Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, September 6, 2008

Chuyện ít biết về nhà thơ Dương Tường

Chuyện ít người biết về nhà thơ Dương Tường,
thủ lĩnh nhóm văn nghệ Nguồn Hàn

Ngô Minh

Viết lại câu chuyện về nhà thơ Dương Tường- người thủ lĩnh trẻ, năng nổ của Nhóm Văn nghệ Nguồn Hàn, Quảng Trị, tôi muốn nói đến một điều tâm huyết với thế hệ trẻ hôm nay: Có một nhà thơ trẻ là Dương Tường đã sống, chiến đấu và làm thơ ở chiến trường hết lòng như thế…

1. Nguồn Hàn tức là nguồn sông Thạch Hãn chảy về Thành Cổ Quảng Trị. Chẳng thơm cũng thể hương đàn / Không trong cũng thể nước Nguồn Hàn chảy ra. Người Quảng Trị khi nói về quê hương mình đều ngâm ngợi câu ca dao ấy, vừa tự hào, vừa như là một lời nhắc nhở nhau sống trong sạch, cho thơm. Nhắc đến Nguồn Hàn, người Quảng Trị yêu văn chương còn nhắc mãi một tổ chức Văn nghệ cách mạng gọi là Nhóm văn nghệ Nguồn Hàn ra đời năm 1949, nhưng đã manh nha tại Ba Lòng từ năm 1947. Nhóm văn nghệ sôi động một thời ấy gồm những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của đất nước như Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Hồng Chương, Trường Sinh (Thiếu tướng Lê Chưởng, chính ủy Trung đoàn 95), Lương An, Vĩnh Mai, Lê Tri Kỷ;... về sau còn có thêm nhà văn Nguyễn Khắc Thứ (người nổi tiếng với ký sự Trận Thanh Hương), Tấn Hoài... Hoạt động của Nhóm Nguồn Hàn còn được sự cộng tác gần gũi của các nhà văn như Văn Tô (Hải Bằng), Bửu Tiến, Trần Thanh Địch, Gia Ninh... Điều đặc biệt nhất là “lãnh đạo” các nhà văn lừng danh ấy lại là một tài năng thơ còn rất trẻ. Đó là Nhóm trưởng Nguồn Hàn - nhà thơ Dương Tường.

Ông mất ngày 24/6/1953, khi mới hai mươi sáu tuổi đời. Nếu ông còn sống thêm vài ba chục năm nữa, chắc thơ văn và tên tuổi cũng không kém gì các bậc đàn anh trong nhóm! Năm mươi tư năm rồi, nhiều thế hệ đã lớn lên trên quê hương, nhưng nhắc đến Dương Tường, nhiều người vẫn nhớ những bài thơ dân dã mà gan ruột của ông một thời máu lửa như “Tiếng cây dương Mỹ Thủy” viết về vụ giặc Pháp tàn sát hơn ba trăm đồng bào làng Mỹ Thủy, Hải Lăng tháng 3/1947: “Trên sống biển ì ầm/ Ba trăm ngôi mộ mới/ Trong mưa chiều lâm thâm/ Nhà nào vắng đèn nhang/ Đầu nào không khăn trắng...”; hay những bài thơ “Về làng”, “Giữ mùa”, “Cây bí dân quân”. Vv...: Tầng tầng cây bí bò quanh/ Lá xanh nhìn lại thêm xanh mắt người/ Bông vàng như chén rượu mời/ Mẹ già giục hái gửi người bát canh...” (Cây bí dân quân). Thơ Dương Tường bắt nhịp được với cuộc sống kháng chiến, sốt sắng mà chứa chan, lại rất chịu khó chắt lọc ngôn ngữ, hình ảnh để tạo cho mình một giọng thơ riêng. Viết về cuộc chiến đấu của những người dân quê Vĩnh Linh của ông chống giặc cướp lúa, câu thơ như nghẹn lại: Giặc đóng Xuân Hoà/ Giặc rình Ba Dốc/ Cay đắng mấy mùa qua/ Ruộng đồng căm uất/ Lúa theo xe rưng rưng hàng nước mắt. Bài “Về làng” có những câu thơ rất ám ảnh về hiện đại: Buổi ra đi ai ngắt ngọn tre cồn/ Mắt rớm máu quay nhìn lưng lẻo/ Khối lang cháy bay theo người thất thểu; Hay “Người hò trâu trên cánh đồng nhớ Chúa” (Nhớ về); Đêm chợt tỉnh mơ lầm mãi cũ (Về làng)... Đọc thơ văn ông để lại, quả thực Dương Tường là một tài năng thơ. Bởi thế, dù hy sinh khi còn rất trẻ, khi thơ ca mới phát lộ, nhưng thơ Dương Tường vẫn được tuyển vào rất nhiều tuyển tập thơ Cách mạng Việt Nam, thơ miền Trung hàng chục năm nay. Nhất là thơ ông vẫn được nhiều người yêu thơ ở Quảng Trị, miền Trung nhớ nằm lòng...

2. Tôi là người hậu thế, nhưng cũng thuộc rất nhiều thơ ông. Cuộc đời trôi dạt đã đưa tôi về với Huế, được sống gần gũi với những người ruột thịt của nhà thơ Dương Tường, thủ lĩnh Nhóm văn nghệ Nguồn Hàn xưa. Nên, những câu chuyện tôi kể đây có lẽ ít người biết. Câu chuyện sẽ lý giải vì sao Dương Tường “phập cuộc” cách mạng sớm và thơ nồng cháy tình yêu nước, thương dân như thế. Nhà tôi ở ngay cạnh nhà của nhà báo già Nguyễn Xuyến, vợ là Dương Thị Chanh từ hơn hai chục năm nay. Ông bà hiện đã tám mươi tư tuổi, nhưng vẫn rất minh mẫn. Ông Nguyễn Xuyến vẫn viết báo bằng máy chữ lóc cọc mỗi ngày, bà Chanh vẫn sinh hoạt chi bộ Đảng. Hai ông bà vẫn chở nhau đi phố bằng xe máy. Ông Nguyễn Xuyến là bạn thân, bạn thơ, lại học cùng trường với Dương Tường tại trường Lycéum Việt – Pháp (Trường Nguyễn Tri Phương hiện nay) ở Huế từ năm 1940 đến 1945. Dường Tường và Nguyễn Xuyến đều là học trò tập tọng làm thơ nên rất thân nhau. Còn bà Dương Thị Chanh là chị em ruột của Dương Tường. Trong nhà có sáu chị em, bà Chanh là thứ ba, Dương Tường là thứ tư. Hiện trong nhà ông bà có bàn thờ “cậu” Dương Tường.

Bác Nguyễn Xuyến kể, Lycéum Việt – Pháp là trường tư do ông Lafferrandrie, nguyên Giám đốc Giáo dục Trung Bộ lập, tuyển học trò từ nhiều tỉnh, mà toàn là người giỏi, nhiều người nổi tiếng sau này như Cao Xuân Hạo, Bùi Giáng (Quảng Nam), Tôn Thất Đính (Huế - là Trung tá quân đội Sài Gòn, người đã đưa toàn bộ Trung đoàn của mình về với Quân giải phóng ở đường 9 năm 1972...), Nguyễn Xuyến ở Bình Định... dạy học ở trường Lycéum Việt – Pháp này cũng là những người rất nổi tiếng, tên tuổi của họ đến nay vẫn còn lẫy lừng đất nước. Đó là nhà văn hóa Hữu Ngọc, các nhà thơ nhà văn Đoàn Phú Tứ, Thanh Tịnh, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, họa sĩ Nguyễn Đức Nùng, Hoàng Dư (bố giáo sư Hoàng Tuy), Lê Chí Viễn, Nguyễn Lân, Nguyễn Văn Bổng, Cao Xuân Huy... Thầy như thế làm sao mà trò không giỏi được!

Trong lớp, Dương Tường học giỏi cả về xã hội và tự nhiên. Nhưng được bao nhiêu nhà thơ tài hoa như Chế Lan Viên, Đoàn Phú Tứ... truyền cho cái hay, cái đẹp trong những bài thơ và gợi nên những cảm hững mới về tình yêu đất nước, nên Dương Tường đã chọn con đường văn chương. Dương Tường say làm thơ từ đó. Thầy Phan Ngọc Hoan (Chế Lan Viên) tuy là thầy, nhưng hơn trò chỉ bảy tuổi, nên phát hiện ra khả năng thơ Dương Tường, thầy Hoan coi Tường như bạn thơ. Vì hồi đó tài thơ rất hiếm hoi. Dương Tường làm được bài thơ nào đều đưa cho tác giả Điều tàn đọc và nhận xét. Nhờ đó thơ Dương Tường “lên tay” rất nhanh. Học mấy năm, Dương Tường tốt nghiệp Thành Chung, tức diplôme (còn gọi là Cao đẳng tiểu học). Năm 1945, tốt nghiệp bằng Thành Chung, gặp không khí cuốn hút của Cách mạng Tháng Tám, Dương Tường đã tham gia làm báo Chiến sĩ của bộ đội ta ở Huế do ông Ngô Điền làm tổng biên tập (Ngô Điền sau này một thời gian làm Đại sứ Việt Nam tại Cămpuchia). Sau này ra chiến khu Ba Lòng, vừa làm Nhóm trưởng Nhóm Văn nghệ Nguồn Hàn, Dương Tường còn tham gia biên tập báo Tháng Tám của Ủy Ban Mặt trân Liên Việt tỉnh Quảng Trị.

Tháng 12/1946, Dương Tường rủ bạn thơ Nguyễn Xuyến về quê mình chơi. Quê Dương Tường ở làng Cương Gián, xã Vĩnh Liêm, Vĩnh Linh (nay là xã Trung Giang, huyện Gio Linh) bên bờ năm sông Hiền Lương. Làng Dương Tương là một làng đánh cá. Bố Dương Tường là ông Dương Đắc Cẩm, là thầy thuốc bắc nổi tiếng trong vùng, người bệnh từ Hải Lăng, Lệ Thủy, Đồng Hới... thường tìm đến ông thăm bệnh, cắt thuốc. Nhà giàu, tòa ngang, dãy dọc, nên ông có cả một đoàn thuyền đánh cá cho bà con trong làng thuê. Ở trên cát nhưng ông thuê người gánh đất ruộng về làm nền nhà, để làm vườn trồng cau, mít, thơm. Nhà giàu, nhưng ông Dương Đắc Cẩm lại chống Pháp, ủng hộ cách mạng, ông bị Quan Huyện Vĩnh Linh bắt quản thúc mấy lần. Ông có sáu người con, hai đứa con Dương Tường và Dương Thị (con út) là liệt sĩ. Ông bà mất khi Dương Tường mới 8 tuổi.

Về chơi nhà Dương Tường chuyến ấy, Nguyễn Xuyến đã bị cô gái chị Dương Tường là Dương Thị Chanh hớp hồn. Tấm ảnh bà Chanh chụp lúc trẻ treo ở nhà bây giờ đẹp như hoa hậu. Dương Tường rất ủng hộ bạn, nên anh tích cực vận động chị Liền, chị thứ hai, lúc này đang cai quản gia sản, cho hai người nên duyên. Nên mặc dù quê Nguyên Xuyến ở mãi Bình Định xa xôi, chị Liền vẫn đồng ý. Hai người chưa kịp cưới thì mặt trận Huế vỡ, tất cả phải sơ tán ra vùng tự do Nghệ Tĩnh. Hai người Xuyến và Chanh định dắt nhau đi, nhưng Dương Tường khuyên: “Anh nên đi trước, chị đi sau để địch khỏi phát hiện”. Cuối cùng hai anh chị gặp nhau ở huyện Anh Sơn, Nghệ An, cùng đến Tòa án huyện xin “Truy trước giá thú” (ngôn từ cũ của ngành tòa án, thay giấy đăng ký kết hôn, do không làm trước, nay truy lại). Thế là hai người thành vợ thành chồng sáu mười một năm nay... Bác Nguyễn Xuyến tâm sự: “Nếu đợt ra Cương Gián chơi ấy, mình không dính đến chuyện tình yêu, có lẽ mình cũng đi làm thơ, viết báo với Dương Tường rồi”. Còn Dương Tường, sau khi chia tay bạn và chị, thì lên chiến khu Ba Lòng làm công tác Thanh niên Cứu quốc của tỉnh Quảng Trị, làm thơ, viết báo, rồi sau chuyển sang làm công tác văn hóa văn nghệ, đảm nhận nhóm trưởng Nhóm văn nghệ Nguồn Hàn. Sau này đổi tên là Phân hội Văn nghệ Quảng Trị, Dương Tường vẫn được anh em tín nhiệm làm Phân hội trưởng. Do mặt trận Huế vỡ, nên các nhà văn nhà thơ trước đây là thầy giáo của Dương Tường ở trường Lycéum Việt – Pháp Huế đều chạy ra vùng tự do Khu Bốn. Riêng Chế Lan Viên tình nguyện ra nhập Nhóm Nguồn Hàn, có lẽ vì ông biết ở đây có người học trò cũ giỏi thơ của mình là Dương Tường. Chế Lan viên đã được kết nạp Đảng vào thời gian này và nhà thơ đã xúc động sáng tác bài thơ “Kết nạp Đảng trên quê mẹ”. Đây cũng là một dấu ấn khó quyên của Nhóm Văn nghệ Nguồn Hàn.

Cố nhà thơ Lương An, một thành viên trong nhóm Nguồn Hàn, sinh thời kể rằng, “cuộc họp Ban thành lập Nhóm Văn nghệ Nguồn Hàn dưới một lùm cây ở Hà Vụng. Dương Tường đứng giới thiệu vở kịch ngắn “Ngọn đèn” và ngâm mấy bài thơ của bạn, của mình mới viết. Giọng anh ngâm thơ lôi cuốn đến độ không mấy ai chú ý đến tiếng máy bay giặc đang oanh tạc một vùng gần đó. Nghe xong thơ mới đi ẩn nấp. Rồi những ngày họp trại Bình Trị Thiên ở Cùa, Dương Tường ở trong ban chỉ đạo nội dung, công việc túi bụi, vẫn không quên vai chủ nhà, mang xắc cốt vào làng lo cho anh em có thêm chút ít thịt rừng bồi dưỡng...” (Tuyển tập Lương An- NXB Thuận Hóa 2004)

3. Theo mô tả của bác Nguyễn Xuyến, thì Dương Tường người cao to, khỏe mạnh, tóc xoăn, rất đẹp trai, lại có giọng ngâm thơ lên bổng xuống trầm hút hồn người, nên được rất nhiều cô gái mê. Và Dương Tường cũng là một người mê gái, đi đâu cũng làm thơ tình tặng các cô gái xinh đẹp. Theo cố nhà thơ Hải Bằng, “so với các nhà thơ Bình Trị Thiên thời ấy, Dương Tường là nhà thơ làm thơ tình nhiều nhất”. Âu đó cũng là cái “bệnh” của “Nòi thi sĩ” xưa nay. Ở chiến khu Ba Lòng thời đó có một đội văn công của tỉnh, trong đó cô gái xinh đẹp tên là Tân Nhân (sau này là NSƯT Tân Nhân), là “ca sĩ” của đội. Không ai còn nhớ chị Tân Nhân quê Quảng Trị hay ở đâu, nhưng chuyện Dương Tường và Tân Nhân “mê” nhau thì cố nhà thơ Lương An, nhà thơ Nhất Lâm (lúc đó là liên lạc viên của huyện đội Triệu Phong, cũng ở Ba Lòng) đều kể. Hai người yêu nhau một thời gian dài. Hồi đó Dương Tường hay đi công tác xuống các làng quê vùng Triệu Phong, Hải Lăng, Thành Cổ Quảng Trị, như Mỹ Thủy, Hải An, Bích La Đông, Chợ Cạn, Ngô Xá, Gio Hải bên kia Cửa Việt... Đó là những chuyến đi vận động quần chúng chống Pháp, cũng là đi thực tế sáng tác. Các làng quê nay ai cũng yêu mến Dương Tường. Đến làng quê nào anh cũng có người mẹ, người em gái, cây bí, cây bầu riêng của mình. Và tất cả hình ảnh đều vào trong thơ anh. Trong một chuyến đi về Thành cổ, Dương Tường đã phát hiện ra một gia đình có ba chị em gái rất xinh đẹp và tiểu thơ đài các tên là Phấn, Phác, Ủy... Đó là nhà ông Bát Khư, cháu nội của quan Thượng thư triều đình. Dương Tường say mê cô thứ tên là Lê Thị Như Phác. Nghe nói các nhà thơ Nguồn Hàn như Chế Lan Viên, Lương An, Vĩnh Mai cũng thường lui tới gia đình này, không biết phải vì các người đẹp không? Dương Tường là thơ tặng Phác: Gặp em gánh nước bờ sông/ Gặp em cười giữa vườn bông mẹ già/ Nhịp cầu ai bắc ta qua/ Nhớ nhau tối ấy tìm nhà tản cư/ Em còn giữ mấy bức thư/ Thư dài vẫn sót điều chưa dặn dò/ Bính Đông có chợ có đò/ Tình ta có chốn hẹn hò em ơi... Thế rồi hai người yêu nhau. Có thời gian Dương Tường về Bích La sống trong nhà ông Bát Khư như một đứa con. Sinh thời nhà thơ Hải Bằng kể rằng, những năm 1950-1951, anh lính trung đoàn 101 rồi Trung đoàn 95, nên ra ở Ba Lòng rất lâu, lại đi khắp tỉnh Quảng Trị. Nhà thơ Hải Bằng gặp Dương Tường tại cuộc họp gặp mặt Văn nghệ Nguồn Hàn ở Ba Lòng năm 1950, sau đó có lần Hải Bằng đã về Bính La tìm Dương Tường và đã “gặp Dương Tường đang sống ở nhà o Phác”. “O Phác hỏi: - Răng anh biết anh Tường ở đây mà tìm đến?”. Hải Bằng trả lời: “- Cứ đọc cho thuộc lòng bài thơ Dương Tường làm tặng o thì o ở đâu, trên trời dưới biển gì tôi cũng tìm ra!”. Như thế là tình yêu đã thắm thiết lắm (Nhà thơ Nhất Lâm thì cho rằng, vì chiến tranh nên họ đã cưới nhau đạm bạc ở Bích La, nên sống chung như thế?)

Nhờ lịch sử đất nước xui khiến, sau giải phóng miền Nam 1975, người viết bài này là bộ đội giải phóng miền Đông Nam Bộ, ra quân từ Sài Gòn, về Huế, làm việc trong ngành Thương nghiệp, lại ở cùng Văn phòng Công ty Thực phẩm nông sản Bình Trị Thiên với chị Lê Thị Như Phác, người vợ cũ của nhà thơ Dương Tường. Tôi làm tổ chức cán bộ, còn chị làm kế toán. Câu chuyện về cái chết của anh Dương Tường là một kỷ niệm đau đớn của đời chị. Nên nhiều lần tôi gặng hỏi, hay ai đó hỏi, chi bao giờ cũng bảo: “Chuyện lâu rồi, nhắc làm chi nữa”. Nhưng tôi tin chắc rằng, chị Phác cũng như bao nhiêu người vợ, người yêu của các chiến sĩ, không ai quên được tình yêu ban đầu, và vết xước trái tim không bao giờ thành sẹo!. Lần ấy, mùa hạ năm 1953, Dương Tường mang ba lô qua đò sông Thạch Hãn thì bị bọn Tây phục kích bắn chìm đò, anh hy sinh trên sông. Hồi đó cơ quan Ty tuyên truyền Văn nghệ Quảng Trị giải thích rằng anh có lệnh triệu tập lên chiến khu sớm, nên đã vội qua sông Thạch Hãn giữa ban ngày, bị địch phục kích chìm đò… nhưng cũng có một giả thuyết rất thuyết phục được đưa ra, mà nhà thơ Nhất Lâm bảo rằng đây là sự thật. Hôm 24/6/1953 ấy, Dương Tường - Như Phác đưa nhau về làng Cương Gián, Vĩnh Linh thăm gia đình, thăm chị Dương Thị Liền, trước khi về lại chiến khu. Hai người qua đò La Hẹ ở Triệu Giang, Triệu Trạch trên sông Cửa Việt (sông Thạch Hãn phía cửa biển). Qua được sông sẽ đi dọc biển về làng Cương Gián phía Nam Cửa Tùng, chỉ một đoạn đường gần chục cây số. Chuyến đò đông người, bọn Việt gian chỉ điểm, tên Tây phục kích bắt cho được Dương Tường. Chúng bắn như mưa về phía con đò. Người chết, người bị thương hoảng loạn. Dương Tường con trai làng biển nên bơi rất giỏi. Anh túm tóc đưa được một người con gái lên bờ, rồi lại lao ra sông tìm vợ, thế là trúng đạn. Còn chị Phác may mắn thoát chết. Xác Dương Tường trôi về Cửa Việt được bà con vớt lên. Vì nhà thơ Dương Tường rất thân thiết với bà con vùng này, nên họ nhận ra xác anh. Họ đứng ra nhận đây là xác con họ chết đuối không cho bọn Tây lấy xác. Rồi bà con Gio Hải làm võng khiêng xác anh ra làng Cương Gián. Dọc đường đi, dân làng ai cũng mở tấm đắp ra nhìn mặt, vĩnh biệt anh lần cuối…

4. Nhà thơ Dương Tường hy sinh năm 1953, thế mà mãi đến đầu năm 1992, tức bốn mươi năm sau, anh mới được Nhà nước truy tặng bằng Liệt sĩ, bởi vì không ai xác nhận “lý lịch”. Thôi thì trăm sự tại người. Sau này UBND xã Trung Giang, Gio Linh quê hương mới chủ động làm hồ sơ cho anh. Bằng Liết sĩ của nhà thơ Dương Tường từ ngày cấp, thờ tại nhà em ruột Dương Đắc Đáo ở Mỹ Tho, Tiền Giang. Viết lại câu chuyện về nhà thơ Dương Tường- người thủ lĩnh trẻ, năng nổ của Nhóm Văn nghệ Nguồn Hàn, Quảng Trị, tôi muốn nói đến một điều tâm huyết với thế hệ trẻ hôm nay: Có một nhà thơ trẻ là Dương Tường đã sống, chiến đấu và làm thơ ở chiến trường hết lòng như thế…



(Tạp chí Cửa Việt)
Nguồn: http://english.toquoc.gov.vn/

No comments: