo Gracian, người không mang lý tưởng cao đẹp và to lớn sẽ không bao giờ nâng chính mình lên với tầm cao của ước nguyện.

“Cao vọng là bước tiên khởi cho kẻ anh hùng. Nó thôi thúc mình tiến bước, thăng hoa khả năng thẩm mỹ và phán đoán, khơi sáng nhịp tim, quang minh tri thức, cao thượng hóa tinh thần, và nhân phẩm hóa cá tánh. Cao vọng sẽ soi tỏ từng bước đi, và dù khi mà số phận làm cho bạn ngã xuống, nó sẽ vực bạn dậy để trở lại chiến trường lần nữa, củng cố ý chí, để biến mình, trong mọi nghịch cảnh, trở nên là người tha thứ, rộng lượng, và can đảm.”

Nhưng cao vọng không đồng nghĩa với tham vọng mù quáng. Cao vọng phải đồng nghĩa, xứng đáng và tương đồng với giá trị tinh thần trong lý tưởng làm người. Khi cá nhân mang nhiều tham vọng mà không được điều hóa bởi tinh thần cao thượng và trong sạch, hắn sẽ trở nên kẻ ngu xuẩn. Cao vọng là tinh thần thăng tiến; tham vọng là mâu thuẫn nội tại.
Còn một yếu tố nữa. Đó là thời vận. Sông có khúc, người có lúc.

Đừng quên rằng, “Hãy biết cái mức độ hên xui của mình để mà sử dụng nó – hay là biết rút lui khỏi bàn tay thời vận khi không còn hên. Khi đang ở trước tuổi 40, bạn là thằng ngốc nếu không biết tham khảo đến Hippocrates (cha đẻ y khoa Tây phương); lại càng ngốc hơn, nếu ở 40 mà bạn vẫn không biết học từ trí tuệ của Seneca (triết gia La Mã). Muốn lèo lái được vận may, ta phải thật khéo tay, khi thì cần kiên nhẫn, khi thì phải đốc thúc hành động. Vận may có thời khắc và mức độ của nó, dù khó mà biết, nhưng điều chắc chắn là sự bất thường. Khi thời vận đã đến, hãy tác hành, vì vận may yêu mến kẻ dám liều, cũng như can đảm thì yêu tuổi thanh xuân. Kẻ nào biết thời đã đến mà không ra tay thì nên hãy về nghỉ hưu, vì ở đó, vận rủi sẽ chồng chất lên số kiếp của mình.”

Hãy nhận chân ra giá trị trong tất cả sự việc, tốt hay xấu. Như Chúa Jesus đã nhìn ra hàm răng trắng nõn trong một xác chết của con chó bên đường mà đệ tử của ngài muốn tránh. Gracian cũng vậy, “Kẻ khôn ngoan biết đến giá trị của mọi thứ bởi vì hắn nhận ra cái đẹp trong mọi việc, và biết đến cái gì cần phải làm cho mọi việc có thể tốt đẹp hơn.”

Còn trong những lúc bất đồng ý với tha nhân, Gracian khuyên làm người có trí tuệ thì,
“Hãy đừng là một kẻ đối thủ rẻ tiền. Mọi cố gắng để được nổi bật hơn đối thủ sẽ làm cho bạn thấp đi, bới vì bản chất của cạnh tranh là tung bùn đen để làm dơ bẩn kẻ khác. Rất ít kẻ nào có khả năng tham dự một cách công bằng vào tương tranh, vì bản chất đối nghịch sẽ phơi bày nanh vuốt mà phép xã giao lịch thiệp đã từng che đậy… Trong nhiệt lượng của trận chiến, người ta sẽ khơi dậy những hận thù đã chôn vùì từ lâu, và đào lên những gì thối tha vốn đã quên lãng. Tranh đua thường khởi đi từ mạ lỵ và… sự xúc phạm không phải là mục tiêu của chiến thắng, nhưng mà kẻ vang lời xúc phạm cảm thấy hả dạ trong những lời mắng mỏ của họ… Nhưng, với những con người có thiện ý bao giờ họ cũng sẽ được bình an, và kẻ trọng danh dự là kẻ có thiện ý vậy.”
Và, tối hậu thì vẫn là niềm hạnh phúc. Cứu cánh của cuộc đời, theo Aristotle, là hạnh phúc và bình an. Hãy biết an vui cho từng thời khắc hiện hữu giữa thế gian này. Vì, theo Gracian,
“Ở thiên đàng thì chỉ có an vui. Ở điạ ngục thì chỉ có buồn đau. Trên quả địa cầu, vì là ở giữa, nên khi thì vui, khi thì buồn. Chúng ta chia sẻ cuộc sống trong cả hai cõi. Thời vận đôi khi lên, có khi xuống. Thế gian này là con số không, và chỉ có nó mà thôi thì trị giá hoàn toàn vô nghĩa; nhưng khi kết hợp với thiên đàng thì nó trở nên vô giá. Không màng tới số phận là chuyện đời thường, nhưng mà không ngạc nhiên vì thời vận thì đó mới là trí tuệ.”

Gracian tiếp, “Cuộc đời chúng ta càng sống có vẻ như càng trở nên phức tạp. Tuy nhiên, sự sống thì thực chất chỉ như là một vở hài kịch, càng về sau càng trở nên đơn giản. Và nhớ rằng, tất cả các vở hài kịch đều có một kết cuộc thật vui.”


Trong tinh thần của những ngày lễ cuối năm, tôi mong bạn đọc xa gần được một nỗi an vui giản dị.





VAÌ DÒNG VỀ TÁC GIẢ




Nguyễn Hữu Liêm sinh năm 1955 tại Quảng Trị. Đến Hoa Kỳ năm 1975. Hiện sống tại California.

Tác phẩm đã in: Dân Chủ Pháp Trị: Luật Pháp, Công Lý, Tự Do Và Trật Tự Xã Hội (1991), Tự Do và Đạo Lý: Hegel, Lão Tử và Triết Học Pháp Lý (1993), Thời Lý và Hiện Hữu (1996)




ĐỌC THÊM:
OBAMA! OBAMA!

5 comments:

ki con said...

viet hay lam nhung lam khong hay ti nao`. nen nho rang hoc fai? di doi voi hanh.

Anonymous said...

Hãy giả định rằng những trích dẫn trong bài viết của Nguyễn Hữu Liêm từ cuốn sách The Art of Worldly Wisdom của Baltasar Gracian là do chính Nguyễn Hữu Liêm dịch chính xác 100%, thì,
1) Nhiều câu viết của Baltasar Gracian có nội dung sai lạc và lạc hậu. Xin đơn cữ:
a- “Không có cái đẹp nào mà không được xây đắp, không có sự ưu việt nào mà không bị rơi vào man rợ, nếu không được cứu vớt bởi nghệ thuật.” Khái quát hóa vô căn cứ. Vả lại nói tới cái đẹp là phải nói tới chủ thể nhận thưc/cảm thụ. Với chủ thể này cái đẹp cần phải được xây đắp, nhưng với chủ thể khác thì không, chẳng hạn một ngọn cỏ héo bên hiên nhà một chiều nắng xế là cái đẹp vĩnh cửu đối với y, thì sao?!
b- “Trạng thể siêu hạng của thiên nhiên thường bỏ rơi chúng ta;” Trạng thể siêu hạng của thiên nhiên là cái gì? Thượng đế chăng? Những qui luật của thiên nhiên chăng? Thượng đế hay thiên nhiên bỏ rơi con người? Không thuận lý chút nào.
c- “Tạo hóa không chuyển hóa bằng roi vọt mà bằng thời gian.” Tay Baltasar Gracian này thật dở hơi! Có thằng điên nào đứng ngoài tạo hóa cầm roi quất vào tạo hóa để chuyển hóa tạo hóa? Tạo hóa tự chuyển hóa thì e rằng tạo hóa đã cần hơn cả roi vọt và thời gian!
d- “Mọi cố gắng để được nổi bật hơn đối thủ sẽ làm cho bạn thấp đi, bới vì bản chất của cạnh tranh là tung bùn đen để làm dơ bẩn kẻ khác.” Quá lỗi thời, không phù hợp với tinh thần của tự do cạnh tranh ngày nay! Và không đúng với tinh thần thượng võ: mọi đối thủ luôn phải cố gắng để nổi bật, nổi trội trong tất cả mọi cuộc giao chiến.
e- “Thế gian này là con số không, và chỉ có nó mà thôi thì trị giá hoàn toàn vô nghĩa; nhưng khi kết hợp với thiên đàng thì nó trở nên vô giá.” Đoản kiến và như mê tín dị đoan. Nếu nói rằng thế gian này tự nó đã quá đủ mọi giá trị và hiện hữu với hằng hà sa số … nên cần đéch gì tới thiên đàng và địa ngục, và ai dám lên tiếng phản đối nào?
f- “Cuộc đời chúng ta càng sống có vẻ như càng trở nên phức tạp. Tuy nhiên, sự sống thì thực chất chỉ như là một vở hài kịch, càng về sau càng trở nên đơn giản.” Quá chủ quan và quá tầm bậy! Nếu thay đổi vài từ như thế này thì ý kiến NHL như thế nào: “Cuộc đời chúng ta càng sống có vẻ như càng trở nên đơn giản. Tuy nhiên, sự sống thì thực chất chỉ như là một vở bi kịch, càng về sau càng trở nên rối rắm? Quí vị độc giả có phản đối gì không? Người miền Nam mình nói như thế này là “nói chuyện huề vốn hay là nói chuyện trớt huớc.” Thứ nữa, tác giả đã nhầm cuộc đời cho sự sống chăng? Vì “sự sống” là huyền diệu từ từng ngọn cây cọng cỏ chí đến con người và toàn cõi vũ trụ, không có liên hệ cái “đéo,” từ TDTNT thường dùng, gì đến bi kịch hay hài kịch, đơn giản và rối rắm theo nhận thức và áp đặt què quặt của con người ít nhất là như Baltasar Gracian và NHL ở đây!!!! Mặc dù nói ‘huyền diệu’ cũng rất chủ quan nhưng mà được số đông chấp thuận nên cũng còn đỡ hơn.
2) Baltasar Gracian chưa rành chuyện viết vì có nhiều câu còn mắc nhiều lỗi ngữ pháp khiến câu văn trở nên tối nghĩa thậm chí vô nghĩa. Xin đơn cữ:
a- “Cái gì mà khát vọng được thoả mãn quá sớm thì nó sẽ trở nên quá trễ đến khi nhận ra khuyết điểm của mình.” Cái gì là một cái, một vật không thể có khát vọng để mà thỏa mãn nên xin đừng nói đến khuyết điểm tới sớm và trễ làm chi cho mệt!
b- “Có những toa thuốc vô ích chỉ tổ tác bệnh cho mình thay vì chữa lành một cơn đau vốn chưa hề có thật.” Xin quí vị độc giả chỉ ra cái trớt huớt của nó! Đa ta. Thuốc “chữa lành một cơn đau vốn chưa hề có thật” là thuốc tiên chứ, giống như placebo trong những thí nghiệm đó!

Anonymous said...

Tôi tin chắc rằng quí vị độc giả có thể chỉ ra thêm nhiều điều sai lạc nữa trong bài viết này của Nguyễn Hữu Liêm kể cả những trích dẫn từ cuốn The Art of Worldly Wisdom của Baltasar Gracian mà NHL tôn thờ như Thánh Thư và dùng như “sách học làm… ngợm” như “kim chỉ…khâu dái heo, ý lộn, chỉ nam” của y! Nhân tiện tôi xin đưa ra thêm một ít câu văn ‘trớt huớt’ của NHL:
a- “Kẻ thì ít, người thì nhiều, tất cả đều là sản phẩm của văn hóa cộng đồng.” Ít hay nhiều là ít nhiều cái chất phẩm bên trong chứ không thể ít nhiều cùng là một sản phẩm.
b- “Theo Gracian, mỗi cá nhân, ngoài những khuyết điểm mà dân tộc và dòng họ mình truyền cho, ngược lại họ cũng mang những ưu điểm tự nhiên.” Ngoài cái này thì còn thêm cái gì khác chứ làm sao lại ngược lại được.
c- “Những gì mà trí tuệ của Gracian phát xuất từ mệnh lệnh triết học cổ đại từ Phật Thích Ca, Khổng Tử và Socrates.” Câu què.
d- “Cái quý của Gracian là những lời cố vấn, khuyên nhủ cho con người, ở khắp nơi, và mọi thời, phải sống theo cái đạo làm người mà tiền nhân dù đã khai lối, nhưng vẫn còn mơ hồ cho con người và thời đại hôm nay.” Cụm từ cuối chưởi cha phần trước của nó.
e- “Một trong một nghệ thuật để thăng tiến văn hóa cho bản thân, theo Gracian, là học hỏi trong tinh thần Khổng Mạnh, “Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư.”” Một trong một nghĩa là gì?
f- “Cao vọng là tinh thần thăng tiến; tham vọng là mâu thuẫn nội tại.” Cao vọng hay tham vọng hay thấp vọng gì đi nữa thì cũng đều là động vọng cả, còn chúng có là mâu thuẫn nội tai hay không thì cần phải xem xét kỹ càng trong từng trường hợp cụ thể. Có cao vọng như NHL thì đứt đuôi con thằn lằn là mâu thuẫn nội tại! Hay là tôi quá lời quá chăng?

tieng thoi gian said...

BALTHASAR GRACIAN'S : THE ART OF WORLDLY WISDOM

Công trình và tác phẩm của Balthasar Gracia, một tu sĩ về đạo Jesuit nguoi Tay ban Nha vào thế kỷ 17 trở thành phổ biến khắp Châu Âu vào lúc này. Toàn bộ tuyển tập gồm 300 tiểu luận với nhiều chủ đề với nội dung gồm những lời khuyên con ngừơi sống sao cho thích hợp với nhân quần xã hội, Có vài điều không còn thích hợp với thời đại hôm nay. Đọc tác phẩm của Balthasar phải cần suy tư nhiều.(
Tuy nhiên tôi thấy lối dịch của anh Liêm có vẻ "mot-a-mot" nhiều quá! chúng ta nên tập cách dịch thoát (không phải là phóng dịch) thì sẽ chinh phục được ĐỘC GIẢ (none: đọc giả).

ngoài ra có 1 điều quan trọng cho một bài dịch hay essay từ tác giả khác chúng ta phải đề xuất xứ (sources) nữa ?

sources:

Họ tên.(năm).Tên Bài. Tên Sách. Nơi xuất bản, Nhà xuất bản, trang...

Dinh hoa Lư

studio2020 said...

what's a great response! I read through a few lines of his book.. Way below Marcus Aurelius "Meditation". Thanks anonymous for your comments! Outstanding!