Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, October 29, 2008

LÊ ĐỨC DỤC


LÊ ĐỨC DỤC

nhà thơ, nhà báo


Tên thật: Lê Đức Dục

Bút hiệu dưới nhiều bài thơ đăng báo: Lưu Thụy Ngọc. Sinh năm 1966 tại Cam Lộ, Quảng Trị

Tốt nghiệp khoa văn, Đại học Tổng hợp Huế, 1990.

Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.





THƠ

LÊ ĐỨC DỤC





Nắng tầm xuân



Bây giờ em đã thành nỗi nhớ

Mưa bão nằm quên cuối tháng mười

Miền xuân về biếc ngoài song cửa

Ký ức hiền như dòng sông trôi



Lòng anh hoá rộng dài đồng bãi

Phù sa kỷ niệm ngấu đôi bờ

Giêng hai trời đất mang áo mới

Xuân này em còn mang áo xưa?



Có người ngồi giặt nơi bến cũ

Nắng tầm xuân thơm áo Hà Đông

Có giữ buồn vui thời thiếu nữ

Hay thả trôi vời cuối mái sông?



Có nghe ngọn nắng buồn hỏi nhỏ:

- Còn nhớ hay quên thuở yêu người?

Một phía dòng sông thương bến lở

Một phía tình ai mãi đắp bồi…



1992

(trích từ tuyển thơ “Còn đây thương nhớ” )





Hát một mình



Chỉ còn lại trời xanh kỷ niệm

Câu đồng dao rơi xuống ngày xưa

Cánh chuồn chuồn bay thấp để trời mưa

Mưa ướt sũng cánh tầm xuân muộn nở


Con đường quê bóng vòi voi tím quá

Mãi chơi đâu sao chẳng quay về

Nắm duối vàng anh cất trong túi áo

Khô bao giờ rơi xuống cỏ bờ đê


Cỏ bờ đê có con dế nhỏ

Gáy ran trưa như muốn gọi giùm anh

Nhặt tiếng dế anh ném vào ngọn gió

Thêm một lần rơi xuống cỏ xanh


Thôi dế ạ, gáy chi niềm tơ tóc

Ta nhớ xưa em áo tím hoa cà

Phong phanh gió, miên man chùm nắng nhỏ

Tóc mười lăm vừa đủ thắt đuôi gà


Mười năm lẻ em cánh chuồn mỏng mảnh

Bay xa rồi quên hoa mướp bờ ao

Ta chú dế lạc đường về đất bãi

Hát một mình lời hò hẹn đồng dao…



3-1991

(trích từ tuyển thơ “Còn đây thương nhớ” )





Muộn



Con về thương nhánh sông xưa

Buồn đau đời mạ mong chờ lắt lay

Hắt hiu ngày tháng khô gầy

Bờ thương bãi nhớ đã đầy phù sa


Bông cà rơi tím cội cà

Vườn sương bóng chiếc, mạ già mắt mây

Bờ tường thiếu dây trầu cay

Thừa muôn ngàn sợi cỏ may cuối vườn


Xế vàng tuổi mạ hoàng hôn

Con lênh đênh mãi nỗi buồn riêng con

Quên sông xưa mạ mỏi mòn

Nửa khuya lá rụng mái tôn, giật mình


Con về khuất nẻo thị thành

Ngẩn ngơ lạc với bóng hình sáng nay

Hỡi ơi cái cọng cỏ may

Có khâu áo mạ những ngày hàn ôn?



Sông xưa nước khoả bãi cồn

Tiếng chim bìm bịp trách con muộn về…



1989

(trích từ tuyển thơ “Còn đây thương nhớ” )



LÊ ĐỨC DỤC
READ MORE - LÊ ĐỨC DỤC

Tuesday, October 28, 2008

XUÂN ĐỨC - LỤC BÁT THÁNG BẢY


Tên khai sinh: Nguyễn Xuân Đức, sinh ngày 4 tháng 7 năm 1947, tại xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Hiện ở thị xã Đông Hà, Quảng Trị. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1982).

Nhà văn Xuân Đức xuất thân trong một gia đình nông dân. Học hết phổ thông, vào bộ đội, từng chiến đấu ở vùng sâu Quảng Trị. Năm 1976, được điều về trại sáng tác của Tổng cục Chính trị. Sau đó, học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 1. Tốt nghiệp xong về công tác ở Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị. Mang quân hàm Trung tá khi chuyển ngành. Hiện nay ông là Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Quảng Trị.

Tác phẩm đã xuất bản: Cửa gió (tiểu thuyết, 2 tập, 1980 - 1984); Người không mang họ (tiểu thuyết, 1984); Hồ sơ một con người (tiểu thuyết, 1985); Những mảnh làng (tiểu thuyết, 1987); Tượng đồng đen một chân (tiểu thuyết, 1987); Tổ quốc (kịch, viết chung với Đào Hồng Cẩm, 1985); Các kịch bản đã được dàn dựng và công diễn: Người mất tích (Đoàn kịch nói quân đội); Chứng chỉ thời gian (Đoàn kịch Hội sân khấu); Đợi đến bao giờ (Đoàn kịch Quảng Trị); Đám cưới ly biệt (Đoàn kịch quân đội); Cuộc chơi (Đoàn kịch thành phố Hồ Chí Minh); Cái chết chẳng dễ dàng gì (Đoàn kịch quân đội); ám ảnh (Đoàn kịch Quảng Trị)...

Ông đã nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (cho tiểu thuyết Cửa gió, 1982). Giải thưởng Bộ Quốc phòng (cho vở Người mất tích, 1990), Giải thưởng văn học Bộ Nội vụ (1995) cho tiểu thuyết Người không mang họ. Giải thưởng Hội nghệ sĩ sân khấu (1995) cho kịch bản Cuộc chơi. Giải thưởng cuộc vận động viết về chiến trang Cách mạng và người chiến sĩ (1994) cho kịch bản Cái chết chẳng dễ dàng gì và nhiều huy chương vàng trong các hội diễn sân khấu.

http://www.binhthuan.gov.vn/KHTT/vanhoc/tacgia/TG1A6.htm



LỤC BÁT THÁNG BẢY



Viết dâng chị cả tròn tuổi 80


Tháng bảy nước nhảy qua bờ
Cái ngày mẹ mất chị chưa lấy chồng
Một vai gánh, một vai gồng
Chị làm mẹ trẻ bế bồng sáu em.

Một câu lục bát chung chiêng
Câu ru như nấc trùng triềng giêng hai
Chợ Do một gánh mòn vai
Bát cơm phần bố, củ khoai phần mình
Chút cá vụn để dành em
Sắn bùi mấy khúc độn thêm cho chồng..

Các em như lá rụng dần
Chồng khuất bóng, con cũng thành người xưa..
Mà sao chị vẫn ngồi kia
Hay chờ đứa út cùng về cõi xa ?

Em thương chị muốn khóc òa
Sợ mây tháng bảy đổ nhòa thành mưa...

Nguồn: xuanduc.vn
READ MORE - XUÂN ĐỨC - LỤC BÁT THÁNG BẢY

Monday, October 27, 2008

CAO HẠNH


CAO HẠNH

Người đàn bà lội sương

Truyện ngắn




Đêm khuya. Gió bấc thổi u u. Phía chân trời đẫm một vầng trăng lạnh. ánh trăng cuối tuần như không vội xuống núi, còn nán lại để chứng kiến hình ảnh một người đàn bà trong đêm giá lạnh. Chị đi từ bờ tre, xăm xăm vượt lên ngọn đồi trứơc làng, luồn lủi trong màn sương, tiến thẳng về phía thị xã.

Chị đi đâu thế này? Ai mà biết được, chỉ mình chị biết thôi. Có điều gì đó đang thôi thúc, giục giã khiến chị không thể nào chậm trễ được. Chị đi như chạy. Mặc cho sương rơi, gió tạt, tay chân, mặt mày tê buốt, chị vẫn bươn bả về phía trước. Bóng chị bơi trong biển sương mờ đục giữa đêm lạnh mênh mang.

Bãi Lình là nơi chị cần tìm đến - Nơi đây cách bến xe và chợ huyện chưa đầy hai cây số - Là khu vực nằm giáp ranh giữa thị trấn và cách thị xã phụ cận.

Bãi Lình có một cái hồ lớn, nước đục ngầu. Trên bờ hồ có lác đác có vài chiếc ghế đá đặt dưới những gốc cây đại thụ tỏa bóng buồn thiu. Đây là công viên thiếu nhi đang làm dở. Cách đây hai năm, trước kỳ bầu cử Hội đồng nhân dân huyện, ông Chủ tịch cho tiến hành xây dựng công trình để lấy phiếu tín nhiệm. Vì phải thi công vội vàng, bùn đất ở lòng hồ chưa nạo vét hết đã xây kè, lát đá, trồng vườn hoa cây cảnh để kịp thời đưa vào sử dụng. Than ôi! Sau một trận mưa dài ngày, bờ hồ bị sụt lở kéo theo những ghế đá, cây cảnh đổ sụp xuống lòng hồ. Tất cả đi theo số phận của ông Chủ tịch - Cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân huyện nhiệm kỳ ấy ông ta chỉ được mỗi một phiếu, không thể đứng chân trong hội đồng. Từ ngày ông Chủ tịch mới lên thay đã cố gắng tu sửa, nhưng cũng chưa xoay xở đủ nguồn kinh phí, nên công trình bị bỏ dở. Thành ra cái công viên thiếu nhi bây giờ đã trở thành nơi cho bến xe bãi chợ vứt rác, đồng thời cho các cặp tình nhân hoan lạc và cuối cùng là chỗ tiện lợi nhất để vứt bỏ những "sản phẩm" của những cơn ái dục.

Đêm nay Bãi Lình chìm trong sương lạnh, khói sương mờ đục tụ thành những đám bùng nhùng rải đầy công viên. Chị đến đứng lặng trước gốc cây mù u. Mệt đến rã người tưởng như không còn sức để đứng vững được nữa, nhưng chị không thể tựa vào gốc cây mù u mà thở để lấy lại sức lực. Có điều gì đó cuốn hút tâm trí chị, buộc chị phải hành động ngay. Chị cúi xuống căng mắt dõi theo, nhìn xuyên vào lớp sương mù dày đặc.

ở đằng kia, dưới gốc si già có một cặp tình nhân đang quấn lấy nhau. Họ phô ra ngồn ngộn giữa đêm mờ đôi thân thể lõa lồ tràn đầy sinh lực. Tay chân động cựa, tiếng thở hào hển đầy nhục cảm và những tiếng rên ư ử trong cơn cuồng hứng… Khi cặp tình nhân đã ra về, chị vẫn ngồi thừ người ra ở đó để ngắm nhìn những dư ảnh, lắng nghe những dư âm đọng lại trong óc mình, và chị lục lại trong ký ức phút run rẩy đầu đời.

Năm mười bảy tuổi, chị học lớp 10, có một người bạn trai trong lớp để ý đến chị. Nhiều lần chị bắt gặp ánh mắt của anh chàng nhìn chị rất bén. Lúc ấy chị đỏ mặt, cúi xuống tủm tỉm cười, bàn tay cầm bút viết ngoạch ngoạc lên trang giấy, viết những gì đếch biết, chỉ để lắng nghe những niềm giao cảm đang rạo rực bên trong - Có lần đang ngồi học tổ, bàn tay cậu ấy bất giác chạm vào tay chị, chị vội rụt tay lại, nhưng đến lúc về nhà chị không sao ngủ được, cảm giác hơi ấm bàn tay người bạn trai còn thức hoài trên da thịt, làm chị thao thức. Nếu không có chiến tranh thì người bạn trai ấy sẽ trở thành người yêu của chị và có thể họ sẽ lên xe hoa để rồi sau đó sống hạnh phúc bên nhau suốt đời. Nhưng chiến tranh bùng nổ, chàng trai ấy đã tình nguyện lên đường cầm súng giết giặc. Mãi đến hai năm sau, chị mới nhận được thư của anh ấy. Bức thư anh viết từ ngày đầu mới nhập ngũ, nhưng qua hai mùa đông giá rét mới đến với tay chị. Bì thư xẩm màu, trang thư vàng ố đẫm màu khói đạn. Chị chưa kịp tận hưởng niềm vui thì nhận được tin anh đã hy sinh, chị đã khóc không còn nước mắt. Mặc dù chị biết anh chưa phải là người yêu, chưa phải là chồng chị nhưng chị cảm thấy mình đã mất mát một hạnh phúc quá lớn trong đời.

Cuộc chiến tranh tiếp tục kéo dài, càng ngày càng ác liệt hơn, đến lượt chị cũng phải tình nguyện vào thanh niên xung phong làm nhiệm vụ mở đường Trường Sơn. Chị đã sống những ngày với Trường Sơn xanh, với những ngọn suối biếc, với những cơn mưa rừng dầm dề. Đêm đêm nghe tiếng hổ gầm động núi, tiếng quạ kêu lạnh rừng, tiếng vắt búng lách tách trên vòm lá rơi lả tả xuống trần màn. Chúng chui cả vào chăn vào chiếu, vào cổ áo, ống quần, cứ nhè những chỗ hiểm hóc nhất trong người mà đốt.

Tiểu đội chị có sáu người. Thời gian đầu mới vào đơn vị, cô nào cô ấy trông óng ả, tươi nhuần, sau một thời gian ở rừng, bị vài trận sốt rét, mặt mày trở nên tái xám, mắt thâm quầng, xuân sắc con gái biến đi đâu mất. Cuộc sống chiến trường với hàng núi công việc phải làm: đào đất, san lấp hố bom, chặt cây kè đá, vác đá, khuân vỏ đạn lát đường gầm cho xe khỏi bị mắc lầy. Tay chân, mặt mày, đầu tóc người nào người nấy bê bết bùn đất vẫn không hề có tiếng kêu ca phàn nàn. Đoạn đường này làm xong, chuyển sang đoạn đường khác, hố bom này lấp xong, tiếp tục lấp hố bom khác. Tuổi xuân của các chị ở Trường Sơn được xếp bằng những chuổi ngày gian lao ác liệt, chẳng mấy khi được yên ổn, rảnh rỗi để chăm lo cho mình, còn nói chi đến chuyện yêu đương. Những cuộc trai gái gặp nhau thường xảy ra chóng vánh, chưa kịp hỏi tên, hỏi quê quán đã phải rời xa. Ai duyên may thì chớp được tín hiệu để sau này kiếm tìm nhau, còn ai rủi số thì chỉ đứng hững hờ. Chị là người phận mỏng, những lúc gặp nhau như thế, chị không buông nổi một câu níu kéo mà chỉ đứng lặng im bên vệ đường thoáng nhìn đoàn quân lướt qua trước mắt. Hơi ấm và mùi mồ hôi hầm hập tỏa ra từ những cơ thể tràn trề sinh lực của các chàng trai làm chị bổi hổi bồi hồi. Cái mùi mồ hôi ấy cứ ám ảnh chị mãi đến sau này. Mỗi lần nhớ đến họ, chị lại trách mình tại sao lúc ấy không bạo dạn lên một chút, chớp giật thời cơ, dạm lời, ngỏ ý để kết bạn xe duyên sau này.

Tất cả cũng vì những điều dị nghị sợ mất uy tín, danh dự của một người chỉ huy đơn vị luôn thường trực trong chị. Cái chức tiểu đội trưởng làm chị bỏ lỡ liên tục mấy cuộc tình.

Chị còn nhớ cũng vào một đêm mùa đông sương lạnh như đêm nay, có điều đêm ấy trăng đẹp lắm. ánh trăng mùa đông như soi sáng cả núi rừng. Những làn sương mỏng quấn trăng trôi nhẹ tênh trên sườn núi. Mặt suối trăng soi lung linh diệu vợi, mải miết xuôi về ào ạt đổ trăng xuống các vực ghềnh làm tung lên những bọt nước trắng xóa lấp lánh như những hạt trân châu. Lúc ấy chị từ dưới suối bước lên. Có lạnh một chút, nhưng chưa vội mặc áo quần, đứng khuất vào bờ đá chị ngắm nghía mình. Da thịt chị hòa lẫn cùng màu trăng óng ả. Chị đưa hai tay xoa xoa lên hai bắp đùi núng nính, kéo dần lên lườn bụng săn cón, khẽ mân mê hai bầu vú căng mẩy. Những khao khát trong chị bắt đầu cựa quậy. Chị nghe thấy tiếng máu chảy rần rần trong cơ thể mình. Một nỗi khát thèm làm chị bủn rủn cả tay chân… Có tiếng động làm chị giật mình, ngước nhìn lên bờ, thấy một người đàn ông ở trần trùng trục, phô bày hai tảng ngực đỏ au, tay chân săn quắn, đang cúi xuống nhìn chị. Chị hốt hoảng giật vội chiếc quần che, chưa kịp lên tiếng thì người đàn ông cất giọng thì thào:

- Nguyệt… đừng sợ… Tôi đây mà.

Thì ra là Tám - một chiến sĩ lái xe ở Trung đoàn 559, anh đã có vài lần ghé qua doanh trại chị. Chị quắc mắt nhìn lên:

- Đàn ông gì mà hèn thế, rình xem con gái tắm mà không biết dơ!...

- Ngắm nhìn người đẹp mà bảo là dơ sao?

- Im đi đừng tán tỉnh nữa.

- Không, tôi nói thật mà. Em đẹp lắm Nguyệt ạ, trông em như một pho tượng được đúc bằng trăng.

- Thôi anh đi đi cho tôi lên bờ.

- Không ai có quyền đuổi tôi cả. Tôi cần đứng đây để chiêm ngưỡng thiên nhiên.

- Đồ lì.

- Nguyệt cứ mắng nhiếc, sĩ nhục tôi đi. Nhưng Nguyệt phải thông cảm một thằng con trai tràn trề sinh lực như tôi đứng trước một người con gái dạt dào như Nguyệt làm sao tôi không khao khát?

- Vớ vẩn.

- Chẳng vớ vẩn đâu. Đó là chuyện thật lòng, là điều tất nhiên, chẳng xấu gì cả.

- Dục vọng đến thế mà cũng bảo mình tốt.

- Thì chính Nguyệt cũng vừa khao khát đó thôi.

Nguyệt nghe nói giật nẩy mình, mặt nóng phừng, giọng nói trở nên bối rối.

- Anh bảo sao? Tôi… tôi… Anh đừng có mà đặt điều.

- Không đặt điều tí nào cả. Lúc nãy đến giờ, tôi đứng trên bờ đã dõi theo tất cả những động tác của Nguyệt và anh rất thông cảm cho em.

Câu nói của Tám làm Nguyệt chết điếng, Nguyệt chưa biết trả lời thế nào thì thấy Tám dần dà bước xuống đứng trước mặt Nguyệt. Nguyệt lùi lại, đứng nép vào bờ đá mắt long lên như mắt mèo.

- Anh định giở trò gì?

- Không! Tôi không phải là loại đàn ông cuồng bạo, ức hiếp phụ nữ đâu.

- Anh mà lớ xớ tôi la lên ngay.

- Nguyệt bình tĩnh hãy để cho tôi nói đã. Nguyệt ạ, chúng ta là những chàng trai, cô gái mới lớn lên, chưa kịp yêu đương, chưa kịp xây dựng gia đình đã phải lên đường cầm súng đánh giặc. Cuộc sống ở chiến trường vô cùng ác liệt. Hôm nay chúng ta ở bên nhau, nhưng biết đâu ngày mai một trận bom thù dội xuống, thân xác chúng ta sẽ tan nát hết. Vậy thì chúng ta kìm giữ, nín nhịn để làm gì? Tại sao chúng ta không biết cho nhau để rồi dù có chết chúng ta cũng thỏa mãn bởi đã được nếm trải chút dịu ngọt của cuộc đời hở Nguyệt!

Tiếng Nguyệt đanh lại:

- Anh có biết ở chiến trường, những lời nói, hành động, cử chỉ làm lung lay đến tư tưởng đồng đội sẽ bị ghép tội gì không?

- Tôi biết. Nhưng ở đây tôi không hề có ý thức tuyên truyền bậy bạ mà tôi nói lên sự thực của cõi lòng.

- Nhưng giữa anh và tôi nào đã có một tình yêu?

- Tình yêu ư? Cứ mỗi lần gặp là mỗi lần thoáng qua, anh làm sao để bày tỏ cùng em được. Nhưng thực tình anh đã yêu em từ dạo ấy… Cái đêm mà em đứng đóng cọc rào quanh hố bom để cho xe anh qua, mái tóc em đầm đìa trong mưa dội. Anh đã mang theo hình ảnh ấy suốt dọc mọi nẻo đường. Tình yêu em như mạch nguồn âm ỉ để rồi tuôn chảy thành suối thành sông, và bây giờ ào ạt dâng tràn sóng lũ làm anh không thể nào ngăn giữ được em ơi…

Anh ru vào lòng Nguyệt bao cảm xúc, làm Nguyệt chạnh lòng. Nhìn thấy hai giọt trăng trên mắt Nguyệt lung linh, Tám biết lòng Nguyệt đang xao động. Anh qùy xuống thềm đá. Hai tay đưa về phía Nguyệt, ngực ưỡn ra, các bắp thịt cuồn cuộn được chiếu ngời ánh trăng. Vẫn lời nói trầm trầm tha thiết nghe như không phải từ mồm Tám phát ra mà từ ngọn núi cao ngất trên kia vọng xuống.

- Nguyệt ơi… Ngày mai anh vào trận, đêm nay anh chỉ ở bên em được một tiếng đồng hồ nữa thôi. Anh vào trận, anh không sợ chết, điều mà anh sợ là trước lúc hy sinh anh chưa nói được lời yêu với em. ừ ! Anh sẽ chiến đấu và hy sinh đến giọt máu cuối cùng. Ngày đó em đừng khóc, em chỉ gửi vào trong đất trời cho anh một lời yêu, để linh hồn anh được thanh thản Nguyệt ơi…

Nguyệt òa khóc. Tám bật dậy, như một cơn lốc ào đến ôm chầm lấy Nguyệt. Hai tay Nguyệt giữ chặt lấy chiếc quần che, đầu gục vào vai Tám. Hơi thở gấp gáp. Đôi môi lần tìm. Và bộ ngực nóng hổi của Tám đốt lửa lên hai bầu vú căng nhức của Nguyệt làm Nguyệt như tan ra. Chiếc quần trên tay buông lỏng, rũ xuống, rơi… Một nụ hôn gắn chặt vào môi và một cú xiết eo làm Nguyệt oằn mình, lả ra trên đôi tay của Tám. Tám bế xốc Nguyệt lên, Nguyệt cảm thấy bồng bềnh như bơi trong mây. Tám dùng chân hất vội tấm ni long, trải ra, đặt Nguyệt nằm xuống. Khi bộ ngực của anh ập xuống, đằn lên người Nguyệt, thì Nguyệt bừng tỉnh. Hực! Một cú đẩy tay rất mạnh của Nguyệt vào ngực Tám làm anh văng ra một bên. Nguyệt bật dậy, vơ vội chiếc quần, ù té chạy. Tám đứng châng lâng nhìn theo…

Chị không ngờ sau cái đêm hôm ấy, Tám vào chiến trường phía trong hai ngày sau chị nhận được tin anh đã anh dũng hy sinh trong một trận phá vây của địch. Chị vừa xót thương vừa cảm thấy mình có lỗi với anh. Chao ôi! Nếu như đêm ấy chị chiều anh, cho anh thì bây giờ lòng chị đâu đến nỗi xót xa đến thế này. Nhưng chị đã không làm thế được, vì cương vị, vì thanh danh buộc chị phải từ chối để giờ đây chị chỉ biết đứng giữa đất trời mà gào lên trong tiếng nấc: Anh Tám ơi!...



* * *

Cuộc chiến tranh tàn khốc kết thúc. Chị về làng. Chị sung sướng đến tột bậc khi nhìn thấy quê hương được giải phóng. Bầu không khí mới thôi thúc cuốn hút chị vào công việc. Ngày đêm chị cùng bà con hì hục san lấp hố bom, khai hoang phục hóa xây dựng nhà cửa, nương vườn trên mảnh đất khét lẹt mùi đạn bom…

Nhiệm kỳ Đại hội xã đoàn chị được tín nhiệm bầu làm bí thư. Với kinh nghiệm bao năm phụ trách tổ đội thanh niên xung phong, giờ đây giúp chị làm việc có uy tín lắm. Anh em thanh niên trong xã coi chị như người chị cả. Mọi ý kiến chị đưa ra người ta đều coi là mực thước, tất cả đều làm theo răm rắp. Họ rất kính trọng thương yêu chị, có điều trong các cuộc đi chơi chẳng mấy ai rủ chị. Những đêm trăng sáng nhìn những cặp tình nhân nắm tay nhau đi trên đường, chị thấy mình cô đơn trống trải, lạc lõng trong cuộc sống lớp trẻ. Những lúc ấy chị chỉ biết hướng về Trường Sơn mà khóc. Nhưng rồi khả năng tự kìm chế khiến chị chôn chặt tất cả những kỷ niệm trong lòng, để tiếp tục cuộc dấn thân vào cuộc sống hiện tại. ý chí phấn đấu đã đưa chị tiến nhanh trên con đường danh vọng. Hết làm bí thư Đoàn thanh niên, lên làm Phó Chủ tịch xã, được cử đi học cao cấp chính trị, ra trường về huyện công tác với cương vị là trưởng phòng tổ chức lao động thương binh xã hội. Thực ra lúc đầu chị không có ý thức phấn đấu để leo cao trên bậc thang danh vọng. Nhưng chức vụ dần dần cuốn hút chị và đã trở thành một thứ bùa mê làm cho chị quên mất mình là người đàn bà. Đã có những lúc chị chững lại để ngẫm ngợi tính toán cho việc riêng tư của mình. Chị mơ ước có được một tấm chồng và một đứa con. Hàng ngày đi làm về được sống hạnh phúc trong mái ấm gia đình. ước mơ giản dị đến thế mà đâu có được. Những người đàn ông cùng lứa với chị đa số đã có vợ, kẻ chưa lập gia đình thì thường bị chứng tật này nọ, chị làm sao yêu được. Còn lũ trai tơ, chúng chỉ nhìn xuống, mê đắm những "búp sen" “búp gạo" chứ đâu màng đến chốn héo tàn như chị. Chẳng lẽ chị lại đi ngoại tình. Một người tử tế như chị không thể đi cướp giật hạnh phúc của người khác.

Năm tháng qua đi, người đàn bà lỡ thì ôm trọn tuổi ngọc ngồi bên bến tình chờ đợi, nhưng chẳng có một cơ hội nào để xuống thuyền rời bến sang sông. Nhan sắc chị dần lụi tàn, chỉ có nỗi buồn đau ngày càng trỗi dậy. Nhất là đêm ấy, cái đêm mà vào thời khắc cuối cùng của người đàn bà đi qua tuổi năm mươi, chị hồi hộp chờ đợi những biến động trong cơ thể, chị không còn có được cảm giác đau tưng tức ở bụng và một dòng nóng ấm lặng lẽ chảy xuống nơi bắp đùi, chị sờ tay xuống… Tất cả đều ráo hoảnh.

Ngoài bờ ao lũ cá trắm đến mùa vật đẻ, tiếng quẫy đuôi ùm ùm trong cơn mưa. Trời đất cũng thỏa thuê một cuộc giao hòa, để cho những chồi non lộc biếc chi chít mọc lên trên mặt đất. Tất cả đang chuyển mình sinh sôi. Còn chị, thế là hết rồi… Một hơi thở dài đến não ruột. Chị òa khóc. Tiếng khóc rung lên trong lồng ngực với nỗi đau tuyệt vọng…

Ngày chị về hưu cuộc sống càng trở nên buồn tẻ. Nỗi khao khát làm mẹ cứ thôi thúc trong lòng. Bởi vậy, chị đã tìm đến đây, ở cái công viên nhỏ bé này.



* * *

Nó đâu rồi? Rõ ràng thấy nó chạy về hướng này cơ mà.

Đầu óc chị bây giờ chỉ có hình ảnh của thị. Thị là một ả đàn bà giàu có ở cùng xóm với chị. Cuộc sống ăn chơi trác táng đã khiến thị bao lần nạo thai. Trước đây thị cũng đã có chồng. Chồng thị làm nghề kế toán. Khi chồng mất việc thị làm đơn ra tòa ly dị ngay. Từ đó đến nay thị làm kẻ "cụt đọt", không muốn lấy chồng, chẳng thiết sinh con. Thị chỉ quan hệ bồ bịch để kéo dài thời gian ăn chơi xả láng của mình. Bồ thị toàn là những kẻ giàu có để cho bàn tay của thị nhoay nhoáy rút tiền, ngày một thêm điệu nghệ. Với bản tính "quân tử" trong các cuộc giao hoan, thị chẳng cần dùng đến các biện pháp tránh thai, nhỡ ra có bầu, thị sẽ nạo ngay.

Lần này vì phải giữ hợp đồng với lão Việt kiều nên thị phải nuôi dưỡng thai nhi, ai ngờ hợp đồng bị lão ta bãi bỏ. Thai nhi lớn quá không nạo được, thị đành đợi đến ngày sinh. Sinh xong tìm cách dụt.

Đêm đêm chị rình nấp ở hè nhà thị để theo dõi nắm hết mọi ý đồ. Tối qua, thị trở dạ, chị đã nằm dưới gốc chuối vườn nhà thị, mưa gió dầm dề, rét buốt đến tận xương, nhưng chị chẳng nản, cố chờ đợi tiếng khóc oa oa của đứa trẻ chào đời. Đến nửa đêm vẫn không nghe động tỉnh gì, chị bò vào sát nhà, rón rén đi dọc theo bức tường, dán mắt nhìn vào khe hở của các cửa sổ, nhưng cửa nhà đóng kín quá không nghe thấy gì. Thỉnh thoảng có vài tiếng chói lên, lọt ra ngoài, chị chưa kịp cảm nhận, tiếng kêu đã bị gió cuốn mất hút trong không gian. Chị đoán đó là tiếng rên la đau đớn trong cơn trở dạ của thị. Lòng chị trào dậy tình thương. Ôi! Ước chi thay được thì chị sẽ thay cho em. Dù sao thì chị cũng từng quen chịu đựng trước nhọc nhằn đau đớn. Thôi! Gắng lên em. Cầu mong cho em mẹ tròn con vuông.

Một tiếng rú lên đột ngột, tiếp theo là tiếng khóc oa oa, lòng chị trở nên rộn ràng. Đứa trẻ đã ra đời, con gái hay con trai? Con gì cũng được tất, miễn là chị có được con. Và dù nó có trở thành con chị hay không, chị vẫn thấy vui mừng khôn xiết. Nhưng tất cả lại trở nên im lặng. Sự im lặng kéo dài đến kinh sợ. Chị cảm thấy bàng hoàng và bắt đầu hoài nghi. Đứa bé liệu có sao không? Thị đang làm gì với con? Âu yếm nó để rồi lát nữa giã từ? Hay là bóp mũi nó rồi? Chị nghe lòng mình thắt lại, gan ruột nhói đau.

Cánh cửa mở. Một bóng đen, mặt mày trùm kín tay ủm một cái bọc, nhoi mình quan sát bên ngoài, quay lại khóa vội cửa và ào ra đường, chạy như ma đuổi về phía thị trấn. Chị bật dậy đuổi theo, nhưng bàn chân bị thương của chị nhói đau, không sao theo kịp.



* * *

Lạ thật, chẳng nhẽ nó không đến đây? Vậy nó vứt đứa bé ở chỗ nào?

Chị bươn bả chui rúc khắp nơi, nhòm ngó ở các gốc cây, ghế đá, bới tìm trong những đống rác đều không thấy. Nỗi thất vọng đè nặng lên tâm trí, chị đứng bơ vơ như người mất hồn. Khi chuẩn bị cất bước ra về, bỗng chị nghe thấy tiếng khóc oa oa vang lên ở đầu góc công viên. Chị vội vàng chạy đến. Trước mắt chị, một đám sương mờ đục như một tấm tơ lưới bao bọc lấy đứa bé. Đám sương mang hình con quái vật tỏa ra những chiếc vòi quấn lấy chân tay đứa bé. Chị thốt lên - Ni đây rồi! Con tôi đây rồi! Và chị sà xuống bế nó lên. Mặt mày nó tím ngắt, chân tay xuôi lơ. Con ơi! - một tiếng gọi được nuôi dưỡng từ lâu trong máu huyết cõi lòng nay bật ra thành lời, chị run lẩy bẩy. Chưa bao giờ chị run như thế. ở chiến trường có biết bao lần nguy hiểm xảy ra, bom đạn giặc dội xuống, cái chết kề bên, chị vẫn vững vàng, nhưng bây giờ chị không bình tĩnh được nữa. Miệng lưỡi cứng lại. Tay chân luống cuống. Chị áp con vào lòng. Hơi ấm người mẹ đã truyền vào đứa con, da thịt nó dần dần trở lại hồng hào, chân tay bắt đầu cựa quậy, cái đầu cũng đã ngúc ngắc. Làn môi như cánh hoa hồng bừng nở để phát ra tiếng khóc oa! oa! Biết con còn sống chị mừng khôn xiết. Chị vỗ vỗ tay vào mông nó: “ừ mẹ thương… mẹ thương…". Lần đầu tiên được gọi lên tiếng con và xưng mình là mẹ, có điều gì đó vừa cay đắng vừa ngọt ngào dâng lên tràn ngập cả cõi lòng của người đàn bà góa bụa.

Đứa bé thật khôi ngô. Nó lại là con trai, chị càng mừng. Tương lai mọc cánh trong tâm hồn chị, giây phút thăng hoa bay bổng cả đất trời.

Thằng bé lại khóc to. Biết con đang khát sữa, chị vạch vú cho nó bú. Làn môi nó xoắn riết vào hai bầu vú. Cũng là lần đầu tiên được chạm vào cõi làm mẹ, cảm giác nóng ấm, nhồn nhột, vừa có chút rụt rè, hổ thẹn pha lẫn niềm sung sướng, hạnh phúc dâng trào. Nhưng than ôi!... chẳng có được một giọt sửa nào, chỉ có dòng nước mắt của người mẹ tong tỏng rơi.



CAO HẠNH
READ MORE - CAO HẠNH

Sunday, October 26, 2008

Phan Luận




Quê quán: An Đồn (bên sông Thạch Hãn)
Nơi làm việc: Công ty Cao su Đà Nẵng


TIẾNG GÀ CUỐI NĂM


Lâu nay phố lặng tiếng gà
Bỗng xôn xao đêm vỡ òa cuối năm
Có vì sao tận xa xăm
Cũng thao thức cũng trở trăn quê nhà
Giờ nầy ruộng cấy chưa xong
Vườn còn cải úa muối dưa sang mùa
Vén vun đất bạc đồng chua
Chị tôi tất tả đò trưa chợ chiều
Oằn vai đi bán cái nghèo
Mặn môi ba bữa hết vèo giêng hai
Chân không bén gót bước nhoài
Hệt như dáng mẹ đổ dài bóng chiêm
Ngày đi làng xóm xa thêm
Tiếng gà chợt vọng quê nghiêng một bờ.



NGOẠI Ô

Ngoại ô không tên đường
Nhà vườn thấp cao lối mòn lồi lõm
Tiếng gà gọi mặt trời mỗi sáng
Đụn khói chiều rơm rạ gió nồm nam
Ở Bắc Mỹ An mỗi lần qua phố
Câu nói quen sang Đà Nẵng mua hàng
Cách một sông Hàn mà như cách núi
Lỡ nhịp chèo mà giọng nói lệch ngang

Ngoại ô
Hàng dừa lùi xa quãng nhớ
Chân tay như có kiến bò
Xót ruộng đồng mất dần sau đêm mất ngủ
Cái cuốc cái cày ủ rũ nhớ bùn non
Ban mai phát ra từ loa: bánh mì Sài Gòn
Nóng dòn một ngàn một ổ
Lâu rồi chị bán trứng lộn khuya không lui tới xóm mình
Đôi khi khó chịu nhưng quen rồi thành nhớ
Như tiếng leng keng người dọn rác che mặt lặng thinh

Ngoại ô
Nơi có nhà tôi nhà em
Có nhiều mối tình lớn dần sau con hẻm
Có tiếng xẹt xào thơm từng bếp lửa
Có mãng trăng chung khi mất điện tối đèn.



P.L.
READ MORE - Phan Luận

Tuesday, October 7, 2008

Nguyễn Đặng Mừng



BUỒN VUI MẤY LẦN

Nguyễn Đặng Mừng


Xay lúa Đồng Nai
Cơm gạo về ngài
Tấm cám về tui

(Đồng dao)



Giã lúa đang đạp, ba con trâu bị khớp miệng bằng những cái mơ đan bằng tre. Chú Rìu cầm mũi. Con trâu Ve bao giờ cũng đi đầu. Bình không biết dắt trâu nên được phân công cầm sẵn cái gàu tát nước được lót rơm, mỗi lần chú Rìu kêu lên “Trâu ẻ..trâu ẻ”(1), tay chú bụm chặt đuôi trâu là Bình nhanh chân chạy tới hứng. Không hứng kịp, phân trâu ị xuống trên trên lúa, rất khó dọn. Trâu đi vòng xoắn ốc từ trái sang phải, xong một lượt chú Rìu dắt trâu ra nghỉ. Thằng Thỉ và chú Gàn dùng mỏ xảy trở rơm. Chú Gàn nói nhỏ với Bình là đạp hai lượt thôi, để lúa sót trong rơm nhiều, về nhà bà con đạp chân lại kiếm chút cháo, hợp tác xã không biết.

Bình phụ thằng Thỉ làm thư ký đội. Thỉ trình độ lớp năm, cộng trừ nhân chia lộn tùng phèo nên Bình phải làm giúp. Thỉ là con cán bộ tập kết nên được làm thư ký. Hắn bực bội mỗi lần đối diện sổ sách chữ nghĩa. Tháng trước hợp tác xã cho hắn đi học trắc đạc, về làm bản đồ dãy thửa, học nửa chừng hắn không hiểu chi hết bỏ về. Thỉ nói với Bình “có cái dấu chi như cái giàn xay, tui có biết chi mô mà cũng bắt học”. Bình mắc cười nghĩ chắc đó là dấu căn số. Thỉ tình nguyện lao động trực tiếp, để việc sổ sách lại cho Bình. Bình là sĩ quan chế độ cũ, mới cải tạo về.

Mọi sản phẩm được chia theo công điểm. Rơm chia ngay trong đêm sau khi đạp lúa. Lúa hột được cào lại giữa sân, chờ phơi khén mới cân nghĩa vụ hoặc chia theo tỷ lệ công điểm, thường là tạm ứng, đến những giã lúa cuối cùng mới điều phối lại.

Bà con thiếu đói, mỗi lần trên đường gánh lúa về sân đội, vừa chạy vừa tuốt lúa cho vô túi áo, ngang nhà để gánh lúa xuống, vô nhà giả đò uống nước, trút lúa từ trong túi ra. Mỗi ngày sáu chuyến cũng kiếm được năm sáu lon, hơn cả ngày công tính theo điểm. Có đêm bà con ngồi họp bên đống lúa, sáng ra thấy đống lúa nhỏ lại. Bà con bốc lúa bỏ vô túi áo, giả đò về nhà có việc, trút lúa rồi lên họp tiếp. Ai cũng biết mà ai cũng lờ đi. Chú Gàn bảo “mần ăn kiểu ni cả làng thành đạo chích hết”




Chị Mịn đang triển khai một vấn đề quan trọng với phụ nữ trên sân đội. Giọng đồng của chị chậm rãi nghiêm trọng: “Kính thưa chị em, thực hiện đời sống mới, chị em phụ nữ chúng ta phải cương quyết chống lại tàn dư chế độ cũ, trong đó quan trọng nhất là vấn đề quan hệ nam nữ. Hôm qua các anh trong ban chấp hành chi hội thanh niên đã bắt quả tang anh Tám bên đội ba và chị Bê ở đội ta hun chắc bằng mui(2) . Theo biên bản được lập là anh chị hẹn nhau đi họp sớm, nói chuyện sau chùa, dưới lùm cây. Lúc hai anh chị đang dở trò đồi trụy thì ban chấp hành ập tới bắt quả tang”.

Con Bê gục đầu trên gối, tóc rủ xuống khóc hưng hức. Bà con im lặng. Chị Mịn tiếp: “Nam nữ trong xã hội ta có quyền yêu thương nhau nhưng phải trong sáng, thể hiện quan hệ phải minh bạch, không được lén lút, nhất là kiểu hun mui đồi trụy đó”.

Có những buổi họp cười ra nước mắt. Số là chị Lơi bên đội ba chửa hoang, bà con đồn là với chú Lùn. Làng họp trước sân chùa. Chú Lùn vừa lùn vừa nhỏ thó cùng với chị Lơi phốp pháp ngồi hàng đầu như hai bị can. Chị Mịn làm chủ tọa hỏi: “Anh Lùn làm cách chi mà chị Lơi có mang”. Chú Lùn đằng hắng mấy lần rồi trả lời: “ Tui không nhớ chi cả, chỉ nhớ là tui ho một cái bơ xong chuyện, ai ngờ có mang”. Bà con cười quá chừng, bảo chị Mịn có biết chuyện nam nữ chi mô mà cũng đứng ra phân xử. Chị Mịn nghiêm giọng: “Bà con ổn định, ổn định…”. Bà con lại cười lớn hơn. Chú Gàn nói to “ Anh Lùn ho, chị Lơi lại chàng hảng chân. Trai không vợ, gái không chồng, mai ra xã đăng ký là xong, có chi mô mà họp mà hành”.

Trong những hội đoàn, hội phụ nữ là nhiều chuyện nhất. Phụ nữ cũng mệt nhất. Vừa là hội viên hội phụ nữ, dưới ba mươi tuổi là hội viên của hội thanh niên, trên ba mươi tuổi là hội viên hội nông dân tập thể. Chị Mịn làm hội trưởng hội phụ nữ thôn, kiêm phụ trách địa bàn đội Sáu, tất bật suốt ngày.

Ngày giải phóng chị Mịn ba mươi bảy tuổi, dáng cao, chắc nịch. Da ngăm, tóc mượt. Mắt chị to, lông mi dài, hay chớp và nhìn lên. Chú Gàn bảo “Nước da bần quân cổi quần không kịp”. Hoặc “Mắt hay nhìn lên là người đa tình”, mà đời chị Mịn có đa tình chi mô, chung tình thì có. Chị thường mang súng đi tuần một mình ban đêm, nhất là ở sân đội vào ngày mùa. Bình cũng thường ở lại giữ lúa và làm sổ sách trong nhà đội.



*


Mùa xuân năm 1952,chị Mịn mười lăm tuổi đã đã có nơi dạm hỏi. Hôn phu của chị là du kích, anh Tha, con một gia đình địa chủ kháng chiến. Chị không yêu anh Tha, lại yêu anh Là, một Vệ Quốc quân người đâu ngoài Triệu Phong, hay đóng quân ở nhà chị.

Đêm về sinh hoạt văn nghệ, nhảy “đây gió”(3). Chị Mịn nhảy điệu nghệ, mắt lúng liếng, miệng cười duyên chúm chím theo làn điệu sôi nổi: “ Đây gió đây trong rừng….Gió mát nhắc rằng cô em muôn vàn thân yêu có sầu nhớ chi trong lòng”. Đến tiết mục hò, giọng chị dịu xuống tha thiết , nhắn gửi : “ Ơ…Ơ…Mưa sa ướt bụi ướt ngàn, ướt áo em thì em chịu , ướt áo Vệ Quốc Đoàn em thương ơ….ơ….”. Giọng hò dài theo hơi chị, bâng khuâng, đi vào vô tận, đi vào những ngõ ngách tâm hồn sáng như gương của các anh bộ đội. Bộ bà ba đen bó sát, gợn lên bao điều mơ ước trong mắt các anh Vệ Quốc Đoàn. Anh Là học xong trung học, bỏ trường theo kháng chiến. Anh hay làm thơ, viết câu hò địch vận và dựng kịch cho thanh niên thanh nữ trong làng. Mỗi lần bắt được Tây là anh thẩm vấn bằng tiếng Pháp. Anh chơi đàn măng đô lin hay lắm. Những buổi văn nghệ bên đàn bên hát thiệt xứng đôi. Giọng chị Mịn khàn, hát hành khúc hùng tráng quyện trong tiếng đàn réo rắt của anh Là: “Đèo là đèo Ba Rền, băng qua rừng sương, Ai bước đi trên đường dừng chân nơi chiến trường. Đèo vẫn đèo , xa mờ xa, cho tôi nhắn đôi lời gửi về chiến khu. Ai đi vô trong Nam , Ai đi ra Việt Bắc. Đường trường xa lắc, buồn vui mấy lần.”(4)

Chuyện yêu thương giữa anh Là chị Mịn rồi cũng đến tai tổ chức. Anh Là bị kiểm điểm, đổi vào trung đoàn 101 trong Thừa Thiên. Chị Mịn buồn, đau một trận thương hàn gần chết. Từ đó chị không hát hò nữa.

Đường trường xa lắc đưa anh Tha và cả anh Là tập kết ra Bắc. Chị Mịn ở lại làng. Thời đó đã đám hỏi rồi xem như vợ chồng, chị Mịn ở vậy chờ. Ngày tháng qua đi, chị mòn mỏi chờ ngày đình chiến, rồi chờ ngày tổng tuyển cử. Đến tuổi hâm đi hâm lại, qua thì khi nào không biết. Chú Gàn bảo “dáng cao mà giọng đồng thường ế chồng, sát phu”.




Hồi chín năm chú Gàn làm tổ trưởng du kích. Chú giỏi chiến đấu nhưng học chữ quên trước quên sau. Cùng lớp bình dân học vụ, Chị Mịn trình độ lớp nhất, chú Gàn học lui học tới cũng chỉ biết đọc, biết viết báo cáo. Sai chính tả thì chị Mịn sửa. Chú Gàn thuộc lớp bần cố nông, đi giữ trâu cho ông lý trưởng, cha chị Mịn. Chú kể hồi nhỏ, chiều về đưa trâu vô chuồng xong là dắt chị Mịn ra giếng tắm . Da chị ngăm nhưng láng o. Chị hay cười ré lên một lần chú Gàn kỳ cọ chỗ kín. Chú còn kể chỗ kín của chị Mịn có nốt ruồi son, biểu hiện sức lực phụ nữ.
Có đêm chị theo tổ du kích của chú Gàn qua gần đồn Tây bên Thi Ông hò địch vận . Giọng hò chị loang trong đêm tha thiết nhắn nhủ:

Thiếu chi rau mà ăn rau Bát bát,
Thiếu chi bạc mà tiêu bạc Đông Dương
Thiếu chi người thương mà thương bảo vệ
Thiếu chi người tử tế mà lại lấy Tây…

Những tràng súng liên thanh từ đồn bắn ra như mưa, sau loạt súng chị lại từ hầm trồi lên hò:

Nước cạn thiếp xuống sông mò đam , bắt cá,
Nước nậy thiếp lên rừng hái rau má rau mưng,
Khuyên chàng quay súng lại để thiếp vui mừng,
Dù chàng ăn thiếp nhịn , chứ một hai hai một xin đừng theo Tây !

Chàng ra đi Bảo vệ , thiếp ở nhà châu lệ năm canh,
Chàng nghe ai nay dỗ mai dành,
Bỏ giang sơn tổ quốc dạ sao đành chàng ơi!

Đạn lại bắn ra đùng đùng cheo chéo. Chú Gàn ôm chị Mịn vào lòng động viên “đừng sợ, đừng sợ”, lại hò thầm thì vào tai chị Mịn: “Hò cho Tây về nước Tây, hai ta đi cấy đi cày nuôi con”. Chị Mịn sợ, khóc ướt vai chú Gàn. Chú Gàn học chữ không vô nhưng nói lối là ra thơ liền liền.




Chị Mịn ở cùng xóm, thường cõng Bình đi chơi. Chị cõng Bình vừa chạy vừa hô “xung phong…xung phong”. Ôm cổ chị, nghe hương bồ kết thoảng ra từ tóc, Bình thích lắm, cười sằng sặc. Đêm về mơ thấy chị ôm Bình ngồi lên lưng trâu, trâu chạy qua đồng , bơi qua sông. Rồi chị ôm Bình khóc nức lên “ Bình ơi đời chị khổ lắm, chị thương Bình lắm” . Sáng ra, trước khi đi học Bình chạy lên rú, về ghé nhà chị Mịn kể cho chị nghe chuyện chiêm bao khi hôm. Chị Mịn ôm đầu Bình. Bình giúi đầu vào ngực chị, hít hít mùi thơm hơn sữa mạ, rưng rưng.

Mạ kể hồi Bình một tuổi, đi cấy lúa mùa đông gửi Bình cho chị Mịn , mỗi lần Bình khát sữa chị Mịn hay cho bú. Bình đòi bú dù chị không có sữa. Bình mê chị cái gì đó không phải sữa.

Chị Mịn hay tập hát cho Bình. Thường là những bài đồng dao vừa hát vừa làm bộ điệu. Như bài xay lúa Đồng Nai. Chị đối diện bắt tay Bình xô tới kéo lui như xay lúa, rồi hát:

Xay lúa Đồng Nai
Cơm gạo về ngài
Tấm cám về tui.

Hoặc buổi chiều hai chị em đi ra đồng cùng hát bài:

Nghé ơi nghé ọ
Nghé đi theo chị
Được ăn được bú
Nghé đi theo chú
Được nhai rau khoai
Nghé đi theo ai
Cắt tai chắm mắm.

Chú Gàn cũng hay cõng chạy ngược gió Nam, cái chong chóng bằng lá dứa trên tay Bình xoay tít, nhưng không thích bằng chị Mịn. Bình là đệ tử chú Gàn trong chuyện tát cá bẫy chim. Ngóc ngách nào trong làng chú cũng biết.

Chú Gàn hát cho Bình nghe những bài nhạc được cải biên lời. Như bài Đèo Ba Rền, chú hát như sau:

Đèo là đèo Ba Rền, băng qua cái rương. Khi dắt chắc vô buồng mụ cười ôn la.
I xì cái đồ đàn bà, dắt chắc vô buồng cổi quần vắt lên phên.

Chú cười ha ha, vỗ nhịp vào đùi, nhún lên nhún xuống.

Hay là bài “ lời người ra đi”, chú hát:

Ngày nào anh chết đi, em cứ mua cho anh cái hòm. Chôn đàng hoàng. Rằng hết khó cũng đừng lấy chồng, rằng lúa khoai cũng còn vài sào, đừng lo chi cả em ơi.

Con của anh , đứa lên năm, đứa lên ba, đứa đang còn nằm ngả trong nôi, khoan lấy chồng tội lắm em ơi…

Chú nằm vật vã trên cát, hát đi hát lại mấy câu trên, mặt đỏ lên, nước mắt nhiểu ra hai khóe. Bình chẳng hiểu chú khóc cười chuyện chi.

Có lần Bình hát Đèo Ba Rền theo lời của chú Gàn, chị Mịn nghiêm mặt dặn “Bựa ni sắp lên không được đi chơi với chú Gàn, nhất là hát bậy theo chú là chị nghỉ chơi liền”. Bình sợ chị nghỉ chơi, nhưng vẫn trốn chạy dọi chú Gàn mỗi lần chú dắt chó đi săn, hoặc vác ú đi tát cá.




Hết bậc tiểu học, Bình theo gia đình lên tỉnh học trung học. Thành thị không làm Bình quên làng quên xóm được . Nhớ chị Mịn, nhớ chú Gàn quay quắt, cuối tuần Bình đạp xe mười lăm cây số về làng. Ban ngày đi tát cá bẫy chim với chú Gàn, tối về ngủ nhà chị Mịn. Miếng chi ngon chị Mịn cũng để dành cho Bình. Chị Mịn cho Bình ngủ trên tấm phản, mùa hè gió mát rượi. Nhà rộng thênh thang chỉ mình chị ở.

Mùa Đông năm Bình học đệ lục, về làng ngủ nhà chị Mịn. Đang đêm rét mướt bỗng nghe tiếng súng liên thanh từng nhịp ba phát;: “Đùng đùng đùng, hỡi các bạn anh em nghĩa quân, hãy bỏ súng đầu hàng, nếu kẻ nào ngoan cố chống lại thì sẽ bị tiêu diệt, đùng đùng đùng”. Bình sợ run bắn người, ôm mền chạy qua giường chị. Hai chị em ôm lấy nhau mà run. Tiếng súng và lời kêu gọi xa dần rồi im bặt. Chị Mịn nói thì thào: “Việt cộng đó, mai em lên sớm đi”. Chị ôm chặt Bình, cuốn mền lại. Chị kể cho Bình nghe chuyện lính Tây, hồi Bình chưa đẻ. Lính Tây ác lắm, đốt nhà hiếp dâm đủ hết… có người bị cả trung đội hiếp đến chết luôn...

Hơi ấm và mùi bồ kết làm Bình ngất ngây. Bình ngủ thiếp khi nào không biết. Chiêm bao Bình thấy mình đang bú chị, bầu vú sữa căng mọng, chảy tràn ra miệng. Bình nuốt ừng ực từng ngụm sữa, nghe da thịt râm ran kiến bò. Rồi Bình thấy toán lính Tây thằng đen thằng trắng dằn Bình khỏi tay chị, Bình khóc thét lên, cắn chặt núm vú, núm vú đứt vào trong miệng, Bình nhai sừn sựt, đắng ngắt. Mấy thằng Tây đè chị xuống, hết thằng này đến thằng khác hiếp chị. Chị nằm ngửa lõa lồ, hai chân dài màu cua đồng đạp đạp liên tục vào bụng thằng Tây, tay chới với vẫy về phía Bình... Bình la lên ú ớ… Chị Mịn đập vào tay Bình kêu “chi rứa, chi rứa”, Bình choàng tỉnh. Trời sáng tỏ. Hai chị em nhìn nhau thẹn thò. Chị bảo “lên sớm đi kẻo mạ trông”, rồi chị xoa đầu, nhìn Bình buồn buồn: “Lo học cho giỏi, bựa ni đừng về nữa, nguy hiểm lắm. Khi mô rảnh chị lên thăm”.




Năm 1966, một trận chiến xảy ra giữa bộ đội chính quy và lính nhảy dù. Bà con đứng nhìn về làng qua cánh đồng. Hai chiếc phản lực ném bom napan, lửa cuộn lên từng cụm. Từng mái nhà lần lượt bốc khói. Chú Gàn la lên: “Nhà con Mịn cháy rồi”, đến “ nhà thằng Thỉ cháy rồi”. Cả xóm chìm trong ngút ngàn khói lửa. Tiếng súng lớn súng nhỏ nổ rền, chỉ còn nghe tiếng ào ào, đến chiều tối mới dứt. Bà con tản cư bàn tán về số thương vong hai bên, nhà cửa xem như chẳng còn cái nào. Ai cũng lo cho chị Mịn, chị không chịu tản cư.

Bình trốn nhà đạp xe như bay về làng. Quân đội hai bên không còn ai. Mùi tử khí quằn quoại trong từng đợt gió Nam Lào, nhen lại những tàn lửa cháy. Bình và chú Gàn chui xuống căn hầm núp đạn nhà chị Mịn, không thấy ai. Chú gàn buồn buồn, giọng khàn đục: “Rứa là con Mịn đi theo bên tê rồi”. Bình đưa tay áo quệt nước mắt, thầm kêu “chị ơi, chị ơi… Chị đừng chết nghe, em thương chị lắm’.

Từ đó, cả vùng chữ nhất được chính quyền cũ gọi là mất an ninh. Bình không về làng nữa. Mỗi lần nghe đâu đó có xác nữ du kích là Bình hỏi thăm tên tuổi xem có phải chị Mịn không.

Năm 1972, cả thị xã Quảng Trị tan hoang. Bình đậu tú tài rồi bị tổng động viên đi sĩ quan Thủ Đức. Ra trường chọn vùng miền Đông Nam Bộ cho xa làng xóm. Mỗi lần chạm súng, hình ảnh chị Mịn lại hiện về, tay Bình run lên. Hành quân ngang cánh đồng Bình lại nghe cơ hồ giọng đồng chị Mịn đâu đó, khi xa khi gần, não nề da diết:

Nghé ơi nghé ọ
Nghé đi theo chị
Được ăn được bú
Nghé đi theo chú
Được nhai rau khoai
Nghé đi theo ai
Cắt tai chắm mắm

Những buổi chiều, gối đầu lên ba lô nhìn trời làm thơ, Bình cũng không quên hình ảnh chị Mịn:

Bìm bịp kêu mùa xuân trở lại
Tuổi thơ xoay chong chóng đường làng
Vệt trăng non rủ mây trời ở lại
Bóng chị lung linh, luống cải hoa vàng.



*


Sau ngày giải phóng Anh Tha về làng mang theo vợ con từ ngoài Bắc. Chị Mịn vẫn còn con gái, chưa một lần biết mùi đàn ông.

Chị Mịn thường thân thiện với Bình khi chỉ còn hai người. Trước mặt bà con chị khắt khe với Bình lắm. Bà con chia lúa rơm gánh về hết, chị đến gần bên Bình nghiêm giọng:

– Cậu coi chơ lúa mất nhiều lắm. Hôm qua đi họp chị bị phê bình là quản lý địa bàn không chặt.

– Bà con họ đói lắm rồi. Tui cũng biết chuyện xã viên ăn cắp nhưng tui có quyền chi mô.

– Là chị nói rứa. Mình kín đáo bảo ban nhau để trong ấm ngoài êm. Chia lúa rơm còn sống(5} thì tạm được. Nhưng ăn cắp bỏ vô túi là không công bằng, người nhiều kẻ ít, những người tự trọng lại thiệt thòi. Mai chị phải nói rõ điều này với bà con, cậu tuyên truyền trước với bà con đi nghe. Chị biết bà con quý mến cậu mà.

Trời cuối tháng tối đen, gió nồm thổi mạnh. Chiếc đèn dầu tắt ngấm. Hai chị em nói chuyện thủ thỉ. Chị Mịn thở dài:

– Cậu năm ni hai lăm tuổi rồi, lo mà đi hỏi vợ hỏi con đi là vừa.

– Ai ưng mà hỏi. Nông dân ít học thì ba mạ không chịu. Cán bộ giáo viên thì ai dám ưng mình. Chắc tui ở ri cho khỏe.

Gió nồm vi vút. Hai chị em ngồi bên nhau. Im lặng. Tóc chị Mịn bay vướng vào mặt vào cổ Bình nhồn nhột. Chị khoác vai, nói nhỏ vào tai Bình.

– Cậu có oán chị không. Cái ngày dẫn cậu đi cải tạo, chị phải làm mặt nghiêm với mọi người, chắc cậu hiểu chị. Đêm đó về thương cậu quá, khóc thầm cả đêm. Đời chị em mình da diết khúc nôi quá cậu hỷ. Chị hay lén gửi quà lên trại cho cậu, mạ có nói với cậu không.

– …

– Răng cậu im lặng rứa. Cậu khóc à. Con trai không được khóc. Sông có khúc, người có lúc cậu à… hức… hức…

Hai chị em ôm nhau. Nước mắt nhòe trên má nhau. Chị hôn lên má, lên cằm, lên trán Bình. Cuối cùng họ cũng hun mui nhau. Môi họ giựt giựt cảm xúc. Người họ nóng ran lên. Họ quằn quại. Họ rên xiết lăn lộn trên đống rơm. Con trai còn tân, con gái trinh nguyên. Họ say đắm vụng về. Bản năng dẫn họ đi xa. Tình yêu dẫn họ chạy về với ngày xưa: Có giấc mơ bú sữa, có cánh đồng hoang mang tiếng kêu nghé ơi nghé ọ…




Tin chị Mịn có mang lan nhanh cả làng cả xã. Người ta đoán non đoán già về tác giả cái bầu chửa hoang. Người bảo của chú Gàn, người nói anh Tha tiếc của đời bòn cho giòn(6), không ai nghĩ đến Bình. Những bà sồn sồn có dịp để châm biếm, bàn ra tán vào: “Hành hạ người ta nhiều rồi, đến lúc phải trả giá. Gieo chi gặt nấy. Để coi mai mốt họp làng con Mịn trả lời ra răng . Con mụ mần bộ mần tịch chơ còn chi nơi nữa,. Người nớ mà chung thủy với ai…”. Cả tháng nay chị Mịn không ra khỏi nhà.

Một tối Bình lội nước lụt lẻn qua nhà chị Mịn, chị đang ngồi vá áo dưới ngọn đèn dầu. Không ngước lên , chị nói:

– Cậu không nên qua đay mần chi, phiền cho tôi và cả cậu nữa.

Bình ngồi xuống bên, giọng run run:

– Em nghĩ kỹ rồi, hay chị em mình trốn vô Nam đi chị. Ở đó không ai biết mình. Đời sống trong Nam phóng khoáng hơn ở đây, chị nghĩ răng.

Chị Mịn ngước lên , mắt rưng rưng:

– Cậu dám không, khi mô đi.

– Khi mô cũng được, mạ cho em mấy chỉ vàng bảo vô trong Đồng Nai mà lập nghiệp, trong đó lúa gạo nhiều lắm, ở đây đi rà mìn hoài có ngày cũng chết. Em chuẩn bị hết rồi.

– Đồng Nai nhiều lúa gạo. Chị em mình đi xay lúa Đồng Nai. Có tấm có cám cùng ăn cùng sống…hức… hức…

– Dạ, mấy đứa bạn em gửi thư về nói trong đó heo cũng ăn cơm. Ăn chi cũng được, miễn chị em mình thương nhau.

– Nếu đi thì đêm ni đi liền. Tối mai làng họp để kiểm điểm chị. Chị sợ phải trả lời trước bà con lắm, có khi chị nghĩ chết quách cho xong đời.

– Dạ, ba giờ sáng có chuyến tàu. Nên đi sớm hơn, cứ đi như là không hẹn, lên tàu rồi tìm nhau.

Hai bóng đen cách nhau mấy cây số, họ đi lặng lẽ trong đêm, lội bì bõm trong nước lụt những đoạn bị ngập. Trời mưa lắc rắc, tối thui, xa xa le lói ánh đèn những người đi soi cá. Làng xóm chìm đi sau lưng, nhập nhòe sấm chớp.

Chị Mịn mang bầu đi từng bước dò dẫm. Trong bụng chị thằng Bình con đang lớn. Bốn tháng nữa nó sẽ ra đời. Nó sẽ bụ bẫm, sẽ bú chị mạnh bạo như thằng Bình ngày xưa. Nó sẽ năm sáu tuổi, sẽ cầm tay chị cười sằng sặc, chị sẽ đẩy lui đẩy tới hai búp tay có ngấn, hát bài đồng dao thuở ấy. Lần này chị sẽ tập cho con hát bài xay lúa Đồng Nai công bằng hơn, không như đời chị. Chị sẽ dạy con là: “Cơm gạo ăn cùng, tấm cám chia chung”… Nó sẽ bảy tám tuổi, nó sẽ chạy theo chị như con nghé, hát bài nghé ơi nghé ọ... Cha con nó sẽ theo chị suốt đời.



Nguyễn Đặng Mừng



(1) Trâu ỉa.

(2) Hôn nhau bằng môi.

(3) Một điệu nhảy của các anh vệ quốc đoàn với thôn nữ thời kháng chiên chống Pháp.

(4) Một bài hát chưa rõ xuất xứ, thường được hát ở vùng quê tôi trong thời kháng chiến chống Pháp. Có lần tôi hỏi, nhạc sĩ Phạm Duy cũng không biết. Trước đây tôi cứ tưởng của Phạm Duy hay Trần Hoàn mà không phải. Vị nào biết xin chỉ bày.

(5) rơm còn dính nhiều lúa.

(6) Kiếm thêm , tìm thêm kẻo uổng.
READ MORE - Nguyễn Đặng Mừng

Monday, October 6, 2008

HỒ SĨ BÌNH - LÊ ĐỒI THIÊN AN




LÊN ĐỒI THIÊN AN

Chiều nay em lên đồi cao
tìm mùa thu cũ
những trái thông khô đã thành quá khứ
cả ngọn gió xạc xào
cũng rủ nhau đi
em chờ mãi
nghe tiếng mùa đi thổn thức
dưới dấu chân mình vương vấn một loài hoa
nghe tiếng đập giữa hồn sâu thẳm
cứ thầm thì như cỏ biếc ngày xưa
em muốn phân bua
đắm mình cùng mộng tưởng
muốn giữ lại những bóng hình không thể giữ
như hoa sim hoa mua đâu nở trái mùa

ơi bé nhỏ một thời xa ngái
cứ hồn nhiên nhìn mây trắng ngang đầu
tóc vẫn ngắn như ngày xưa tóc ngắn
hương vẫn thầm như hương của chiều xa
ngồi đối bóng vàng rơi màu lá nhạt
mai mốt về
ngồi kể chuyện thiên an


Một số sáng tác khác:
(Bấm vào tựa bài để xem)

Gam màu vàng đỏ của Bằng
Họa sĩ Hoàng Đặng, đời vẽ tôi tên mục đồng
Họa sĩ Trần văn Mảng, những gì xưa cũ..."
Nguyễn Ngọc Hưng, từ một góc trời...
Bê thui cầu mống, danh bất hư truyền
Nơi dừng chân giữa đại ngàn
Gỏi cá Nam Ô
Con trâu của chú Sửu
Rượu làng chuồn
Nếp làng xưa ở hạ nguồn Hương Giang"
THƠ HỒ SĨ BÌNH
READ MORE - HỒ SĨ BÌNH - LÊ ĐỒI THIÊN AN

Sunday, October 5, 2008

Phan Quang

Tên thật: Phan Thanh Diêu

Năm sinh: 1928

Nơi sinh: Quảng Trị

Bút danh: Hoàng Tùng, Vị Hoàng, Yên Thanh, Hoàng Xá

Thể loại: Truyện, ký

Các tác phẩm:

Đất rừng (1955)

Hẹn cưới (1956)

Mùa xuân (1956)

Đất nước một dải (1975)

Một mình giữa đại dương (1984)

Chinh phục Hymalaya (1987)






Một Mình Giữa Ðại Dương



Tình cờ anh có dịp được làm người giạt tàu thật sự trước khi làm người đắm tàu tự nguyện. So với những gian khổ anh sẽ phải chịu đựng về sau, trong thời gian hơn hai tháng một mình phiêu giạt giữa Đại Tây Dương, chuyện không may này chỉ là trò đùa. Nhưng nó là một cơ hội tốt cho anh kiểm tra một chi tiết trong luận án của mình, nhỏ thôi nhưng cực kỳ quan trọng, vì nó nâng cao lòng tin của anh vào khả năng của con người sống còn trên biển. Một chiều
Chủ nhật vào tháng chín cùng năm ấy, một người bạn thể thao từng có dịp cùng anh tham gia một cuộc thi bơi qua eo biển Măng-sơ gọi dây nói mời anh cùng làm một chuyến dạo trên biển. Chả là anh bạn đang lái thử một loại xuồng cấp cứu mới chế tạo, có máy đẩy. Khoảng bốn giờ chiều, hai người rời bờ biển trên chiếc xuồng cao su. Biển lặng. Trời đẹp. Cảnh vật ấy làm anh bạn chợt nảy ý kiến :

“Này, hay là chúng mình đi quá sang Phon-xtăn chơi đi". Phon-xtăn là một thị trấn nhỏ trên bờ biển nước Anh, hai người vẫn thường qua lại như cơm bữa. A-lanh gật đầu. Thế là chiếc xuồng quay mũi hướng bắc tây bắc. Nhưng về chiều, sóng gió bỗng mạnh lên. Hai người vẫn cho chiếc xuồng con cập bến Phon-xtăn an toàn dưới ánh sáng các ngọn đèn biển. Thời tiết mỗi lúc một xấu hơn. Hoá ra có một cơn bão vừa hình thành ở biển Bắc mà hai anh không theo dõi. Sáng hôm sau, sóng to gió lớn. Mọi người đều thấy ra biển lúc này với chiếc xuồng con thì quả là chuyện điên rồ. Đành phải chờ thôi. Song chờ đến tối gió vẫn chưa dịu bớt. Mà anh thì phải có mặt để trực ở bệnh viện. Mặc cho bạn bè can ngăn, chín giờ sáng hôm sau, hai chàng trai cứ đẩy xuồng khỏi bến giữa lúc sóng lớn chưa ngừng. Kể cũng phiêu lưu thật đấy. Nhưng, xét về một mặt nào có liên quan đến cuộc thực nghiệm lớn mà anh đã bắt đầu ôm ấp trong đầu, thì chuyện phiêu lưu này cũng có mặt hấp dẫn của nó. Có người đắm tàu nào được phép chọn thời tiết đâu, anh nghĩ. Hơn nữa, chính vào những lúc mưa ngập sóng dồn thì mới nên đưa ra thử thách những loại phương tiện cấp cứu mỏng manh như chiếc xuồng cao su mà nhà chế tạo định cho sản xuất hàng loạt và tung ra thị trường. Biển vắng teo, mặc dù Pa đơ Ca-le ngày thường là một tuyến giao thông đường thủy cực kỳ tấp nập. Nhiều lần hai chàng trai suýt bị sóng vùi, nhưng lần nào chiếc xuồng cũng bám biển. Đến sáu giờ chiều, nó mới cập được bờ. Cuộc đi thử thành công.

Trên bờ biển nước Pháp, một người đàn ông chờ sẵn. Đó chính là một nhà chuyên môn nổi tiếng về cấp cứu đường thủy. ông bạn mới này, một người quốc tịch Hà Lan, gợi ý sẽ cấp cho anh học bổng để làm nghiên cứu sinh ở một viện hải dương học, nhằm tạo điều kiện cho anh hoàn thiện lý thuyết về khả năng sống còn của những người gặp nạn đắm tàu. Anh sẽ tìm hiểu vấn đề ăn uống của người đi biển. Sau đó cả ba người: A-lanh, người bạn thể thao và nhà chuyên môn này, sẽ cùng ra biển, cùng sắm vai những người đắm tàu. Kết quả công trình tập thể của họ sẽ là một đóng góp giúp cho những ai sau này chẳng may đắm tàu tránh được tuyệt vọng. Mọi chi phí sẽ do ông bạn mới đài thọ. Ba người nhất trí chọn Viện hải dương học Mô-na-cô làm nơi anh sẽ đến xin nghiên cứu. Chuyến ra biển sẽ thực hiện vào khoảng cuối năm, sau khi anh hoàn thành phần công trình trong phòng thí nghiệm.

Trước khi đi Mô-na-cô, A-lanh và người bạn thể thao rủ nhau cùng sang Anh dự đám cưới một người bạn gái. Một ngày đầu tháng mười, vẫn trên chiếc xuồng cao su ấy, hai người bạn được giao dùng thử một loại máy đẩy mới ra xưởng. Vừa ra khỏi bờ chừng ba hải lý thì máy hỏng. Vì chỉ dự định làm một cuộc đi ngắn, chiếc xuồng không mang theo buồm sự phòng hoặc phương tiện chèo chống nào khác. Thế là đành để mặc cho gió giạt, tới đâu thì tới. Mùa ấy, gió bắc đông bắc thổi đều đều. Chiếc xuồng con lênh đênh suốt hai ngày ba đêm. Gió đẩy nó ra xa bờ đến mức không nhìn thấy đất liền. Nhưng hai người vẫn yên tâm vì biết rõ bờ biển nước Pháp khúc này lõm vào theo hình cánh cung, cứ để gió giạt theo hướng này thế nào rồi cũng sẽ gặp lại đất liền. Mãi đến chín giờ sáng ngày Thứ ba, kể từ hôm ra đi, hai anh mới được một chiếc tàu đánh cá cứu. Suốt hai ngày ba đêm, người bạn cùng đi không uống một giọt nước. A-lanh thì mỗi lần quá khát, lại nhấp một ngụm nước biển. Anh tin rằng uống nước biển với lượng ít như vậy chẳng có hại gì cho cơ thể. Về thức ăn, may mắn sao, trên xuồng tình cờ có nửa ki-lô-gam bơ. Hai người nhấp nháp tí chút, nhưng loại thức ăn này không thể thay thế nước giải khát. Leo lên tới chiếc tàu đánh cá, người bạn nốc một hơi liền cả một vò nước ngọt. Ngỡ mình đang thèm nước, anh cũng định làm như bạn. Nhưng, vừa uống được vài ngụm, tự nhiên anh dừng. Không phải anh khát thật, mà chỉ có cảm giác khát thôi. Quả vậy, nhờ có uống từng ít nước biển một, cơ thể anh không bị mất nước, do đó không cần nhiều. Thì ra yếu tố tâm lý tác động sâu sắc tới cơ thể, tạo ra những cảm giác và nhu cầu giả tạo. Sự việc không may ấy chẳng làm cho sức khoẻ hai chàng trai giảm sút. Họ vẫn còn đủ tươi tỉnh lao ra sân bay kịp sang Anh dự lễ cưới bạn. Hậu quả duy nhất của tai nạn ấy là anh bị các nhà chức trách duyên hải gọi đến chất vấn và dọa đưa ra tòa truy tố về tội dám ra khơi mà không xin giấy phép. Sự kiện nhỏ nhặt này về sau suýt nữa biến thành một trở lực thật sự có khả năng làm hỏng cuộc thực nghiệm của anh ngay trước khi nó được tiến hành.

PHAN QUANG


http://maxreading.com/?chapter=8072



BÀI VIẾT LIÊN QUAN ĐẾN PHAN QUANG

Đọc Bên mộ vua Tần của Phan Quang
06/08/2004



Phan Quang là tác giả (và dịch giả) của hơn 25 cuốn truyện, ký, tiểu luận, chân dung văn học và báo chí đã xuất bản 50 năm qua (từ 1954 - 2004).


Một số tái bản nhiều lần như: Một mình giữa đại dương, hoặc Đồng bằng sông Cửu Long. Bản dịch Nghìn lẻ một đêm của ông in đến lần thứ 18. Gần đây, qua tập Bên mộ vua Tần, NXB Thuận Hóa, quý II-2004, nhà báo kỳ cựu Phan Quang tập hợp 17 bài ký về đất nước Trung Hoa bao la qua các địa danh nổi tiếng: Bắc Kinh, Thiên Tân, Thẩm Dương, Thiểm Tây, Tây An, Giang Tô, Nam Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Tô Châu, Quảng Châu, Tứ Xuyên, Trùng Khánh...

Nơi đâu ông cũng tìm gặp "dấu tích một nền văn hóa". Nhất là khi dấu tích đó gợi lên mối liên hệ xa gần tới văn chương nước ta. Ông cảm nhận những giao lưu và tác động đậm đà giữa hai nguồn văn hóa trong dòng chảy ngọt ngào và sống động của lục bát Việt Nam: Triều đâu nổi tiếng đùng đùng. Hỏi ra mới biết rằng sông Tiền Đường. Hiện tượng triều dâng, xua nước sông chảy ngược và tạo nên sóng lớn dữ dội ở cửa sông Tiền Đường tỉnh Chiết Giang là "đặc biệt hùng tráng và ngoạn mục. Ngọn triều lớn nhất trong năm xảy ra vào dịp Trung thu nên người thành phố Hải Ninh (Chiết Giang) tổ chức "Ngày hội quan triều (xem triều" hằng năm, tới nay hội này thành điểm cao của mùa du lịch". Ông đến Hải Ninh dự ngày hội ấy, cùng mấy vạn người đổ về cửa sông Tiền Đường, để "đón triều lên" theo dự báo. Đúng là triều đến, với làn sóng trắng đục hiện lên rất xa, vắt từ bờ này sang bờ kia. "Quang cảnh hùng vĩ ấy diễn ra gọn trong mười một phút" (Triều sông Tiền Đường). Những cảm xúc khác được Phan Quang ghi lại qua: Tây Hồ mùa thu, Nhà cũ Lỗ Tấn, Đường vào đất Thục… Trong đó, Trầm ngâm bên mộ vua Tần, theo chúng tôi, là bài ký sâu lắng nhất toàn tập. Bài này nhắc đến Tần Thủy Hoàng khi sống cất quân thôn tính sáu nước, lập nên đế chế phong kiến đầu tiên ở Trung Hoa, khi già lại phải chịu thất bại trước luật sinh tử, dầu đã phái người "lên núi xuống biển tìm thuốc trường sinh, song cái chết vẫn là cái chết, nó không nể vì quyền uy". Đối mặt với thực tế đó, Phan Quang trở nên "trầm ngâm trước sự nhỏ bé về tầm vóc, về sự ngắn ngủi trong đời sống con người… so với chiều dài lâu của lịch sử và sự trường tồn của nhân dân".

Giao Hưởng

www4.thanhnien.com.vn/Vanhoa
READ MORE - Phan Quang

MẸ TÔI - Tản văn của Mai Lĩnh




Mẹ tôi
Mai Lĩnh

Người thầy đầu tiên, người đã giáo dục tôi làm người là một phụ nữ mù chữ. Đó là mẹ tôi. Càng lớn khôn, từng trải, tôi càng nghiệm ra mẹ là người-thầy-suốt-đời của tôi. Ơn sinh thành tựa trời biển, ơn dưỡng dục càng lớn lao vô vàn.

Mẹ tôi sinh ra trong một gia đình nông dân ở vùng quê nghèo ven sông Hồng, bên bờ Hát Giang - một con sông chỉ còn lưu lại tên tuổi trong sách vở - đã bao đời sống nhờ lúa, ngô, khoai. Mẹ tôi không được học hành, không biết lấy một chữ trong quyển Tam tự kinh, không ráp được vần với những con chữ A, B, C… trong sách quốc ngữ; mẹ tôi chỉ được học làm người bằng lời dạy của cha ông và tiếp thu kiến thức qua những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ trong kho tàng văn học dân gian. Thế thôi.

Vậy mà cuộc sống lặng lẽ, giản dị của bà lại thể hiện bao điều mà tôi đã mất thì giờ tìm tòi, nghiền ngẫm những điều tưởng như cao siêu trong sách vở.

Không một lời răn nào cho con cái về nền nếp, gia phong, không một lời khuyên các con về ý thức trong quan hệ gia đình và xã hội, nhưng cách sống của mẹ tôi đã giúp con cái hấp thụ những bài học từ tấm gương của bà. Một tấm gương về đức "nhẫn" và hạnh “trên kính, dưới nhường”.

o0o

Những thành tựu khoa học, kỹ thuật luôn hứa hẹn đem lại cho loài người một cuộc sống văn minh, một xã hội công bằng. Lao đầu vào học tập để mong có một cuộc sống khá hơn về nhiều mặt so với thế hệ cha ông là điều biết bao thanh niên hằng mong, ấp ủ. Rồi lại lao vào đời với những tính toán khôn ngoan để giành phần thắng trong cuộc sống, hầu mong đạt sở nguyện hay lấp đầy tham vọng. Đến một lúc nào đó, bỗng dưng người ta thấy hụt hẫng khi nhìn lại mình.

Mỗi lần như thế, tôi lại chợt nhớ đến hình ảnh người mẹ suốt đời lặng lẽ sống, lặng lẽ hy sinh. Hy sinh cho gia đình, cho chồng, cho con dường như là lẽ sống, là cách để bà vượt lên trên những hỷ nộ ái ố trong cuộc nhân sinh. Hy sinh - đó là từ tôi nói về mẹ - nhưng tôi chắc một điều là chính bà không hề nghĩ đến chuyện hy sinh mà coi đó như một lẽ thường, cái lẽ sống không cần phân tích, lý giải; và biết đâu, bà đã tìm thấy hạnh phúc của người “tri túc”. Điều này thật không dễ nhận ra.

Mẹ tôi đã sống giản dị đến mức tẻ nhạt, nhưng tôi đồ rằng không dễ dàng để có thể sống như thế. Phải chăng, văn hóa nông thôn Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - mà ngày nay chúng ta thường nhìn về thời ấy với vẻ thương hại, tội nghiệp cho sự lạc hậu của xã hội ngày ấy - đã tạo ra cái hạnh sống giản dị như mẹ tôi? Có thể bà đã không thể sống giản dị như thế nếu được học hành và đọc được những tư tưởng, học thuyết trong sách từ Khổng, Lão... đến Marx, Engels hay Sartre, Heghen, Krisnamurti, Hermann Hesse v.v...

Mọi thứ triết lý ấy chỉ có tác dụng để cho con người cãi nhau suốt đời, chẳng ai chịu ai... để thỏa mãn cái sân si "chỉ mình tôi đúng" của con người. Chưa kể chuyện người ta nhân danh "triết lý", "chủ nghĩa" này nọ để xúi đồng loại giết nhau vì không chịu quy phục.

Cập tuổi lục tuần, mồ côi mẹ gần 30 năm rồi, tôi như vẫn bơi giữa biển u mê về cái lẽ sống đơn giản của mẹ tôi. Thêm một mùa xuân, lại thêm một tuổi, tôi viết những dòng này như một nén hương tưởng nhớ mẹ với sự hổ thẹn của một người con - vẫn tưởng là mình may mắn hơn mẹ - vì từng được cắp sách đến trường.


(Nha Trang - Xuân Ất Dậu)






XEM TIẾPPhoto Gallery 1
READ MORE - MẸ TÔI - Tản văn của Mai Lĩnh