Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, October 27, 2008

CAO HẠNH


CAO HẠNH

Người đàn bà lội sương

Truyện ngắn




Đêm khuya. Gió bấc thổi u u. Phía chân trời đẫm một vầng trăng lạnh. ánh trăng cuối tuần như không vội xuống núi, còn nán lại để chứng kiến hình ảnh một người đàn bà trong đêm giá lạnh. Chị đi từ bờ tre, xăm xăm vượt lên ngọn đồi trứơc làng, luồn lủi trong màn sương, tiến thẳng về phía thị xã.

Chị đi đâu thế này? Ai mà biết được, chỉ mình chị biết thôi. Có điều gì đó đang thôi thúc, giục giã khiến chị không thể nào chậm trễ được. Chị đi như chạy. Mặc cho sương rơi, gió tạt, tay chân, mặt mày tê buốt, chị vẫn bươn bả về phía trước. Bóng chị bơi trong biển sương mờ đục giữa đêm lạnh mênh mang.

Bãi Lình là nơi chị cần tìm đến - Nơi đây cách bến xe và chợ huyện chưa đầy hai cây số - Là khu vực nằm giáp ranh giữa thị trấn và cách thị xã phụ cận.

Bãi Lình có một cái hồ lớn, nước đục ngầu. Trên bờ hồ có lác đác có vài chiếc ghế đá đặt dưới những gốc cây đại thụ tỏa bóng buồn thiu. Đây là công viên thiếu nhi đang làm dở. Cách đây hai năm, trước kỳ bầu cử Hội đồng nhân dân huyện, ông Chủ tịch cho tiến hành xây dựng công trình để lấy phiếu tín nhiệm. Vì phải thi công vội vàng, bùn đất ở lòng hồ chưa nạo vét hết đã xây kè, lát đá, trồng vườn hoa cây cảnh để kịp thời đưa vào sử dụng. Than ôi! Sau một trận mưa dài ngày, bờ hồ bị sụt lở kéo theo những ghế đá, cây cảnh đổ sụp xuống lòng hồ. Tất cả đi theo số phận của ông Chủ tịch - Cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân huyện nhiệm kỳ ấy ông ta chỉ được mỗi một phiếu, không thể đứng chân trong hội đồng. Từ ngày ông Chủ tịch mới lên thay đã cố gắng tu sửa, nhưng cũng chưa xoay xở đủ nguồn kinh phí, nên công trình bị bỏ dở. Thành ra cái công viên thiếu nhi bây giờ đã trở thành nơi cho bến xe bãi chợ vứt rác, đồng thời cho các cặp tình nhân hoan lạc và cuối cùng là chỗ tiện lợi nhất để vứt bỏ những "sản phẩm" của những cơn ái dục.

Đêm nay Bãi Lình chìm trong sương lạnh, khói sương mờ đục tụ thành những đám bùng nhùng rải đầy công viên. Chị đến đứng lặng trước gốc cây mù u. Mệt đến rã người tưởng như không còn sức để đứng vững được nữa, nhưng chị không thể tựa vào gốc cây mù u mà thở để lấy lại sức lực. Có điều gì đó cuốn hút tâm trí chị, buộc chị phải hành động ngay. Chị cúi xuống căng mắt dõi theo, nhìn xuyên vào lớp sương mù dày đặc.

ở đằng kia, dưới gốc si già có một cặp tình nhân đang quấn lấy nhau. Họ phô ra ngồn ngộn giữa đêm mờ đôi thân thể lõa lồ tràn đầy sinh lực. Tay chân động cựa, tiếng thở hào hển đầy nhục cảm và những tiếng rên ư ử trong cơn cuồng hứng… Khi cặp tình nhân đã ra về, chị vẫn ngồi thừ người ra ở đó để ngắm nhìn những dư ảnh, lắng nghe những dư âm đọng lại trong óc mình, và chị lục lại trong ký ức phút run rẩy đầu đời.

Năm mười bảy tuổi, chị học lớp 10, có một người bạn trai trong lớp để ý đến chị. Nhiều lần chị bắt gặp ánh mắt của anh chàng nhìn chị rất bén. Lúc ấy chị đỏ mặt, cúi xuống tủm tỉm cười, bàn tay cầm bút viết ngoạch ngoạc lên trang giấy, viết những gì đếch biết, chỉ để lắng nghe những niềm giao cảm đang rạo rực bên trong - Có lần đang ngồi học tổ, bàn tay cậu ấy bất giác chạm vào tay chị, chị vội rụt tay lại, nhưng đến lúc về nhà chị không sao ngủ được, cảm giác hơi ấm bàn tay người bạn trai còn thức hoài trên da thịt, làm chị thao thức. Nếu không có chiến tranh thì người bạn trai ấy sẽ trở thành người yêu của chị và có thể họ sẽ lên xe hoa để rồi sau đó sống hạnh phúc bên nhau suốt đời. Nhưng chiến tranh bùng nổ, chàng trai ấy đã tình nguyện lên đường cầm súng giết giặc. Mãi đến hai năm sau, chị mới nhận được thư của anh ấy. Bức thư anh viết từ ngày đầu mới nhập ngũ, nhưng qua hai mùa đông giá rét mới đến với tay chị. Bì thư xẩm màu, trang thư vàng ố đẫm màu khói đạn. Chị chưa kịp tận hưởng niềm vui thì nhận được tin anh đã hy sinh, chị đã khóc không còn nước mắt. Mặc dù chị biết anh chưa phải là người yêu, chưa phải là chồng chị nhưng chị cảm thấy mình đã mất mát một hạnh phúc quá lớn trong đời.

Cuộc chiến tranh tiếp tục kéo dài, càng ngày càng ác liệt hơn, đến lượt chị cũng phải tình nguyện vào thanh niên xung phong làm nhiệm vụ mở đường Trường Sơn. Chị đã sống những ngày với Trường Sơn xanh, với những ngọn suối biếc, với những cơn mưa rừng dầm dề. Đêm đêm nghe tiếng hổ gầm động núi, tiếng quạ kêu lạnh rừng, tiếng vắt búng lách tách trên vòm lá rơi lả tả xuống trần màn. Chúng chui cả vào chăn vào chiếu, vào cổ áo, ống quần, cứ nhè những chỗ hiểm hóc nhất trong người mà đốt.

Tiểu đội chị có sáu người. Thời gian đầu mới vào đơn vị, cô nào cô ấy trông óng ả, tươi nhuần, sau một thời gian ở rừng, bị vài trận sốt rét, mặt mày trở nên tái xám, mắt thâm quầng, xuân sắc con gái biến đi đâu mất. Cuộc sống chiến trường với hàng núi công việc phải làm: đào đất, san lấp hố bom, chặt cây kè đá, vác đá, khuân vỏ đạn lát đường gầm cho xe khỏi bị mắc lầy. Tay chân, mặt mày, đầu tóc người nào người nấy bê bết bùn đất vẫn không hề có tiếng kêu ca phàn nàn. Đoạn đường này làm xong, chuyển sang đoạn đường khác, hố bom này lấp xong, tiếp tục lấp hố bom khác. Tuổi xuân của các chị ở Trường Sơn được xếp bằng những chuổi ngày gian lao ác liệt, chẳng mấy khi được yên ổn, rảnh rỗi để chăm lo cho mình, còn nói chi đến chuyện yêu đương. Những cuộc trai gái gặp nhau thường xảy ra chóng vánh, chưa kịp hỏi tên, hỏi quê quán đã phải rời xa. Ai duyên may thì chớp được tín hiệu để sau này kiếm tìm nhau, còn ai rủi số thì chỉ đứng hững hờ. Chị là người phận mỏng, những lúc gặp nhau như thế, chị không buông nổi một câu níu kéo mà chỉ đứng lặng im bên vệ đường thoáng nhìn đoàn quân lướt qua trước mắt. Hơi ấm và mùi mồ hôi hầm hập tỏa ra từ những cơ thể tràn trề sinh lực của các chàng trai làm chị bổi hổi bồi hồi. Cái mùi mồ hôi ấy cứ ám ảnh chị mãi đến sau này. Mỗi lần nhớ đến họ, chị lại trách mình tại sao lúc ấy không bạo dạn lên một chút, chớp giật thời cơ, dạm lời, ngỏ ý để kết bạn xe duyên sau này.

Tất cả cũng vì những điều dị nghị sợ mất uy tín, danh dự của một người chỉ huy đơn vị luôn thường trực trong chị. Cái chức tiểu đội trưởng làm chị bỏ lỡ liên tục mấy cuộc tình.

Chị còn nhớ cũng vào một đêm mùa đông sương lạnh như đêm nay, có điều đêm ấy trăng đẹp lắm. ánh trăng mùa đông như soi sáng cả núi rừng. Những làn sương mỏng quấn trăng trôi nhẹ tênh trên sườn núi. Mặt suối trăng soi lung linh diệu vợi, mải miết xuôi về ào ạt đổ trăng xuống các vực ghềnh làm tung lên những bọt nước trắng xóa lấp lánh như những hạt trân châu. Lúc ấy chị từ dưới suối bước lên. Có lạnh một chút, nhưng chưa vội mặc áo quần, đứng khuất vào bờ đá chị ngắm nghía mình. Da thịt chị hòa lẫn cùng màu trăng óng ả. Chị đưa hai tay xoa xoa lên hai bắp đùi núng nính, kéo dần lên lườn bụng săn cón, khẽ mân mê hai bầu vú căng mẩy. Những khao khát trong chị bắt đầu cựa quậy. Chị nghe thấy tiếng máu chảy rần rần trong cơ thể mình. Một nỗi khát thèm làm chị bủn rủn cả tay chân… Có tiếng động làm chị giật mình, ngước nhìn lên bờ, thấy một người đàn ông ở trần trùng trục, phô bày hai tảng ngực đỏ au, tay chân săn quắn, đang cúi xuống nhìn chị. Chị hốt hoảng giật vội chiếc quần che, chưa kịp lên tiếng thì người đàn ông cất giọng thì thào:

- Nguyệt… đừng sợ… Tôi đây mà.

Thì ra là Tám - một chiến sĩ lái xe ở Trung đoàn 559, anh đã có vài lần ghé qua doanh trại chị. Chị quắc mắt nhìn lên:

- Đàn ông gì mà hèn thế, rình xem con gái tắm mà không biết dơ!...

- Ngắm nhìn người đẹp mà bảo là dơ sao?

- Im đi đừng tán tỉnh nữa.

- Không, tôi nói thật mà. Em đẹp lắm Nguyệt ạ, trông em như một pho tượng được đúc bằng trăng.

- Thôi anh đi đi cho tôi lên bờ.

- Không ai có quyền đuổi tôi cả. Tôi cần đứng đây để chiêm ngưỡng thiên nhiên.

- Đồ lì.

- Nguyệt cứ mắng nhiếc, sĩ nhục tôi đi. Nhưng Nguyệt phải thông cảm một thằng con trai tràn trề sinh lực như tôi đứng trước một người con gái dạt dào như Nguyệt làm sao tôi không khao khát?

- Vớ vẩn.

- Chẳng vớ vẩn đâu. Đó là chuyện thật lòng, là điều tất nhiên, chẳng xấu gì cả.

- Dục vọng đến thế mà cũng bảo mình tốt.

- Thì chính Nguyệt cũng vừa khao khát đó thôi.

Nguyệt nghe nói giật nẩy mình, mặt nóng phừng, giọng nói trở nên bối rối.

- Anh bảo sao? Tôi… tôi… Anh đừng có mà đặt điều.

- Không đặt điều tí nào cả. Lúc nãy đến giờ, tôi đứng trên bờ đã dõi theo tất cả những động tác của Nguyệt và anh rất thông cảm cho em.

Câu nói của Tám làm Nguyệt chết điếng, Nguyệt chưa biết trả lời thế nào thì thấy Tám dần dà bước xuống đứng trước mặt Nguyệt. Nguyệt lùi lại, đứng nép vào bờ đá mắt long lên như mắt mèo.

- Anh định giở trò gì?

- Không! Tôi không phải là loại đàn ông cuồng bạo, ức hiếp phụ nữ đâu.

- Anh mà lớ xớ tôi la lên ngay.

- Nguyệt bình tĩnh hãy để cho tôi nói đã. Nguyệt ạ, chúng ta là những chàng trai, cô gái mới lớn lên, chưa kịp yêu đương, chưa kịp xây dựng gia đình đã phải lên đường cầm súng đánh giặc. Cuộc sống ở chiến trường vô cùng ác liệt. Hôm nay chúng ta ở bên nhau, nhưng biết đâu ngày mai một trận bom thù dội xuống, thân xác chúng ta sẽ tan nát hết. Vậy thì chúng ta kìm giữ, nín nhịn để làm gì? Tại sao chúng ta không biết cho nhau để rồi dù có chết chúng ta cũng thỏa mãn bởi đã được nếm trải chút dịu ngọt của cuộc đời hở Nguyệt!

Tiếng Nguyệt đanh lại:

- Anh có biết ở chiến trường, những lời nói, hành động, cử chỉ làm lung lay đến tư tưởng đồng đội sẽ bị ghép tội gì không?

- Tôi biết. Nhưng ở đây tôi không hề có ý thức tuyên truyền bậy bạ mà tôi nói lên sự thực của cõi lòng.

- Nhưng giữa anh và tôi nào đã có một tình yêu?

- Tình yêu ư? Cứ mỗi lần gặp là mỗi lần thoáng qua, anh làm sao để bày tỏ cùng em được. Nhưng thực tình anh đã yêu em từ dạo ấy… Cái đêm mà em đứng đóng cọc rào quanh hố bom để cho xe anh qua, mái tóc em đầm đìa trong mưa dội. Anh đã mang theo hình ảnh ấy suốt dọc mọi nẻo đường. Tình yêu em như mạch nguồn âm ỉ để rồi tuôn chảy thành suối thành sông, và bây giờ ào ạt dâng tràn sóng lũ làm anh không thể nào ngăn giữ được em ơi…

Anh ru vào lòng Nguyệt bao cảm xúc, làm Nguyệt chạnh lòng. Nhìn thấy hai giọt trăng trên mắt Nguyệt lung linh, Tám biết lòng Nguyệt đang xao động. Anh qùy xuống thềm đá. Hai tay đưa về phía Nguyệt, ngực ưỡn ra, các bắp thịt cuồn cuộn được chiếu ngời ánh trăng. Vẫn lời nói trầm trầm tha thiết nghe như không phải từ mồm Tám phát ra mà từ ngọn núi cao ngất trên kia vọng xuống.

- Nguyệt ơi… Ngày mai anh vào trận, đêm nay anh chỉ ở bên em được một tiếng đồng hồ nữa thôi. Anh vào trận, anh không sợ chết, điều mà anh sợ là trước lúc hy sinh anh chưa nói được lời yêu với em. ừ ! Anh sẽ chiến đấu và hy sinh đến giọt máu cuối cùng. Ngày đó em đừng khóc, em chỉ gửi vào trong đất trời cho anh một lời yêu, để linh hồn anh được thanh thản Nguyệt ơi…

Nguyệt òa khóc. Tám bật dậy, như một cơn lốc ào đến ôm chầm lấy Nguyệt. Hai tay Nguyệt giữ chặt lấy chiếc quần che, đầu gục vào vai Tám. Hơi thở gấp gáp. Đôi môi lần tìm. Và bộ ngực nóng hổi của Tám đốt lửa lên hai bầu vú căng nhức của Nguyệt làm Nguyệt như tan ra. Chiếc quần trên tay buông lỏng, rũ xuống, rơi… Một nụ hôn gắn chặt vào môi và một cú xiết eo làm Nguyệt oằn mình, lả ra trên đôi tay của Tám. Tám bế xốc Nguyệt lên, Nguyệt cảm thấy bồng bềnh như bơi trong mây. Tám dùng chân hất vội tấm ni long, trải ra, đặt Nguyệt nằm xuống. Khi bộ ngực của anh ập xuống, đằn lên người Nguyệt, thì Nguyệt bừng tỉnh. Hực! Một cú đẩy tay rất mạnh của Nguyệt vào ngực Tám làm anh văng ra một bên. Nguyệt bật dậy, vơ vội chiếc quần, ù té chạy. Tám đứng châng lâng nhìn theo…

Chị không ngờ sau cái đêm hôm ấy, Tám vào chiến trường phía trong hai ngày sau chị nhận được tin anh đã anh dũng hy sinh trong một trận phá vây của địch. Chị vừa xót thương vừa cảm thấy mình có lỗi với anh. Chao ôi! Nếu như đêm ấy chị chiều anh, cho anh thì bây giờ lòng chị đâu đến nỗi xót xa đến thế này. Nhưng chị đã không làm thế được, vì cương vị, vì thanh danh buộc chị phải từ chối để giờ đây chị chỉ biết đứng giữa đất trời mà gào lên trong tiếng nấc: Anh Tám ơi!...



* * *

Cuộc chiến tranh tàn khốc kết thúc. Chị về làng. Chị sung sướng đến tột bậc khi nhìn thấy quê hương được giải phóng. Bầu không khí mới thôi thúc cuốn hút chị vào công việc. Ngày đêm chị cùng bà con hì hục san lấp hố bom, khai hoang phục hóa xây dựng nhà cửa, nương vườn trên mảnh đất khét lẹt mùi đạn bom…

Nhiệm kỳ Đại hội xã đoàn chị được tín nhiệm bầu làm bí thư. Với kinh nghiệm bao năm phụ trách tổ đội thanh niên xung phong, giờ đây giúp chị làm việc có uy tín lắm. Anh em thanh niên trong xã coi chị như người chị cả. Mọi ý kiến chị đưa ra người ta đều coi là mực thước, tất cả đều làm theo răm rắp. Họ rất kính trọng thương yêu chị, có điều trong các cuộc đi chơi chẳng mấy ai rủ chị. Những đêm trăng sáng nhìn những cặp tình nhân nắm tay nhau đi trên đường, chị thấy mình cô đơn trống trải, lạc lõng trong cuộc sống lớp trẻ. Những lúc ấy chị chỉ biết hướng về Trường Sơn mà khóc. Nhưng rồi khả năng tự kìm chế khiến chị chôn chặt tất cả những kỷ niệm trong lòng, để tiếp tục cuộc dấn thân vào cuộc sống hiện tại. ý chí phấn đấu đã đưa chị tiến nhanh trên con đường danh vọng. Hết làm bí thư Đoàn thanh niên, lên làm Phó Chủ tịch xã, được cử đi học cao cấp chính trị, ra trường về huyện công tác với cương vị là trưởng phòng tổ chức lao động thương binh xã hội. Thực ra lúc đầu chị không có ý thức phấn đấu để leo cao trên bậc thang danh vọng. Nhưng chức vụ dần dần cuốn hút chị và đã trở thành một thứ bùa mê làm cho chị quên mất mình là người đàn bà. Đã có những lúc chị chững lại để ngẫm ngợi tính toán cho việc riêng tư của mình. Chị mơ ước có được một tấm chồng và một đứa con. Hàng ngày đi làm về được sống hạnh phúc trong mái ấm gia đình. ước mơ giản dị đến thế mà đâu có được. Những người đàn ông cùng lứa với chị đa số đã có vợ, kẻ chưa lập gia đình thì thường bị chứng tật này nọ, chị làm sao yêu được. Còn lũ trai tơ, chúng chỉ nhìn xuống, mê đắm những "búp sen" “búp gạo" chứ đâu màng đến chốn héo tàn như chị. Chẳng lẽ chị lại đi ngoại tình. Một người tử tế như chị không thể đi cướp giật hạnh phúc của người khác.

Năm tháng qua đi, người đàn bà lỡ thì ôm trọn tuổi ngọc ngồi bên bến tình chờ đợi, nhưng chẳng có một cơ hội nào để xuống thuyền rời bến sang sông. Nhan sắc chị dần lụi tàn, chỉ có nỗi buồn đau ngày càng trỗi dậy. Nhất là đêm ấy, cái đêm mà vào thời khắc cuối cùng của người đàn bà đi qua tuổi năm mươi, chị hồi hộp chờ đợi những biến động trong cơ thể, chị không còn có được cảm giác đau tưng tức ở bụng và một dòng nóng ấm lặng lẽ chảy xuống nơi bắp đùi, chị sờ tay xuống… Tất cả đều ráo hoảnh.

Ngoài bờ ao lũ cá trắm đến mùa vật đẻ, tiếng quẫy đuôi ùm ùm trong cơn mưa. Trời đất cũng thỏa thuê một cuộc giao hòa, để cho những chồi non lộc biếc chi chít mọc lên trên mặt đất. Tất cả đang chuyển mình sinh sôi. Còn chị, thế là hết rồi… Một hơi thở dài đến não ruột. Chị òa khóc. Tiếng khóc rung lên trong lồng ngực với nỗi đau tuyệt vọng…

Ngày chị về hưu cuộc sống càng trở nên buồn tẻ. Nỗi khao khát làm mẹ cứ thôi thúc trong lòng. Bởi vậy, chị đã tìm đến đây, ở cái công viên nhỏ bé này.



* * *

Nó đâu rồi? Rõ ràng thấy nó chạy về hướng này cơ mà.

Đầu óc chị bây giờ chỉ có hình ảnh của thị. Thị là một ả đàn bà giàu có ở cùng xóm với chị. Cuộc sống ăn chơi trác táng đã khiến thị bao lần nạo thai. Trước đây thị cũng đã có chồng. Chồng thị làm nghề kế toán. Khi chồng mất việc thị làm đơn ra tòa ly dị ngay. Từ đó đến nay thị làm kẻ "cụt đọt", không muốn lấy chồng, chẳng thiết sinh con. Thị chỉ quan hệ bồ bịch để kéo dài thời gian ăn chơi xả láng của mình. Bồ thị toàn là những kẻ giàu có để cho bàn tay của thị nhoay nhoáy rút tiền, ngày một thêm điệu nghệ. Với bản tính "quân tử" trong các cuộc giao hoan, thị chẳng cần dùng đến các biện pháp tránh thai, nhỡ ra có bầu, thị sẽ nạo ngay.

Lần này vì phải giữ hợp đồng với lão Việt kiều nên thị phải nuôi dưỡng thai nhi, ai ngờ hợp đồng bị lão ta bãi bỏ. Thai nhi lớn quá không nạo được, thị đành đợi đến ngày sinh. Sinh xong tìm cách dụt.

Đêm đêm chị rình nấp ở hè nhà thị để theo dõi nắm hết mọi ý đồ. Tối qua, thị trở dạ, chị đã nằm dưới gốc chuối vườn nhà thị, mưa gió dầm dề, rét buốt đến tận xương, nhưng chị chẳng nản, cố chờ đợi tiếng khóc oa oa của đứa trẻ chào đời. Đến nửa đêm vẫn không nghe động tỉnh gì, chị bò vào sát nhà, rón rén đi dọc theo bức tường, dán mắt nhìn vào khe hở của các cửa sổ, nhưng cửa nhà đóng kín quá không nghe thấy gì. Thỉnh thoảng có vài tiếng chói lên, lọt ra ngoài, chị chưa kịp cảm nhận, tiếng kêu đã bị gió cuốn mất hút trong không gian. Chị đoán đó là tiếng rên la đau đớn trong cơn trở dạ của thị. Lòng chị trào dậy tình thương. Ôi! Ước chi thay được thì chị sẽ thay cho em. Dù sao thì chị cũng từng quen chịu đựng trước nhọc nhằn đau đớn. Thôi! Gắng lên em. Cầu mong cho em mẹ tròn con vuông.

Một tiếng rú lên đột ngột, tiếp theo là tiếng khóc oa oa, lòng chị trở nên rộn ràng. Đứa trẻ đã ra đời, con gái hay con trai? Con gì cũng được tất, miễn là chị có được con. Và dù nó có trở thành con chị hay không, chị vẫn thấy vui mừng khôn xiết. Nhưng tất cả lại trở nên im lặng. Sự im lặng kéo dài đến kinh sợ. Chị cảm thấy bàng hoàng và bắt đầu hoài nghi. Đứa bé liệu có sao không? Thị đang làm gì với con? Âu yếm nó để rồi lát nữa giã từ? Hay là bóp mũi nó rồi? Chị nghe lòng mình thắt lại, gan ruột nhói đau.

Cánh cửa mở. Một bóng đen, mặt mày trùm kín tay ủm một cái bọc, nhoi mình quan sát bên ngoài, quay lại khóa vội cửa và ào ra đường, chạy như ma đuổi về phía thị trấn. Chị bật dậy đuổi theo, nhưng bàn chân bị thương của chị nhói đau, không sao theo kịp.



* * *

Lạ thật, chẳng nhẽ nó không đến đây? Vậy nó vứt đứa bé ở chỗ nào?

Chị bươn bả chui rúc khắp nơi, nhòm ngó ở các gốc cây, ghế đá, bới tìm trong những đống rác đều không thấy. Nỗi thất vọng đè nặng lên tâm trí, chị đứng bơ vơ như người mất hồn. Khi chuẩn bị cất bước ra về, bỗng chị nghe thấy tiếng khóc oa oa vang lên ở đầu góc công viên. Chị vội vàng chạy đến. Trước mắt chị, một đám sương mờ đục như một tấm tơ lưới bao bọc lấy đứa bé. Đám sương mang hình con quái vật tỏa ra những chiếc vòi quấn lấy chân tay đứa bé. Chị thốt lên - Ni đây rồi! Con tôi đây rồi! Và chị sà xuống bế nó lên. Mặt mày nó tím ngắt, chân tay xuôi lơ. Con ơi! - một tiếng gọi được nuôi dưỡng từ lâu trong máu huyết cõi lòng nay bật ra thành lời, chị run lẩy bẩy. Chưa bao giờ chị run như thế. ở chiến trường có biết bao lần nguy hiểm xảy ra, bom đạn giặc dội xuống, cái chết kề bên, chị vẫn vững vàng, nhưng bây giờ chị không bình tĩnh được nữa. Miệng lưỡi cứng lại. Tay chân luống cuống. Chị áp con vào lòng. Hơi ấm người mẹ đã truyền vào đứa con, da thịt nó dần dần trở lại hồng hào, chân tay bắt đầu cựa quậy, cái đầu cũng đã ngúc ngắc. Làn môi như cánh hoa hồng bừng nở để phát ra tiếng khóc oa! oa! Biết con còn sống chị mừng khôn xiết. Chị vỗ vỗ tay vào mông nó: “ừ mẹ thương… mẹ thương…". Lần đầu tiên được gọi lên tiếng con và xưng mình là mẹ, có điều gì đó vừa cay đắng vừa ngọt ngào dâng lên tràn ngập cả cõi lòng của người đàn bà góa bụa.

Đứa bé thật khôi ngô. Nó lại là con trai, chị càng mừng. Tương lai mọc cánh trong tâm hồn chị, giây phút thăng hoa bay bổng cả đất trời.

Thằng bé lại khóc to. Biết con đang khát sữa, chị vạch vú cho nó bú. Làn môi nó xoắn riết vào hai bầu vú. Cũng là lần đầu tiên được chạm vào cõi làm mẹ, cảm giác nóng ấm, nhồn nhột, vừa có chút rụt rè, hổ thẹn pha lẫn niềm sung sướng, hạnh phúc dâng trào. Nhưng than ôi!... chẳng có được một giọt sửa nào, chỉ có dòng nước mắt của người mẹ tong tỏng rơi.



CAO HẠNH

1 comment:

Hồ Tĩnh Tâm said...

Hồ Tĩnh Tâm xin chào Cao Hạnh!

Theo sự giới thiệu của Nguyễn Khắc Phước tôi đã đến với Trang này và đọc entry đầu tiên là truyện ngắn của anh.

Một thực tế phủ phàng của chiến tranh anh ạ. Rất may cho cô Nguyệt là vào tuổi nắng xế cuộc đời đã tìm được cho mình một đứa con.

Chúc anh vui khỏe!