Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, February 24, 2009

Thơ cuả HƯƠNG


HƯƠNG

MỘT CHIỀU NGƯỢC GIÓ

Em ngược đường, ngược nắng để yêu anh
Ngược phố tan tầm, ngược chiều gió thổi
Ngược lòng mình tìm về nông nổi
Lãng du đi vô định cánh chim trời

Em ngược thời gian, em ngược không gian
Ngược đời thường bon chen tìm về mê đắm
Ngược trái tim tự bao giờ chai lặng
Em đánh thức nỗi buồn, em gợi khát khao xanh

Mang bao điều em muốn nói cùng anh
Chợt sững lại trước cây mùa trút lá
Trái đất sẽ thế nào khi mầu xanh không còn nữa
Và sẽ thế nào khi trong anh không em?

Em trở về im lặng của đêm
Chẳng còn nữa người đông và bụi đỏ
Phố bỗng buồn tênh, bờ vai hút gió
Riêng chiều này - em biết, một mình em...

Nguồn: http://vn.myblog.yahoo.com/huong14182/
READ MORE - Thơ cuả HƯƠNG

Monday, February 23, 2009

Thơ về SÔNG Ô LÂU



BẾN Ô LÂU

ĐỨC TIÊN



Ta về thăm bến Ô Lâu
Nghe câu tình sử nhuốm màu rêu phong
Một con đò một dòng sông
Trôi man mác giữa mênh mông xa vời
Trong xanh tấm lụa gương trời
Vẫn đây bên lở bên bồi ngàn năm
Thương em một kiếp tơ tằm
Bao nhiêu cay đắng nhọc nhằn em mang
Tình đời muôn lẽ trái ngang
Em rằng duyên phận lỡ làng thì thôi
Như con đò nhỏ xuôi trôi
Bến trong bến đục bạc vôi khô trầu
Ta về bên bến Ô Lâu
Câu thơ neo giữa nông sâu cõi lòng
Sông quê chẳng thể đổi dòng
Tình em năm tháng vẫn không nhạt màu
Bến Ô Lâu, bến Ô Lâu
Cho ta gỡ mối u sầu...lòng ta!
16-2-09




NẾU EM VỀ Ô LÂU

HỒNG THẤT CÔNG

Nếu em về Ô Lâu
Võng sông trỗi hè ru nhau tình bến đợi
Năm tháng bồng bềnh tay với
Đôi nhánh hẹn hò lúng liếng mi ngoan

Cổ tích xa rồi, trầm tích thời gian
Câu ước hẹn lớn như điều có thật
Bên này bên kia nỗi niềm chung chặt
Nỗi Huế thân thương Quảng Trị kiên cường.

Nếu em về Ô Lâu
câu hát thương nhau còn mãi đợi bên cầu
Không còn Ô Lâu tình sử
Nhịp cầu duyên sẽ in dấu em qua

Người sông quê rất đỗi chan hoà
Vỗ mặt sông bằng câu thơ tình mẹ
Hồn nhiên và lặng lẽ
Giữa muôn trùng cõi nhớ trong nhau

Nếu em về Ô Lâu
Chuyến đò chiều nối chênh vênh lời hát
Mãi trong anh tình quê màu sông nước

Mai em về Ô Lâu...

2/2009
Nguồn: Hồng Thất Công ‘s Blog
READ MORE - Thơ về SÔNG Ô LÂU

Thursday, February 12, 2009

LẾ BÁ LƯ





Thơ
Lê Bá Lư

LỜI HẸN ĐẦU NĂM



Cho anh lời hẹn đầu năm
Để anh lên núi xin xăm cầu tình
Trần gian những chuyện hư vinh
Sao bằng sóng mắt xiêu đình của em
Ước gì ngày hoá ra đêm
Lung linh trời đất ta tìm đến nhau
Trăng sao dẫn lối qua cầu
Dại khờ như thuở ban đầu mười lăm
Cho anh lời hẹn đầu năm
Để anh lên núi xin xăm cầu tình

Sài Gòn, tháng 01/2007



SÂN THƯỢNG NHÀ EM



Một không gian nho nhỏ
Giữa mênh mang biển trời
Em ngồi nghe sóng hát
Thả hồn lên chơi vơi

Một không gian tĩnh lặng
Giữa xôn xao cuộc đời
Em nghe tiếng gió cười
Mơn man trên làn tóc

Một không gian huyền hoặc
Ru em về tuổi thơ
Đưa em vào kỷ niệm
Bâng khuâng bài tình ca

Một không gian tuyệt vời
Em không còn bối rối
Đời vui như trẻ lại
Ngạt ngào ngàn hương hoa

Một không gian hiền hoà
Em không còn hối hả
Em không màng tất tả
Em ru hồn thiền na

Sài Gòn, 4h sáng 31-3-2007



TUY NHIÊN


Tuy xa mà cũng như gần
Tuy chiều, nắng vẫn thanh tân nõn nà
Tuy lòng không thể nói ra
Tuy nhiên hãy hiểu đó là lòng anh.


LBL


ĐỌC TIẾP:

TRANG THƠ LÊ BÁ LƯ
READ MORE - LẾ BÁ LƯ

Monday, February 9, 2009

Hoàng Hữu Quyết gặp Hoàng Phủ Ngọc Tường


Gặp gỡ: NHÀ VĂN HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG

SÁNG TÁC LÀ SỰ GIẢI TỎA

Hoàng Hữu Quyết

Một cây bút cổ thụ gần 30 năm, anh viết và sống nghiêm túc, nhiều lúc đến mức khắt khe với chính mình. Mỗi bài báo, bài thơ, bài ký thường đào sâu vấn đề thời sự nóng bỏng, dùng những từ ngữ đầy sức thuyết phục, để độc giả khi đọc các tác phẩm của anh luôn cảm nhận được sự mới lạ, sâu sắc. Sự sống của Hoàng Phủ Ngọc Tường sau cơn bạo bệnh là một may mắn cho làng văn, làng báo Việt Nam. Sau những ngày tháng điều trị và ổn định bệnh tình, những trang sách của anh không vì thế mà xếp lại. Mà chính đây là khoảng thời gian tích lũy của một chuỗi ngày dài “ham chơi”, một thời đã từng lên rừng xuống bể, vào Nam ra Bắc để ra đời “Miền gái đẹp”... Dường như anh không bao giờ dừng bước.

+
Có người nói “Ai đã đặt tên cho dòng sông” anh viết về Huế hay đến nỗi có lẽ chẳng còn ai viết về Huế hay hơn thế nữa, chỉ đứng sau Nguyễn Tuân, anh tự hào về điều đó?
- Không có gì làm mình khổ tâm bằng bắt mình tự so sánh với Nguyễn Tuân. Từ trước đến nay tôi vẫn coi ông là bậc tiền bối của mình. Nhưng như Nguyễn Tuân nói trong một buổi lễ trao giải của Hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Nội, đại ý: Họ nói vậy nhưng chúng ta hy vọng viết khác thôi, khác hoàn toàn, không giống gì hết. Điều đó là đúng và tôi cảm tưởng rằng không thể nào viết được những cái như “Vang bóng một thời” (tác phẩm của Nguyễn Tuân - NV). Và tôi cũng thấy mọi sự so sánh đều khập khiểng.
+
Để bút ký sống mãi và đi vào tiềm thức của độc giả cần đến yếu tố nào?
- Theo tôi, để ký sống mãi là rất khó. Trước hết, phải có văn, phải có vốn văn học. Văn phong là yếu tố cần nhất của văn chương nói chung, ký nói riêng. Nếu ý tưởng hay mà thể hiện trong bài viết không hay thì không thể đi vào lòng độc giả được. Ngoài ra, nó còn đòi hỏi nhiều yếu tố khác, ký là một cái gì có thật, không hư cấu, hoặc phải có cách viết mà độc giả đọc không cho đó là hư cấu. Điều tiếp theo là tính lạ. Dân gian có nói “khoai đất lạ, mạ đất quen”, thì yếu tố “đất lạ” phù hợp với một loại khoai là ký.
+
Trong nhiều tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường, có lẽ độc giả nhớ nhất tuyển tập “Miền gái đẹp”?
- Chưa hẳn. Tôi thường chọn chủ đề trong một tác phẩm. Nó không bao hàm cả cuốn sách. Còn “Miền gái đẹp” thì nói về mảnh đất có quá nhiều người con gái đẹp, không có gì là sâu kín ở đây. Tôi chỉ viết là yếu tố sắc đẹp...
+
Là một người được mệnh danh là “Người ham chơi”, yếu tố “ham chơi” giúp gì cho công việc của anh?
- Tôi cho rằng ham chơi cũng là một yếu tính của con người. Không chỉ làm, mà phải có chơi. Chơi cũng là văn hóa - “văn hóa chơi”. Ham chơi là hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật, triết lý nhân sinh... Đặc biệt những người viết thì rất cần điều đó. Chơi nhiều mới tích lũy thành vốn sống của mình. Không phải cứ cầm bút là viết được. Mà phải lấy kinh nghiệm sống của mình ra để nói chuyện với độc giả thì người ta mới muốn nghe.
+
Như vậy nhờ “ham chơi” mà anh có được những trang văn đặc sắc?
- Tôi không biết nó thể hiện nhiều không. Cái đó còn do độc giả đánh giá. Nhưng tôi thấy “ham chơi” cũng là một lối sống của nhà văn. Yếu tố ham chơi thể hiện được “chất hồn” trong văn chương. Nhà phê bình văn học nổi tiếng Kim Thánh Thán của Trung Hoa đời Thanh đã nói: “Nên coi tất cả không vì một mục đích nào cả. Hay là mục đích tự thân - tự nó là mục đích”.
+
Nhiều người nói văn của anh mang nặng yếu tố “Phù Du”?
- Phù du chỉ cái mỏng manh, không nắm bắt được, chóng qua... Hoa thì gọi là hoa Phù Dung, còn vật thì gọi là Phù Du. Mỗi buổi sáng thức giấc, người ta quét từng đống lá - Phù Dung, vun lại, bỏ lên xe chở đi. Loại Phù Dung sống trong nắng mưa. Có loài chỉ một ngày nở ra, rồi kết thúc... Mọi cái có thể là Phù Du. Vì vậy yếu tố Phù Du hay ám ảnh tôi. Chứ không phải là chủ đề.
+
Trong lời tựa của tập thơ “Người hái phù dung”, Nguyễn Trọng Tạo có đưa hình ảnh “Những con chim yến không làm tổ bằng nước bọt mà làm bằng chính máu mình; người ta gọi là yến huyết. Còn Văn Cao gọi là yến-thi-sĩ. Nó làm thơ để mà chết vì bài thơ nó làm ra”. Phải chăng Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đã làm thơ bằng máu của mình?” - anh nghĩ thế nào?
- Cái này khó nói. Văn chương đòi hỏi cái gì hơn cả máu. Kiến thức vươn đến chân trời khác lạ lắm. Cuộc sống ở đâu, văn chương đến đó. Gọi là văn học không biên giới. Có một thời người ta cho rằng văn chương là phải có mấy chức năng. Tôi cho là không phải. Chức năng của nó là tất cả cuộc sống.
+
Tính cách quyết định gì trong cách viết, thưa anh?
- Tôi cho rằng, tính cách của tác giả thể hiện ngay trong từng trang văn. Phong cách và tư tưởng tạo nên nét riêng. Theo tôi, tính cách tùy người. Tính cách nào cũng thể hiện được: sự khẳng khái, trung thực, chân thành... Tôi cho rằng, tính trung thực của Nhà văn là rất cần thiết. Trước khi là Nhà văn anh là một Con người. Như vậy, một Con người phải có nhân cách. Bởi thế, ngày xưa, người thầy không chỉ dạy chữ nghĩa, mà dạy Đạo làm sao sống cho xứng đáng. Đó gọi là dạy nhân cách. Bây giờ, nhân cách không được chăm chút lắm, là cái yếu của Giáo dục nói chung, một số Nhà văn trẻ nói riêng.
+
Quan điểm của ông về văn chương và báo chí?
- Văn chương là một cách biểu đạt của con người trước cuộc sống. Báo chí là tự bản tân của cuộc sống.
+
Trong gia đình mình có nhiều “Nhà” như vậy (Vợ Hoàng Phủ Ngọc Tường là Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, con gái - Nhà thơ Hoàng Dạ Thi), vậy có chuyện “đấu khẩu” nhiều “nhà” trong một nhà và nó có giúp gì nhiều trong văn chương?
- Sống trong cuộc sống bình thường chúng tôi ít nói chuyện về văn chương. Thường nói đến chuyện “tương cà mắm muối”. Nhưng, đôi lúc cả nhà cùng bàn luận một số vấn đề về văn chương để cùng tương trợ cho nhau. Thì hòa hợp chứ không có vấn đề gì xảy ra.
+
Với Nhà văn, “mỗi nhân vật là một đứa con tinh thần”, cũng là một người “mình yêu”, thương; nghĩa là nhân vật “có vấn đề”, thế thì có bao giờ vợ anh - Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ “ghen” với nhân vật trong... sách không? Nhất là, ở thể ký, tính chân thật rất cao?
- Về đời thực, với quá khứ vợ tôi được cái là không bao giờ “phát biểu” điều đó. Vì hiểu rằng, quá khứ mỗi người đều được tôn trọng. Nghĩa là không bao giờ ghen với những người đã qua. Nhưng vô cùng ghen với những người đang có, nếu... Vì cô cũng là người đàn bà nên cô cũng phải giữ “thể diện” là người vợ. Trong văn chương, thì vợ tôi không ghen bởi vốn dĩ bà cũng là người theo nghiệp văn chương. Bởi văn chương nó có thế giới riêng, và nhân vật phần nhiều là hư cấu. Nhưng viết ký là có thật, những cái gì thuộc về quá khứ thì cô không thể ghen bởi lúc đó tôi chưa quen cô ấy.
+
Nhiều anh em văn nghệ sĩ ở Huế cũng như các địa phương khác cho rằng, trong thời gian qua, Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ chăm sóc rất chu đáo, tận tình, anh hạnh phúc vì điều đó?
- Đúng. Một Nhà văn rất mong có một gia đình yên ổn, hạnh phúc. Nhất là đối với tôi. Yên một mặt mới lo được những mặt khác. Về gia đình Dạ thì Dạ lo được. Những lời khen đó xin dành cho Mỹ Dạ bởi gần 10 năm nay Dạ gánh vác công việc gia đình và chăm sóc tôi rất tường tận.
+
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã trình làng cuốn sách viết về Trịnh Công Sơn?
- Đúng vậy. Do nhà xuất bản trẻ phát hành. Tựa đề cuốn sách là: “Trịnh Công Sơn và cây đàn Lia của Hoàng Tử Bé”, dày gần 150 trang.
+
Điểm khác của cuốn sách này với một số cuốn sách khác?
- Những cuốn sách kia chuyên về tài liệu. Còn tôi viết đứng ngoài tài liệu. Viết về cái nhìn của Trịnh Công Sơn trước cuộc đời, mỹ thuật.
+
Lúc bạo bệnh, sự sống - chết “đấu tranh” như thế nào trong anh?
- Khi đó thì tôi không phân biệt được sống hay chết. Chỉ dửng dưng thôi. Cuộc sống sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi mình không đứng bên bờ vực của sự chết. Thế mới quý sự sống đến nhường nào.
+
Có một số thông tin cho rằng, anh chị có ý định bán nhà ở Huế vào TP HCM sinh sống, điều đó đúng không?
- Thông tin đó không đúng. Mà, tôi nghĩ nếu có cũng không nên đưa tin. Một Nhà văn bán nhà, thì không ít. Như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân... có cái gì bán cái đó. Đó là lẽ thường!. Còn đi khỏi Huế, tôi không có ý định đó. Tôi như một cái cây già cắm rễ ở đất này. Không thể bứng tôi đi nơi nào được. Đến một miền đất lạ tôi sẽ khó sáng tác. Từ trước đến nay tôi có nhiều dịp để đi khỏi Huế nhưng tôi nghĩ đi đến đó tâm hồn mình như một bản nhạc mà không viết ra lời.
+
Tôi rất ngưỡng mộ anh ở thể loại ký, anh là một trí thức uyên bác, nhạy cảm lãng mạn rất thi sĩ, đặc biệt ngôn ngữ hết sức kỳ lạ và đầy ma lực, vậy cá tính trong con người anh?
- Thời mình về Quảng Trị làm tạp chí “Cửa Việt” đất quê mình lạ lắm. Tiêu ở Cùa thơm có tiếng cả nước. Ớt ở Cam Lộ, Gio Linh cay chảy cả nước mắt. Mình cũng ngạc nhiên là có nhiều người ở Huế ra tận vùng ven thành Cổ để mua chanh, chanh ở đây chua và nhiều nước lắm. Còn ruốc đặt biệt thơm ngon ở Cửa Tùng, Cửa Việt. Có lẻ cái cay chua thơm ngọt cùng độ của cây trái đã tiềm ẩn trong mình. Mình đã sống bằng một khát vọng khám phá tận cùng những sâu thẳm của cuộc đời, đất nước. Và sáng tác, theo mình, chắc chắn nó cũng nằm trong thiên hướng đó.
+
Còn nỗi buồn?
- Nó vẫn là căn nhà nơi mà thi sĩ trú ngụ. Mình làm thơ khi cô dơn cùng cực. Nỗi buồn là một ám ảnh đôi khi như định mệnh. Nhưng bản chất sáng tác là gì, nếu không phải là một sự giải tỏa?
+
Dự định sắp tới của anh?
- Sắp tới tôi sẽ dồn tất cả những bút ký mình viết trong thời đau ốm, in thành tập sách để gửi tới độc giả như một món quà tôi vượt qua sự chết, vượt qua số phận. Vậy thôi!.
READ MORE - Hoàng Hữu Quyết gặp Hoàng Phủ Ngọc Tường

Tuesday, February 3, 2009

Ngụy Ngữ

Hồ Hàm Thuận, BảoLộc

NGỤY NGỮ

TRỞ LẠI BLAO* VỚI VŨ TRỌNG QUANG



Tôi kiếm ăn bằng nhiều nghề khác
Làm thơ để được nhẹ lòng mình
(…)

Rồi. Tôi đã nghe Vũ Trọng Quang tâm sự điều ấy khi không ngờ mãi tới giờ anh ta vẫn gắn bó với thơ và cũng biết luôn tại sao anh ta cứ đem lòng “tự cư” vào những vùng tối thẳm bên sau những khoảng màu sặc sỡ mà anh ta đang có mặt, nói cười. Mãi bận rộn với bao nhiêu thứ “âm thanh và cuồng nộ” của đời, chúng tôi tình cờ gặp lại nhau khi Quang đang là người quản lý một vũ trường vừa mới được chỉnh trang, mở cửa lại. Trong tiếng ồn ào bên những cốc bia, chuyện mà chúng tôi mang ra với nhau là chuyện về Blao, nơi chúng tôi đã gặp nhau. Dĩ nhiên là chuyện cũ. Blao, một thời xa hút.

Thuở đó, trong chiến tranh, Blao là nơi cơ hồ đã bị bom mìn quên bẵng mất.Cũng có tiếng đạn đại bác ì ầm xa vẳng, nhưng không có những đàn trực thăng đen trời, không có những chiếc phản lực phô thân kim khí nhào lộn gào rú, không có những chiếc tăng hạng nặng nghiền xích qua các ngã ba ngã tư, không có những trái mìn kinh hoàng, những trái đạn pháo hoảng loạn và những đoàn dân tản cư bồng bế gánh gồng lếch thếch. Miền núi trong trí nhớ chúng tôi, Blao quanh năm đầm mình giữa hơi lạnh man thiên và sương mù trùng trùng trắng xóa. Phố khuất khúc. Đó đây trong phố vẫn còn những gốc cây rừng già và những cụm hoa rừng hoang dã mọc tràn ra cả mặt đường, nhất là ở quanh hồ đầy nước nằm giữa hai vùng phố mới cũ. Và quanh phố là những đồn điền trà, café. Xa hơn, là những xóm làng xanh kín vườn cây ăn trái, những ao hồ hoang vắng, những suối thác ít người tới lui. Xa hơn nữa là rừng thông, rừng già, núi, đèo… Không bao lâu sau vụ Tết Mậu Thân, tôi đến Blao từ Huế, ngỡ ngàng đứng lại trước vàng rộ của hoa quỳ dại kéo ngợp cả lòng thung lũng chạy dài hằng mấy cây số, thích thú với những cơn mưa xối xả nửa chiều, những quán café đêm đêm đóng cửa rất muộn, những buổi sáng phố xá trắng đặc sương mù. Huế cũng có sương nhưng là một thứ sương khác, loãng nhẹ, như khói. Đâu chỉ vừa đủ làm khuất màu áo trắng và mờ bớt nhân ảnh trước mắt Hàn Mặc Tử thuở nào hoặc như tôi thấy : sương lấm với khói xăng đặc và khói của bao nhiêu thứ khác có thể cháy được để quánh lại suốt tháng trên phố xá điêu linh. Sương mù ở Blao trắng hơn, lạnh hơn, dễ gợi đến cảnh non bồng nước nhược hơn: vừa đó trước phố cả ngọn núi Đại Bình đến sừng sững, thoắt cái chỉ còn phần đỉnh núi nhô lên trên biển sương mây như một hòn đảo lạc đường và cùng lúc mặt hồ bên ngoài cửa kính quán ăn trông ra đã như một vùng vịnh khơi bát ngát. Với sương mù, về đêm, nhất là những đêm sau buổi chiều có mưa lớn, phố xá khuất khúc chật hẹp trở nên huyễn hoặc lạ lùng. Tôi đã đắm vào trong sương mù phố xá ấy, đã nhiều đêm thức trắng với những quán café đóng cửa muộn và những quán ăn bày hàng sớm của nó, và cũng đã thức trắng bao nhiêu đêm với vùng đèo mà không chiếc xe chạy đường dài nào dám đổ đèo khi sương mù chưa tan.

Rải rác ven đường đèo cũng như nơi này nơi kia trong núi thường có những hố vực kỳ dị, sâu thẳm, vách đá dựng cao. Đứng trên nhìn xuống chỉ thấy những ngọn cây mọc vươn lên từ đáy vực, ở những đáy vực ấy thỉnh thoảng người ta vẫn tìm được những bộ xương người cạnh sắt thép của những chiếc xe mục nát. Đó chỉ là những vực ven đèo, còn trong núi, chẳng ai sức đâu. Muốn dò xét độ sâu thường người ta chỉ ném xuống một khối đá rồi lắng nghe tiếng đá rơi, nhưng thường cũng ít khi nghe được, bởi khối đá rơi xuống chạm vào cây cối tức khắc vẳng lên miệng vực ngay hàng nghìn vạn tiếng thú tiếng trùng và rồi kế đó là sương mù đã được ủ chìm dưới bóng lá bùng vươn dậy như một vị thần quái dị ngủ quên vừa được lay tỉnh. Tôi đã ném những khối đá ấy và đã quên. Tôi đã đến và đã đi : Blao, Đà Lạt, Huế, Saigòn. Những thành phố những bến xe những sân bay những đổi thay của thời cuộc và bao nhiêu thứ chuyện đời. Chẳng cách Saigòn bao xa nhiều lần tôi đã ghé lại Blao, và có lần như kẻ mộng du, tôi hỏi một người bạn : Sương mù đâu? Người bạn đã già, phố đã khác, bao nhiêu người quen cũ đã không còn, và chúng tôi không phải ngồi bên những ly café khuya muộn mà là bên những xị rượu cay nồng. Anh ta nói về nạn phá rừng, về việc định cư dân từ xứ khác đến và tôi lại lơ mơ nhớ tới những điều khác, những khuôn mặt, những ai đó đã khuất mù. Lơ mơ nhớ, lại quên… Và cái anh chàng Vũ Trọng Quang bại trận (Anh bại trận nên đầu hàng số phận) đã không chỉ quanh quẩn với những khoảng sáng tối của Saigòn hậu chiến và bâng quơ ngồi lại sau giờ các cô Lọ Lem hết được hưởng phép màu, mà còn đến Hải Vân với lòng chùng xuống theo mây ngang đèo và “Trở lại Blao” thẩn thờ đứng nhớ :

Trong không gian mù đục
trắng một ngày cuối đông
em như ẩn như hiện
em như có như không

Đôi chân ai bước nhỏ
dài khoảng trời chia tay
hai mươi năm còn đó…

Những câu thơ bình dị của Vũ Trọng Quang đã như một khối đá bất chợt ném vào vực – Blao – trong – tôi. Khối đá ném xuống và sương mù mê khuất dưới những tần lá tối bốc dậy, cùng lúc tiếng thú, tiếng trùng và cả nhiều giọng cao thấp vui buồn của tiếng người.

Văn học nghệ thuật nói chung trước hết là vũ khí chống lại cái chết và khuôn mặt dễ thấy nhất của cái chết là sự lãng quên. Trong “nhiệm vụ” ấy đôi khi nó chỉ cần giữ vai trò làm tiếng gõ cửa là đủ. Tiếng gõ và cửa mở ra những chân trời, quên lãng bị xóa bạt đi, cái chết bị đẩy lùi và cuộc sống chợt trở nên đáng sống đáng yêu và đáng đầu thai trở lại làm người bao nhiêu kiếp nữa để còn phải vay mượn trả đền. Cám ơn Quang.

NGỤY NGỮ

* Bây giờ là Bảo Lộc, thủ phủ tỉnh Lâm Đồng

ĐỌC THÊM
CON THÚ TẬT NGUYỀN, truyện ngắn
GIỮA BAO LA, thơ
READ MORE - Ngụy Ngữ

Sunday, February 1, 2009

Thơ đồng hương Quảng trị

Sáng mùng một tết con trâu, một số bác đồng hương Quảng Trị, tuổi trên dưới 60, gặp nhau tại một quán cà phê và ngẩu hứng làm thơ. Xin chép lại để làm kỉ niệm.

PHAN LƯU
Vô đề

Thôi thế cuộc đời - cuộc bể dâu
Trăm năm như gió thoảng qua cầu
Thương mình dầu dãi bao mưa nắng
Sực tĩnh trông gương chớm bạc đầu.


ĐÀO HUYNH
Kim ngưu tự cảm

Kỉ sửu vòng đời sáu chục năm
Oe oe dạo ấy giờ hoa râm
Nhất niên chập chững bên tay mẹ
Lục thập cận kề tuổi cụ ông.

Gia đình hạnh phúc ơn Trời Phật
Con cháu rạng ngời phước tổ tông
Đạo đức đảo điên, tâm định tuệ
Thế thời thời thế, sắc sắc không.


TRƯƠNG CÔNG HẢI
Vô đề

Sáu mươi năm tuổi võ vàng
Cây đời chưa rụng, trái sầu hoang...

LÊ VĂN TIỂN
Tình quê

Tình Quê * Quảng Trị mãi phân vân
Ngày tháng trôi đi đã chín lần
Ngồi lại đợt này tình thắm thiết
Chẳng dừng ngang đó - kết vui thân.

Anh em có trí - nên vai vế
Chú bác tỏ lòng - vững bước chân
Kính trên nhường dưới vui hòa hợp
Nở hoa kết trái mãi xoay vần.

Tình quê: đặc san Tình Quê của hội đồng hương QT tại Đà Nẵng.
READ MORE - Thơ đồng hương Quảng trị